Trang trong tổng số 14 trang (140 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nhớ về Ma-ri-a (Bertolt Brecht): Bản dịch của Đông A

Vào một ngày tháng chín trăng xanh (*)
Dưới tán cây mận non yên ắng
Anh ôm em, tình yêu mờ lặng
Trong vòng tay anh như giấc mộng ngọt ngào
Và trên chúng tôi bầu trời mùa hạ thanh tao
Có một đám mây khiến anh chăm chú
Trắng vô ngần và bên trên quần tụ
Nhưng khi anh ngước nhìn, ở đó lúc nào đâu

Từ ngày đó nhiều nhiều vầng trăng thâu
Lững lờ trôi và lặn đi lặng lẽ
Bao cây mận đã chặt đi có lẻ
Còn em hỏi anh mối tình đó là gì
Vậy nói với em: anh không thể nhớ chi
Và thêm nữa anh biết rõ ý em muốn hỏi
Nhưng là gì, thực anh không sao biết nổi
Chỉ biết thêm một ngày anh đã từng hôn

Nụ hôn đó anh tưởng đã quên luôn
Nếu như không có đám mây ở đó
Anh vẫn biết và anh luôn luôn rõ
Trắng vô ngần và hạ xuống từ trên
Những cây mận có khi vẫn hoa nở cũng nên
Người phụ nữ đó có khi đã có đứa con thứ bẩy
Nhưng đám mây chỉ bừng lên trong giây lát
Và khi anh ngước nhìn, trong gió đã tan đi


(*) Trăng xanh vào tháng chín trong khoảng cuộc đời của Brecht trước thời điểm viết bài thơ, năm 1920, xảy ra vào ngày 30/9/1917.
Ảnh đại diện

Tiểu bách chu (Hwang Jin-i): Bản dịch của Đông A

Chiếc bách lênh đênh nổi giữa dòng
Bao năm sóng biếc lướt thong dong
Người sau ví hỏi ai qua trước
Văn võ toàn tài vạn hộ phong

Ảnh đại diện

Tiểu bách chu (Hwang Jin-i): Nguyên văn chữ Hán

Bài thơ này nguyên văn chữ Hán là Tiểu bách chu (小栢舟), Chiếc thuyền gỗ bách nhỏ:

汎彼中流小栢舟
幾年閑繫碧波頭
後人若問誰先渡
文武兼全萬戶侯

Phiên âm:

Phiếm bỉ trung lưu tiểu bách chu
Kỉ niên nhàn hệ bích ba đầu
Hậu nhân nhược vấn thuỳ tiên độ
Văn vũ kiêm toàn vạn hộ hầu

Nguồn: Kim Hyun-Jung, A comparative study on literature of Hwang Jin-I and Lee Mae-Chang, Chosun University, 2005.


Bài thơ này có lẽ lấy tứ từ bài Bách chu trong Kinh Thi:
Phiếm bỉ bách chu
Tại bỉ trung hà

nhưng dường như có ý châm biếm lại ý tứ thủ tiết của người phụ nữ trong bài Bách chu.
Ảnh đại diện

Phụng biệt Tô phán thư Thế Nhượng (Hwang Jin-i): Bản dịch của Đông A

Trăng sáng ngô đồng rụng
Trong sương cúc dại vàng
Lầu cao trời cách thước
Say khướt ngàn hồ trường
Lưu thuỷ đàn hoà lạnh
Mai hoa sáo trỗi hương
Sáng mai sau giã biệt
Sóng biếc quyện tình thương

Ảnh đại diện

Phụng biệt Tô phán thư Thế Nhượng (Hwang Jin-i): Nguyên văn chữ Hán

Bản chữ Hàn ở trên là bản phiên âm chữ Hán của bài thơ. Bài thơ có nhan đề 奉別蘇判書世讓, Phụng biệt Tô phán thư Thế Nhượng (Phụng biệt phán thư Tô Thế Nhượng).

月下庭梧盡
霜中野菊黃
樓高天一尺
人醉酒千觴
流水和琴冷
梅花入笛香
明朝相別後
情與碧波長

Phiên âm:

Nguyệt hạ đình ngô tận
Sương trung dã cúc hoàng
Lâu cao thiên nhất xích
Nhân tuý tửu thiên thương
Lưu thuỷ hoà cầm lãnh
Mai hoa nhập địch hương
Minh triêu tương biệt hậu
Tình dữ bích ba trường

Nguồn: Kim Hyun-Jung, A comparative study on literature of Hwang Jin-I and Lee Mae-Chang, Chosun University, 2005.


Giai thoại kể rằng Tô Thế Nhượng (So Seyang) (1486-1562) từng tuyên bố rằng: “Ta tuyệt đối không bị mỹ sắc khuất phục. Nếu bị khuất phục, ta không là người”. Tô Thế Nhượng gặp Hoàng Chân Y và ở lại 30 ngày. Sau 30 ngày, khi từ biệt, Hoàng Chân Y làm bài thơ này tặng Tô Thế Nhượng.
Ảnh đại diện

Đăng Mãn Nguyệt đài hoài cổ (Hwang Jin-i): Bản dịch của Đông A

Chùa cổ tiêu diêu cạnh lạch hầu
Cây cao chiều đổ xiết bao sầu
Ráng mây lãnh đạm tàn sư mộng
Năm tháng đìu hiu phá tháp đầu
Loan phượng cánh về bay chích sẻ
Đỗ quyên hoa nở bãi dê trâu
Thần Tung nhớ được ngày hoa lệ
Há nghĩ như giờ xuân tựa thu

Ảnh đại diện

Đăng Mãn Nguyệt đài hoài cổ (Hwang Jin-i): Nguyên văn chữ Hán

Bản chữ Hàn ở trên là bản phiên âm chữ Hán của bài thơ. Bài thơ có nhan đề Đăng Mãn nguyệt đài hoài cổ (登滿月臺懷古), Lên đài Mãn nguyệt nhớ khi xưa

古寺蕭然傍御溝
夕陽喬木使人愁
煙霞冷落殘僧夢
歲月崢嶸破塔頭
黃鳳羽歸飛鳥雀
杜鵑花發牧羊牛
神崧憶得繁華日
豈意如今春似秋

Phiên âm:

Cổ tự tiêu nhiên bàng ngự câu
Tịch dương kiều mộc sử nhân sầu
Yên hà lãnh lạc tàn tăng mộng
Tuế nguyệt tranh vanh phá tháp đầu
Hoàng phượng vũ quy phi điểu tước
Đỗ quyên hoa phát mục dương ngưu
Thần Tung ức đắc phồn hoa nhật
Khởi ý như kim xuân tự thu

Nguồn: Thiều hoạch đường tập (韶濩堂集) của Kim Taek Young (Kim Trạch Vinh) 김택영 (金澤榮), quyển Khai thành tạp sự truyện (開城雜事傳), phần Danh viên truyện (名媛傳).


- Mãn nguyệt đài (Manwoldae, 만월대): vốn trước đây là cung điện chính của triều đại Cao Ly (Goryon) tại kinh đô Khai thành (Kaesong), sau bị cháy và phá huỷ. Đến triều đại Triều Tiên (Joseon) di tích còn lại được gọi là Mãn nguyệt đài.
- Thần Tung: điển tích từ Kinh Thi, phần Đại Nhã, bài Tung cao. Núi Tung sơn, thuộc Ngũ nhạc, ngọn núi cao lớn có linh khí của trời đất, có thần giáng xuống.
Ảnh đại diện

Vịnh sơ nguyệt (Hwang Jin-i): Bản dịch của Đông A

Ai đẽo Côn sơn ngọc
Lược nàng Chức chế thành
Rồi chàng Ngưu cách biệt
Sầu ném tận trời xanh

Ảnh đại diện

Vịnh sơ nguyệt (Hwang Jin-i): Đông A

Bài thơ này nguyên gốc chữ Hán, có tên bài là Vịnh sơ nguyệt (咏初月):
誰斲崑山玉
裁成織女梳
牽牛一去後
愁擲碧空虛

Phiên âm:
Thuỳ trác Côn sơn ngọc
Tài thành Chức Nữ sơ
Khiên Ngưu nhất khứ hậu
Sầu trịch bích không hư

Nguồn: Thiều hoạch đường tập (韶濩堂集) của Kim Taek Young (Kim Trạch Vinh) 김택영 (金澤榮), tập Khai thành tạp sự truyện (開城雜事傳), phần Danh viên truyện (名媛傳).

Ảnh đại diện

Xuân tứ kỳ 1 (Giả Chí): Bản dịch của Đông A

Cỏ cứ xanh xanh liễu cứ vàng
Đào bay loạn xạ mận bay hương
Gió đông chẳng giúp xua sầu được
Xuân tới càng thêm hận vấn vương

Trang trong tổng số 14 trang (140 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: