Tác giả: Tam Giang


Pilot.vn - Tựa đề dễ làm độc giả hiểu nhầm. Bài hát của đại phi công là bài thơ trích từ tập thơ Huế, Đẹp và Thơ của Nam Trân. Không hiểu vì lẽ gì mà giữa tập thơ lại xuất hiện bài thơ xem chừng có vẻ lạc chủ đề này.

Bởi lẽ, cả tập thơ đều nói về Huế, mỗi bài như một câu thơ chứa chan tình cảm trước cái đẹp của Cố đô cổ kính. Ví dụ như bài thơ viết về Cảnh tình Kim Luông. Xin được chú thích rõ rằng: Kim Luông là một làng nhỏ nằm ở phía bắc sông Hương, phía tây thành Huế, nổi tiếng về các món ăn ngon và con gái đẹp, từng có câu thơ, đồn là của vua Thành Thái:

Kim Luông nhiều ả mỹ miều;
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi

Nam Trân đã sáng tác nên bài thơ ca ngợi như vậy, bài thơ của ông cũng từng được chép tím trong nhiều trang vở học trò:

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy, Ðẹp phải tìm theo
Thuyền qua đến bến; cô lui lại
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo

Dưới cái nhìn trong trẻo, nhân hậu cảnh sắc và con người xứ Huế hiện lên thật nên thơ và có hồn. Quả thật, có thể nói, Nam Trân là người có tình yêu, có hiểu biết Huế thật sự sâu sắc, thật sự máu thịt, dù ông là người xứ Quảng.

Điều đặc biệt là mỗi bài tác giả đều để tặng cho một người nào đó như Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ, Trần Thanh Mại… Qua đó, độc giả có thể nhận thấy tình ý đan quyện trong từng câu chữ. Mỗi bài tác giả hoặc kín đáo hoặc trực tiếp đều gửi gắm tâm sự của mình.

Bài thơ này cũng vậy. Nguyên văn như sau:

BÀI HÁT CỦA ĐẠI PHI CÔNG

Tặng các anh em hội viên hội “Quảng Trị’’ Huế.

Trên chiếc máy bay đùa với gió.
Phi công đã vượt khỏi từng mây.
Cúi mặt xem : Những bể sóng, rừng cây
Chỉ thoảng thoảng vết xanh, đen, vàng, đỏ…
Nghĩ. "Trên mặt đất, cõi xa xăm đó,
Đương chạy xuôi, chạy ngược biết bao người.’’


Rồi cặp môi nhúm nửa nụ cười!
Xa địa giới ngẫm nhân gian nhiều việc nhỏ.
Rồi ngài để máy chặt mây, chém gió,
Hát vài câu như riêng ngỏ với trời.


Hát rằng:
Nhắp cánh chim bay.
Cỡi mây ta bay,
Bay cao cho quá,
Quá chín từng mây.
Từng mây mạo hiểm xa bay
Ta bay ta lánh người say mồi tiền.
Bay cao cho thỏa chí nguyền
Nào ta có muốn để tên với đời.


Máy kêu như sấm vang trời.
Hoá công nhường đã hiểu lời Phi công.

Ở đây, người phi công có cái tự do, tự tại của cánh chim bằng. Từ trên cao nhìn xuống, mặt đất xa tít tắp, chỉ còn là những chấm xanh đỏ nhỏ nhoi, lúc này thế giới chỉ còn ta, tha hồ bay lượn thỏa chí tang bồng.

Hình tượng người phi công hiện ra vừa lãng mạn vừa rất hào hùng giữa thiên nhiên bao la.

Ở độ cao này, mọi việc thế gian tạm gác qua, mọi nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền, tranh quyền đoạt chức đều không hiện hữu:

Rồi cặp môi nhúm nửa nụ cười!
Xa địa giới ngẫm nhân gian nhiều việc nhỏ.

Qua bài thơ, hình ảnh người phi công “xé mây, đạp gió” hiện lên thật đẹp:

Rồi ngài để máy chặt mây, chém gió,
Hát vài câu như riêng ngỏ với trời.

Dường như có cái ngông cuồng của một bậc tu mi muốn chinh phục thế giới, cũng lại có cái vẻ bất cần, ngạo mạn của kẻ muốn xa tránh cõi tục:

Từng mây mạo hiểm xa bay
Ta bay ta lánh người say mồi tiền.

Và còn là lời khẳng định không cầu danh lợi:

Bay cao cho thỏa chí nguyền
Nào ta có muốn để tên với đời.

Như vậy, người phi công thỏa ước mơ bay vì bản thân thích tự do, tự tại và anh ta yêu thích nó, được bay lượn đã là máu huyết sống chứ không vì muốn vinh danh với đời.

Đến đây, những gì Nam Trân muốn bộc bạch có lẽ độc giả đã hiểu rõ, không cần phải giải thích dài dòng nữa.

Tuy vậy, bản thân người viết cũng chưa được rõ vì sao tác giả lại đặt bài thơ này trong loạt bài chủ đề về Huế. Dẫu biết rằng nỗi lòng dành cho văn chương của ông là vô bờ bến và ẩn tình bộc lộ qua bài thơ này rất đáng trân trọng. Mong quý độc giả ai biết thì chỉ giáo cho!


Nguồn: pilot.vn