楚宮

湘波如淚色漻漻,
楚厲迷魂逐恨遙。
楓樹夜猿愁自斷,
女蘿山鬼語相邀。
空歸腐敗猶難復,
更困腥臊豈易招。
但使故鄉三戶在,
綵絲誰惜戄長蛟。

 

Sở cung

Tương ba như lệ sắc liệu liệu,
Sở lệ mê hồn trục hận dao.
Phong thụ dạ viên sầu tự đoạn,
Nữ la sơn quỷ ngữ tương yêu.
Không quy hủ bại do nan phục,
Cánh khốn tinh tao khởi dị chiêu.
Đãn sử cố hương tam hộ tại,
Thái ty thuỳ tích cụ trường giao.

 

Dịch nghĩa

Sóng sông Tương như nước mắt (Khuất Nguyên) trong veo,
Quỷ đất Sở (Khuất Nguyên) còn mang hận dài lâu.
Vượn (mê hồn Khuất Nguyên) trên cây phong ban đêm mới tự hết sầu,
Quỷ núi trong cỏ nữ la cất tiếng mời chào (Khuất Nguyên).
Hồn về nơi xác thân đã thối nát khó quay lại,
Huống hồ mắc vào chốn tanh hôi dễ chiêu gọi được sao?
Ví như tại quê cũ của quan “tam lư” làm giỗ,
Ai là người cúng dây năm màu để đuổi thuồng luồng?


Sở là tên nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc, khi mở nước mới có Hồ Nam và Hồ Bắc. Tiêu đề là Sở cung nhưng tác giả không hề nói về cung đình nước Sở, mà ngầm nói về Khuất Nguyên, vốn làm Tam lư đại phu trong triều nước Sở, bị bọn quyền thần đày đi Trường Sa làm chức quan nhỏ. Khi qua sông Mịch La (khúc gần sông Tương) ông nhảy tự vẫn. Oan hồn ông vẫn luẩn khuất nơi đây, được tác giả ngầm tả trong bài này. Sông Tương bắt nguồn từ núi Dương Hải, huyện Hưng An, tỉnh Quảng Tây, chảy qua tỉnh Hồ Nam để vào hồ Động Đình. Hai câu cuối dựa vào huyền thoại vào đời Hán, ở Trường Sa, giữa ban ngày có người thấy một người, tự xưng là Tam lư đại phu nói rằng “Nếu nay ông làm ơn, xin lấy dây năm màu buộc lá xoan, là hai thứ thuồng luồng sợ mà cúng tôi” rồi biến mất.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Sông Tương như lệ vẻ trong thay
Sở lệ hồn mê nỗi đoạ đày
Ma núi mời nhau lùm cỏ rậm
Vượn đêm sầu dứt cụm phong dày
Kẻ về rữa nát khôn vời lại
Hồn mắc tanh hôi khó gợi thay
Quê cũ như còn ba hộ đó
Ai thương lụa đẹp sợ rồng bay?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của mailang

Sóng Tương như lệ, sâu trong vắt,
Hồn Sở mãi mê, hận lạc loài.
Vượn tối nhành phong sầu ngậm nghẹn,
Ma non bụi nữ tiếng mồi chài.
Đã thành rữa nát e khôn phục,
Lỡ vướn tanh hôi há dễ sai.
Quê cũ, thử còn ba nóc hộ,
Ai thương tơ đẹp, sợ giao dài.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Quang Trường

Lóng lánh sông Tương tựa giọt sầu,
Lệ hồn Sở quốc hận về đâu?
Phong khuya tiếng vượn buồn tơi tả,
Sơn quỷ tùng la giọng rỉ rầu.
Thể xác đất vùi khôn gọi được,
Thi hài cá nuốt, dễ mời đâu?
Cố hương Tam hộ như còn đó,
Chỉ đỏ tiếc gì, trấn lũ giao.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lam Điền

Sóng gợn sông Tương mắt lệ rơi,
Oan hồn nước Sở đoạ đày trôi.
Cành phong vượn hú buồn tê ruột,
Đầu núi ma kêu thảm thiết lời.
Thân rã rời trôi khôn thấu gọi,
Hồn tôm cá vọc dễ hô mời?
Còn quê hương cũ còn ân nghĩa,
Còn chỉ màu trấn thuỷ quái khơi.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Minh

Sóng sông Tương trong như nước mắt
Sở oan hồn còn tức dài lâu
Ban đêm vượn mới nguôi sầu
Quỷ trong cỏ rối nói câu chào mời
Về xác thối khó quay trở lại
Huống tanh hôi kêu gọi được ư?
Quê xưa làm giỗ Tam lư
Doạ giao ai cúng sợi tơ năm màu?

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Tạ Trung Hậu

Sóng Tương dòng lệ chảy trong sâu
Hồn Sở lạc loài hận đoạ lâu
Ma núi kêu gào trong cỏ rậm
Vượn đêm khóc nghẹn trước cung sầu
Về nơi rửa nát khôn quay bước
Vướng chốn tanh hôi khó trở đầu
Quê cũ nếu còn ba nóc hộ
Doạ thuồng luồng cúng chỉ năm màu

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Sóng Tương như nước mắt trong làu,
Quỷ Sở còn mang hoài hận lâu.
Quỷ núi mời chào trong cỏ nữ,
Vượn trên phong núi đêm tan sầu,
Xác thân đã nát hồn khôn lại,
Hồn chốn tanh hôi chiêu dễ đâu?
Quê cũ “tam lư” làm thử giỗ,
Thuồng luồng ai đuổi cúng năm màu?

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời