Như mọi người đều biết, cuối thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII ở vùng Nghệ An có hai làng khá nổi tiếng là làng Tiên Điền (nay thuộc huyện Nghi Xuân, Nghệ Tĩnh) và làng Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh) với các nhà văn, nhà thơ của hai họ Nguyễn. Ở làng Tiên Điền có Tiến sĩ Nguyễn Huệ (1705-1733), Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775), Tiến sĩ Nguyễn Khản (1734-1786), các nhà thơ Nguyễn Du (1765-1820), Nguyễn Thiện (1763-1786) v.v… Ở làng Trường Lưu có Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), các nhà thơ Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) v.v… Các nhà văn, nhà thơ của hai làng này đã sớm có quan hệ về gia đình và văn học với nhau, Nguyễn Huy Tự là con trai Nguyễn Huy Oánh và là con rể Nguyễn Khản. Hai bà vợ của Nguyễn Khản là hai chị em ruột, chị là Nguyễn Thị Bành (1750-1773); em là Nguyễn Thị Đài (1752-1819). Đặc biệt sự giao du về văn học đã có sớm, được thể hiện khá rõ ở ba bài Thác lời gái phường vải của Nguyễn Huy Quýnh [3, 4], Thác lời trai phường nónVăn tế sống hai cô gái Trường Lưu của Nguyễn Du. Về thời gian sáng tác của hai bài sau có nhiều ý kiến không thống nhất [1, 2, 3, 4]. Sau một thời gian sưu tầm, khảo cứu, chúng tôi xin mạnh dạn trình bày một số ý kiến về ba bài trên.

Trước hết về ba bài này - trong các tài liệu đã dẫn đều khẳng định là của Nguyễn Du và Nguyễn Huy Quýnh, và các anh Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Lộc [2], ông Hoàng Xuân Hãn [1], đều cho là được Nguyễn Du sáng tác trước lúc Nguyễn Du 19-25 tuổi. Theo ông Trương Chính [3], các bài đó được Nguyễn Du sáng tác vào lúc Nguyễn Du đã ngoài ba mươi (1796-1804). Cả hai ý kiến trên đều chưa được xác đáng. Muốn hiểu rõ thêm về thời gian sáng tác của hai bài của Nguyễn Du, ta hãy xem Nguyễn Huy Quýnh đã tặng Nguyễn Du bài Thác lời gái phường vải vào lúc nào.

Nguyễn Huy Quýnh sinh năm 1734 niên hiệu Long Đức thứ 3 đời vua Lê Thuần Tông (1732-1735) tại làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh.

Viễn tổ của Nguyễn Huy Quýnh là Nguyễn Uyên Hậu đậu khoa Ngũ kinh bác sĩ đời Lê Hồng Đức (1470-1497). Ông tổ chín đời là Nguyễn Hàm Hằng đậu Hương cống (Cử nhân) năm 15 tuổi, các đời sau đời nào cũng có người đỗ đạt.

Ông tổ bốn đời là Nguyễn Công Ban đậu khoa Hoành từ đời Lê Chính Hoà (1680-1705) làm tới Giám sát ngự sử, lúc mất được thờ ở đình làng. Cha là Nguyễn Huy Tựu đậu Hương giải (đỗ đầu kỳ thi Hương) làm tới chức Tham chính Thái Nguyên lúc chết được phong hàm Công bộ Thượng thư. Anh là Nguyễn Huy Oánh đậu Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn (1748) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) làm tới chức Hộ bộ Thượng thư, từng đi sứ Trung Quốc và có trứ tác nhiều sách Hán văn (Quốc sử toát yếu, Phụng sứ Yên đài tổng ca, Tiêu Tương bách vịnh, Thạc Đình di cảo v.v…). Nhà thơ Nguyễn Huy Tự tác giả Truyện Hoa tiên gọi Nguyễn Huy Quýnh là chú, Nguyễn Huy Quýnh cũng là ông chú của nhà thơ Nguyễn Huy Hổ tác giả Mai đình mộng ký. Như vậy về mặt quan hệ gia đình Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Du đều là bậc chú của Nguyễn Huy Tự, tức là Nguyễn Huy Quýnh ngang hàng với Nguyễn Du, mặc dù ông hơn Nguyễn Du 31 tuổi.

Về cuộc đời riêng của ông, qua một ít tài liệu như sách Nguyễn thị gia tàng, Hoàng Lê nhất thống chí, Việt sử thông giám cương mục ta biết: lúc còn nhỏ, ông nổi tiếng văn hay chữ tốt, 13 tuổi đầu Tú tài (hiệu sinh), 16 tuổi đậu Hương cống, sau đó thi Hội sáu lần, lần thứ sáu mới đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772) năm Cảnh Hưng thứ 33 (cùng khoa với Hội nguyên, Đình nguyên Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống người xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu). Sau đó ông lĩnh chức Hàn lâm thị giảng. Năm Giáp Ngọ (1774) - Ất Mùi (1775) ông cùng anh là Nguyễn Huy Oánh đều dự việc bình Nam theo chúa Trịnh Sâm (1739-1782). Sách Cương mục chép lúc đóng quân ở Hà Trung, Trịnh Sâm sai ông đem thơ, 100 lạng vàng, 5000 lạng bạc vào cho Hoàng Ngũ Phúc ở Thuận Hoá [5]. Sau đó ông chuyển sang ngạch võ, làm Đốc thị Thuận Hoá.

Ngày 15 tháng 5 năm Canh Tý (1780), trước hôm xảy ra vụ án Canh Tý, Trịnh Sâm sai ông làm Tả tư giảng cho Thế tử Trịnh Tông (1763-1786). Hôm sau, Tông bị giam lỏng ở kinh đô, còn phe đảng của Tông mỗi người lẩn trốn mỗi nơi [6]. Ông cũng như Nguyễn Điều (1748-1786) Trấn thủ Sơn Tây. Nguyễn Khản sau này đều về quê, chỉ có điều là ông về quê ngay sau khi xảy ra vụ án Canh Tý, còn Nguyễn Khản và Nguyễn Điều mãi đến bốn năm sau (1784) mới về quê.

Ông mất năm 1785, thọ 52 tuổi. Tác phẩm ông còn lại Quảng Thuận đạo sử tập (có ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm [10], ký hiệu VHv.1375) gồm 88 trang có bản đồ, về lịch sử, địa lý của hai tỉnh Thuận Hoá và Quảng Ngãi, gồm phủ huyện, kho tàng v.v… Ngoài ra còn một số như: 4 tập Dân phong thi ca, 3 tập Văn phong thi ca, 1 tập Nam phương dư địa chí, 1 tập Lục thứ đình vi, bài ca Hi Tổ Nhân vương (Trịnh Cương, 1709-1729) v.v…

Năm 1924, cụ Phó bảng Ba Sĩ và cụ Giải nguyên Lê Thước đã giới thiệu bài thơ Thác lời gái Phường Vải của ông gởi tặng Nguyễn Du. Vậy ông viết vào lúc nào, chắc chắn là sau vụ án Canh Tý ông đã về quê, và đi lại với Nguyễn Du chính là ở giai đoạn này.

Vả lại Trường Lưu bấy giờ rất nổi tiếng với nghề chăn tằm dệt lụa, và do đó văn nhân tụ tập hát ví, hát phường vải. Vào thời gian ấy, từ Giáp Ngọ (1774), trấn Nghệ An dưới quyền cai trị của Hoàng Đăng Bảo rất thịnh vượng (Cương mục trang 18, tập 1,6). Tại làng Trường Lưu, Nguyễn Huy Oánh đã cáo quan về quê năm 1777 (Đinh Dậu) dựng thư viện chứa sách tới vạn quyển, trước sau dạy học trò mấy nghìn người [7, 8]. Học trò của Nguyễn Huy Oánh đỗ đại khoa hơn ba mươi vị, làm quan tại triều hơn 50 vị, còn Cử nhân, Tú tài, Tri phủ, Tri huyện không kể xiết [8]. Lúc đó Trường Lưu thật là thịnh vượng, ở đây có chợ, có thư viện, là nơi tụ tập qua lại của nhiều văn nhân.

Vả lại ai cũng rõ theo tiểu sử Nguyễn Du, sinh năm 1765, năm 11 tuổi cha mất (1775), năm 13 tuổi mẹ mất (1777) và năm Quí Mão (1783) Nguyễn Du đã ra thi ở trường Sơn Nam và đậu Tam trường lúc 19 tuổi. Chỉ từ sau năm 1784, sau vụ kiêu binh nổi lên phá nhà của Nguyễn Khản, Khản với em là Nguyễn Điều mưu tính trừ kiêu binh không được, mới rút về quê. Năm sau Tây Sơn kéo quân ra Bắc, Nguyễn Khản tự mình đem người nhà vượt biển ra Bắc để cứu viện. Đến tháng 9 Nguyễn Khản cảm bệnh ốm chết ở kinh đô. Còn Nguyễn Điều ở nhà xem xét tình thế trong hạt, rồi mất ở huyện Thanh Chương, Nghệ An vào tháng 7 năm 1786. Chắc lúc này Nguyễn Du không ở Nghệ An. Còn như từ 1786 đền 1789, Nguyễn Du đã kế chân cha nuôi giữ chức quan võ và cuối cùng chạy về quê vợ ở Sơn Nam. Mãi đến năm 1796, Nguyễn Du mới dời về Hồng Lĩnh và ở đây sáu năm, đến năm 1802 thì ra làm quan với nhà Nguyễn. Và Nguyễn Huy Quýnh cũng đã mất trước đó lâu rồi.

Mà thời gian lui tới Trường Lưu của Nguyễn Du lại không phải là ít, đến những gần hai năm:

Ba sinh dành một kiếp hẹn hò,
Hai năm được mấy lần chung chạ.
Vả lại, theo bài thơ của Nguyễn Huy Quýnh tặng Nguyễn Du:
Tảng mai Hầu trở về nhà,
Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng.
“Hầu” đây là Nguyễn Du, lúc nhỏ tập tước của cha là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, thường gọi là Du Đức Hầu. Vậy thì rõ ràng Nguyễn Du đã lên chơi và hát ví ở Trường Lưu lúc còn niên thiếu và được Nguyễn Huy Quýnh tặng bài thơ trên thông qua cô gái hát phường vải - hoặc cô phường vải đã tặng Nguyễn Du bài thơ trên dựa theo lời kể chuyện của Nguyễn Huy Quýnh, trước lúc Nguyễn Du ra Sơn Nam. Vậy thì ở đây ta thấy rõ Nguyễn Huy Quýnh làm bài thơ tặng Nguyễn Du chỉ có thể trước năm 1783, chính xác hơn là vào khoảng từ 1780-1783 trước lúc Nguyễn Du đậu tam trường và tập tước quan võ của cha nuôi.

Bài thơ của Nguyễn Huy Quýnh theo thể lục bát, có nhiều câu chỉ đến địa điểm ở trên đường đi từ Tiên Điền đến Trường Lưu “Trương Hống, Đò Cài”… Cô phường vải tặng Nguyễn Du, theo lời thơ của Nguyễn Huy Quýnh, bài thơ trên nói lên tình cảm nhớ mong Nguyễn Du. Đặc biệt tác giả dùng những từ về các dụng cụ dệt vải để tả cảnh cô gái vì nhớ mong mà không muốn làm công việc của mình:
Khi lên để rối cho nhau,
Khi về trút một gánh sầu về ngay.
Xua buồn từ nớ lại hay
Nào ai mó đến xa quay xin thề.
Sau đó, Nguyễn Du đã đáp lại, cùng là một bài thơ lục bát, bài Thác lời trai phường nón, tức là trai làng Tiên Điền, làng này vốn có nghề làm nón, trả lời bài Thác lời gái phường vải là gái Trường Lưu. Đó cũng là bức thư tình và chan chứa tình cảm. Những câu:
Hồng Sơn cao ngất mấy tầng,
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.
Làm chi cắc cớ lắm điều,
Mới đêm hôm trước lại chiều hôm nay.
Khi xa xa hỡi thế này,
Tiếng xa nghe vẫn rù rì bên tai.
đều là xuất phát tự đáy lòng của những người đang yêu, đang đợi chờ, đang mong nhớ.

Thể thơ lục bát rất được các văn sĩ Trường Lưu - Tiên Điền ưa chuộng. Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ, Thác lời gái phường vải của Nguyễn Huy Quýnh, Thác lời trai phường nón của Nguyễn Du đều là theo một thể thơ trên - thể thơ lục bát chữ Nôm. Vậy hai bài này được sáng tác vào khoảng 1780-1783 lúc Nguyễn Du 16-19 tuổi.

Còn bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu được sáng tác vào lúc nào?

Chúng ta hãy theo dõi lại câu chuyện từ đầu. Về câu chuyện hát ví và tình cảm của Nguyễn Du với hai cô gái Trường Lưu chúng tôi đồng ý với ông Hoàng Xuân Hãn và các anh Hoàng Đức Yên, Nguyễn Lộc là có thực. Tương truyền một số cụ già trong làng còn nhớ rõ những cảnh trong làng được Nguyễn Du nhắc đến trong bài, và hai nhân vật chính O Uy, O Sạ đến nay con cháu vẫn còn ở các làng khác.

Thời đó đã có O Uy, O Sạ cũng như sau này có O Liễu, O Đào cùng khá nổi tiếng trong làng phường vải.

Vậy thì bài thơ thứ ba này được sáng tác vào lúc nào? Có phải vào lúc Nguyễn Du ở lứa tuổi 19-25 [2] hay là sau 32 tuổi như ý cụ Trương Chính [3]. Về điểm này chúng tôi đồng ý với cụ Trương Chính là bài này được Nguyễn Du sáng tác vào thời gian từ 1796 đến 1802, lúc Nguyễn Du dời về Hồng Lĩnh. Lúc này Nguyễn Du không còn là một chàng trai mười chín, đôi mươi nữa, mà tuổi đã ngoài ba mươi, tóc đã có sợi bạc, đã có vợ và có con rồi.

Theo bài này, gần hai năm Nguyễn Du thường lên hát ví ở làng Trường Lưu với bạn bè “quan họ”. Lúc đó ở làng Trường Lưu nhiều anh em bà con cùng lứa tuổi với Nguyễn Du như Nguyễn Huy Vịnh (1768-1818) nổi tiếng văn hay chữ tốt, tác giả cuốn Nguyễn thị gia tàng, Nguyễn Huy Tá (sau làm Phó đốc học Quốc tử giám triều Nguyễn), Nguyễn Huy Hào (Tri huyện Tiên Lữ) v.v…

Nguyễn Du đã quen biết hai cô gái là O Uy, O Sạ, là hai cô gái khá nổi bật trong các cô gái hát ví ở Trường Lưu, vào hội cờ giêng hai, hai cô này thường được kén vào “con mã” nên càng được nhiều người chú ý.

Quang cảnh hát ví ở Trường Lưu thật là vui vẻ, tấp nập:
Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa.

Léo trên giường thì, quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông lấy áo trùm đầu, cao bằng mãn toạ.
“Quan họ” ở đây là con em họ Nguyễn Huy bạn bè của Nguyễn Du, “Đội thế thần quan họ trong làng, cũng mang tới cân trà quá đá” và những cảnh:
Đêm đêm thường hát ví xôn xao,
Ai ai cũng trầu cau đãi đoạ
Kéo dài những hai năm:
Ba sinh dành một kiếp hẹn hò,
Hai năm được mấy lần chung chạ
Sau những đêm hát ví Nguyễn Du ra về, O Uy, O Sạ đã gởi gắm tình cảm của mình qua bài của Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Du cũng đáp lại bằng tình cảm chân thành:
Hồng Sơn cao ngất mấy tầng,
Đò Cài mấy trượng thì tình bấy nhiêu.
Ấy thế mà rồi, trai trong làng phá đám, cũng là trâu buộc ghét trâu ăn, cho nên tối đến là:
Trai trong làng rình bốn mặt chan chan,
Chó làng xóm sủa năm canh xa xả.
Một hôm họ thổi tắt đèn, rồi đốt lói, một thứ pháo làm bằng ống tre, tộng thuốc súng vào và suýt nữa xảy ra ẩu đả:
Phụt ngọn đèn trước mắt, đếch sự đời chẳng phải đứa tiểu tâm;
Đùng tiếng lói sau nhà, đù mẹ kiếp bỗng có thằng đại phá.
Nếu không có sự phá đám của trai làng thì Nguyễn Du - cậu ấm con quan ở trong hoàn cảnh xã hội phong kiến thời bấy giờ cũng không thể lấy những cô gái hát ví được...

Nguyễn Du hiểu điều đó, và chắc là O Uy, O Sạ cũng hiểu điều đó, họ có tình cảm với nhau, đó là tình cảm yêu thương của những đôi trai gái mới lớn lên mà thôi. Còn như chuyện có tình cảm với hai cô một lúc thì cũng chả có gì là lạ, chàng Kim của Nguyễn Du đã từng lấy hai cô Kiều, Nguyễn Huy Tự chẳng đã có cảm tình với cả hai cô gái của Nguyễn Khản đó sao, và những chuyện suýt ẩu đả như vậy đã để lại tai tiếng cho Nguyễn Du:
Ta đã đành mắc tiếng thày lay
Ả cũng hoá ra người đĩ thoã
và sau đó, vào dịp tháng sáu, cả hai O Uy, O Sạ đều lấy chồng, cũng không có gì là lạ, nơi hỏi cũng xứng đáng, một người là nông dân, một người là lính và Nguyễn Du tất nhiên lại trở về với con đường công danh, học hành của mình. Trong mấy câu tiếp, Nguyễn Du có ý hờn dỗi, trách móc hai cô và không ít thì nhiều cũng có ý châm biếm hai người chồng của hai cô: “tiếc người ấy gieo mình vào đồng lúa, túc túc gà; gẫm thằng kia là tướng giữ nương dưa, đùng đùng quạ”.
Một đứa thì dắt mũi trâu từ thuở bé, tắc tắc hò rì,
Một đứa thì cắt cỏ ngựa đến tận già, tùng tùng dạ há.
và Nguyễn Du về dùi mài kinh sử, đi thi và học ở phương Bắc cho một đến mười mấy năm sau:
Mười mấy năm sau, bên Tiên Điền:
Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán,
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên (Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan nát, đầu bạc thường bực vì ngày tháng trôi mau).
Ở đây Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Huệ, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều đã mất cả, một số lưu lạc đi nơi khác, một số chống lại Tây Sơn và bị giết như Nguyễn Quýnh (1759-1791), một số theo Tây Sơn như Nguyễn Nễ (1751-1805) (anh cùng mẹ với Nguyễn Du).

Bên Trường Lưu Nguyễn Huy Quýnh đã mất (1785), Nguyễn Huy Oánh đã mất (1789), Nguyễn Huy Tự đã từng cầm cờ chiếu của vua Quang Trung đi gặp các thân sĩ trong vùng (9) và theo giúp vua Quang Trung làm tới chức Hữu thị lang Bộ binh [8] và đã ốm chết (1791), ở Trường Lưu nhiều người chống lại Tây Sơn (như Nguyễn Huy Hào, Tri huyện Tiên Lữ v.v...) làng mạc bị tàn phá, anh em “quan họ” ly tán khắp nơi. Chính vào thời gian này Nguyễn Du đã lên thăm lại làng Trường Lưu:
Ở nhà lâu nghĩ cũng bần thần,
Viếng cảnh cũ muốn làm khuây khoả.
Nhưng còn đâu là cái cảnh tình đẹp đẽ hồi xưa nữa, mà cũng con đường đó, lúc trước hăm hở bước đi bao nhiêu thì nay:
Đường cửa Trẹm mỗi ngày một ngái, bóng câu tiếng suối, núi giăng giăng, con mắt đã mòn;
Điếm trên làng càng ngắm càng buồn, ngọn khói hạt mưa, trời thăm thẳm mặt người đã nhoá.

Hắt hiu gió trúc mưa mai,
Quạnh quẽ bóng chim tăm cá.
Nhưng Nguyễn Du vẫn lên thăm, vì dẫu sao cũng còn ít nhiều bạn bè cũ:
Vì quan họ nên chúng ta mộ đứa, bạn hữu quen còn đến rủ bao nhiêu.
Và Nguyễn Du đã bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người, tìm đến thăm người cũ thì:
Nói đến tên thì đã gọi mụ nọ mụ kia, may mắn bấy trồng sung ra vả.
Gần 20 năm rồi còn gì nữa (1780-1783 đến 1896-1802); O Uy, O Sạ nay đã thành mụ nọ, mụ kia (ở đây cần lưu ý bạn đọc là ở vùng Trường Lưu, Can Lộc tiếng “mụ” dùng để chỉ người đàn bà có con lớn gần thành vợ thành chồng chứ chưa lên đến chức bà). Và tiếng tăm “thày lay” của Nguyễn Du cũng chẳng còn vương lại bao nhiêu, nhà cửa của các O đã:
Cửa nhà mình đã bưng kín như buồng,
Tiếng tăm ta cũng rửa sạch như đá.
Phong cảnh ở đây chả khác gì phong cảnh cũ, nhưng người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, người xưa còn đâu:
Nhân duyên xưa, bẻ ngó lìa cành,
Phong cảnh cũ, vàng cây héo lá.
và Nguyễn Du nhớ lại:
Tưởng những lúc tắt đèn dạy chuyện, dứt câu này nối câu khác, trăng ngoài hiên khi tỏ khi mờ;
Nhớ đến khi thắp đuốc chơi đêm, ở nhà ngoài vào nhà trong, giọt bên chái như tầm như tã.
Nguyễn Du nhớ lại, hồi tưởng lại, Nguyễn Du làm bài văn này để nhớ lại O Uy, O Sạ kể chuyện tình cảm xảy ra gần hai mươi năm về trước lúc Nguyễn Du chưa tới hai mươi tuổi, và qua đó gửi gắm ít tâm sự. Đó là nội dung bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu.

Chỗ này xin nhắc lại là tương truyền sau khi bài văn này ra đời, Nguyễn Du không lên chơi Trường Lưu nữa vì hai câu:
Trai trong làng rình bốn mặt chan chan;
Chó hàng xóm sủa năm canh xa xả.
“Trai trong làng” đối với “chó hàng xóm” Nguyễn Du đã làm cho trai làng Trường Lưu (ngoài “quan họ”) tức giận và hò hẹn nhau nếu Nguyễn Du còn lên chơi sẽ đón đánh. Vậy bài văn này được sáng tác vào quãng 1796-1902, sau hai bài trước gần 20 năm.

Cụ Trương Chính cho rằng lúc bé Nguyễn Du ít sống ở Tiên Điền. Theo ý chúng tôi Nguyễn Du sống ở Tiên Điền khá lâu, vì lẽ thứ nhất như đã trình bày ở trên, ở Tiên Điền và ở Trường Lưu lúc thời Nguyễn Du có trường học lớn của Tiến sĩ Nguyễn Huệ, của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Vả lại Nguyễn Nghiễm mất lúc Nguyễn Du còn bé (1775) mà trước đó hai năm, Nguyễn Khản đã thay cha (Nguyễn Nghiễm) giữ chức Tham tụng ở phủ chúa, cho nên chắc chắn là Nguyễn Nghiễm đã về quê vào những năm cuối của đời mình. Bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du sinh năm Canh Thân (1740), kém Nguyễn Nghiễm 32 tuổi, chắc là cùng với các con theo Nguyễn Nghiễm về quê ở Tiên Điền, chứ không ở lại kinh đô với Nguyễn Khản (Nguyễn Khản hơn bà Trần Thị Tần 6 tuổi), cho nên cũng như các vợ lẽ khác của Nguyễn Nghiễm: Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Thị Xuân, Phạm Thị Diễm, Hồ Thị Ngạn, Hoàng Thị Thược chắc chắn hoặc là về quê nhà, hoặc là về Tiên Điền với Nguyễn Nghiễm vào khoảng cuối đời của Nguyễn Nghiễm. Vậy lúc bé Nguyễn Du sống và học ở quê nhà là hợp lý. Nguyễn Nghiễm không thể không biết tiếng Nguyễn Huy Oánh với “Phúc Giang thư viện”, với hơn 30 vị Tiến sĩ là môn sinh, việc Nguyễn Du theo học ở đây hoàn toàn phù hợp với thời gian và hoàn cảnh. Vả lại Nguyễn Huy Oánh đi sứ năm Ất Dậu (1763) và mang về rất nhiều thơ, sách, bằng chữ Hán của Trung Quốc. Ta không loại trừ khả năng Nguyễn Huy Tự đã đọc Đệ bát tài tử Hoa tiên ký để sáng tác truyện Hoa tiên, cũng như khả năng Nguyễn Du đã đọc truyện Vương Thuý Kiều của Thanh Tâm tài nhân để sáng tác Truyện Kiều ở đây - lại tại Trường Lưu - ở thư viện Phúc Giang của Nguyễn Huy Oánh.

Trong bài văn trên, Nguyễn Du đã dùng rất nhiều tên, ranh giới miền đất núi Hồng sông Lam, phải là người sống khá lâu ở đây mới am hiểu tường tận như vậy để có thể vận dụng vào thơ văn được.

Thơ lục bát đạt tới đỉnh cao với Truyện Kiều, nhưng đồng thời với Truyện KiềuHoa tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ, Hy tổ Nhân vương của Nguyễn Huy Quýnh cũng đều theo thể lục bát. Trước đó, đã có Phụng sứ Yên đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh cũng theo thể lục bát nhưng khác với các tác phẩm trên, tác phẩm sau cùng bằng chữ Hán. Những tác phẩm trên nhất định có ảnh hưởng đến Truyện Kiều.

Thứ nữa trong ba bài này phần lớn những câu ca dao tục ngữ ghép lại, đối nhau chan chát, có một câu lục bát vần bằng đối với một câu lục bát vần trắc.

Trong Truyện Kiều, nhiều lắm cũng chỉ tìm được dăm ba tiếng xứ Nghệ. Nhưng không vì thế mà khẳng định Nguyễn Du lúc bé sống ở Bắc, cho nên khi sáng tác rất ít dùng tiếng xứ Nghệ. Bởi vậy ngay những người xứ Nghệ khi viết văn cũng ít ai dùng tiếng xứ Nghệ, trái lại họ cố tránh đi, thỉnh thoảng thấy dăm ba tiếng là vì vô ý, chứ còn thì viết “tiếng kinh” cho lời văn được rộng rãi. Văn của Hoa tiên, của Mai đình mộng ký đều vậy. Nhưng ở ba bài này từ đầu chí cuối nhà thơ chủ yếu dùng toàn tiếng xứ Nghệ, làm cho ba bài này có phong vị riêng, người nơi khác đọc thấy trúc trắc, khó hiểu và không cho là hay, chỉ riêng người xứ Nghệ vùng Tiên Điền, Trường Lưu mới lấy làm thú vị. Âu cũng là một cách viết của Nguyễn Du, Nguyễn Huy Quýnh vậy. Chỗ này cũng xin nhấn mạnh, phải là những người sống lâu năm, từ bé ở xứ Nghệ, mới có thể làm được những vần thơ nhiều tiếng xứ Nghệ như vậy.

Đặc biệt ở hai bài Thác lời gái phường vảiThác lời trai phường nón, các tác giả dùng những từ nói riêng của hai nghề làm nón và dệt vải: xa, quay, cưỡi, bàn đạp, thoi, ác, trục, hoa, chẽ, giằng, quạng, vành xa, khổ go v.v... của nghề làm vải và lịp, tơi, vọt, sườn, hẹ móc, dang v.v... của nghề làm nón; và thông qua tả cảnh dệt vải, làm nón nói lên tình cảm của những đôi trai gái yêu nhau.

Qua những ý trình bày trên ta thấy bài thứ ba trong số ba bài này được Nguyễn Du viết vào khoảng cuối của những năm lưu lạc của mình ở quê, trước lúc ra làm quan với nhà Nguyễn, có nghĩa là gần năm 1802.

Tóm lại theo ý chúng tôi bài Thác lời gái phường vải của Nguyễn Huy Quýnh và Thác lời trai phường nón của Nguyễn Du được viết vào quãng từ năm 1780 (Canh Tý, Cảnh Hưng năm thứ 41) đến năm 1783 (Quý Mão, Cảnh Hưng năm thứ 44), vào lúc Nguyễn Huy Quýnh 47-50 tuổi và Nguyễn Du 16-19 tuổi. Câu chuyện tình ở mức “Cảm tính” giữa Nguyễn Du và O Uy, O Sạ là có thực. Còn bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu được Nguyễn Du viết vào quãng 1790-1802 (thậm chí vào những năm cuối của các năm đó) tức là bài sau cách hai bài trước quãng 16-22 năm, lúc Nguyễn Du 32-33 tuổi.

Có ý kiến mới đây cho rằng bài Thác lời gái phường vải là của Nguyễn Huy Phó (1765-1838) cùng thời với Nguyễn Du làm. Tác giả cho rằng vì hai lý do:
1, Nguyễn Huy Quýnh hơn tuổi Nguyễn Du nên không phải là bạn hát ví;
2, Hoặc có thể một người khác, có thể là Nguyễn Huy Phó, bởi vì ông nổi tiếng văn hay chữ tốt.

Theo ý chúng tôi, ý kiến trên không xác đáng bởi hai lẽ: Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Du trong thứ bậc gia đình là cùng vị trí (đều là chú của Nguyễn Huy Tự và hai bà vợ của ông) vả lại khi đi hát ví thường không phân biệt lứa tuổi mà thường chú ý thứ bậc trong gia đình. Nguyễn Huy Phó không thể bẻ câu “Tảng mai Hầu trở ra về”. Hai nữa theo gia phả, sau khi Nguyễn Huy Tự về quê, trong gia đình các con lớn đều đi các nơi lập nghiệp (Nguyễn Huy Phó tập tước của cha là Lại Lĩnh bá, đậu Giải nguyên triều Lê, lên Hưng Hoá, Nghệ An, con thứ Nguyễn Huy Vinh (1767-1818) lên Thanh Chương lập nghiệp. Trong thời gian đó Nguyễn Huy Phó không có ở quê. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin trình bày tóm tắt các ý kiến về ba bài trên: tác giả, thời gian sáng tác, nội dung câu chuyện, theo bảng 1 và biểu đồ thế thứ về quan hệ hai họ Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Huy Trường Lưu. Để tiện, chúng tôi lấy ký hiệu bài Thác lời gái phường vải là bài một, Thác lời trai phường nón là bài hai, bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu là bài ba:

Về thiời gian Về câu chuyện Về tác giả
Trương Chính 1796-1802
(cả 3 bài)
Hư cấu Nguyễn Du và Nguyễn Huy Quýnh
Hoàng Xuân Hãn Trước 1789 (cả 3 bài) Có thực
Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Lộc Trước 1783 (cả 3 bài) Có thực
Chúng tôi Bài 1,2: 1780-1783; Bài 3:1796-1802 Có thực


Họ Nguyễn Tiên Điền Họ Nguyễn Huy Trường Lưu
Nguyễn Huệ (1705-1733) Tiến sĩ (dạy học) Nguyễn Nghiễm (1708-1775) Tiến sĩ, Quận công, Tả tướng Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) Thám hoa, Thượng thư (Phúc Giang thư viện, dạy học) Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) Tiến sĩ, Đốc thị
Nguyễn Du (1765-1820) (Truyện Kiều) Nguyễn Khản (1734-1786) Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Huy Tự (1743-1791) (Hoa tiên)
Nguyễn Thị Đài (1752-1819) Nguyễn Thị Bành (1750-1773)
Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) (Mai đình mộng ký) Nguyễn Huy Vịnh (1786-1838) (Nguyễn thị gia tàng)


Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huy Mỹ

1. Hoàng Xuân Hãn: Nguồn gốc Truyện Kiều, Tạp chí Thanh Nghị - Số Xuân, tháng 2 -1943
2. Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Giáo dục, H. 1962,
3. Trương Chính: Hương hoa đất nước, Nxb. Văn học, H. 1979, tr.204.
4. Phan Dĩ Bảng, Lê Thước: Truyện cụ Nguyễn Du tác giả truyện Thuý Kiều, H. 1924.
5. Việt Sử thông giám cương mục, Tổ biên dịch Viện Sử học Việt Nam biên dịch và chú giải, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1958, tr.43 (tập 19).
6. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb. Văn học, H. 1984.
7. Lịch sử Nghệ Tĩnh: Tập 1, Nxb. Nghệ Tĩnh, tr.192.
8. Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký.
9. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 1, Thư viện Quốc gia xuất bản, 1970, tr.378.
10. Quang Thuận đạo sử tập (VHv.1375) của Nguyễn Huy Quýnh.
11. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức: Thơ ca Việt Nam (hình thức và thể loại), Nxb. KHXH, H. 1971.
12. Nguyễn Thị gia tàng (tài liệu chữ Hán).
13. Nguyễn Thám hoa gia phổ ký (tài liệu tham khảo)
14. Nguyễn Lộc./.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.