Trang trong tổng số 6 trang (55 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối
Gửi bởi Vanachi ngày 28/05/2020 11:25
Trẫm nghe: các giống sinh vật không giống nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, là lẽ đương nhiên của muôn loài. Thế mà người đời không ai không ham sống, ghét chết. [Có người] chôn cất linh đình đến huỷ hoại cả cơ nghiệp; [có người] coi trọng việc tang chế đến hao tổn cả tính mệnh, trẫm rất không ưa. Trẫm đã ít đức, không làm gì cho trăm họ được yên đến khi chết đi lại bắt dân chúng mặc xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, để làm nặng thêm lỗi lầm của trẫm thì thiên hạ sẽ bảo trẫm là người như thế nào?
Trẫm vẫn sót vì tuổi nhỏ phải đảm đương ngôi báu lớn, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đến nay đã năm mươi sáu năm. Nhờ anh linh của tổ tông và hoàng thiên tin giúp nên bốn bể yên lành, biên thuỳ ít loạn, đến khi chết đi được dự đứng sau tiên đế là may lắm rồi, việc gì còn phải khóc thương!
Trẫm từ khi đi xem dân gặt hái đến nay, trong mình bỗng thấy không khoẻ, bây giờ bệnh đã trầm trọng, sợ không kịp căn dặn đầy đủ, nên hãy thận trọng mà nói việc kế tự thôi! Thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn mười hai, có độ lượng, thông minh, thành thực trung hậu, ôn hoà nghiêm kính, có thể theo phép cũ của trẫm, lên ngôi hoàng đế.
Này đứa trẻ thơ, con hãy vâng nhận mệnh ta, nối dõi thể thống, giữ gìn cơ nghiệp, làm rộng lớn thêm công đức của tiền nhân. Trẫm mong thần dân hết lòng phụ tá.
Hỡi ngươi Bá Ngọc, [ngươi] thực có phong độ người quân tử. Hãy sửa sang giáo mác để dự phòng những việc bất trắc, chớ làm sai mệnh trẫm, trẫm dù nhắm mắt cũng không ân hận gì.
Việc tang thì sau ba ngày nên bỏ áo trở, thôi khóc than. Chôn cất thì nên theo cách kiệm ước của Hán Văn Đế, không cần xây lăng tẩm riêng, hãy để trẫm được hầu bên cạnh tiên đế.
Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khôn dừng; trăng trối mấy lời, nghìn năm vĩnh quyết!
Các ngươi nên thực lòng kính nghe lời trẫm, tỏ bày với các bậc vương công và bá cáo cho mọi người cùng biết.
Gửi bởi Vanachi ngày 09/06/2019 21:44
Từ xưa mặt ngọc lắm gian nan,
Tình luỵ bao người xiết thở than.
Bụi phủ mười năm mờ bóng kính,
Oan theo ngàn thuở xót cung đàn.
Bụi hồng ân ái tình dù nặng,
Tóc bạc cù lao nợ phải hoàn.
Tiết muộn chữ trinh riêng giữ lấy,
Khuyên hàng, nhớ lại luống ăn năn.
Gửi bởi Vanachi ngày 02/10/2018 14:49
Sách Luận ngữ từng nói: “Trong cái xóm mười nhà, thế nào cùng có người trung tín như Khâu này vậy”, huống hồ nhân vật cõi nam Giao từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói, việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở bị cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn ai được nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách, đặt tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người đọc tới; một là để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử, tuy đóng khung trong vòng chuyện vặt, nhưng cũng là để góp vui những lúc chuyện vui.
Có kẻ hỏi tôi rằng: “Những người ông chép đều là người thiện, vậy thì trong các chuyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?” Tôi trả lời họ rằng: “Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được; còn chuyện bất thiện thì không phải không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi”. Họ lại hỏi: “Sách lấy tên là mộng ý nghĩa ở chỗ nào?” Tôi trả lời “Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải mộng là gì? các bậc đạt nhân quân tử có thấu cho chăng? còn hai tiếng Nam Ông thì chính là tên tự của Trừng tôi vậy”!
Ngày trùng cửu, năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Thống thứ ba (1438). Lê Trừng, tên chữ là Mạnh Nguyên, người xứ Nam Giao, giữ chức Chính Nghị đại phu, Tư trị doãn, Công bộ tả thị lang, đề tựa.
Gửi bởi Vanachi ngày 30/08/2018 09:26
Việc đánh dẹp phương xa làm tổn hại đến công việc nhà nông. Thế mà có ngờ đâu, mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu trăm họ đều no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn? Vậy, xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay để an ủi nỗi khổ nhục lội suối trèo đèo.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 10/06/2018 14:30
Tượng giáo đặt ra là để đạo Phật được dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp. Thế nhưng những kẻ giảo hoạt trong bọn sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ không” của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của chúng rực rở, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi rồng. Đương thời bọn có quyền thế, bọn ngoại đạo dua lại đua đòi hùa theo. Vì thế những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nữa. Bọn áo thâm, áo vàng tụ tập ở đấy, không cày mà ăn, không dệt mà mặt; những người thất phu thất phụ thường bỏ cửa nhà, bỏ làng xóm lũ lượt quy theo.
Than ôi! Các bậc thánh hiền ngày càng xa cách, chính đạo ngày càng lu mờ; những kẻ làm thày, làm tướng đã không có bậc Chu, Thiệu để dẫn đầu việc giáo hoá, các xóm thôn châu huyện lại không có trường để dạy dỗ, nghĩa hiếu thảo hào thân, như thế thì người ta trách sao khỏi hoang mạng, ngoảnh nhìn rồi bỏ đi theo đường khác. Đó cũng là thế tất nhiên. Chùa Khai Nghiêm ở xã Thứ Nhị, tổng Như Ngột, miền trên lộ Bắc Hà là ngôi chua do công chúa Nguyệt Sinh triều Lý xây dựng. Xung quanh: núi Tiên Sơn chầu phía Nam, sông Điềm Giang bao phía Bắc; cảnh đẹp cả một vùng thực đã quy tụ ở nơi đây. Nhưng tiếc thay vi mô xây dựng trước đã đỗ nát chẳng còn được bao nhiêu. Lúc đó Chu Tuế làm chức Nội nhân hoả đầu dắt dẫn dân làng góp công xây dựng lại. Khởi công từ năm Quý Dậu niên hiệu Khai Hựu thứ năm, đến năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ bảy thì xong. Trong chùa điện Phật, phòng tăng đều theo kiểu cũ. Ngày làm lễ khánh thành, già trẻ trong cả một vùng đều chắp tay khen ngợi, tưởng như công chúa Nguyệt Sinh sống lại. Mùa đông năm Mậu Dần, Chu Tuế thân hành đến phủ Thiên Trường xin ta viết cho bài ký và nói: “Chùa này xưa vốn có chuông, nay mới thay bằng bia đá. Nếu không ghi lại sự tích, sợ sau này mai một mất dấu xưa”.
Ta nói: Chùa hỏng lại xây đã ngoài ý muốn của ta thì việc dựng bia khắc chữ có can hệ gì đến văn từ của ta? Vả lại ngày nay thánh triều muốn mở mang giáo hoá để sửa đổi phong tục đồi bại. Dị đoan đáng phải truất bỏ, chính đạo phải được phục hưng. Đã là kẻ sĩ đại phu, nếu không phải đạo Nghiêu Thuấn, không bài tỏ trước vua; không phải đạo Khổng Mạnh, không trước thuật thế mà ta lại vương vương tự đắc, bàn bạt dài dòng về đạo Phật, ta sẽ lừa dối ai? Tuy nhiên, Chu Tuế, đã từng làm trong Nội mật viện, thông thạo việc ty tào; đến lúc tuổi già khinh đường sĩ hoạn, ham việc bố thí, cố từ bổng lộc, tự xin về ẩn dật để được an nhàn, thì đó là việc ta muốn học mà chứa được. Cho nên đó cũng là việc đáng ghi chép vậy.
Ngày 15 tháng Hai năm Kỷ Mão, niên hiệu Khai Hựu thứ mười một (1339). Chính nghị đại phu, Hàn lâm học sĩ, Tri chế cáo kiêm Thiên tri nội mật viện sự Chưởng bảo tứ kim ngư đại nha thuỷ Trương Hán Siêu tự Thăng Phủ viết.
Gửi bởi hongha83 ngày 10/06/2016 08:13
Sự nghiệp đường mây tớ những mong,
Thư từ mặt trận nhớ thương ông.
Gặp thời tuấn kiệt chung lòng ít,
Lo nước nhân hiền chớp mắt không.
Chết sống cốt sao tìm tiết nghĩa,
Hơn thua chi sá luận anh hùng.
Biên cương góp sức thư còn đó,
Ai tới sa trường kể chiến công!
Gửi bởi hongha83 ngày 09/06/2016 20:41
Chưa phải khanh phu nhục đã nhiều,
Công danh chậm muộn nữa già sao.
Phía tây thương lượng cùng quân Pháp,
Phương bắc hoà thân với giặc Tàu.
Phòng ngự sáu quân hao bạc tháng,
Hỏi han ba sứ nhục bè sao.
Đêm trường nhớ chuyện nghe gà gáy,
Mài mãi gươm thần bóng nguyệt cao.
Gửi bởi hongha83 ngày 08/06/2016 21:15
Nghĩ mình rừng quế lạm chen vai,
Hèn kém khôn lo hết việc đời.
Vũ trụ chín châu là phận sự,
Kinh kỳ ngàn dặm trọ xa khơi.
Mắt nhìn việc thế trù mưu cạn,
Đầu nặng ơn vua báo đáp chầy.
Vứt bút luống ôm lòng khảng khái,
Non sông yên lặng ngóng trông hoài.
Gửi bởi hongha83 ngày 08/06/2016 16:46
Chống giặc cần quân với lại tàu,
Chưa ai mưu sự với quân thù.
Khó gì luồn luỵ tìm thêm trí,
Sợ nỗi lần lừa lại thấy ngu.
Từ trước thánh thần than mọi rợ,
Mà nay hiền tuấn đọc Giê-xu
Người xưa chẳng học nghề quân địch
Vẫn phá Đam Lâm diệt Ngũ Hồ
Gửi bởi hongha83 ngày 08/06/2016 08:16
Răng nghiến, gan bầm trải mấy thu,
Mặt nào lại nói học Gia Tô.
Ba sinh đã biết ơn vua nặng,
Trăm chết khôn toan nợ thế bù.
Đại huyện khuất mình buồn Giả Nghị,
Trung nguyên hoá mọi thẹn Di Ngô.
Trần, Lê từ trước đời hưng thịnh,
Kỹ thuật nào ai học Pháp đâu?
Trang trong tổng số 6 trang (55 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối