Dưới đây là các bài dịch của Nguyễn Trinh Vực. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Người chủ trại, con chó và con cáo (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Trinh Vực

Sói và Cáo: láng giềng có hại
Xem chuyện ông Chủ trại sau này
Cáo rình gà vịt đêm ngày
Nhưng người nhốt kỹ bó tay nhịn thèm
Rằng: “Chó đen dám xem thường tớ
Dạo suốt ngày nhọc bở hơi tai
Mà không được chút “ngửi hơi”
Trong khi Chủ nó thảnh thơi làm giàu
Bao Gà thiến thành hào thành bạc!
Gà mái tơ: thịt nạc trứng ngon!
Còn ta, Cáo nổi tiếng khôn
Sung sướng lắm mới được con trống già!
Tại sao trời sinh ta là Cáo?
Liệu hồn! Ta chẳng dạo uổng công!”
Căm thù, chọn một đêm đông
Người, Gà, Chó ngủ, ấm không biết gì!
Đầu hôm, Chủ không đi coi cửa
Then không cài sơ hở là đây!
Cáo mừng, đẩy cửa vào ngay
Cắn cổ trống mái, chết đầy một sân!
Sáng hôm sau, Chủ nhân mới rõ
Mới hay đêm tai hoạ gớm ghê!
Chuồng Gà hết chẳng còn gì?
Chỉ còn lông, máu, tử thi tơi bời!
Trước cảnh ấy, Mặt trời lui gót!
Không nỡ nhìn chết chóc, đau lòng!
Liên tưởng trận Apôlông
Một đêm giết giặc, xác chồng ngọn cây!
Cáo ta sau dịp may có một
Cắn cổ Gà, tha nốt về hang
Nhìn Gà rơi rớt dọc đường
Chủ nhân đau xót, đoạn trường đòi phen!
Rằng: “Đồ chó! Mực đen ăn hại!
Ít ra mày cũng phải sủa lên
Để tao nghe thức dậy liền
Thì Cáo phải chết đâu nên nỗi này!”
Chó rằng: “Tôi xin Thầy bớt nóng
Nếu đầu hôm Người đóng cửa chuồng
Thì đâu có cảnh tang thương?
Lỗi này không phải tại thằng Chó đen!
Trong ổ ấm, ngủ quên có thể
Sao thầy quên chuyện kể ngày xưa
Lính canh ngủ gật ngủ gà
Vua thì đại lượng ngài tha đánh đòn?”
Nhưng ai thèm nghe con Chó rách
Đang cơn điên ngài xách hai tai
Trói vào cột giết chết tươi
Thôi thì thoát kiếp một đời gia nô

Anh làm chủ ngủ sau tất cả
Tận mắt xem cửa đã khoá chưa?
Đừng trông vào mắt người ta
Gặp việc quan trọng chớ cho uỷ quyền


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Rắn và chiếc giũa (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Trinh Vực

Người kể chuyện một con Hổ lửa
Ở một bên nhà thợ đồng hồ
Láng giềng với Rắn, nguy to
Một hôm Hổ lửa bò vô cửa hàng

Cậu Rắn ta ngứa răng đói bụng
Thấy Dũa thì cậu cũng gặm chơi
Dũa kia bình tĩnh trả lời
“Sao mày dốt thế hỡi loài không chân?

Hì! Mày tưởng mày ăn được thép?
Liệu hồn không lại bẹp cả răng
Ta đây còn cứng hơn gang
Còn dai hơn sắt huống răng của mày

Này! Chú rắn thơ ngây dại dột
Thử cắn ta một chút mà ăn
Mà xem răng chú đau dần
Ta đây chỉ sợ răng Thần Thời gian”

Hỡi những khách làng văn kém cỏi
Chẳng làm nên chỉ xói móc đời
Các ngài phí sức hao hơi
Tưởng răng cắn thủng sách người hay sao?
Văn giá trị khác nào gang thép
Như kim cương dễ bẹp được chăng?
Xin đừng cắn nữa, đau răng!

Ảnh đại diện

Mèo và chuột già (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Trinh Vực

Một ông "Mỉu róc" bất nhân
Làm cho loài Chuột điêu tàn đáng thương!
Oai Mèo lừng lẫy một phương
Thấy Mèo, hồn Chuột tìm đường lên mây!
Dây kia, máy nọ bẫy này
Đối với Mèo, chỉ đồ bày cho vui!
Hang sâu, Chuột chẳng dám rời
Mèo ta thấy vắng mới ngồi nghĩ mưu
Nó bèn giả chết nằm queo
Lấy dây buộc cẳng, tự treo lên xà!
Chuột nằm trong bộng nhìn ra
Tưởng ông mèo bị người ta hành hình
Hay Mèo ăn vụng thịt ninh
Hoặc là đánh vỡ độc bình người ta?
Hay là giết vịt, bắt gà
Hay là cào cấu con nhà chủ ông?
Nên người ta mới không dung
Hẹn khi chôn Mỉu, Chuột cùng hò la!
Cả làng Chuột kéo nhau ra
Con đang hóng gió, con đà lục niêu!
Có con không dám ra nhiều
Có con tự thị, tự kiêu chạy hoài!
Sự đâu có sự lạ đời
Con Mèo chết ấy bỗng rơi xuống nền!
Nó đã sống lại hiển nhiên
Chuột nào chạy chậm là tuyền bị xơi
Mèo ta vừa nói vừa nhai:
- Chúng ta nhiều mẹo lừa đời lắm thay!
Mẹo này dùng đã lâu ngày
Hang sâu khó cứu khỏi tay Mèo tài!
Ta xin báo trước các ngài
Cầu trời độ Chuột tại nơi hang nhà!
Lần sau mèo lấy bột chà
Làm cho lông trắng để mà lừa ai
Thùng không, mèo khẽ đến ngồi
Mèo cho chước ấy lừa đời rất thông
"Loài đi nhon nhót" hết hòng
Một con Chuột lão thoạt trông, biết liền
Nó đành không dám mon men
Chuột xù già cả cho nên tinh tường
Nó từng ra chốn chiến trường
Cụt đuôi còn dấu bị thương rõ ràng!
Đứng xa Chuột mới hô rằng:
"Cục bột ta phải coi chừng lũ bay
Chắc là mưu chước chi đây
Mèo kia làm thế, Chuột này biết ngay!
Cho mày là cái bị đay
Thì ông cũng chẳng ra ngoài lân la"
Khen cho trí tuệ Chuột già
Tiện đây, xin cũng dặn qua một lời:
"Ở đời chớ có tin người
Muốn cho chắc chắn, học bài đa nghi"


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Người chăn cừu và nhà vua (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Trinh Vực

Trong đời ta có hai con quỷ
Thay phiên nhau ngự trị lòng Người
Chúng xua Lẽ phải ra ngoài
Không ai thoát khỏi tay hai quỷ này?
Có người hỏi: tên hai con quỷ?
Em: ái tình; cô chị: tham lam!
Cô này vì có tính tham
Nên thường kiếm cớ lấn xâm Ái tình!

Chuyện ngày xưa: bên thành Tây Trúc
Có một chàng Du mục chăn cừu
Đàn chiên mỗi tháng một nhiều
Con nào con ấy, béo đều no nê!
Dáng sạch sẽ, đi về trật tự
Lãi hàng năm dự trữ khá cao!
Vua cho đòi gã chăn cừu
Rằng: "Anh xứng đáng vào triều giúp ta
Phong anh làm quốc gia Thượng thẩm
Nghề Chăn dân cũng lắm công phu
Nhưng anh mưu trí cần cù
Sẽ quen công việc, không lo ngại gì!"
Từ biệt cừu, ra đi nhậm chức
Tay cầm cân nảy mực công bình
Bấy lâu ngoài chó, chiên lành
Anh quen một vị Tu hành xuất gia
Nhà Tu hành chạy qua góp ý:
Sự thật sao? Mộng mị đó sao?
Bỗng dưng chức trọng quyền cao
Ngày nay anh đứng dầu Triều giúp Vua
Phải cảnh giác: đắn đo sau trước
Diều lên cao: sợ đứt dây lèo
Đề phòng khi rớt hiểm nghèo
Thạch Sùng, Vương Khải sớm chiều trắng tay!
Ngày nay thế, ngày mai cũng thế
Hãy coi chừng những kẻ ghen ăn!
Chăn chiên nghe nói cười gằn:
Tu hành tiếp: "Tôi phân vân nói nhiều!
Nhưng với bạn mến yêu, nói tuốt
Anh nghe tôi kể nốt chuyện này:
Ông Mù đi đụng gốc cây
Đánh rơi mất gậy, hai tay lần mò
Sờ phải rắn chết co vì rét
Tưởng khúc dây gấc chết vừa rơi
Ông Mù vội cám ơn Trời
Người qua đường thét: "Ông ơi, cầm gì?
Bỏ ngay ra kẻo nguy với nó
Ai lại cầm Rắn Hổ trong tay?"
- Ta rơi gậy, được roi này!
- Ông cứ cầm Rắn, chết ngay bây giờ!
Mù ngoan cố vẫn chưa bỏ Rắn
Tưởng người ra trêu hắn đùa vui
Hổ mang hết cóng, sống rồi
Nó tiêm một phát, thiệt đời Thong manh
Tôi báo trước để anh liệu trước
Càng lên cao, lúc trượt càng đau
- Nhưng đâm lao, phải theo lao
Rồi ra số phận làm sao thì làm!

Tay anh trót nhúng chàm là dại
Bon nịnh thần đồn đại ong ve:
"Nào quan Thượng thẩm kéo bè
Coi thường công lí, nể vì người thân!"
Vua nghe nói phân vân, nghi hoặc
Chúng bồi thêm: "Nói chắc việc này
Một toà biệt thự mới xây
Ba tầng lộng lẫy, trưng bày xa hoa!
Vua thân hành điều tra việc ấy
Xong mắt ngài chẳng thấy gì hơn?
Gia tư vẫn thấy bần hàn
Vẫn đời Du mục lang thang chiếc lều!
Họ mật báo: "Trong nhiều hòm kín
Đầy vàng mười, bạc nén, ngọc trai!"
Nhà Vua mở hết hòm coi
Vài quần áo rách, chiếc tơi chăn cừu!
Cái mũ lá, ống thiều, ống sáo
Một đôi giày "hài xảo" tự may!
Của tôi chỉ có thế này:
Là vật bảo đảm lòng ngay Chăn cừu!
Ai ghen ghét nói điều vu cáo
Cũng hết tài điên đảo trắng đen!
Tôi xin về với đàn chiên
Ra khỏi Cung điện, Chính quyền, Giàu sang!
Tỉnh giấc mộng kê vàng là sướng
Mong nhà Vua đại lượng sét soi:
Tự nhiên bay bổng lên trời
Tôi đã thấy trước sẽ rơi có ngày!
Và giấc mộng ngày nay cũng vậy
Bởi lòng tôi còn mảy may tham!
Cho nên tay đã nhúng chàm:
Từ nay Du mục xin cam Chăn cừu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Quạ, rùa, linh dương và chuột (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Trinh Vực

Tặng bà Sablière

Linh dương, Rùa, Chuột, Quạ khoang
Bốn con kết nghĩa đá vàng anh em
Cùng nhau ở một hang lèn
Xa Người tưởng được bình yên tốt lành
Ngờ đâu Người rất tinh anh
Chỗ nào họ cũng thân hành đến nơi
Trong rừng, dưới bể, chân trời
Đi đâu cũng bẫy người đặt giăng
Linh dương một bữa đi ăn
Chẳng may gặp phải chó săn của Người
Linh dương thấy biến chạy dài
Đến trưa cũng chửa về nơi hang nhà
Khi ăn bốn mặt còn ba
Chuột rằng: "Nó dễ quên bà con đây"
Rùa rằng: "Nếu tớ biết bay
Xem Linh dương nó giờ đây thế nào
Dễ chừng mắc nạn nơi đâu
Linh dương đâu có quên bầu bạn đây"
Quạ nghe liền cất cánh bay
Thấy bạn mắc lưới, trở ngay về nhà
Bởi vì xuống hỏi rầy rà:
"khinafo", "sao thế", như ba thầy đồ
Thì Linh dương phải vào lò
Cảnh tình thật tội mỗi giờ một nguy
Quạ ta cũng đã nghĩ suy
Cho nên không xuống vội phi về nhà
Chuột, Rùa thấy Quạ chạy ra
"Linh dương nguy quá nó sa bẫy rồi"
Ba con bàn luận một hồi
Quạ rằng: "Giờ Chuột với tôi lên đường
Ta đi tháo bẫy Linh dương
Anh Rùa chậm chạp khôn đương việc này
Anhđành ở giữ nhà đây"
Dứt lời Chuột chạy, Quạ bay tức thì
Nhưng Rùa cũng cứ theo đi
Càng đi càng tức chân kia, mai này
Đến nơi Chuột cắn lưới dày
Linh dương thoát được khỏi tay lưới Người
Thợ săn cũng chay đến nơi
Hô rằng: "Ai cướp mất mòi của tôi?"
Quạ bay lên ngọn cây Sồi
Linh dương vào bụi, Chuột chui xuống hầm
Thợ săn trong dạ càng căm
Thấy Rùa lững thững thẳng xăm đến liền
Bỏ Rùa vào đẫy xách lên
Nói rằng: "Mày đã chọc điên tao rồi
Tối nay tao thịt mày chơi"
Dễ thường Rùa phải bỏ đời đó chăng?
Quạ trông thấy bảo Linh dương
Linh dương nhảy vụt, Người quăng đẫy Rùa
Giả đi lạc để Người lùa
Chuột ta nhân dịp nhảy vô gặm liền
Rùa ra ai nấy băng miền
Trong bốn con ấy nên khen con nào?
Kể công thì Chuột đứng đầu
Nhưng con nào cũng yêu nhau hết lòng
Chữ tâm quý hoá vô cùng
Yêu nhau rời núi lấp sông quản nào


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Phượng hoàng và ác là (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Trinh Vực

Phượng Hoàng, Chúa tể loài chim
Một hôm trời mát, dạo xem cánh đồng
Vui chân, đến khúc đường vòng
Ác Là thấy Phượng, sợ không còn hồn!
Phượng rằng: "Hà tất phải run!
Nay ta nhàn rỗi du xuân một mình
Ta cho phép chị đồng hành
Chuyện trò cởi mở, như tình quen thân!"
Ác Là mừng rỡ bội phần
Nhảy nhót, mách lẻo chuyện gần, chuyện xa
Lạ chi mồm mép Ác Là
Lăng xăng chân sáo thật là vô duyên
- Tôi xin làm một điệp viên
Mật báo Bà rõ việc miền gần xa
Phượng rằng: "Chị ở lại nhà
Tính hay bép xép, Triều ta không dùng!
Việc Triều bí mật lạ lùng!
Ba hoa nhạy miệng vô cùng hiểm nguy!"...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]