Les animaux malades de la peste

Un mal qui répand la terreur,
Mal que le Ciel en sa fureur
Inventa pour punir les crimes de la terre,
La Peste (puisqu’il faut l’appeler par son nom)
Capable d’enrichir en un jour l’Achéron,
Faisait aux animaux la guerre.
Ils ne mouraient pas tous, mais tous étaient frappés:
On n’en voyait point d’occupés
A chercher le soutien d’une mourante vie;
Nul mets n’excitait leur envie;
Ni Loups ni Renards n’épiaient
La douce et l’innocente proie.
Les Tourterelles se fuyaient:
Plus d’amour, partant plus de joie.
Le Lion tint conseil, et dit: Mes chers amis,
Je crois que le Ciel a permis
Pour nos péchés cette infortune;
Que le plus coupable de nous
Se sacrifie aux traits du céleste courroux,
Peut-être il obtiendra la guérison commune.
L’histoire nous apprend qu’en de tels accidents
On fait de pareils dévouements:
Ne nous flattons donc point; voyons sans indulgence
L’état de notre conscience.
Pour moi, satisfaisant mes appétits gloutons
J’ai dévoré force moutons.
Que m’avaient-ils fait? Nulle offense:
Même il m’est arrivé quelquefois de manger
Le Berger.
Je me dévouerai donc, s’il le faut; mais je pense
Qu’il est bon que chacun s’accuse ainsi que moi:
Car on doit souhaiter selon toute justice
Que le plus coupable périsse.
- Sire, dit le Renard, vous êtes trop bon Roi;
Vos scrupules font voir trop de délicatesse;
Et bien, manger moutons, canaille, sotte espèce,
Est-ce un péché? Non, non. Vous leur fîtes Seigneur
En les croquant beaucoup d’honneur.
Et quant au Berger l’on peut dire
Qu’il était digne de tous maux,
Etant de ces gens-là qui sur les animaux
Se font un chimérique empire.
Ainsi dit le Renard, et flatteurs d’applaudir.
On n’osa trop approfondir
Du Tigre, ni de l’Ours, ni des autres puissances,
Les moins pardonnables offenses.
Tous les gens querelleurs, jusqu’aux simples mâtins,
Au dire de chacun, étaient de petits saints.
L’Ane vint à son tour et dit: J’ai souvenance
Qu’en un pré de Moines passant,
La faim, l’occasion, l’herbe tendre, et je pense
Quelque diable aussi me poussant,
Je tondis de ce pré la largeur de ma langue.
Je n’en avais nul droit, puisqu’il faut parler net.
A ces mots on cria haro sur le baudet.
Un Loup quelque peu clerc prouva par sa harangue
Qu’il fallait dévouer ce maudit animal,
Ce pelé, ce galeux, d’où venait tout leur mal.
Sa peccadille fut jugée un cas pendable.
Manger l’herbe d’autrui! quel crime abominable!
Rien que la mort n’était capable
D’expier son forfait: on le lui fit bien voir.
Selon que vous serez puissant ou misérable,
Les jugements de cour vous rendront blanc ou noir.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh

Có một bệnh ai là chẳng khiếp
Hẳn ông trời điên tiết bày ra
Để răn thế giới gian tà
Chính danh dịch hạch (lựa là kiêng tên)
Một ngày chật ních hoàng tuyền
Phải khi trái tiết, bệnh truyền súc sinh
Giống nào giống nấy hãi kinh
Chết không khắp lượt, linh tinh phải đều
Xem ra cảnh tượng tiêu điều
Biếng ăn nhác uống, thân liều cho xong
Cao lương mỹ vị coi không
Chó rừng chó sói đều cùng nằm im
Mặc cừu, mặc lợn, tha tìm
Bồ câu, chim gáy chẳng thèm nhìn nhau
Hết vui ra cảnh buồn rầu
Hùng sư hội nghị để cầu bình yên
Diễn rằng: - Hỡi các anh em!
Trên kia nay đã xui nên cảnh này
Để răn tội chúng ta đây
Vậy nên cứu xét ai hay làm càn
Phải ra mà chịu lấy nàn
Họa may cứu được cho an các loài
Xem trong lịch sử xưa nay
Cầu qua nạn chúng, kẻ hay dâng mình
Tội ta, ta xét cho minh
Vấn tâm ta thử thực tình một phen
Như ta tham thực nết quen
Mồm này đã nhá cừu hèn biết bao?
Loài cừu tội lỗi đâu nào
Nhiều khi ta nhá đến đầu thằng chăn
Vậy nên ta chịu hiến thân
Nhưng ai có tội xa gần thú ra
Cũng nên bắt chước như ta
Để ai trọng phạm ra mà chịu thay
Chó rừng đứng dậy tâu ngay:
- Thánh quân tự trách, khắc thay cho mình
Vả cừu ngu độn hôi tanh
Án mông ngự dụng là vinh cho cừu
Sự thường tội lỗi đâu nào!
Còn như thằng bé chăn cừu bất lương
Kể ra độc ác bao dường
Cùng loài cầm thú toan đường tác oai...
Sói tâu vậy, cả các loài
Một phe nịnh hót khen hoài rằng hay
Cọp, gấu dữ ác nào tày
Mà ai có dám đem bày tỏ ra?
Những loài bặng nhặng chua ngoa
Đến như chú cẩu cùng là bụt con
Đến lượt Lừa thú tội luôn:
- Trót qua một bãi cỏ non của người
Phải khi bụng đói cỏ tươi
Ma tinh run rủi như mời miệng ăn
Trót đưa một lưỡi gian tham
Chịu rằng phạm lỗi tham ăn của người
Các giống nghe nói vừa rồi
Đồng thanh mắng mỏ Lừa tồi gian ngoan
Sói kia cũng thạo việc quan
Phỉnh rằng: - Nặng nhất là ăn cỏ người
Phải đem Lừa vật chết tươi
Gieo tai cho cả, tội thời tại mi
Tầm thường mà tội lăng trì
Chết nỗi! Trộm cỏ còn gì nặng hơn!
Việc này giết cũng chẳng oan
Liền đem hành hạ một cơn chết Lừa

Thế mới biết kiện thưa tố tụng
Trắng hay đen, thôi cũng thế thần


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Đình

Các loài vật bị dịch hạch

Một họa lớn gây tai dữ dội
Họa trời gieo lúc nổi lôi đình
Để trừng trị tội chúng sinh
Chính là dịch hạch! âu đành gọi tên
Cái họa một ngày đêm cũng đủ
Làm ngổn ngang đầy ứ tuyền đài
Họa nhè lũ vật gieo tai
Dù không chết hết, muôn loài đều vương
Chán cuộc sống đau thương hấp hối
Kế bảo sinh chẳng đoái chẳng hoài
Cao lương cũng chẳng buồn xơi
Thờ ơ, chồn sói mặc mồi thơ ngây
Chim gáy cũng lìa bầy lánh bạn
Hết ái ân, thôi cạn nguồn vui!
Thiết triều Sư tử phán lời:
"Chư khanh thân ái, nếu tôi không lầm
Trời cố phạt lỗi lầm ta đấy
Nên bắt ta gánh lấy họa này
Tội tình ai nặng nhất đây
Phải hy sinh để dịu ngay lòng trời
May ra bệnh muôn loài được khỏi
Sử sách xưa đã nói rành rành
Gặp tai biến ấy âu đành
Vì nhau ta phải quên mình cứu nguy
Đừng tự dối làm chi các bạn!
Nghiêm xét mình cho tận lương tâm
Trẫm thì tham thực quen thân
Miệng rồng trót nhá hàng trăm cừu rồi!
Cừu đâu động đến người của trẫm
Không dối vua, chẳng dám khinh nhờn
Đôi khi tội trẫm còn hơn
Ngon mồm có lúc xơi luôn... mục đồng
Nếu cần trẫm vui lòng hiến mạng
Nhưng xét ra muốn đặng phân minh
Mỗi khanh nên thú tội mình
Theo gương của trẫm chí tình mới hay
Bởi đúng lẽ, ai dày tội nhất
Phải hy sinh mới thật công bình"
Cáo ta đứng dậy tấu trình:
"Muôn tâu thánh thượng anh minh tuyệt trần
Lệnh ngài quả băn khoăn quá mức
Nhá cừu ư? giống ngốc, giống tồi
Có gì đáng tội ngài ơi?
Chúng còn hân hạnh được ngài nhá cho!
Thằng chăn nữa, cái đồ vô lại!
Chính hắn nên chịu mọi nhục hình
Cái đồ ngợm quá hợm mình
Toan trên muôn vật ngông nghênh trị vì!"
Cáo vừa tấu lời ti tiện đó
Lũ nịnh thần rầm rộ vỗ tay
Chẳng ai động đến tội dày
Của Hùm, của Gấu, của bầy đầu to
Loài gây sự đến đồ chó má
Theo lời cung đều hóa thành con!
Lừa ta đến lượt mở mồm:
"Thưa, tôi còn nhớ một hôm thế này
Qua bãi cỏ nhà thầy tu nọ
Đói, thời cơ, ngọn cỏ mịn màng
Ma đưa lối, quỉ dẫn đàng
Cỏ kia tôi gặm khoảng bằng lưỡi tôi
Tôi nào có quyền xơi thế chứ
Vì lẽ công xin thú rạch ròi"
Lừa ta chưa kịp dứt lời
Nhao nhao kết tội, tiếng sôi cả triều
Sói am hiểu ít nhiều pháp luật
Liền hô hào diễn thuyết ba hoa
Rằng cần hiến mạng Lừa ta
Cái con ghẻ lở gây ra vạ trời!
Lỗi tí tẹo tức thì thành án
Xử giảo ngay mới đáng tội dày!
Gặm cỏ người, tội ghê thay!
Tội kia chỉ có cách này: giết thôi
Để Lừa biết tội trời đầy đủ
Chúng lôi ngay cổ nó hành hình

Lạ chi công lý triều đình
Sang hèn thay đổi tội tình trắng đen


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
12.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Giống vật mắc bệnh dịch

Một tai họa trời gieo kinh hãi
Thú muôn loài trị tội khiếp ghê!
Họa kia tên gọi là gì?
Gọi là "ôn dịch" tru di muôn vàn
Cõi âm cung dần dần đã chật
Đủ mọi loài thú vật tàn hung
Con ngọa bịnh, con lâm chung
Bây giờ dương thế toàn vùng tạm yên
Những con mồi dịu hiền vô tội
Thoát vuốt nanh chồn sói rình mò
Bọn chim gáy cũng nằm co
Tình yêu gì nữa chỉ lo sống còn
Thấy sự việc, đầu non Sư hội:
"Hoạn nạn này do tội của ta
Làm cho phẫn nộ trời già
Ta nên thú tội, may mà người nguôi
Trong chúng ta những ai lỗi nặng
Phải nói ra, thú nhận với trời
Từ xưa lịch sử rạch ròi
Gặp khi họa lớn, phải người hy sinh
Chúng ta chớ làm thinh tự đắc
Phải vấn tâm nghiêm khắc mới là
Phần tôi cứ thực nói ra
Háu ăn, tôi đã giết la liệt cừu
Tuy chúng chẳng một điều xúc phạm
Cả tên chăn của đám cừu này
Tôi còn móc ruột phanh thây
Đền tội, tôi chịu chết ngay nếu cần
Nhưng tôi nghĩ: thẩy nên tự xét
Kết tội mình y hệt như tôi
Công bằng mới hợp lẽ trời
Những ai tội nhất nhận lời hy sinh"
Cáo nghe đoạn tâu trình vội vã:
"Lòng từ bi bệ hạ ai bằng
Qua lời tự phán ngại ngùng
Thấy ngài tế nhị vô cùng, phục thay!
Ngài xơi bọn cừu, loài hèn hạ
Đó mà là tội vạ hay sao?
Không, không, cừu phải tự hào
Về cái danh dự được vào miệng vua
Bọn chăn cừu, ai ưa được chúng
Chúng độc tài, rẻ rúng muông sinh"
Khi Cáo kết thúc tâu trình
Vỗ tay cả bọn nịnh thần hùa theo
Về tội lỗi Gấu, Beo, Hùm, Sói
Thẩy im mồm, chẳng hỏi, chẳng tra
Theo những ý kiến nói ra
Các kẻ gây vạ đều là "thánh con"
Rồi Lừa cũng lồm cồm ra nói:
"Nhớ bữa nào bụng đói đi qua
Đồng ông tu sĩ bao la
Cỏ xanh mơm mởn, nõn nà thơm ngon
Chắc cũng có quỷ ma thúc đẩy
Nên Lừa tôi đã dại trót ăn
Việc này tôi vẫn ăn năn"
Dứt lời tất cả vội tranh buộc liền
"Lừa đốn mạt", Sói lên giọng nói
Phải hy sinh giống hói trán này
Chính giống ghẻ khắp mình đây
Là nguồn đại họa giết bầy lũ ta
Đáng xử giảo, tội to ghê lắm!
Cỏ của người mà dám đến ăn
Một khi phạm tội tầy đình
Chỉ có cái chết để anh báo đền"

Tùy theo mạnh yếu ra sao
Tòa sẽ phán quyết bên nào trắng đen


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

" các loài vật bị dịch hạch"

Ý nghĩa của bài thơ " các loài vật bị dịch hạch"

Chưa có đánh giá nào
Trả lời