Trang trong tổng số 10 trang (98 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bồ tát man (Mẫu đơn hàm lộ trân châu khoả) (Trương Tiên): Bồ-tát man? Có hai bài Bồ-tát man!

Tình cờ đi ngang chỗ này, thấy câu hỏi của bạn tận cùng bằng hai chữ "thưa huynh". Mặc dù không biết là bạn hỏi huynh nào, nhưng trong khi huynh ấy chưa đọc được câu hỏi, tôi xin phép có giải đáp sơ sài:

Bồ-tát man là một trong những thể điệu của từ phẩm (một trong những dạng từ phổ), giống như ở Việt Nam có Lý con sáo hay Lý cây bông vậy. Bồ-tát man không phải là tựa đề của một bài thơ.

Ảnh đại diện

Hoạ Minh Hương Phan ông hoà Sơn Phòng Ngô ông nguyên vận (Lê Khắc Cẩn): Bản dịch của Trần Bá Chí

Rất vui cảnh đẹp mới từng ngày
Thân thiết khách văn tình vãn lai
Giao tiếp văn nhân càng hiểu rộng
Gặp nhiều người thiện sống càng hay
Phan ông Hương Tích tu đắc thiện
Bố thí Kiếm Hồ bỏ tận tay
Thêm được Ngô ông nơi đất lạ
Kết chòm nhân đức kể từ nay.

Ảnh đại diện

Bài 041 (Con ếch) (Matsuo Basho): Bản dịch của Thái Bá Tân

Con ếch
Nhảy xuống ao tù.
Tiếng nước té.

Ảnh đại diện

Ngôn hoài (Không Lộ thiền sư): Hai bài kệ của Không Lộ

Tác giả Phạm Thảo Nguyên có bài viết đề cập cùng lúc đến hai bài kệ của thiền sư Không Lộ: Ngôn hoài và Ngư nhàn.

Mời các thi hữu tham khảo tại: http://www.thivien.net/vi...ID=atM7cnjB0lPZL9-NUGxbqA

Ảnh đại diện

Ngư nhàn (Không Lộ thiền sư): Hai bài kệ của Không Lộ

Hai bài kệ của Không Lộ



Thiền sư Không Lộ họ Dương, không rõ tên thực là gì quê ở làng Hải Thanh, Nam Định. Ông cha chuyên nghề chài lưới, đến đời sư mới bỏ nghề ấy đi tu đạo Phật. Theo truyền thuyết ngài giỏi pháp thuật, và có biệt tài về xây dựng. Các tác phẩm của sư để lại cho chúng ta là những chùa chiền xây cất tráng lệ kỳ vĩ, đánh dấu sự thành tựu về nghệ thuật kiến trúc đời Lý. Ta có thể kể những chùa cổ đẹp nhất nước, do sư xây dựng toàn bằng gỗ không một cái đinh, cả nghìn năm nay vẫn còn làm chúng ta ngưỡng mộ như: Chùa Cổ Lễ cao ngất hoành tráng tại Nam Định và chùa Nghiêm Quang, sau đổi ra là Thần Quang, hay chùa Keo, tại Giao Thủy, Nam Định. Chùa Keo đã bị bão tàn phá năm 1611. Vào thế kỷ thứ 17 dân làng Keo di dân tới hai bờ sông Hồng, xây lên hai chùa, một với gác chuông đẹp lạ lùng ở làng Nghĩa Dũng, Vũ Thư, Thái Bình (tả ngạn sông), và một phó bản rất xinh xắn ở làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định (hữu ngạn). Hai chùa cùng được gọi là chùa Keo, được xây dựng theo cùng mẫu chùa chính gốc tại Giao Thuỷ.
Sư mất năm 1119, để lại cho chúng ta hai bài kệ bằng chữ Hán là Ngôn Hoài và Ngư Nhàn. Bài thứ nhất có rất nhiều bản dịch của nhiều vị túc nho từ xưa tới nay. Tôi thích nhất bản của thiền sư Nhất Hạnh, với lời bình: “Một thi hứng rất siêu thoát, ít thấy trong thi ca”. Tôi xin chép lại dưới đây bài kệ và bài thơ dịch Ngôn Hoài:

Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Bản dịch của thiền sư Nhất Hạnh, Ký tên Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Saigon, nxb Lá Bối 1973:

Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ
Vui thú tình quê quen sớm trưa
Có lúc trèo lên đầu chóp núi
Kêu dài một tiếng lạnh hư vô.

Hoà thượng Thích Thanh Từ trong cuốn Thiền Sư Việt Nam giảng giải như sau: Câu chót nói lên cái phi thường của người đạt đạo ở núi rừng. Kêu dài một tiếng mà lạnh cả bầu trời. Ý ngài nói chỗ núi rừng vắng vẻ rất thích hợp với người tu, khi lên chóp núi tĩnh tu, đạo lực đầy đủ rồi thì làm kinh động cả trời đất, hay nói cách khác là cảm ứng cả trời đất.

Bài kệ thứ hai Ngư Nhàn, không may mắn như bài trước, được rất ít người dịch, và bản dịch thường không nói lên được ý thiền ẩn trong đó. Có lẽ một phần vì bài chữ Hán quá cô đọng, nhiều chữ Việt Hán, dễ hiểu, dễ dịch. Nhưng đọc bài dịch xong, người đọc không thấy sâu hơn những dòng chữ đó. Vì thực sự, đây là một bài thơ viết theo “nghệ thuật sắp đặt”(!). Những nhóm chữ đặt bên cạnh nhau, không một chữ giải thích sự liên hệ. Người đọc ai cũng có thể hiểu theo ý riêng của mình.

Dưới đây chúng tôi mạo muội đưa ra một vài ý nghĩ về bài thơ và một bài dịch mới:

Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
Ngư ông thùy trước vô nhân hoán
Quá ngọ, tỉnh lai, tuyết mãn thuyền.


Dịch nghĩa: Ông chài nhàn

Vạn dậm sông trong, vạn dậm trời
Một làng dâu gai một làng khói
Ông chài mê ngủ, không có ai gọi ồn ào
Qua giờ ngọ, (qua buổi trưa), tỉnh dậy, tuyết đầy cả thuyền.

Trước hết, để tìm hiểu ý bài thơ này, ta hãy đọc mấy câu thơ sau của vua Trần Thái Tông, một thiền gia rất thâm sâu thuộc thế kỷ thứ 13, sau thiền sư Không Lộ gần hai thế kỷ, và bài giảng của Thiền sư Nhất Hạnh:

Thiên giang hữu thuỷ thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên


(Sông nào có nước, có trăng soi
Dậm trời nào mây vắng, dậm trời ấy xanh (màu da trời))

Áp dụng “công thức” này vào bài thơ Ngôn Hoài, nghĩa câu đầu là: “Bất cứ sông nào có nước trong thì có bóng trời mây in vào đó.” Đó chính là một chiêm nghiệm của câu “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” (Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che, thì mặt trời trí tuệ tự nhiên soi đến), của tổ Bách Trượng, rất nổi tiếng trong thiền môn.Thiền sư Vô Ngôn Thông đạt đạo nơi câu này. Từ đây ta có thể tạm dịch nghĩa bài Ngư Nhàn:

Câu 1 : Sông trong, dài vạn dậm, có hình bóng vạn dậm trời in xuống.
Câu 2 : (Trái lại) Làng trồng dâu, trồng gai thì khói lan mờ che phủ hết cả làng.
Câu 3 : Làng quê im vắng, không tiếng người gọi, ông chài ngủ yên. (có vẻ như ông chài đã đổi sang nghề lái đò giúp người qua sông), “không người gọi” nghĩa là không có khách gọi đò.
Câu 4: Quá trưa, ông chợt tỉnh dậy, ngỡ ngàng thấy nắng chiếu chói lòa như tuyết đầy thuyền.

Vậy rõ là không thể dùng bảy chữ để dịch, để diễn giải đủ nghĩa cúa mỗi câu của bài kệ này, cho nên, tôi… chạy sang lục bát!!

Ông Chài Nhàn

Sông trong, vạn dậm sông trong
In nguyên vạn dậm trời lồng nước mây
Ruộng dâu, gai mọc xóm này
Mịt mù một xóm tràn đầy khói lam
Vắng im không tiếng người vang
Ông chài say giấc ngủ an lặng tờ
Ngọ qua, chợt tỉnh giấc trưa
Ơ kìa! trắng xóa tuyết mơ đầy thuyền.


Ông chài này là thiền sư, trước kia là ông chài sau đã đi tu, ông không đi câu cá nữa mà đang nằm ngủ (chờ khách gọi đò). Tâm ông thanh tịnh như sông trong, làm gì ông không thấy được “tuệ nhật tự chiếu” như tuyết trắng đầy thuyền?

Nguồn: Phạm Thảo Nguyên http://www.diendan.org/dich-thuat/hai-bai-ke/

Ảnh đại diện

Sứ chí tái thượng (Vương Duy): Bản dịch của Vũ Thế Ngọc

Xe hướng về biên cương
Qua thuộc quốc Cự Duyên
Cỏ bồng dời đất Hán
Chim nhạn về trời Hồ
Khói buồn cao đại mạc
Ráng chiều phơi trường hà
Tiêu quan gặp binh mã
Bình định đất Yến Nhiên.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Viết ở phi trường (Vũ Thị Minh Nguyệt): Viết ở phi trường

Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại buồn về em mang
Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm
Một hàng lệ mau...

(Trích thơ Cao Thị Vạn Giã)

Ảnh đại diện

Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn (Pháp Thuận thiền sư): Bài thơ vận nước và tư tưởng chính trị của thiền sư Pháp Thuận

Bài thơ vận nước có thể giải mã một cách đích xác và cụ thể những yếu tố gì có thể làm cho vận nước được dài lâu. Đó là sự đoàn kết của toàn dân và phẩm chất tài đức của người lãnh đạo. Tổ tiên ta hơn ngàn năm trước đã dùng hình ảnh cuộn mây (đằng lạc). Từng con người có thể yếu yếu ớt như từng chiếc đũa, từng sợi mây, nhưng biết kết hợp lại thì sẽ trở thành một sức mạnh vô địch, không gì có thể phá vỡ được.

Nếu kết hợp với bài thơ này với bài Thần Nước Nam Sông Núi, có một vị thế hết sức quan trọng không chỉ trong lịch sử văn học mà cả trong lịch sử tư tưởng chính trị và Phật giáo Việt Nam. Nó đã thành công khi đề xuất được hệ thống tư tưởng chính trị hoàn chỉnh để định hướng cho sự phát triển của một hệ thống chính quyền làm chủ đất nước vừa thoả mãn yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân. Từ đó, nó giúp ta hiểu tổ tiên ta đã xây dựng chính quyền trên căn bản hệ thống tư tưởng chính trị nào, nhất là khi ta quan niệm lịch sử như một vận động có ý thức của con người.

Trong ba vị Thiền sư đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh năm 981 là Thiền sư Khuông Việt, Vạn Hạnh và Pháp Thuận, thì hình như Thiền sư Pháp Thuận là người được vua Lê Đại Hành tín nhiệm và kính trọng nhiều nhất. Sự tình này ta có thể thấy qua việc vua Lê Đại Hành đã đem vận nước ngắn dài ra để trưng cầu ý kiến của Thiền sư Pháp Thuận. Phải nói rằng Thiền sư Pháp Thuận đã được tín nhiệm tới một mức độ nào đó, thì Lê Hoàn mới dám đem vấn đề ấy ra để hỏi. Khi nói đến vận nước, thực tế là nói đến vận mạng của một triều đại. Vua Lê Đại Hành đã đem vận mạng của triều đại mình để hỏi, điều này cũng có nghĩa ông hoàn toàn tin tưởng Thiền sư Pháp Thuận.

Sự thật, khi đặt câu hỏi như thế, vua Lê Đại Hành đã nhìn Thiền sư Pháp Thuận không chỉ là một cố vấn thân tín, mà còn là một cố vấn có đủ khả năng phân tích để có thể thấy đâu là sở trường, đâu là sở đoản của một triều đại. Có thể, vua Lê Đại Hành đã đặt câu hỏi ấy vào một thời điểm mà triều đại nhà Lê do Lê Hoàn thiết lập đang đứng trước những khó khăn thách thức, có nguy cơ có thể bị sụp đổ. Thời điểm đầy nguy cơ ấy không đâu khác hơn là giai đoạn lúc Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979) và khi Hầu Nhân Bảo tiến quân vào nước ta vào mùa Xuân tháng 3 năm Tân Tỵ (981).

Đây là giai đoạn của thù trong giặc ngoài, mà nếu không có sự ủng hộ một lòng một dạ của dân thì Lê Hoàn đã không bao giờ thành công, đè bẹp và tiêu diệt đám thù trong giặc ngoài ấy. Quả vậy, bên trong đám Đinh Điền, Nguyễn Bặc do quyền lợi cá nhân và dòng họ, đã không thấy nguy cơ xâm lược của kẻ thù đối với đất nước, nên đã kiên quyết chống lại Lê Hoàn. Còn bên ngoài, triều đình nhà Tống đang ráo riết đi sâu vào những khó khăn nội bộ của ta và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng Đại Cồ Việt. Trong một tình huống như thế, nếu không có sự đoàn kết của toàn dân, vua Lê Đại Hành đã không thể chiến thắng được thù trong giặc ngoài như vừa kể.

Chính trong tình thế có nhiều nguy cơ thách thức như vậy, mà vua Lê Đại Hành đã hỏi Thiền sư Pháp Thuận về vận nước dài hay ngắn. Và như thế câu trả lời của Thiền sư Pháp Thuận cũng ở vào thời điểm ấy. Để nhấn mạnh đến vị thế xung yếu của sự đoàn kết, Thiền sư Pháp Thuận đã dùng hình ảnh vận nước như một bó mây cuốn lại với nhau:

Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh
Nói vậy tức cũng xác định bài thơ Vận Nước này ra đời vào trong khoảng những năm 979 – 981, khi đất nước đang trải qua những giờ phút nghiêm trọng. Nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia ngày đêm vẫn rình rập. Chính vào thời điểm này, những người lãnh đạo đất nước như Lê Hoàn với trực cảm bén nhạy của nhà chính trị thiên tài đã thấy vấn đề và tìm cách giải quyết. Câu trả lời của Thiền sư Pháp Thuận cũng thể hiện một trực cảm chính trị sắc bén không kém. Ông đã ý thức rất rõ mọi quyền lực phải từ dân mà ra và vận nước cũng thế. Vận nước ngắn dài nằm ở trong tay người dân. Người lãnh đạo biết nắm lấy dân, biết đoàn kết với dân thì vận mệnh của triều đại mình sẽ lâu dài. Ngược lại, thì sẽ nhào đổ một cách nhanh chóng.

Quan điểm coi vận nước như một bó mây vừa tượng hình, dễ hiểu, lại vừa chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc. Ngày nay, chúng ta thường hay dùng hình ảnh bó đũa để chỉ cho sự đoàn kết. Tổ tiên ta hơn ngàn năm trước đã dùng hình ảnh cuộn mây (đằng lạc). Từng con người có thể yếu yếu ớt như từng chiếc đũa, từng sợi mây, nhưng biết kết hợp lại thì sẽ trở thành một sức mạnh vô địch, không gì có thể phá vỡ được. Vào những ngày tháng của năm 980, một nhận định và kêu gọi như thế về sức mạnh của đoàn kết thật đúng lúc. Thiền sư Pháp Thuận đã thể hiện tư cách tham mưu sắc bén của mình qua bài thơ ấy.

Sự thật, với sức mạnh của đoàn kết, vị Thiền sư thấy đất nước mở ra một vận hội không những lâu dài mà còn thái bình. Quả vậy, chỉ khi đất nước thái bình thì vận nước mới lâu dài được. Mà một đất nước cứ chiến tranh liên miên thì làm sao mà thái bình cho được. Cứ chiến tranh, bao nhiêu nguồn tài nguyên nhân vật lực bị phung phí thì đời sống nhân dân càng ngày càng kiệt quệ. Nhân dân đã kiệt quệ, thì làm sao vận nước được lâu dài. Cho nên, hơn ai hết, những người đã trực tiếp tham gia chỉ đạo cục kháng chiến của dân tộc như Thiền sư Pháp Thuận, chắc chắn có một mong ước thiết tha cho chiến tranh chóng chấm dứt. Và thật sự họ đã nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh do kẻ thù áp đặt chỉ trong vòng ba tuần lễ.

Bài thơ Vận Nước tuy thể hiện một tư tưởng chính trị, nhưng vẫn không đánh mất tính chất thời sự của nó. Dòng thơ thời sự Việt Nam bắt đầu với Thiền sư Định Không, bây giờ đến Thiền sư Pháp Thuận và Thiền sư Khuông Việt, rồi Thiền sư Vạn Hạnh đã trở thành dòng thơ chủ lưu của nền văn học Việt Nam. Đây là một dòng thơ suy tưởng sâu đậm đến vận mạng của đất nước, đến cuộc sống của người dân. Với gần mấy chục bài thơ xoay quanh những vấn đề trọng đại như chủ quyền quốc gia, như đoàn kết toàn dân, như thái bình của đất nước, nó đã chuẩn bị tiền đề tư tưởng và nhận thức cho mọi tầng lớp người dân và báo hiệu cho sự ra đời một quốc gia Đại Việt hùng cường sắp tới. Ít có khi trong lịch sử văn học bất cứ dân tộc nào, mà một dòng văn học chủ lưu như dòng văn học thời sự Việt Nam trong các thế kỷ thứ tám cho đến thứ mười.

Tính chất thời sự của dòng thơ chủ lưu này không còn xuất hiện trong những thế kỷ sau. Hoặc có đi nữa, thì nó cũng rất mờ nhạt, không có những nét đặc thù rõ rệt. Đây là một thời đại văn học, mà mọi cây bút lớn đều tập trung vào những vấn đề trọng đại vừa nêu trên. Một đặc trưng ta cũng ít tìm thấy trong những giai đoạn văn học sau. Có thể nói mọi tinh lực của dân tộc đều đổ dồn vào công cuộc xây dựng chủ quyền quốc gia và kiến thiết một nền thái bình cho đất nước. Cho nên, nó đã khai sinh ra nền văn học đậm đặc tính chất thời sự phục vụ cho nhu cầu xây dựng và kiến thiết như vừa nói. Đây là một nền văn học mang lại cho ta những cảm thức hùng vĩ về đất nước, về con người.

Nhiều người đã viết về lịch sử văn học Việt Nam và hầu hết họ đều đưa bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” lên làm bài thơ mở đầu cho giai đoạn văn học thời kỳ tự chủ. Người ta cố tình bỏ qua cả một dòng thơ thời sự tràn đầy tính chiến đấu cho chủ quyền của đất nước, bắt đầu từ Thiền sư Định Không (730 – 808) cho đến Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1025) qua những danh gia như La Quý, Khuông Việt, Đa Bảo và Pháp Thuận. Trong gần 300 năm tồn tại, dòng văn học thời sự này đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc vận động toàn dân đấu tranh giành độc lập và xây dựng nền thái bình cho đất nước. Nó đã thể hiện được tinh thần hào hùng của một thời kỳ đầy biến động dồn dập.

Sự thật, đọc bài thơ Vận Nước trên, ta không chỉ cảm thấy Thiền sư Pháp Thuận nói đến đòi hỏi về đoàn kết toàn dân cho một nền thái bình đang tới của trời Nam, mà còn thấy Thiền sư Pháp Thuận nói đến trách nhiệm của những người cầm quyền. Thiền sư Pháp Thuận đã nói thẳng với vua Lê Đại Hành rằng để đất nước được thái bình “nơi nơi hết chiến tranh”, đòi hỏi người cầm quyền, cụ thể là nhà vua phải “vô vi”:
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Khi nói đến khái niệm vô vi, người ta thường nghĩ ngay đến phạm trù vô vi của triết học Lão Trang. Nhưng ở đây thực sự không phải như thế. Về phía Phật giáo, vô vi là một phạm trù lớn và thường được coi là dịch từ chữ asamskrta của tiếng Phạn. Nội dung của vô vi theo hướng này thường được quy định trong giới hạn của bản thể luận và nhận thức luận. Song ảnh hưởng của kinh Lục Độ Tập đối với Phật giáo nước ta lúc ấy, ta thấy truyện 81 của kinh này có một định nghĩa của vô vi như sau: “Cẩn thận, không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che dấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi”.

Tư tưởng vô vi này của kinh Lục Độ Tập, tuy có ít nhiều nội dung xã hội và chính trị, vẫn chưa tỏ hết nội dung của vô vi trong bài thơ của Thiền sư Pháp Thuận. Thực vậy, một nghiên cứu sơ bộ đã cung cấp cho ta về quan điểm vô vi nhi trị của kinh điển nhà Nho. Vậy vô vi cũng là một phạm trù của tư tưởng Nho giáo. Nhưng Khổng tử cho rằng đây là tư tưởng trị đạo của vua Thuấn, mà ông chỉ mô tả một cách vắn tắt bằng hai chữ cung kỷ (nghiêm túc với chính mình).

Trị đạo của vua Thuấn được Khổng tử mô tả là một Trị Đạo Vô Vi, và trong Luận ngữ ta chỉ được thấy mô tả bằng hai chữ cung kỷ mà không thấy nói gì thêm nữa. Chỉ trong thiên Trung Dung ta mới thấy hai lần Khổng tử mô tả lại Trị Đạo Vô Vi của vua Thuấn gồm những yếu tố gì. Đó là phải có trí và có hiếu. Có trí để xét đoán sử dụng sở trường của người mà quên đi những sở đoản của họ, giữa những quan điểm cực đoan biết chọn lấy một đường lối thích hợp để phục vụ cho người dân. Và có hiếu nhằm có đức lớn để có thể lãnh đạo được nhân dân.

Vậy rõ ràng, khi nói đến vô vi trên điện các, Thiền sư Pháp Thuận đã muốn đề xuất một mẫu người lý tưởng cho vua Lê Đại Hành trong việc trị vì đất nước, một mẫu người có trí, có đức. Người lãnh đạo phải sở hữu những phẩm chất tài và đức này thì đất nước mới thái bình thịnh trị, nơi nơi mới chấm dứt chiến tranh. Khi một đất nước đã thế, tất nhiên vận nước sẽ dài lâu, và vận mạng của triều đại cũng nhờ thế mà tồn tại với đất nước. Cho nên, tuy không trả lời trực tiếp cho câu hỏi vận nước ngắn dài của vua Lê Đại Hành, nhưng ý nghĩa của bài thơ thì hết sức hiển nhiên, không cần phải bàn cãi đâu là yếu tố cấu thành nên vận nước.

Khi vua Lê Đại Hành đặt câu hỏi vận nước dài lâu với Thiền sư Pháp Thuận, vua chắc chắn đã biết về khả năng “nói ra lời nào cũng hợp với sấm ngữ” của vị Thiền sư này. Tuy nhiên, đọc bài thơ vận nước, ta chẳng cần một thiên tài nào về sấm ngữ, cũng có thể giải mã một cách đích xác và cụ thể những yếu tố gì có thể làm cho vận nước được dài lâu. Đó là sự đoàn kết của toàn dân và phẩm chất tài đức của người lãnh đạo. Không có hai yếu tố này, mà thực sự chỉ có hai mặt của một thể thống-nhất là dân tộc, thì vận nước không bao giờ có thể bền vững được. Trong một bài thơ ngắn ngủi, chỉ đúng 20 chữ, Thiền sư Pháp Thuận đã biết cô đọng một cách chính xác cốt lõi của hệ thống tư tưởng chính trị bản thân vào thời đại của ông.

Có người đã từng nói: “Không có tư tưởng cách mạng thì không có vận động cách mạng”. Cũng thế, đất nước ta vào những ngày tháng đấu tranh sống mái với kẻ thù để bảo vệ nền độc lập của tổ quốc, nếu không có một hệ thống tư tưởng chính trị chỉ đạo, thì không thể nào có những cuộc vận động chính trị thành công, đặc biệt là cuộc vận động chính trị để bảo vệ chủ quyền đất nước vào năm 980. Hệ thống tư tưởng chính trị của Thiền sư Pháp Thuận do thế phải nói là một cống hiến quý báu cho lịch sử chính trị và tư tưởng của dân tộc không những vào thời điểm ấy, mà còn vào những thế kỷ sau, thậm chí ngay cả hôm nay.

Đúng thế, không có đất nước nào có thể tồn tại khi lòng dân ly tán và những người lãnh đạo lại thiếu tài, thiếu đức. Hai tính chất này đối với sự tồn tại của một đất nước, một triều đại, không bao giờ mất tính thời sự của nó. Trong lịch sử dân tộc, gặp những khi một sự việc như thế xảy ra, không biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra để tìm cho được manh mối, nguyên do vì sao đất nước bị ngửa nghiêng, dân tình bị khốn khổ. Lời cảnh báo của Thiền sư Pháp Thuận về độ dài ngắn của vận nước, do thế, đã trở thành một lời huyền khải, một tuyên ngôn về tư tưởng dựng nước và giữ nước. Nó đã trở thành nền móng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền dân tộc.

Vào thế kỷ thứ mười, lịch sử tư tưởng nước ta sau bao nhiêu năm thăng trầm đã hoàn tất được việc xây dựng một lý luận chính quyền với bài thơ Vận Nước của Thiền sư Pháp Thuận. Chính quyền, hay nói rõ hơn, quyền lực của một nước nhà độc lập, xuất phát từ đâu và làm sao bảo vệ? Thiền sư Pháp Thuận trả lời rất rõ ràng là chính quyền xuất phát từ sự đoàn kết của toàn dân xung quanh những vị lãnh đạo có tài có đức và được bảo vệ bởi chính sự đoàn kết và lãnh đạo tài đức ấy. Với một quan điểm lý luận chính quyền như thế, Thiền sư Pháp Thuận thực sự đã có một đóng góp hoàn toàn mới mẻ đối với chủ nghĩa địa linh của Thiền sư Định Không và La Quý.

Thiền sư Định Không và La Quý chỉ mới đặt ra yêu cầu làm chủ đất nước, vì đất nước có thể sản sinh ra những anh tài để làm chủ nó. Tuy nhiên, làm chủ bằng cách nào thì Thiền sư Định Không và La Quý chưa đề ra được những giải pháp thích hợp. Đây rõ ràng thời đại của Thiền sư Định Không và La Quý chưa cho phép họ nhìn xa hơn. Họ thấy rất rõ đất Cổ Pháp có thể sinh ra những người làm chủ đất nước. Nhưng những người này làm chủ như thế nào, họ đã không bảo cho chúng ta biết. Thiền sư Pháp Thuận kế thừa sự nghiệp của Thiền sư La Quý đã trả lời cho câu hỏi ấy một cách dứt khoát là phải có sự đoàn kết của toàn dân và những người lãnh đạo có tài có đức.

Bài thơ Vận Nước của Thiền sư Pháp Thuận từ đó, nếu kết hợp với bài thơ Thần Nước Nam Sông Núi, có một vị thế hết sức quan trọng không chỉ trong lịch sử văn học mà cả trong lịch sử tư tưởng chính trị và Phật giáo Việt Nam. Nó đã thành công khi đề xuất được hệ thống tư tưởng chính trị hoàn chỉnh để định hướng cho sự phát triển của một hệ thống chính quyền làm chủ đất nước vừa thoả mãn yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân. Từ đó, nó giúp ta hiểu tổ tiên ta đã xây dựng chính quyền trên căn bản hệ thống tư tưởng chính trị nào, nhất là khi ta quan niệm lịch sử như một vận động có ý thức của con người.


Thượng toạ Trí Siêu - Lê Mạnh Thát

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lục thập tự thuật (Lê Khắc Cẩn): Bản dịch của Trần Bá Chí

Năm tháng trôi nay đã sáu mươi,
Trải bao gió bụi một đời người.
Một danh nho sĩ đi về mãi,
Nửa trật Hàn lâm thách thức hoài.
Sợ vốn văn chương thành phí sức,
Khổ vì biến cố vẫn còn dai.
Rượu xuân gặp bạn vui cùng lứa,
Tiệc ở Trúc Hồ mấy chén say.

Ảnh đại diện

Ngộ đạo thi (Khắc Cần thiền sư): Căn nguyên Viên Ngộ sáng tác bài thơ

Một hôm, sư phụ của Phật Quả Viên Ngộ (Khắc Cần thiền sư) là Pháp Diễn tiếp khách.

Khách vốn là quan đề hình đã treo ấn từ kinh trở về. Khách hỏi về đạo lý Thiền, Pháp Diễn nói: “Quan đề hình có biết một bài thơ tiểu diễm mà bọn Thiền chúng tôi nhớ mài mại hai câu cuối không? Đó là:

Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự
Chỉ yếu Đàn lang nhận đắc thanh.

頻呼小玉元無事
秖要檀郎認得聲

Cô nàng gọi mãi nhưng vô ích
Chỉ thằng tốt mã nghe ra thôi.


Nghe đọc xong, viên quan trẻ nói: “Vâng, vâng thưa đại sư”. Nhưng sư bảo ông đừng có nghe theo dễ dàng như thế.

Từ ngoài trở vào, vừa nghe cuộc đàm đạo này Phật Quả hỏi: “Nghe nói hoà thượng đọc bài thơ tiểu diễm cho quan đề hình lúc tôi ra ngoài. Đề hình có hiểu không?”

Pháp Diễn đáp: “Y nhận ra tiếng.”

Phật Quả nói: “Câu thơ viết Chỉ thằng tốt mã nghe ra thôi, nếu như đề hình nghe ra tiếng y lầm lẫn ở chỗ nào?”

Không trả lời thẳng câu hỏi, Pháp Diễn bảo: “Ý Tổ sư Tây lại là gì? Cây bá trước sân. Thế là thế nào?” Tức thì tầm mắt Phật Quả mở ra mà thấy đạo lý của Thiền. Sư chuồn ra khỏi thất, chợt thấy một con gà đang xốc cánh mà gáy, sư nói: “Đấy há không phải là tiếng?” Rồi sư làm bài thơ sau đây:

Ngỗng vàng màn gấm hết hương rồi
Say giữa đàn ca đỡ dậy thôi
Một đoạn phong tình qua tuổi trẻ
Dành riêng người đẹp nhận ra ngươi.


(Phần in đậm là do Trúc Thiên dịch “Thiền luận”, quyển trung, của Daisetz Teitaro Suzuki. Nxb Tổng hợp TPHCM, 2005.)

Trang trong tổng số 10 trang (98 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: