Quê hương đang lúc gian nan Lại nghe gọi : Sắp lên đàng ra đi... Đã đành mong ước bao khi Nhưng giờ mà lại ra đi cũng buồn.
Nga Sơn Thanh Hoá Tháng 5 / 1969
* Đang yên ổn, tôi nhận được giấy báo chuẩn bị làm hồ sơ đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô, nhưng tôi không muốn xa bao HS thân yêu của mình trong những lúc gian khó như thế này. Tôi càng không muốn xa Tổ Quốc - Quê Hương mình trong những tháng ngày sôi sục chiến đấu và phải vượt qua muôn ngàn gian khó nhưng trăm quí ngàn thương này.
MONG và cũng chúc khi xa lớp: 10E năm tới mạnh tiến lên ĐOÀN viên gương mẫu làm nòng cốt KẾT lại bên nhau một khối bền KHIÊM nhường, thương bạn hơn năm trước TỐN bao công sức cũng kiên trì HỌC hành ngày một thêm tiến bộ GIỎI giang phấn đấu mạnh bước đi VUI tươi ca hát hơn nhiều nữa KHOẺ mạnh, không người bị ốm đau ĐỖ đạt năm này hơn năm trước CAO điểm - 10E phất cờ đầu.
Nga sơn Thanh Hoá Tháng 9 / 1969*
* Trước khi phải chuyển đi dạy ở trường Bồi dưỡng Giáo viên trực thuộc Ty Giáo dục Thanh Hoá
LUÔN NHỚ CÁC EM Gửi hương hồn các liệt sĩ nguyên là HS cũ của trường Cấp 3 Nga Sơn Thanh Hoá
Gần ba mươi năm rồi đấy các em ơi Đất Nước bình yên - hết mùi khói lửa, Thày chỉ tiếc các em không còn nữa Để thấy đất mình đến lúc đơm hoa.
Thầy đã nhiều lần ghé lại, đảo qua Lòng ước muốn được thấy lại các em yêu trong giây lát Trên Thành Cổ vẫn ngạt ngào hương ngát Nhưng các linh hồn xa vẫn còn xa...
Các em yêu, có biết đảo về nhà Có trở lại thăm trường xưa mà nay không còn là tranh tre nứa lá ? Dẫu cảnh sắc bây giờ khác lạ Nhưng lòng muôn người vẫn luôn nhớ các em.
CÂU HỌC TRÒ BÉ NHỎ* Ghi tặng em Mai Xuân Dương ( Trường ĐHSP Xuân Hoà )
Em cúi gập người chào và miệng vẫn xưng "con" Mái tóc vẫn còn xoăn làm chạnh nhớ chú học trò xưa thấp tròn như quả bóng Nhớ những tháng ngày đạn bom thôi thúc ta càng tha thiết yêu cuộc sống và càng biết nâng niu từng chút tình người.
Những ngày tháng này em dã là cha của hai đứa trẻ tuổi đôi mươi Mà đứng trước thày giáo xưa em vẫn là cậu học trò bé nhỏ. Ôi cái lẽ thân thương từ thủa xa xưa nọ Lại làm bừng cháy lên trong tôi tình yêu thương to lớn vô bờ !
Thị trấn Xuân Hoà Vĩnh Phúc, tháng 10 / 2002
* Viết nhân ngày em mời các thày giáo cũ lên mừng cho em vừa được nhận bằng tiến sĩ vật lí.
NHỚ CHUYỆN NGÀY XƯA Thân tặng em Trần Cao Sơn và hai bạn Lê Hy, Lê Quang Phan
Gần bốn mươi năm đi qua Khói lửa, đạn bom đã hoàn toàn mất dấu Bao tình nghĩa có được trong những tháng năm mất mát nhiều xương máu không bao giờ phai mờ...
Trên nền một bài thơ mà em có ghi hết những kỉ niệm xưa* Thày trò cùng ôn lại những tháng ngày đầy thiếu thốn, đầy hiểm nguy nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc Mà ngày nay dẫu có lắm tiền cũng không dễ gì mua được.
Ngõ 3 Thái Hà Hà Nội, tháng 6 / 2003
* Trần Cao Sơn đã có một bài thơ viết về những nội dung này
CŨ KĨ HAY TRINH NGUYÊN Kính tặng nhân dân làng Thổ Hoàng Nga Văn Nga Sơn nơi tôi từng ở trọ
Gần bốn mươi năm rồi vẫn đứng ở đây vẫn mãi là căn nhà này và cả cái giường cũ kĩ cũng vẫn kê ở đây. Tất cả vẫn y nguyên như những năm tháng cũ
Mọi kí ức đang trở về xum họp đủ... Đầu thời gian kia ta vừa bước vào đời Và đầu này ta vừa nhận giấy báo cho tuổi sáu mươi Chỉ có trái tim vẫn không già, vẫn trinh nguyên, vẫn yêu quí mảnh đất này, vẫn yêu quí những con người này dẫu còn lam lũ, dẫu cũ kĩ... Nhưng chính họ đã vun tưới cho trái tim ta mùa hoa trái, lòng nhân từ và tình yêu cuộc sống.
BỐN MƯƠI NĂM VÀ MONG ĐỢI Thân tặng toàn thể các GV đã và đang dạy học cùng tất cả những HS đã và đang học ở trường cấp 3 Nga Sơn
Bốn mươi năm, bốn mươi lớp học trò chật cứng sân trường, nèn chặt trong tim căng phồng hai lá phổi.
Bốn mươi năm Hàng chục ngàn trái tim nóng hổi Hứa hẹn Mai Sau, phơi phới Tương Lai. Nhiều lớp thày cô giáo, bao nhiêu lứa học sinh đang tíu tít gọi nhau trong nỗi vui dài...
Trên danh sách các lớp học trò có những dấu hiệu buồn Ai đã chua vào bên tên của những con người không bao giờ về nữa (!) Cuộc đời có đắng cay vậy nhưng hãy biết nhủ nhau luôn giữ cho nồng cháy mãi trong tim ngọn lửa Đừng để cho những cái chết bị lãng quên và phải phí hoài.
Bốn mươi năm Biết bao thế hệ học trò đã phải ra đi để tung hoành trận mạc Biết bao cái tên thân quen, bao nhiêu bạn bè yêu dấu đã hi sinh. Vậy mà Đánh giặc đến từ phương xa có khi còn chẳng khó bầng chống giặc lẩn trong nhà... Nhưng rồi có nhiều người nhiệt huyết đang chăm cây chắc sớm có ngày hái quả.
Trường cấp 3 Nga Sơn Thanh Hoá Sớm 16 tháng 11 / 2003*
* Nhân kỉ niệm 40 năm ngày thành lập trường cấp 3 Nga Sơn trước đây ( tức trường THPT Ba Đình ngày nay ) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất.
CÓ MỘT NGƯỜI CHA NHƯ THẾ Thân tặng tập thể HS lớp 8E trường C3 NS (khoá 1966 -1967)
Một lớp trò xưa hàng năm gặp lại nhau Họ thường cố tìm về chốn trường lớp cũ. Công tác mỗi người mỗi nơi nên ít có khi hội đủ nhưng không bao giờ thấy thiếu vắng một người già.
Vâng, đúng là một ông già. Người chẳng phải là học trò của lớp mà là một người cha Nhưng chính từ lớp học thân thương này con trai ông đã cầm súng lên đường và không trở lại.
Ông già làm cha đã năn nỉ với lớp để kể từ ngày ấy cứ mỗi khi có cuộc gặp mặt của bè bạn con ông Ông lại đến lớp thay con. Rồi đêm về người cha lại thắp nhang tha thiết gọi vong hồn lầm rầm kể hết cho con trai mọi chuyện buồn vui của lớp.
Ba mươi năm đã cứ thế trôi qua Nỗi đau mất mát trong lòng ông vẫn không thể nào nguôi được và chẳng bỏ sót kì nào ông vẫn cần mẫn đến họp lớp thay con*.
Thái Hà Đống Đa Hà Nội, tháng 5 / 2004
* Đây là một câu chuyện có thật ở huyện Nga Sơn Thanh Hoá. Người cha này là ông Nguyễn Hữu Oánh người xã Ba Đình. Người con trai của ông là em Nguyễn Hữu Lưỡng, nhập ngũ hồi tháng 4 / 1968 và hi sinh ngày 30 tháng 12 năm 1970. Hài cốt đã được đưa về an táng tại nghĩa trang của xã.