Nước mất 80 năm rồi đó
Quốc dân ta có nhớ hay không?
Kìa xem các nước Á Đông,
Diến, Phi đều đã thoát vòng Mỹ Anh!
Chỉ còn có một mình ta đó
Vẫn để cho Pháp nó đè đầu.
Pháp kia còn có chi đâu,
Từ ngày thua Đức đã hầu diệt vong.
Gọi là nước thật không thành nước,
Ấy thế mà vẫn được trị mình.
Vẫn còn bạo ngược hoành hành,
Mà ta lại vẫn trung thành lạ thay.
Làm nô lệ đến ngày nào nữa?
Đến ngày nay chưa biết chán sao?
Hỡi hăm lăm triệu đồng bào!
Chuyện ta ta phải tính sao bây giờ!
Chẳng lẽ cứ ngồi chờ đến chết
Giương mắt trông của hết dân cùng.
Bảo nhau phải hết một lòng
Phen này ta quyết chẳng dong quân thù.
Ông cha trước bình Ngô, sát Thát
Nòi giống mình hèn nhát chi đâu!
Sao ta lại chịu cúi đầu,
Làm tôi tớ Pháp như trâu như bò!
Mình khốn khổ ấm no chẳng đủ,
Riêng sướng cho một lũ Tây đầm.
Ai người có chút lương tâm,
Nghĩ nông nỗi ấy cũng bầm tím gan.
Nhiều kẻ vì thăng quan tiến chức
Mà lỡ tâm bán nước hại nòi.
Vị tiền lại cũng lắm người,
Cơ hồ khắp nước chim mồi chó săn.
Ai có chi cứu dân cứu nước,
Thì lũ này sủa trước chẳng tha!
Hỡi anh em chị em ta,
Hiến thân cho nước mới là quốc dân.
Pháp nó cậy có quân có súng,
Động tí chi giết sống người mình.
Thực thì khố đỏ khố xanh,
Trừ bọn quan Pháp, toàn anh em nhà.
Sao không biết đảo qua đánh nó.
Nếu đồng tâm có khó chi đâu.
Người mình mình chớ hại nhau,
Xin quay ngọn súng trỏ đầu thằng Tây.
Nay mai sẽ có ngày khởi sự,
Các anh em xin chớ ngại ngần.
Dốc lòng vì nước vì dân,
Giúp ta ngoài sẽ có quân hùng cường.
Nay dân tộc da vàng hợp sức,
Đánh đuổi người áp bức bấy lâu.
Đồng tâm ta phải bảo nhau,
Có ra sức mới ngóc đầu được lên.
Này! những kẻ có tiền có của,
Chớ của mình mình giữ khư khư.
Đem tiền giúp nước bây giờ,
Có công là sẽ có lời lãi to.
Chẳng hơn cứ bo bo từng cuộn,
Rồi đến thành giấy lộn vứt đi.
Làm giàu cũng phải khéo suy,
Trước là vì nước sau là bản thân.
Nay cơ hội đã gần tới đó,
Quốc dân ta xin cố sức lên.
Nhất là nam nữ thanh niên,
Chớ quên cứu nước là thiên chức mình.
Đừng say đắm hư vinh vật chất,
Sự vui chơi nên vứt hết đi.
Kìa trông hai nước Diến Phi,
Họ đã độc lập còn mình thì sao?
Không lẽ chịu thuộc vào Pháp mãi,
Xiềng xích này ta phải phá ra.
Ta không cứu lấy nước nhà,
Khó mong cái sự người ta cứu mình.
Phải quyết chí hy sinh phấn đấu,
Vì tự do rơi máu cũng đành.
Hãy vào “Phục Quốc Đồng Minh”.
Góp thêm sức mạnh làm thành việc to:
Tranh độc lập, tự do cho nước,
Cho nước mình cũng được như ai.
Đứng trên thế giới vũ đài,
Từ đây cũng có mặt người Việt Nam.
Bốn mươi năm đi làm việc nước,
Thân già này chưa được truyện chi.
Tuổi nhiều nhưng sức chưa suy,
Thuỷ chung vì những lo vì nước non.
Cũng chẳng tưởng đến con đến của,
Cũng không mong làm chúa làm vua.
Chỉ mưu đánh đuổi quân thù,
Để gây dựng lại cơ đồ nước ta.
Bởi vì thế bỏ nhà sang Nhật,
Mấy mươi năm nếm mật nằm gai.
Đã hay thành bại tại trời,
Gắng công cũng phải tại người mới nên.
Vậy nay có lời khuyên thành thực,
Xin quốc dân hợp sức đồng lòng.
Người xuất của, kẻ xuất công,
Người ngoài vận động, người trong thực hành.
Sẽ có kẻ giúp mình thêm nữa,
Việc phen này nếu sợ không xong.
Cốt sao ta phải hết lòng,
Thành công sẽ chỉ trong vòng năm nay.


Bài này của một nhà cách mạng Việt Nam hoạt động ở Đông Kinh (Nhật Bản) viết giùm cho Kỳ Ngoại hầu Cường Để gửi về khuyên đồng bào nên thừa cơ hội trận Thế giới đại chiến thứ hai, đứng dậy đánh đuổi thực dân Pháp để giành lại chủ quyền và đất đai, nhất là các anh em ở trong quân đội Pháp nên quay mũi súng lại để diệt thù cứu nước.

Cường Để (1882-1951) là cháu 5 đời Đông cung hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, con ông Hàm hoá hương công. Năm 1903, Cường Để được Phan Bội Châu và các đồng chí cách mạng cử là hội trưởng Việt Nam quang phục hội. Năm 1905, Đặng Tử Kính bí mật đưa ông sang Nhật học trường Chấn Võ lục quân. Năm 1908, các nhà cách mạng Việt Nam bị chính phủ Nhật trục xuất, ông phải qua Tàu, Xiêm, trở về Nam Việt, và sang Âu châu. Sau một thời gian bôn ba, ông lại trở qua Nhật. Lần này ông được một yếu nhân Nhật là Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị bao bọc và giúp đỡ. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, người ta tưởng ông sẽ được Nhật cho về để thay ông Bảo Đại. Nhưng mộng ấy bất thành, rồi sau trận Thế chiến thứ hai mấy năm ông mất tại Nhật.

Bài ca này viết vào khoảng năm 1944, và theo các nhà cách mạng thì cũng là một bức tâm thư cuối cùng được ký tên ông để gửi về nước.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]