昇龍城

造設靜觀天地靈,
李陳虎視此宜京。
皇朝一統輿圖大,
嘉命昇隆作省城。

 

Thăng Long thành

Tháo thiết tĩnh quan thiên địa linh,
Lý Trần hổ thị thử nghi kinh.
Hoàng triều nhất thống dư đồ đại,
Gia mệnh Thăng Long tác tỉnh thành.

 

Dịch nghĩa

Tạo dựng lặng xem cảnh đất trời linh thiêng,
Lý, Trần đều coi là thế hổ nhòm, xứng đáng là kinh đô hưng thịnh.
Hoàng triều (Nguyễn) thống nhất cơ đồ lớn,
Đổi Thăng Long trở nên tỉnh thành.


Nguyên chú: Sử ký chép Lý Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên năm đầu 1010 tức năm Canh Tuất, vua từ động Hoa Lư ngự giá ra Long Biên định đô có rồng vàng hiện ra trước thuyền ngự, nên vua đặt tên là thành Thăng Long. Phía nam thành là cửa Đại Hưng, nay là chỗ đình Quảng Minh; phía đông bắc là cửa Tường Phù, sau đổi là cửa Đông Hoa, nay là cầu Đông Thị. Trên phía tây là cửa Quảng Đức, nay là Giảng Võ. Phía bắc đường của thành cổ là cửa Diệu Đức, đã bị lở xuống sông, nên không khảo cứu được. Giữa núi Nùng có toà điện thiết triều, trước điện là thềm rồng; trước thềm rồng có năm cửa, trước năm cửa còn có ba cửa, tất cả đều làm bằng đá. Các triều đại Trần, Lê đều đóng đô tại đây. Hoàng triều (Nguyễn) lập kinh đô ở Phú Xuân, niên hiệu Gia Long thứ 3 (1804), vua lệnh xây dựng Bắc Thành, lấy chính giữa núi Nùng làm tâm điểm để hoạch định mốc giới của một góc thành. Phá bỏ ba cửa trước và hai cửa Đại Hưng, Đông Hoa. Như vậy là xây năm cửa của bốn toà thành. Thành, ao, cửa, cầu tất cả đều lát đá, đổi tên là thành Thăng Long (long 隆 có nghĩa là cao). Khảo cứu biết rằng, thành Thăng Long (rồng bay) bắt đầu được xây dựng từ niên hiệu Lý Thuận Thiên nguyên niên (1010), đến đời Nguyễn trùng tu và đổi tên là thành Thăng Long (bay cao); tổng cộng là 794 năm. Đời vua Minh Mệnh tiến hành phân chia các tỉnh thành, ban cho thành Thăng Long tên mới là thành của tỉnh Hà Nội.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]