Trang trong tổng số 3 trang (30 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

“Xa sau màn sương nào thấy chi đâu...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Chẳng thấy chi phía sau màn sương nơi xa,
Nơi ấy có gì đợi ta ở phía trước,
Nơi ấy điều gì...là hạnh phúc, hay uẩn khúc tình đời,
Hay là nơi nghỉ ngơi cho phận người bạc nhược.

Hoặc những đám mây kia nhuốm màu tóc bạc
Lại khiến ta mang cảm giác sầu đau,
Gieo vào con tim những vết sâu rỉ máu
Và lần nữa đốt thiêu chẳng cần đâu ngọn lửa.

Nhưng xuyên qua lớp sương mờ nơi xa
Tôi chợt thấy, ráng chiều loá sáng –
Đây là ngày tận diệt của thế gian buồn nản,
Đó là cái chết, nhưng với tôi là cõi bình an.

Ảnh đại diện

“Linh cảm thấy cái ngày khói lửa...” (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

TÔI YÊU NGƯỜI, TỔ QUỐC TÔI! (1)
Olga Berggoltx

Chúng tôi đã dự cảm điều làm trăn trở
sẽ có ngày bi thương máu đổ, lệ rơi. (2)
Ngày ấy đến rồi. Đây đời tôi, hơi thở.
Xin hiến dâng Người – Tổ quốc tôi ơi!

Cứ đến ngày này tôi không thể quên
những năm đắng cay bởi truy nã, hung tàn,
nhưng trong chớp giật đạn xé, bom rền
tôi đã hiểu: cả tôi và Người cùng chịu gian nan,
đó là điều Người đã kiên gan chờ đợi.

Không, tôi đã không quên gì hết!
Nhưng dù bị tù đầy, dù có chết,  -
vẫn đứng lên theo tiếng gọi của Người từ mồ tối,
tất cả công dân, không chỉ riêng tôi.

Tôi yêu Người bằng tình yêu tinh khôi,
nồng nàn, hiến dâng, sôi nổi,
Tổ quốc tôi khổ đau quá đỗi, (3)
với cầu vồng đen tối vẩn bầu trời.

Đã đến rồi, thời khắc của chúng tôi,
là thế thời,-
chỉ chúng tôi cùng Người mới hiểu.
Tôi yêu Người - không hề thay đổi,
tôi và Người trước sau – chỉ một mà thôi.
Tháng 6 - 1941

Bùi Huy Bằng dịch (http://buihuybang.blogtiengviet.net/)
8 - 2011
(1)- Nguồn dẫn: Tại bản dịch của nhà thơ Phan Bạch Châu trên trang
http://vn.360plus.yahoo.c...nbach-chau/article?mid=27
Ольга Берггольц. Стихотворения. Россия - Родина моя. Библиотечка русской советской поэзии в 50-ти книжках. Москва: Художественная литература, 1967.
(2)- Trong các từ điển hiện có (kể cả từ điển những từ đồng nghĩa, đại từ điển giải nghĩa) không tìm thấy nghĩa của từ полыханье . Nhưng, полыханье có chung gốc với động từ полыхать – nghĩa bóng là nhuộm đỏ bởi máu đổ. Dịch với nghĩa này phù hợp ngữ nghĩa và ngữ cảnh của bài thơ.
(3)- Theo từ điển tiếng Nga của X. I. Ôgiegôv, 1973
Терновый венец: - Vòng hoa mận gai ( Nghĩa đen)
                             - Bị hành hạ, khổ đau nặng nề (Nghĩa bóng)

NGUYÊN TÁC:

Я ЛЮБЛЮ ТЕБЯ, РОДИНА МОЯ! (1)
Ольга Берггольц
........................................................
(1)- Nhan đề theo nguồn dẫn kể trên. Nội dung như bạn Hoa Xuyên Tuyết đã dẫn ở đầu trang.
Đề nghị bạn Hoa Xuyên Tuyết xác minh lại.

DỊCH NGHĨA:

TÔI YÊU NGƯỜI, TỔ QUỐC TÔI!
Olga Berggoltx

Chúng tôi đã dự cảm cảnh nhuộm đỏ máu rơi
của ngày bi thương đó.
Nó (ngày ấy) đến rồi. Đây đời tôi, hơi thở.
Tổ quốc ơi! Hãy nhận lấy chúng ở tôi!

Cứ đến ngày này tôi đã không quên
những sự truy nã và hung bạo của những năm đắng cay,
nhưng trong chớp lóa [của đạn bom] tôi đã hiểu:
điều này [xảy đến] không chỉ với tôi - mà cả với Người,
đó là điều Người đã dũng cảm và chờ đợi.

Không, tôi đã không quên gì hết!
Nhưng dù [tôi] có chết, có bị tù đầy, -
[tôi] vẫn đứng lên theo tiếng gọi của Người từ nấm mồ,
tất cả chúng tôi đều đứng lên, chứ không phải mình tôi.

Tôi yêu Người bằng tình yêu mới mẻ,
nồng nàn, hiến dâng, sống động,
Tổ quốc tôi trong nỗi khổ đau nặng nề,
với cầu vồng đen tối phía trên đầu.

Nó đến rồi, là thời khắc của chúng tôi,
và nó có ý nghĩa gì-
chỉ có chúng tôi cùng Người mới biết.
Tôi yêu Người – tôi không thể khác,
tôi và Người trước sau – chỉ là một.
6 - 1941

Bùi Huy Bằng dịch
8 - 2011

Ảnh đại diện

Tự hát (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

NHỮNG VẦN THƠ TỰ SỰ
Olga Berggoltx

Và giờ đây trong tĩnh lặng sau chiến chinh
Tôi đã hồi tâm đối diện với chính mình...
..............................................
Trái tim tôi nay đã thế nào, (ai đó bận tâm ?)
Tôi chẳng biết, tốt đẹp hơn hay xấu xa hơn:
bên ngọn lửa bình yên không thấy thêm nồng ấm,
không nguội lạnh đi trong băng giá cô đơn.

Những gì được nhen nhóm vào thời khắc đen tối trong chiến tranh,
để sau này không thể dập tắt, không thể làm im bặt,
là những chòm sao không nữ tính trên trời đêm lấp lánh,
là áng thơ không nữ tính trong các bài thơ sắc lạnh.

Nhưng ngay cả những ai mưu đồ xóa đi tất cả
trong ký ức chồng chất, vẹn nguyên của dân mọi ngả,
cũng không được lãng quên, người Lê-nin-građ đã ngã xuống thế nào
trên thảm tuyết ố vàng ở những quảng trường trống vắng ra sao.

Giống như hai cây mọc bên nhau,
đan rễ sâu trong lòng đất
và hòa tán lá trên tầng cao trong vắt,
ban tặng lữ khách nguồn dịu mát vô vàn, -
thì nỗi xót xa và niềm hạnh phúc trong tôi chứa chan
thành gốc rễ chung - trong nỗi đau của thành Len,
thành tán lá chung - tận tầng sâu của thời gian.

Và tất cả không thể kìm nén hơn theo năm tháng,
khơi nguồn cuồng phong động địa kinh thiên  
cho khát vọng tự do của trái tim tôi sáng láng,
khát vọng đó là duy nhất trên dải đất thiêng liêng.
1946

Bùi Huy Bằng dịch (http://buihuybang.blogtiengviet.net/)
7/2011

NGUYÊN TÁC:

СТИХИ О СЕБЕ (1)
Ольга Берггольц
....................................................
(1)- Nguồn dẫn: Hoa Xuyên Tuyết (đầu trang)

DỊCH NGHĨA:

NHỮNG VẦN THƠ VIẾT VỀ MÌNH
Olga Berggoltx

Và thế là trong tĩnh lặng sau chiến tranh
Tôi đã lắng nghe khi đối diện với chính mình...
...................................................................
Trái tim trong tôi đã ra sao,
Tôi chẳng biết, tốt đẹp hơn hay xấu xa hơn:
không [thể] làm ấm lên bên ngọn lửa thời bình,
không [thể] làm nguội đi trong giá lạnh khắc nghiệt nhất.

Và vào thời khắc đen tối những gì được nhen nhóm bởi chiến tranh,
để sau này không thể dập tắt, không thể làm im bặt,
đó là những chòm sao không nữ tính phía trên tôi ,
đó là áng thơ không nữ tính trong các bài thơ trở nên rắn chắc.

Nhưng ngay cả những ai có muốn xóa đi tất cả
trong ký ức chồng chất, sáng như gương của mọi người,
[tôi] sẽ không cho [họ] quên lãng, người Lê-nỉn-građ đã ngã xuống thế nào
trên tuyết màu vàng ở những quảng trường trống vắng.

Giống như hai cây, vươn lên bên nhau,
đan rễ  trong chiều sâu dưới đất
và hòa tán cây trên tầng cao trong veo (quang đãng),
ban tặng cho những ai qua lại nguồn dịu mát to lớn, -
thế là nỗi xót xa và niềm hạnh phúc tồn tại trong tôi
trở thành gốc rễ chung - trong nỗi đau của thành Len,
trở thành tán lá chung - tận đáy sâu của thời sau.

Và tất cả không thể kìm nén hơn theo năm tháng,
dẫn đến cuồng phong tột đỉnh
tự do của trái tim tôi lớn mãi,
tự do là duy nhất trên dải đất.
1946

Bùi Huy Bằng dịch
7/2011

Ảnh đại diện

Tôi yêu em (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Ta đã yêu nàng: có thể còn yêu,
Trong thâm tâm chưa hẳn đã tàn chiều;
Nhưng không để tình yêu thêm gợn sóng;
Làm phiền nàng ta chẳng chút cầu mong.
Ta đã yêu nàng âm thầm, vô vọng,
Khi nén lòng, lúc cháy bỏng tâm can;
Ta đã yêu nàng dịu dàng, chân thật,
Ai yêu nàng thế, Trời ban cho nàng.

Ảnh đại diện

Mùa lá rụng (Olga Berggoltz): Bùi Huy Bằng

LÁ RƠI  (1)
Olga Berggoltx (2)

Về mùa thu dọc các đại lộ ở Maxcva
treo những tấm biển nhỏ với dòng chữ:
“Cẩn trọng, lá rơi!”

Mùa thu đến rổi! Trên bầu trời Maxcva
Đàn sếu bay qua, sương mù giăng, khói toả.
Màu vàng óng huyền ảo trên từng tán lá
Các vườn cây như rực cháy, sáng loà.
Dọc các đại lộ treo những tấm biển nhỏ
nhắc nhở những ai qua đó,
đi một mình hay đi từng đôi:
“Cẩn trọng, lá rơi!”

Ôi, trái tim cô đơn lạnh giá
trong ngõ nhỏ đang còn xa lạ!
Bóng chiều tà lướt qua cửa sổ,
rọi chập chờn dưới trận mưa sa.
Vì ai một mình tôi ở đây ,
ai làm tôi yêu quý, có niềm vui tràn đầy?
Tại sao tôi nghĩ ngợi:
“Cẩn trọng, lá rơi”?

Đã chẳng cần  thứ gì, -
nghĩa là, chẳng mất chi:
ngay cả là gần gũi, ngay cả là thân thương,
ngay cả là bạn hữu cũng chưa coi lẽ thường.
Tại sao tôi lại buồn,
khi xa nhau mãi mãi,
Không vui vẻ, thoải mái,
hỡi con người cô đơn?

Điều gì là mai mỉa, chuyện gì là khinh khi?
Anh nhẫn nại và đợi chờ thêm đi...
Không – điều đáng sợ nhất, đó là sự dịu dàng
lúc chia xa đôi ngả, giống mưa rơi xốn xang .
Trận mưa rào nặng hạt, cơn mưa rào ấm áp
tất cả - có tia chớp và giông tố phũ phàng!
Hãy vui vẻ lên đi, mong hạnh phúc dào dạt
khi chia xa đôi ngả, giống mưa rơi xốn xang .

...Em một mình cất bước ra ga,
và từ chối mọi người tiễn đưa .
Em đâu nói cho anh tất cả,
nhưng giờ đây sẽ không nói nữa.
Con phố nhỏ bóng đêm đan dầy,
với những ai đơn độc qua đây
được các tấm biển nhỏ khơi gợi:
“Cẩn trọng, lá rơi”...
1938

Bùi Huy Bằng dịch (http://buihuybang.blogtiengviet.net/)
6/2011

(1)- Theo từ điển tiếng Nga của X.I. Ogiegov, 1973: ЛИСТОПАД – Опадание листьев осенью - sự RƠI (RỤNG) của lá vể mùa thu. Dịch là LÁ RƠI (RỤNG) có lẽ đủ nghĩa về hiện tượng cơ học sau khi lá lìa (RỤNG) khỏi cành rồi RƠI xuống đất. ЛИСТОПАД không hàm nghĩa MÙA. Cụm từ “vể mùa thu” chỉ là diễn giải, thật ra không chính xác, vì sự rụng lá đâu chỉ có về mùa thu, lại thiếu nhất quán khi giải nghĩa từ СНЕГОПАД – Выпадение снега (không có từ зимой - sách đã dẫn) - sự rơi của tuyết,  dịch là TUYẾT RƠI cũng vậy.
Theo tôi, mệnh đề "Осторожно, листопад", dịch thành “Hãy cẩn trọng (thận), lá rơi (rụng)” là đủ, bởi mọi suy nghĩ về ngữ nghĩa, về ý tứ đã gói gọn trong ngoặc kép, đúng như chủ ý của tác giả nguyên tác. Câu “Tránh đừng ĐỤNG vào cây, MÙA lá rụng” (của nhà thơ Bằng Việt) hoặc “Cẩn thận dùm cho MÙA lá rụng người ơi” (của nhà thơ Phan Bạch Châu ở trang http://vn.360plus.yahoo.c...?mid=347&fid=-1), là thêm vào, tưởng như câu thơ hay hơn, nhưng lại sai ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ cảnh.
Ngoài ra trong một số bản dịch còn không ít chỗ sai ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ cảnh khác. Tôi xin có thông điệp: Trong khoa học và trong đời sống xã hội người ta đều muốn đưa mọi vấn đề “phức tạp” về “đơn giản” để dễ bề giải quyết, nên dịch thuật cũng không ngoại lệ, bởi bài thơ nguyên tác vốn dĩ là vậy, hãy để người đọc, nhất là những ai chưa biết tiếng Nga nhận diện đúng chân dung tác giả. Coi chừng, nếu cố nhào nặn những bài dịch thành thơ sáng tác trên nền thơ của nguyên tác, đươc gọi là dịch, xét kỹ theo tiêu chí dịch thuật mà thời gian gần đây báo chí đề cập, biết đâu lại là phản dịch. Nên chăng, đi theo bản dịch thơ cần có kèm bản dịch nghĩa để đối chứng (ở đây thì có, nhưng  ở nhiều bài khác ít thấy)? Đây là thông điệp theo suy nghĩ hạn hẹp của người không biết làm thơ.
(2)- Tên tác giả do người dịch thêm vào.

NGUYÊN TÁC:

ЛИСТОПАД  (1)
Ольга Берггольц  (2)
................................................................
(1)- Nguồn dẫn: emsao và Hoa Xuyên Tuyết
(2)- Tên tác giả do người dịch thêm vào.

DỊCH NGHĨA:

LÁ RƠI   
Olga Berggoltx

Về mùa thu dọc các đại lộ ở Maxcva
treo những tấm biển nhỏ với dòng chữ:
“Cẩn trọng, lá rơi!”

Mùa thu, mùa thu! Trên [bầu trời] Maxcva
Đàn sếu, sương mù và khói.
Bởi tán lá ửng vàng huyền ảo
Các vườn cây rực sáng.
Và các biển nhỏ trên các đại lộ
nói [nhắc nhở] cho mọi người đi qua,
[đi] đơn lẻ hay từng đôi:
“ Cẩn trọng, lá rơi!”

Ôi, trái tim đơn độc làm sao
trong ngõ nhỏ xa lạ!
[bóng] Chiều tà lang thang [lướt, lọt] qua các cửa sổ nhỏ,
rùng mình [chập chờn] dưới cơn mưa.
Vì ai tôi lại ở đây một mình,
ai làm tôi quý mến, ai làm tôi hài lòng?
Tại sao tôi sực nhớ :
“Cẩn trọng, lá rơi”?

Đã chẳng cần thứ gì, -
nghĩa là, chẳng mất chi:
ngay cả là gần gũi, ngay cả là thân thương,
ngay cả là bạn hữu cũng chưa gọi (coi) như vậy.
Tại sao tôi lại buồn,
khi chia tay (xa nhau) vĩnh viễn,
Không vui vẻ, không hạnh phúc,
[hở, hỡi] con người cô đơn ?

Điều gì là mỉa mai, điều gì là khinh khi?
[Anh] sẽ chịu đựng (nhẫn nại), sẽ đợi chờ...
Không – sự dịu dàng đáng sợ hơn cả  
lúc chia tay (xa nhau), giống cơn mưa.
Trận mưa rào tối đen, trân mưa rào ấm áp
tất cả - [đều có] sấm và chớp!
Hãy vui vẻ, hãy hạnh phúc
lúc chia tay (xa nhau) , giống cơn mưa.

...Em một mình sẽ cuốc bộ ra ga,
sẽ từ chối mọi người tiễn đưa.
Em đã không nói cho anh tất cả,
nhưng giờ đây [cũng] sẽ không nói nữa.
Con phố nhỏ tràn đầy bóng đêm,
còn các tấm biển nhỏ nói [nhắc nhở]
cho những ai đơn độc đi qua:
“Cẩn trọng, lá rơi”...
1938

Bùi Huy Bằng dịch
6/2011

Ảnh đại diện

Mùa hè rớt (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Có thời gian thiên nhiên toả sáng tuyệt vời,
Mặt trời không chói, nóng không oi.
Thời khắc ấy gọi mùa thu tới
Say đắm đất trời sánh nổi sắc xuân tươi.

Đã có lúc khẽ khàng vương lên khuôn mặt
Màng nhện mỏng manh giăng bay phơ phất...
Đàn chim di trú muộn hót vang làm sao!
Những luống hoa bừng nở lộng lẫy thế nào!

Những trận mưa rào đã ngừng từ lâu,
Cánh đồng đất sẫm, lặng lẽ hiến trọn vụ màu...
Ta hạnh phúc hơn bởi cách nhìn rộng mở,
Và hờn ghen ít hơn dù đắng cay hơn nữa.

Ôi, sự sáng láng của chớm thu hào phóng nhất,
Ta hân hoan tiếp nhận ngươi...Như muôn sự vật.
Tình yêu của ta ơi, đâu rồi, hỡi mi nơi đâu?
Mà rừng im tiếng, những vì sao lặng sầu...

Ngươi thấy đấy - đã đến lúc mưa sao qua đi,
Và, dường như, thời gian vĩnh viễn xa lìa...
...Còn giờ đây cần làm chi, ta mới hiểu
để yêu thương, gìn giữ, lượng thứ và chia ly.


Бабье лето: (theo từ điển tiếng Nga của X.I. Ogiegov, 1973, tr.34, xem БА’БА) – ясные теплые дни ранней осени - thành ngữ (<> - dấu quy ước), có nghĩa: những ngày ấm áp trong sáng của mùa thu [đến] sớm. Theo quy ước chia mùa trong năm, hết hè sang thu, ranh giới thời điểm là 30/6 và 1/7 hàng năm. Như vậy thu sớm phải đến (từ) trước 30/6, còn MÙA HÈ RỚT hoặc HÈ MUỘN phải đến (từ) sau 1/7. Không hiểu nhiều năm qua nhà thơ Bằng Việt vẫn lưu giữ tên bài thơ như vậy và tại sao những dịch giả chuyên nghiệp không thấy băn khoăn?
Ảnh đại diện

Bài thơ cuộc đời (Gửi Boris Kornilov) (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

GỬI BORIX KORNHILOV
Olga Berggoltx (*)

“...Và tất cả không là như thế, còn em giờ đã đổi thay,
em đang hát bài ca khác trước, khóc về nỗi niềm khác xưa...”
                                                 Borix Kornhilov

1.
Ồ vâng, em khác rồi, hoàn toàn khác lạ!
Dòng đời trôi, sao trôi nhanh quá...
Em đã già anh khó nhận ra.
Mà có thể, anh sẽ nhận ra? Hãy nói!
Em không có ý cầu xin tha lỗi,
không thề nguyền gì -
điều đó chẳng ích chi.
Nhưng có thể - em tin - anh sẽ quay lại,
nhưng giá như anh biết nhận ra phải trái, -
thì hãy quên đi những tổn thương nhau mãi,
sẽ cùng lang thang, như trước, vai sánh vai, -
chúng ta sẽ khóc, khóc mãt, khóc hoài,
Vì hai ta cùng biết - khóc vì ai.
2.
Khi hồi tưởng chuyện xưa trong ký ức,
em nhớ ngay những bài ca đầu tiên về con sông:
“Ngôi sao rực cháy trên dòng Nêva ửng hồng,
bầy chim họa mi nơi cửa ô ríu rít giữa không trung...”
...Nhưng năm tháng qua đi tất cả cay đắng hơn và ngọt ngào hơn,
đất lành quanh ta thật bao la.
Giờ đây - anh đâu có lạ,
là người em yêu đầu tiên
đã biến khỏi đời em,
nên em hát bài ca khác trước,
và cũng khóc về nỗi niềm khác xưa...
Còn những cô và cậu bé ngây thơ,
Chúng - vẫn hát bài ca thuở mộng mơ:
về dòng Nêva, về buổi chiều tà...
Hứng khởi đó là hơi thở trong các bài ca,
Ôi tuổi trẻ xưa nay đâu khác ta.
1939 - 1940

Bùi Huy Bằng dịch (http://buihuybang.blogtiengviet.net/)
6/2011
(*)- Tên tác giả do người dịch thêm vào

NGUYÊN TÁC:
Борису Корнилову (1)
Ольга Берггольц (2)
.........................................................
(1)- Nguồn dẫn Vanachi và Hoa Xuyên Tuyết (đầu trang)
(2)- Tên tác giả do người dịch thêm vào



DỊCH NGHĨA:

GỬI BORIX KORNHILOV  
Olga Berggoltx

“...Và tất cả không như thế, còn em nay đã đổi thay,
em hát điều khác, khóc về điều khác...”
                                                 Borix Kornhilov

1.
Ồ vâng, em khác rồi, đã hoàn toàn khác!
Cuộc đời đang kết thúc nhanh quá...
Em đã già đến mức anh sẽ không nhận ra.
Mà có thể, [anh] sẽ nhận ra? Thì hãy nói!
Em không có ý cầu xin tha thứ,
bất cứ lời thề nguyền nào -
cũng chẳng ích chi - nên [em] không muốn đưa ra
Nhưng nếu - em tin - [anh] sẽ quay trở lại,
nhưng giá như [anh] tự biết nhận ra, -
thì [chúng ta] hãy quên đi những tổn thương lẫn nhau,
[chúng ta] sẽ lang thang, như trước, cả đôi ta, -
chúng ta sẽ khóc, khóc, và khóc,
[vì]chúng ta cùng biết - [khóc] về điều chi.
2.
Khi hồi tưởng điều đã qua trong ký ức,
em sẽ nhớ [ngay] những bài ca đầu tiên của mình:
“Ngôi sao rực cháy trên dòng Nêva ửng hồng,
đàn chim họa mi nơi cửa ô thành phố ríu rít giữa không trung...”
...Nhưng năm tháng qua đi tất cả cay đắng hơn và ngọt ngào hơn,
đất lành quanh ta mênh mông.
Giờ đây - anh đã đúng,
là người đầu tiên của em
nhưng đã biến mất,
[nên] em hát điều khác,
khóc về điều khác...
Còn những cô và cậu bé ngây thơ,
Chúng - vẫn [hát] như thế: về hoàng hôn, về dòng Nêva...
Và chính hứng khởi đó là hơi thở trong các bài ca này,
và tuổi trẻ  như xưa vẫn đúng.
1939 - 1940

Bùi Huy Bằng dịch
6/2011

Ảnh đại diện

Hãy về với mẹ trong mơ... (Olga Berggoltz): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Con hãy hiện về, dù là hiện trong mơ,
Không phải như con trong tấm ảnh xám mờ, –
Như tia sáng, như chim trời và sự sống,
Đúng như tuổi thơ và hạnh phúc vô bờ.

Thế là con đã theo về chốn xa xôi,
Khoảng cách dần xoá đi bóng dáng con rồi.
Bao tro bụi nhằm vào trái tim chất chứa,
Nhưng thiêu đốt nó không bùng lên ngọn lửa.

Mẹ có lỗi, là do mẹ đó, con ơi,
Bởi mệnh con yêu mẹ đã sớm buông lơi,
Cũng bởi mẹ sống mà không mất tâm trí…
Ôi đáng nguyền rủa bản năng sống lạ đời!

Con hãy hiện về, chỉ cần hiện trong mơ,
Không phải như con trong tấm ảnh xám mờ, –
Như tia sáng, như chim trời và sự sống,
Đúng như tuổi thơ và hạnh phúc vô bờ.

Ảnh đại diện

Ôi quê hương (Sergei Yesenin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Ôi quê ta, ôi ngôi nhà mới mẻ
Với mái che óng vàng,
Hãy hực lên, hãy rống lên ơi bò nái mẹ,
Bê non kia hãy be lên những tiếng âm vang.

Tôi dạo qua những ngôi làng xanh màu lá,
Nơi đất đai phì nhiêu kỳ lạ,
Tôi bạo dạn, vui tươi như tất cả,
Nhưng hết thảy giống người, mẹ đã sinh ra.

Biết bao hăng say chốn học đường
Tôi luyện rèn thể chất và trí hướng.
Trong tiếng ào ào của bạch dương gió quyện
Sức sôi động xuân thì của mi lớn dần lên.

Tôi thích những thói hư tật xấu của người,
Nào rượu say mèm, nào cướp giật tay chơi,
Và mỗi khi vừng đông bừng lên ngày mới
Tự đánh mất mình như sao băng rơi.

Và mọi sự ở người, như từng nhận ra
Tôi muốn luận giải và lượm thu tất cả,
Để rồi cay đắng suy tư mà kết tội
Vì dẫu sao người vẫn là mẹ của tôi.

Ảnh đại diện

“Không tiếc nuối, không gọi, không than khóc...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Bùi Huy Bằng

Ta không nuối tiếc, không cầu xin, không rơi lệ,
Chuyện đời qua đi, như khói tan từ những cây táo trắng.
Màu vàng úa phủ lên cảnh già nua dâu bể,
Ta sẽ không còn trai trẻ vĩnh hằng.

Giờ con tim sẽ không đập như xưa,
Bởi lạnh giá làm mỏi mòn hưng phấn,
Còn đất nước của cây bạch dương in trên tấm lụa
Chẳng dụ được ai lãng du bằng bước chân trần.

Hỡi linh hồn phiêu lãng! mi càng ngày càng hiếm
Khơi dậy ngọn lửa nồng của làn môi
Tìm lại sự tươi mới của ta đã đánh mất rồi,
Cả những ánh mắt khinh đời và xúc cảm sục sôi.

Giờ đây ta không còn khát vọng thuở xưa,
Đời thực của ta ư? Hay chỉ là trong mộng?
Như sớm mai nao nức bao sức xuân chan chứa
Ta đã phi băng băng trên lưng ngựa sắc hồng.

Rồi chúng ta đều nát tan trên thế gian này,
Như những lá phong vàng lặng lẽ rụng khỏi cây...
Ước cho mi mãi mãi thuận buồm biết mấy,
Để hưởng phồn vinh và an giấc nồng say.

Trang trong tổng số 3 trang (30 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: