Thơ » Việt Nam » Nguyễn » Nguyễn Du » Truyện Kiều
Bài thơ có 5 dị bản, hãy chọn bản muốn xem:
1 Bản quốc ngữ do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu đính
2 Bản Liễu Văn đường (1866), do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm
3 Bản Liễu Văn đường (1871), do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm
4 Bản Lâm Noạ Phu (1870), do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm
5 Bản Kiều Oánh Mậu (1902), do Nguyễn Thế và Phan Anh Dũng phiên âm
Nhũng lại tham quan, Vương ông hàm oan chịu tội;
Bán mình chuộc bố, nàng Kiều lỡ bước sa cơ!
Nàng còn đứng tựa hiên tây,
570. Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.
Trông chừng khói ngất song thưa,
Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.
Tần ngần dạo ngót lầu trang,
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về.
575. Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao:
Người nách thước, kẻ tay dao ,
Đầu trâu, mặt ngựa, ào ào như sôi.
Già giang một lão, một trai,
580. Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời giọt liễu , tan tành gối mai.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
585. Điều đâu bay buộc, ai làm?
Này ai đan dập, giật giàm bỗng dưng?
Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ.
Một nhà hoảng hốt, ngẩn ngơ,
590. Tiếng oan dậy đất, án ngờ loà mây.
Hạ từ van lạy suốt ngày,
Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn.
Rường cao rút ngược dây oan,
Dẫu là đá cũng nát gan lọ người!
595. Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền?
600. Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao?
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con, trước phải đền ơn sinh thành.
605. Quyết tình, nàng mới hạ tình:
“Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”
Họ Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch, lại là từ tâm.
Thấy nàng hiếu trọng, tình thâm,
610. Vì nàng, nghỉ cũng thương thầm xót vay.
Tính bài lót đó, luồn đây,
Có ba trăm lạng, việc này mới xuôi,
Hãy về tạm phó giam ngoài,
Dặn nàng quy liệu trong đôi ba ngày.
615. Thương lòng con trẻ thơ ngây,
Gặp cơn vạ gió , tai bay bất kỳ.
Đau lòng tử biệt, sinh ly!
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
620. Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.
Sự lòng ngỏ với băng nhân,
Tin sương đồn đại, xa gần xôn xao.
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.
625. Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần ”.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Trước thầy, sau tớ xôn xao,
630. Nhà băng đưa mối, rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng.
635. Ngại ngùng dín gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc, bắt tay,
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.
Đắn đo cân sắc, cân tài,
640. Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng, khách mới tuỳ cơ dặt dìu.
Rằng: “Mua ngọc, đến Lam Kiều,
Sính nghi, xin dạy bao nhiêu cho tường .”
645. Mối rằng: “Đáng giá nghìn vàng,
Dớp nhà, nhờ lượng người thương dám nài!”
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lân ngã giá vâng ngoài bốn trăm.
Một lời thuyền đã êm giầm,
650. Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm ghi.
Định ngày nạp thái vu quy,
Tiền lưng đã có , việc gì chẳng xong!
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi nhaque ngày 18/03/2010 22:53
Bạn nào hiểu xin giải đáp giùm:
Trong Truyện Kiều
Ở câu 572: "Hoa trôi TRÁC thắm, liễu xơ xác vàng"
Nhưng lại có chỗ "Hoa trôi GIẠT thắm, liễu xơ xác vàng"
Vậy thì GIẠT THẮM đúng hay TRÁC THẮM đúng. Và nghĩa của từ đúng là gì?
Tuy nhiên tôi không có nhiều nguồn sách tham khảo (không tính đến internet) nên mới post ra đây nhiều người cùng tham khảo thế nào cũng ra.
Rất lấy làm cảm ơn!