Tuyển tập chung

Đăng bởi Vanachi vào 09/06/2004 15:37, đã sửa 3 lần, lần cuối bởi karizebato vào 07/09/2009 23:44

Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh.

Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi,
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

Có gì đâu, có gì đâu,
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều.
Rễ siêng không ngại đất nghèo,
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu,
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh,
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.

Bão bùng thân bọc lấy thân,
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.
Thương nhau tre không ở riêng,
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.
Chẳng may thân gãy cành rơi,
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.
Nòi tre đâu chịu mọc cong,
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương,
Có manh áo cộc tre nhường cho con.

Măng non là búp măng non,
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi,
Tre già măng mọc có gì lạ đâu.

Mai sau,
Mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.


1970-1972

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (13 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài thơ “Tre Việt Nam”

Tre Việt Nam là bài thơ kiệt tác của Nguyễn Duy được nhiều người yêu thích. Đây là một phần tiêu biểu của bài thơ ấy. Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát; trong đó câu lục đầu bài thơ được cắt thành hai dòng (2+4) và câu lục cuối bài được cắt thành ba dòng (2+2+2). Lời thơ mượt mà, có nhiều hình ảnh đẹp, giọng thơ du dương truyền cảm.

Ba dòng thơ đầu, nhà thơ ngạc nhiên hỏi về màu xanh của tre, liên tưởng đến “chuyện ngày xưa” - chuyện người anh hùng làng Gióng dùng gộc tre đánh đuổi giặc Ân. Qua đó, tác giả thể hiện rất hay sự gắn bó lâu đời giữa cây tre với đất nước và con người Việt Nam:

Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh.
Cây tre được nhân hoá, tượng trưng cho bao phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Cây tre, luỹ tre tượng trưng cho tình thương yêu đồng loại, tinh thần đoàn kết dân tộc để vượt qua bão bùng, để làm nên luỹ thành bền vững:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm.
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.
Nguyễn Duy có nhiều cách sáng tạo hình ảnh về cây tre, măng tre để thể hiện tính ngay thẳng, tinh thần bất khuất của nhân dân ta:
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
hay:
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lự thường.
hay:
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Cây tre được nhân hoá, tượng trưng cho đức hi sinh, tình thương con bao la của người mẹ hiền:
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.
“Tre già măng mọc” là sự thật, là niềm tin về tuổi thơ, về thế hệ tương lai.

Ba chữ “xanh” trong câu cuối bài thơ cho thấy cách viết rất tài hoa của Nguyễn Duy khi ca ngợi vẻ đẹp của cây tre, ca ngợi cảnh sắc làng quê đất nước bền vững trong dòng chảy thời gian đến muôn đời mai sau:
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
Đọc bài thơ Tre Việt Nam, ta yêu thêm cây tre, luỹ tre, yêu thêm vẻ đẹp quê hương đất nước, ta thêm tự hào về bao phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

1304.22
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bài thơ hình như còn nhju chỗ sai

Theo mình nghĩ bản đúng của bài thơ do tác giả viết phải như thế này:
Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu

Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre kia không ngại khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay vin tay níu tre gần nhau thêm

Thương nhau tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người
Cho dù thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con

Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng, thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
mai sau,
mai sau...
Đất xanh, tre mãi xanh màu tre xanh!
Mong được sự chấp nhận của ban điều hành để mình có thể sửa và đính chính lạ đúng bản gốc của bài thơ

1464.17
Trả lời
Ảnh đại diện

Phát biểu cảm nghĩ về bài “Tre Việt Nam”

Cây tre là một trong những loài cây quen thuộc đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân Việt Nam. Không chỉ vậy, từ vai trò, công dụng cũng như đặc tính tốt đẹp của cây tre là tre đã trở thành một biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự kiên cường, bất khuất của nhân dân, con người Việt Nam. Viết về biểu tượng cây tre, nhà thơ Nguyễn Duy đã viết nên những dòng thơ gây xúc động đến người đọc, đó chính là bài thơ Tre Việt Nam.

Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa...đã có bờ tre xanh
Mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Duy đã thể hiện sự băn khoăn chưa có lời giải đáp về nguồn gốc cũng như thời điểm xuất hiện của cây tre. Trong những câu chuyện của bà, trong những lời ca dao đầy thiết tha của mẹ,hẳn trong chúng ta ai cũng từng biết đến cây tre. Nhưng, cây tre ra đời như thế nào, có xuất xứ ra sao thì không ai biết, chỉ biết một cách mơ hồ, ước lượng rằng tre ra đời từ rất lâu rồi. Đúng như nhà thơ Nguyễn Duy thể hiện sự cảm than “Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh”.
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đá vôi bạc màu
Cây tre là loài cây có thân nhỏ, mọc thẳng, một cây tre trưởng thành có thể cao từ năm đến bảy mét. Lá tre mỏng và dài. Từ những đặc điểm của cây tre, tác giả Nguyễn Duy thể hiện sự xúc động khi hình dáng mỏng manh của cây tre vẫn vươn lên tươi tốt, vẫn có thể thành luỹ, nên thành. Tre có thể sống ở mọi địa hình, ngay cả đất đai cằn cỗi là sỏi đá tre vẫn vươn lên xanh tốt “Cho dù đất sỏi, đá vôi bạc màu”. Từ đặc tính sinh sôi mạnh mẽ, mãnh liệt của cây tre, tác giả gợi cho người đọc hình dung về chính con người Việt Nam, đó chính là những người có khả năng thích nghi cao, có khả năng chinh phục những hoàn cảnh khó khăn để sinh tồn, phát triển.
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Lí giải cho sự kiên cường, cho sức sống mãnh liệt của cây tre, Nguyễn Duy đã minh giải bằng chính sự cần cù, chân chất của tre. Tre không ngại đất nghèo “Rễ siêng không ngại đất nghèo”, sự cần cù của tre được tác giả điển hình hoá bằng những chum rễ vững chắc của tre ăn sâu vào đất “Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”.
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người
Tre không chỉ là biểu tượng của sức sống bền bỉ, của sự kiên cường mà cây tre còn là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó.Từ đặc tính sinh học của cây tre là thường mọc thành luỹ, thành khóm nên dù thân tre mong manh nhưng không có một cơn bão, trận giông tố nào có thể quật ngã chúng. Trong sự miêu tả của Nguyễn Duy, những cây tre ôm ấp, bao bọc lấy nhau khi trời có bão bùng “Bão bùng thân bọc lấy thân”, những cây tre dựa vào nhau để không bị quật ngã và trong cái nhìn đầy thi vị của nhà thơ, tre như ôm tay níu để gần nhau hơn. Vì thương nhau mà tre không mọc riêng, đó cũng là cách nhà thơ lí giải nguyên nhân tre thường hay mọc thành khóm.
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như trông lạ thường
Cây tre thường mọc thẳng, đâm cao lên bầu trời, thân tre tuy mỏng manh nhưng thực chất nó lại vô cùng cứng cáp. Ngay cả khi tre bị gãy thì nó cũng không hề lụi tàn, biến mất mà nơi cây tre ngã xuống ấy, những mầm của măng sẽ mọc lên. Trong ca dao cũng có câu nói về sự phát triển nối tiếp của tre, đó là “tre già măng mọc”. Những cây tre từ khi còn là những búp măng yếu ớt thì lúc nào cũng vươn thẳng, không chịu mọc cong. Đây là một đặc trưng tiêu biểu của loài tre, và cũng từ đặc trưng ấy mà nó đã trở thành biểu tượng cho con người Việt Nam, cho đức tính ngay thẳng, không chịu luồn cúi của những người Việt Nam.

Như vậy, viết về cây tre nhưng thực chất, tác giả Nguyễn Duy đã khát quát thành biểu tượng về con người Việt Nam với những đức tính tốt đẹp: kiên cường, đoàn kết, ngay thẳng, không chịu luồn cúi dù trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách nhất.

734.08
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

thảo luận thêm

Theo trí nhớ của mình thì một số câu đúng như xuandieu_tk21 đã nêu:
Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu
Rễ siêng không quản đất nghèo
có manh áo cộc tre nhường cho con

"Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre kia không chịu khuất mình bóng râm".
Mình nhớ không nhầm thì phải là từ chịu. Hợp logic câu trên và thể hiện rõ khí phách, phương châm sống và sự ngay thẳng không cúi luồn

Tượng Thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
543.41
Trả lời
Ảnh đại diện

Về độ chính xác.

Em nhớ học sgk lớp 4, lớp 5 gì đó thì ghi là "Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm".

Còn "Rễ siêng không ngại đất nghèo" thì theo em là đúng rồi.

Nói chung ai quen nhà thơ thì hỏi luôn cho tiện vậy.

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say
623.66
Trả lời
Ảnh đại diện

Tre Việt Nam

Câu đó chính xác như trí nhớ của PVCT. BN thích và nhớ bài này từ khi học lớp 4 (thuộc nhưng không nhớ chính xác câu chữ)

TRE VIỆT NAM
Tác giả: Nguyễn Duy
(Nguồn: tuyển tập thơ Nguyễn Duy)

Tre xanh xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh...
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao lên lũy lên thành tre ơi!
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đá vôi bạc màu
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ, trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà lên hỡi người!
Chẳng may thân gãy, cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường!
Lưng trần phơi nắng, phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già, măng mọc có gì lạ đâu!
Mai sau, mai sau, mai sau...
Đất xanh xanh mãi xanh màu tre xanh!

Tượng Thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
633.43
Trả lời
Ảnh đại diện

Tre là Việt Nam

Vì tre là Việt Nam.
Bài thơ này thật xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất của Việt Nam. May mắn là tôi đã được đọc và học. Mặc dù đã qua bao năm tháng nhưng bài thơ vẫn còn đọc lại trong tôi cái cảm giác khó tả mỗi lần đọc lại.
Cám ơn Nguyễn Duy.
Chỉ tiếc rằng, đất trồng tre ngày nay đang bị ít dần do quá trình phát triển của đất nước, tiếc thật. Tiếc một ngày nào đó, trẻ em chỉ còn thấy hình ảnh cây tre qua những câu thơ, bài văn, qua lời kể của ông bà, bố mẹ... Và còn nhiều điều nữa....

-HĐG-
643.27
Trả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Tre Việt Nam”

Nhắc đến Nguyễn Duy ta thường nhớ đến bài thơ Ánh trăng thế nhưng ngoài bài thơ ấy Nguyễn Duy còn mang đến cho chúng ta một bài thơ hay không kém và đặc biệt nó còn có ý nghĩa nói đến nhân dân ta. Đó chính là bai thơ Tre Việt Nam. Nói về hình ảnh làng quê của đất nước ta không thể thiếu được hình bóng của những cây tre cao vút, mọc thành khóm thành cụm bên nhau. Bài thơ là những nét về cây tre ấy nhưng đồng thời nó thể hiện cho phẩm chất vẻ đẹp của con người Việt Nam ta.

Nhà thơ bắt đầu bằng hai từ tre xanh. Và tiếp đến là câu hỏi cây tre xanh ấy có từ bao giờ:

Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Hai tiếng tre xanh gợi lên cho những con người Việt Nam chúng ta một cảm xúc vô cùng bâng khuâng chạnh lòng mà nhớ đến những huyền thoại bên cạnh những cây tre ấy. Nhà thơ hỏi tre có tự bao giờ và trả lời bằng câu có từ ngày xưa rất xưa rồi. Cách mở đầu đi thẳng vào hình ảnh tre xanh đã làm hấp dẫn người đọc bởi vì tre xanh đối với nước ta mà nói quả thật là thứ cây đại diện cho những chiến thắng những đấu tranh bền bỉ lâu dài.

Nguyễn Khoa Điềm cũng nói “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc”. Hay tre xanh còn đi vào những huyền thoại như Thánh Gióng, cây tre trăm đốt... Tóm lại cây tre xuất hiện lúc khi con người nhận ra những vẻ đẹp của nó.

Đến những câu thơ tiếp theo Nguyễn Duy vẽ lên những vẻ đẹp của tre xanh và qua những vẻ đẹp ấy ta thấy được những phẩm chất của con người Việt Nam ta:

Thứ nhất là vẻ đẹp của màu sắc, hình dáng của những cây tre xanh nước ta:
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu
Cây tre Việt Nam hiện lên với thân hình gầy guộc mong manh. Tre thanh cao, nhẹ nhàng trước gió. Những tính từ ấy khiến cho ta liên tưởng đến những khóm tre xanh lá nhỏ thân cao thẳng tắp gầy guộc nhưng lại thẳng đứng như thế đấy. Thế nhưng tre vẫn thành luỹ thành bờ dù cho đất đai khô cằn, dù cho đá vôi có bạc màu đất thì tre vẫn xanh tốt như thế. Ở đây ta thấy được phẩm chất của con người Việt Nam chúng ta, trong xã hội con người nếu như nói về thân phận thấp cổ bé họng thì chúng ta ví như củ sắn, củ khoai nhưng nói đến sự thanh cao ngoài trúc, mai ra thì chúng ta còn nhắc đến cây tre. Dáng hình gầy guộc thẳng tắp mong manh kia như thể hiện được sự phẩm chất của con người. Đó là con người Việt Nam ta nhỏ bé nhưng lương tâm thì ngay thẳng như cây tre và dù sống ở đâu thì chúng ta vẫn cứ sống tốt dẫu cho đất đá có khô cằn thì cây tre kia vẫn xanh, con người Việt Nam vẫn sống chan hoà với nhau.

Thứ hai, cây tre Việt Nam có sức sống mãnh liệt, con người Việt Nam cũng vậy:
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Sức sống của tre xanh vượt qua biết bao nhiêu là sự nghèo khổ. Đất đá kia bạc màu không dưỡng chất nhưng tre vẫn xanh tươi vì rễ kia siêng tìm nguồn dinh dưỡng. Cho nên đất có nghèo thì tre vẫn xanh tốt mà thôi. Và khi ấy tre vẫn vươn mình đu đưa theo những ngọn gió, tre in mình lên những khoảng trời xanh tôn lên vẻ đẹp thanh bình của làng quê Việt Nam. Và cứ như thế tre xanh Việt Nam cao vút trên nền trời và không bao giờ đứng khuất bóng râm của một loài cây nào khác bởi chính tre cũng cao lắm rồi. Trước mắt ta Nguyễn Duy đã vẽ lên một bức tranh tre xanh cao vút trên nền trời xanh, cái màu xanh của tre hoà quyện với cái màu xanh của bầu trời, tre đu mình theo gió tạo nên một cảnh sắc bình yên vốn có của nước ta. Và qua những hình ảnh ấy Nguyễn Duy muốn nói đến phẩm chất của con người. Đó là phẩm chất của con người Việt Nam, chúng ta tuy nhỏ bé hiền lành thế nhưng cho dù nghèo đói cũng không chịu đứng bóng râm của ai, không chịu luồn cúi mà sống ngay thẳng đôi chân bước đi, đôi tay kia tìm việc để lo cho cuộc sống. Sự cần cù đối với nhân dân ta là một đức tính không thể thiếu.

Thứ ba là vẻ đẹp của những khóm tre san sát bên nhau, bao bọc lấy nhau trước những sóng gió nắng mưa của đất trời:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
Tre ở đây như được nhân hoá có tay có tình cảm của con người. Những cây tre vẫn ôm lấy nhau níu lấy nhau vượt qua giông tố của cuộc đời. Nó thể hiện sự đùm bọc yêu thương lẫn nhau của tre. Tre không đứng một mình, không ở riêng mà sống thành luỹ thành khóm. Và khi tre có gẫy cành rụng lá thì vẫn để lại cái gốc cho măng mọc lên tiếp tục sinh trưởng phát triển lên. Hình ảnh so sánh tre như chông thể hiện sự sắc nhọn và thẳng tắp của cây tre. Hình ảnh những lá bao bọc măng của tre được ẩn dụ thành manh áo cộc thể hiện sự nhường nhịn cho con. Cây tre ấy lại như một người mẹ yêu thương con, nhường nhịn cho con. Nó cũng giống như người mẹ Việt Nam với chiếc yếm hở lưng trần, còn manh áo cộc thì nhường cho con hết. Phẩm chất ngay thẳng, truyền thống nối nghiệp ông cha, duy trì nói giống “tre già măng mọc” của nhân dân ta được thể hiện rõ. Đồng thời qua hình ảnh cây tre ta còn thấy được sự đoàn kết của nhân dân ta, chúng ta sống thành những gia đình lớn chứ không hề ở riêng lẻ. trước những sóng gió thì bao bọc lấy nhau như “lá lành đùm lá rách”.

Khổ thơ cuối nhà thơ miêu tả hình ảnh măng non như biểu tượng cho những thế hệ thiếu niên nhi đồng:
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh
Sự truyền nối tre già măng mọc là truyền sinh tồn của tre, những búp măng mới nhú cũng đã mang những dáng hình của tre rồi. Và năm tháng qua đi cho đến mai sau thì thì đất vẫn mang một màu xanh của những cây tre xanh ấy. Điệp từ mai sau kết hợp với câu thơ cuối với điệp từ “xanh” thể hiện cảnh vật nước Việt luôn xanh màu tre xanh. Con người Việt Nam những thế hệ thiếu niên nhi đồng lớn lên cũng mang những dáng hình của ông bà tổ tiên và đến mai sau nữa thì phẩm chất con người Việt Nam vẫn mãi đẹp như cây tre ấy.

Qua đây ta thấy Nguyễn Duy không nói tre xanh như Thép Mới: “Tre anh hùng lao động, tre giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” mà đi miêu tả sức sống bình thường của tre để qua đó vẫn thấy lấp lánh những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam ta.

523.83
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cám ơn Nhà thơ Nguỹen Duy

Tôi đọc và thuộc bài thơ từ ngày còn chưa vào quân ngũ 1970, tôi vẫn thường ru con và nay là ru cháu bằng bài thơ của ông. Bởi một lẽ làng quê tôi rợp bóng tre, tuổi thơ tôi quện chặt vào cây tre từ lá cành cho đến cây mang bụi gốc, thân thiết và xúc động mỗi khi nhìn thấy tre lòng tôi lại vang lên những câu thơ tre của ông: Thương nhau tre chẳng ở riêng/luỹ thành từ đó mà nên hỡi người/chẳng may thân gẫy cành rơi/vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con/loài tre không chịu mọc cong/chưa lên đã nhọn như chông lạ thường...
Xin được gửi tâm sự và lời cám ơn tới nhà thơ.

414.10
Trả lời
Ảnh đại diện

Tre Việt Nam: Cốt cách con người Việt Nam qua hình ảnh cây tre

Trong nền văn học Việt Nam cả trước và sau thời kỳ đổi mới, sẽ là một thiếu sót nếu như không nhắc đến tên tuổi của thi sĩ Nguyễn Duy. Người nghệ sĩ ấy luôn say mê cống hiến, để lại cho đời nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa. Tuy nhiên, ngòi bút nhà thơ chỉ thực sự thăng hoa cũng như đạt đến đỉnh cao khi viết về làng quê thôn dã với thể thơ lục bát quen thuộc. Tre Việt Nam chính là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thi ca Nguyễn Duy, tái hiện hình ảnh luỹ tre gần gũi.

Phong cách thơ ca của Nguyễn Duy và tác phẩm Tre Việt Nam

Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 ở tỉnh Thanh Hoá. Ông bước chân vào lĩnh vực thơ ca từ khá sớm, ngay từ khi còn học tập tại trường cấp Ba, Lam Sơn. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, nhà văn từng có một thời tuổi trẻ oanh liệt, gắn liền với khói lửa và bom đạn. Chính quãng thời gian đó về sau đã trở thành vốn tư liệu quý sau này cho trang thơ của tác giả.

Nguyễn Duy tham gia sáng tác thơ ca cả trước và sau thời kỳ đất nước đổi mới. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thi sĩ cũng luôn hướng tâm thức về làng quê Việt Nam với thái độ trân trọng, nâng niu. Mạch nguồn cảm xúc trong thơ Nguyễn Duy bắt nguồn từ những điều quen thuộc và bình dị ở cuộc sống đời thường. Viết về mảnh đất có giếng nước, cây đa, “nhà thơ thảo dân” này đều mang đến cho độc giả nhiều góc nhìn thú vị mà ít ai chú ý tới. Khi khai thác chất liệu mộc mạc ấy, Nguyễn Duy thường lựa chọn thể thơ lục bát gắn liền với lời ăn tiếng nói người Việt. Vì vậy, câu chữ của ông đều thấm nhuần bản sắc văn hoá dân tộc, gợi dậy trong lòng độc giả niềm kính yêu cội nguồn.

Một số tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ mang đậm bản sắc quê hương của thi sĩ phải kể đến là Hương cau trong đất, Khúc dân ca, Tiếng hát mùa gặt, Về làng hay Tre Việt Nam. Trong số đó, Tre Việt Nam được ví như bài thơ xuất sắc nhất, thể hiện rõ tài năng tác giả khi vận dụng tài tình thể thơ truyền thống dân tộc. Thi phẩm xuất bản năm 1955 và là lời bình cho bộ phim Cây tre Việt Nam của đạo diễn Ba Lan.

Bài thơ đã khắc hoạ thành công hình tượng cây tre, thứ gắn bó với đất nước từ thuở hồng hoang, khi chiến tranh loạn lạc đến tận ngày hôm nay. Ngoài ra, nó còn ẩn dụ cho phẩm chất cao đẹp, sáng ngời của dân tộc máu đỏ da vàng.

Lời giới thiệu giản dị và mộc mạc trong Tre Việt Nam

Ngay khi vừa xuất hiện, bài thơ đã nhận được nhiều lời đánh giá tốt từ giới phê bình cũng như độc giả. Người ta trân trọng và yêu quý cây tre làng như cái cách mà tác giả đặt trọn lòng mình vào thi phẩm. Nguyễn Duy gây ấn tượng bởi cách mở đầu tác phẩm vô cùng đặc biệt. Thay vì lý giải xuất xứ của cây tre dưới góc độ khoa học, ông lại ước lượng bằng “chuyện ngày xưa”.

Hình ảnh luỹ tre xuất hiện từ rất lâu, trong lời ca dao và câu chuyện người lớn vẫn thường kể. Chẳng ai biết thời điểm loài cây kiên cường này có mặt nhưng chắc chắn nó đã ở bên, chứng kiến mọi giai đoạn dựng xây đất nước của cha ông:

Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.
Từng câu chữ viết ra mang đậm chất dân gian và mộc mạc, gần gũi đời sống nhân dân Việt Nam. Tuy vậy, người đọc vẫn cảm nhận được sự phá cách, hiện đại khi Nguyễn Duy tách câu thơ sáu chữ thành hai dòng khác nhau. Không chỉ vậy, việc sử dụng dấu chấm lửng ở cuối câu càng làm tăng thêm tính mơ hồ khi lý giải nguồn gốc cây tre. Nó tạo nên khoảng không im lặng, khiến độc giả phải lắng mình, chìm đắm vào không khí làng quê yên bình rì rào tiếng tre xanh.

Tre Việt Nam và những phẩm chất tốt đẹp

Trong khi văn thơ Việt Nam xưa nay thường viết về trúc thì Nguyễn Duy lại chọn tre làm hình tượng trung tâm bài thơ. Điểm đột phá này của ông có sự tương đồng với Thép Mới khi văn sĩ cũng từng ngợi ca loài cây chân chất, giản dị. Tuy nhiên, tài năng văn học của Nguyễn Duy đã mang đến cho tác phẩm những nét khác biệt và độc đáo vượt trội. Không dừng lại ở miêu tả đơn thuần, nhà thơ gọi dậy cái hồn, khiến cây tre trở thành một sinh thể sống, có những đức tính tốt đẹp.

Tinh thần kiên cường của cây tre Việt Nam

Không giống các loài khác, cây tre có phần gầy guộc, mảnh mai với những chiếc lá nhỏ bé, thon dẹp. Có lẽ vì tự ý thức được điều đó nên chúng luôn sống gắn bó và chan hoà, kết thành luỹ để cùng nhau đương đầu khó khăn. Loài tre ấy còn dũng cảm vượt lên những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để thích nghi, sinh sôi và phát triển. Đặc điểm này có phần tương đồng với người dân Việt Nam khi không bao giờ chùn bước trước mọi nghịch cảnh.
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu
Nguyễn Duy còn nhận ra rằng, sự khắc nghiệt của môi trường sống thậm chí trở thành động lực để chiếc rễ cần mẫn hút chất dinh dưỡng nuôi sống thân. Chúng nhẫn nại và bền bỉ, vươn xuống tầng sâu đất, chắt chiu từng giọt mỡ màu. Khó khăn và vất vả là thế nhưng tre vẫn luôn giữ cho mình một thái độ lạc quan đối với cuộc sống. Cụm từ “Có gì đâu” được tác giả sử dụng đến hai lần đã nhấn mạnh cách nhìn đời tích cực của loài cây này:
Có gì đâu, có gì đâu,
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều.
Nếu như tre biết cách “vươn mình” đối đầu với những cơn gió mạnh để “ru ngủ” lá cành thì con người Việt Nam cũng yêu thương lẫn nhau dẫu trong đau thương, mất mát. Họ dìu dắt nhau qua những năm tháng gian lao, cùng xoa dịu nỗi nhọc nhằn.

Tinh thần đoàn kết và sự đùm bọc lẫn nhau trong Tre Việt Nam

Tư duy thơ mới lạ của Nguyễn Duy bộc lộ rõ khi ông miêu tả cây tre hệt như người dân Việt Nam với tính cách chất phác, hồn hậu. Dù trải qua nhiều đợt bão tố thì họ vẫn giữ tấm lòng thiện lương, đùm bọc và cưu mang nhau:
Bão bùng thân bọc lấy thân,
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.
Chính lòng nhân ái đã tiếp thêm sức mạnh, giúp loài cây này sinh tồn ở cả những mảnh đất cằn cỗi. Vì thương nhau nên tre không ở riêng, đó cũng là cách thi sĩ lý giải nguyên nhân chúng thường mọc thành luỹ hay khóm. Nếu chẳng may bị đổ ngã thì loài cây kiên cường này không hề biến mất mà từ gốc tre mọc lên những búp măng non căng tràn sức sống. Tới giây phút cuối cùng, chúng vẫn để lại cho đời màu xanh hy vọng, tiếp tục viết tiếp cuộc hành trình.

Dường như những chiếc búp bé nhỏ vươn mình trỗi dậy từ gốc rễ cũng thấu hiểu được mong muốn của thế hệ đi trước. Vì thế khi có mặt trên cõi đời, chúng luôn trong tư thế đứng thẳng, kiêu hãnh vươn lên bầu trời trong xanh:
Nòi tre đâu chịu mọc cong,
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Thi sĩ đã vận dụng vô cùng khéo léo và hợp lý biện pháp tu từ so sánh “nhọn như chông” để nhấn mạnh đặc tính tre. Loài cây này cũng giống người dân đất Việt khi luôn gìn giữ bản chất trong sạch trong mọi hoàn cảnh.

Đâu chỉ dừng lại ở đó, ngòi bút của Nguyễn Duy còn ví cây tre hệt một người mẹ suốt đời tảo tần phơi mình trong gió sương mà không có manh áo ấm như những loài khác. Dẫu vậy, chúng chưa bao giờ oán trách, luôn dành điều tốt đẹp nhất cho măng non. Tre hy sinh và chăm chút cho những búp măng non một cách chu đáo bởi lẽ mai này đây, chúng sẽ lớn khôn rồi kế thừa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Đã là tre thì muôn đời đều đứng thẳng, gắn bó với nhau để kết nên từng luỹ, từng chùm:
Măng non là búp măng non,
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Điệp từ “măng non” được lặp lại đến hai lần đã khẳng định bản lĩnh của thế hệ tiếp theo. Chúng sẽ mãi khắc ghi công lao người đi trước, tiếp tục sứ mệnh phủ sắc xanh khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam. Nhịp điệu bài thơ dần trở nên lắng đọng, giàu suy tư hơn khi tác giả đưa người đọc vào dòng chảy miên man của thời gian. Nó như một quy luật tất yếu mà không cá nhân nào có thể đứng ngoài hay cản bước.

Tre cũng không phải là ngoại lệ nhưng phẩm chất cũng như truyền thống của chúng sẽ luôn được lưu giữ bởi lớp măng non. Nó giống với thế hệ người trẻ Việt, không ngừng phấn đấu, nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại.

Tre Việt Nam và những khoảng lặng trong thơ

Thai nghén nên tác phẩm Tre Việt Nam, tác giả Nguyễn Duy đã đặt trọn tấm lòng trong từng trang giấy. Những câu chữ ông viết ra vừa giàu giá trị biểu đạt, lại ẩn chứa các khoảng không thi vị, ẩn giấu nhiều tầng nghĩa khác nhau. Thi sĩ trân trọng và nâng niu loài cây gắn bó với nơi làng quê ruộng đồng. Từ thuở còn nằm trong nôi nghe tiếng bà ru, mọi người đã tờ mờ nhận ra sự hiện diện của tre, từ ca dao, dân ca cho đến cổ tích, thần thoại. Dấu chấm lửng xuất hiện ở đầu bài như để bày tỏ mảnh cảm xúc mơ màng không thể diễn tả thành lời ấy của tác giả khi nhớ về miền xa xưa. Nó khiến độc giả phải lục lại những đoạn ký ức đứt đoạn, lục tìm hình ảnh cây tre xanh: “Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.”

Câu chữ trong tác phẩm là thứ ngôn ngữ đã được thi vị hoá, không thể cắt nghĩa bằng cách thông thường mà phải giải mã thông qua trái tim. Điều đó làm nên sức hút của thơ ca hiện đại, hối thúc người đọc không ngừng tìm tòi và sáng tạo. Những câu kết của Tre Việt Nam được Nguyễn Duy chắp bút dựa theo mạch cảm xúc tâm hồn. Sự tin tưởng về tương lai tươi sáng với “tre già, măng mọc” đã giúp ông viết nên đoạn thơ lắng đọng, giàu suy tư:
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
Việc sử dụng tận ba từ “xanh” ở cùng một khổ thơ đã khiến sắc màu tươi sáng ấy lấp đầy khoảng trống trong câu chữ để men theo thời gian, trường tồn với đất Việt.

Nét tính cách con người Việt qua hình tượng cây tre

Tác phẩm lay động tâm hồn người thưởng thức không chỉ nhờ vào những dòng thơ miêu tả chân thật hình ảnh cây tre thân thuộc mà còn bởi việc gợi dậy nét tính cách đậm chất Việt Nam. Nếu tre sống thành luỹ, thành chùm thì nhân dân Việt Nam cũng suốt đời đoàn kết và bao bọc, phát huy truyền thống “thương người như thể thương dân”. Dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ lòng nhân ái, bảo ban và và bao dung cho nhau.

Đứng trước tình huống cam go trên chiến trường hay sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống, người dân vẫn gìn giữ bản chất trong sạch, không chấp nhận lối sống luồn cúi và buông thả. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân để đổi lấy một tương lai sáng lạn cho con cái, tương tự như cái cách loài tre phơi thân mình ngoài gió sương, chở che những búp măng non mới nhú. Tre là bạn đồng hành thuỷ chung với nhân dân suốt quá trình dựng và giữ nước. Nó ăn sâu vào tâm thức mỗi người để rồi khi xuất hiện trong thi ca, loài cây ấy lại mang trong mình cốt cách thanh cao như dân tộc Việt. Bên cạnh việc phác hoạ hình ảnh cây tre thân quen ở nông thôn, Nguyễn Duy còn khéo léo lồng ghép vào bài thơ cả bức chân dung con người với những phẩm chất cao đẹp.

Vẻ đẹp của nghệ thuật trong tác phẩm

Làm nên sự thành công vang dội cho thi phẩm, không thể không nhắc đến những đặc sắc nghệ thuật từ bàn tay tài hoa của Nguyễn Duy. Nhiều năm “lăn lộn” trong nghề đã khiến câu chữ nhà thơ thăng hoa, làm say đắm độc giả. Ông là một trong số ít cây bút luôn nỗ lực làm mới và hiện đại hoá thể thơ lục bát, tạo nên sự độc đáo cho cấu tứ cũng như hình ảnh. Với Tre Việt Nam, thi sĩ đã gây ấn tượng bởi cách ngắt nhịp mới mẻ, sử dụng lối thơ rớt dòng ở câu sáu tiếng.
Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?
Mai sau
Mai sau
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
Nhà thơ còn tiếp thu yếu tố tự thuật trong văn xuôi và đưa vào thể thơ truyền thống, vừa tự nhiên lại giữ được nhịp điệu nhẹ nhàng, sâu lắng. Toàn bộ tác phẩm là lời thủ thỉ, tâm sự của tre về chính cuộc đời ý nghĩa mà mình đang sống.

Gắn bó với tiếng hò, câu hát từ thuở bé nên Nguyễn Duy rất ý thức trong việc gìn giữ giá trị văn hoá tốt đẹp ấy. Ông nhiều lần đưa thành ngữ, ca dao vào trong thơ, qua đó khơi dậy những giai điệu quen thuộc của văn học dân gian. Tác phẩm còn có sự kết hợp hài hoà giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc, đôi khi là tiếng nói khẳng khái, hùng hồn mà vẫn trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm sâu sắc.

Hơn nữa, Nguyễn Duy cũng sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, liên tưởng đầy thú vị như “Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”, “Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm”. Điều này khiến “nhân vật tre” càng thêm gần gũi với đời sống cũng như con người Việt Nam. Tài năng văn học của nhà thơ Nguyễn Duy cùng với tác phẩm Tre Việt Nam sẽ mãi đi cùng thời gian,năm tháng. Nó để lại trong lòng người đọc sự kính trọng và trân quý cây tre cũng như phẩm chất con người Việt.

153.80
Chia sẻ trên FacebookTrả lời

Trang trong tổng số 2 trang (13 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối