Đăng bởi tôn tiền tử vào 15/12/2014 12:20
Có 1 người thích
Nổi danh trong giới sinh viên Hà Nội những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ XX) cả về thơ lẫn sự… lập dị, Nguyễn Vĩnh Tiến, khi đã ra đời lập nghiệp thành công với nghề chuyên môn: kiến trúc sư, còn đột ngột viết nhạc và cũng lập tức tạo được hiệu ứng tích cực.
Rong ruổi đó đây trong chuỗi ngày nghỉ phép tại quê nhà sau quãng thời gian dài làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Pháp, Nguyễn Vĩnh Tiến - nhà thơ - nhạc sĩ - kiến trúc sư luôn quay quắt, không phải vì thơ, vì nhạc mà là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Đâu là hình thái tất yếu của đô thị Việt Nam trong tương lai, lại phải đáp ứng được tối ưu tiêu chí: vừa “dân gian” vừa “đương đại”? Nguyễn Vĩnh Tiến đã chia sẻ với ANTG ngay trước khi anh lên máy bay quay lại nước Pháp.
PV: Nguyễn Vĩnh Tiến là một trường hợp lạ của đời sống văn nghệ đương đại. Làm thơ đã lâu và tạo dựng được dấu ấn riêng, đùng cái viết nhạc, cũng độc đáo.
Nhưng chuyên môn của anh lại là kiến trúc. Hàng ngày, anh thích được gọi tên mình kèm danh xưng nào: nhà thơ, nhạc sĩ, kiến trúc sư hay gộp vào tất cả?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Thường người ta hay gọi tôi là kiến trúc sư - nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, nghe dài dòng quá phải không? Sau này thêm cả học vị vào thì không biết sẽ dài như thế nào nữa (cười)? Nhưng rốt cuộc, cứ gọi tôi ngắn gọn và chuẩn với cái tên cha sinh mẹ đẻ là được, lại vừa khớp với chứng minh nhân dân… Cứ gọi tôi đơn giản là Nguyễn Vĩnh Tiến.
PV: Thơ và nhạc thì dễ hình dung rồi, còn trong cương vị kiến trúc sư, dấu ấn Nguyễn Vĩnh Tiến đã lưu lại ở những công trình nào?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi bước chân vào nghề với dấu ấn là quy hoạch các khu công nghiệp, rồi thiết kế nhà máy. Nhà máy kính nổi Viglacera là công trình đầu tiên tôi thực hiện với cương vị chủ trì kiến trúc một vài hạng mục đã đoạt giải nhất của Hiệp hội Tư vấn Việt Nam năm 2004. Rồi tiếp đó, toà nhà BMC ở Hà Tĩnh cao 16 tầng cũng là điểm nhấn quan trọng cho tỉnh hay khách sạn Touranne Đà Nẵng với những đường uốn lượn mềm mại bên bờ biển Mỹ Khê…
Tôi đang nghĩ đến một thể loại kiến trúc gọi là “dân gian đương đại”, giống như trong âm nhạc. Hai đại diện đã làm rất tốt và thậm chí gặt hái được khá nhiều giải thưởng quốc tế là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và Hoàng Thúc Hào với kiến trúc tre, rồi kiến trúc đất, kiến trúc sinh thái. Tuy nhiên, con đường của tôi sẽ khác các anh, các bạn ấy. Tôi thích sự chuyển động của đương đại, yếu tố dân gian chỉ chiếm tỉ trọng 10-20% mà thôi. Hãy chờ nhé, thông thường mỗi dự án kiến trúc thường dài hơi và khoảng 3-5 năm mới xong một dự án.
PV: Thơ và nhạc “dân gian đương đại” thì đã đành. Nhưng nghề kiến trúc, nhất lại là chuyên ngành “kiến trúc - quy hoạch”, tương ứng với văn minh, tiên tiến, khoa học mà cũng “dân gian đương đại” thì có vẻ mâu thuẫn, đối kháng nhỉ?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Quy hoạch và kiến trúc cũng rất cần “dân gian đương đại” đấy chứ. Bạn thử nghĩ xem, người xưa có câu: Đường là do người ta đi mãi mà thành. Năm 1994, khi 20 tuổi, tôi đã đoạt giải nhất VIFOTEC về nghiên cứu Kiến trúc cổ Việt Nam, đề tài này nghiên cứu rất kỹ đến các thể loại kiến trúc dân gian từ đình, đền, chùa, miếu, am… đến các phong tục tập quán và sự ảnh hưởng của chúng tới kiến trúc của người Việt. Sự mâu thuẫn - đối kháng giữa dương đại và dân gian không hề có nếu chúng ta có một cách chuyển hoá lấy văn hoá làm gốc. Tôi nghĩ, thái độ duy ý chí cần nhưng chưa đủ.
PV: Điện thoại, thấy anh nói lúc thì đang ở Thanh Hoá, Lạng Sơn, lúc lại một vùng miền xa xôi nào khác. Những chuyến đi này thuần tuý là đi chơi, du lịch, thực tế sáng tác hay một công việc từ thiện hữu ích?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi hay lam hay làm lắm. Những chuyến đi đến các địa phương vừa là công việc, vừa là tìm hiểu, kiểm nghiệm lý thuyết kiến trúc, quy hoạch mà tôi đang làm nghiên cứu sinh và cũng tâm huyết từ lâu, đó là Bản sắc đô thị và đô thị đa cực. Làm thế nào xây dựng được các nấc thang tiêu chí để nhận diện, đánh giá và nâng cao hơn nữa giá trị bản sắc kiến trúc của các vùng miền. Đô thị đa cực liệu có phải hình thái tất yếu của đô thị Việt Nam trong tương lai? Những công việc đó theo tôi trong những chặng đường dài. Ngoài ra, những việc khác như làm từ thiện hay sáng tác, tôi vẫn kết hợp khi có điều kiện.
PV: Lâu rồi không thấy anh giới thiệu rộng rãi các ca khúc mới của mình, trừ những dịp tụ hội với nhóm M6. Tuy nhiên, mới đây lại nghe nói Nguyễn Vĩnh Tiến có buổi ra mắt tác phẩm tận Ba Lan. Anh “âm mưu” mở rộng đối tượng khán giả hay chỉ do những xê dịch trong đời thường?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Về lĩnh vực âm nhạc, đúng là tôi có dự định “mở rộng địa bàn”, muốn giới thiệu tác phẩm của mình khắp châu Âu. Đầu tiên là Pháp, nơi tôi đang làm nghiên cứu sinh, tiếp đó là Ba Lan, Séc, Đức… Hình thức cũng đơn giản là những đêm nhạc, ở đó có một số ca khúc tôi sẽ trình bày song ngữ Việt - Pháp. Một số bài hát tôi sáng tác trực tiếp bằng tiếng Pháp hoặc chuyển ngữ sang tiếng Pháp và cùng với các bạn Pháp hiệu chỉnh rất công phu kỹ lưỡng. Làm sao để hát lên, người Pháp có thể hiểu, cảm được ý nghĩa của ca từ và đương nhiên, ngôn ngữ âm nhạc cũng phải thật thuyết phục.
Nhiều người cũng hỏi tôi về chuyện ra album Vol 3 (Vol 1 là Giọt sương bay lên với 7 ca khúc, Vol 2 là Ngồi trên vách nắng với 8 ca khúc), tuy nhiên tôi nghĩ năm 2015, khi trở về Việt Nam may ra mới có đủ thời gian để tiếp tục làm Vol 3 được. Chắc chắn sẽ có nhiều ca khúc mới lạ.
PV: Những tìm tòi làm mới của anh và các thành viên nhóm M6 dường như vẫn chỉ là cuộc chơi, cách chơi sang chứ chưa tác động hữu hiệu đến đời sống âm nhạc, ví dụ góp sức đẩy lùi bớt các “thảm hoạ” nhạc Việt mà dư luận vẫn lên tiếng. Điều này anh có thấy là hơi đáng tiếc không?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Thảm hoạ sinh ra khi đời sống văn hoá bị xói mòn, các giá trị đích thực bị nổi trôi cùng với những giá trị ảo. M6 với phương châm sáng tác hướng tới những ca khúc đẹp đẽ cả về lời ca, ý nghĩa đến giai điệu và kết hợp với cả những ca sĩ Pháp, Hà Lan… Với những kết quả tuy còn khiêm tốn của nhóm, nhưng chúng tôi tin, những giá trị đích thực luôn có chỗ đứng trong trái tim khán thính giả.
Hiện nay, M6 gồm: Ngô Tự Lập, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Nguyễn Thắng và Ngô Hồng Quang, mỗi người đều có sở trường riêng. Chúng tôi đã ra đời 2 album: Hà Nội 36 phố và Những đường bay. Câu trả lời nằm chính trong những tác phẩm, vì vậy, mong mọi người hãy tìm nghe 2 album này. Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng ra đời album Vol 3 với sự đóng góp tác phẩm của một thành viên mới nhất, đó là nhạc sĩ Giáng Son. Giáng Son chính là tác giả các ca khúc Giấc mơ trưa và Chút nắng vàng bay với phần soạn lời của tôi.
PV: Công chúng, những người yêu mến Nguyễn Vĩnh Tiến hiện đang rất mơ hồ về công việc và cuộc sống riêng của anh?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi là một kiến trúc sư nay đây mai đó, theo chân các dự án. Người ta gọi tôi là chàng kiến trúc sư lãng tử với cây đàn guitar (cười). Còn cuộc sống riêng, tôi đã lập gia đình và có hai con gái, một con trai. Nhờ có vợ biết quản gia mà tôi có thể theo đuổi được những dự án dài hơi, cả những đề tài nghiên cứu của mình nữa.
PV: Anh vốn được đào tạo bài bản, sẵn có cơ hội “Tây học”, bây giờ vẫn đang tiếp tục học lên. Chả nhẽ anh cứ học, học nữa, học mãi trong khi đã đến quãng đời rút ruột nhả tơ, cống hiến bằng thực tiễn?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Một đề tài tiến sĩ ở Pháp về kiến trúc - quy hoạch thường rất khó và phải hy sinh một quãng thời gian khá dài (4-5 năm). Các giáo sư Pháp rất thích đề tài của tôi và trong những lần về nghỉ phép ở Việt Nam, tôi cũng cố gắng tận dụng tối đa thời gian để đi tìm những tư liệu nghiên cứu. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật bên lề cũng không chiếm nhiều quỹ thời gian mà ngược lại, còn giúp tôi có những hướng tiếp cận phong phú hơn cho giả thiết khoa học của mình. Tôi cũng sốt ruột lắm, chỉ mong học hành xong là chóng về Việt Nam in sách rồi tham gia các dự án thực tiễn để áp dụng lý thuyết kiến trúc vào các vùng miền khác nhau trên mọi miền đất nước.
PV: Có một lời mời lương cao, đãi ngộ hậu hĩnh, anh sẽ chấp nhận ở lại trời Tây sống và làm việc rồi chọn Việt Nam làm chốn đi về trong những dịp nghỉ lễ dài ngày?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Quả thật là đối với nhiều bạn trẻ “Tây học”, các bạn ấy đã ở lại nước ngoài với một mức lương và đãi ngộ tốt hơn. Tôi cũng đã trò chuyện và thuyết phục một số bạn. Trong trường hợp của tôi thì dứt khoát là tôi sẽ trở về. Việt Nam là khí quyển của tôi.
PV: Nếu có 1 trong 3 điều ước, anh chọn gì: Một công trình được tôn vinh tuyệt tác kiến trúc do anh chủ trì; một tập thơ làm thay đổi diện mạo thơ Việt; một album nhạc tập hợp những bài hát “còn mãi với thời gian” được chính anh thai nghén, ấp ủ?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Chỉ có 1 trong 3 điều ước ấy thì tôi sẽ xin chọn một điều ước khác, đó là trời đất cho tôi sức khoẻ và trí tuệ để được cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước, quê hương và gia đình.
PV: Hẹn sớm gặp lại anh ở quê nhà với những dự án được hiện thực hoá...
Nguyễn Vĩnh Tiến tuổi Giáp Dần, sinh ngày 28/12/1974 tại Phú Thọ, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1996 và cao học Pháp ngữ chuyên ngành “Thiết kế đô thị với di sản và phát triển bền vững” (Toulouse - Hà Nội 2001 - 2004) do Bộ Văn hoá Pháp cấp học bổng năm 2003. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, Nguyễn Vĩnh Tiến tiếp tục làm nghiên cứu sinh cũng tại Cộng hoà Pháp với đề tài nghiên cứu “Bản sắc đô thị và đô thị đa cực”. Hiện anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kiến trúc và thương mại Việt - Pháp (T-group), là thành viên của nhóm sáng tác âm nhạc M6.
Nguyễn Vĩnh Tiến làm thơ, gây được dấu ấn ngay từ thời sinh viên với bút danh Tiểu Tuyền Thư. Sau khi xuất hiện với tư thế người viết nhạc từ năm 2005 bằng ca khúc “Bà tôi” được giải Bài hát Việt, Nguyễn Vĩnh Tiến đã ghi tên mình vào dòng nhạc dân gian đương đại trở thành một trào lưu sáng tác được ưa chuộng. Cho tới nay Nguyễn Vĩnh Tiến đã phát hành 2 album: “Giọt sương bay lên” và “Ngồi trên vách nắng” được công chúng hồ hởi đón nhận.