Листопад

Осенью в Москве на бульварах
вывешивают дощечки с надписью
“Осторожно, листопад!“


Осень, осень! Над Москвою
Журавли, туман и дым.
Златосумрачной листвою
Загораются сады.
И дощечки на бульварах
всем прохожим говорят,
одиночкам или парам:
“Осторожно, листопад!”

О, как сердцу одиноко
в переулочке чужом!
Вечер бродит мимо окон,
вздрагивая под дождем.
Для кого же здесь одна я,
кто мне дорог, кто мне рад?
Почему припоминаю:
“Осторожно, листопад”?

Ничего не нужно было,-
значит, нечего терять:
даже близким, даже милым,
даже другом не назвать.
Почему же мне тоскливо,
что прощаемся навек,
Невеселый, несчастливый,
одинокий человек?

Что усмешки, что небрежность?
Перетерпишь, переждешь...
Нет - всего страшнее нежность
на прощание, как дождь.
Темный ливень, теплый ливень
весь - сверкание и дрожь!
Будь веселым, будь счастливым
на прощание, как дождь.

...Я одна пойду к вокзалу,
провожатым откажу.
Я не все тебе сказала,
но теперь уж не скажу.
Переулок полон ночью,
а дощечки говорят
проходящим одиночкам:
“Осторожно, листопад”...

 

Dịch nghĩa

Mùa thu ở Matxcơva
người ta treo những tấm biển nhỏ trên các đại lộ
với dòng chữ: “Coi chừng lá rụng!“


Mùa thu, mùa thu! Trên bầu trời Matxcơva
Những đàn sếu, sương mù, và khói,
Những khu vườn cháy sáng lên
tán lá vàng ẩm tối,
Và những tấm biển nhỏ trên các đại lộ
nói với tất thảy khách bộ hành đi qua,
những kẻ cô đơn hay những cặp đôi:
“Coi chừng lá rụng!”

Ôi, trái tim mới cô độc làm sao
trên ngõ nhỏ xa lạ!
Chiều lang thang lướt qua những khung cửa,
run lên dưới mưa.
Tôi vì ai ở lại một mình,
Tôi thương quý ai, ai mừng vui khi gặp mặt?
Cớ gì tôi cứ nhớ lời thầm nhắc:
“Coi chừng lá rụng”?

Nếu đã từng chẳng tha thiết điều gì,-
thì nghĩa là chẳng có gì để mất:
thậm chí là người thân, thậm chí là người thương,
thậm chí là bạn thôi cũng không thể được.
Thế mà sao tôi cứ thấy buồn,
rằng ta đang rời xa mãi mãi,
Hỡi con người bất hạnh, không vui
và cô độc?

Có là gì đâu sự nhạo cười, có là gì đâu niềm khinh mạn!
Anh sẽ chịu được thôi, anh hãy kiên tâm chờ đợi để mọi điều qua đi.
Không - đáng sợ hơn cả là nỗi dịu dàng,
giống như mưa, khi mình chia biệt.
Cơn mưa rào tối thẫm, cơn mưa rào ấm áp,
Cả cơn mưa cứ ánh lên lấp lánh và run rẩy!
Hãy vui lên anh, hãy hạnh phúc nhé anh,
giống như mưa, khi mình chia biệt...

Tôi một mình ra ga,
khước từ người đưa tiễn.
Chưa nói thoả cùng anh,
giờ thôi không cần nữa.
Ngõ nhỏ đầy ắp đêm,
trên đường bao tấm biển
nhắc những kẻ độc hành:
“Coi chừng lá rụng”!


1938

Dịch nghĩa của Thuỵ Anh.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 3 trang (27 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3]

Ảnh đại diện

Bản dịch của OHG

Mùa thu ở Moskva trên các bul'var (con đường lớn có vườn cây ở giữa)
người ta treo những tấm biển nhỏ với dòng chữ "Coi chừng, mùa lá rụng !"

*****

Mùa thu, mùa thu ! Trời Moskva
Những đàn sếu bay qua, khói sương mờ ảo.
Từng chiếc lá nhuốm vàng ảo não
Bao khu vườn như cháy bừng lên.
Và những tấm biển dọc những con đường
nhắc tất cả khách bộ hành ngang bước,
dù đơn côi hay đầy đủ lứa đôi:
"Coi chừng, mùa lá rụng !"

Ôi, con tim sao cô đơn
giữa ngõ nhỏ xa lạ !
Chiều muộn lang thang bước ngang từng ô cửa,
bỗng run lên dưới mưa.
Cho ai đây,- một mình em nơi đây,
em yêu ai, ai làm em vui được ?
Mà tại sao tâm trí cứ vấn vương:
"Coi chừng, mùa lá rụng" ?

Đã không còn cần gì nữa đâu,-
thì có nghĩa, chẳng có gì để mất:
chẳng là người thương, chẳng là người thân nhất,
thậm chí là người bạn cũng không.
Chẳng hiểu sao em cứ thấy buồn lòng,
rằng mình đã biệt ly vĩnh viễn,
Con người không vui, con người bất hạnh,
con người đơn côi ?

Là nực cười chăng, là bất cẩn chăng ?
Hãy biết kiên tâm, hãy biết đợi...
Không - chẳng có gì đáng sợ hơn sự dịu dàng
trong lúc biệt ly, như cơn mưa.
Mưa tối sầm, mưa ấm áp quá
tất cả - nhòa trong ánh chớp, và run !
Hãy vui lên, hãy là người hạnh phúc
trong lúc biệt ly, như cơn mưa.

...Em một mình lẻ bước ra ga,
sẽ chối từ những người đưa tiễn.
Em đã không nói cùng anh đến hết,
nhưng bây giờ sẽ chẳng nói nữa đâu.
Con ngõ nhỏ đã ngập trong đêm thâu,
những tấm biển dường như vẫn nói
với những người cô độc bước ngang qua:
"Coi chừng, mùa lá rụng"...

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bùi Huy Bằng

LÁ RƠI  (1)
Olga Berggoltx (2)

Về mùa thu dọc các đại lộ ở Maxcva
treo những tấm biển nhỏ với dòng chữ:
“Cẩn trọng, lá rơi!”

Mùa thu đến rổi! Trên bầu trời Maxcva
Đàn sếu bay qua, sương mù giăng, khói toả.
Màu vàng óng huyền ảo trên từng tán lá
Các vườn cây như rực cháy, sáng loà.
Dọc các đại lộ treo những tấm biển nhỏ
nhắc nhở những ai qua đó,
đi một mình hay đi từng đôi:
“Cẩn trọng, lá rơi!”

Ôi, trái tim cô đơn lạnh giá
trong ngõ nhỏ đang còn xa lạ!
Bóng chiều tà lướt qua cửa sổ,
rọi chập chờn dưới trận mưa sa.
Vì ai một mình tôi ở đây ,
ai làm tôi yêu quý, có niềm vui tràn đầy?
Tại sao tôi nghĩ ngợi:
“Cẩn trọng, lá rơi”?

Đã chẳng cần  thứ gì, -
nghĩa là, chẳng mất chi:
ngay cả là gần gũi, ngay cả là thân thương,
ngay cả là bạn hữu cũng chưa coi lẽ thường.
Tại sao tôi lại buồn,
khi xa nhau mãi mãi,
Không vui vẻ, thoải mái,
hỡi con người cô đơn?

Điều gì là mai mỉa, chuyện gì là khinh khi?
Anh nhẫn nại và đợi chờ thêm đi...
Không – điều đáng sợ nhất, đó là sự dịu dàng
lúc chia xa đôi ngả, giống mưa rơi xốn xang .
Trận mưa rào nặng hạt, cơn mưa rào ấm áp
tất cả - có tia chớp và giông tố phũ phàng!
Hãy vui vẻ lên đi, mong hạnh phúc dào dạt
khi chia xa đôi ngả, giống mưa rơi xốn xang .

...Em một mình cất bước ra ga,
và từ chối mọi người tiễn đưa .
Em đâu nói cho anh tất cả,
nhưng giờ đây sẽ không nói nữa.
Con phố nhỏ bóng đêm đan dầy,
với những ai đơn độc qua đây
được các tấm biển nhỏ khơi gợi:
“Cẩn trọng, lá rơi”...
1938

Bùi Huy Bằng dịch (http://buihuybang.blogtiengviet.net/)
6/2011

(1)- Theo từ điển tiếng Nga của X.I. Ogiegov, 1973: ЛИСТОПАД – Опадание листьев осенью - sự RƠI (RỤNG) của lá vể mùa thu. Dịch là LÁ RƠI (RỤNG) có lẽ đủ nghĩa về hiện tượng cơ học sau khi lá lìa (RỤNG) khỏi cành rồi RƠI xuống đất. ЛИСТОПАД không hàm nghĩa MÙA. Cụm từ “vể mùa thu” chỉ là diễn giải, thật ra không chính xác, vì sự rụng lá đâu chỉ có về mùa thu, lại thiếu nhất quán khi giải nghĩa từ СНЕГОПАД – Выпадение снега (không có từ зимой - sách đã dẫn) - sự rơi của tuyết,  dịch là TUYẾT RƠI cũng vậy.
Theo tôi, mệnh đề "Осторожно, листопад", dịch thành “Hãy cẩn trọng (thận), lá rơi (rụng)” là đủ, bởi mọi suy nghĩ về ngữ nghĩa, về ý tứ đã gói gọn trong ngoặc kép, đúng như chủ ý của tác giả nguyên tác. Câu “Tránh đừng ĐỤNG vào cây, MÙA lá rụng” (của nhà thơ Bằng Việt) hoặc “Cẩn thận dùm cho MÙA lá rụng người ơi” (của nhà thơ Phan Bạch Châu ở trang http://vn.360pl...mp;fid=-1), là thêm vào, tưởng như câu thơ hay hơn, nhưng lại sai ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ cảnh.
Ngoài ra trong một số bản dịch còn không ít chỗ sai ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ cảnh khác. Tôi xin có thông điệp: Trong khoa học và trong đời sống xã hội người ta đều muốn đưa mọi vấn đề “phức tạp” về “đơn giản” để dễ bề giải quyết, nên dịch thuật cũng không ngoại lệ, bởi bài thơ nguyên tác vốn dĩ là vậy, hãy để người đọc, nhất là những ai chưa biết tiếng Nga nhận diện đúng chân dung tác giả. Coi chừng, nếu cố nhào nặn những bài dịch thành thơ sáng tác trên nền thơ của nguyên tác, đươc gọi là dịch, xét kỹ theo tiêu chí dịch thuật mà thời gian gần đây báo chí đề cập, biết đâu lại là phản dịch. Nên chăng, đi theo bản dịch thơ cần có kèm bản dịch nghĩa để đối chứng (ở đây thì có, nhưng  ở nhiều bài khác ít thấy)? Đây là thông điệp theo suy nghĩ hạn hẹp của người không biết làm thơ.
(2)- Tên tác giả do người dịch thêm vào.

NGUYÊN TÁC:

ЛИСТОПАД  (1)
Ольга Берггольц  (2)
................................................................
(1)- Nguồn dẫn: emsao và Hoa Xuyên Tuyết
(2)- Tên tác giả do người dịch thêm vào.

DỊCH NGHĨA:

LÁ RƠI   
Olga Berggoltx

Về mùa thu dọc các đại lộ ở Maxcva
treo những tấm biển nhỏ với dòng chữ:
“Cẩn trọng, lá rơi!”

Mùa thu, mùa thu! Trên [bầu trời] Maxcva
Đàn sếu, sương mù và khói.
Bởi tán lá ửng vàng huyền ảo
Các vườn cây rực sáng.
Và các biển nhỏ trên các đại lộ
nói [nhắc nhở] cho mọi người đi qua,
[đi] đơn lẻ hay từng đôi:
“ Cẩn trọng, lá rơi!”

Ôi, trái tim đơn độc làm sao
trong ngõ nhỏ xa lạ!
[bóng] Chiều tà lang thang [lướt, lọt] qua các cửa sổ nhỏ,
rùng mình [chập chờn] dưới cơn mưa.
Vì ai tôi lại ở đây một mình,
ai làm tôi quý mến, ai làm tôi hài lòng?
Tại sao tôi sực nhớ :
“Cẩn trọng, lá rơi”?

Đã chẳng cần thứ gì, -
nghĩa là, chẳng mất chi:
ngay cả là gần gũi, ngay cả là thân thương,
ngay cả là bạn hữu cũng chưa gọi (coi) như vậy.
Tại sao tôi lại buồn,
khi chia tay (xa nhau) vĩnh viễn,
Không vui vẻ, không hạnh phúc,
[hở, hỡi] con người cô đơn ?

Điều gì là mỉa mai, điều gì là khinh khi?
[Anh] sẽ chịu đựng (nhẫn nại), sẽ đợi chờ...
Không – sự dịu dàng đáng sợ hơn cả  
lúc chia tay (xa nhau), giống cơn mưa.
Trận mưa rào tối đen, trân mưa rào ấm áp
tất cả - [đều có] sấm và chớp!
Hãy vui vẻ, hãy hạnh phúc
lúc chia tay (xa nhau) , giống cơn mưa.

...Em một mình sẽ cuốc bộ ra ga,
sẽ từ chối mọi người tiễn đưa.
Em đã không nói cho anh tất cả,
nhưng giờ đây [cũng] sẽ không nói nữa.
Con phố nhỏ tràn đầy bóng đêm,
còn các tấm biển nhỏ nói [nhắc nhở]
cho những ai đơn độc đi qua:
“Cẩn trọng, lá rơi”...
1938

Bùi Huy Bằng dịch
6/2011

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Mùa thu trên các đại lộ ở Matscơva
người ta thường treo những tấm biển
nhỏ "Cẩn thận, mùa lá rụng!"


Thu về, thu về! Trên Matxcơva
Những đàn sếu, khói và sương bảng lảng
Lá ánh vàng trong hoàng hôn chạng vạng
Những khu vườn cháy sáng lúc chiều buông.
Những tấm biển đang thầm thì to nhỏ
Với khách bộ hành qua bao đại lộ,
Dù lẻ loi hay có lứa có đôi:
"Xin cẩn trọng khi dưới chân lá đổ".

Ôi con tim sao ta thấy đơn côi
Lẻ loi trên ngõ phố nào xa lạ!
Chiều len lén trôi qua từng ô cửa,
Và rùng mình dưới những hạt mưa rơi.
Dành cho ai nơi đây một mình tôi,
Tôi quý ai, ai mừng vì tôi nhỉ?
Mà chẳng biết vì sao tôi lại nhớ:
"Xin cẩn trọng khi dưới chân lá đổ"!

Khi chẳng còn cần gì nữa cho ta
Có nghĩa, ta chẳng còn gì để mất:
Không thể gọi người thương hay thân thuộc
Bạn thông thường cũng không phải, mà sao
Tôi vẫn buồn trống rỗng đến nghẹn ngào
Khi ta phải chia tay xa mãi mãi,
Người cô đơn, người bất hạnh trong đời
Người chẳng mấy khi có được niềm vui?

Là gì đâu, khinh thị với chê cười?
Chịu được hết, và rồi cùng qua hết...
Đáng sợ hơn tất cả theo ta biết
Là sự dịu dàng, như mưa, khi tiễn biệt.
Mưa ấm áp, mưa sẫm màu da diết
Đổ dạt dào trong chớp sáng màn đêm!
Thôi hãy vui, thôi hãy hạnh phúc lên
Dù chỉ khi chia tay, như mưa ấy.

Tôi sẽ ra ga một mình thôi nhé,
Không cần thêm ai đưa tiễn nữa đâu.
Trước kia tôi còn chưa nói hết câu,
Nhưng giờ đây tôi không còn muốn nói.
Con ngõ nhỏ ngập tràn toàn bóng tối,
Những tấm biển con nhẫn nại thầm thì
Với những người đơn độc đang đi:
"Xin cẩn trọng khi dưới chân lá đổ"...

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Thị Hiền

Vào mùa thu, ở các đại lộ Moscva
có treo các tấm biển ghi
"Hãy cẩn trọng, đang trong mùa lá rụng!"

Thu đã đến! Khắp trời Mạc Tư Khoa
Có sếu bay ngang, có sương giăng như khói.
Những khu vườn ánh lên le lói
Sắc lá vàng ảm đạm của hoàng hôn.

Dọc đại lộ treo những tấm biển con
Như nhắn nhe với người qua kẻ lại,
dù có đôi, hay một mình miết mải:
Cẩn trọng đi, đang mùa lá rụng rồi!

Ôi, sao cô đơn đến thế, trái tim tôi
trong ngõ nhỏ nhà người xa lạ vậy!
Men theo các ô cửa, gió lượn lờ tung tẩy,
như rùng mình, run rẩy dưới mưa.

Tôi ở đây một mình, vì ai,
tôi trân quý ai, tôi làm ai xao động?
Sao tôi cứ ám ảnh bởi câu này:
Hãy cẩn trọng, đang trong mùa lá rụng?

Không còn cần gì nữa ở nhau,-
có nghĩa là, chẳng còn gì để mất:
không là người yêu, không là người thân nhất,
ngay cả coi là bạn, cũng không.
Nhưng lòng tôi sao chua xót đến tận cùng,
rằng chúng ta chia nhau tay mãi mãi,
Hả con người không vui trong tự tại,
người cô đơn, người bất hạnh kia ơi?

Mỉa mai ư, bất cẩn, hời hợt ư?
Có thể vượt qua, có thể chờ đợi được...
Không gì đáng sợ hơn sự dịu dàng mực thước
khi chia li, như những giọt mưa rơi.
Mưa trong đêm, mưa ấm áp gọi mời
thảy lấp loá, và như đang run rẩy!
Phải vui lên, phải tươi lên, anh nhỉ
khi chia tay, như những hạt mưa rơi.

Tôi ra ga, sẽ chỉ một mình thôi,
Sẽ từ chối những ai mong tiễn biệt.
Tôi chưa nói cùng anh đến hết,
nhưng giờ đây, nói chẳng để làm chi.
Ngõ nhỏ đã chìm trong bóng đêm,
và những tấm biển nói với người qua đường lẻ bóng:
Hãy cẩn trọng, đang trong mùa lá rụng...


(Bản dịch này lần đầu được gửi cho bạn bè vào ngày 23/10/2015)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nhất Minh

Mùa thu về trên thành phố Moskva,
Đàn sếu bay trong sương mù, làn khói,
Những khu vườn rực cháy lên vàng chói
Muôn chiếc lá vàng sẫm tối giăng vương.
Lác đác đó đây bảng gỗ nhỏ dọc đường
Dành cho khách bộ hành mách nước,
Dù lẻ loi hay lứa đôi rảo bước:
“Cẩn thận nào, những chiếc lá đang rơi!”

Ôi, cô đơn, lẻ bóng trái tim tôi
Trong ngõ phố ở một nơi xa lạ!
Bóng chiều về lượn lờ bên ô cửa
Giật liên hồi, mưa tầm tã tuôn rơi.
Tôi một mình ở đây để cần thiết cho ai?
Ai vui mừng gặp tôi, ai người tôi yêu quý?
Sao cứ nhớ bảng gỗ kia nhắn nhủ:
“Cẩn thận nào, những chiếc lá đang rơi!”
Nếu chẳng điều gì là tha thiết với tôi
Thì có nghĩa chẳng có gì để mất:
Không coi anh là mến yêu, thân mật
Kể cả là một người bạn cũng không.
Vậy sao tôi cứ phiền muộn tơ lòng
Khi mãi mãi chia tay, đường về đôi ngả.
Anh, một người không vui, một người cô đơn quá
Một con người bất hạnh, là sao?
Dẫu giễu cợt ra sao, thiếu cẩn thận thế nào
Hãy chịu đựng, hãy đợi chờ mọi sự…
Không – nỗi dịu dàng kinh hoàng hơn mọi thứ
Như cơn mưa này trong giờ phút chia ly
Mưa tối sầm, mà ấm áp nhường kia
Trong chớp loá, mà dịu dàng, run rẩy!
Chúc anh vui, hạnh phúc thêm đầy rẫy
Phút chia lìa, anh nhé, tựa cơn mưa

… Tôi một mình lặng lẽ bước ra ga
Đành từ chối, không cần ai tiễn bước
Tôi đã nói không hết cùng anh được
Thì bây giờ chẳng thể nói gì thêm.
Ngõ phố giờ này đầy ắp bóng đêm,
Những tấm bảng cùng khách lẻ loi nhắn nhủ:
“Cẩn thận nào, những chiếc lá đang rơi!”..

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Greenflower

Mùa lá rụng

Mát xcơ va, trời đất vào thu!
Đàn sếu bay qua. Khói toả. Sương mù
Vòm lá sẫm ánh vàng trong bóng tối
Và khu vườn cháy bùng lên sáng chói
Những tấm biển treo dọc con đường
Nhắc nhở ai đang hạnh phúc yêu đương
Nhắc nhở cả người bộ hành cô lẻ:
“Hãy coi chừng! Lá rụng mùa thu!”

Ôi trái tim đơn độc của tôi
Bơ vơ giữa phố buồn lạ lẫm
Mưa giá buốt trong bóng chiều tối thẫm
Khẽ rùng mình, khung cửa sổ chao nghiêng
Tôi đã vì ai mà chẳng thể bình yên
Đến nơi này trong nỗi buồn lặng lẽ?
Ai thương tôi, ai làm tôi vui vẻ?
Cớ làm sao cứ khắc khoải ngậm ngùi:
“Hãy coi chừng! Lá rụng mùa thu!”

Đã chẳng còn khao khát ở trong tôi
Là có nghĩa chẳng còn gì để mất
Không là thân, không là thương nhất
Cả bạn bè cũng chẳng thể gọi tên
Mà tại sao tôi vẫn cứ buồn tênh
Khi chia biệt mãi ngàn trùng xa cách
Sao thế anh, hỡi con người bất hạnh
Con người buồn đến cô độc nhường kia?

Có gì đâu những khinh mạn, nhạo cười
Rồi sẽ qua thôi, nếu kiên tâm chờ đợi
Chỉ dịu dàng làm ta không chịu nỗi
Dịu dàng ơi là những cơn mưa
Mưa ấm áp diệu kỳ trong giờ phút tiễn đưa
Mưa run rẫy nỗi buồn ly cách
Anh hãy vui lên dù đường đời chia tách
Như mưa rào từng giọt lấp lánh rơi…

Tôi ra ga, lặng lẽ một mình thôi
Đừng tiễn đưa, đừng nói lời từ tạ
Tôi chưa nói cùng anh hết cả
Nhưng bây giờ có cần nữa đâu anh
Bóng tối lan tràn con ngõ nhỏ hao hanh
Và tấm biển vẫn thì thầm nhắn nhủ:
“Hãy coi chừng, lá rụng mùa thu!”

TPHCM
10/9/2022

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Một vài điều về bản dịch của Bằng Việt

Mói gì đi nữa thì tôi vẫn thấy Bằng Việt dịch Olga Berggoltz rất hay, bao gồm cả Mùa lá rụng. Có những câu thơ ông dịch trong bài này đã trở thành kinh điển, nhất là câu “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!” (dù không hẳn đúng nguyên tác nhưng vẫn đủ chấp nhận được để thấy câu thơ có cái đẹp của riêng nó). Có lẽ không có cách dịch nào khác hay hơn thế.

Tuy nhiên, khi tò mò tìm nguyên tác để đọc (tất nhiên là qua bản dịch nghĩa của Thuỵ Anh và thông qua… Google dịch vì tôi không biết tiếng Nga), tôi nhận thấy có nhiều ý của Olga rất hay nhưng Bằng Việt đã không truyền tải được hoặc có khi vì mãi đuổi theo nhịp điệu của câu thơ mà ông quên mất sự hợp lý của ý thơ, mạch thơ. Ví dụ, có hai câu rất hay trong bản dịch của Bằng Việt:

“Ôi trái tim, trái tim một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ”

Rất hay, giàu xúc cảm và hình tượng nhưng cũng thật… phi lý. Bởi lẽ bối cảnh của bài thơ là mùa thu, thì ko có lý gì có “phố hè” ở trong đó.

Rồi đoạn thơ sau:

“Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu vì sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn
Anh - con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi đơn độc quá trong đời”

Khi đọc đoạn này lần đầu tiên tôi đã thấy có gì đó không hợp lý, vì đúng như Butgai nói, đoạn thơ có vẻ nói lên là hai người đã từng yêu nhau tha thiết nhưng do lý do gì đó giờ đã chia tay, vậy thì việc “ngùi ngẫm trong lòng” vì “phải xa anh vĩnh viễn” là hợp lý chứ có gì mà “chẳng hiểu vì sao”? Nhưng khi đọc bản dịch nghĩa thì tôi mới vỡ ra là cả hai chưa từng là gì của nhau cả. Vậy thì ý thơ hợp lý hơn rất nhiều.

Rồi đến đoạn này:

Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi, hãy biết kiên tâm, mọi điều đều phải đợi.

Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nỗi
Mưa thì thầm rơi mãi lúc chia ly”

Có cảm giác những câu thơ này rất lạc lõng nếu không muốn nói là… kỳ cục. Khi đọc nguyên tác tôi mới vỡ lẽ ý của Olga là những khinh mạn, nhạo cười của người đời là không đáng sợ, vì cứ chờ đợi rồi mọi chuyện cũng sẽ qua, riêng sự dịu dàng mới là đáng sợ (vì chúng ta khó lòng chịu nỗi, tôi nghĩ thế). Trong bản dịch của Bằng Việt, ông đã tách ý này ra thành hai đoạn khác nhau dẫn đến việc mạch thơ không logic. Mặc dù câu thơ “Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nỗi” của ông đã thuộc vào hàng kinh điển.

Ngoài ra, trong đoạn cuối Bằng Việt dịch:

“Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, chẳng cần ai tiễn biệt
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Và bây giờ còn phải nói gì thêm!”

Thật ra ý nguyên tác là tôi chưa bao giờ nói hết những gì muốn nói cùng anh, nhưng bây giờ tôi chẳng còn thấy cần nói nữa. Mới đầu tôi đã nghĩ có vẻ những câu này thể hiện nỗi buồn mang dáng dấp mệt mỏi đến cùng cực của nhân vật. Nhưng khi đọc chia sẻ của Butgai thì mới hiểu là nhân vật nữ trong bài thơ đã cảm thấy mọi chuyện chấm dứt rồi nên có nói ra cũng bằng thừa. Nhưng dù hiểu theo cách nào đi nữa thì cách dịch của BV không lột tả được điều này.

Nói chung, dù tôi vẫn rất thích bản dịch của Bằng Việt vì những giai điệu và câu từ đẹp đẽ của ông nhưng có lẽ ông đã “cưỡng từ đoạt lý” khiến cho bản dịch đôi chỗ bị thiếu tính logic, dẫn đến khi đọc, độc giả có cảm giác như đang ăn một bát cơm rất ngon nhưng bị khựng lại vì va phải vài hạt sạn.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời

Trang trong tổng số 3 trang (27 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3]