Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Sương thiên (Nguyễn Tư Giản): Bản dịch của (Không rõ)

Mênh mang trăng rụng, nước quanh lầu,
Sương sớm như mưa, trắng bãi sâu.
Rừng biếc sườn non, xen lá úa,
Núi xanh một tối, bạc phơ đầu.
Mây mù, nhạn Bắc không bay tới,
Trời lạnh, sông Nam tựa mạn tầu.
Non Lĩnh, hỏi xem mai có nở?
Gió sương ngút mắt, quặn lòng đau.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Sương thiên (Nguyễn Tư Giản): Bản dịch của Hoàng Tạo

Trăng xế mờ soi mái thuỷ lầu,
Sương mai như dội bãi sông sâu.
Lưng đèo cây biếc vàng thêm lá,
Một tối non xanh bạc hết đầu.
Hành Lộc mây mờ nghe nhạn vắng,
Sở Giang trời lạnh cắm thuyền lâu.
Ngàn mai Ngũ Lĩnh đơm hoa chửa?
Mỏi mắt trời mây khách rộn sầu.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đề hoàng cúc (Bùi Văn Dị): về nguyên văn chữ Hán của bài thơ "Đề Hoàng Cúc 題黄菊"!

Tiêu Đồng Vĩnh Học xin cung cấp nguyên văn chữ Hán của bài Đề Hoàng Cúc như sau:

題黄菊
碎盡商金剪作葩,
御袍織就貢天家。
猶來正色名天下,
不怕寒香殿歲花。
瘦影拂階星欲淡,
繁英遶砌月初斜。
遙知上苑懷芳意,
并到幽蘭水一涯。

Lưu ý rằng: Chữ cuối cùng trong câu thứ 8 là "Nhai 涯" (nghĩa: bờ bến), trong sách phiên nhầm là "Nha"!


Nguồn: Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, NXB VHTT, 1999.
Ảnh đại diện

Đề Tào Tháo chi mộ (Bùi Văn Dị): về nguyên bản chữ Hán của bài thơ!

Tiêu Đồng Vĩnh Học xin cung cấp nguyên văn chữ Hán bài thơ "Đề Tào Tháo chi mộ" của Bùi Ân Niên (tức Bùi Văn Dị):

淼淼漳河蔚莽蒼,
樓臺歌吹總荒涼。
三分事業餘黃土,
七十疑墳半夕陽。
野荳飄零才子淚,
岸花蕭颯美人香。
祗今片瓦餘銅雀,
撥墨淋漓寫恨長。

Chú ý rằng:

a. Chữ Đậu 荳 ở dòng 5, sách của Lãng Nhân chép là 苴 (chữ Tư);
b. Chữ Tiêu 蕭 ở dòng 6, sách của Lãng Nhân chép là 蕃 (chữ Phiền);

Tôi ngờ do lỗi ấn loát. Vì vậy trong bản chữ Hán trên, tôi đã căn cứ vào phần dịch nghĩa mà sửa lại để bạn đọc tham khảo.


Nguồn: Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, NXB VHTT, 1999.
Ảnh đại diện

Đề Tào Tháo chi mộ (Bùi Văn Dị): về lời khen Bùi Văn Dị của vua Tự Đức!

Trong sách của Lãng Nhân có đoạn:

Vua Tự Đức phê vào câu tam, câu tứ: 狀元宰相已安排了, Trạng nguyên Tể tướng dĩ an bài liễu! (Tài Trạng nguyên Tể tướng đã định sẵn rồi!)

Căn cứ vào trình tự trong sách, theo tôi, câu này vua Tự Đức khen Bùi Văn Dị là có ý nhằm vào câu tam, câu tứ của bài "Đề Hoàng Cúc".


Nguồn: Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, NXB VHTT, 1999.
Ảnh đại diện

Đề Hoàng Hạc lâu (Bùi Văn Dị): về nguyên văn chữ Hán của bài thơ!

Tiêu Đồng Vĩnh Học xin cung cấp bản chữ Hán của bài thơ lấy trong sách "Giai thoại làng Nho" của Lãng Nhân để bạn đọc rộng đường tham khảo:

江樓一望迥紅塵,
撲面香風若有神。
黃鶴白雲千載下,
綠波碧草一江春。
仙人送客來今夕,
詩老先余到幾辰。
嗚咽可憐鸚鵡塚,
憑誰作賦吊斯人。


Nguồn: Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, NXB VHTT, 1999.
Ảnh đại diện

Thu dạ cùng thanh (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Nguyễn Văn Huyền

Đêm khuya thăm thẳm một trời sao,
Giun dế ran ran nối tiếp nhau.
Rền rĩ thấp cao khua gối mộng,
Dập dìu khoan nhặt thấm sương ngâu.
Át buồn tiếng ốc, ba canh nguyệt,
Gợi nhớ tình quê, vạn dặm sầu.
Thu gọi chí trai đầu ngọn dáo,
Nỉ non đừng để tấm son chao.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thu dạ cùng thanh (Nguyễn Khuyến): về phần dịch nghĩa trong bài thơ "Thu dạ cùng thanh 秋夜蛩聲" của Nguyễn Khuyến

1. Chữ Tiêu trong câu thứ 7 phải là 鏢 (một loại vũ khí) chứ không phải là 銷 (tiêu tan, mất mát).
2. Dịch nghĩa:
Tiếng dế đêm thu
Sao đầy trời trong đêm thăm thẳm,
Bỗng nghe tiếng ran ran nổi lên mà không cầm lòng được.
Giọng bổng trầm từ bên kia bờ tre rộn đến quanh gối,
Tiếng đứt nối hoà trong sương, cuộn vào âm thanh tháng bảy.
Điệu buồn át cả tiếng ốc cầm canh đêm trăng canh ba,
Khơi gợi nỗi lòng người vợ trong buồng the nhớ chồng xa vạn dặm.
Chí khí nam nhi là phải, mùa thu cầm ngang ngọn dáo (1),
Đinh ninh đừng để những tiếng đó thấm sâu vào lòng mình.


(1) Ngọn dáo: Nguyên văn là "Tiêu thiết" tức là đảo ngữ của từ "Thiết tiêu". Tác giả phải dùng đảo ngữ để cho phù hợp với luật bằng trắc. Tiêu 鏢: là một loại vũ khí giống như dáo, lao.

Nguồn tham khảo: Nguyễn Khuyến - Tác phẩm, Nguyễn Văn Huyền biên khảo, NXB KHXH, 1984.
Ảnh đại diện

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Lý Bạch): về cách hiểu câu thơ thứ nhất "Cố nhân Tây từ Hoàng Hạc Lâu 故人西辭黃鶴樓"

Lâu nay, trong nhiều bản dịch vẫn hiểu câu "Cố nhân Tây từ Hoàng Hạc Lâu" là "Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây". Ngay cả "Tuyển tập Thơ Đường" dày dặn mới xuất bản gồm 1200 bài do tác giả Trần Văn Nhĩ biên dịch thì câu thơ ấy vẫn được hiểu là "Bạn cũ rời khỏi lầu Hoàng Hạc đi về miền Tây" (Tập 1, trang 414). Đây cũng chính là cách hiểu của Lê Nguyễn Lưu trong sách "Đường thi tuyển dịch". Nhưng nếu chúng ta tra cứu sách "Đường thi nhất bách thủ" của Trung Quốc thì thấy họ giải nghĩa là: Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc ở phía Tây ra đi. Vậy phía Tây cụ thể là thế nào? Họ chú giải tiếp: Lầu Hoàng Hạc, hiện nay ở trong thành Vũ Xương thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Quảng Lăng: nay ở thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, thành phố Vũ Hán ở phía Tây thành phố Dương Châu. Ngoài ra họ còn chua thêm: "Tây từ" tức là ra đi từ phía Tây. Như vậy là đã rõ!
  Ở đây tôi muốn dẫn chứng thêm một tài liệu nữa về cách hiểu câu thơ này: Trong sách "Thơ Đường" do TS. Hồ Sĩ Hiệp biên soạn có bài: "Tại Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" do tác giả Trần Phò giảng. Trong bài giảng của mình, Trần Phò đã trích dẫn chú giải trong sách "Đường thi tam bách thủ" do Lưu Đại Trường biên soạn (Nhà Văn hoá Đồ thư Công ty xuất bản) như sau: "Bạn cũ đi về hướng Đông, từ biệt tại bên lầu Hoàng Hạc này". Lưu Đại Trường chua thêm: Cố nhân Đông khứ, cố viết Tây từ 故人東去,故曰西辭。Nghĩa là: Bạn cũ đi về phía Đông, cho nên Lý Bạch mới viết là "Tây từ" (từ biệt phía Tây). Ở đây, câu thơ đã gợi lên biết bao ý nghĩa. Chẳng những là nhân vật mà còn là không gian, phương hướng, vị trí, hành trình của người ra đi. Hiểu như vậy thì ta mới không thấy thừa ra chữ "Tây" trong câu thứ nhất. Bởi vì, muốn nhấn mạnh "Lầu Hoàng Hạc ở phía Tây" thì đó là điều không cần thiết, làm như vậy chẳng khác nào nói: "Mặt trời lại ở hướng Tây"!


Nguồn tham khảo:
1. Đường thi nhất bách thủ 唐詩一百首, Trung Hoa thư cục xuất bản, 1984.
2. Hồ Sĩ Hiệp (biên soạn), Thơ Đường, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1997.
3. Lê Nguyễn Lưu, Đường thi tuyển dịch (2 tập), NXB Thuận Hoá, 2007.
4. Trần Văn Nhĩ, Tuyển tập thơ Đường, Tập 1, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2009.
Ảnh đại diện

Đề Kính Chủ động (Lê Thánh Tông): Bản dịch của Mai Xuân Hải

Ta leo lên núi Thạch Môn,
Động non cao ngất, tâm hồn thảnh thơi.
Chùa Phật hiện giữa động trời,
Vách non cao ngất, cây thời biếc xanh.
Chẳng phải quỷ thần đẽo thành,
Công phu khéo léo trời dành từ xưa.
Bốn phương tám hướng bao la,
Trời xanh bát ngát, non xa núi gần.
Cửa động không khép quanh năm,
Riêng tầng trời đẹp để dành riêng ta.
Tâm như vàng mới luyện mà,
Ta người bình đẳng như là chân non.
Sông xanh tựa mắt sa môn,
Đầu Phật tóc tốt, xanh um cây ngàn.
Khác nào vườn Thụ cõi tiên,
Như thành Xá Vệ giữa miền trời Tây.
Chim mỏi cánh đậu rừng cây,
Mây nhàn sà xuống nơi đây, vô tình.
Gió đông thổi, nắng nhạt dần.
Mấy điểm mây khói như gần như xa.
Tạm xong việc võ, nhởn nhơ,
Suốt đời say đắm, bây chừ tỉnh ra.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: