.
Góp một cách nhìn về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”
Trong
hội thảo khoa học về Nguyễn Du tháng 12/2005 , nhiều ý kiến khẳng định rằng, trong thời đại ngày nay, Nguyễn Du và Truyện Kiều mới được tôn vinh xứng đáng với giá trị của nó. Ý kiến đó có hoàn toàn chính xác?
Nguyễn Du là một thiên tài. Thiên tài được hình thành không chỉ từ học vấn, từ bối cảnh xã hội cụ thể nào mà còn có yếu tố từ vũ trụ, từ một khoảnh khắc nào đó mà thôi...
Truyện Kiều là một kiệt tác. Là kiệt tác, nó luôn ẩn chứa những thông tin vĩnh cửu. Không thể lấy thước đo của một thời mà đo chiều kích của thiên tài và kiệt tác. Nhưng mỗi thời, đánh giá và khai thác di sản quá khứ một cách khác nhau, âu cũng là lẽ thường tình. Với những kiệt tác, với những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử, theo tôi, không nên tìm những “nhược điểm” theo cách nhìn của mình mà nên đi hết tầm xa, tầm rộng của họ.
1. Truyện Kiều là truyện tình năm Gia Tĩnh triều Minh hay truyện thế sự, truyện về thân phận con người của muôn đời? Tôi được nghe cha tôi giảng Kiều từ nhỏ. Ấy là vì mẹ tôi mê Kiều đến nỗi, dù đã thuộc lòng, đêm nào cũng bắt cha tôi giảng giải kỹ từng đoạn. Có lần, hai người tranh luận sôi nổi quá, cha tôi quờ tay làm rơi cái đèn chai. Mảnh thủy tinh vỡ còn để sẹo ở tôi đến bây giờ. Thế nhưng ngay cả khi học xong đại học, tôi không bao giờ chú ý thấu đáo cái đoạn mở đầu của
Truyện Kiều. Đến bây giờ, tôi thấy không hiểu cái đoạn “đơn giản” như một lời dẫn chuyện ấy thì không thể hiểu hết
Truyện Kiều và Nguyễn Du.
Đoạn mở đầu ấy là:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. “Trăm năm” là thời gian, là khoảng sống của một đời người và cũng là từng trăm năm kiếp người một. “Cõi người ta” là không gian. Tóm lại, câu ấy gồm cả vũ trụ, là sự vĩnh cửu trong cõi người. Chữ “Tài” là tài năng, là cái vốn có, là khát vọng của con người cá nhân. “Mệnh” là điều kiện khách quan, mà khách quan thì có đáp ứng, có hạn chế. Đối với bậc tài hoa thì sự hạn chế ấy là phũ phàng vì nó vượt qua tầm thời đại, nó là sự bù lại “lộc trời” đã ban cho quá lớn.
Trải qua một cuộc bể dâu - Những điều trông thấy mà đau đớn lòng là thế sự, là toàn bộ chuyện đời.
Truyện Kiều do đó không phải là chuyện tình, mà là một “tiểu thuyết” luận đề. Vấn đề ở đây là quan hệ con người cá nhân với xã hội. Và cách giải quyết của Nguyễn Du là
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Có người cho rằng, để giải quyết nỗi khổ của con người, phải có một cuộc cách mạng triệt để. Nhưng thực tế, nỗi khổ và oan khuất của con người có bao giờ hết? Trong trăm năm cõi người, lấy chữ “tâm” để ứng xử, không chỉ là ảnh hưởng của đạo Phật mà là một triết lý sâu xa, là tinh hoa những tư tưởng mà Nguyễn Du tiếp thu được cộng với sự trải nghiệm của ông trong quãng đời ngắn ngủi của mình chứng kiến sự sụp đổ của nhiều triều đại, sự tạm bợ của nhiều điều, kể cả chính cả bản thân sự sống. Có người nói Nguyễn Du ảnh hưởng của giáo lý này, giáo lý khác. Không, ông đã đứng được ở bờ vĩnh cửu, đã không chỉ nói quan hệ xã hội của con người mà còn nói tới quan hệ của cõi sống với những cõi khác huyền diệu.
2. Vì sao Nguyễn Du lại chọn Thúy Kiều, một phụ nữ tài sắc thuộc tầng lớp trung lưu, làm nhân vật chính? Không lấy nhân vật chính là người lao động bình thường không phải là hạn chế của Nguyễn Du theo quan điểm giai cấp mà là chỉ với sự lựa chọn ấy, Nguyễn Du mới có thể dẫn Thúy Kiều và chúng ta tới mọi cảnh ngộ của đời sống, mọi cung bậc của tình cảm. Theo tôi, đó là một lựa chọn thiên tài.
3. Vì sao Nguyễn Du lại lựa chọn một câu chuyện Trung Hoa? Đây lại là một lựa chọn thiên tài nữa. Nó làm cho tác phẩm mang tính phổ quát. Thứ nữa, trong các xã hội, nhất là trong xã hội phong kiến, có những án văn tự dẫn đến việc đốt sách và mang họa tru di. Nguyễn Du là người biết rất rõ điều đó. Có một câu về Từ Hải thôi mà Tự Đức nói, nếu Nguyễn Du còn sống thì phải nọc ra đánh. Vậy viết một chuyện cụ thể Việt Nam, liên quan đến một dòng họ cầm quyền nào đó với sức tố cáo lớn như vậy, liệu
Truyện Kiều có còn đến ngày nay?
Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như? - Đó là câu thơ trong bài
Độc Tiểu Thanh ký. Nàng Tiểu Thanh là người tài sắc, sống vào thời nhà Minh, bị vợ cả ghen giam lỏng trên núi đến buồn mà chết. Nguyễn Du đọc được một bài thơ còn sót lại sau khi bị đốt của nàng, cảm kích mà làm bài này. Bài thơ được ông Vũ Tam Tập dịch là:
Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?Tôi không dám không hiểu như các cụ túc nho đã dịch và lâu nay mọi người vẫn hiểu. Nhưng tôi cũng có một băn khoăn. Vì sao lại là ba trăm năm? Có thuyết cho rằng Tiểu Thanh sống cách Nguyễn Du ba trăm năm. Nhưng các cụ cũng nói rõ, đấy chỉ là giả thuyết, còn ý của Nguyễn Du thật như thế nào thì cũng chưa biết. “Tam bách dư niên” phải chăng là một con số ước lệ, chỉ một vòng triều đại, một cuộc biến thiên lớn của lịch sử? Quả là Nguyễn Du có hay nói về già bệnh, về cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân nhưng ngay cả đến lúc chết, ông cũng chỉ nói “Được” rất thanh thản. Ông có cần, có mong muốn người đời sau khóc thương mình hay không? Nếu nghi vấn ấy có lý thì câu thơ sẽ phải được hiểu khác, sẽ mang một trường nghĩa rộng hơn. Giả sử, Nguyễn Du đặt câu hỏi, ba trăm năm sau còn người ở vào chỗ phong vận kỳ oan như Nguyễn Du mà đồng bệnh tương liên?
Và cuối cùng, tôi nghĩ rằng, tình cảm chính của chúng ta hôm nay và hậu thế cũng không phải là khóc thương ông, mà muôn vàn khâm phục, biết ơn những di sản tinh thần vô giá mà ông đã sáng tạo nên. Dẫu trong
Truyện Kiều có bao nhiêu oan khuất thì sáng lên nhất vẫn là mối tình nồng thắm, đẹp đẽ của Kim - Kiều trong những ngày xuân. Nó làm sáng lên ước vọng yêu đời của không biết bao nhiêu thế hệ, nó hướng con người tới những vì sao của tình yêu và hạnh phúc.
Nguyễn Sĩ ĐạiNguồn: Người lao động...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..