Quách Tứ lang ở Hàm Dương có người hầu mang kiếm thích văn chương, có làm bài thơ như sau:

Thanh điểu hàm bồ đào,
Phi thượng kim tỉnh lan.
Mỹ nhân khủng kinh khứ,
Bất cảm quyển liêm khan.
(Chim xanh ngậm nho chín,
Bay xuống đậu bên song.
Mỹ nhân sợ bay mất,
Chẳng dám vén rèm trông).
Bài thơ chỉ vẻn vẹn có hai mươi chữ nhưng vô cùng súc tích. Nói theo lối ngôn ngữ học thì cái phần hàm ngôn của nó quyện chặt với phần hiển ngôn làm thành một thông báo bao hàm lượng thông tin rất lớn với một cơ cấu ý nghĩa đa tầng. Con chim xanh sứ giả của Tây Vương mẫu trong truyền thuyết thời Hán đến thời Đường đã trở thành con chim đưa tin trong văn chương, song điều đáng chú ý là ở đây nó ngậm trái nho, một thứ trái cây nhiệt đới vẫn được coi là quý hiếm ở Trung Hoa ngày trước. Và căn nhà có dãy lan can chạm trổ thếp vàng lộng lẫy (kim tỉnh lan) trong bài thơ hẳn là vắng vẻ tịch mịch lắm, nên con chim mới chọn làm nơi thưởng thức thứ trái cây đặc sản mà nó may mắn vớ được ấy, còn người đẹp lẻ loi kia chắc đã lặng lẽ đứng cạnh song trước khi con chim đáp xuống, chứ không thì nó đã bay đi vì tiếng bước chân của nàng tới cạnh cửa rồi. Rõ ràng con chim xanh ngậm trái nho ở đây đã đưa về một cái tin từ đâu đó xa lắm, ở tận nước ngoài cho người đẹp lẻ loi trong hiu quạnh, mặt khác có lẽ người đẹp đã trải qua nhiều ngày tháng đợi chờ nên mới không vén rèm, nàng đợi chờ vì thói quen chứ không phải vì sốt ruột. Không biết đó là tin gì và người đẹp đợi chờ ai, song ở đây dường như có một câu chuyện dài được đặc tả bằng hai chi tiết - nếu trong trái nho lóng lánh tím trên mỏ chim thấp thoáng muôn dặm núi sông xa xôi cách trở thì nơi tấm rèm im lìm buông bên song cửa phảng phất một chuỗi tháng năm đằng đẵng đợi chờ...

Tuy nhiên, hình ảnh người đẹp đứng sau khung cửa cách một tấm rèm chăm chú nhìn con chim xanh ngậm trái nho tím vừa tới đậu trên lan can chạm trổ thếp vàng và chỉ sợ nó bay đi ấy có lẽ chỉ là một hiện thực biểu kiến. Bố cục thời gian và tình tiết của bài thơ tạo ra hai không gian cảnh của tình và tình của cảnh trên hai yếu tố động - tĩnh vận động một cách ăn khớp và nhịp nhàng còn làm phát sinh ở đây một hiệu quả nghệ thuật riêng. Bài thơ bắt đầu với việc chim và trái bất chợt khuấy động sự yên tĩnh của cảnh và người, rồi khi con chim bắt đầu hoà vào cảnh yên tĩnh trong sự bận tâm với trái nho của nó thì cảnh và người tuy cũng chìm lại vào yên tĩnh song tâm và tình của người đẹp lẻ loi cô quạnh nơi căn nhà vắng vẻ tịch mịch kia lại xáo động càng lúc càng mãnh liệt vì nàng phải tự kìm chế Chẳng dám vén rèm trông. Yếu tố động của bài thơ bị dồn nén, cô lập và vận động trong tâm tình của người đẹp ở đây mở ra một không gian nhận thức khác. Con chim rồi cũng sẽ bay đi sau khi ăn xong trái nho của nó, cái tin nó mang tới kia vẫn mãi mãi mơ hồ vì được đọc qua tấm rèm che cửa, một tương lai mang dấu chấm lửng bên cạnh một số phận mang dấu chấm hỏi của người đẹp vẫn vĩnh viễn còn đó - bài thơ chông chênh nhưng lung linh trên một hiện thực ngoài tầm tay và trong khoảnh khắc, ở đó cái đẹp chập chờn trước một ước mơ bất lực còn sự thật phũ phàng với những khát vọng không tên... Chính tại đây thân phận thi nhân kết tinh trong tâm tình tác giả: cái hiện thực biểu kiến kia mang trong nó một thực tại bị đè nặng bởi quá khứ và quan trọng hơn, một hiện tại luôn khát khao chờ đợi nhưng lại rụt rè e ngại không dám mặt đối mặt tiến thẳng tới tương lai.

Nhưng thế giới luôn đổi thay, và để làm nên cũng như hoà nhập vào một thế giới luôn đổi thay, con người phải vượt khỏi chính mình. Có thể coi bài Đề mẫu đơn (Đề hoa mẫu đơn) là tác phẩm đánh dấu điểm bắt đầu con đường vượt khỏi chính mình của người hầu mang kiếm trong nhà họ Quách:
Nhất chủng phương phi xuất hậu đình,
Khước thâu đào lý đặc giai danh.
Thuỳ năng vị hướng thiên nhân thuyết,
Tùng thử di căn thượng thái thanh.
(Thơm tho tươi tốt đứng sau đình,
Kém mận thua đào nghĩ tủi tình.
Ai nói người tiên dời gốc giúp,
Đem lên trồng giữa chốn trời xanh).
Khác hẳn bài Thanh điểu hàm bồ đào đậm màu rụt rè nhút nhát, ở bài Đề mẫu đơn này tác giả đã mạnh dạn đồng thời thẳng thắn bày tỏ tình cảm giống như một phản ứng về sự trái ngược hay ít ra là chênh lệch giữa giá trị và thân phận của mình. Mặc dù còn mong mỏi một phép mầu để đổi thay số phận, người hầu mang kiếm của Quách Tứ lang cũng đã chính thức khẳng định bản thân là một người có tài chẳng may rơi vào địa vị thấp hèn, giống như khóm hoa mẫu đơn tươi đẹp thơm tho sở dĩ kém mận thua đào chỉ vì bị trồng ở nơi vườn sau vắng vẻ. Và quả nhiên về sau người ấy thấy nhục nhã với thân phận nô lệ nên bỏ trốn, lúc ra đi có để lại một bài thơ từ biệt chủ nhân lời lẽ rất cảm động, họ Quách cũng không truy tìm đuổi bắt. Phạm Cứ cuối thời Đường thuật lại câu chuyện trên trong Vân Khê hữu nghị, có chép lời Kinh triệu doãn Hàm Dương Lục Toàn Hiểu nhận xét người hầu mang kiếm ấy là nhân vật vượt khỏi thói thường.


Nguồn: Cao Tự Thanh, Giai thoại thơ Đường, NXB Phụ nữ, TP Hồ Chí Minh, 1995
tửu tận tình do tại