Bản dịch của Nguyễn Đôn Phục

Mùa xuân năm Khánh Lịch thứ tư, Đằng Tử Kinh bị trích ra làm chức Thái thú quận Ba Lăng. Qua năm thứ hai, chính sự thông đạt, dân tâm hoà thuận. Phàm việc phế hoại bấy lâu, hết thảy chấn hưng lại cả. Mới trùng tu lầu Nhạc Dương, tăng ích chế độ cũ, khắc thơ phú người nhà Đường và thơ phú người hiện thời trên lầu, uỷ cho ta làm văn để ký lấy.

Ta xem ra, thắng cảnh quận Ba Lăng toàn ở về hồ Đỗng Đình. Hồ này ngậm núi xa, nuốt sông dài, mênh mông bát ngát, không bến không bờ, bóng chiều cảnh sớm, khí tượng muôn nghìn, ấy là cái quang cảnh đại quan của lầu Nhạc Dương lâu. Người xưa thuật ra đã đủ cả rồi.

Thế thì, hồ này phía bắc thông lên núi Vu núi Giáp, phía nam cùng đến sông Tiêu sông Tương; thiếu gì người du hoạn khách tao nhân hội tụ ở đây, trong khi lãm thắng, xúc cảnh sinh tình, há chẳng khác nhau dư!

Những khi gặp đến cảnh: mưa dầm sùi sụt, hàng tháng chẳng thôi, gió âm gào thét, sóng đục rẫy trời, mâu sao náu bóng, núi non ẩn hình, buôn bán vắng tanh, buồm đổ bè trôi, ngày chiều mù mịt, vượn hót beo gầm; kẻ lên lầu này, há chẳng có cái tình xa nước nhớ làng, lo gièm sợ tội. Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Đến khi gặp những cảnh: xuân hoà khí thanh, mặt nước như tờ, bóng nước bóng trời, cùng một sắc biếc, cò bay phất phới, cá lượn tung tăng, bờ huệ bến lan, thơm tho xanh tốt, mà hoặc lại những cảnh: trời dài một bầu, trăng tỏ nghìn dặm, vẻ sang nổi vàng, nét tĩnh chìm ngọc, thuyền chài bơi hát, vui thú khôn cùng; kẻ lên lầu này, há chẳng tâm thần vui vẻ biết bao, vinh nhục quên đi hết thảy, gió gác thảnh thơi, bầu tiên chuốc rượu, mừng nào lại quá mừng này nữa chăng!

Than ôi! Ta thường cầu lấy cái tâm của kẻ nhân giả đời xưa, hoặc cũng có khác với hai hạng người ấy sở hành vi, là cớ sao đó thay! Này kẻ nhân giả đời xưa chẳng vì cái cảnh ngoài mà sinh ra hỉ, cũng chẳng vì cái sự mình mà sinh ra bi. Khi ở ngôi cao trên chốn miếu đường, thì lo cho dân; khi ở cõi xa ngoài chốn giang hồ, thì lo cho vua. Ấy lúc tiến cũng lo, lúc thoái cũng lo, thế thì lúc nào làm vui đó thau? Chắc rằng thiên hạ chửa lo, mà ta vì thiên hạ lo trước, thiên hạ đã vui, mà ta nhường thiên hạ vai sau vậy. Ôi! Chẳng phải bậc người ấy, la bắt chước ai?

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]