Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phỏng Khúc Phụ (Hồ Chí Minh): Bản dịch của Mai Quốc Liên

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Tùng già miếu cũ dấu chưa nhoà.
Thế thần họ Khổng còn chi nhỉ?
Hiu hắt bia xưa chút nắng tà.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Phỏng Khúc Phụ (Hồ Chí Minh): Bản dịch của Trần Đắc Thọ

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Lờ mờ miếu cổ với tùng xưa.
Trọng Ni thế lực giờ đâu nhỉ?
Chênh chếch bia xưa phớt nắng mờ.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Phỏng Khúc Phụ (Hồ Chí Minh): về chữ nghĩa bài thơ Phỏng Khúc Phụ 訪曲父

1. Chữ “thế” ở câu thứ 3, chữ thứ 3, phải là 勢 chứ không phải là 世.

2. Y hy 依稀: Từ điển Từ Hải giảng là “Do phảng phất dã 猶彷彿也”, nghĩa là “còn phảng phất vậy” (phảng phất: gần giống như). Cũng có tự điển giảng là lờ mờ, không rõ ràng.

3. Học giả Đào Phan giả thích hai chữ “thế lực 勢力” mà Bác dùng ở đây có nghĩa là ảnh hưởng về mặt tinh thần, chứ không có nghĩa là uy quyền hoặc quyền lực (trong Từ lâm Hán Việt từ điển có mục từ “Thế lực phạm vi 勢力範圍”: Khu vực ảnh hưởng). Đào Phan cho rằng, trong nghĩa đen, “Khúc phụ” là một gò đất cao (phụ) bị che khuất (khúc). Và nghĩa đen ấy của hai chữ “Khúc phụ” bỗng hóa thành câu thơ: “Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hy”. Khi cả cây tùng xưa và ngôi miếu xưa mờ mờ ảo ảo (y hy), thì hình ảnh đó đã gợi lên ngụ ý một gò đất cao bị che khuất đi mặc dầu “cây tùng” vốn là biểu tượng của Nho gia về các quân tử hoặc trượng phu, khiến khách đến thăm phải thốt hỏi: “Khổng gia thế lực kim hà tại?”. Những từ ngữ và hình ảnh trong bài thơ gắn liền với nhiều giá trị tư tưởng của Đạo Khổng mà Bác vẫn phát huy tích tực, đã làm toát lên một niềm than tiếc rằng chính những ảnh hưởng tinh thần ấy lại bị các thế hệ hiện đại để cho phai mờ đi ngay trên quê hương của Khổng Tử!

Tiêu Đồng rất tán thành với cách giải thích như trên. Bởi vì như chúng ta đều biết rằng Bác Hồ vốn xuất thân Nho học, thân phụ của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, từ nhỏ Người đã chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Khổng Mạnh. Sau này khi đã xuất dương tìm đường cứu nước rồi trở thành vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cho đến lúc Bác đi xa, trong các bài viết hay bài nói chuyện của Người, những dấu ấn về đạo Khổng còn rất sâu đậm. Bác đã từng nói: “Đạo Khổng là một môn dạy về đạo đức và phép xử thế”, “Tuy trong học thuyết của Khổng tử có nhiều điều không đúng, song những điều hay trong đó thì ta nên học”, “Học thuyết Khổng Tử có cái ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức con người”. Người cũng đã nhấn mạnh rằng: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái Quốc”.

Do vậy, Tiêu Đồng rất đồng ý với tác giả Lê Xuân Đức trong bài viết của ông rằng: “Bài thơ Phỏng Khúc Phụ của Bác không thể là bài thơ của nụ cười châm biếm, của lời phê bình như ý kiến của một số nhà nghiên cứu, mà là một bài thơ suy ngẫm về những giá trị quý báu trên đời này, dù thời đại ngày nay đã khác xa thời đại Khổng Tử. Chúng ta không nên và càng không được gạt bỏ tất cả mà phải chọn lọc tiếp thu những cái tinh túy, tốt đẹp nhất của các thời đại trước, của những tư tưởng đã có trước để làm giàu cho mình, cho con cháu mình và cho các thế hệ mai sau.”

4. Phần dịch nghĩa trong sách Hồ Chí Minh – Thơ (toàn tập):
Ngày 19 tháng năm thăm Khúc Phụ,
Tùng già, miếu cổ cả hai đều phảng phất giống như xưa.
Thế lực họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Chỉ còn vương lại chút nắng chiều tà chiếu trên bia cổ.


Theo Đào Phan, hai chữ “thế lực 勢力” mà Bác dùng ở đây có nghĩa là ảnh hưởng về mặt tinh thần, chứ không có nghĩa là uy quyền hoặc quyền lực.

Nguồn:
1. Vĩnh Cao - Nguyễn Phố, Từ lâm Hán Việt từ điển, NXB Thuận Hóa, 2001.
2. Lê Xuân Đức, Đọc thơ Hồ Chí Minh, NXB Chính trị QG, 2008.
3. Đào Phan, Đạo Khổng trong văn Bác Hồ, NXB ĐHQG Hà Nội, 2004.
4. Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hồ Chí Minh – Thơ, toàn tập, NXB Văn học, 2004.
Ảnh đại diện

Tự thuật (Lê Thánh Tông): Bản dịch của Bùi Văn Nguyên

Bẩy thước thân nay quá ngũ tuần,
Lòng như sắt cứng cũng mềm dần.
Gió rung làm héo hoa ngoài cửa,
Sương dãi thêm gầy liễu trước sân.
Tầng biếc xa trông mây thăm thẳm,
Kê vàng tỉnh giấc bỗng âm thầm.
Âm dương cách biệt, đâu tiên cảnh?
Thân ngọc, hồn mê: giấc mộng trần!


Vân Trình (tức GS. Bùi Văn Nguyên) dịch lại dựa theo bản dịch của Cao Huy Giu trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Mai hoa (Thái Thuận): Bản dịch của Bùi Duy Tân, Đào Phương Bình

Núi dựng trên sông, trạm dựng lầu,
Trước trăm hoa nở đứng trên đầu.
Bụi hồng chẳng nhuốm, màu trong suốt,
Ngọc trắng luôn mang chất sạch làu.
Dưới nguyệt nàng phi khoe cốt cách,
Quanh rèm thi sĩ chuộng phong lưu.
Bô tiên cảm hứng khi nhàn hạ,
Ngâm nhẹ, nhìn lâu, dứt nổi sao!

Ảnh đại diện

Trú Hoài An phỏng Hoài Âm hầu điếu đài (Lê Quý Đôn): về nguyên văn chữ Hán của bài thơ "Trú Hoài An phỏng Hoài Âm Hầu điếu đài 駐淮安訪淮陰侯釣臺"

Nguyên văn chữ Hán:

駐淮安訪淮陰侯釣臺
聞說韓侯舊釣灘 ,
蕭然感古問淮安 。
乾坤空闊英雄遠 ,
山水微忙信誓寒 。
遊子無情歌擊筑 ,
將軍有恨悔登壇 。
南昌泗上皆亭長 ,
厭薄空嗟總一般 。

Phiên âm: Trú Hoài An phỏng Hoài Âm Hầu điếu đài
Văn thuyết Hàn hầu cựu điếu than,
Tiêu nhiên cảm cổ vấn Hoài An.
Kiền khôn không khoát anh hùng viễn,
Sơn thuỷ vi mang tín thệ hàn.
Du tử vô tình ca kích trúc,
Tướng quân hữu hận hối đăng đàn.
Nam Xương, Tứ Thượng giai đình trưởng.
Yếm bạc không ta tổng nhất ban.

Dịch nghĩa: Dừng lại ở đất Hoài An, thăm đài câu cá của Hoài Âm hầu
Nghe nói đó là nơi câu cá khi xưa của Hàn hầu (1),
Nghĩ đến chuyện cũ, lòng cảm khái bèn tìm đến đất Hoài An (3).
Trời đất mênh mang, anh hùng đã xa khuất,
Sông núi lờ mờ, lời thề xưa đã nguội lạnh (3).
Du khách vô tình ca bài “kích trúc” (4),
Tướng quân hối hận đã lên đài nhận ấn phong hầu (5).
Những kẻ ở Nam Xương hay Tứ Thượng đều là đình trưởng (6),
Than ôi, bọn họ đều phường bạc bẽo cả.

Chú thích:
(1) Hàn hầu: Hoài âm hầu là tước phong của Hàn Tín.
(2) Hoài An: Địa danh thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), gần huyện Hoài Âm, đất phong của Hàn Tín.
(3) Khi phong tước hầu cho các công thần, Hán Cao Tổ có thề: “Dù cho sông Hoàng Hà cạn đi chỉ còn như cái đai áo, núi Thái Sơn mòn đi chỉ còn như hòn đá mài, thì đất phong vẫn còn đó, để lại cho con cháu muôn đời sau …”
(4) Kích trúc: gõ cái “trúc”, là một nhạc khí thời cổ. Bạn Kinh Kha là Cao Tiệm Ly gõ cái “trúc”, Kinh Kha hát hòa theo, trong đó có câu “Tráng sĩ một đi không trở về”, sau đó qua sông Dịch vào đất Tần. Lê Quý Đôn dùng hai chữ “kích trúc” để gợi lại số phận bi thảm của Hàn Tín bị Lã Hậu, vợ Hán Cao Tổ giết.
(5) Khi Hàn Tín bị buộc tội mưu phản, ông hối hận khi xưa đã lên đài bái nhận tước phong, coi đó là bước mở đầu cho những tai họa của mình sau này.
(6) Khi còn hàn vi, Hàn Tín phải nương nhờ một tên đình trưởng ở đất Nam Xương, hắn đối xử với Hàn Tín rất bạc. Lưu Bang vốn cũng xuất thân là một đình trưởng ở đất Bái (tức Tứ Thượng), nay ở về phía Đông huyện Bái, tỉnh Giang Tô.

Dịch thơ:
Nghe nói đài câu, dấu tướng Hàn,
Ngậm ngùi chuyện cũ đến Hoài An.
Đất trời man mác anh hùng vắng,
Sông núi lờ mờ ước thệ tan.
Du tử hát chi bài kích trúc,
Tướng quân hận mãi thuở đăng đàn.
Nam Xương, Tứ Thượng đều đình trưởng,
Bạc bẽo, chao ôi, vẫn một đoàn.
(Đào Phương Bình dịch)


Nguồn:
Đặng Đức Siêu, Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14, NXB KHXH, Hà Nội, 2000.
Ảnh đại diện

Lâm chung thì tác (Phan Đình Phùng): Bản dịch của Đào Trinh Nhất

Nhung trường vâng mệnh đã mười đông,
Việc võ lôi thôi vẫn chẳng xong.
Dân đói kêu trời vang ổ nhạn,
Quân gian dậy đất rộn đàn ong.
Chín trùng lận đận miền quan tái,
Trăm họ phôi pha đám lửa nồng.
Trách vọng càng to càng mệt nhọc,
Tướng môn riêng hổ tiếng anh hùng.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lâm chung thì tác (Phan Đình Phùng): về việc bổ sung các thông tin liên quan đến Cụ Phan và bài thơ "Lâm chung thời tác"!

Tiêu Đồng xin góp mấy ý kiến về bài “Lâm chung thời tác 臨終時作” của Cụ Đình nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân Phan Đình Phùng đăng trên Thi Viện như sau:
1. Trước hết, bổ sung tên hiệu của Cụ Phan Đình Phùng 潘廷逢 là Châu Phong 珠峰.
2. Tác phẩm của Cụ:
- Việt sử địa dư 越史地輿.
- Có thơ văn trong các sách: Danh nhân thi tập 名人詩集, Đại gia bảo văn tạp biên 大家寶文雜編, Giai văn tập ký 佳文集記, Hoàng triều Hàn lâm viện thực lục 皇朝翰林院實錄, Thi văn đối liên tạp lục 詩文對聯雜錄, …
3. Nguyên văn chữ Hán bài thơ “Lâm chung thời tác 臨終時作”:

臨終時作
戎場奉命十更冬,
武略依然未奏功。
窮戶嗷天難宅雁,
匪徒遍地尚屯蜂。
九重車駕關山外,
四海人民水火中。
責望愈隆憂愈重,
將門深自愧英雄。

Phiên âm:
Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,
Vũ lược y nhiên vị tấu công.
Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong.
Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
Tứ hải nhân dân thuỷ hoả trung.
Trách vọng dũ long ưu dũ trọng,
Tướng môn thâm tự quý anh hùng.

Dịch nghĩa: Làm lúc sắp mất
Vâng mệnh ở chốn binh nhung đã mười năm,
Mưu lược đánh giặc vẫn chưa nên được việc gì.
Dân chúng cùng đường đói khổ kêu trời như đàn nhạn không có chỗ ở,
Bọn giặc còn đóng đồn như ong khắp mọi nơi.
Xa giá của vua đang ở ngoài quan sơn,
Nhân dân bốn bể như sống trong nước sôi lửa bỏng.
Trách nhiệm càng cao thì mối lo càng lớn,
Nghĩ mình cũng trong cửa tướng, mà riêng thẹn với tiếng anh hùng.

4. Phần dịch thơ:  Bản dịch của Lê Thước lấy trong sách “Phan Đình Phùng, cuộc đời và sự nghiệp” là:
Việc quân vâng mệnh trải mười đông,
Chiến sự nay còn tính chửa xong.
Dân đói kêu trời tan ổ nhạn,
Quân thù chật đất dậy đàn ong.
Chín trùng thánh chúa nơi quê lạ,
Bốn bể nhân dân chốn lửa nồng.
Trách vọng càng cao, lo lại lặng,
Tướng môn những thẹn với anh hùng.


Nguồn:
1. Trịnh Khắc Mạnh, Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, 2007.
2. Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Phan Đình Phùng - cuộc đời và sự nghiệp, Đinh Xuân Lâm và Chương Thâu chỉ đạo và tổ chức nội dung, NXB Nghệ An, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh, 2007.
Ảnh đại diện

Phụng hoạ ngự chế “Tư gia tướng sĩ” (Đàm Thận Huy): Bản dịch của Lâm Giang

Hàng hàng chẳng gặp một người quen,
Trăng lạnh tiêu tao bóng dọi dèm.
Lớn mật rượu tan buồn tựa sắt,
To gan gió thổi thảm như nêm.
Tơ vò ngàn mối lòng da diết,
Thư cá dặm trường tin vắng thêm.
Biết đến khi nao xong việc nhỉ?
Về quê thăm mẹ tựa bên thềm.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Phụng hoạ ngự chế “Anh tài tử” (Đàm Thận Huy): Bản dịch của Lâm Giang

Xưa nay anh tuấn hưởng ân vinh,
Giúp rập nhà vua hết sức mình.
Lý Bạch thơ thành run quỷ dữ,
Tương Như phú được vút từng xanh.
Nuốt trâu tráng chí lời văn khoẻ,
Nhả phượng đưa tuôn ngọn bút nhanh.
Cầm bút tiểu thần bồi tụng giá,
Thề đem thực học đáp ân vinh.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: