題敬主洞

石門山上登臨處,
虛室高窗閑白晝。
巨口谽呀吐梵宮,
嵯峨怪石高低樹。
不因神鬼斧斤餘,
刻巧工夫元太素。
回頭渺渺八荒寬,
青天不盡山無數。
洞門不鎖鎮長開,
別有一重天上去。
性精金自鍊初成,
人我山根處處平。
江水淡於僧眼碧,
海山濃似佛頭青。
金鰲背上祇園地,
寶屋光中舍衛城。
倦鳥有情依密葉,
閑雲無意落空庭。
東風雨霽晴光薄,
數點煙消日色明。
經武餘閑追勝踐,
終身心醉暫還醒。

 

Đề Kính Chủ động

Thạch Môn sơn thượng đăng lâm xứ,
Hư thất cao song nhàn bạch trú.
Cự khẩu hàm a thổ phạn cung,
Tha nga quái thạch cao đê thụ.
Bất nhân thần quỷ phủ cân dư,
Khắc xảo công phu nguyên thái tố,
Hồi đầu diểu diểu bát hoang khoan,
Thanh thiên bất tận, sơn vô số.
Động môn bất toả trấn trường khai.
Biệt hữu nhất trùng thiên thượng khứ.
Tính tinh kim tự luyện sơ thành,
Nhân ngã sơn căn xứ xứ bình.
Giang thuỷ đạm ư tăng nhãn bích,
Hải sơn nùng tự Phật đầu thanh.
Kim ngao bối thượng Kỳ viên địa,
Bảo ốc quang trung Xá Vệ thành.
Quyện điểu hữu tình y mật diệp,
Nhàn vân vô ý lạc không đình.
Đông phong vũ tễ tình quang bạc,
Số điểm yên tiêu nhật sắc minh.
Kinh vũ dư nhàn truy thắng tiễn,
Chung thân tâm tuý tạm hoàn tinh.

 

Dịch nghĩa

Trên núi Thạch Môn, nơi ta leo lên,
Nhà rỗng, cửa cao, [ta] được thảnh thơi một ngày.
Miệng động há to, phô rõ ngôi chùa.
Đá núi cheo leo kỳ thú, cây cối nhấp nhô.
Chẳng phải nhờ rìu búa của quỷ thần,
Đẽo gọt công phu khéo léo từ xưa đã vậy.
Ngoái đầu nhìn tám hướng bao la.
Trời xanh vô tận núi non trùng điệp.
Cửa động không khoá mà luôn để ngỏ,
Có riêng một tầng trời để ta lên đó.
Tính tình tinh khiết như vàng tự luyện bước đầu thành công.
Người và ta luôn luôn vững chãi như chân núi.
Nước dưới sông nhạt hơn màu biếc của mắt tăng,
Núi giữa biển thắm tựa màu xanh của đầu Phật.
[Nơi đây chẳng khác gì] vườn Kỳ Thụ trên lưng Ngao vàng,
Thành Xá Vệ trong ngôi nhà ngọc.
Con chim mỏi cánh lưu luyến vương nhờ nơi cành rậm,
áng mây vô tình nhởn nhơ sà xuống khoảnh sân vắng.
Gió đông thổi, mưa tạnh, màu nắng nhạt,
Vài đám mây tan, sắc trời thêm trong sáng.
Lo việc võ bị xong, bèn rong chơi thoả thích,
Suốt đời lòng dạ đắm say, nay mới chợt tỉnh.


Nguyên dẫn: “Dư thủ ngã Thái tổ chi thiên hạ, bất cảm hoàng ninh, khắc cật nhung binh, tư trắc Vũ tích, nãi thân suất châu sư, diệu võ giang ngoại. Phản bái chi nhật, lưu nhất thi vu Thạch Môn sơn, vân...” 余守我太祖之天下,不敢遑寧,克詰戎兵,思陟禹跡,乃親率舟師,耀武江外。反旆之日,留一詩于石門,云… (Ta coi thiên hạ của đức Thái tổ ta, không dám an nhàn, mà “phải lo công việc binh bị”, định “đi theo vết chân Hạ Vũ”, bèn thân chinh dẫn thuỷ quân diệu võ ngoài sông. Ngày trở về, để lại một bài thơ ở núi Thạch Môn, rằng...)

Lạc khoản: “Thiên Nam động chủ đề, Ngự tiền học sinh, thần Hoàng Hoàn phụng tả, Công bộ ngọc tượng chánh chưởng, thần Thái [?] phụng thuyên” 天南洞主題,御前學生臣黃桓奉寫,工部玉匠掌臣蔡[?]奉鐫 (Thiên Nam động chủ đề, Ngự tiền học sinh, bề tôi là Hoàng Hoàn kính cẩn viết chữ, Công bộ ngọc tượng chánh chưởng, bề tôi là Thái kính cẩn khắc đá).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Một bài thơ hay của Thiên Nam động chủ bị bỏ quên

Thiên Nam Động Chủ là tên hiệu của Lê Thánh Tông (1446 - 1497)(1) do ông tự đặt khi cùng với các văn thần Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, Đào Cử, Đàm Văn Lễ làm tập Thiên Nam dư hạ(2).

Lê Thánh Tông không những là vị Hoàng đế có tài năng chính trị xuất sắc, nhà văn hoá lỗi lạc mà còn là nhà thơ lớn. Những năm gần đây, giới nghiên cứu đã sưu tập, giới thiệu dịch chú các tác phẩm thơ chữ Hán của ông. Song, như chúng ta đã biết, “Lê Thánh Tông là người thích tuần du ngoạn cảnh, tham dự nhiều buổi diễn tập quân sự và thân chinh, bước chân của ông in dấu trên nhiều miền của đất nước, và thơ ngự chế của ông cũng được khắc trên vách đá mái núi của nhiều thắng cảnh”(3). Do vậy, việc thu thập thơ ông chưa thể nói là hết được, đó đây còn bỏ sót. Bài viết này giới thiệu một bài thơ của ông khắc trong động đá đã bị bỏ quên.

Trong chuyến đi công tác ở Hải Dương, qua sông Kinh Thầy, đến thị trấn Kinh Môn. Từ thị trấn Kinh Môn đi về phía tây bắc 7 km, đến xã Phạm Mạnh, chúng tôi lên thăm động Kính Chủ, một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng vùng đông bắc. Động Kính Chủ sử sách gọi là động Dương Nham. Động này nằm ở lưng chừng núi Dương Nham. Núi Dương Nham còn có tên là núi Thạch Môn. Trong động có chùa, tên gọi là chùa Dương Nham.

Trong các động đá được biết ở nước ta, chưa có động đá nào có nhiều văn khắc chữ Hán chữ Nôm (sau đây gọi là văn bia) như ở nơi đây(4), trong đó có một văn bia là bài thơ của Thiên Nam Động Chủ. Bài thơ này khắc trên một mặt đá phẳng mài nhẵn, chếch 450 hướng xuống đất, ở vị trí chính giữa vòm động, nơi cao nhất, trang trọng nhất. Bởi vì vòm động cách sàn động khá cao, nên đứng dưới nhìn lên chỉ thấy rõ 5 chữ Hán “Thiên Nam Động Chủ đề”. Bia ở vị trí cao quá tầm với của chiếc thang dài nhất, lại chơi vơi giữa khoảng không, không có chỗ tỳ bám; do vậy, công việc in lấy thác bản rất vất vả và nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến tử thương. Mặc dầu vậy, hiện nay trong tay chúng tôi cũng đã có được thác bản văn bia bài thơ này.

Nói là bị bỏ quên, là vì bài thơ này hiện diện ở một di tích văn hoá lịch sử nổi tiếng, nhưng lại vắng bóng trong các bộ sưu tập thơ Lê Thánh Tông, kể cả các tập sách nghiên cứu giới thiệu dù đó là công trình khoa học về thơ Lê Thánh Tông hay về văn khắc, văn bia. Một bản niên biểu dài 14 trang trong sách(5) có ghi thời gian Lê Thánh Tông đề thơ ở động Hồ Công, động Long Quang, động Lục Vân, nhưng không nói gì đến bài thơ này. Ngược dòng lịch sử, các tập thi tuyển cũng như tổng tập thơ, chẳng hạn Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích (1714 - 1818), Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) cũng không thấy chép. Bài thơ này chưa thấy chép ở một tài liệu nào, nhưng sử sách đã nhắc đến sự kiện Lê Thánh Tông đề thơ ở động Dương Nham, ở núi Thạch Môn. Văn bia Trùng tu Dương Nham tự bi ký(6) do Vũ Cán, Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) soạn năm Đại Chính thứ 3 (1532) đời Mạc, cho biết: “Chùa Dương Nham có từ xưa - đời Lý, vua Lý Thần Tông thường tới thăm; đời Lê, vua Lê Thánh Tông có thơ đề”. Sách Đại Nam nhất thống chí(7), ở tập 4, phần chép về chùa Dương Nham tỉnh Hải Dương như sau: “Gian giữa thờ Phật, bên trái thờ sư Không Lộ, Đạo Hạnh và Huyền Quang; bên phải thờ Trần Anh Tông... Vua Lê Thuần Hoàng đế vịnh thơ chạm vào bia nay vẫn còn”. Sách Hải Dương phong vật chí(8) cũng chép tương tự như hai tài liệu vừa dẫn. Những năm đầu thế kỷ XX Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã in dập được thác bản văn bia này rồi(9), có điều thác bản đó không lấy được hoa văn trang trí diềm bia.

Bia hình chữ nhật nằm ngang, kích thước 0,9x1,50m, cả chiều ngang và chiều dọc phần diềm bia đều chạm khắc hoa văn lá và dây leo hình lượn sóng gần giống như hoa văn ở bia Đề Long Quang động(10) và bia Đề Hồ Công động(11). Chữ Hán trên bia khắc theo hàng dọc từ phải sang trái. Căn cứ vào nội dung văn tự trên đó, chúng tôi chia văn bia làm 3 phần: đề từ (còn gọi là lời dẫn) 5 dòng, chính văn 12 dòng (là bài thơ cổ phong thất ngôn trường thiên 22 câu), lạc khoản 3 dòng, tổng cộng 20 dòng, gồm 220 chữ Hán (trong đó có một chữ ở bia bị sứt, ở thác bản bị mờ, không đọc được). Toàn văn chữ Hán như sau:

.......
(lược phần chép bài thơ)


Đinh Văn Minh

(1) Lê Thánh Tông còn một tên hiệu nữa, là Đạo Am chủ nhân.
(2) Xem Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn. Nxb. KHXH, H. 1998, tr.16.
(3) Sđd, tr.51.
(4) Động Dương Nham có 42 văn bia, niên đại khá phong phú: Trần, Lê, Mạc, Nguyễn.
(5) Phần phụ lục ở tài liệu đã nói ở chú thích 2. Phần này có chỗ nhầm, Lê Thánh Tông đề thơ ở động Hồ Công và động Long Quang vào năm Hồng Đức thứ 9, tức là năm Mậu Tuất (1478), chứ không phải là năm Quý Tỵ (1473) và năm Đinh Dậu (1477).
(6) Ký hiệu N0 12007 – Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (TVVNCHN).
(7) Ký hiệu A 69/ 1-12 (TVVNCHN).
(8) Ký hiệu A 568 (TVVNCHN).
(9) Ký hiệu N0 12001 (TVVNCHN).
(10) Ký hiệu N0 297 (TVVNCHN).
(11) Ký hiệu N0 20964 (TVVNCHN).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Mai Xuân Hải

Ta leo lên núi Thạch Môn,
Động non cao ngất, tâm hồn thảnh thơi.
Chùa Phật hiện giữa động trời,
Vách non cao ngất, cây thời biếc xanh.
Chẳng phải quỷ thần đẽo thành,
Công phu khéo léo trời dành từ xưa.
Bốn phương tám hướng bao la,
Trời xanh bát ngát, non xa núi gần.
Cửa động không khép quanh năm,
Riêng tầng trời đẹp để dành riêng ta.
Tâm như vàng mới luyện mà,
Ta người bình đẳng như là chân non.
Sông xanh tựa mắt sa môn,
Đầu Phật tóc tốt, xanh um cây ngàn.
Khác nào vườn Thụ cõi tiên,
Như thành Xá Vệ giữa miền trời Tây.
Chim mỏi cánh đậu rừng cây,
Mây nhàn sà xuống nơi đây, vô tình.
Gió đông thổi, nắng nhạt dần.
Mấy điểm mây khói như gần như xa.
Tạm xong việc võ, nhởn nhơ,
Suốt đời say đắm, bây chừ tỉnh ra.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời