此地秋前訴別情,
冬來此地見歸旌。
蒼茫寒月臨蘇水,
黯淡深雲鎖諒城。
閻海悲歡真亦幻,
塵寰聚散夢猶驚。
青池地迥妻兒遠,
泉咽風號無哭聲。
Thử địa thu tiền tố biệt tình,
Đông lai thử địa kiến quy tinh.
Thương mang hàn nguyệt lâm Tô thuỷ,
Ảm đạm thâm vân toả Lạng thành.
Diêm hải bi hoan chân diệc ảo,
Trần hoàn tụ tán mộng do kinh.
Thanh Trì địa quýnh thê nhi viễn,
Tuyền yết phong hào vô khốc thanh.
Nơi đây thu trước tỏ tình tiễn biệt
Đông này nơi đây nhìn thấy cờ về
Trăng lạnh man mác soi dòng sông Tô
Mây dày ảm đạm phủ kín thành Lạng
Nỗi vui buồn nơi địa ngục, thật mà như ảo
Sự hợp tan, cõi trần gian mơ vẫn giật mình
Đất Thanh Trì vời vợi, vợ con xa cách
[Nơi đây] chỉ có tiếng gió gào, suối nghẹn ngào mà không tiếng khóc
Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi hongha83 ngày 25/03/2010 19:44
Nơi này thu trước, bận chia ly
Nay lại, đông sang, ngọc tiết về
Man mác dòng Tô vầng nguyệt lạnh
Rầu rầu thành Lạng bóng mây che
Vui buồn địa phủ chân mà ảo
Tan hợp trần hoàn mộng những ghê
Suối nghẹn, gió gào, không tiếng khóc
Thê nhi vời vợi đất Thanh Trì
Gửi bởi PH@ ngày 11/05/2017 15:34
Có 1 người thích
Bài thơ này Nguyễn Đề làm trên đường đi sứ nhà Thanh Trung quốc, cần tìm hiểu những địa danh, chức danh để hiểu bối cảnh bài thơ:
1. 芝義驛 Chi Nghĩa dịch (trạm Chi Nghĩa) ở đâu? Có phải là Ải Chi Lăng không? Vì theo Theo Phương Đình dư địa chí, xã Chi Lăng có quan lộ hẹp, núi đá hiểm trở, sông sâu nước độc được gọi là Quỷ Môn Quan.
Thời Lê Trung Hưng sứ Trung Hoa sang Việt Nam sắc phong, ghét tên Quỷ Môn Quan nên đổi gọi bằng tên Uý Thiên Quan. Theo Việt Hoa thông sứ sử lược của Bế Lãng Ngoạn và Lê Văn Hoè (Việt Hoa thông sứ sử lược, Quốc học thư xã xuất bản, Hà Nội 1943), sứ bộ Việt Nam trên bước đường thiên lý sang Trung Hoa đều dừng tại Quỷ Môn Quan trước khi tiến đến Ải Nam Quan. Như vậy, Quỷ Môn Quan chính là một phần không thể tách rời của Ải Chi Lăng. Chi Lăng và Chi Nghĩa có gần nhau không? Hay là một địa danh?
2. 挽諒山協鎮蘇川侯/ Vãn Lạng Sơn hiệp trấn Tô Xuyên hầu (Viếng quan hiệp trấn Lạng Sơn là Tô Xuyên hầu). Viếng ở đâu? Ở miếu, hay trước một tấm bia, hay trong tâm tưởng? Vì Tô Xuyên hầu thì đã rõ là ai!
3. 蘇川侯/ Tô Xuyên hầu: Đó là Lê Quang Bí (1506 -?) là quan nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam và là nhà thơ Việt Nam. Ông người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Việt Nam; nguyên quán ở xã Lão Loạt, huyện Thuận Hựu, nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Năm 21 tuổi, ông dự khoa thi đình được tổ chức vào tháng tư, năm Bính Tuất (1526) niên hiệu Thống Nguyên năm thứ 5, đời Lê Cung Hoàng. Khoa thi này lấy đỗ 20 người. Lê Quang Bí đã đỗ Hoàng giáp, đứng thứ tư. Sau đó ông làm quan nhà Mạc.
Năm Mậu Thân (1548), Mạc Phúc Nguyên là con cả của Mạc Phúc Hải, cử Lê Tiến Quy làm Chánh sứ và Lê Quang Bí làm Phó sứ, sang sứ nhà Minh lo việc triều cống hàng năm. Lê Quang Bí cùng đoàn sứ thần bị ách lại ở Nam Ninh. Người nhà Minh ngờ là giả mạo bắt phải chờ để tra xét thực hư.
Đằng đẵng 15 năm trời liên tục những tra xét, đoàn sứ bộ của Lê Quang Bí vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi. Tra mãi xét mãi nhưng Lê Quang Bí cứ bình thản chịu đựng tuân mệnh vua, quyết không làm nhục quốc thể. Mãi đến năm Quý Mùi (1563) viên quan trị nhậm Lưỡng Quảng vừa thương tình và cảm phục mới sai người đưa 25 lạng bạc và cho đoàn sứ bộ tiếp tục về Kim Lăng (Yên Kinh, Bắc Kinh). Mặc dù dằng dặc thời gian đợi chờ nhưng Lê Quang Bí vẫn chịu đựng kiên nhẫn kính cẩn giữ mệnh chúa không tỏ ra bực tức, thần thái lúc nào cũng ung dung tự tại. Ba năm ở Yên Kinh, có những viên quan nhà Minh luôn tới dịch quán, tiếng là thù tạc giao thiệp nhưng thực chất là coi xét thái độ cùng nắm động cơ của đoàn sứ bộ. Nhưng trực tiếp chứng kiến việc làm cùng thái độ của sứ thần của Lê Quang Bí, có một viên quan nhà Minh tên là Lý Xuân Phương chức Đại học sĩ đã tỏ ra kính phục trước tiết tháo của vị sứ thần nước Nam. Lý Xuân Phương đã tâu lên vua Minh. Sau đó đoàn sứ bộ đã được gặp vua Minh cùng nộp lễ phẩm và chuẩn cho về nước. Năm Bính Dần, mùa xuân niên hiệu Sùng Khang thứ nhất (1566) đời Mạc Hậu Hợp, Lê Quang Bí về nước. Đón Lê Quang Bí tại ải Nam Quan có hai ông thượng thư đầu triều trong đó có Lại Bộ thượng thư kiêm Đông Các đại học sĩ Giáp Hải, thời ấy người ta vẫn quen gọi là ông Trạng Kế.
Về đến Tổ quốc, Lê Quang Bí (người đí sứ Minh 18 năm)được Mạc Hậu Hợp phong cho chức Thượng thư, lại phong tước Tô Xuyên hầu, ví ông với vị trung thần nhà Hán là Tô Vũ (người đi sứ Hung Nô 19 năm).
Năm 1573, ông được cử giữ chức Tuyên Phủ đồng tri, lên ải Nam Quan cùng quan lại nhà Minh thương nghị giám sát biên giới. Với những lý lẽ sắc bén, giải pháp thông minh, khiến người Minh phải nể phục, kính trọng, thường chỉ gọi ông là Giáp Tuyên phủ chứ không gọi tên. Ông là người giỏi bang giao từ mệnh đã năm lần được triều đình giao cho trọng trách đi sứ.
Nguyễn Đề trên đường đi sứ nhà Thanh luôn nghĩ đến mệnh vua, người đi sứ xưa, gia đình và quê hương.
Gửi bởi PH@ ngày 11/05/2017 20:41
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi PH@ ngày 07/12/2017 16:12
Thu trước đất này nói biệt ly
Đất này đông đến thấy cờ về
Lờ mờ trăng lạnh sông Tô đến
Ảm đạm mây dày thành Lạng che
Địa phủ vui buồn chân lại ảo
Cõi đời tụ tán mộng mà ghê
Thanh Trì con, vợ, xa quê vắng
Không khóc gió gào nghẹn suối khe.
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Vanachi ngày 18/05/2017 14:14
Thu trước nơi đây cảnh biệt ly,
Đông sang về lại bóng cờ bay.
Dòng Tô man mác trăng soi bóng,
Thành Lạng âm u che bóng mây.
Địa phủ vui buồn như ảo mộng,
Trần gian tan hợp giật mình nay.
Thanh trì xa cách con cùng vợ,
Suối nghẹn, gió gào chẳng khóc thay.
Gửi bởi Lương Trọng Nhàn ngày 21/03/2019 16:49
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Lương Trọng Nhàn ngày 23/11/2019 18:16
Thu trước nơi đây tỏ biệt ly,
Đông sang nay lại thấy cờ về,
Sông Tô trăng lạnh soi man mác,
Thành Lạng mây dày ảm đạm che.
Địa ngục buồn vui chân tựa ảo,
Trần gian tan hợp vẫn mơ ghê.
Thanh Trì xa vợ con chia cách,
Chẳng khóc gió gào nghẹn suối khe.