Dưới đây là các bài dịch của Thái. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 10 trang (98 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10]

Ảnh đại diện

Không có gì hai lần (Wisława Szymborska): Bản dịch của Thái Linh

Không có gì xảy ra hai lần
Và sẽ không. Vì thế
Chúng ta sinh ra không theo thông lệ
Và chết đi chẳng có thói quen.

Dù chúng ta là những học viên
Ngu dốt nhất của mái trường thế giới
Thì ta cũng sẽ không nhắc lại
Một mùa đông hay mùa hạ qua rồi.

Không có ngày nào là sẽ tái hồi
Chẳng có hai đêm nào giống nhau đến hết
Không có hai nụ hôn y hệt
Hai cái nhìn vào mắt như nhau.

Ngày hôm qua, ai đó như đâu
Ở gần em, nhắc tên anh thành tiếng
Em thấy như có bông hồng chao liệng
Rơi vào từ ô cửa sổ mở tung.

Ngày hôm nay, khi có anh cùng
Em quay mặt vào tường lặng lẽ
Bông hồng ư? Bông hồng nào thế?
Là hoa ư? Hay là đá, biết đâu chừng?

Vì sao ngươi, giờ khắc, cứ hòa cùng
Với nỗi sợ nỗi bất an vô ích?
Ngươi hiện hữu – nên phải trôi qua, nhất thiết
Ngươi trôi qua – nên điều đó đẹp sao!

Mặt tươi cười, ôm lấy vai nhau
Ta cố gắng kiếm tìm thỏa hiệp
Dù chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo.

Ảnh đại diện

Gửi cô gái thất tình (Wisława Szymborska): Bản dịch của Thái Linh

Tôi biết những người trong tim tắt lụi
Nhưng lại nói rằng: nó ấm áp, sáng tươi
Và rất dối gian khi họ nở nụ cười

Tôi biết xếp nét hình trên gương mặt
Để không ai nhận thấy nỗi buồn rơi.

Ảnh đại diện

Tầm nhìn cùng hạt cát (Wisława Szymborska): Bản dịch của Thái Linh

Chúng ta gọi nó là hạt cát.
Nó tự gọi mình không là hạt, không là cát.
Nó không có tên
chung, riêng,
tạm bợ, lâu dài,
đúng hay sai.

Với nó chẳng nghĩa gì cái nhìn, cái chạm.
Nó không cảm thấy bị nhìn và bị chạm.
Chuyện nó rơi xuống bên cửa sổ
chỉ là đối với chúng ta, đâu phải cuộc phiêu lưu của nó.
Với nó cũng thế thôi, rơi xuống đâu cũng vậy,
chẳng cần chắc chắn đã rơi rồi
hay vẫn đang rơi.

Từ cửa sổ nhìn ra hồ thật đẹp,
nhưng tầm nhìn không thấy chính mình.
Không sắc màu và không dáng hình,
không âm thanh, không mùi vị,
nó không đớn đau trên hành tinh.

Không đáy đáy hồ
và không bờ bờ nước.
Nước không khô không ướt.
Sóng không ít không nhiều
vỗ không nghe mình vỗ
quanh những tảng đá không nhỏ, không to.

Và tất cả dưới bầu trời vốn dĩ không trời,
nơi lặn xuống mặt trời hoàn toàn không lặn
và giấu mình không giấu sau vô thức mây trôi.

Gió kéo mây không vì điều gì khác
chỉ bởi vì gió thổi, vậy thôi.

Trôi qua một giây.
Hai giây.
Ba giây.
Nhưng đó chỉ là ba giây của ta.

Thời gian trôi như người đưa tin khẩn.
Nhưng đó chỉ là sự so sánh của ta.
Nhân vật được bịa ra, sự vội vàng ước lệ,
Còn tin tức thì vô nhân.

Ảnh đại diện

Ba từ kỳ lạ nhất (Wisława Szymborska): Bản dịch của Thái Linh

Khi tôi phát âm từ „tương lai”
âm tiết đầu tiên đã đi vào quá khứ.

Khi tôi phát âm từ „im lặng”
tôi tàn phá nó.

Khi tôi phát âm từ „không có gì”
tôi tạo ra điều mà chẳng hư không nào chứa đựng.

Ảnh đại diện

Viết lý lịch (Wisława Szymborska): Bản dịch của Thái Linh

Phải làm gì?
Phải viết một lá đơn,
và kèm theo đơn là lý lịch.

Chẳng cần biết chiều dài cuộc sống
Lý lịch cần ngắn thôi.

Mọi thứ phải chọn lọc và tóm tắt.
Những cảnh quan được thay bằng địa chỉ
Và những kỷ niệm dạt dào - bằng ngày tháng vô tri.

Từ tất cả các mối tình, chỉ hôn nhân là đủ.
Những đứa con - nếu đã ra đời.

Ai biết anh quan trọng hơn anh biết ai
Những chuyến du hành - chỉ khi xuất ngoại
Thành viên hội nào, chẳng cần biết tại sao
Những giải thưởng, không cần biết do đâu.

Hãy viết như anh chưa từng đối thoại với lòng mình
và tránh nó ra từ xa.

Hãy lặng im bỏ qua chó, mèo và chim chóc
những kỷ vật linh tinh, bè bạn, những giấc mơ.

Giá hơn là trị giá
và tiêu đề hơn là nội dung.
Số giày hơn là nơi sẽ đến
người mà anh hóa thân.

Một tấm ảnh lộ rõ tai dán thêm vào.
Hình dạng quan trọng hơn những điều tai nghe thấy.
Nghe thấy gì?
Tiếng những cỗ máy nghiền giấy gầm gào.

Ảnh đại diện

Bức ảnh đầu tiên của Hitler (Wisława Szymborska): Bản dịch của Thái Linh

Em bé mặc áo cánh này là ai thế?
Là chú bé Adolf, con trai nhà Hitler!
Sẽ thành tiến sỹ luật mai này, có lẽ?
Hay nghệ sỹ tenor trong nhà hát thành Viên?
Cái tay này của ai? Tai, mắt, mũi của ai?
Cái bụng sữa no tròn của ai - chưa biết:
của người thợ in, thầy thuốc, cha xứ, thương gia?
Đôi chân ngộ nghĩnh này nơi nào sẽ đi qua?
Ra vườn, đến trường, tới văn phòng, đến đám cưới
với con gái ông thị trưởng, biết đâu?

Em bé, thiên thần, tia nắng nhỏ, tí nhau,
năm ngoái khi chào đời,
không thiếu những dấu hiệu dưới đất và trên trời:
nắng mùa xuân lung linh trên cửa sổ,
tiếng đàn quay dưới sân,
điềm lành trong mảnh giấy hồng,
trước lúc sinh mẹ vừa nằm mộng:
chim bồ câu mang đến tin vui,
vị khách được mong chờ sẽ tới nơi!
Puk, puk, ai đây, là tiếng đập của trái tim Adolf bé nhỏ.

Núm vú cao su, tã lót, yếm, đồ chơi,
em bé trai, khỏe mạnh, tạ ơn trời,
giống bố mẹ, giống mèo con trong giỏ
giống mọi trẻ em trong tập ảnh gia đình.
Nào, ta không khóc nhé chú mình,
bác thợ ảnh dưới tấm vải đen bấm tách.

Atelier Klinger, Grabentrasse Braunau,
Braunau thành phố nhỏ xứng danh,
những doanh nghiệp vững vàng, những láng giềng ngay thẳng,
mùi thơm của bánh nướng, xà bông.
Không nghe tiếng chó tru, tiếng bước chân định mạng.
Thầy dạy sử nới thêm cổ áo
và ngáp dài trên vở từng trang.

Ảnh đại diện

Bài số 54 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Thái Văn Kiểm

Mây than thở: Ta ngất ngây đêm tối,
Ta chìm vào rực rỡ ánh chiêu dương.
Niềm đau thương thỏ thẻ: ta còn đây,
Thầm lặng sâu như dấu chân thục nữ.
Và triền miên cuộc sống cứ vang lên:
Ta ngất lịm trong tràn đầy thỏa mãn.
Địa cầu reo: vạn thuở vẫn huy hoàng,
Bao tư tưởng hào quang đều vương vấn:
Thần Yêu Đương lại cùng ta tâm sự:
Ngày trôi qua nhưng ta vẫn đợi chờ.
Rồi Tử Thần đến, thiết tha nhắn nhủ:
Thuyền đời ta sẽ vượt sóng đại dương.

Ảnh đại diện

Cảm hoài [Thuật hoài] (Đặng Dung): Bản dịch của Hồ Đắc Hàm, Thái Văn Kiểm

Tuổi về già, phải thời bối rối
Cả đất trời một hội mê say
Gặp thời kẻ dở nên hay
Anh hùng lỡ vận, đắng cay trăm phần
Lòng cứu chúa muốn vần trái đất
Gột giáp binh khôn dắt sông trời
Thù còn đầu đã bạc rồi
Mấy phen dưới nguyệt chuốt mài lưỡi gươm


Bản dịch trích trong Việt Nam nhân vật chí vựng biên của Hồ Đắc Hàm và Thái Văn Kiểm.

Trang trong tổng số 10 trang (98 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10]