Trang trong tổng số 2 trang (12 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thạch Hào lại (Đỗ Phủ): Bản dịch của Ngô Tất Tố

Chiều hôm tới xóm Thạch hào,
Đương đêm có lính lao xao bắt người.
Vượt tường ông lão trốn rồi,
Cửa ngoài mụ vợ một hai mời chào.
Lính gầm mới dữ làm sao!
Mụ kêu như tỏ biết bao khổ tình.
Lẳng nghe lời mụ rành rành:
“Ba con đóng ở Nghiệp thành cả ba,
Một con mới nhắn về nhà,
Rằng: hai con đã làm ma chiến trường!
Kẻ còn vất vưởng đau thương,
Nói chi kẻ dưới suối vàng thêm đau!
Trong nhà nào có ai đâu?
Có thằng cháu nhỏ dưới bầu sữa hoi.
Cháu còn mẹ nó chăn nuôi,
Ra vào quần áo tả tơi có gì?
Thân già gân sức dù suy,
Cũng xin theo lính cùng về đêm nay,
Hà Dương tới đó sau này,
Cơm canh hầu bữa sớm ngày, còn trôi”
Đêm khuya tiếng nói im rồi,
Vẫn nghe nức nở tiếng người khóc thương.
Sáng mai khách bước lên đường,
Chỉ cùng ông lão bẻ bàng chia tay.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Vào hè (Dương Bá Trạc): Ai là tác giả bài “Vào hè”

Sách Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng (tương đương lớp 3 bậc tiểu học ngày nay) do Nha Học chánh Đông Dương xuất bản năm 1927, có dẫn bài Vào hè nhưng chỉ ghi là “thơ cổ” chứ không nêu tác giả:

Ai xui con cuốc gọi vào hè?
Cái nóng nung người nóng nóng ghê.
Ngõ trước vườn sau um những cỏ,
Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê.
Trên cành gọi bạn chim xao xác,
Trong tối đua bay đóm lập loè.
May được nồm nam cơn gió thổi.
Đàn ta ta gẩy khúc nam nghe
Trong khi đó, Nguyễn Khuyến (1835-1909) có bài Cuốc kêu cảm hứng:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó,
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Hai bài thơ đó có điểm tương đồng về thể loại cũng như về nội dung.

Trong tác phẩm Nhà văn hiện đại, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Giọng thơ trong bài Vào hè vừa nhẹ nhàng vừa thanh tao, hơi giống giọng thơ Yên Đổ” (Nxb Khoa học Xã hội, 1989, tập I, tr.385).

Từ chỗ “hơi giống giọng thơ Yên Đổ”, có người cho bài Vào hè là của nhà thơ làng Yên Đổ. Trên tạp chí Kiến thức ngày nay, số 737 ngày 1.2.2011, tác giả bài Thú chơi chim quốc trích dẫn hai câu đầu của bài thơ (tr.54) và chú thích đó là “thơ của Nguyễn Khuyến” (tr.136).

Thật ra, bài Vào hè đã được in trong tập thơ Nét mực tình do Nhà xuất bản Đông Tây ở Hà Nội ấn hành cách nay gần ba phần tư thế kỷ (1937).

Tác giả của nó là Dương Bá Trạc hiệu Tuyết Huy.

Ông sinh ngày 22.4.1884, tại làng Phú Thị, huyện Khoái Châu (nay huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên.

Ông đỗ cử nhân Hán học năm mới 16 tuổi (1900), nhưng không ra làm quan. Năm 1907, ông tham gia giảng dạy tại Đông Kinh Nghĩa thục. Cuối năm ấy, trường bị đóng cửa.

Năm sau, nhân vụ lính Pháp ở Hà Nội bị đầu độc, ông và và nhiều nhà yêu nước khác bị bắt. Ông bị Hội đồng đề hình kết án 15 năm tù. Ông bị giam ở nhà lao Hoả Lò (Hà Nội) rồi bị đày ra Côn Đảo. Năm 1910, thực dân Pháp đưa ông về đất liền và an trí ông ở Long Xuyên. Đến năm 1917, ông mới được tự do về Hà Nội.

Ông viết cho các báo Nam Phong (của Phạm Quỳnh) và Trung Bắc tân văn (của Nguyễn Văn Vĩnh). Trong những năm 1930, ông làm chủ bút Văn học tạp chíĐông Tây báo. Ông sáng tác nhiều thơ văn như Trai lành gái tốt (1924), Tiếng gọi đàn (1925), Nét mực tình (1937)…

Cuối năm 1943, phát-xít Nhật đưa ông sang Singapore (lúc đó do Nhật chiếm đóng) và ông qua đời tại đây vì bệnh ung thư phổi ngày 11.12.1944, thọ 60 tuổi.

Như vậy, vấn đề tác giả bài Vào hè đã rõ: nó không phải là một bài “thơ cổ”, cũng không phải của Nguyễn Khuyến. Nó là sáng tác của ông Cử làng Phú Thị, sinh sau cụ Tam Nguyên Yên Đổ ngót nửa thế kỷ.

Bản in của NXB Thanh Niên, năm 2000, chép hơi khác, đặc biệt là hai câu 4 và 5:
Vào hè (Thơ cổ)

Ai xui con cuốc gọi vào hè.
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê!
Ngõ trước, vườn sau um những cỏ.
Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê.
Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác.
Trong tối đua bay, đóm lập loè
May được nồm nam cơn gió thổi.
Đàn ta, ta gảy khúc Nam nghe.


Thiếu Sử

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hoài thượng biệt hữu nhân (Trịnh Cốc): Bản dịch của Giản Chi

Bến Dương xuân mượt cành dương,
Hoa dương buồn chết người sang bến chiều.
Quán không tiếng sáo đìu hiu,
Anh về đất Sở, tôi theo hướng Tần.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tĩnh dạ tứ (Lý Bạch): Bản dịch của Giản Chi

Trước giường lênh láng bóng trăng,
Trắng phau mặt đất ngỡ rằng hơi sương.
Ngẩng trông bóng nguyệt tròn gương,
Ngổn ngang nỗi nhớ quê hương cúi đầu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đề đô thành nam trang [Đề tích sở kiến xứ] (Thôi Hộ): Bản dịch của Nguyễn Quảng Tuân

Năm ngoái ngày này trong cánh cửa,
Hoa đào mặt ngọc ánh đua hồng.
Năm nay mặt ngọc đi đâu vắng,
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị): Bản dịch của Phương Sơn

Trên bến Tầm Dương đêm tiễn khách,
Hoa địch, lá phong thu lách tách.
Chủ nhân xuống ngựa, khách trong thuyền,
Cất ly muốn nhậu, không quản huyền,
Say chẳng thành vui, buồn sắp biệt,
Lúc biệt lờ mờ sông lắm nguyệt.
Chợt nghe trên nước tiếng tì bà,
Chủ quên về, khách cũng lân la.
Theo tiếng hỏi thăm ai đó đàn,
Tiếng đàn ngừng hẳn, nói khoan khoan.
Xeo thuyền gần lại mới ra mặt,
Khêu đèn, đặt rượu thêm tiêm tất;
Ngàn kêu muôn gọi mời qua thuyền,
Ôm chiếc tì bà che nửa mặt,
Vặn trục nhấn dây ít tiếng thôi,
Chưa thành khúc điệu đã tình rồi,
Dầy đầy đè nén ý trầm ngâm,
Như tỏ bình sinh chửa xứng tâm.
Cúi mày, tay gẩy, tiếng tuôn tuôn,
Kể hết trong lòng bao nỗi buồn.
Nhẹ nhõm, khoan thai, hát lại khều,
Trước khúc Nghê Thường, sau Lục Yêu,
Có lúc thì thầm như nói nhỏ,
Có lúc ào ào như nước đổ.
Ào ào, thì thầm xen lẫn đàn,
Châu nhỏ, châu to rót ngọc bàn.
Tiếng oanh ríu ríu dưới hoa, trơn,
Tiếng suối ngập ngừng, nước xuống ngàn,
Thảnh thót suối ngừng, dây ngỡ đứt,
Cách tuyệt không thông, đàn tạm dứt.
Riêng có âu sầu ám hận sinh,
Khi im tiếng hơn khi có tiếng,
Bình bạc bể rồi, nước chảy tung.
Ngựa sắt vung ra, thương chạm kiếm,
Khúc rồi, cất bát vạch tim đờn,
Xẹt một tiếng, bốn dây lẳng lặng,
Ghe cộ đông tây chẳng một lời,
Lòng sông chỉ thấy trăng thu trắng.
Tần ngần đem bát cắm trong dây,
Sửa soạn áo xiêm trở gót giày,
Tự xưng vốn thị gái Kinh thành,
Nhà ở Hà Mô lăng hạ đó,
Đàn tì học giỏi mới mười ba.
Tên thuộc giáo phường đệ nhất bộ,
Khúc hay thường được thiện tài khen,
Đóng mốt, Thu nương thêm tật đố.
Ngũ Lăng khách trẻ tranh triền đầu,
Một khúc tiêu hồng không biết số.
Hoa vàng lược bạc bể luôn tay,
Đỏ nhuộm quần là vì nhuộm ố,
Năm nay cười giỡn lại sang năm,
Thu nguyệt xuân phong quên mấy độ.
Dì nuôi đã chết, em tòng quân,
Sớm tối đổi thay nhan sắc cũ,
Ngựa xe trước cửa vắng lơ thơ.
Già lớn về tay người đại cổ.
Con buôn lợi trọng, biệt ly khinh,
Tháng trước, Phù Lương đi bán trà,
Cửa sông đi lại giữ thuyền không.
Quanh thuyền trăng rọi, nước mênh mông.
Đêm khuya mộng thấy việc hồi trẻ,
Mơ màng giọt lệ đỏ lan can.
Ta nghe đàn tì đã buồn bực,
Lại nghe lời này càng bứt rứt.
Cùng người luân lạc chỗ thiên nhai,
Gặp nhau hà tất từng tương thức.
Ta từ năm trước xa Đế kinh,
Giáng chức, đau nằm Tầm Dương thành,
Tơ trúc trọn năm nghe vắng tiếng,
Tầm Dương hẻo lánh thôi cũng đành.
Bến Bồn đất thấp nhà gần đó,
Trúc đắng lan vàng vẫn mọc quanh.
Nghe những tiếng gì trong đêm tối?
Tiếng quyên, tiếng vượn, tiếng buồn tênh.
Gặp khi hoa nở, khi trăng sáng,
Bầu rượu thường thường rót một mình.
Sau thôn có sáo và ca khúc,
Lăng líu, khàn khàn khó gợi tình.
Đêm nay nghe được tì bà khúc,
Như nghe tiên nhạc, mở thông minh.
Chớ từ, gẩy lại cho lần nữa,
Vì mình ta làm tì bà hành.
Cảm lời nói ấy, đứng hơi lâu,
Ngồi xuống vặn dây, dây thẳng gấp.
Đau thương khác hẳn điệu vừa nghe,
Thử hỏi ai là người khóc nhiều?
Giang Châu tư mã áo xanh ướt.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Trường hận ca (Bạch Cư Dị): Bản dịch của Phương Sơn

Vua Hán trọng yêu người sắc nước,
Thống trị lâu năm chẳng tìm được.
Họ Dương có gái vừa lớn lên,
Kín cổng cao thường, ai biết trước.
Trời cho sắc đẹp bỏ không đành,
Một sớm vua ban đứng cạnh mình.
Một nụ cười, trăm vẻ đẹp xinh,
Sáu cung son phấn cũng coi khinh.
Suối ấm tắm rồi, xuân hết lạnh,
Nước trơn da láng trắng phau phau.
Con hầu nâng đỡ thân mềm yếu,
Ơn huệ nhà vua nhớ lúc đầu.
Mái tóc mây gài kim bộ dao,
Đêm xuân giấc mộng ngắn làm sao!
Mền ấm gần trưa vừa mới dậy,
Từ đó nhà vua chẳng sớm chầu.
Trò vui tiệc yến cứ bày thêm,
Nối gót chơi xuân đêm lại đêm.
Cung cấm ba nghìn khách má đào,
Ba nghìn yêu dấu một mình bao!
Nhà vàng sẵn đó đêm chầu chực,
Lầu ngọc xuân hoà hứng rượu cao.
Anh chị em đều chia tước thổ,
Vẻ sang khá yêu đầy cửa ngõ;
Xui lòng cha mẹ khắp trần gian,
Chẳng trọng sinh trai, trọng sinh gái.
Cung Ly cao ngất đụng mây xanh,
Tiên nhạc gió đưa khắp thị thành;
Khoan thai tơ trúc và ca vũ,
Coi hết ngày đêm còn chưa đủ.
Ngư Dương trống trận động trời đất,
Nghê Thường vũ y tan đi mất,
Thành khuyết chín lần khói bụi ngất.
Muôn ngựa tây nam đi lật đật.
Cờ thuý lay lay đi lại ngừng,
Mới hơn ngàn dặm, đứng lừng khừng.
Sáu quân chẳng tiến, biết làm sao?
Quằn quại mày ngài chết nghẹn ngào.
Hoa điền rớt đất không ai thâu,
Bỏ bao của quí chất trên đầu.
Nhà vua che mặt không phương cứu,
Màu lệ tràn hoà chảy mạch sầu.
Bụi vàng mờ mịt gió xơ xác,
Đường sạn quanh co lên Kiếm Các.
Nga Mi chân núi ít ai đi,
Cờ xí phai màu trời sáng nhạt.
Nước sông Thục biếc, núi Thục xanh,
Thánh chúa khuya khuya sớm sớm tình.
Cung quán thương tâm vừa thấy nguyệt,
Đêm mưa đứt ruột lại nghe linh.
Trời quay đất chuyển ngựa Rồng về,
Tới đó trù trừ chẳng nỡ đi.
Nắm đất Mã Ngôi còn chỗ đó,
Buồn rầu mặt ngọc thấy đâu kia,
Vua tôi cùng ngó, lệ đầm đìa,
Đông hướng đô môn mặc ngựa về.
Lúc về phong cảnh đều y cũ,
Thái Dịch phù dung, Vị Ương liễu.
Phù dung như mặt, liễu như mày,
Đối cảnh ai mà chẳng thảm thay!
Đào, lý gió xuân hoa rực rỡ,
Thu, lá ngô rụng, hạt mưa bay.
Tây cung Nam Nội cỏ thu rờm,
Lá rụng đầy thềm, sắc đỏ lòm.
Đệ tử vườn lê sinh tóc trắng,
Tiêu phòng hầu cận muốn già khom
Lửa huỳnh nhấp nhoáng điện buồn tanh,
Khêu hết đèn tàn, giấc chửa đành.
Chuông trống đề đề đêm khó hết,
Tinh hà chớp chớp muốn tan canh,
Tấm ngói uyên ương tối lạnh lùng.
Riêng mền phỉ thuý có ai chung,
Cách năm sinh tử buồn dằng dặc,
Hồn phách đi đâu, mộng chẳng thông?
Lâm Cung đạo sĩ khách tu tiên,
Hay lấy tinh thành thấu cõi huyền.
Cám cảnh quân vương thương nhớ quá,
Khiến cho phương sĩ phải cần quyền.
Cưỡi khí, xô không như điện chạy,
Xuống đất lên trời mau biết mấy!
Trên cùng mây biếc, dưới hoàng tuyền,
Hai chỗ mờ mờ đều chẳng thấy.
Chợt nghe trên bể có tiên san,
Phiếu diểu hư vô một cảnh nhàn.
Lầu gác lung linh mây rực rỡ.
Yêu kiều tiên nữ thường hay ở,
Trong có một người tự Thái Chân.
Da tuyết mặt hoa coi tựa tựa.
Khuyết vàng cửa ngọc gõ thanh thanh,
Nhờ cô Tiểu Ngọc bảo Song Thành.
Vừa nghe có sứ vua nhà Hán,
Trong trướng cửu hoa đã giật mình.
Bình bạc rèm châu mở rõ ràng,
Chênh chếch mái mây vừa ngủ dậy,
Mũ hoa chưa sửa xuống thềm đường.
Áo tiên phơi phới gió đưa đi,
Giống hệt Nghê Thường múa trước kia,
Vẻ ngọc buồn buồn tràn nước mắt,
Ngày xuân mưa trĩu một cành lê.
Ngậm tình lặng ngó tạ ơn dầy,
Một cách âm dương, vắng cả hai.
Ân ái Chiêu Dương đành dứt tuyệt,
Tháng ngày dài quá, chốn Bồng Lai.
Ngoảnh đầu nhìn xuống cõi trần hoàn,
Chẳng thấy Tràng An, thấy bụi đầy.
Phải đem vật cũ nêu tình hận,
Điền hạp kim thoa của báu này.
Của chia phân nửa, lưu phân nửa,
Thấy của nhớ người cũng tạm khuây.
Chỉ cần lòng tựa vàng bền cứng,
Hạ giới, tiên cung gặp có ngày.
Giả từ khẩn khoản nhắc thêm lời,
Trong lời thề thốt, hai lòng biết.
-Nhớ đêm khất xảo điện Tràng Sinh,
Nói nhỏ bên tai lời chí thiết:
Ở trên nguyện làm chim sát cánh,
Ở dưới nguyện làm cây liền cánh.
Trời đất lâu dài có lúc hết,
Bao giờ dứt được sợi tơ tình.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Nhàn tịch (Bạch Cư Dị): Trần Trọng Kim

Theo Đại cương văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê (Nxb Trẻ, năm 1997, trang 391-392) thì:

- chữ thứ nhất câu 10 là “ngộ” 遇 (Ngộ cảnh đa thành thú),
- chữ cuối cùng câu cuối là “vật” 物 (Tâm trung vô tế vật),
- và sau đây là bản dịch của Trần Trọng Kim:

Đêm nhàn

Tiếng ve kêu sớm đã im,
Mấy con đom đóm ban đêm lượn vòng.
Đèn lan không khói sáng trong,
Chiếu tre mát lạnh như đồng bám sương.

Ham chơi chưa vội về buồng,
Trước hiên dạo bước đêm sương một mình.
Quanh hè bóng nguyệt chênh chênh,
Gió hây hẩy mát trên cành cây cao.

Phóng hoài riêng thú tiêu dao,
Người vui khi gặp cảnh nào cũng vui.
Phép gì được thế, ai ơi,
Vì lòng không vướng chuyện đời nhỏ nhen.

Ảnh đại diện

Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng đài (Lý Bạch): Bản dịch của (Không rõ)

Phượng hoàng đài để phượng hoàng chơi,
Phượng vắng, đài không, nước tự trôi.
Hoa cỏ cung Ngô đường hẽm lắp,
Y quan đời Tấn mã hoang vùi.
Ba non rớt nửa ngoài trời biếc,
Hai nuớc chia đôi bãi Lộ bồi.
Chỉ vị mây mù che mặt đất,
Tràng An khuất hết tủi lòng người.


Trong sách đã dẫn, các bản dịch thơ ghi là “Vô danh dịch” là của bác ba của Nguyễn Hiến Lê. Cụ tên là Côn, hiệu là Phương Sơn, từng gia nhập Đông Kinh nghĩa thục, sau vào Nam đổi tên là Khôn, mất năm 1960, thọ 78 tuổi. (theo "Hồi ký Nguyễn Hiến Lê")

Trong nguyên tác bài thơ trên, chữ “khâu” (chữ thứ bảy câu bốn) chép là 邱. Theo Thiều Chửu thì 丘 là “Tên đức Khổng tử, vì thế sách nhà Hán đổi chữ 丘 làm 邱”.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tây Thi vịnh (Vương Duy): Tây Thi vịnh

Chi phấn hay hương phấn?

Có người bảo rằng “phấn thơm” thời Tam Quốc chưa có, người thời đó dùng phấn son để trang điểm, nhưng muốn “thơm” thì đeo túi hương chứa bột quế, hoa khô… (mãi về sau, Bảo Ngọc, Đại Ngọc và các tiểu thư trong “Hồng lâu mộng” vẫn còn đeo “túi thơm”). Dùng hai chữ “hương phấn” – phấn thơm - chỉ hợp… lỗ tai người đời nay thôi!

Cũng cần nói thêm là hầu hết các trang web đăng bài thơ này đều chép là “chi phấn” 脂粉.

Trang trong tổng số 2 trang (12 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: