清虛洞記

賢達者之出處,其動也以天,其樂也以天。天者何?一至清虛至大而已。四時成歲而不顯其功,萬物蒙恩而不顯其蹟。非至清至虛至大者,疇若是乎?

我冰壼相公以天鍾岳降之才,蓍蔡皇謨,棟梁宗社。頃遭大定之變,有清內難之功。靜倒懸於國脈線髮之際,任獨力於邦基臲卼之日。是乃乾坤締造之一初也,非動以天者能若是乎?及其昏亂之蹟息,仁義之效白,王業金甌,國家盤石,然後留侯,晉公之志,始浩然而不可遏,是又明哲保身之一機也,非樂以天者又能若是乎?

於是乃奏乞崑山荒閒之地一區,規為退休之舍。二帝嘉其功,而志勿之奪,俯以徇之。爰相厥宜,審度形勢。一鼓牛飲,萬夫蟻集,斲幽刈醫,鏟巉斧巇。於是玉渫者灑,榛薄者闢,役徒具材,登陾洛繹。不閱月而椓築鏝飭之工畢濟,高者窿如,卑者皓如,晞遙青,圈奇圍秀,凡憩息觀遊之名稱不一,而總則曰清虛洞焉。

既成,睿宗皇帝親勒碑,額之洞顏。太上皇帝親製碑銘,勒于岩陰,皆所以旌勳舊,示勸獎也。公朝之退,匹馬嘉林,扁舟平灘。攜謝傅遊山之朋,歌陶潛歸去之辭。幅巾倘佯以登乎岩之上。岫煙島霞,錦蟠綺舒,林荑澗葩,綠翻紅駭。涼可漪,劉可掬,芳可嚥,秀可餐。凡所謂清冷之狀,營營之聲,悠悠而虛,淵然而靜,與耳目心神謀者,蓋已與溟涬太虛接而遊乎萬物之表。噫!宇宙中間,造物者設如此之境以待夫人者亦多矣。然而成功之會,若發縱指示之蕭何,且械繫焉;椒房至親之馬援,猶謗毀焉,豈成功而不能退休者歟?至若十上丐章之永叔,而思穎之志未償,一年半病之溫公,而思洛之心莫遂,豈退休亦有待而難必者歟?

今我相公,其始也天既以功名之會付之,其終也天又以泉石之趣委之,無成功不退之嫌,無退休難必之歎。是其出與處,動與樂,皆以天也。顧歉於造物有以待之之意耶?若夫大臣一身進退繫國輕重,則君子固有終身之懮,非若鄙夫之事君者,既患得又患失,其得也,售諛獻佞,無所不為;其失也,艴然遠去,心懷怏怏。此烏足置齒於賢達出處之論耶?

嗚呼!乾坤之光霽難常,豪杰之經綸有會。安得溯紫清,沖碧虛以從遊於造物之所遇耶?

昌符八年甲子腊月,蘂溪阮飛卿記。

 

Thanh Hư động ký

Hiền đạt giả chi xuất xử, kỳ động giả dĩ thiên, kỳ lạc dã dĩ thiên. Thiên giả hà? Nhất chí thanh hư chí đại nhi dĩ. Tứ thời thành tuế nhi bất hiển kỳ công, vạn vật mông ân nhi bất hiển kỳ tích. Phi chí thanh chí hư chí đại giả, trù nhược thị hồ?

Ngã Băng Hồ tướng công dĩ thiên chung nhạc giáng chi tài, thi thái hoàng mô, đống lương tông xã. Khoảnh tao Đại Định chi biến, hữu thanh nội nạn chi công. Tĩnh đảo huyền ư quốc mạch tuyến phát chi tế, nhậm độc lực ư bang cơ niết ngột chi nhật. Thị nãi càn khôn đế tạo chi nhất sơ dã, phi động dĩ thiên giả năng nhược thị hồ? Cập kỳ hôn loạn chi tích tức, nhân nghĩa chi hiệu bạch, vương nghiệp kim âu, quốc gia bàn thạch, nhiên hậu Lưu Hầu, tấn Công chi chí, thuỷ hạo nhiên nhi bất khả át, thị hựu minh triết bảo thân chi nhất cơ dã, phi lạc dĩ thiên giả hựu năng nhược thị hồ?

Ư thị nãi tấu khất Côn Sơn hoang nhàn chi địa nhất khu, Quy vi thoái hưu chi xá. Nhị đế gia kỳ công, nhi chí vật chi đoạt, phủ dĩ tuẫn chi. Viên tướng quyết nghi, thẩm đạc hình thế. Nhất cổ ngưu ẩm, vạn phu nghĩ tập, trác u nghệ ế, sạn sàm phủ hy. Ư thị ngọc tiết giả sái, trăn bạc giả tịch, dịch đồ cụ tài, đăng nhưng lạc dịch. Bất duyệt nguyệt nhi trác trúc man sức chi công tất tế, cao giả lung như, ty giả hạo như, hy dao thanh, khuyên kỳ vi tú, phàm khế tức quan du chi danh xưng bất nhất, nhi tổng tắc viết “Thanh Hư động” yên.

Ký thành, Duệ Tông hoàng đế thân lặc bi, ngạch chi động nhan. Thái thượng hoàng đế thân chế bi minh, lặc vu nham âm, giai sở dĩ tinh huân cựu, thị khuyến tưởng dã. Công triều chi thoái, thất mã Gia Lâm, biển châu Bình Than. Huề Tạ Phó du sơn chi bằng, ca Đào Tiềm “Qui khứ chi từ”. Bức cân thảng dương dĩ đăng hồ nham chi thượng. Tụ yên đảo hà, cẩm bàn ỷ thư; lâm di giản ba, lục phiên hồng hãi. Lương khả y, lưu khả cúc, phương khả yến, tú khả xan. Phàm sở vị thanh lãnh chi trạng, dinh dinh chi thanh, du du nhi hư, uyên nhiên nhi tĩnh, dữ nhĩ mục tâm thần mưu giả, cái dĩ dữ minh hãnh thái hư tiếp nhi du hồ vạn vật chi biểu. Y! Vũ trụ trung gian, tạo vật giả thiết như thử chi cảnh dĩ đãi phù nhân giả diệc đa hĩ. Nhiên nhi thành công chi hội, nhược phát túng chỉ thị chi Tiêu Hà, thả giới hệ yên; tiêu phòng chí thân chi Mã Viện, do báng huỷ yên, khởi thành công nhi bất năng thoái hưu giả dư? Chí nhược thập thượng cái chương chi Vĩnh Thúc, nhi tư Dĩnh chi chí vị thường, nhất niên bán bệnh chi Ôn Công, nhi tư Lạc chi tâm mạc toại, khởi thoái hưu diệc hữu đãi nhi nan tất giả dư?

Kim ngã Tướng công, kỳ thuỷ dã thiên ký dĩ công danh chi hội phó chi; kỳ chung dã thiên hựu dĩ tuyền thạch chi thú uỷ chi, vô thành công bất thoái chi hiềm, vô thoái hưu nan tất chi thán. Thị kỳ xuất dữ xử, động dữ lạc, giai dĩ thiên dã. Cố khiểm ư tạo vật hữu dĩ đãi chi chi ý da? Nhược phù đại thần nhất thân tiến thoái hệ quốc khinh trọng, tắc quân tử cố hữu chung thân chi ưu, phi nhược bỉ phu chi sự quân giả, ký hoạn đắc hựu hoạn thất, kỳ đắc dã, thụ du hiến nịnh, vô sở bất vi; kỳ thất dã, phật nhiên viễn khứ, tâm hoài ưởng ưởng. Thử ô túc trí xỉ ư hiền đạt xuất xử chi luận da?

Ô hô! Càn khôn chi quang tễ nan thường, hào kiệt chi kinh luân hữu hội. An đắc tố tử thanh, xung bích hư dĩ tòng du ư tạo vật chi sở ngộ da?

Xương Phù bát niên Giáp Tý lạp nguyệt, Nhị Khê Nguyễn Phi Khanh ký.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Lê Sáng

Trong việc "xuất", "xử" của kẻ hiền đạt, thì "xuất" là để hành động theo lẽ trời, "xử" là để tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Trời là gì? Là cái chí thanh chí hư, chí đại đó thôi! Bốn mùa thành năm mà không tỏ ra có công, vạn vật chịu ơn mà không lộ rõ dấu vết. Không phải trời là chí thanh, chí hư, chí đại, thì đâu được như thế?

Tướng công Băng Hồ của ta, lấy cái tài trời xây núi dựng để quyết định mưu lược cho nhà vua, làm rường cột cho tông xã. Khi xảy ra cuộc biến Đại Định. Người đã có công dẹp yên nội loạn. Trong lúc vận nước đương như treo trên sợi tóc, Người một mình gánh vác công việc của những ngày nước nhà điêu đứng vậy. Đó chính là buổi đầu của sự xây dựng trời đất. Nếu không phải Người đã hành động theo lẽ trời thì có thể làm được như thế chăng? Đến khi tình hình hỗn loạn đã được dập tắt, hiệu quả của việc nhân, nghĩa đã tỏ rõ, vương nghiệp đã vững như âu vàng, nước nhà đã yên như bàn thạch, thì cái chí của Lưu Hầu, Tấn Công mới mạnh mẽ không có gì ngăn cản được Người nữa, đây lại là một việc để tỏ rõ sự sáng suốt của Người để giữ mình vậy. Nếu không phải Người biết tìm thú yên vui theo lẽ trời, lại có thể như thế được chăng?

Bấy giờ Người mới tâu xin một khu đất hoang ở Côn Sơn, sắp đặt cất một ngôi nhà để làm nơi lui về nghỉ ngơi. Hai đức vua khen ngợi công lao trước đây của tướng công, không ép buộc cái chí của Người, vì vậy thể theo với ý của Người. Người bèn tìm nơi thích hợp, xem xét hình thế. Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là suối nguồn được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch, phu thợ đủ các nghề, xây đắp không nghỉ. Chưa đầy một tháng mà việc dựng cột, xây tường đều xong, chỗ cao khoáng khoát, chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một mầu xanh, khu động vây bọc những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có đặt tên riêng, nhưng tất cả khu đó được gọi chung là "Thanh Hư động".

Sau khi làm xong, đức vua Duệ Tông tự tay làm bài bia, khắc vào trước cửa động. Đức Thái Thượng hoàng tự tay làm bài minh, khắc dưới lèn đá, ý đều là để nêu công lớn trước đây của Người, và cũng là để tỏ sự khuyến khích và khen ngợi Người vậy. Sau khi Người từ giã triều đình lui về nghỉ ngơi ở đây, Có khi rong ngựa chơi vùng Gia Lâm, có khi chèo thuyền dạo miền Bình Than. Hoặc có lúc cùng bạn như Tạ Phó đi chơi núi, hoặc có lúc hát bài từ "Qui khứ" của Đào Tiềm. Đầu bịt chiếc khăn, lững thững bên đèo. Khói ngàn, ráng đỏ, như gấm cuốn, như lụa giăng; cỏ rừng, hoa suối, hoặc mầu biếc đung đưa, hoặc mầu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu, trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là trong mát, tiếng vi vu, xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ, hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần, đều hầu như đã hoà với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật. Ôi! Trong vũ trụ, tạo hoá bày ra những cảnh như thế để chờ đợi người cũng nhiều. Nhưng dịp thành công, như Tiêu Hà là người chỉ huy có tài còn bị cùm trói; Mã Viện là người có mối chí thân nơi tiêu phòng còn bị dèm pha, đó chẳng phải là họ làm nên công trạng, mà không biết con đường lui đó ư?

Đến như Vĩnh Thúc mười lần dâng xớ xin nghỉ, mà chí nhớ đất Dĩnh chưa thoả, Ôn Công một năm ốm đến sáu tháng, mà lòng nhớ đất Lạc không nguôi, đó chẳng phải việc lui về nghỉ ngơi cũng có khi phải chờ đợi mà khó được đó ư?

Nay tướng công ta, lúc đầu trời đã giúp cho cái hội công danh; về sau lại dành cho cái thú sơn thuỷ, khỏi được tiếng thành công mà không biết đường lui, khỏi cái nỗi phải thở than vì lui về không được. Ấy là khi "xuất" với "xử", khi "động" với "lạc" đều là theo lẽ trời. Vậy còn phàn nàn gì về cái ý tạo vật đã đãi người? Ôi! Thân phận một kẻ đại thần, khi tiến, khi lui, đều có quan hệ với vận mệnh của nước nhà, cho nên người quân tử vẫn ôm mối lo suốt đời, nào phải như kẻ bỉ phu thờ vua, đã lo được lại lo mất, khi được thì a dua, nịnh hót, chẳng việc gì là chẳng làm; khi mất thì hất hủi bỏ đi, trong lòng hậm hực. Như vậy, sao đáng cùng họ mà bàn việc "xuất" và "xử" của người hiền đạt được?

Than ôi! Trời đất quang tạnh khó lường; hào kiệt kinh luân có hội. Ước gì bay bổng lên giữa khoảng trời trong mát, xanh biếc kia để cùng vui chơi ở chỗ mà tạo hoá đã sắp đặt để chờ Người?

Tháng chạp năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ tám (1384), Nhị Khê Nguyễn Phi Khanh ghi.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đào Văn Nghi

Đối với việc “Xuất” và “xử” của người có đức hạnh tài năng, thì hành động theo lẽ trời, vui thú cũng theo lẽ trời. Trời là gỉ? Là sự trong sạch, là cái hư không, là sự lớn lao đó thôi. Bốn mùa gộp lại thành năm mà chẳng tỏ ra là có công, vạn vật chịu ơn mà chẳng lộ ra dấu vết. Không phải Trời là sự trong sạch, là cái hư không, là sự lớn lao, mà lại được như vậy sao?

Tướng công Băng Hồ nhà ta, lấy cái tài trời ban núi tặng để quyết định mưu lược cho nhà vua, làm xà cột cho Tổ tông đền miếu. Khi biến cố Đại Định xảy ra, Người đã có công dẹp yên nội loạn. Trong lúc vận nước đang như treo trên sợi tóc, Một mình gánh vác công việc nước nhà trong những ngày điêu đứng. Đấy chính là buổi đầu tạo dựng nên trời đất. Nếu không phải hành động theo lẽ trời, thì có thể làm được như vậy chăng? Đến khi loạn đã dẹp yên, việc nhân nghĩa đã sáng tỏ, Nghiệp đế đầy như âu vàng, Nước nhà vững như bàn đá, thì cái chí của Lưu Hầu, Tấn Công mới mạnh mẽ không gì ngăn cản được, đây lại là một việc làm tỏ rõ sự sáng suốt của Người để giữ mình vậy. Nếu không phải biết tìm thú vui theo lẽ Trời thì lại có thể được như thế chăng?

Lúc bấy giờ bèn tấu xin một khoảng đất hoang ở Côn Sơn,
Sắp xếp làm một căn nhà để về đó nghỉ ngơi. Hai đời vua khen ngợi công lao, không ép buộc cái chí của Người. Thuận theo ý ấy, bèn tìm nơi thích hợp, xem xét địa hình.
Một tiếng trống gọi, muôn người đông như kiến hợp lại, Phạt bụi dọn cỏ, san đồi bạt núi lấp hang. Khi ấy, suối nguồn được khơi thông, cỏ cây được dọn sạch, Phu thợ tài giỏi đủ các nghề, xây đắp không ngừng nghỉ, chưa đầy một tháng mà việc xây cất trang trí đều xong, Chỗ cao thoáng đãng, chỗ thấp bằng phẳng sạch sẽ, sớm ra xa trông chỉ thấy một màu xanh, xung quanh bao bọc cảnh quan tươi đẹp diệu kỳ, nói chung các nơi nghỉ ngơi, chơi ngắm đều có đặt tên gọi riêng, nhưng toàn bộ khu đó gọi chung là “Thanh Hư động”.

Khi đã làm xong, Đức vua Duệ Tông tự tay làm văn bia, khắc lên trước mặt động. Đức Thái Thượng Hoàng tự tay làm bài minh bia, tạc vào dưới lèn đá, ý là để tuyên dương công trạng trước đây, và cũng là để tỏ sự khuyến khích ngợi khen Người vậy. Sau khi Cụ từ giã triều đình lui về, lúc thì ruổi ngựa vùng Gia Lâm, khi lại lướt thuyền ở chốn Bình Than. Hoặc cùng bạn Tạ Phó đi chơi núi Sáng, hoặc ca bài từ “Đã trở về” của Đào Tiềm. Tấm khăn che đầu, thong thả lên đèo, khói vờn đỉnh núi, ráng phủ cù lao, như gấm cuốn lụa giăng, như cỏ rừng hoa suối, phấp phới màu xanh, lạ lùng màu đỏ. Sóng lăn tăn dịu mát, tưởng có thể cầm lấy được, thơm thì muốn nuốt, đẹp lại muốn ăn. Thường thì những cái gọi là trong mát, những tiếng vi vu, xa xa mà trống rỗng, thăm thẳm mà lặng yên, hợp với sự mong muốn của tai mắt và tinh thần, tất cả như đã hoà với khoảng không mênh mông mà rong chơi ra ngoài vạn vật. Chao ôi! Từ xưa tới nay giữa khoảng không gian này, tạo hoá bày ra những cảnh vật như thế để tiếp đãi con người đã nhiều. Nhưng rồi những việc thành công, Như là Tiêu Hà là người có tài còn bị đào bới, dập vùi; Mã Viện là người có mối chí thân nơi tiêu phòng còn bị mỉa mai. Đó chẳng phải là đã làm nên công trạng, mà không biết tìm con đường lui đó sao? Đến như là Vĩnh Thúc mười lần dâng sớ cầu xin được nghỉ, mà cái chí nhớ đến đất Dĩnh vẫn còn chưa thoả, Ôn Công một năm ốm đến cả nửa mà nỗi nhớ miền sông Lạc không được thoả lòng. Đó chẳng phải viêc lui về nghỉ ngơi cũng có khi phải chờ đợi, khó khăn đó sao?

Nay tướng công ta, lúc đầu Trời đã giúp cho cái hội công danh, Về sau Trời lại ban cho cái thú vui sơn thuỷ, tránh được cái tiếng thành công mà chẳng biết đường lui, khỏi cái nỗi phải thở than là muốn lui về mà không được. Chính là khi “xuất” với “xử”, “động” với ‘lạc” đều theo lẽ Trời cả. Vậy còn phàn nàn chi cái ý của tạo vật đã đãi ngộ người? Như thân phận một kẻ đại thần, khi tiến khi lui, lúc khinh lúc trọng, đều có quan hệ với vận mệnh nước nhà. Bởi thế người quân tử vẫn ôm mối lo suốt đời, đâu như kẻ hèn hạ thờ vua, đã lo được lại lo mất, Khi được thì a dua nịnh hót, chẳng việc gì mà chẳng làm; Khi mất thì hậm hực bỏ đi, trong lòng ấm ức. Như vây thì sao đáng mà bàn việc “xuất” và “xử” của người tài đức được?

Than ôi! Trời đất quang tạnh khó lường, Người giỏi kinh luân có hội, Được yên ổn mà bay lên khoảng trời xanh trong mát kia để gặp gỡ vui chơi ở chỗ mà tạo hoá sắp đặt ra để chờ người?

Niên hiệu Xương Phù thứ tám, năm Giáp Tý, tháng chạp. Nhị Khê Nguyễn Phi Khanh viết.

Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời