臨安春雨初霽

世味年來薄似紗,
誰令騎馬客京華。
小樓一夜聽春雨,
深巷明朝賣杏花。
矮紙斜行閑作草,
晴窗細乳戲分茶。
素衣莫起風塵嘆,
猶及清明可到家。

 

Lâm An xuân vũ sơ tễ

Thế vị niên lai bạc tự sa,
Thuỳ linh kỵ mã khách kinh hoa.
Tiểu lâu nhất dạ thính xuân vũ,
Thâm hạng minh triêu mại hạnh hoa.
Nuỵ chỉ tà hành nhàn tác thảo,
Tình song tế nhũ hí phân trà.
Tố y mạc khởi phong trần thán,
Do cập thanh minh khả đáo gia.

 

Dịch nghĩa

Vị đời khi năm mới đến bạc như tơ,
Ai khiến ta lên chốn phồn hoa này.
Lầu nhỏ một đêm nghe mưa xuân,
Ngõ sâu sáng ra nghe tiếng người mua hoa hạnh.
Giấy ngắn, viết xiên nên viết chữ thảo,
Ngoài trời tạnh, búp non nên xem trà (xem tốt xấu).
Áo đẹp đừng than gió bụi nữa,
Vì tới thanh minh đã có thể về nhà rồi.


Bài này tuyển từ Kiếm Nam thi cảo quyển 17, bản Tứ khố toàn thư. Lục Du viết bài này năm 1186, khi đó 63 tuổi, được bổ dụng làm tri phủ Nghiêm Châu. Trước khi nhậm chức, ông đến Lâm An (nay thuộc Hàng Châu, Chiết Giang) hầu kiến hoàng thượng, trú tại nhà trọ bên Tây Hồ. Trong khi chờ yết kiến, buồn bã vì không được trọng dụng vào việc lớn mà làm bài này.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Đông A

Năm tới vị đời nước ốc pha,
Ai xui ruổi ngựa khách phồn hoa.
Mưa xuân gác nhỏ đêm nghe vẳng,
Hoa hạnh hẻm cùng sáng bán ra.
Giấy xấu nét xiên đành viết thảo,
Song hừng búp nhỏ bỡn pha trà.
Áo tơ gió bụi than đừng nổi,
Kịp đến thanh minh trở lại nhà.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Ý nghĩa bài thơ

Bài thơ này Lục Du làm khi “được” bổ dụng làm tri phủ Nghiêm Châu. Trước khi nhậm chức, ông đến Lâm An (nay thuộc Hàng Châu, Chiết Giang) hầu kiến hoàng thượng, trú tại nhà trọ bên Tây Hồ. Ông là người có lòng thiết tha với vận mệnh của đất nước, nhưng buồn vì quanh quẩn chỉ được làm những chức quan nhỏ. Trong khi chờ yết kiến vua, ông buồn bã mà làm bài này. Bài thơ này mang rất nhiều hàm ý, nhưng ý chủ đạo của bài thơ là buồn rầu vì không được trọng dụng.

Hai câu đầu nêu hoàn cảnh ông phải lên kinh: năm mới lên kinh gặp vua mà lại không vui, có phần trách cứ “vị đời năm mới bạc bẽo như tơ, vì lệnh ai mà ta phải lên chốn phồn hoa này”. Đó chính là vì ông chỉ được làm chức quan nhỏ, tri phủ Nghiêm Châu. Cần phải hiểu rằng khi đó Lục Du đã 63 tuổi, chứ không phải một thanh niên chưa biết vị đời bạc bẽo là gì.

Hai câu 3-4 chính mang nhiều thâm ý nhất, là danh cú của Lục Du, được lưu truyền khá rộng rãi. Lầu nhỏ suốt một đêm nghe mưa xuân, tới sáng nghe vẳng tiếng người mua hoa hạnh từ trong ngõ thẳm. Lầu nhỏ chính nói nhà khách ở bên Tây Hồ. Một đêm nghe mưa xuân, cái này muốn nói suốt đêm ông thao thức không ngủ được. Tiếng mưa xuân rất nhỏ, tiếng người mua hạnh từ ngõ sâu hẳn cũng rất bé. Nó chứng tỏ ông phải chú ý lắm mới nghe được những âm thanh đó. Cái đó ám chỉ ông đã suy xét rất sâu tận trong một đêm, xuy xét từ những cái nhỏ nhất. Lý Thương Ẩn có câu thơ nhớ bạn “Thu âm bất tản sương phi vãn, Lưu đắc hạnh hà thính vũ thanh” (Mưa thu không tan, sau khi sương bay hết, Chỉ còn một mình nghe tiếng mưa trên hạnh và sen). Ở đây hai câu thơ của Lục Du cũng tỏ ý u hoài.

Câu 5-6 cũng mang ý sâu xa. Câu 5 nhắc tới điển tích Trương Chi đời Hán rất giỏi thảo thư, tuy nhiên người đời lại thấy ông hay dùng khải thư nên hỏi tại sao thì ông trả lời “Vì vội mà không viết thảo” (Thông thông bất hạ thảo), ý ông là viết thảo thư rất công phu, phải khi nào có thời gian rảnh rỗi mới viết được. Ở đây Lục Du lại nói mình viết thảo, ám chỉ mình “rảnh rỗi”, ý không được trọng dụng, chỉ làm những việc chơi chữ, thưởng trà.

Câu 7-8 nhắc tới câu “Kinh Lạc đa phong trần, Tố y hoá vi truy” (Kinh đô Lạc Dương lắm bụi bặm, Áo đẹp hoá thành lụa thâm) của Lục Cơ đời Tây Tấn. Câu của Lục Cơ ám chỉ ở kinh đô cũng nhiều loại người trong đục khó lường. Còn Lục Du thì lại bảo áo đẹp chớ phải than phiền một lần nữa, thanh minh đã có thể về nhà rồi, ý nói ông không có việc gì quan trọng ở chốn phồn hoa này cả, áo đẹp không đợi đến ngày phải vấy bụi, cuối cùng vẫn là ám chỉ việc không được trọng dụng.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lâm trung Phú

Lắm lúc đời như tơ mảnh mà,
Ai xui lên ngựa viếng kinh hoa?
Đêm nghe lầu nhỏ mưa xuân đổ,
Sáng thấy hẻm sâu bán hạnh hoa!
Giấy ngắn hàng nghiêng nhàn viết thảo,
Trời êm búp nõn thích phân trà.
Áo hoa đừng ngại bụi trần bẩn,
Bởi đến thanh minh đã ở nhà!

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Bích Ngô

Ngẫm thấy mùi đời nhạt lắm mà,
Ai xui cưỡi ngựa trọ kinh hoa?
Mưa xuân nghe vẳng đêm lầu nhỏ,
Hoa hạnh rao dồn sớm ngõ xa.
Giấy hẹp rảnh tay ngòi bút thảo,
Song thưa sủi bọt chén trà pha.
Chớ hiềm áo trắng phong trần nhuộm,
Trước tết thanh minh kịp lại nhà.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Lâu thấm vị đời mỏng tựa sa
Ai xui lại đến đất phồn hoa
Mưa xuân cả tối nghe lầu nhỏ
Hoa hạnh sáng ngày bán ngõ xa
Giấy nhỏ lệch hàng nhàn viết thảo
Song thưa tế nhũ thử pha trà
Đừng than áo trắng vương nhiều bụi
Còn thể thanh minh kịp tới nhà

tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của le huu kim

Vị đời như nước ao bèo
Ai xui người ngựa đẳng đeo kinh thành
Mưa xuân đêm giục lá cành
Sáng rao ngõ thẳm bán nhành hạnh tươi
Đời nhàn chữ thảo viết chơi
Nước lên bọt sữa ấm hơi chén trà
Bụi đời áo giũ khôn ra
Thanh minh mai mốt về nhà cho nhanh

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Tạ Trung Hậu

Mùi đời năm mới bạc như sa
Khiến khách thành đô ruỗi ngựa qua
Gác nhỏ mưa xuân đêm lắng tiếng
Ngõ sâu hồng hạnh sáng mua hoa
Nét nghiêng giấy kém tuôn dòng chữ
Song tạnh búp non chọn lá trà
Áo trắng trách chi đời gió bụi
Tiết thanh minh được trở về nhà

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời