Trang trong tổng số 11 trang (103 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Xuân cung khúc (Vương Xương Linh): Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Bên giếng đêm qua gió cợt đào,
Vị Ương đền nọ bóng trăng cao.
Vua yêu con hát Bình Dương mới,
Xuân lạnh ngoài hiên phát cẩm bào.

Ảnh đại diện

Ẩm tửu kỳ 05 (Đào Tiềm): Bản dịch của Hoàng Tạo

Làm nhà giữa cõi tục,
Mà không xe ngựa ran.
Hỏi Bác sao được thế?
Lòng xa cảnh tự nhàn.
Dưới giậu đông hái cúc,
Xa thấy núi Nam Sơn.
Khí núi chiều thêm vẻ,
Chim bay về cùng đàn.
Bên trong bao ý đẹp,
Muốn nói lại quên luôn.

Ảnh đại diện

Tây Tiến (Quang Dũng): Địa điểm Tây tiến"SÀI KHAO"

Theo con đường mòn qua những đồi và khe suối từ bản Po ọng (xã Tam Chung,huyện Mường Lát)đi ngược dốc"heo hút cồn mây"đó là dốc Pu Hin Hại(pu=núi;hin=đá;hại=xấu,tổn hại)vượt qua được Pu hin hại là bở hơi tai,hoa cả mắt...;Trên đường đi có hang Thẳm Tao,nơi bộ đội Tây tiến trú quân tránh được sự phát hiện của giặc Pháp.Lên tới Sài Khao sương lấp thì đoàn quân đã "mỏi" rã rời chân tay...Đó là bản dân tộc Thái,Dao đã rộng mở cưu mang đoàn quân Tây tiến...

Ảnh đại diện

Hàng Châu xuân vọng (Bạch Cư Dị): Bản dịch của Nguyễn Khôi

Mây mai rạng vọng hải lầu,
Đường đê sông cát trắng phau bãi ngoài;
Ngũ Viên miếu tối sóng dồi.
Vườn Tô tiểu muội liễu ngời sắc xuân.
Gấm tơ thợ khéo lụa mềm,
hoa lê vờ bẻ say men quán buồn;
hiên tây xưa mở chùa chiền ?
Ai về gấu váy quyét nghiêng cỏ bờ.

Ảnh đại diện

Nam hành biệt đệ (Vi Thừa Khánh): về bài dịch của Thặng Vũ

Bài "Nam hành biệt đệ" của Vi Thừa Khánh tuy chỉ có 4 câu=20 chữ mà gói ghém đặc tả được cái bước đường "hoạn lộ" (thăng/giáng-sóng dập gió vùi) của "nghề Quan" rày đó nay mai bọn  mình. Cái mộng công hầu,cái bả vinh hoa khi Vi Thừa Khánh làm Phượng Các Thư Lang cùng bè đảng với Trương Dịch Chi là người yêu quí cuqr Vũ Tắc Thiên (nữ) Hoàng đế.,đang đắc chí thì có "đảo chính" Vua Trung Tôn phục tích (705-710),thế là Vi bị đày ra Linh Biểu...Và hồn thơ hạ cánh "đáo địa nhất vô thanh"(nói theo kiểu nôm na hôm nay là "lặn không một tiếng vang,âm thầm cuốn xéo)-1 câu thơ tuyệt tác để đời,nói lên cái hận đời đã chót bước vào vòng cương toả không sao tránh được...
có nhiều bản dịch hay,trong đó bản dịch của Thặng Vũ đọc nghe cũng thấm đượm nỗi buồn ,như chia sẻ được cái hận nghìn thu cùng tác giả...

Ảnh đại diện

Mắt buồn (Bùi Giáng): Bình

Đọc Bùi Giáng là ta đi du hành lang thang vào cõi thơ,miền tâm thức của ông(cõi miên trường)qua mọi ngõ ngách của mộng,của tình,của lẽ tử sinh,của nỗi xao xuyến bàng hoàng của một trung niên thi sĩ"ngày xưa ông ấy là Giáo sư,ngày xưa ông ấy làm thơ,ngày xưa ông ấy giầu có lắm,ngày xưa ông ấy là Tô Vũ chăn dê..."Ông ấy uống rượu dưới trăng khuya,đọc thơ nơi quán vắng.ĐÓ là một chàng thi sĩ ôm trái tim cô đơn ,lãng tử,làm bạn với nhiều trăng gió,phấn hương...Cái hình dáng xưa ấy tuy đã bị"bóng mây trời cũ hao mòn"nhưng trong tâm hồn chàng thì không bao giờ chịu cũ;Và đén khi chỉ còn"bây giờ riêng đối diện tôi"thì bỗng nhiên người ấy cứ hiện về.Thương người để quá thương thân."Gái một con trông mòn con mắt"như trước mắt mà đã tuột khỏi tầm tay...Tất cả chỉ còn trông theo và tiếc nuối...Người ta đã an bài,ngời ngời hạnh phúc ! còn ta ? "còn hai con mắt khóc người một con" thật là não nuột.Thật là chung tình,thật là thơ mộng,thật là khờ khạo ,thật là đáng yêu vì tình chỉ đẹp khi tình dang dở kia mà !
Và chỉ có Trịnh Công Sơn với tâm hồn đồng điệu và đủ tài để chia sẻ nỗi đau cùng thi sĩ"còn hai con mắt khóc người một con,còn hai con mắt một con khóc người,con mắt còn lại nhìn đời là không,nhìn em hư vô,nhìn em bóng nắng...nhìn em ra đi lòng em xa vắng..."
Chao ôi,thơ với nhạc-đôi bạn lòng tri âm tri kỷ để MẮT BUỒN của Bùi Giáng đưa ta về cội nguồn của nỗi đau đời đầy ngẫu nhiên và phi lý,nhưng vẫn còn"mai sau hẹn với ban đầu ,chờ nhau ngõ khác ngõ màu nguyên xuân."
            Góc Thành Nam-Hà Nội 21-1-2005- Nguyễn Khôi

Ảnh đại diện

Mắt người Sơn Tây (Quang Dũng): Về tiểu sử Quang Dũng

Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm)sinh năm 1921 tại làng Phượng trì,tổng Đại Phùng,huyện Đan Phượng(Hà Tây).Quang Dũng là lấy tên con trai làm bút danh(năm 1952 viết tập ký sự"Đoàn võ trang tuyên truyền Việt-Lào",ký tên là  Trần Quang Dũng.Cụ thân sinh là một chức dịch,mẹ là người phụ nữ đảm ven Đô(làm ruộng và buôn bán nhỏ).Gia đình khá giả nên Quang Dũng gửi ra Hà Nội học văn, học võ,học vẽ,học đàn...để sau này,trong lĩng vực nào anh cũng có những thành tựu đáng kể,trong đó kiệt xuất phải nói là thơ.
Từ sau ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945,Quang Dũng được cử làm Phái viên Quân Sự Bắc Bộ,làm công việc cất dấu máy móc quân sự,đi các địa phươbg tìm mua súng đạn,giành chiếc máy bay Nhật ở Ba Vì.Rồi với tư cách Chính trị viên phó Đại đội Tổng vệ binh Cảnh vệ Khu 2...khoảng cuối năm 1947 anh gia nhập đoàn quân Tây tiến.Sau một thời gian chiến đáu ở Lào trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 51 .Đại đội trưởng Quang Dũng ở đó đến cuối năm 1948,rồi được chuyển sang đơn vị khác.Rời xa đơn vị cũ,chưa bao lâu,ngồi ở Phù Lưu Chanh(Kim Bảng-Hà Nam)thi sĩ bồi hồi viết "nhớ Tây tiến",bài thơ xuất thần viết liền một mạch trong một đêm đẻ trở thành kiệt tác thơ Việt Nam thế kỷ xx.
Trước Tây tiến ,Quang Dũng đã có "đôi mắt người Sơn Tây" rất nổi tiếng với "Vầng trán em mang trời quê hương/mắt em dìu dịu buồn tây phương/Tôi nhớ xứ Đoài mây trăng lắm...".Về Nhạc thì có "Ba Vì mờ cao" với "từ xa thương nhớ Ba Vì ơi !/thời gian như muồn phai bóng người/giang hôduwngf bước/nhớ nhung Ba Vì ơi ! Sau Tây tiến còn là "Những lang đi qua","vườn ổi","em mãi là tuổi 20","mây đầu ô",,,cũng như các bài buổi đầu làm thơ"Chiêu Quân","cố Quận" đều là nhữn bài thơ hay riêng một chất thơ Quang Dũng.
Nếu ví Hoang Cầm (thơ) là tinh hoa của hồn quê Quan họ thì Quang Dũng là "bạch vân thiên tải không du du" là hồn thơ của mây trắng xứ Đoài với "Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc?sáo diều khuya khpawts thổi đêm trăng" cùng "mây ở đầu ô mây lang thang..."
Lang thang lãng tử thích ngao du sơn thuỷ đi đó đi đây là kiếp đoạn trường của đời nghệ sĩ...cái tinh thần thượng võ ,cái khí,cái thần của người thơ ấy được đúc nên từ lòng yêu que hương xứ sở-yêu đời,đời đẹp như thơ,như đời người chiến sĩ chỉ biết hi sinh,chỉ biết phụng sự lý tưởng và đất nước mà nhà thơ đã đi trọn cuộc đời.
Nhà thơ Quang Dũng từ trần ở Hà Nội ngày 14-10-1988.Ông đã được Giải thưởng Nhà Nước về Văn học.Bài thơ Tây tiến đã được chọn một đoạn khắc vào Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Tây tiến ở Châu Trang,xã Thượng Cốc,huyện Lạc Sơn (Hoà Bình)ngày 20-12-1990,và tượng đồng bán thân của Vệ Quốc Quân Quang Dũng được đặt tại Trường Tiểu học quê nhà là một minh chứng về sự tôn vinh của Nhà Nước-Nhân dân đối với Nhà thơ yêu quí của chúng ta.
                             Hà Nội 8/2005 Nguyễn Khôi

Ảnh đại diện

Mắt người Sơn Tây (Quang Dũng): Đôi mắt người Sơn Tây

theo tập thơ "Đôi mwts người Sơn Tây" nxv Văn Học 9/1995 khổ 6x9 trang 27,28,29 thì:
       ...Mẹ tôi em có gặp đâu không
          Những xác già nua ngập cánh đồng
          Tôi cũng có thằng con bé dại (1)
          Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông.
(1) thằng con bé dại này là kết quả của mối tình đầy huyền thoại của chàng lãng tử Bùi Đình Diệm với NGƯỜI ĐẸP YÊN BÁI,đây là con trai đầu lòng của anh, tên là Bùi Quang Dũng,mà Thi sĩ lấy tên con trai làm bút danh lưu danh với đời...

Ảnh đại diện

Tây Tiến (Quang Dũng): Lời bình đăng trong T.T họ Bùi ở Việt Nam

Cho đến nay Tây Tiến vẫn là một đài thơ (thi sơn) đầy kỳ bí. Cái ma lực, cái âm hưởng của bài thơ Tây Tiến chưa ai lý giải hết được. Phải chăng cái hay là bởi lời thơ, ý thơ, hình tượng thơ giàu nhạc điệu được chứa trong một hồn thơ thật mới lạ và rất sâu sắc? Con người nồng hậu, nét bút tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ đã làm nên kiệt tác thơ Tây Tiến. Cái độc đáo của bài thơ là không có cấu tứ,cái kết của bài thơ (của cuộc hành binh) lại không nằm ở cuối bài mà lại nằm ở 2 câu 13-14/34:

Nhớ ôi, Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Với Tây Tiến, Quang Dũng dưa ta đi vào một thế giới đầy mùi hương hoài niệm, của sự vọng tưởng diệu huyền. Với Tây Tiến, Quang Dũng đã xây tượng đài về anh bộ đội Cụ Hồ (Vệ quốc đoàn - Vệ út - Vệ túm - Lính râu ria) thời kháng chiến 9 năm đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng - cái buổi đầu đi làm cách mạng của những trai tài gái sắc đất Hà thành (và ven đô) hiên ngang, hào hoa phong nhã, cái thời “chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh” (tả thực) với “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (lãng mạn).

Bút pháp bậc thầy của Tây Tiến là nhà thơ đã vận dụng sáng tạo kỹ xảo thơ truyền thống (thơ Đường) với “phép đối” trong từng câu, đoạn thơ, từng khổ thơ tạo ra 2 vế âm/dương, tương phản trong một “trường đối nghịch” (thủ pháp đối lập) nhằm tô đậm ý tưởng “không ca ngợi một chiều” mà là phản ánh đúng hiện thực của cuộc chiến... đó là sự đói chọi, sự tàn khốc của chiến tranh lấy ý chí (Việt Nam) chọi lại sắt thép (thực dân Pháp). Thủ pháp đối ý, đối âm trong Tây Tiến với những câu thơ ăm ắp hồn chiến sĩ, tạo nên khẩu khí bi tráng của toàn bài. Đó là lối diễn đạt độc đáo, cao thủ mà hình như chỉ riêng Quang Dũng một mình trong cõi thơ
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
để Tây Tiến ở một vị trí tượng đài vút lên trời xanh giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ của Tổ quốc!

Trong Tây Tiến có một hình tượng thơ đã làm không ít người thắc mắc, đó là
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa...
đó chẳng qua là một từ hoa “ẩn dụ” cảm từ câu ca dao xứ Mường “trăm thứ hoa không bằng hoa con gái” mà con gái Thái - Mường là “bông hoa rừng”chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội qua sông đang mùa nước lũ... Qua rồi để nhà thơ lãng mạn lưu giữ một bóng dáng cô lái đò trên “Châu Mộc chiều sương ấy” cứ đong đưa trong con mắt người Sơn Tây đẹp đến lạ lùng.

Cái chết (hi sinh) của người chiến sĩ nay không phải là “da ngựa bọc thây” mà là “chiến bào thay chiếu anh về đất” để Sông Mã gầm lên như súng thần công bắn vang trời tiễn đưa người anh hùng...

Dùng cái bi, cái mất mát để tôn vinh cái hào hùng... với cảm hứng lãng mạn cách mạng được đặc tả trên cái nền hiện thực đã tạo nên âm hưởng, ma lực kỳ diệu của bài thơ Tây Tiến rất kinh điển mà cũng rất hiện đại - đó là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam thế kỷ XX đặt trong hành trang ta mang theo đi vào thế kỷ XXI, hội nhập cùng làng thơ thế giới hôm nay.


Hà Nội 8/2005 - Nguyễn Khôi
Ảnh đại diện

Tây Tiến (Quang Dũng): Xuân Diệu phê bình “Tây Tiến”

Bài thơ hơi buồn, có đoạn buồn lắm, tứ thơ không mới, có những câu văn hoa. Nhưng toàn bài rung rung như những dây đồng. Đọc lên, trong miệng còn ngân âm nhạc. Cái cảnh miền Tây gian nan đặc biệt: bộ đội Tây tiến là một trong những bộ đội nhiều hy sinh. Đánh giặc đã đành, mà người với rừng núi còn tranh nhau ai thua ai được. Một bạn tôi lên thăm bộ đội quá thượng du Thanh Hoá, trên biên giới Việt-Lào kể rằng: Núi giăng màn trùng điệp, một anh đội viên chỉ quãng chập chùng trước mặt nói “Một mình tôi phụ trách 5 cây số núi”. Lên đến nguồn Sông Mã, còn đâu là đồng bằng? Lúc mới đầu chưa quen thổ ngơi, nhiều chiến sĩ chết. Có lẽ cái rùng rợn buổi đầu ấp sâu vào tâm hồn tác giả. Những chiến sĩ lưa thưa giữa nghìn trùng rừng núi chắc cảm thấy mình “cheo leo chòi biên cương”, cảm thấy mình lạc đời. Những anh con trai Hà Nội lên đến đây cạo trọc đầu, hay là sốt rét rụng cả tóc, người mặc áo chàm hay là mặt lây sắc lá, hay là ốm tái màu da, giặc sợ các anh như sợ hùm. nhưng các anh dù thế nào cũng nhớ Hà Nội cho được:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Măt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Bài thơ chỗ thì đẹp, chỗ thì ghê, man rợ rồi lại êm ái, đoạn sau cùng đầy những tiếng từ ly. Những tên đất Sài Khao, Mường Lát, Pha Lương... ngân động. Đến cái tên Sầm Nứa thì câu thơ buồn mà hay quá. Hồn đây là tâm hồn người sống nghĩ chuyện bên Lào:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


Trích tập Tiếng thơ (15-5-1949) - Xuân Diệu.

Trang trong tổng số 11 trang (103 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: