早解

一次雞啼夜未闌,
群星擁月上秋山。
征人已在征途上,
迎面秋風陣陣寒。

東方白色已成紅,
幽暗殘餘早一空。
暖氣包羅全宇宙,
行人詩興忽加濃。

 

Tảo giải

Nhất thứ kê đề dạ vị lan,
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san.
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn.

Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
U ám tàn dư tảo nhất không.
Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nùng.

 

Dịch nghĩa

Gà gáy một lần, đêm chưa tàn,
Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu;
Người đi xa đã cất bước trên đường xa,
Gió thu táp mặt từng cơn từng cơn lạnh lẽo.

Phương đông màu trắng chuyển thành hồng,
Bóng đêm còn rơi rớt sớm đã hết sạch;
Hơi ấm bao la khắp vũ trụ,
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.


Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nam Trân

Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.

Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đến tàn, quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
304.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Phần dịch nghĩa

Gà gáy một lần, đêm chưa tàn,
Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu;
Người đi xa đã cất bước trên đường xa,
Gió thu táp mặt từng cơn lạnh lẽo.

Phương đông màu trắng chuyển thành hồng,
Bóng đêm còn rơi rớt sớm đã hết sạch;
Hơi ấm bao la khắp vũ trụ,
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

BAOKHANH@NUHOANG
94.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bức tranh thiên nhiên trong hai bài thơ “Giải đi sớm”

Nhắc đến Bác Hồ ta nhắc đến một tình yêu thương bao la và vĩ đại. Trong trái tim nhân ái của mình Bác vẫn không quên dành một vị trí đặc biệt cho thiên nhiên. Chỉ một chút thôi cùng đủ để thiên nhiên bừng sáng trong thơ Người. Giải đi sớmChiều tối không chỉ là hai bài thơ mang đậm giá trị nhân văn mà còn là những bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, vận động từ bóng tối đến ánh sáng qua đó thể hiện tâm hồn cao đẹp của Hồ Chí Minh.

Nằm trong tập thơ Nhật ký trong tù – tập thơ được sáng tác khi Bác Hồ bị nhà tù Tưởng Giới Thạch giam cầm những năm 1942 – 1943, hai bài thơ đều được lấy cảm hứng từ phong cảnh bên đường khi Bác chuyển lao.

Hai bài thơ, hai bức tranh ờ hai thời điểm khác nhau: chiều tối và sáng sớm song cả hai đều đẹp, tinh tế. Đặc biệt, là cả hai bài thơ thiên nhiên đều đi từ tối tăm, lạnh lẽo đến ánh sáng và ấm áp.

Chiều tối, nhà thơ đã có một sự đồng cảm đặc biệt với thiên nhiên:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
“Chim bay về núi” là báo hiệu trời đã “tối rồi”, ở đây, chim cũng bay về rừng tìm điểm tựa, về với gia đình và “tìm chốn ngủ”. Nhưng đó không phải cánh chim bình thường mà là cánh chim “mỏi”. Nhìn cánh chim bay đã biết chim mệt mỏi sau một ngày kiếm ăn vất vả. Phép nhân hoá đã thể hiện tấm lòng nhà thơ đối với thiên nhiên. Chưa hết, “chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”. Câu thơ nguyên văn chữ Hán là “Cô vân mạn mạn độ thiên không”. “Cô vân” là chòm mây lẻ loi, cô độc, “độ thiên không” là bay ngang qua bầu trời. Câu thơ miêu tả một chòm mây cô đơn, lẻ loi một mình thực hiện cuộc hành trình dài dặc bay ngang qua khoảng trời rộng lớn. Khung cảnh vắng vẻ, mệt mỏi gợi buổi chiều tà đang lắng dần những thời khắc cuối ngày. Bóng tối đang mon men mặt đất… Bầu trời rộng lớn chi có cánh chim và áng mây lẻ loi. Còn mặt đất, nơi vẫn đông đúc vui vẻ sự sống thì:
Cô em xóm núi say ngô tối
Xay hết lò than đã ửng hồng
Thực ra trong nguyên tác là:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lò dĩ hồng
Thật kỳ diệu, bài tả cảnh chiều tối mà toàn bài không hề có một chữ “mộ” nào. Ngược lại, cảnh chiều tối nhưng lại để ánh sáng ngân vang. Bài thơ khép lại với hình ảnh “lò than rực hồng” – ‘lô dĩ hồng’’. Trong tiếng Hán, “hồng” là ánh sáng, hồng còn là ấm áp. Sự ấm áp của ngọn lửa giữa buổi tối miền núi lanh lẽo; cũng là sự ấm áp của tình cảm gia đình đoàn tụ quây quần. Và biết đâu, còn ấm bởi tình Người – tình cảm của Bác đối với những kiếp cần lao, với người dân miền núi bên cạnh nhịp quay nặng nề của cối xay “ma bao túc – bao túc ma hoàn”.

Bài thơ đi từ bóng tối chiều hôm, từ sự mệt mỏi; cô đơn, lang thang vô định của chim, của mây đến ánh sáng hồng tươi ấm áp của ngọn lửa, của tình người.

Ta cũng gặp sự vận động kỳ diệu ấy trong Giải đi sớm. Bài thơ chia làm hai phần nhỏ rất rõ ràng khác biệt.

Phần một là cảnh thiên nhiên khi “đêm chửa tan”. “Đêm chửa tan” — “dạ vi lan” tức là trời đang đêm, còn tối “dạ”. Bóng tối noi miền núi hoang sơ gắn với cái lạnh lẽo hoang vu và cả nỗi sợ hãi. Những núi non, vực thẳm hiểm trở, chi xảy chân một chút là… Không chỉ thế, còn là miền núi lúc nửa đêm thu. Mùa thu đất Bắc thì lạnh lẽo vô cùng. Ở đây Bác chỉ nhắc đến những cơn gió thu “trận trận hàn” đã thấy tê buốt xương da như đóng băng vậy.

Nhưng sang đến phần hai thì khác hẳn. Màu sắc, không gian đối lập hoàn toàn với phần trước. Đất trời “màu trắng chuyển sang hồng”. Màu hồng của ánh dương rực rỡ, của sự ấm áp, của miền núi hy vọng. Bóng tối bị quét sạch, không gian được thanh lọc đến vô cùng: “Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không”. Nguyên tác Bác dùng từ “tảo nhất không” – đã hết sạch để nói đến cái trong trẻo tuyệt đối của sớm mai. Và hơi ấm ngày mới lan toả bao trùm “Hơi ấm bao la toàn vũ trụ” để “Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”.

Từ sự lanh lẽo, tối tăm của đêm thu đến buổi sớm mai ấm áp trong lành đầy màu sắc, thiên nhiên vận động tươi sáng nhịp nhàng còn tác động tích cực đến con người và cùng thể hiện tâm hồn một con người yêu thiên nhiên, lạc quan tin tưởng vào ngày mai đầy ánh sáng.

Ngay ở Chiều tối ta đã bắt gặp một tình yêu thương bao la Bác dành cho thiên nhiên và sự sống con người. Có vậy Bác mới đồng cảm với sự “mỏi” của cánh chim; cái cô đơn, lang thang của chòm mây “mạn mạn độ thiên không”. Đặc biệt, Bác chia sẻ với nỗi vất vả của người dân ngoại quốc. Điều đó thể hiện qua câu thơ diễn tả nhịp quay nặng nề của cối xay ngô “ma bao túc – bao túc ma hoàn”. Ta còn lưu ý rằng, khi ấy Bác đang phải chịu cảnh tù đày, Bác đau khổ hơn cánh chim, áng mây và người sơn nữ kia nhưng Người vẫn mở lòng để cảm thông chia sẻ. Đặc biệt, qua cái ấm áp của ánh lửa gia đình, ta hiểu rằng Bác đang chung vui, chung ấm với bữa cơm đoàn tụ gia đình người sơn nữ.

Giải đi sớm không chỉ tấm lòng mà cả bản lĩnh của người tù cách mạng cùng thể hiện rõ. Đêm thu lạnh lẽo hiểm nguy, người vẫn mở lòng ưu ái với thiên nhiên, nhìn thiên nhiên bằng đôi mắt hữu tình tinh tế: “Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn” – “Quần tinh ủng nguyệt thưởng thu san”. “Quần” là quây quần gọi cái đông vui, ríu rít. “Ủng” là bao lấy, ôm lấy. Hình ảnh những vì sao đông đúc vui vẻ ôm ấp vầng trăng cùng bay lên “thưởng” thật tình tứ thi vị. Cũng trong đêm hàn thu ấy, người chiến sĩ cách mạng đã thể hiện bản lĩnh bằng thái độ sẵn sàng đón nhận gian khổ, đón nhận hiểm nguy thậm chí thách thức chúng “nghênh diện thu phong trận trận hàn”. Nếu như điệp từ “trận trận” gợi đến lớp lớp đợt gió thu lạnh buốt táp vào thì từ “nghênh” đầy kiêu hãnh thể hiện thái độ sẵn sàng đối mặt gian nguy. Con người ở đây mạnh mẽ, can trường và kỹ vĩ, tự nâng mình lên sánh với thiên nhiên. Không chỉ vậy, với sự khốc nghiệt của thiên nhiên Người “nghênh diện” nhưng với sự ấm áp, sáng tươi Người hoà mình vào ban mai tươi sáng “Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”. Vậy là bỗng chốc một tù nhân vụt hoá thành thi nhân. Khổ đau chỉ là cảm hứng để Bác tỏ lòng can trường. Ánh sáng ban mai để Bác ấm lòng lạc quan tin tưởng.

Không chỉ Chiếu tốiGiải đi sớm, rất nhiều bài thơ trong Nhật ký trong tù tả cảnh thiên nhiên và tất cả thiên nhiên đều có sự vận động tươi sống từ bóng tối tới ánh sáng. Ra đời trong một hoàn cánh đặc biệt, những vần thơ ấy thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu tự do bao la của Bác. Và hơn hết, nó thể hiện bản lĩnh, tinh thần người cách mạng luôn lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.

Chiều tối, Giải đi sớm… đó thực sự là những vần thơ đẹp đẽ. Và đúng như một nhà thơ từng ca ngợi:
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn bao la bát ngát tình.
Cái “tình” trong những bài thơ như thế có ngọn nguồn cảm hứng từ thiên nhiên – người bạn chung tình muôn đời của các thi nhân.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
35.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Triệu Lam Châu

I
Một lần gà gáy, còn đêm
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên trên ngàn
Người đi bước thẳm dặm đàng
Đêm thu rát mặt gió hàn cuộn dâng.

II
Phương đông màu trắng chuyển hồng
Tàn đêm, sớm đã sạch không bóng huyền
Bao trùm hơi ấm vô biên
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng nàn.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
54.80
Trả lời