鹿峙村居

竹屋風過夢始醒,
鴉啼簷外卻難聽。
殘霞倒掛沿窗紫,
密樹低垂接圃青。
野性偏同猿鹿靜,
清心每羨稻粱馨。
行人若問住何處,
牛背一聲吹笛停。

 

Lộc trĩ thôn cư

Trúc ốc phong qua mộng thuỷ tinh,
Nha đề thiềm ngoại khước nan thinh.
Tàn hà đảo quải duyên song tử,
Mật thụ đê thuỳ tiếp phố thanh.
Dã tính thiên đồng viên lộc tĩnh,
Thanh tâm mỗi tiễn đạo lương hinh.
Hành nhân nhược vấn trú hà xứ,
Ngưu bối nhất thanh xuy địch đình.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Đông Hồ

Lều tre giấc tỉnh gió lay mình,
Tiếng quạ ồn chi trước mái tranh.
Ráng xế treo ngang khung cửa tím,
Cây vườn che lợp luống rau xanh.
Tánh gần mộc mạc hươu nai dại,
Lòng thích thơm tho nếp tẻ thanh.
Ai đó hỏi thăm nơi chốn ở,
Lưng trâu tiếng sáo lặng làm thinh.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Lộc trĩ thôn cư

Giới thiệu Lộc trĩ thôn cư

Lộc trĩ thôn cư (chữ Hán: 鹿峙村居), có nghĩa thôn xóm Mũi Nai, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1].
Thôn xóm Mũi Nai xưa, nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Lộc trĩ thôn cư cùng với Lư khê ngư bạc là cặp cảnh sau cùng mà Mạc Thiên Tứ đã nói đến trong Hà Tiên thập vịnh & Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Đây là hai cảnh sinh hoạt của người dân Hà Tiên, gắn liền với đặc điểm đất đai và ngành nghề.

Lộc Trĩ, là tên chỉ một mỏm núi nhô ra mặt biển, đi thuyền từ ngoài biển nhìn vào phảng phất giống như hình đầu con nai nằm ghếch mõm ngó ra mặt biển. Theo Đông Hồ thì có lẽ nhân tên Nôm là Mũi Nai nên mới có tên Hán là Lộc trĩ.

Và cũng vì mỏm núi có hình dạng như thế, nên từ rất lâu, trong dân gian đã lưu truyền rằng, từ thuở xa xưa, có một chú nai con hay ra đây uống nước. Rồi một ngày, vì mải say sưa ngắm cảnh đẹp của biển trời nên chú nai bị lạc lối về. Đến đêm, thì chú ngã gục rồi thì hóa đá bởi không thể chịu đựng mãi cảnh đói khát cùng sóng to, gió lớn...

Nhưng theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt, thì cái tên Mũi Nai có nguồn gốc như sau: Thuở xa xưa, góc biển này được gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy (Pù là núi, Nạy là lớn) mà người khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Đến khi người Việt đến đọc âm này thành Nai. Đến thời người Hoa đến, họ dịch chữ Nai ra chữ Hán là Lộc...[2]
Bãi biển Mũi Nai tuy không rộng, cát không trắng nhưng bãi thoai thoải, sóng không to, khí hậu luôn ôn hoà, mát mẻ. Xung quanh bãi là dăm xóm làng chài lẩn khuất trong màu xanh của núi rừng, của cây trái... Danh thắng này hiện là trọng điểm du lịch của tỉnh Kiên Giang.

Bài chữ Hán (xem bên trên)

Bài chữ Nôm
Bài Lộc trĩ thôn cư bằng Quốc âm có đến 34 câu ngâm song thất lục bát, và được kết bằng một bài thơ bát cú như sau:

Lâm lộc ai rằng thú chẳng thanh
Nửa kề nước biếc, nửa non xanh.
Duỗi co chẳng túng kiền khôn hẹp,
Cúi ngửa vì vâng đức giáo lành.
Lưu loát hưởng dư ơn nước thạnh
Ê hề sẵn có của trời dành.
Đâu no thì đó là an lạc,
Lựa phải chen chân chốn thị thành.[3]

Cả hai bài thơ đều tả cảnh sinh hoạt của dân cư trong thôn xóm ở Mũi Nai. Thi sĩ Đông Hồ có lời bình, đại ý như sau:

Chúng ta không nên quên Hà Tiên là vùng đất mới, tác giả chẳng những là một nhà cai trị có văn chương mà còn là một nhà kinh tế có tài cán. Vì thế, tác giả đã mượn đề tài này để cổ động cho người dân rủ nhau về chốn thôn trang, tức quy tụ về đất Hà Tiên; để ca tụng cảnh đồng quê cho người dân biết lấy cảnh quê làm thú, bằng lòng khẩn hoang lập ấp, vui sống với nghề cày cấy, trồng trọt...
Cũng theo Đông Hồ, thì cả hai bài Lộc trĩ thôn cư đều là thơ hay. Bởi tả cảnh thanh thú ở chốn thôn quê, tả nếp sống của người nông dân, có đủ cả: mái cỏ, tiếng chim, ráng chiều, mùi lúa nếp, con hươu con vượn...Nghĩa là, có đầy đủ điều kiện cho một cuộc sống vô sự hồn nhiên như người thái cổ. Nếu quan niệm rằng người ta sống là để tìm cảnh thái bình, hưởng lấy hạnh phúc; thì đời sống ở thôn quê quả là chỗ đáng để tìm đến...[4]

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu.


Chú thích
1. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh có sau Hà Tiên thập vịnh (1737), và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.
2. Trương Minh Đạt, Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2008, tr. 28.
3. Bản chữ Nôm có dị bản ở câu 4: "Vâng" thay vì "tuân", câu 5: "ơn" thay vì "nhân".
4. Lược theo Văn học Hà Tiên, tr. 287
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Đông Phong

Nhà tre gió thổi mộng vừa tan
Tiếng quạ ngoài hiên nghe khó gần
Ráng khuyết ngược treo men cửa tím
Cây dày thấp rủ tiếp vườn xanh
Tính quê vẻ giống nai vượn tĩnh
Lòng sáng thường ưa gạo mạch thơm
Nếu có người qua hỏi chỗ trú
Lưng trâu một tiếng sáo vừa tàn.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Lều tre tỉnh giấc gió lay,
Mái tranh tiếng quạ ồn hoài khó nghe.
Ráng chiều song tím ngang khe,
Luống rau xanh rợp cây che vườn dài.
Tánh gần mộc mạc hươu nai,
Tâm thanh nếp tẻ thơm bay khắp trời.
Người đi mà hỏi xứ nơi,
Lưng trâu tiếng sáo lặng lời làm thinh.

14.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đất Văn Lang

Gió lộng lều tre tỉnh giấc đào
Ngoài hiên tiếng quạ réo xôn xao
Ráng chiều tím rịm ngang song cửa
Cây ngả xanh dờn xuống ruộng rau
Hươu vượn dại hồn yên ả thế
Lúa ngô thơm hạt réo vui sao
Ai qua đều muốn tìm nơi ngụ
Khách qua gặng tiếng tìm nơi ở
Tiếng sáo chợt dừng giữa đám trâu.

Đất Văn Lang
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời