Sách
Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng (tương đương lớp 3 bậc tiểu học ngày nay) do Nha Học chánh Đông Dương xuất bản năm 1927, có dẫn bài
Vào hè nhưng chỉ ghi là “thơ cổ” chứ không nêu tác giả:
Ai xui con cuốc gọi vào hè?
Cái nóng nung người nóng nóng ghê.
Ngõ trước vườn sau um những cỏ,
Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê.
Trên cành gọi bạn chim xao xác,
Trong tối đua bay đóm lập loè.
May được nồm nam cơn gió thổi.
Đàn ta ta gẩy khúc nam nghe
Trong khi đó, Nguyễn Khuyến (1835-1909) có bài
Cuốc kêu cảm hứng:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó,
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Hai bài thơ đó có điểm tương đồng về thể loại cũng như về nội dung.
Trong tác phẩm
Nhà văn hiện đại, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Giọng thơ trong bài
Vào hè vừa nhẹ nhàng vừa thanh tao, hơi giống giọng thơ Yên Đổ” (Nxb Khoa học Xã hội, 1989, tập I, tr.385).
Từ chỗ “hơi giống giọng thơ Yên Đổ”, có người cho bài
Vào hè là của nhà thơ làng Yên Đổ. Trên tạp chí
Kiến thức ngày nay, số 737 ngày 1.2.2011, tác giả bài
Thú chơi chim quốc trích dẫn hai câu đầu của bài thơ (tr.54) và chú thích đó là “thơ của Nguyễn Khuyến” (tr.136).
Thật ra, bài
Vào hè đã được in trong tập thơ
Nét mực tình do Nhà xuất bản Đông Tây ở Hà Nội ấn hành cách nay gần ba phần tư thế kỷ (1937).
Tác giả của nó là Dương Bá Trạc hiệu Tuyết Huy.
Ông sinh ngày 22.4.1884, tại làng Phú Thị, huyện Khoái Châu (nay huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên.
Ông đỗ cử nhân Hán học năm mới 16 tuổi (1900), nhưng không ra làm quan. Năm 1907, ông tham gia giảng dạy tại Đông Kinh Nghĩa thục. Cuối năm ấy, trường bị đóng cửa.
Năm sau, nhân vụ lính Pháp ở Hà Nội bị đầu độc, ông và và nhiều nhà yêu nước khác bị bắt. Ông bị Hội đồng đề hình kết án 15 năm tù. Ông bị giam ở nhà lao Hoả Lò (Hà Nội) rồi bị đày ra Côn Đảo. Năm 1910, thực dân Pháp đưa ông về đất liền và an trí ông ở Long Xuyên. Đến năm 1917, ông mới được tự do về Hà Nội.
Ông viết cho các báo
Nam Phong (của Phạm Quỳnh) và
Trung Bắc tân văn (của Nguyễn Văn Vĩnh). Trong những năm 1930, ông làm chủ bút
Văn học tạp chí và
Đông Tây báo. Ông sáng tác nhiều thơ văn như
Trai lành gái tốt (1924),
Tiếng gọi đàn (1925),
Nét mực tình (1937)…
Cuối năm 1943, phát-xít Nhật đưa ông sang Singapore (lúc đó do Nhật chiếm đóng) và ông qua đời tại đây vì bệnh ung thư phổi ngày 11.12.1944, thọ 60 tuổi.
Như vậy, vấn đề tác giả bài
Vào hè đã rõ: nó không phải là một bài “thơ cổ”, cũng không phải của Nguyễn Khuyến. Nó là sáng tác của ông Cử làng Phú Thị, sinh sau cụ Tam Nguyên Yên Đổ ngót nửa thế kỷ.
Bản in của NXB Thanh Niên, năm 2000, chép hơi khác, đặc biệt là hai câu 4 và 5:
Vào hè (Thơ cổ)
Ai xui con cuốc gọi vào hè.
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê!
Ngõ trước, vườn sau um những cỏ.
Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê.
Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác.
Trong tối đua bay, đóm lập loè
May được nồm nam cơn gió thổi.
Đàn ta, ta gảy khúc Nam nghe.
Thiếu Sử
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]