Thơ » Việt Nam » Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn » Mạc Thiên Tích » Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh
Đăng bởi Vanachi vào 26/09/2008 04:39
Khách chùa Tiêu, ân cần Phật sự,
Đêm đêm hằng phân thứ âm dương.
Giấc hoà hồn bướm mơ màng,
Lầu quân, trống đã điểm sang năm dùi.
Nỗi buồn vui, mặc lòng nhộn nhã,
Gối chưa êm chưa hả sự lòng.
Gió đưa mấy tiếng thần chung,
Lóng tai nghe lọt, bên lòng vơi vơi.
Dọi hoà trời, sao bay lẻ tẻ,
Vén nhành dương, he hé bóng câu.
Chày kinh thánh thót đêm thâu,
Tin nghe thì một, tin sầu thì trăm.
Kẻ chẳng nằm, ngồi chăm đạo vị,
Niệm câu kinh, xử trí hằng đua.
Dầu không lộc nước quyền vua,
Cầu thoa lỗ kiến, cầu dùa chòm ong.
Tiếng lạnh lùng, vận vàng sầu thiết,
Khách tha hương sầu biết mấy mươi.
Phủi buồn, lập chí thảnh thơi,
Đã ôm sự nước, lại bươi sự nhà.
Chạnh lòng già, riêng buồn chích gối,
Một tiếng nghe bằng suối nước đong.
Thuyền ai dật dựa bên sông,
Riêng than mấy tiếng não nùng nửa đêm.
Kẻ lòng êm, càng nhiều phổ tế,
Ngộ thiền cơ làm lễ y vương.
Phong đô, khi nổi hoả thang,
Dạ còn mơ tưởng mở mang từ đồ.
Ánh vầng ô vén mù dương cốc,
Tuệ nhãn xem thần tục cũng thanh.
Đường thiền khéo dắt bóng quanh,
Cũng tay tinh trí tu hành rất sâu.
Khách ngao du hứng tình vì cảnh,
Bộ nguyên đề, phủ chánh tay cao.
Thơ rằng:
Rừng thiền sít sát án ngoài tào,
Chuông gióng chùa Tiêu tiếng tiếng cao.
Chày thỏ bạt vang muôn khóm sóng,
Oai kình tan tác mấy cung sao.
Não phiền kẻ nấu sôi như vạc,
Trí tuệ người mài sắc tựa đao.
Mờ mịt gẫm dường say mới tỉnh,
Phù sinh trong một giấc chiêm bao.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên ngày 22/06/2009 13:56
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên ngày 23/06/2009 02:53
Tiêu Tự thần chung (chữ Hán: 蕭寺晨鐘) có nghĩa Chuông sớm ở chùa vắng, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1].
Cả hai bài đều nói về tiếng chuông sớm vang lên từ ngôi chùa Tiêu, một danh lam của đất Hà Tiên (Việt Nam) xưa.
Theo Nghiên cứu Hà Tiên, trong Hà Tiên thập vịnh in năm 1737, bài thơ có tên Tiêu Tự hiểu chung. Khi họa vận mười bài thơ này vào năm 1753, Nguyễn Cư Trinh đổi tựa lại là Tiêu Tự thần chung.[2]
Và hiện nay có ba ý kiến khác nhau về ngôi chùa đã phát ra tiếng chuông trong thơ:
*Ý kiến thứ nhất: chùa Tiêu ở núi Địa Tạng.
Sách Gia Định thành thông chí chép:
Địa Tạng Sơn (núi Địa Tạng) Ở về phía bắc của trấn, cách núi Phù Dung 5 dặm. Trên núi có chùa Địa Tạng, vì vậy nên có tên là núi Địa Tạng. Chùa nầy công đức trang nghiêm, ai vào cửa chùa bỗng thấy tắt hẳn tục niệm tham sân, thật là cảnh giới làm bậc thang để đến non Thứu. Đây là cảnh Tiêu tự thần chung (chuông mai chùa vắng) là một trong số 10 cảnh đẹp của Hà Tiên.
*Ý kiến thứ hai: chùa Tiêu là chùa Tam Bảo ngày nay, hiện tọa lạc tại số 328, tổ 2, ấp Ao Sen, đường Phương Thành, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
*Ý kiến thứ ba: chùa Tiêu là chùa Phù Dung cổ.
Sau khi dẫn chứng, tác giả sách Nghiên cứu Hà Tiên viết:
Chúng tôi khẳng định rằng chùa Tiêu (Tiêu Tự) chính là chùa Phù Dung cổ, tọa lạc ở phía tây nam núi Phù Dung.
Và cũng theo sách này, thì Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí đều mô tả đúng vị trí Tiêu Tự, nhưng ghi lầm tên là chùa Địa Tạng.[2]
Giới thiệu thơ
Bài chữ Hán (xem bên trên)
Bài thơ Nôm
Đây là một khúc vịnh 34 câu được Mạc Thiên Tứ viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát gián thất (Song thất lục bát), mà cuối đoạn gắn liền với một bài thơ bát cú.
Bài thơ bát cú như sau:
Rừng thiền sít sát án ngoài tào,
Chuông gióng chùa Tiêu tiếng tiếng cao.
Chày thỏ bạt vang muôn khói sóng,
Oai kình tan tác mấy cung sao.
Não phiền kẻ nấu sôi như vạc,
Trí tuệ người mài sắc tợ dao.
Mờ mịt gẫm dường say mới tỉnh,
Phù sanh trong một giấc chiêm bao.(3)
Bài Hán thi Tiêu Tự thần chung, tác giả đã khéo mượn thêm ý cảnh bên ngoài chùa chiền để làm nổi bật tiếng chuông chùa. Thi sĩ Đông Hồ có lời bình đại để như sau:
Câu phá đề (câu 1) bốn chữ “tàn tinh liêu lạc” rất đắc địa. Câu thừa đề (câu 2) điểm ngay vào tiếng chuông vang lên trong cảnh đêm tàn. Câu thực trên (câu 3), nói về tai người nghe tiếng chuông mà lòng những mơ màng. Câu thực dưới (câu 4) tả thanh âm của hồng chung đồng vọng vang đầy khắp bờ cây nến nước. Cặp luận (câu 5 & 6) mượn thêm tiếng hạc, tiếng quạ. Hai câu kết (câu 7&8) nói lòng người bâng khuâng khi vừa mới thức, giấc mộng vừa tan, bên gối mơ màng, tâm hồn chưa định, thì bỗng vang lên một tiếng gà gáy sớm, mà người đã khát khao, chờ đợi...
Toàn thể bài Hán thi, nửa trên nói về tiếng chuông; nửa dưới mượn thêm những tiếng khác góp với tiếng chuông để gây nên một bản hòa tấu thanh âm, một khúc nhạc đón bình minh rộn rã; làm cho cảnh chùa tịch mịch mà bỗng hóa xôn xao, đang buồn bã bỗng hóa vui. Bài đã tỏ được cảnh “tiêu tự”, mà lại tỏ rõ được tiếng “thần chung”.
Đề cập bài Tiêu Tự thần chung luật Nôm, Đông Hồ có lời bình thêm: Tác giả mượn tiếng chuông chùa để cảnh tỉnh người đời. Ý thơ rất đắc địa, vì thời khắc thỉnh chuông vừa đúng lúc tàn canh, người đời cũng vừa tỉnh cơn mộng mị.[4]
Trích nhận xét của GS. Lê Đình Kỵ:
Tiếng chuông trong bài Tiêu Tự thần chung không phải là tiếng chuông chiều mộ vắng của một Hàn sơn tự nào, mà là tiếng chuông giữa buổi sớm, nó đánh thức hơn là ru ngủ. Tuy nó gợi đến kiếp phù sinh, đến cuộc đời mộng ảo; nhưng người đọc vẫn cảm nhận được đó là một tiếng chuông vang dội át cả tiếng sóng rền, làm rung chuyển tạn cung mây, lay động đến các vì tinh tú...qua những câu thơ đầy khí thế.(5)
Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu.