褚童廟其一

穩駕仙舟二水津,
樓臺一夜碧波春。
飛昇莫過廣寒殿,
中有姮娥不嫁人。

 

Chử Đồng miếu kỳ 1

Ổn giá Tiên châu Nhị thuỷ tân,
Lâu đài nhất dạ bích ba xuân.
Phi thăng mạc quá Quảng Hàn điện,
Trung hữu Hằng Nga bất giá nhân.

 

Dịch nghĩa

Chiếc thuyền tiên êm ả bên bến sông Nhị Hà,
Chỉ một đêm mùa xuân mà lâu đài mọc lên giữa sóng biếc.
Bay lên cao không vượt qua cung trăng,
Bên trong có Hằng Nga không lấy người thường.


Nguyên chú: Miếu thờ Chử Đồng Tử nằm ngoài cửa đông ở nam thành Hà Nội, thuộc phường Bích Lưu, huyện Thọ Xương. Đời Hùng Vương thứ 3, con gái vua là công chúa Tiên Dung rất thích du chơi sơn thuỷ. Một hôm, thuyền đang men theo dòng Nhị Hà xuôi hướng nam đến bên bãi Mạn Trù, thấy cát trắng nước trong, cảnh trí thật đẹp mắt. Công chúa bèn sai quân hầu quây màn trên bãi cát rồi múc nước sông lên tắm. Nước chảy cát trôi, trên bãi lộ ra một người con trai, người đó là Chử Đồng Tử. Công chúa sai hạ giá cùng Chử Đồng Tử. Làng Chử Hương trước kia có một người họ Chử, tên là Đồng Tử vốn có phép tiên, thường khoả thân giấu mình trong nước bên sông. Khi thuyền công chúa đi đến không biết ẩn náu vào đâu, bèn vùi mình trong cát trắng. Sự gặp gỡ kỳ ngộ đã khiến hai người nên vợ nên chồng. Chử Đồng Tử đi đâu cũng mang theo một cây gậy và một chiếc nón, đến đâu cắm cây gậy xuống úp nón lên trên là nơi đó biến thành lâu đài. Về sau, Chử Đồng Tử cùng công chúa nhổ gậy, lâu đài biến mất rồi bay lên trời, chỗ đất ấy biến thành cái vực sâu. Người đời truyền tụng gọi tên là Nhất Dạ trạch (đầm một đêm). Ngày nay, vùng Đông An, Mạn Trù và dọc theo bờ sông đều có chùa, miếu thờ. Trải các triều đại đều được sắc phong hàng Thượng đẳng thần. Còn miếu thờ ở Bích Lưu không khảo cứu được nguồn gốc, hay đó là vết tích nơi công chúa Tiên Dung đã từng đi chơi qua.

Chử Đồng Tử là một trong bốn vị thần bất tử của Việt Nam. Tương truyền thần người làng Chử Xá, nay thuộc xã Đa Hoà, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Hiện nay ở Đa Hoà và dọc theo sông Hồng có nhiều đền thờ Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung công chúa.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]