Dưới đây là các bài dịch của Bùi Huy Bằng. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 5 trang (50 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Người đẹp (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Cốt cách giai nhân hài hòa, tuyệt diệu,
Độc nhất trần gian, tột đỉnh mê say;
Nàng ta thản nhiên nhún nhảy yêu kiều
Ỷ thế dung nhan quý phái ta đây;
Soi mói xung quanh liếc mắt chau mày:
Không đối thủ, chẳng mảy may bạn gái;
Những người đẹp cũng nhạt nhòa sắc thái
Giữa hào quang tự tại của giai nhân.

Dù chàng có vội vàng đi đâu,
Ngay cả khi hò hẹn tình đầu,
Dù chàng giữ trong tim yêu dấu
Mơ ước nào thầm kín bấy lâu, -
Nhưng gặp nàng, lòng chàng bối rối,
Khiến ngừng ngay cơ hội bén duyên,
Dẫu ngưỡng mộ bùa yêu đưa lối
Trước sắc xuân bảo bối diệu huyền.

Ảnh đại diện

“Những cây hoa nói với anh: vĩnh biệt...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Những cây hoa nói với anh: vĩnh biệt,
Khi những ngọn bông cúi miết mái đầu,
Rằng anh sẽ không thấy nữa đâu
Gương mặt thân thương, quê hương yêu dấu.

Em thân yêu ơi, cớ sao! Chuyện lạ!
Anh từng thấy hoa và thăm hỏi quê nhà,
Nhưng cảnh báo tang tóc này anh tạc dạ
Như tình thân mới lạ của cây hoa.

Và bởi chưng, anh từng thấu hiểu
Hết thảy cuộc đời, khi xa lánh vẫn nở nụ cười, -
Trong từng thời khắc anh thường tiên liệu,
Mọi thứ trên đời vẫn lặp lại mà thôi.

Không phải thế ư – rồi ai người sẽ đến,
Nỗi buồn của kẻ ra đi không thể làm chi,
Người được lưu lại và được quí mến
Tuy đến sau nhưng sẽ viết bài ca thêm mê li.

Và, khi đắm say bản tình ca trong yên tĩnh,
Dù em yêu có bên người mình kiêu hãnh,
Vẫn có thể, sẽ nhớ về anh
Như về bông hoa xinh không dễ phụ tình.

Ảnh đại diện

“Thanh lương trà ửng đỏ...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Thanh lương trà ửng đỏ,
Nước hồ hiện biếc xanh.
Kị sĩ ghìm cương ngựa,
U buồn dưới trăng thanh.

Từ cánh rừng bồng bềnh
Bóng thiên nga xanh tím.
Sức quyến rũ màu nhiệm
Chở trên đôi cánh mềm

Thân thương miền quê ta,
Vẫn thợ cày, tiếng la,
Như Von ga liễu rủ,
Quê ủ rũ mái đầu.

Thoát nạn, quê vươn lên,
Cứu tinh đã hiện đến.
Thiên nga giọng xao xuyến
Vuốt ve đôi mi huyền.

Vất vả một ngày trôi
Tội lỗi chuộc hết rồi.
Bởi gió mới tinh khiết
Tuyết chín muồi thơm rơi.

Những men say thầm kín
Ngất ngây thêm ngất ngây...
Nhớ quê chiều mưa tím
Ê-xê-nhin Xec-gây.

Ảnh đại diện

“Đồng nội tuyết, một mặt trăng màu trắng...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Bình nguyên tuyết trắng, vầng trăng sáng trắng,
Quê hương ta phủ trắng vải liệm tang.
Những cây dương trắng khoác choàng trắng khóc trong rừng vắng.
Ai đã hy sinh nơi đây? Ai đã chết? Không phải chính ta chăng?

Ảnh đại diện

“Xa sau màn sương nào thấy chi đâu...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Chẳng thấy chi phía sau màn sương nơi xa,
Nơi ấy có gì đợi ta ở phía trước,
Nơi ấy điều gì...là hạnh phúc, hay uẩn khúc tình đời,
Hay là nơi nghỉ ngơi cho phận người bạc nhược.

Hoặc những đám mây kia nhuốm màu tóc bạc
Lại khiến ta mang cảm giác sầu đau,
Gieo vào con tim những vết sâu rỉ máu
Và lần nữa đốt thiêu chẳng cần đâu ngọn lửa.

Nhưng xuyên qua lớp sương mờ nơi xa
Tôi chợt thấy, ráng chiều loá sáng –
Đây là ngày tận diệt của thế gian buồn nản,
Đó là cái chết, nhưng với tôi là cõi bình an.

Ảnh đại diện

“Linh cảm thấy cái ngày khói lửa...” (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

TÔI YÊU NGƯỜI, TỔ QUỐC TÔI! (1)
Olga Berggoltx

Chúng tôi đã dự cảm điều làm trăn trở
sẽ có ngày bi thương máu đổ, lệ rơi. (2)
Ngày ấy đến rồi. Đây đời tôi, hơi thở.
Xin hiến dâng Người – Tổ quốc tôi ơi!

Cứ đến ngày này tôi không thể quên
những năm đắng cay bởi truy nã, hung tàn,
nhưng trong chớp giật đạn xé, bom rền
tôi đã hiểu: cả tôi và Người cùng chịu gian nan,
đó là điều Người đã kiên gan chờ đợi.

Không, tôi đã không quên gì hết!
Nhưng dù bị tù đầy, dù có chết,  -
vẫn đứng lên theo tiếng gọi của Người từ mồ tối,
tất cả công dân, không chỉ riêng tôi.

Tôi yêu Người bằng tình yêu tinh khôi,
nồng nàn, hiến dâng, sôi nổi,
Tổ quốc tôi khổ đau quá đỗi, (3)
với cầu vồng đen tối vẩn bầu trời.

Đã đến rồi, thời khắc của chúng tôi,
là thế thời,-
chỉ chúng tôi cùng Người mới hiểu.
Tôi yêu Người - không hề thay đổi,
tôi và Người trước sau – chỉ một mà thôi.
Tháng 6 - 1941

Bùi Huy Bằng dịch (http://buihuybang.blogtiengviet.net/)
8 - 2011
(1)- Nguồn dẫn: Tại bản dịch của nhà thơ Phan Bạch Châu trên trang
http://vn.360plus.yahoo.c...nbach-chau/article?mid=27
Ольга Берггольц. Стихотворения. Россия - Родина моя. Библиотечка русской советской поэзии в 50-ти книжках. Москва: Художественная литература, 1967.
(2)- Trong các từ điển hiện có (kể cả từ điển những từ đồng nghĩa, đại từ điển giải nghĩa) không tìm thấy nghĩa của từ полыханье . Nhưng, полыханье có chung gốc với động từ полыхать – nghĩa bóng là nhuộm đỏ bởi máu đổ. Dịch với nghĩa này phù hợp ngữ nghĩa và ngữ cảnh của bài thơ.
(3)- Theo từ điển tiếng Nga của X. I. Ôgiegôv, 1973
Терновый венец: - Vòng hoa mận gai ( Nghĩa đen)
                             - Bị hành hạ, khổ đau nặng nề (Nghĩa bóng)

NGUYÊN TÁC:

Я ЛЮБЛЮ ТЕБЯ, РОДИНА МОЯ! (1)
Ольга Берггольц
........................................................
(1)- Nhan đề theo nguồn dẫn kể trên. Nội dung như bạn Hoa Xuyên Tuyết đã dẫn ở đầu trang.
Đề nghị bạn Hoa Xuyên Tuyết xác minh lại.

DỊCH NGHĨA:

TÔI YÊU NGƯỜI, TỔ QUỐC TÔI!
Olga Berggoltx

Chúng tôi đã dự cảm cảnh nhuộm đỏ máu rơi
của ngày bi thương đó.
Nó (ngày ấy) đến rồi. Đây đời tôi, hơi thở.
Tổ quốc ơi! Hãy nhận lấy chúng ở tôi!

Cứ đến ngày này tôi đã không quên
những sự truy nã và hung bạo của những năm đắng cay,
nhưng trong chớp lóa [của đạn bom] tôi đã hiểu:
điều này [xảy đến] không chỉ với tôi - mà cả với Người,
đó là điều Người đã dũng cảm và chờ đợi.

Không, tôi đã không quên gì hết!
Nhưng dù [tôi] có chết, có bị tù đầy, -
[tôi] vẫn đứng lên theo tiếng gọi của Người từ nấm mồ,
tất cả chúng tôi đều đứng lên, chứ không phải mình tôi.

Tôi yêu Người bằng tình yêu mới mẻ,
nồng nàn, hiến dâng, sống động,
Tổ quốc tôi trong nỗi khổ đau nặng nề,
với cầu vồng đen tối phía trên đầu.

Nó đến rồi, là thời khắc của chúng tôi,
và nó có ý nghĩa gì-
chỉ có chúng tôi cùng Người mới biết.
Tôi yêu Người – tôi không thể khác,
tôi và Người trước sau – chỉ là một.
6 - 1941

Bùi Huy Bằng dịch
8 - 2011

Ảnh đại diện

Tự hát (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

NHỮNG VẦN THƠ TỰ SỰ
Olga Berggoltx

Và giờ đây trong tĩnh lặng sau chiến chinh
Tôi đã hồi tâm đối diện với chính mình...
..............................................
Trái tim tôi nay đã thế nào, (ai đó bận tâm ?)
Tôi chẳng biết, tốt đẹp hơn hay xấu xa hơn:
bên ngọn lửa bình yên không thấy thêm nồng ấm,
không nguội lạnh đi trong băng giá cô đơn.

Những gì được nhen nhóm vào thời khắc đen tối trong chiến tranh,
để sau này không thể dập tắt, không thể làm im bặt,
là những chòm sao không nữ tính trên trời đêm lấp lánh,
là áng thơ không nữ tính trong các bài thơ sắc lạnh.

Nhưng ngay cả những ai mưu đồ xóa đi tất cả
trong ký ức chồng chất, vẹn nguyên của dân mọi ngả,
cũng không được lãng quên, người Lê-nin-građ đã ngã xuống thế nào
trên thảm tuyết ố vàng ở những quảng trường trống vắng ra sao.

Giống như hai cây mọc bên nhau,
đan rễ sâu trong lòng đất
và hòa tán lá trên tầng cao trong vắt,
ban tặng lữ khách nguồn dịu mát vô vàn, -
thì nỗi xót xa và niềm hạnh phúc trong tôi chứa chan
thành gốc rễ chung - trong nỗi đau của thành Len,
thành tán lá chung - tận tầng sâu của thời gian.

Và tất cả không thể kìm nén hơn theo năm tháng,
khơi nguồn cuồng phong động địa kinh thiên  
cho khát vọng tự do của trái tim tôi sáng láng,
khát vọng đó là duy nhất trên dải đất thiêng liêng.
1946

Bùi Huy Bằng dịch (http://buihuybang.blogtiengviet.net/)
7/2011

NGUYÊN TÁC:

СТИХИ О СЕБЕ (1)
Ольга Берггольц
....................................................
(1)- Nguồn dẫn: Hoa Xuyên Tuyết (đầu trang)

DỊCH NGHĨA:

NHỮNG VẦN THƠ VIẾT VỀ MÌNH
Olga Berggoltx

Và thế là trong tĩnh lặng sau chiến tranh
Tôi đã lắng nghe khi đối diện với chính mình...
...................................................................
Trái tim trong tôi đã ra sao,
Tôi chẳng biết, tốt đẹp hơn hay xấu xa hơn:
không [thể] làm ấm lên bên ngọn lửa thời bình,
không [thể] làm nguội đi trong giá lạnh khắc nghiệt nhất.

Và vào thời khắc đen tối những gì được nhen nhóm bởi chiến tranh,
để sau này không thể dập tắt, không thể làm im bặt,
đó là những chòm sao không nữ tính phía trên tôi ,
đó là áng thơ không nữ tính trong các bài thơ trở nên rắn chắc.

Nhưng ngay cả những ai có muốn xóa đi tất cả
trong ký ức chồng chất, sáng như gương của mọi người,
[tôi] sẽ không cho [họ] quên lãng, người Lê-nỉn-građ đã ngã xuống thế nào
trên tuyết màu vàng ở những quảng trường trống vắng.

Giống như hai cây, vươn lên bên nhau,
đan rễ  trong chiều sâu dưới đất
và hòa tán cây trên tầng cao trong veo (quang đãng),
ban tặng cho những ai qua lại nguồn dịu mát to lớn, -
thế là nỗi xót xa và niềm hạnh phúc tồn tại trong tôi
trở thành gốc rễ chung - trong nỗi đau của thành Len,
trở thành tán lá chung - tận đáy sâu của thời sau.

Và tất cả không thể kìm nén hơn theo năm tháng,
dẫn đến cuồng phong tột đỉnh
tự do của trái tim tôi lớn mãi,
tự do là duy nhất trên dải đất.
1946

Bùi Huy Bằng dịch
7/2011

Ảnh đại diện

Tôi yêu em (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Ta đã yêu nàng: có thể còn yêu,
Trong thâm tâm chưa hẳn đã tàn chiều;
Nhưng không để tình yêu thêm gợn sóng;
Làm phiền nàng ta chẳng chút cầu mong.
Ta đã yêu nàng âm thầm, vô vọng,
Khi nén lòng, lúc cháy bỏng tâm can;
Ta đã yêu nàng dịu dàng, chân thật,
Ai yêu nàng thế, Trời ban cho nàng.

Ảnh đại diện

Mùa hè rớt (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Có thời gian thiên nhiên toả sáng tuyệt vời,
Mặt trời không chói, nóng không oi.
Thời khắc ấy gọi mùa thu tới
Say đắm đất trời sánh nổi sắc xuân tươi.

Đã có lúc khẽ khàng vương lên khuôn mặt
Màng nhện mỏng manh giăng bay phơ phất...
Đàn chim di trú muộn hót vang làm sao!
Những luống hoa bừng nở lộng lẫy thế nào!

Những trận mưa rào đã ngừng từ lâu,
Cánh đồng đất sẫm, lặng lẽ hiến trọn vụ màu...
Ta hạnh phúc hơn bởi cách nhìn rộng mở,
Và hờn ghen ít hơn dù đắng cay hơn nữa.

Ôi, sự sáng láng của chớm thu hào phóng nhất,
Ta hân hoan tiếp nhận ngươi...Như muôn sự vật.
Tình yêu của ta ơi, đâu rồi, hỡi mi nơi đâu?
Mà rừng im tiếng, những vì sao lặng sầu...

Ngươi thấy đấy - đã đến lúc mưa sao qua đi,
Và, dường như, thời gian vĩnh viễn xa lìa...
...Còn giờ đây cần làm chi, ta mới hiểu
để yêu thương, gìn giữ, lượng thứ và chia ly.


Бабье лето: (theo từ điển tiếng Nga của X.I. Ogiegov, 1973, tr.34, xem БА’БА) – ясные теплые дни ранней осени - thành ngữ (<> - dấu quy ước), có nghĩa: những ngày ấm áp trong sáng của mùa thu [đến] sớm. Theo quy ước chia mùa trong năm, hết hè sang thu, ranh giới thời điểm là 30/6 và 1/7 hàng năm. Như vậy thu sớm phải đến (từ) trước 30/6, còn MÙA HÈ RỚT hoặc HÈ MUỘN phải đến (từ) sau 1/7. Không hiểu nhiều năm qua nhà thơ Bằng Việt vẫn lưu giữ tên bài thơ như vậy và tại sao những dịch giả chuyên nghiệp không thấy băn khoăn?
Ảnh đại diện

Bài thơ cuộc đời (Gửi Boris Kornilov) (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

GỬI BORIX KORNHILOV
Olga Berggoltx (*)

“...Và tất cả không là như thế, còn em giờ đã đổi thay,
em đang hát bài ca khác trước, khóc về nỗi niềm khác xưa...”
                                                 Borix Kornhilov

1.
Ồ vâng, em khác rồi, hoàn toàn khác lạ!
Dòng đời trôi, sao trôi nhanh quá...
Em đã già anh khó nhận ra.
Mà có thể, anh sẽ nhận ra? Hãy nói!
Em không có ý cầu xin tha lỗi,
không thề nguyền gì -
điều đó chẳng ích chi.
Nhưng có thể - em tin - anh sẽ quay lại,
nhưng giá như anh biết nhận ra phải trái, -
thì hãy quên đi những tổn thương nhau mãi,
sẽ cùng lang thang, như trước, vai sánh vai, -
chúng ta sẽ khóc, khóc mãt, khóc hoài,
Vì hai ta cùng biết - khóc vì ai.
2.
Khi hồi tưởng chuyện xưa trong ký ức,
em nhớ ngay những bài ca đầu tiên về con sông:
“Ngôi sao rực cháy trên dòng Nêva ửng hồng,
bầy chim họa mi nơi cửa ô ríu rít giữa không trung...”
...Nhưng năm tháng qua đi tất cả cay đắng hơn và ngọt ngào hơn,
đất lành quanh ta thật bao la.
Giờ đây - anh đâu có lạ,
là người em yêu đầu tiên
đã biến khỏi đời em,
nên em hát bài ca khác trước,
và cũng khóc về nỗi niềm khác xưa...
Còn những cô và cậu bé ngây thơ,
Chúng - vẫn hát bài ca thuở mộng mơ:
về dòng Nêva, về buổi chiều tà...
Hứng khởi đó là hơi thở trong các bài ca,
Ôi tuổi trẻ xưa nay đâu khác ta.
1939 - 1940

Bùi Huy Bằng dịch (http://buihuybang.blogtiengviet.net/)
6/2011
(*)- Tên tác giả do người dịch thêm vào

NGUYÊN TÁC:
Борису Корнилову (1)
Ольга Берггольц (2)
.........................................................
(1)- Nguồn dẫn Vanachi và Hoa Xuyên Tuyết (đầu trang)
(2)- Tên tác giả do người dịch thêm vào



DỊCH NGHĨA:

GỬI BORIX KORNHILOV  
Olga Berggoltx

“...Và tất cả không như thế, còn em nay đã đổi thay,
em hát điều khác, khóc về điều khác...”
                                                 Borix Kornhilov

1.
Ồ vâng, em khác rồi, đã hoàn toàn khác!
Cuộc đời đang kết thúc nhanh quá...
Em đã già đến mức anh sẽ không nhận ra.
Mà có thể, [anh] sẽ nhận ra? Thì hãy nói!
Em không có ý cầu xin tha thứ,
bất cứ lời thề nguyền nào -
cũng chẳng ích chi - nên [em] không muốn đưa ra
Nhưng nếu - em tin - [anh] sẽ quay trở lại,
nhưng giá như [anh] tự biết nhận ra, -
thì [chúng ta] hãy quên đi những tổn thương lẫn nhau,
[chúng ta] sẽ lang thang, như trước, cả đôi ta, -
chúng ta sẽ khóc, khóc, và khóc,
[vì]chúng ta cùng biết - [khóc] về điều chi.
2.
Khi hồi tưởng điều đã qua trong ký ức,
em sẽ nhớ [ngay] những bài ca đầu tiên của mình:
“Ngôi sao rực cháy trên dòng Nêva ửng hồng,
đàn chim họa mi nơi cửa ô thành phố ríu rít giữa không trung...”
...Nhưng năm tháng qua đi tất cả cay đắng hơn và ngọt ngào hơn,
đất lành quanh ta mênh mông.
Giờ đây - anh đã đúng,
là người đầu tiên của em
nhưng đã biến mất,
[nên] em hát điều khác,
khóc về điều khác...
Còn những cô và cậu bé ngây thơ,
Chúng - vẫn [hát] như thế: về hoàng hôn, về dòng Nêva...
Và chính hứng khởi đó là hơi thở trong các bài ca này,
và tuổi trẻ  như xưa vẫn đúng.
1939 - 1940

Bùi Huy Bằng dịch
6/2011

Trang trong tổng số 5 trang (50 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối