Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH

(Chương 7 - tiểu thuyết)

          - Liên! Cháu để cho bá mua thêm hai cân đường nữa đi!

         Bà Toe khẩn khoản nói với cô gái đứng trong quầy hàng. Không để ý đến lời nói của bà Toe, Liên vẫn đang túi bụi trước chồng sổ mua hàng. Cô vừa nhận tiền vừa cân đường cho khách. Số người xếp hàng khá đông. Mặc cho mọi người xô đẩy, chen lấn và có những lời nói không hay, bà Toe vẫn lỳ lợm đứng bám chặt lấy quầy hàng. Ai đó nói từ ngoài cửa:

         - Cái nhà bà Toe kia, mua xong rồi thì ra cho người khác vào mua chứ! Bà cứ đứng mãi ở chỗ ấy còn ai vào mà mua được nữa?

         Coi như không nghe thấy gì, bà Toe tiếp tục năn nỉ:

         - Liên! Giải quyết cho bá đi!

         - Cháu đã nói rồi - Liên lên tiếng - Mỗi sổ chỉ giải quyết có hai cân thôi. Bá mua rồi còn để người khác mua chứ.

         - Vẫn biết thế. Nhưng đây là trường hợp ưu tiên, cháu linh động giải quyết cho bá với!

         - Không được là không được. Bá tránh ra để cháu làm việc.

         Liên kiên quyết. Bà Toe bực lắm song cố nhịn. Bà thẽ thọt giãi bày:

         - Biết là bá mua rồi nhưng đây là bá mua cho con Ngân cơ mà!

         - Cái Ngân con nhà bà Kim chứ gì? Bà ấy cũng mua rồi, bá nhé! Cháu không giải quyết được. Bá thông cảm.

         - Thì vưỡn biết thế. Bá có nói là cháu chưa bán cho sổ nhà bà Kim đâu? - Bà Toe thẽ thọt - Nhưng đây là bá mua thêm để bồi dưỡng cho cái Ngân nó đẻ chứ bá có mua cho bá đâu?

         - Bá có lòng thì bá biếu cho cô ấy cái xuất của bá ấy? Liên vẫn nhấm nhẳn - Cân đối cả xã rồi giờ cháu bán thêm cho bá, thiếu của những nhà khác ai giải quyết cho cháu?

         Bà Toe ôn tồn:

         - Tất nhiên là bá cho nó hai cân này rồi. Ý bá là bá muốn mua thêm hai cân nữa cơ. Gớm, cả xã có hai cân đường làm gì chả giải quyết được hả cháu?

         - Cháu chịu! Bá lên mà gặp ông Dụ!

         Liên sốt ruột dứt khoát. Mọi người xung quanh nhao nhao. Họ muốn bà tránh ra để đến lượt mình. Tiu nghỉu, thất vọng bà Toe ngán ngẩm đang định quay ra thì có tiếng của Dụ:

         - Cái gì! Cái gì mà chen chúc nhau ở đây đông vậy?

         - Thiêng thế! Tiếng ai đó cất lên - Vừa nhắc đến chủ nhiệm thì ông ấy đã có mặt.

         - Đây rồi! Chủ nhiệm đây rồi!

         Bà Toe reo lên. Dụ lách mọi người tiến về phía quầy hàng. Bà Toe len ra nắm lấy tay anh.

         - Chú vào đây, vào đây giải quyết cho tôi việc này với.

         Bà Toe vừa nói vừa kéo tay Dụ. Dụ nhìn cô nhân viên:

        - Việc gì thế hả Liên?

- Dạ, báo cáo chú, bà Toe bà ấy cứ đòi mua thêm một xuất đường.

- Sao? Bà mua thêm hai cân đường nữa hả?

Quay sang bà Toe, Dụ hỏi. Bà Toe vồ vập:

- Phải! Chú giải quyết cho tôi đi!

- Thế sổ của bà đâu? Dụ hỏi.

- Bá ấy mua rồi - Liên đáp vội thay bà Toe.

- Mua rồi thì bà còn đòi mua gì nữa? Dụ ngạc nhiên.

Bà Toe giải thích:

- Khổ! Phần nhà tôi thì tôi mua rồi. Tôi muốn mua thêm hai cân nữa để đi thăm gái đẻ cơ.

- Ai đẻ thế? Ai đẻ mà bà cho nhiều đường thế? Dụ hỏi lại.

- Con Ngân!

- Con Ngân? Nhưng mà Ngân nào?

- Ngân con nhà bà Kim chứ còn Ngân nào nữa! Ngân ngơ ấy - Bà Toe phân trần than thở -  Rõ khổ! Đã dở người lại còn chửa với đẻ.

Mọi người ồ lên. Lúc này họ mới để tâm để ý đến việc làm của bà Toe. Trong số những người xếp hàng tại đây không ai lại không biết hoàn cảnh nhà bà Kim có cô Ngân dở người. Dạo cô ấy chửa, tiếng chả loang ra cả xã đấy là gì. Bặt đi mấy tháng, thế mà bây giờ cô ấy đã đẻ rồi.

- Tưởng ai! Cô Ngân thì được đấy! Giải quyết cho cô ấy đi.

- Phải đấy! Người ta dở dở ương ương mà đẻ là khổ lắm.

- Dở ương đẻ được mới quý chứ.

- Thì vưỡn! Quý thì ưu tiên cho người ta.

Mọi người bàn tán xi xao. Họ quên luôn cả việc xếp hàng tranh nhau mua đường quay ra bàn luận về việc Ngân đẻ.  Dụ sốt sắng hỏi:

- Cô ấy đẻ bao giờ? Mà con trai hay con gái?

- Sáng qua. Con trai. Ba cân bảy nhé.

Bà Toe nở mày nở mặt vì được loan báo cái tin đó. Bà nói thêm:

- Đau đẻ có mấy tiếng đồng hồ, đang trên đường đến trạm xá thì nó xổ các cô ạ. Lúc đó chỉ có tôi với bà Kim mẹ nó. Hai chị em loay hoay chẳng biết làm gì. Cũng may, nó dễ đẻ, mẹ tròn con vuông. Nói trộm mụ chứ thằng bé kháu khỉnh lắm. Thằng cha nào mà làm bố nó thì chỉ có nhất.

Có con gì đó buồn buồn chạy dọc sống lưng Dụ. Anh ngơ ngác giây lát.

- Thế nào chú Dụ, có giải quyết cho bà Toe không?

Tiếng Liên hỏi cắt ngang luồng suy nghĩ mơ hồ đang nhen lên trong Dụ. Anh giật mình:

- Cái gì? Cô bảo cái gì?

- Cháu hỏi chú là có giải quyết cho bà Toe mua thêm đường không để cháu còn bán cho người khác.

- Thôi. Ưu tiên cho bà ấy. Làm phúc cả mà.

Chẳng để cho Dụ kịp trả lời Liên, tiếng ai đó xen ngang. Bấy giờ Dụ mới sực tỉnh:

- Phải... Phả...i đấy! Bán cho bà ấy hai xuất nữa.

- Hai xuất?

Liên tròn mắt hỏi lại. Dụ gật đầu.

- Hai xuất. Bốn cân nữa. Mừng cho cô ấy.

Dụ nhắc lại dứt khoát. Mọi người thấy thế rất đồng tình. Bà Toe cười hở lợi:

- Có thế chứ! Chủ nhiệm là phải thế! Chăm sóc bà mẹ trẻ em là trách nhiệm của mọi người. Hơn nữa đây là mẹ con của một đứa dở người, phải không các cô?

Liên vội vàng cân đường cho bà Toe. Xách túi đường sáu ki lô, bà Toe hớn hở lách mọi người ra khỏi quầy hàng. Đang định gổng đôi quang thúng không lên vai thì Dụ gọi:

- Bà Toe! Vào tôi nhờ một tí!

Đặt đôi quang thúng ngoài hè, bà Toe xăng xái bước vào phòng của Dụ. Dụ thong thả pha nước. Đón chén trà nóng từ tay Dụ, bà Toe vừa xuýt xoa thổi uống vừa quan sát căn phòng. Chủ nhiệm cửa hàng có khác. Sang đáo để. Dụ săn đón hỏi bà khá kỹ về việc đẻ của Ngân. Mãi sau, bà Toe đứng lên:

- Chú gọi tôi vào có việc gì không để tôi còn về?

Dụ hơi lúng túng. Anh chạy vội vào phòng trong xách ra một gói khá nặng đưa cho bà Toe:

- Bà chuyển giúp tôi số quà này đến cho mẹ con cô ấy. Gọi là có chút ít của cửa hàng mừng cho cô ấy mẹ tròn con vuông.

Bà Toe hơi ngạc nhiên. Đón túi quà từ tay Dụ, bà xăm xoi nhìn vào trong cái túi. Dụ hiểu ý phân bua:

- Gửi cho mẹ con cô ấy thêm mấy cân đường, vài hộp sữa, cả gói mì chính nữa để cô ấy tẩm bổ.

Bà Toe rướn mắt lên thoángngạc nhiên. Lạ thật. Từ trước đến nay có thấy chú ấy thế này bao giờ đâu. Cửa hàng lại có quà cho gái đẻ cơ chứ? Dụ lúng túng giải thích:

- Thấy cô ấy hoàn cảnh gọi là tấm lòng của cửa hàng mà bà.

Bà Toe xúc động nói:

- Chú nghĩ thế là phải. Tôi cũng vậy. Đấy, lúc nãy tôi đứng lì lợm ra ở đấy cũng chỉ vì muốn mua thêm cân đường cho mẹ con nó thôi. Giờ chú lại cho bao nhiêu thứ thế này thì tốt quá rồi. Được, tôi sẽ chuyển quà của chú cho nó.

- Ấy chết! Không phải của tôi! Của cửa hàng.

Dụ giãy nảy đính chính. Bà Toe gật gù:

- Thì của cửa hàng. Mà cửa hàng hay không cũng là chú. Chú không giải quyết thì ai dám cho những ngần này.

- Bà không được nói thế. Người ta hiểu lầm thì chết tôi. Phần tôi, tôi sẽ về bảo cô Loan cô ấy đến thăm.

Như chợt nghĩ ra điều gì, bà Toe xua tay:

- Chú nghĩ thế là phải. Nhưng mà yên trí! Chú yên trí đi! Đường nào đi đường ấy. Con Ngân nó đẻ cả làng cả xã này phải mừng cho nó chứ đâu chỉ riêng gì tôi với chú. Phải không?

- Vâng! Quả đúng vậy!

Dụ và bà Toe cùng cười. Xách túi quà khá nặng, bà Toe khệ nệ bê ra đặt vào một bên thúng, bên kia là sáu cân đường. Bà gổng toòng teng đôi quang thúng hăm hở rời cửa hàng. Dụ mỉm cười một mình nhìn theo hút bóng bà khuất dần sau rặng tre cuối xóm.

        Trận mưa rào đầu mùa không ngờ lại dữ dội đến thế. Mưa như trút nước. Gió bão nổi lên ầm ầm. Trời đen kịt. Đóng kín cửa mà tiếng gió gào, tiếng mưa trút vẫn rít lên ào ào nghe rợn người. Gió lồng lên dìm những ngọn cây xuống vặn chúng nghiêng ngả. Gió thổi những cành cây gãy trên đường, cành nọ trôi theo cành kia như bị ma đuổi. Gió đập vào cánh cửa phành phành như muốn dứt chúng ra quăng ra đường theo mấy ngọn cây đó. Mưa đá. Những hòn đá to như những quả trứng gà từ trên trời ném xuống lịch bịch quanh nhà. Gió lùa những viên đá vào góc sân dồn lại thành một đống đá to tướng. Mới ba giờ chiều mà trời tối om. Chớp nhì nhằng. Sấm sét nổ đoành đoành, khét lẹt. Hiếm có năm nào lại có trận lốc xoáy, mưa đá đầu mùa to đến vậy.

Dụ ngồi trong nhà nhìn ra sân ngao ngán. Mấy ngày nay mưa suốt. Cánh đồng khô hạn bỗng chốc ngập úng. Nước mênh mông. Chiều nay, bồi thêm trận lốc xoáy, mưa đá này nữa lúa má hoa màu khéo hỏng hết. Chợt Dụ nghĩ tới con đập đang đắp dở. Kiểu này không khéo mưa lũ sạt lở mất toi. Y như rằng, vừa ngớt trận mưa đã thấy Quý phó chủ nhiệm choàng áo mưa đi tới.

- Anh Dụ ơi! Đập Dộc Nứa khéo vỡ mất thôi! Mọi người đang cuống lên ở đó lo chống đỡ. Anh ra kiểm tra cho hướng giải quyết ngay đi.

- Thế hả? Cậu cứ đi trước đi, tớ ra ngay bây giờ.

Quý phóng xe đi. Dụ cũng vội vàng choàng áo mưa lên xe phóng theo.

Vừa ra khỏi cổng được một đoạn thì cơn mưa mới lại ập đến. Dụ cố đạp xe xuyên mưa để đi. Gió thổi tốc ngược làm chiếc xe đạp của anh như đứng lại. Chiếc áo mưa bung ra. Mưa quất vào mặt rát ràn rạt. Không thể đạp xe được nữa, Dụ đành xuống dắt nó xé gió mưa mà đi. Đến đoạn sân kho đội bốn thì cơn mưa đá bất ngờ âp đến. Dụ quẳng chiếc xe lao vội vào chiếc nhà kho bỏ hoang. Anh bị mấy hòn đá ném vào người đau điếng.

Từ trong nhà kho nhìn ra trời tối sầm. Mưa như trút nước. Đá ném xuống dồn thành đống trên sân. Chớp xanh lè nhằng nhịt. Dụ ngó vào nhà kho tối om. Anh rướn mắt lên tìm một chỗ để ngồi chờ cho qua cơn mưa. Chợt Dụ phát hiện qua ánh chớp phía góc trong ngôi nhà một bóng người. Dụ cất tiếng hỏi:

- Ai? Ai ở đó thế?

Không có tiếng trả lời. Thấy lạ Dụ bước tới. Trước mắt anh là một cô gái đang co ro vì rét. Quần áo cô ướt hết.

- Cái Ngân phải không? Sao lại ở đây thế này?

Cô gái không nói gì chỉ nhìn anh dài dại. Cô run lập cập. Hai hàm răng va vào nhau lập bập như muốn nói điều gì. Dụ lại cất tiếng:

- Rõ khổ! Đi đâu mà ướt như chuột lột thế này? Lại đây tao xem nào.

         Ngân ngơ vẫn không nhúc nhích. Hay tay nó bo trước ngực. Dụ vội cởi áo mưa và áo của mình đưa cho cô gái:

- Này, cầm lấy lau qua người đi và mặc tạm vào kẻo rét.

Ngân lóng ngóng đón lấy chiếc áo từ tay Dụ. Trong ánh sáng nhờ nhờ Dụ quan sát kỹ cô bé. Làn áo mỏng dính sát vào người. Chiếc quần ướt cũng bó chặt lấy hai đùi của Ngân làm cho cặp mông của cô hiện lên tròn lẳn, chắc nịch. Tất cả những đường cong của cơ thể cô gái mới lớn cùng với làn da trắng ngần của cô đã làm cho ánh mắt của Dụ bỗng dán chặt vào thân thể ấy. Chiếc khuy áo trên ngực Ngân bung ra hở khuôn ngực trắng nhễ nhại. Con bé xinh quá. Dở người mà sao lại xinh đến thế. Những lần gặp nó ngoài đường Dụ đã thấy xinh rồi giờ đây được ngắm kỹ nó Dụ càng thấy con bé hấp dẫn quá.

Ngân ngơ vẫn run ngơ ngác. Dụ tiến đến cầm lấy tay nó. Cô gái rùng mình ngước nhìn Dụ. Một luồng điện chạy qua người anh. Dụ cầm tấm áo mưa choàng qua người Ngân.

- Khoác tạm vào cho ấm nhé!

Ngân ngơ ngước mắt nhìn anh dài dại. Trong ánh chớp loé lên, bắt gặp cái nhìn hoang dã đó Dụ khẽ rùng mình. Vòng tay qua người Ngân, Dụ khoác tấm áo mưa lên người cô. Hơi thở của anh, của Ngân phả vào nhau nóng hổi. Ngân đứng gọn trong vòng tay của Dụ. Sau tích tắc mấy giây, Dụ ôm chặt lấy cô gái. Cơ thể Ngân mềm ra trong tay anh. Người Dụ căng cứng. Trong đầu anh, chẳng còn Ngân dở người, Ngân ngơ nữa. Đó là cơ thể của một cô gái trinh nguyên, mơn mởn căng tràn sức sống đang chờ đợi. Con đực trong người Dụ quẫy lên. Anh hôn tới tấp lên mặt, xuống cổ, vào ngực Ngân. Tay Dụ lần mò, lướt nhẹ khắp thân thể cô gái. Ngân rên lên khe khẽ. Họ đổ ập xuống nền kho giữa cơn mưa đang ào ào trút nước. Sấm, chớp, gió, mưa, đất trời vật vã như ủng hộ họ trong cơn hoan lạc này.

Mãi một lúc lâu sau, thoả mãn cơn khoái lạc, Dụ bừng tỉnh. Bỗng có tiếng ào ào sầm sập như hàng vạn binh mã đang phi nước đại từ Hố Nứa đến chỗ anh. Rồi tiếng ai đó kêu rất to vọng tới:

- Vỡ đập rồi làng nước ơi!

Dụ cuống cuồng ngồi dậy vơ vội quần áo mặc. Ngân vẫn nằm tênh hênh trắng hếu trên nền nhà. Anh nắm lấy tay nó lôi dậy:

- Mặc quần áo vào! Nhanh lên! Tuyệt đối không được nói với ai nghe chưa!

Ngân ngơ bất ngờ cười rinh rích. Dụ bỏ mặc nó ba chân bốn cẳng phóng ra chỗ xe đạp lao tới phía tiếng kêu.

Mới đó thế mà đã hơn chín tháng rồi. Phải, đúng chín tháng mười ngày. Cái ngày lốc xoáy mưa đá, vỡ đập thì cả làng cả xã này nhớ chứ đâu chỉ riêng có Dụ. Hơn nữa, Dụ lại có một cuộc tình chớp nhoáng trời cho thế, quên sao được. Thì anh vẫn chẳng bảo “giời sinh ra thế” là gì.

Sau lần đó, Dụ rất lo chuyện vỡ lở. Được cái, con bé không nói gì nên hầu như chẳng ai nghi ngờ cho Dụ. Khi biết tin Ngân có chửa, anh ngầm phao tin đổ cho Việt. Lúc đầu Dụ sợ lắm. Về sau, thấy mọi việc vẫn bình thường thì Dụ lại hấp hởi tò mò chờ mong kết quả. Hôm nay, nghe bà Toe nói thế, Dụ muốn reo lên mà không được. Giời cho anh thật rồi! Ở hiền gặp lành thật rồi! Ta đã có người nối dõi rồi! Đích thị con ta chứ còn con ai nữa? Đúng ngày, đủ tháng, thằng nào đến đây mà nhận. Dở người mà hơn đứt Huê. Dụ bỗng nhớ lại cái giây phút trong cái nhà kho bỏ hoang giữa trận mưa bão đầu năm. Người anh lâng lâng như trôi trên mây.

Trong đầu Dụ bao ý nghĩ ngổn ngang. Mừng vui có, lo sợ có. Nếu quả đúng là con mình thật thì sau này thế nào nhỉ? Ngộ nhỡ thằng bé nó lại lơ ngơ như mẹ nó thì có nhận không? Mà kể cả nó bình thường đi nữa thì nhận nó thế nào? Nếu chuyện này vỡ lở thì sẽ ra sao? Con Ngân chỉ hơn thằng Quân có một tuổi, tức là chỉ đáng làm con mình, mình làm thế liệu dư luận dân làng hàng xóm có để cho yên. Mà nó lại dở người nữa? Biết đâu, sau lần sinh nở này con bé lại tỉnh ra thì chết. Nó sẽ bô bô với mọi người rằng thế nọ thế kia thì mình còn mặt mũi nào nữa? Thôi thì nó cứ ngớ ngẩn như cũ, riêng thằng bé mong cho nó bình thường như những đứa trẻ khác là tốt nhất. Cầu trời đã thương thì thương cho trót. Cuối đời nhận con, lúc đó hẳn mọi người sẽ tha thứ cho tất cả.

Còn Loan, cô ấy biết được chuyện này sẽ ra sao? Cùn lên mình sẽ nói là tại hoàn cảnh, ai muốn thế? Cũng tại cô chẳng chịu đẻ thêm lấy thằng con trai nữa cho tôi cơ. Với lại, tội của cô cũng to lắm đấy. Lừa tôi để theo thằng Việt cả đời này rồi còn gì! Chỉ nghĩ đến thế thôi là máu trong người Dụ đã sôi lên. Thì cái hôm bắt gặp hai người trên nghĩa địa đấy, tôi tha không chém chết hai người là phúc lắm rồi. Biết điều thì im đi cho yên chuyện. Bằng không lành làm gáo vỡ làm muôi, đây cũng cóc cần. Đây có thằng cu rồi.

Chợt Dụ nghĩ đến tổ chức. Ờ, nếu tổ chức biết chuyện này thì sao nhỉ? Phẩm chất ư? Đạo đức, lối sống ư? Kỷ luật ư? Đâu có dễ! Bằng chứng? Bằng chứng đâu? Chẳng lẽ các ông lại đi tin cái con dở người, cái con điên điên khùng khùng ấy? Đường đường cái thằng tôi mà lại đi ngủ với ngữ nó ư? Các ông tin cán bộ, đảng viên hơn hay là tin con điên? Chỉ cái lý ấy đưa ra nghe đã buồn cười rồi. Hơn nữa, bây giờ chuyện ấy chỉ là chuyện sinh hoạt thôi nhé. Còn lâu mới kỷ luật được tôi. Toà án lương tâm ư? Tôi đang sướng rên lên đây này.

Quả thật, từ lúc bà Toe về Dụ cứ tủm tỉm cười một mình. Đúng là giời cho anh thế thật. Số anh là cái số đào hoa mà.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH

(Chương 8 - tiểu thuyết)


        Mấy hôm nay Quang không được khoẻ. Cái ống dẫn liên tục chảy nước vàng. Cái thứ nước nhầy nhầy như máu mũi thối khẳn lên cùng với mùi khai của nước giải, mùi hăng nồng của thuốc sát trùng, thuốc kháng sinh... tất cả hoà quyện với nhau làm cho căn phòng của anh nặng nề ám khí.

       Người Quang đau ê ẩm. Không nằm được trên xe lăn nữa, anh phải dán mình trên chiếc giường. Xương cốt trong người như nhão ra. Mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều do Hiền đảm nhận. Chị phải nghỉ để chăm sóc anh. Sau cái hôm cùng Việt vượt sông sang đưa đám con anh bạn về thì Quang quỵ hẳn.

       Hôm ấy, khi nghe tin con anh Duỵ bên sông chết, Hiền cố gàn không cho Quang đi song anh nhất quyết đòi Việt đưa đi bằng được. Anh rơm rớm nói trong nước mắt:

       - Khổ thân thằng ấy đẻ mấy đứa con toàn dị dạng, quái thai. Con bé mất hôm nay, vợ chồng nó đã nuôi hơn chục năm trời rồi đấy. Nuôi con mà như nuôi chó dại. Phải nhốt con vào cũi đấy các vị ạ. Có đau lòng không? Bây giờ con nó chết rồi không sang động viên an ủi nó một tí thì còn gì là đồng đội, là chiến hữu nữa? Hả? Tôi hỏi các vị có còn đáng nhìn mặt nhau nữa không?

       Cơn xúc động dâng lên trong Quang. Hiền vẫn cố ngăn:

       - Nhưng mà sông nước thế anh sang thế nào được?

       Việt nói thêm:

      - Con thằng Duỵ mất đi, nói bảo nói dở, thế mà may đấy ông Quang ạ. Thôi thì giải thoát cho con bé với vợ chồng nhà nó. Chứ sống như thế thì ai gọi là sống? Nó có được làm người đâu hả ông? Thôi, ông cứ ở nhà, tôi với cô Hiền sang thăm viếng là được rồi.

      - Không được! Tôi phải sang với vợ chồng nó. Ông phải đưa tôi đi.

      Mặc cho mọi người căn ngan, Quang vẫn ràn rụa nước mắt nhất quyết đòi đi. Cuối cùng, giữa chiều đông giá rét, trên bến sông hôm ấy, người ta thấy bộ ba vợ chồng anh thương binh đặc biệt cùng với chú “Việt sẹo” sang sông. Được mọi người giúp đỡ, Hiền và Việt nhấc chiếc xe lăn của Quang lên đò. Gió sông hun hút thổi. Mọi người co ro vì rét.

      Khi biết họ sang viếng đám ma con nhà “Duỵ da cam” (dân làng bên sông vẫn gọi anh Duỵ như vậy) thì ai cũng cảm thông chia sẻ.

      - Rõ khổ! Vợ chồng nhà anh ấy đẻ rặt quái thai. Đứa thì như cục thịt, đứa thì thiếu mắt, thiếu tai. Đứa nào đẻ ra cũng chỉ được vài năm thì chết.

     - Có đứa chết ngay khi vừa mới sinh ấy chứ.

      Tiếng ai đó xen ngang.

       - Riêng cái con bé này trông khá hơn cả thì lại bị rồ bị dại.

      - Tội lắm cơ các ông các bà ạ. Con bé lúc mới sinh tiếng là dị dạng songnhìn cũng khá hơn mấy đứa trước. Đủ tứ chi, mồm mắt mũi đủ cả. Chỉ tội cái đầu thì to quá khổ, hai hố mắt sâu hoắm trông mà phát sợ. Được cái, nó không mềm oặt như những đứa trước. Tưởng càng nuôi càng lớn, nó sẽ đỡ đi phần nào, ai ngờ lên bảy tuổi nó bắt đầu quậy phá.

      - Tôi ở gần tôi biết - Một bà lên tiếng - Con bé bò lê bò càng ăn bất cứ thứ gì mà nó gặp. Đất, đá, thậm chí cả phân lợn, phân người nữa. Có hôm, tôi gặp nó đang ngồi bốc đống phân trâu ăn vô tư.

      - Con bé năm nay phải mười lăm, mười sáu rồi đấy bà nhỉ?

      - Cỡ đó.

      Bà già quệt trầu nói. Người vừa hỏi chép miệng:

      - Thế thì vợ chồng nhà anh ấy mất đến hơn chục năm sống trong cái cảnh đó rồi còn gì.

     - Đâu chỉ có con bé đó - Bà già hàng xóm của Duỵ nói tiếp -  Họ còn đẻ thêm mấy bận nữa cơ song cũng chỉ ra toàn là những cục thịt. Có sống cũng chỉ được vài tháng thôi. Có đứa nào được làm người đâu!

        Mọi người trên con đò không ai bảo ai mà cùng cất tiếng thở dài.

Quang nghe rùng mình. Cổ họng anh nghẹn đắng. Anh biết, vợ chồng Duỵ phải hao tổn biết bao nhiêu là công sức, tiền của để lo chữa chạy cho mình, chữa chạy cho con song không kết quả gì. Thuốc thang, cầu cúng... đủ cả. Càng lớn, con bé càng đập phá kêu gào lung tung. Nhiều hôm, nó bò xuống ao ngồi trầm mình giữa đống bèo, cả nhà tá hoả đi tìm mãi mới thấy. Bất đắc dĩ, vợ chồng Duỵ phải lấy xích xích nó lại. Như vậy cũng chưa yên, họ phải làm cũi nhốt nó. Ấy vậy mà đâu có được. Miệng nó gào khóc kêu la, chân tay nó cắn xé cào cấu. Nhiều đêm nó rú lên như chó hoang. Nó xé mảnh chiếu trong cũi nhai ngấu nghiến. Bỏ manh chiếu đó đi thì nó xé quần áo đút vào miệng nhai nhồm nhoàm. Ai đến gần thì mắt nó long lên dữ tợn, miệng gừ gừ gào gào như chó mèo tranh nhau ăn. Hết quần áo, nó tồng ngồng dứt tóc, bẻ móng tay để ăn. Vợ chồng Duỵ chỉ còn nước nhìn con mà kêu trời. Kêu chán, khóc chán, khóc đến khô dòng lệ. Nước mắt chảy vào trong khiến cho vợ chồng anh gầy rộc hẳn đi, xơ xác trước nỗi đau dai dẳng của kiếp người. Của nả đội nón ra đi. Họ đành phó mặc buông xuôi.

Đời Quang anh thấy đã khổ rồi, vợ chồng Duỵ còn khổ hơn. Quang còn có chế độ của Nhà nước, còn có Hiền chăm sóc, nâng giấc. Đằng này, vợ chồng Duỵ có tiêu chuẩn gì đâu? Chồng là bộ đội Trường Sơn phục viên, vợ là thanh niên xung phong hoả tuyến. Họ rời quân ngũ trở về đều vẹn nguyên thân thể, không là thương binh cũng chẳng là bệnh binh. Yêu nhau từ chiến trường, lấy nhau khi mới vừa xuất ngũ, ngỡ tưởng hạnh phúc cứ thế mỉm cười với họ nào ngờ “sản phẩm” của họ chỉ là những đứa con quái thai. Thương lắm Duỵ ơi! Chiến tranh! Hậu quả chiến tranh là như thế đó! Không xúm nhau lại chung tay giúp đỡ, chia sẻ với nhau thì còn ra thể thống gì nữa. Phải không Duỵ?

Đám ma cô gái bị chất độc màu da cam hôm ấy, dân làng bên sông chứng kiến cảnh người thương binh dị dạng mặt nhằng nhịt sẹo, da đen cháy, loang lổ, đẩy một chiếc xe lăn trên đó có một người thương binh khác nhỏ thó, nằm bẹp dí. Họ đi sát theo cỗ đòn có linh cữu của cô gái xấu số. Không ai khóc nhưng ánh mắt của họ lúc thì vằn đỏ lên giận dữ, lúc lại thăm thẳm xa xôi. Đám ma đông lắm. Hầu như cả làng, cả xã đều lặng lẽ hoà vào dòng người theo chiếc quan tài ra tận nghĩa địa mặc cho gió mùa đông bắc từ dưới sông hun hút thổi lên và cái rét buốt thì thấu đến tận xương, tận tuỷ.

Sau hôm đó về, Quang nằm liệt hẳn. Bác sỹ Hào phải thường xuyên đến theo dõi, điều trị cho Quang. Hiền sợ nhất là căn bệnh dạ dày của Quang tái phát. Lần trước, chị và Hào đã khổ sở vì nó. Do nằm lâu ngày, ăn uống lại toàn những thức ăn loãng nên dạ dày của Quang bị teo đi. Ruột bị dính lại với nhau từng khúc. Hôm đau quá, Hiền gọi Hào đưa vội Quang đi cấp cứu. Anh được đưa ngay vào phòng mổ. Phẫu thuật dạ dày, cắt bỏ mấy đoạn ruột. Bình thường đã phải nối ống xông cho anh rồi, lần này mổ, anh lại phải mang bên mình thêm mấy cái ống xông khác nữa. Cơ thể anh vốn đã yếu nay lại càng yếu hơn. Trận ấy ngỡ tưởng Quang sẽ không qua, vậy mà không hiểu bằng cách nào anh đã qua được.

Lần này về đồng thời với cái đau thể xác, Quang còn bị ám ảnh mãi trong lòng về đám ma của con anh bạn. Cứ chợp mắt là hình ảnh đứa bé dị dạng tật nguyền gào thét, cắn xé, giãy rụa lại hiện về. Anh ú ớ mê sảng. Như có cả tiếng bom dội, đạn nổ, tiếng máy bay gào rú bên người.

Sáng nay, thấy trong người có vẻ dễ chịu, Quang gọi Hiền lại gần:

- Hiền à. Ngồi xuống đây. Anh có chuyện muốn nói với em.

Hiền thoáng ngỡ ngàng. Chị vén chăn, khẽ ngồi xuống cạnh mép giường.

- Có việc gì thế anh?

- Dạo này vợ chồng bác Dụ thế nào hả em? Quang hỏi.

- Vẫn thế anh ạ.

- Vẫn thế là thế nào?

- Thì anh ấy vẫn trên cửa hàng. Chị ấy vẫn ở nhà nuôi lợn. Thỉnh thoảng chị ấy vẫn sang thăm vợ chồng mình đấy thôi.

- Còn thằng Quân với hai đứa gái?

- Thằng Quân thì vẫn chạy hàng phụ với bố nó. Cái Thảo, cái Trang đi học.

Quang thở dài:

- Sao anh thấy có điều gì đó bất ổn ở nhà đó em ạ.

- Anh lại cả nghĩ rồi - Hiền đáp - Mọi chuyện vẫn bình thường chứ có sao đâu. Sau hôm chạy được cái vụ buôn gỗ về anh Dụ vui lắm. Dạo này anh ấy đang bù đầu vào lo hàng Tết cho xã.

- Cho xã hay là cho ông ấy? Anh lo lắm Hiền ạ. Từ hôm anh với ông Dụ nói nhau đến giờ cấm thấy ông ấy đến nhà mình nữa. Cả cái thằng Quân cũng thế. Bố con nhà họ mất mặt. Còn bà Loan, gặp bà ấy lần nào anh cũng thấy bà ấy có vẻ rầu rầu làm sao ấy.

- Làm sao? Anh chỉ được cái suy diễn. Thôi, anh nằm nghỉ đi. Không có chuyện gì đâu. Tại anh cứ cả nghĩ nên mới thế đấy chứ.

Hiền gạt đi. Quang vẫn tiếp tục:

- Em phải lưu ý đến chị Loan giúp anh, tâm sự với chị ấy xem có vấn đề gì không nhé. Chứ cái cảnh này anh thấy là không ổn đâu.

- Được rồi, được rồi! Hiền vội nói át - Anh khỏi lo. Đừng có nghĩ ngợi gì mà ốm thêm thì khổ.

Hiền với tay sang mép giường bên kia rém lại chăn cho Quang. Đoạn, chị cầm lấy tay anh nắn nắn bóp bóp. Tay Quang bé tí lọt thỏm trong lòng tay của chị. Thịt da anh nhão nhoét. Chỉ thấy xương là xương. Cái xương cẳng tay của anh gầy nhẳng lật sật, trật trẹo theo nhịp nắn bóp của Hiền. Đôi chân Quang khẳng khiu mềm nhũn buông thõng phía đuôi giường. Nửa người dưới của Quang sống cũng như chết. Hiền xoa bóp, vỗ về mãi vẫn chẳng hơn gì. Vô hồn, mềm oặt. Càng tiếp xúc với cơ thể Quang, càng nhìn Quang, chị càng thương anh hơn. Muốn san sẻ cho anh mà nào đâu có được.

- Có phải cái Ngân đẻ rồi không hả em?

Chợt Quang lên tiếng hỏi. Hiền vui vẻ đáp:

- Vâng. Nó đẻ rồi anh ạ. Con trai nhé.

Quang cũng vui lây:

- Thật thế hả?

- Vâng. Hôm qua em với chị Loan vừa đi thăm nó về.

- Phúc đức quá! Thôi, thế là vui rồi!

Chợt giọng Quang trầm hẳn xuống:

- Rõ khổ cho cái nhà bác Việt, kẻ nào độc ác lại đặt điều cho bác ấy cơ chứ.

Quang ca cẩm. Lúc anh gọi Việt là bác, lúc khác lại gọi là anh, là lão. Cả với Dụ cũng vậy.

- Chấp gì mồm miệng thế gian hả anh. Họ còn nghi anh ấy với em nữa là.

Hiền mỉm cười nháy mắt nhìn Quang. Quang cũng cười:

- Cái mồm nhà ông Dụ chứ còn ai nữa. Lại thêm cả cái miệng bà Toe loe xoe thêm thắt chả lo nó lại thế. Rõ tội. Lão Dụ cứ như quân thù quân hằn với bác Việt mới lạ.

Nói đến đây Quang bỗng thở dài:

- Lão Việt trông thế thôi chứ chẳng làm ăn gì được nữa đâu.

- Anh bảo sao cơ?

Hiền hỏi lại. Quang biết mình lỡ lời suýt nữa thì lộ ra cái điều bí mật của Việt, cái điều mà hai người cam kết giữ kín cho nhau từ dạo còn ở trại thương binh. Anh đánh trống lảng:

- À không. Anh bảo là cái nhà ông Việt ấy chỉ toàn bị mang tiếng oan thôi. Cô đơn vò võ vậy mà cũng không yên.

- Thế mới là đời.

Hiền ra vẻ hiểu biết triết lý. Họ quên hẳn chuyện nhà Dụ, vui lên khi được tin Ngân đẻ. Hiền thóc mách:

- Anh biết gì không?

- Biết gì?

- Chuyện hay lắm.

- Chuyện gì?

Quang sốt ruột gặng hỏi.

- Mà cũng lạ lắm cơ.

- Thì chuyện gì mà em cứ úp mở mãi thế?

- Chuyện ông Dụ ấy.

- Ông Dụ làm sao?

- Ông Dụ ông ấy cho con Ngân túi quà to lắm. Bà Toe bảo thế.

- Tưởng chuyện gì - Quang phì cười - Cho nó túi quà mà em làm cứ như là chuyện lạ thế giới.

- Chứ lại không à? Tự nhiên chẳng quan hệ gì lại cho nó quà, anh bảo thế không lạ à? Từ trước đến nay thấy ông ấy như thế với ai bao giờ chưa?

- Anh hỏi em, từ trước tới nay ở cái làng này, xã này có người dở hơi, nửa rồ nửa dại nào chửa đẻ chưa? Chưa chứ gì? Thế thì việc ông Dụ cho gái đẻ gói quà đó thì có gì là lạ. Hơn nữa, danh nghĩa cửa hàng, chủ nhiệm cửa hàng cho trường hợp ấy lại càng đúng. Mai kia rồi ông Nhân, ông Hải cũng cho quà thì sao? Phải khuyến khích những người như thế. Riêng việc này anh ủng hộ ông Dụ.

Quang nói liền một mạch. Xem ra anh sẵn sàng tranh luận với Hiền.

- Đến em mà cũng nghĩ vậy chả trách bác Việt mang tiếng là phải. Bác ấy thương mẹ con bà Kim hay cho củ khoai, mớ sắn, giúp họ việc này việc kia thế là làng xã lại đồn ầm lên là thế nọ thế kia. Cung cách này thì ai dám giúp ai nữa? Đáng ra em phải ủng hộ ông Dụ, ủng hộ bác Việt, giải thích cho mọi người chứ, đằng này...

- Thôi, thôi, thôi... Em xin. Thì thế mới là đàn bà.

Hiền giơ tay bịt miệng Quang. Tay kia cô đấm vào chân anh thùm thụp. Quang vẫn nằm bất động. Mắt anh ngó trân trân lên trần nhà. Ánh mắt ấy thoáng xa xôi nhưng đã ánh lên những niềm vui mới.

- Bố mẹ ơi! Có tin vui đây này!

Cái Hà đi học về reo lên từ ngõ. Nó hào hển chạy vào nhà. Hiền chạy ra đón con. Cái Hà xô ngay vào lòng mẹ rồi sà đến bên bố:

- Thư của nhà xuất bản Thanh niên đây này, bố ơi!

Nghe thấy vậy, Quang vội ngóc đầu lên.

- Đâu? Đưa bố xem nào.

Quang lóng ngóng cầm phong thư. Anh dán mắt vào dòng chữ trên phong bì.

- Đúng rồi! Thư của nhà xuất bản! Hiền, đọc đi em!

- Bố để con đọc cho!

Hà láu táu giằng lấy phong thư. Nó xé vội phong bì và đọc.

- Kính gửi nhà văn Thanh Quang. Ơ! Bố ơi! Sao lại là Thanh Quang? Bố là Vinh Quang cơ mà?

Cái Hà đột ngột dừng lại hỏi. Quang giải thích:

- Bố ghi vậy ngỗ nhỡ không in được thì đã xấu hổ con à.

- À ra thế - Cái Hà cười và đọc tiếp – “Chúng tôi đã nhận được bản thảo tập tiểu thuyết “Đồng vọng” của anh. Ban văn xuôi đã đọc và cho ý kiến. Chúng tôi thấy tập tiểu thuyết của anh rất khá. Đọc cảm động, nhiều chi tiết rất ấn tượng. Ban giám đốc chúng tôi quyết định đưa vào kế hoạch xuất bản trong năm tới. Tuy nhiên, để xuất bản được, chúng tôi xin phép tác giả chỉnh sửa đôi chút (về bố cục, về câu văn chẳng hạn). Tất nhiên chỉ chỉnh sửa đôi chút thôi trên cơ sở tôn trọng bản thảo của tác giả. Vậy, chúng tôi thông báo để anh biết cùng hợp tác. Kính chào nhà văn và chúc anh sức khoẻ”.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Tiếp theo chương 8


Cả ba người không ai bảo ai mà cùng nhìn vào phong thư một lần nữa và nhìn nhau. Họ không ngờ lại có kết quả được như vậy. Cứ liều gửi bản thảo hú hoạ đi chứ ai ngờ lại có được giây phút này. Thậm chí, bản thảo Quang cũng chẳng đề rõ thể loại gì nữa là. Anh chỉ gửi kèm một bức thư ngắn gọn rằng đó là câu chuyện về Trường Sơn những năm tháng chiến tranh của anh và đồng đội, anh ghi lại, chép lại mong nhà xuất bản nghiên cứu, nếu được thì cho in thành sách làm kỷ niệm. Thế mà kết quả lại hơn cả mong đợi? Tiểu thuyết ư? Được in thật rồi ư? Sung sướng quá! Hạnh phúc quá! Thật bõ cho những ngày đọc đọc, chép chép, đánh vật với từng câu văn, từng trang bản thảo.

Quang gần như ngóc hẳn đầu lên giơ tay đón lấy phong thư từ tay Hà. Anh đọc lướt lại từng con chữ. Đoạn, anh ấp lá thư vào ngực.

- Báo ngay cho bác Việt biết đi, Hà ơi! Vui quá! Hiền ơi!

Cơ thể Quang rung lên. Thấy vậy Hiền vội nắm chặt tay Quang:

- Bình tĩnh nào anh! Đừng xúc động quá mà lên cơn thì khổ!

- Sao lại bình tĩnh được? Lên cơn là lên thế nào? Có mà lên cơn sung sướng thì có.

Quang lắc lắc bàn tay vợ và cười to với hai mẹ con. Lâu lắm rồi hai mẹ con Hiền mới thấy anh vui đến thế.

Cái Hà đón lại lá thư và chắâyhi tay, nhắm mắt lại, ngẩng mặt lên trần nhà:

- “Kính chào nhà văn và chúc anh sức khoẻ”! Hoan hô bố! Bố thành nhà văn rồi! Hoan hô bố!

Nó reo lên mơ màng.

Thấy hai bố con vậy Hiền cũng khẽ mỉm cười. Những nụ cười hiếm hoi trong những ngày này của họ. Hiền nói:

- Phải báo tin vui này cho chú Hào và bá Loan nữa chứ.

- Con cũng cho anh Quân biết với mẹ nhé!

Quang thầm cảm ơn Hiền và Việt. Chính nhờ hai người này mà anh mới “cầm bút” viết và tập bản thảo mới hoàn thành. Tưởng chỉ mua vui nào ngờ nó lại có ích đến vậy. Trong đầu Quang bỗng hiện về những hình ảnh, nhân vật. Họ từ bản thảo bước ra. Cả Duỵ nữa. Tất cả đều hớn hở, cười rạng rỡ nắm chặt tay anh. Chẳng biết họ cảm ơn hay là chúc mừng anh. Có lẽ cả hai.

Đứa con tinh thần đầu tiên của anh đang trong những ngày chờ sinh nở. Tất nhiên rồi. Đã có ý kiến của bà đỡ đây rồi. Quang bỗng quên đi cái đau của bệnh tật và nỗi buồn dai dẳng về cái chết của con anh bạn trong suốt cả tháng trời qua. Anh như được tiếp thêm sinh lực, thấy cuộc đời này thật ý nghĩa.

Trong lúc hai mẹ con Hiền hì hụi nấu cơm, Quang nằm một mình trên giường khe khẽ hát. Lâu lắm rồi mới nghe thấy Quang hát. Dưới bếp cả hai mẹ con Hiền cũng đang vừa nấu nướng vừa khe khẽ hát theo. Ngoài vườn lũ gà đang bới ăn cũng dừng cả lại ngỏng cổ lên ngơ ngác.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH

(Chương 9 - tiểu thuyết)


         Từ hôm biết được chú “Việt sẹo” là bố đẻ của mình, Quân lơ lửng như người mất hồn. Nó tìm cách tránh gặp mặt mọi người, đặc biệt là mẹ Loan, bố hờ Dụ và bố đẻ Việt. Quân bỏ nhà đi từ sáng cho mãi tới tận khuya mới về. Về đến nhà là nó leo lên giường trùm chăn kín mít, hỏi không nói, gọi không thưa. Mặt nó lúc nào cũng lầm lầm lì lì, lúc lại ngơ ngơ ngác ngác. Chẳng biết nó ăn uống ở đâu, có hôm về nhà miệng Quân sặc sụa mùi rượu. Thấy con vậy, Loan lo lắm nhưng cũng chưa biết giải quyết thế nào. Chị chỉ còn cách nhìn nó thở dài.

        Không lấy xe máy của bố Dụ, không đến cửa hàng, Quân tìm đến mấy đứa bạn hồi học phổ thông với nhau. Cái làng La Hương này chẳng còn ai để Quân giãi bày. Mà giãi bày sao được cái chuyện động trời như thế.

         Chú Việt là bố của mình ư? Sao lại như thế được nhỉ? Là bố mình sao chú ấy lại bỏ mặc mẹ Loan, bỏ mặc mình? Hai chục năm trời rồi chứ có ít đâu? Điều gì khiến cho mẹ giữ kín cái điều bí mật ấy? Mà sao phải thế cơ chứ? Có phải chú Việt vô trách nhiệm với mình không? Có lẽ không. Vì qua câu chuyện của mẹ với chú ấy trên nghĩa địa, đặc biệt là lá thư của Dung đã nói lên điều đó. Hoạ chăng thì chú ấy mới chỉ biết từ ngày mình bị tai nạn ôtô thôi. Thì thư Dung chẳng nói có cái giấy thử máu ADN đấy là gì!

         Lại nói chuyện máu, Quân cảm thấy xấu hổ về những ý nghĩ không hay về chú Việt. Nếu không có lá thư của Dung thì Quân làm sao biết được chuyện đó. Nhưng mà... điều này thì cậu Quang đã nói với mình rồi! Đúng rồi! Thế mà mình lại không tin lại đi tin vào cái mồm của bà Toe cơ chứ. Mà sao chú Việt lại không lấy vợ? Phải chăng chú ấy hận mẹ? Thì ngày trước hai người chẳng đã yêu nhau mãi đó sao! Sao mẹ phải làm thế? Làm thế để làm gì? Bây giờ xưng hô với chú Việt thế nào? Bố ư? Tự nhiên gọi cái người có khuôn mặt nhăn nhúm đầy sẹo ấy là bố ư? Nghe vô lý quá! Bọn bạn nó nghe được có hoạ mà... Ngượng lắm! Với lại... ông ấy có nuôi dạy mình ngày nào đâu? Có công gì với mình đâu? Không thể vô lý như thế được...

         Còn bố Dụ? Tội ông ấy quá. Biết được chuyện này khéo ông ấy quỵ mất. Hai chục năm trời tò vò nuôi nhện giờ nhện nó lớn lên thì lại chẳng phải con mình. Đau lắm chứ. Mà sao ông ấy không nghi ngờ gì nhỉ? Chả lẽ lại ngờ nghệch đến mức thế? Bấy nhiêu năm chứ có ít đâu? Hoặc giả là ông ấy biết nhưng mà làm ngơ? Phải thế không mà ông ấy lén lút quan hệ với nhà cô Huê? Mấy tháng nay ông ấy lại hầu như bỏ mặc mẹ, hai người gần như sống ly thân. Có lẽ ông ấy biết rồi cũng nên? Người lớn họ tế nhị lắm. Hơn nữa, ông ấy còn lo công tác, lo giữ ghế. Hở ra thì nát nhà, mất chức. Càng nghĩ lại càng thương bố Dụ. Công đẻ không bằng công nuôi. Ông ấy nuôi mình từ bé, từ bào thai trong bụng mẹ cơ. Công ông ấy to lắm, như núi Thái Sơn chứ ít à? Dạo này ông ấy lại chiều mình lắm. Xe cộ, tiền nong, công việc, bạn bè... mình cần thứ gì là ông ấy chiều thứ đó, kể cả hút thuốc, uống rượu. Thậm chí ông còn khuyến khích mình nữa. Mẹ thì ngược lại, cứ ngăn với cấm. Thế mà...

Nếu bố Dụ biết chuyện này ông ấy có chịu nổi không? Bị mẹ lừa gần hai chục năm rồi còn gì? Mấy năm trước, ông ấy còn đòi đẻ thêm thằng cu nhưng mẹ đâu có nghe. Giờ thế này thì... ác quá. Quân không làm sao mà hiểu nổi mẹ nữa. Thực lòng, Quân vẫn thương và quý bố Dụ hơn. Bố Việt đã làm gì được cho Quân đâu? Còn mẹ, đáng thương hơn là đáng giận. Mẹ vẫn yêu thương bố Dụ, chiều chuộng các con, đặc biệt là mình. Ngay cả khi bố Dụ sống ly thân với mẹ, mình cũng chưa hề nghe thấy mẹ ca cẩm điều gì. Nhẫn nhịn, chắt chiu, lam lũ, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Mẹ biết bố Dụ lằng nhằng với cô Huê song vẫn lựa lời khuyên giải, chưa làm điều gì cho bố bị mất mặt với thiên hạ. Thậm chí, mẹ còn mắng át đi những người rỉ tai mẹ điều nọ tiếng kia. Mẹ có quan hệ đặc biệt với “chú Việt” nhưng đúng mực, chưa thấy gì đi quá giới hạn. Thiên hạ cũng chẳng có điều tiếng gì. Cái “vụ” trên nghĩa địa dạo nọ nghe cái Hà nói lại thì oan cho mẹ lắm. Vậy thì vì sao mẹ lại giấu điều bí mật về mình hai chục năm qua?

Chợt nghĩ tới ông Hùng. Đúng rồi, chuyện Dung đột ngột trốn chạy và việc ông đối xử với mình bề ngoài thì nghiêm khắc song có vẻ gì đó thân tình lắm. Ông Hùng quan tâm đến mình, luôn tìm cách gặp mình. Gặp mình ông lại hỏi khá nhiều chuyện. Những câu chuyện của ông ấy bây giờ nghĩ lại thì hầu như đều có chủ ý. Nào là “con người ta phải có cái gốc, sống phải hiếu nghĩa với cha mẹ”. Nào là “các cụ dạy “giọt máu đào hơn ao nước lã”, anh em chúng mày phải thương yêu lấy nhau, giúp cho nhau tiến bộ”. Nào là “chú Việt trông ghê sợ thế thôi nhưng thật thà chất phác và có nghĩa với họ hàng, anh em, với đồng đội lắm. Các cháu còn trẻ phải tìm cách giúp đỡ chú ấy”. Lúc cháu, lúc mày, khi thân tình, khi bỗ bã, ông Hùng dường như có cảm tỉnh đặc biệt với mình, nhất là mấy tháng gần đây. Ông ấy còn động viên mình tìm việc làm chính đáng, khuyên mình đừng ham hố chạy hàng, nhất là hàng lậu cho bố Dụ. Tưởng ông ấy biết mình có tình cảm đặc biệt với Dung thì mới thế, đã mừng, bây giờ hiểu ra thì... phức tạp quá.

Tóm lại, ở cái làng La Hương này, chuyện mình là con đẻ của bố Việt mới chỉ có năm người biết: mẹ, chú Việt, bác Hùng, Dung và mình. Người đáng được biết nhất là bố Dụ thì vẫn chưa? Làm sao bây giờ? Làm sao thoát khỏi được cái mớ bùng nhùng này bây giờ? Bao câu hỏi hiện lên xoáy vào tim óc Quân. Đau đầu quá. Phức tạp quá. Mọi lần, đặc biệt là trước khi bị tai nạn, hễ có chuyện gì khó, ngoài mẹ ra là Quân hay tỉ tê với chú Việt, với Dung, sau đó mới đến cậu Quang, mợ Hiền. Giờ đây, mẹ với chú Việt đã thế, Dung thì ở xa, cậu mợ Quang thì mình vừa mới chủng chẳng hôm nọ nên chẳng còn ai mà hỏi han nữa. Hơn nữa, chuyện này liệu đã hỏi cậu mợ được chưa? Mà hỏi chắc gì cậu mợ đã tin? Và điều quan trọng hơn là nếu vỡ chuyện thì tất cả sẽ ra sao? Bố Dụ sẽ thế nào? Còn mẹ và bố Việt nữa? Nát. Nát mất. Thôi thì, cứ tạm yên lặng vậy.

Chuyện bùng nhùng của mình đã làm Quân quên luôn cả cái việc Ngân đẻ con trai. Cả cái làng La Hương này đang xi xao về việc đó. Ai là bố đẻ đứa bé lại đang là đề tài cho nhiều kẻ dỗi hơi, buôn chuyện của làng. Bây giờ, chuyện của gia đình mình mà vỡ ra thì khác nào lại dội thêm một quả bom dư luận nữa lên cái làng nhỏ bé ven sông này. Hay ho gì làm đối tượng đàm tiếu cho thiên hạ. Miệng lưỡi thế gian biết đâu mà lường trước được. Kiểu này, tốt nhất là ăn Tết xong xin xã cho mình đi bộ đội mới được. Đi để chạy trốn mớ bòng bong này. Đi để phấn đấu rèn luyện. Mặc cho người lớn ở nhà giải quyết với nhau. Thời gian sẽ tìm ra cách xử lý. Thời gian sẽ cho ta câu trả lời phù hợp nhất. Mà bố Việt với cậu Quang chẳng đã khuyên mình vào bộ đội đấy là gì. Nghĩ đến đó, Quân như nhẹ đi phần nào. Đang định lên phố huyện, Quân chợt vòng ghi đông xe đạp về nhà. Phải về để làm ngay đơn gửi xã may ra mới kịp.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Tiếp theo chương 9

Lượn xe vào cổng, Quân chợt ngó thấy chiếc xe máy của bố dựng ở góc sân. Quái, sao hôm nay ông ấy lại về qua nhà nhỉ? Lâu lắm rồi có thấy ông ấy ghé thăm mẹ con Quân đâu? Mà sao lại về giữa chừng giữa buổi thế này?

Quân xuống xe từ ngoài ngõ và dắt nó vào cổng.

- Tôi nói để cô biết nhé - Tiếng bố Dụ vang lên từ trong nhà - Cô là là...

- Là gì? Anh nói đi, tôi nghe đây!

Tiếng mẹ cũng chì chiết không kém. Quân sững người dỏng tai lên nghe. Biết là có chuyện, nó nhẹ nhàng dựa chiếc xe vào cây rơm rồi nhón chân áp sát bức vách phía sau nhà. Qua kẽ hở của cánh cửa sổ, nó thấy trong nhà chỉ có bố Dụ và mẹ nó. Mẹ nó ngồi bên giường. Bố nó ngồi trên chiếc ghế băng giữa nhà. Mặt bố Dụ hầm hầm như có vẻ đang tức tối. Còn mẹ nó vẫn bình thản, nhẫn nhịn.

- Hôm nay chỉ có tôi và anh - Mẹ nó tiếp tục - Có gì ta cứ thẳng thắn với nhau anh đừng đối xử với mẹ con tôi như thời gian qua nữa. Tôi hết chịu nổi rồi!

- Cô bảo tôi đối xử thế nào? Có gì mà cô không chịu được?

- Thì tự anh biết rồi còn gì?

- Cô bảo hãy nói thẳng, vậy thì cô có điều gì cứ nói toạc móng heo ra.

Bố Dụ vênh vênh mặt khiêu khích. Mẹ Loan nhẹ nhàng:

- Anh Dụ ạ, tôi với anh làm bạn với nhau, nên vợ nên chồng đã hai chục năm nay. Vợ chồng đầu gối tay ấp, ngần ấy mặt con rồi sao anh nỡ đối xử với tôi như thế?

- Đối xử thế nào? Sao cô cứ vòng vo mãi?

- Anh bỏ nhà, bỏ vợ con ra cửa hàng ăn ở ngoài đó mấy tháng trời nay lẽ nào anh lại không biết? Mẹ con tôi cơm cháo, ốm đau, sống chết thế nào anh cũng không hay. Tôi hỏi anh vì sao lại như vậy?

- Công việc. Tôi có chơi đâu?

Bố Dụ xoè hai bàn tay phân bua. Mẹ Loan vẫn thủng thẳng:

- Công việc? Lúc nào anh cũng bảo công việc với chả công việc. Chẳng qua là anh bao biện đấy thôi. Tôi còn lạ gì cung cách buôn bán của cửa hàng nữa. Khoán hết cho nhân viên, chủ nhiệm, kế toán các anh chỉ còn mỗi việc ghi sổ thu tiền khoán quản nữa chứ còn làm gì?

- Cô nói nghe đơn giản lắm nhỉ? Dễ thường tôi chơi chắc? Thế còn mối hàng, còn quan hệ, còn chạy vốn?

- Tôi không nói anh chơi mà chỉ hỏi tại sao anh không đoái hoài gì đến vợ con, nhà cửa?

- Thì đã bảo công việc mà lại.

Bố Dụ cố kiết. Mẹ Loan nhìn thẳng vào bố Dụ nói:

- Anh vẫn loanh quanh.

- Cô lục vấn tôi đấy à?

Bố Dụ có vẻ nóng. Mẹ Loan kiên nhẫn:

- Thì đã bảo sẽ nói thẳng với nhau cơ mà! Anh cứ bình tĩnh, hôm nay vợ chồng mình phải nói thật, nói hết với nhau. Tôi muốn cho thanh thản đầu óc để còn sống và làm việc.

- Nói thật? Cô nói dễ nghe nhỉ?

Bố Dụ bĩu môi đai lại. Quân nín thở, căng mắt, dỏng tai nghe. Gay rồi! Hệ trọng rồi! Nó đổi chân lựa thế đứng tiếp tục theo dõi câu chuyện.

- Chuyện của anh với cô Huê thế nào rồi?

Mẹ Loan lên tiếng. Nhắc đến Huê, Dụ đang bực về cái chuyện cô ta cố tình lánh mặt mình hôm nọ, cố tình trốn tránh gặp Dụ mấy tháng nay. Huê đã lạnh nhạt với Dụ, bỏ Dụ để theo một thằng cai xây dựng mới về xã xây trụ sở. Kể cũng đúng thôi, theo mãi Dụ cô ta được gì? Giờ nhắc đến con người bạc tình bạc nghĩa ấy cái bực của Dụ như được nhân đôi:

- Đấy mà! Biết ngay mà! Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có mỗi cái chuyện ấy. Cô chỉ có ghen tuông vớ vẩn thôi nhé. Đây chẳng có vấn đề gì, đây cóc sợ.

- Nào tôi có làm gì anh đâu mà anh sợ với chả sệt. Tôi chỉ hỏi anh có còn quan hệ với cô Huê không thôi mà? Dân làng hàng xóm họ đồn ầm lên kia kìa. Rằng là “anh ở lại cửa hàng để hú hí với con Huê”. Rằng là “anh cho tiền nó, vỗ béo nó, vun vén cho nó”. Có đúng không?

- Ôi dào! Dư luận với chả dư luận! Đập vào mặt cái dư luận vớ vẩn ấy đi nhé!

- Anh đừng nói thế. Không chỉ dư luận, có người còn gặp tôi họ nói rõ sự việc đó kia. Anh biết tôi thế nào không? Tôi vẫn khăng khăng bảo vệ anh, giữ uy tín cho anh. Miệng tôi bênh che anh nhưng ruột gan tôi xát đắng ra đây này, anh biết không? Anh đừng có chối cãi nữa.

- Vâng. Cảm ơn cô!

Bố Dụ ngọt nhạt. Mẹ Loan tiếp tục:

- Nó bỏ bùa mê thuốc lú cho anh hay sao mà anh đâm đầu vào nó mãi thế. Tiền của anh kiếm được có phải anh mang tất cho nó không? Bây giờ nghe đâu nó bám theo thằng cai xây trụ sở rồi đấy. Cái ngữ ấy á, không là thợ đào mỏ thì tôi cứ bé. Anh dại thì anh chết.

Bố Dụ hầm hầm:

- Này, tôi nói cho cô biết nhé! Tôi không đến nỗi ngu như cô nghĩ đâu. Chuyện cô với thằng Việt sẹo kia kìa, rõ mười mươi đấy, thật trăm phần trăm đấy, chính tôi bắt tận tay, day tận trán đấy, sao cô không ý kiến đi?

- Anh nhầm to rồi, anh Dụ ạ. Tôi đã nói với anh bao nhiêu lần rồi, chuyện tôi với anh Việt chẳng qua chỉ là tình cảm bạn bè, anh em, không có gì đen tối trong đó cả. Việc anh gặp chúng tôi hôm đó là việc công khai, giữa ban ngày ban mặt, có cả con cái Hà nó biết, bọn trẻ trâu nó biết. Anh đừng có lu loa, đơm điều thêm thắt nhé. Cây ngay tôi không sợ chết đứng đâu.

Mẹ Loan bắt đầu to tiếng. Bố Dụ cũng không kém:

- Vâng. Cây ngay ngay đấy. Để rồi xem. Việc tôi với cô Huê chẳng có bằng cớ gì sao cô cứ nghĩ ra như thế?

- Tôi không nghĩ. Dư luận nó đem đến cho tôi, tôi phải nghĩ. Thế thôi!

- Tôi hỏi cô, thế cô tin dư luận hay là tin chồng?

Mẹ Loan im lặng. Bố Dụ được đà dấn tiếp:

- Nào, cô trả lời đi. Cô tin dư luận hay là tin chồng?

- Thôi được - Mẹ Loan dịu giọng - Nhưng việc này rất hệ trọng anh phải nói thật nhé.

Vừa nói, mẹ Loan vừa nhìn thẳng vào mắt bố Dụ thăm dò. Đoạn, chị đi ra khép các cửa lại. Bị con kiến đốt vào chân đau nhói song Quân cố ghìm tiếng kêu suýt bật ra ở cửa miệng. Nó thu người lại vểnh tai lên nghe ngóng.

- Anh Dụ ạ - Mẹ nó tiếp tục - Anh biết cái Ngân đẻ chưa?

- Biết. Cái Ngân ngơ chứ gì?

- Phải! Hôm nó đẻ, anh cho nó nhiều quà không?

Tim thằng Quân đập thình thịch. Có chuyện đó à? Nó nín thở lại để nghe.

- Quà nào của tôi? Của cửa hàng chứ nào của tôi? Mà sao cô lại đem chuyện này ra nói với tôi?

- Anh cứ bình tĩnh nghe em nói.

Mẹ thằng Quân đổi giọng xưng hô. Bố nó thoáng ngỡ ngàng.

- Chuyện này mới chỉ có em biết thôi. Duy nhất chỉ có em nên anh đừng sợ mà làm toáng lên thế. Hôm nay, em hỏi anh chỉ để biết cho rõ sự thật để vợ chồng mình biết cách mà đối nhân xử thế.

- Cô đừng có rào trước đón sau thế nhé - Bố Dụ cấm cẳn - Có gì cô cứ nói toạc ra đi cứ úp úp mở mở mãi, sốt cả ruột.

- Vâng, em nói ngay đây, anh bình tĩnh nghe nhé. Em hỏi anh, có phải... anh là... là bố... bố thằng bé... có... có đúng không?

Mẹ Loan lấy hết can đảm nói rành từng tiếng. Chị nhìn xoáy vào mặt chồng. Dụ thoáng giật mình co người lại. Bên ngoài, tai thằng Quân ù đi. Nó nghiêng đầu ghé bên tai phải, cái tai thính nhất của nó vào sát vách.

- Cô... cô đừ... đừng có... có mà... đặt chuyện nhé!

Bố nó lắp bắp. Mẹ nó vẫn dềnh dang.

- Em không đặt điều đâu. Sự thật đấy!

- Tôi nói lại, cô đừng có vu oan, giá hoạ đóng sống cho tôi chuyện tày đình này.

- Anh hiểu như thế được là tốt. Có điều sự thật vẫn là sự thật. Anh còn nhớ cái hôm vỡ đập Hố Nứa không?

- Nhớ, sao lại không? Mà nó liên quan gì đến chuyện này?

- Có đấy. Từ hôm vỡ đập đến ngày con Ngân đẻ vừa đúng chín tháng mười ngày đấy. Nó có liên quan với nhau đấy.

Dụ ngẩn người ngơ ngác.

- Thì đã sao? Liên quan gì đến tôi mà tính với chả toán?

- Có chứ. Thế cái áo sơ mi cộc tay bị rách ở túi trái tôi khâu lại cho anh, cái áo mà anh vẫn gọi là “trái tim bị băng bó” ấy, nó đâu rồi?

- Cái áo nào?

- Cái áo sơ mi hoa có hàng khuy vải kiều dân tộc ấy, anh không nhớ à? Cái áo mà anh thích nhất, hay mặc nhất đó? Áo nghệ sỹ của anh đấy, nhớ chưa?

- Ôi dào! Rách từ đời tám hoánh, đem làm giẻ lau xe từ đời nảo đời nào còn hỏi.

Bố Dụ vô tư. Mẹ Loan tiếp tục:

- Không đúng. Hiện giờ nó đang ở trong tay con Ngân kia kìa.

Khuôn mặt bố Dụ thoáng biến sắc. Thôi chết, sao chiếc áo lại ở đó nhỉ? Mẹ Loan tấn công:

- Hôm tôi đến thăm nó, chỉ có nó ở nhà, tình cờ trông thấy cái áo đó ở đầu giường, tôi mới tỉ tê hỏi nó. Không hiểu sao hôm đó con bé tỉnh táo kể hết cho tôi nghe cái hôm mưa bão ở nhà kho hoang anh với nó làm gì. Lúc dân làng kêu đập vỡ anh mới nháo nhào chạy đi bỏ lại cái áo này. Nó khoác cái đó về nhà. Con bé giữ khư khư cái áo, ôm ấp nó. Bà Kim hỏi nó thì nó chỉ vào cái áo bập bẹ: “Nó đấy”. Hỏi thêm nữa, nó chỉ cười lắc đầu. Thế là bà ấy giữ cái áo như một báu vật. Khi nó chửa được tám tháng, gần đến tháng đẻ, bà Kim dặn nó phải giữ cái áo đó bên mình như bùa hộ mệnh. Bà ấy bảo làm thế cho dễ đẻ. Chỉ có tôi là con bé tiết lộ ra chủ nhân của chiếc áo ấy. Tôi đã ngậm đắng nuốt cay ngầm theo dõi cái thai đó xem thế nào. Thì ra đủ ngày đủ tháng là nó đẻ. Anh cũng biết chuyện đó rồi còn gì. Thì anh chẳng đã mang quà đến cho mẹ con nó đó sao?

Mặt Dụ nghệt ra. Thằng Quân choáng váng. Nó thấy bố Dụ nó thần người lại. Mẹ Loan nói tiếp:

- Khi biết con Ngân có chửa, chính anh là người phao tin nó chửa với anh Việt. Dân làng thấy thế cũng hùa theo. Anh độc ác lắm. Khi tôi biết được chuyện cái áo, tôi đã dặn nó tuyệt đối không được nói gì thêm với ai, kể cả bà Kim mẹ nó. Nó đã nghe tôi. Anh tưởng nó rồ dại thì không biết gì ư? Nhầm to đấy. Chửa đẻ nó thay máu đi, anh biết không? Nhục! Nhục lắm anh Dụ ạ! Tôi không ngờ anh lại đốn mạt, tồi tệ, vô liêm sỉ đến như vậy. Nó chỉ bằng tuổi con anh, lại nửa rồ nửa dại, thế mà anh dám làm nhục nó. Hôm nay, tôi nói thật với anh và cũng chỉ có nói với anh thôi rằng câu chuyện là như thế đó. Xong rồi, đâu bỏ đó, tôi cho qua hết, chỉ mong anh tu tỉnh lại, có trách nhiệm với vợ con, với cả mẹ con con Ngân nữa.

Mẹ Loan nói xong khẽ nấc lên. Thằng Quân lạnh toát hết cả người. Chân tay nó bủn rủn. Sao lại thế được nhỉ? Thực hay là mơ đây? Trong nhà kia, bố nó ngồi rũ ra. Mẹ nó sụt sịt khóc. Chợt nó thấy bố nó ngẩng phắt đầu, mắt long lên:

- Láo! Láo toét! Vu khống! Cô là đồ vu khống! Cái áo đâu chỉ là bằng cớ? Biết đâu nó nhặt được dựng chuyện thì sao? Chồng không tin lại đi tin con dở con dại. Cô... cô cũng rồ dại mất rồi!

- Anh cứ bình tĩnh. Đừng có cả vú lấp miệng em như thế.

Mẹ Loan nhẹ nhàng. Bố nó vụt đứng dậy, miệng quát tháo. Hai tay bố nó chắp sau đít băm bổ đi đi lại lại trong nhà. Đến trước mặt mẹ nó, bố nó cong người xoè hai bàn tay ra trước mặt mẹ nó nói rít qua kẽ răng:

- Cô quá thể rồi đấy! Cô đang làm nhục tôi đấy! Đã thế hôm nay tôi cũng nói để cô biết chính cô là người lừa dối tôi. Chính cô đẩy tôi đến con đường ấy. Cô đừng có mà đạo đức giả. Thằng Quân kia kìa, vâng, cái thằng Quân đấy, nó đâu phải là con tôi?

Đến lượt mẹ Loan tròn xoe mắt. Chị gạt nước mắt ngỡ ngàng nhìn chồng. Mặt Dụ đỏ tía tai. Máu trên mặt anh chảy rần rật. Miệng Dụ bạnh ra. Đất trời như chao đảo, đổ sụp dưới đôi chân của Quân. Suýt nữa thì nó ngất xỉu. Bám chặt tay bấu vào cánh cửa sổ, Quân cố vịn để tựa người nghe nốt câu chuyện. Thì ra, bố Dụ nó cũng biết chuyện nó là con chú Việt rồi. Thằng Quân thấy bố Dụ lục cặp lôi ra một tờ giấy chìa trước mặt mẹ nó. Tiếng bố nó nói rin rít qua kẽ răng:

- Đây! Cô đọc đi! Giấy xác định ADN đấy. Đọc đi, xem nó là con ai.

         Mặt mẹ nó thất thần. Người mẹ nó nhũn ra, gục xuống như sắp ngã. Được thể, bố Dụ nó nghiến răng ken két:

         - Mười chín năm tôi vẫn nghĩ nó là con tôi, ai ngờ... May mà hôm nó bị tai nạn, thấy việc tiếp máu có vấn đề, tôi đã nghi nghi. Cô biết không, chính tôi đã bí mật bảo thằng bác sỹ nó làm xét nghiệm cho tôi đấy. Mãi gần đây nó mới đưa tờ giấy này cho tôi. Khi đó, cô biết tôi thế nào không? Nhục! Nhục lắm! Tôi căm thù cô. Tôi căm thù cái đạo đức giả dối của cô.

Bố nó gầm lên.

- Cô biết không, từ đó trở đi, tôi bí mật trả thù cô bằng cách đưa thằng Quân dần dần đi vào con đường tội lỗi. Cho nó ăn chơi thoả thích, xả láng. Cho nó loá mắt vì đồng tiền. Rượu chè, cờ bạc, gái gú, thậm chí cả ma tuý nữa, tôi sẽ cho nó biết tất. Cả cái nhà này nữa, tôi cần chó gì. Cô đừng có lên mặt dạy tôi.

         - Trời ơi! Anh thật là tàn ác!

         Mẹ Quân kêu lên trong tiếng khóc.

Chỉ nghe được có thế và nhìn được đến thế, thằng Quân không chịu nổi nữa. Hai tay bo đầu nó chạy vù ra cổng. Cứ thế nó lao đi trên đường như bị ma đuổi. Ai gặp nó cũng rất ngạc nhiên.

         Không hiểu bằng cách nào nó đã chạy được đến cổng nhà cậu mợ nó. Cái Hà thấy Quân đến vội reo lên:

         - A! Anh Quân, bố ơi!

         Quân cũng chẳng nghe thấy gì chạy ào vào bên chiếc xe lăn. Con Hà vô tư rối rít:

         - Anh Quân ơi! Bố em sắp có tiểu thuyết rồi!

         - Quân hả? Chuẩn bị đọc tiểu thuyết của cậu nhé!

         Quang cũng phấn khởi khoe. Chẳng nói chẳng rằng, Quân ngồi phịch xuống, gục đầu bên chiếc xe lăn.

         - Ơ! Cái thằng này! Thế nào mà như ma bắt mất hồn thế? Ốm à? Sao mặt tái mét thế kia?

         Quang nhìn cháu lo lắng hỏi. Hiền thấy lạ cũng từ dưới bếp đi lên:

         - Có việc gì vậy cháu?

         Quân lúc bấy giờ mới sực tỉnh. Nó bặm môi, mắt rân rấn như sắp khóc.

         - Sao thế cháu? Quang ôn tồn hỏi lại.

         Đôi mắt Quân ngơ ngác nhìn hết lượt ba người nhà cậu Quang.

         - Cháu khổ lắm cậu mợ ơi!

         - Việc gì? Nói ngay cho cậu xem nào?

         - Cháu... cháu... khô...ông nói được đâu!

         Rồi Quân oà lên nức nở. Cả nhà cậu Quang nhìn nó ngạc nhiên. Hiền đến bên cháu vỗ về:

         - Thôi nào cháu! Thanh niên trai tráng thế này sao lại khóc! Có gì nói với cậu mợ đi? Mẹ cháu làm sao à? Hay bố cháu? Hay hai đứa em cháu làm sao?

         Những câu hỏi dồn dập của mợ Hiền làm đầu óc nó càng mụ lên. Văng vẳng bên tai nó câu nói của mẹ Loan lúc nãy: “Hôm nay, tôi nói thật với anh và cũng chỉ có nói với anh thôi rằng câu chuyện là như thế đó. Xong rồi, đâu bỏ đó”. Đầu óc nó giằng xé. Có nên nói với cậu mợ không? Nói thế nào? Cả cái Hà ở đây nữa? Có nên nói khô...ông?

         Quân vò đầu bứt tai, mắt ráo hoảnh:

         - Không! Cháu không sao cả! Cháu sẽ đi bộ đội!

         - Đi bộ đội mà sao phải khóc?

         Chưa kịp để cho Quang nói hết câu, Quân đã vù ra cổng i như lúc nó đến. Cả Quang và Hiền nhìn nó lắc đầu. Cái Hà đế theo:

         - Cái anh này... Lạ thật!

         - Lúc nào gặp anh, con lựa lời hỏi nó xem sao - Quang nói với cái Hà và quay sang nói với vợ - Cả em nữa. Tôi thấy dạo này nó lạ lắm.

         Khi Quân đang lầm lũi đi trên đường thì bố Dụ nó cũng phóng xe máy vù qua. Trước mặt nó là một quầng bụi đất bốc lên cuộn với khói xe khét lẹt. Khói bụi phả vào mặt nó tối mắt. Quân nhìn theo chiếc xe nhổ nước bọt phì phì. Đôi mắt nó hằn học, tức tối. Nát! Nát thật rồi!

         Quân bước đi vô định. Chợt đầu óc nó loé lên. Nó quyết định chuyển hướng. Lên uỷ ban ngay. Phải đăng ký nghĩa vụ quân sự ngay kẻo không kịp. Những chuyện vừa nghe thấy hãy tạm dẹp nó vào một góc. Đi. Phải đi ngay.

Vuốt lại quần áo, chỉnh đốn trang phục, lấy lại tư thế, Quân hăm hở chạy lên uỷ ban xã.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH

(Chương 10 - tiểu thuyết)


http://xuanthu.vnweblogs.com/gallery/2268/previews-med/393155-langque.jpg


Sau hôm vợ chồng nói nhau, Loan mất mấy đêm liền không ngủ. Chị thao thức trằn trọc thở dài trong đêm. Cái Thảo, cái Trang thấy mẹ thế hỏi chị chị chỉ ậm ừ: “Không có chuyện gì đâu. Mẹ chỉ hơi mệt tí thôi mà. Các con cứ ngủ đi mai dậy sớm còn đi học”. Nói vậy nhưng chị vẫn thở dài thườn thượt trong đêm và cố kìm tiếng nấc nghẹn ngào đang chực trào ra nơi cổ họng. Thấy mẹ vậy chúng cũng buồn lây. Hai đứa lặng lẽ tự sắp xếp lấy công việc. Quân bỏ đi biệt tăm. Nó chỉ dặn cái Thảo rằng: “Nói với mẹ đừng tìm anh, anh đi chơi với mấy người bạn, vài hôm thì về”.

       Cho hai đứa đi học xong, Loan vào giường nằm khóc rưng rức. Nhà cửa lạnh ngắt, vắng tanh. Đàn lợn bị bỏ đói kêu rống lên như bị chọc tiết. Chưa bao giờ Loan lại buồn và trống rỗng như thời gian này. Đau vì chồng hủ hoá mà không có chứng cớ. Đau vì bị bỏ rơi và mắc tội dối lừa. Càng nghĩ chị lại càng thương cho đời mình, lo cho thằng Quân. Từ hôm nó đánh Việt trên nghĩa địa, biết được nguồn gốc của mình nó như người khác hẳn. Lại thêm chuyện Dụ nói trắng phớ với chị hôm nọ rằng sẽ đưa nó vào con đường tội lỗi thì chị thực sự hoảng sợ. Đời chị chẳng nói làm gì, lỗi một nhịp, lỗi cả đời rồi, còn thằng Quân không thể để nó trượt đi như thế. Biết tìm nó ở đâu mà nói hết với nó, con ơi!

Việc Dụ biết Quân là con riêng của chị, Loan khá bất ngờ. Thì ra con người ấy cũng đáo để lắm. Mình đã nín nhịn, giấu kín chuyện này gần hai chục năm chỉ mong cho trong ấm ngoài êm. Hơn nữa, trong cuộc sống chồng vợ với Dụ chị cũng đã làm tròn bổn phận, chăm lo vun vén hạnh phúc gia đình. Trong họ, ngoài làng có ai chê trách chị điều gì đâu. Những năm đầu vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Gian khó thật đấy nhưng mà vui. Chồng buôn bán rau cỏ, dắt lợn giống, rồi thổi kén đám ma. Chất nghệ sỹ trong con người Dụ sao mà đáng yêu đến thế. Vợ cày cuốc bươn chải mấy sào ruộng khoán và chạy chợ. Tuy chưa khấm khá song kinh tế lúc đó coi như cũng tạm ổn. Vợ chồng sớm tối ríu rít bên nhau. Con cái đứa nào cũng ngoan ngoãn học giỏi. Anh em bè bạn gặp nhau vui cười xởi lởi. Cả Việt nữa, rất thân tình. Ngày đó, chị cũng vẫn thường xuyên cạo gió, thuốc thang cho Việt, Dụ có ý kiến gì đâu. Kinh tế, tình cảm như thế hỏi còn mong gì hơn nữa? Thế mà từ ngày Dụ vào ban quản trị, phó chủ nhiệm, rồi quyền chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, có tí chức quyền thì hạnh phúc gia đình chị ngày càng xuống dốc. Đặc biệt hơn, rõ nét hơn là từ khi Dụ nhận chức chủ nhiệm cửa hàng. Phải chăng khi người ta có chức, có quyền, có tiền thì bản chất sẽ thay đổi? Ghê sợ hơn là chức quyền ấy không những làm tha hoá bản thân họ mà còn lôi kéo cả những người khác gánh chịu hậu quả lây. Khổ quá cũng khổ, rõ rồi; sướng quá cũng khổ chính là thế này chăng? Trời ơi! Dụ biến chất mất rồi! Chuyện hủ hoá với cái Ngân, việc dẫn lối thằng Quân của Dụ là đỉnh cao của sự tha hoá này.

       Sáng nay, sau khi hai đứa con đi học, cho con lợn con gà ăn xong, Loan lại khép cửa vào giường nằm. Chị điểm lại tất cả sự việc đã xảy ra trong thời gian gần đây. Rồi xa hơn nữa. Thực sự lúc này chị chỉ muốn lao đến bên Việt để được anh chở che, để được giãi bày bao nỗi đau lòng đang chứa chất trong chị. Mấy chiều qua, ra tưới rau ngoài soi xong, chị lại tìm đến bờ sông ngồi một mình bên luống cải đang trổ hoa để tìm sự yên lặng. Mặc cho chiều dần buông, mặc cho mọi người ríu rít trên bến, chị như chơi vơi trong dòng hồi tưởng. Chỗ này đây chính là nơi hình thành thằng Quân, là nơi chị đã gửi bao nhiêu hy vọng. Chỗ này đây chị đã bước qua thời con gái. Và cũng chính chỗ này đây chị cạn khô dòng nước mắt khi được tin Việt hy sinh. Rồi mấy đêm ngồi thức trắng dưới gốc đa, thì thầm với dòng sông trước khi quyết định đến với Dụ. Tất cả giờ đã trở thành quá khứ xa xôi, quá khứ ngọt ngào và cay đắng. Ngỡ tưởng quá khứ ấy đã được ngủ yên giờ đây lại đang bị xáo tung lên hết cả.

     Có tiếng xe đạp loạch xoạch ngoài sân, chị lau vội giọt lệ đang lăn trên gò má. Định khép cửa lại không tiếp xúc với ai thì thằng Quân ào về. Nó chào chị. Chị nhìn nó bơ phờ vừa mừng vừa xót ruột.

- Mấy ngày qua con đi đâu hả Quân?

- Con đi chơi với mấy đứa bạn. Con đã dặn em Thảo nói với mẹ rồi mà.

- Sao nhìn con dạo này có vẻ mệt mỏi vậy?

- Thì mẹ biết rồi còn gì! Cả mẹ cũng thế thôi!

- Quân này, sáng nay con ở nhà mẹ con mình nói chuyện nhé!

- Vâng. Con cũng đang định thế đây.

Quân đến bên mẹ ngồi xuống. Loan cầm lấy tay con khẽ hỏi:

- Hôm nọ, con nghe hết chuyện của bố mẹ rồi phải không?

- Hôm nào? Quân ngơ ngác.

- Con đừng giả vờ nữa. Cái hôm bố và mẹ nói nhau đấy.

- Không. Con có biết gì đâu?

- Con đừng nói dối mẹ nữa - Loan nhắc lại - Chiếc xe đạp con bỏ ngoài cây rơm hôm đó đã chứng tỏ điều đó. Mẹ không nói con nghe trộm, con chỉ tình cờ nghe thấy thôi. Chính vì vậy mà mấy ngày qua con đã bỏ đi. Đúng không?

Quân hơi lúng túng nhìn mẹ và khẽ gật đầu. Loan buông tiếng thở dài:

- Vậy là con biết hết chuyện của mẹ và bố. Con đã lớn rồi, đủ thấy trách nhiệm của mình trước cuộc sống nên hôm nay mẹ sẽ nói thật, nói hết với con, rồi sau đó tự con phân xử, định liệu. Chuyện con là con đẻ của bố Việt là thế này... Ngày xưa, cách đây hơn hai chục năm, mẹ, bố Việt và bố Dụ của con là những người bạn, những thanh niên sôi nổi vô tư của làng. Bố mẹ cùng trong đội 202, cùng sinh hoạt một chi đoàn. Cả bố Việt và bố Dụ cùng theo đuổi và đem lòng thương yêu mẹ. Hồi đó, mẹ chỉ yêu bố Việt thôi. Mặc dù biết vậy song bố Dụ vẫn tấn công mẹ. Từ hai người bạn, bố Việt và bố Dụ trở thành những kẻ tình địch của nhau. Mẹ yêu bố Việt vì bố chất phác, thật thà, có chí khí và khảng khái. Không hoa lá như bố Dụ, bố Việt chăm lo cho người yêu khá đơn giản, mộc mạc, chân tình. Mẹ yêu cái nết ấy của bố Việt. Phong trào đánh Mỹ sục sôi, xã phát động tòng quân, bố Việt xung phong vào bộ đội. Trong khi đó, lấy cớ nọ kia, bố Dụ tìm cách ở nhà. Bố Việt vô tư lên đường. Con là kết quả tình yêu của mẹ và bố Việt trong cái đêm trước ngày lên đường nhập ngũ của bố. Chiến tranh mà con, sống chết biết thế nào được. Cho nên mẹ đã dành tất cả sự yêu thương cho bố Việt để bố Việt lên đường “chân cứng đá mềm” và để có được con hôm nay. Bố Việt đi rồi, ngày nào mẹ cũng nhận được thư của bố con. Lạ thế đấy, ở nhà bố con củ mỉ củ mì là vậy mà khi xa rồi thì thư từ tha thiết lắm. Trong khi đó, bố Dụ con thấy bạn đi xa đã liên tiếp tấn công mẹ. Bà con dạo đó lại đang ốm, gần đất xa trời một mực bắt mẹ lấy chồng để được nhìn thấy con rể. Nhà có ba chị em, cậu Quang nhập ngũ, dì Hiên công nhân, tất cả gắnh nặng dồn vào mẹ. Tấn công mẹ không ổn, bố Dụ con quay sang tấn công bà. Nhận được mười lá thư của bố Việt con thì mẹ tịt không được tin tức gì của bố con nữa. Rồi hơn tháng sau tin bố Việt hy sinh đã làm mẹ gần như quỵ ngã. Trong bụng mẹ, con đã hình thành. Bà có nguy cơ mất nên càng đốc thúc mẹ lấy chồng. Cuối cùng, mẹ đã đồng ý lấy bố Dụ. Con biết vì sao không? Vì theo ý của bà. Vì mẹ cũng muốn giữ thể diện danh dự cho mẹ. Dạo đó, mẹ cũng đang là đối tượng của Đảng. Chửa hoang thời đó nó ghê gớm lắm, xấu hổ lắm. Rồi gần tám tháng sau ngày cưới bố Dụ mẹ “đẻ non” ra con đấy. Cũng có tiếng xì xào đôi chút song bố Dụ con chẳng có nghi ngờ gì. Con trai “đẻ non” thế là chuyện bình thường. Không ngờ bố Việt con còn sống trở về. Mẹ vừa mừng vừa thương cho bố con. Một mặt mẹ vừa chăm lo vun đắp gia đình, mặt khác mẹ cố gắng dành thời gian chăm sóc, bù đắp cho bố Việt của con. Điều đó không có nghĩa là mẹ ăn ở hai lòng, tình ý nọ kia. Cũng chỉ vì mong muốn cho gia đình ấm êm, hạnh phúc nên mẹ giấu bố Dụ chuyện này cho mãi đến hôm nay. Mẹ nghĩ, nói dối với thiện chí mà được việc, mà bảo được toàn hạnh phúc còn hơn nói thật để nhiều người phải khổ đau. Thế mà, cuối cùng cái thiện chí ấy vẫn không thành. Bây giờ con biết rồi, bố Việt và bố Dụ cũng biết rồi, mẹ chỉ có một yêu cầu con hãy thương yêu lấy cả hai người bố của con, Quân nhé. Còn mẹ, mẹ là người có lỗi trong chuyện này cả với hai người, cả với con nữa. Hãy tha thứ cho mẹ, nghe con.

Loan cứ tỉ tê như thế. Chị nói với con mà như nói với cả chính mình. Quân ngồi yên lặng nghe. Nó thực sự xúc động trước câu chuyện tình éo le cảm động của mẹ.

- Thế còn chuyện bố Dụ con với cái Ngân? Có đúng như mẹ nói không?

Quân đột ngột hỏi mẹ. Loan bặm môi ngoảnh lại nhìn con. Yên lặng một lúc khá lâu, sau đó chị khẽ gật đầu.

- Trời ơi! Sao lại như thế được?

Mặc dù đã biết trước được điều này song khi thấy chính mẹ nó xác nhận thì Quân vẫn cảm thấy bị choáng và nó đã buột miệng kêu lên.

- Chính mẹ cũng không thể hiểu được sao bố Dụ con lại đến cơ sự như thế. Con lớn rồi, con biết phải xử sự như thế nào rồi chứ?

- Mẹ bảo con phải làm gì bây giờ?

- Tốt nhất là chôn chặt điều đó ở trong lòng và cư xử với mọi người, đặc biệt với nhà người ta cho thật tế nhị. Hãy giữ thể diện cho bố Dụ của con. Con thấy thế nào?

Quân ngồi im khá lâu. Mãi sau, nó mới lên tiếng:

- Vâng. Con nghe lời mẹ.

         Ngần ngừ giây lát, Quân ấp úng:

         - Mẹ này, con định...

         - Con định thế nào? Có việc gì cứ nói thẳng với mẹ đi? Có phải con nhận được thư của cái Dung không? Thư nó nói gì?

         - Vâng. Vẫn chuyện của con là con của bố Việt ấy mà.

         - Thì ra nó cũng biết.

         Quân lấy lá thư đưa cho mẹ. Loan vuốt phẳng tờ giấy và ngấu nghiến đọc. Đọc thư xong, chị ngẩng đầu lên nhìn Quân. Quân lên tiếng:

         - Con xin phép mẹ cho con đi bộ đội.

         - Đi bộ đội?

         - Vâng. Con... con đã làm hồ sơ trên uỷ ban rồi. Mẹ tha lỗi cho con.

         Loan hơi bị bất ngờ song nghĩ lại con chị xử lý như vậy là đúng.

         - Thôi được... Con cứ đi. Mọi chuyện ở nhà để mẹ lo. Thủ tục xong hết rồi chứ?

         - Vâng. Xong hết rồi mẹ ạ. Chắc vài ngày nữa là có lệnh nhập ngũ. Ăn Tết xong sẽ lên đường.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Tiếp theo chương 10



Trong đầu Loan chợt hiện về hình ảnh của Việt ngày xưa. Mới đó thế mà đã hai chục năm. Ngày ấy, Việt lên đường vô tư bao nhiêu thì bây giờ thằng con trai của họ lên đường lại trĩu nặng suy tư bấy nhiêu. Chạy trốn ư? Nói thẳng ra thì có lẽ là như thế. Mà cho dù như thế thật thì chị cũng mừng cho con, giải pháp ấy là tối ưu trong hoàn cảnh hiện tại của nó. Cho nó đi để nó hiểu thêm Việt, để tránh xa ảnh hưởng tội lỗi của Dụ, để cho nó có điều kiện lùi lại nhìn nhận, đánh giá, xem xét sự việc, để cho nó tiến lên nên người.

         - Mẹ! Mẹ nghĩ gì vậy?

         Tiếng Quân đột ngột cắt ngang luồng suy nghĩ. Loan thoáng chút giật mình.

         - Không. Mẹ có nghĩ gì đâu. Mẹ mừng cho con đã trưởng thành và nghĩ được như vậy. Nhưng mà... con nên nói chuyện với bố con một tiếng đi.

         - Bố nào?

         - Thì... cả hai!

         Quân ngồi yên đắn đo. Mãi sau nó mới nói:

         - Bố Việt thì... chính bố ấy với cậu Quang đã khuyên con từ lâu rồi. Còn bố Dụ... con... con... Mà chắc gì bố ấy quan tâm?

         - Sao con lại nghĩ thế?

         - Thật đấy. Lúc này đây con bảo đảm với mẹ rằng bố đã nghĩ và đối xử với con khác trước rất nhiều.

         - Thôi thì tuỳ con.

         - Loan ơi! Loan! Có nhà không đấy?

         Có tiếng gọi giật từ ngoài ngõ.

         - Ai đấy?

         - Tao đây! Toe đây!

         Chưa nghe hết câu bà Toe đã xồng xộc đứng trước hai mẹ con Loan.

         - Chết rồi con ơi! Nguy to rồi con ơi!

         Bà Toe nửa thì thào nửa như gào lên trong cổ họng. Hai tay bà vung lên dập xuống vỗ vào cạp quần. Ánh mắt bà nhớn nhác.

         - Có chuyện gì vậy bà?

         Loan lo lắng hỏi lại.

         - Có chuyện rồi con ơi! Nguy lắm!

         - Chuyện gì? Sao bà cứ úp mở mãi thế?

         - Thằng bố Dụ...

         - Sao? Nhà cháu làm sao? Loan túm lấy tay bà Toe rối rít.

         - Bố cháu làm sao hả bà? Quân cũng hỏi lại.

         - Thằng bố Dụ... nó... nó bị...

         - Bị sao? Bà nói ngay đi!

         - Nó bị... bị ... công an bắt rồi!

         Cả hai mẹ con Loan cùng túm lấy tay bà Toe cuống cuồng:

         - Sao? Bà nói lại xem nào?

         - Thằng Dụ nhà mày bị công an bắt rồi! Trên cửa hàng kia kìa! Họ đang khám xét đấy. Hàng lậu, hàng giả đầy ra lo chả chết. Không ra mà xem còn ngồi ở đây làm gì?

         Chỉ nghe được có vậy, Quân ba chân bốn cẳng đã tót ngay ra ngõ. Loan khuỵu xuống kêu lên:

         - Khổ con quá bà ơi!

         Việt dắt chiếc xe đạp tồng tộc vào sân.

         - Loan ơi! Dụ bị công an bắt rồi!

         - Tôi cũng vừa nói cho nó biết đây. Anh cũng biết việc này à?

         Bà Toe hỏi lại Việt. Việt đáp:

         - Vâng. Cháu qua cửa hàng thấy mọi người xúm đen xúm đỏ ở đó vội vào ngó xem thì thấy công an người ta đang khám xét. Cháu chạy về đây báo cho cô Loan biết.

         Người Loan tái mét. Chị nức nở cào cấu Việt:

         - Khổ em quá anh Việt ơi! Anh bảo em phải làm gì bây giờ?

         - Cái con này hay nhỉ. Phải bình tĩnh chứ!

         Bà Toe khuyên can. Chưa dứt câu đã thấy ầm ầm ngoài ngõ. Mọi người cùng ngoảnh ra. Trước mắt họ là công an, phòng thuế, là đội quản lý thị trường, là cán bộ xã, là Dụ, Phán và mấy nhân viên cửa hàng cùng bao kẻ tò mò bám theo sau. Mặt Dụ xám ngoét. Thằng Phán câng câng. Lệnh khám nhà được đưa ra. Loan ngất xỉu không còn biết đất trời là gì nữa.

          Khi mọi người làm xong công việc của họ, người ta yêu cầu Loan ký vào biên bản khám nhà, chị cầm bút làm theo như một cái máy. Họ dẫn Dụ đi. Chưa bao giờ chị thấy Dụ thảm hại như lúc này. Gương mặt Dụ tái mét như gà cắt tiết. Hai tay Dụ run run. Đôi mắt Dụ cụp xuống trước cái nhìn của mọi người. Dụ chỉ kịp nói với chị: “Ở nhà trông nom con cái. Hãy tha lỗi cho anh!”. Loan chới với chuệnh choạng bước theo đoàn người. Quân chạy lại đỡ lấy chị.

Căn nhà trống hươ trống hoác. Cả mấy mẹ con Loan thờ thẫn như vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra với nhà mình. Mãi sau sực tỉnh, chị mới giục Quân lấy xe đạp đèo chị chạy theo đoàn người. Hai mẹ con chị lên tận trụ sở công an huyện mãi tối mới về. Lúc về, đến gốc đa đầu làng thì chị bảo Quân về trước để chị ra soi rau lấy cải bắp về ăn. Thực tình lúc đó chị chỉ muốn quyên sinh, muốn gửi thân xác mình theo dòng sông ra biển cả.

Chị bước đi như vô định. Trời nhập nhoạng tối. Đến mom sông, chị không lê nổi bước chân mình nữa. Loan lặng lẽ ngồi gục đầu bên bến sông. Không khóc được. Sự tủi hờn, niềm cay đắng, nỗi nhục nhã ê chề cứ ứ lên tận cổ chị. Chị cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng đến cùng cực. Bất chợt chị nhớ đến Việt, người mà chị yêu thương nhất, quý trọng nhất. Anh ấy vẫn đi bên cuộc đời chị. Yêu lắm đấy, thương lắm đấy mà sao không thể nào đến được. Thằng Quân, con của anh đấy mà nó vẫn không thể nào gọi cha cũng như anh chẳng dám gọi con về. Cái mom sông này đây hơn hai chục năm về trước là nơi hò hẹn của chị với Việt. Bãi cát vàng kia là nơi chị trao thân cho anh, là nơi hình thành nên thằng Quân. Họ hàng nhà Dụ biết được chuyện này liệu chị sẽ ra sao? Hai chục năm trời sống với Dụ sao tình chồng nghĩa vợ vẫn cứ xa vời vợi? Chị có tội với Việt và có lỗi cả với Dụ. Hai người đàn ông cùng đi bên đời chị, cùng vì chị mà khổ đau. Giờ Dụ lại thế chị còn mặt mũi nào ngẩng đầu lên với mọi người? Dưới chân chị giờ đây chỉ còn tiếng nước sông róc rách chảy. Sóng nước vỗ vào bờ ì oạp. Đêm dần buông, sông nước mênh mang. Chị nhắm mắt khẽ rùng mình chợt thấy cả bến sông một màu vàng hoa cải, màu vàng ấy trải dài tít tắp dắt hồn chị lâng lâng trôi đi. Tiếng chuông chùa bến Mom vọng lại nghe ngân nga thánh thót khúc nhạc buồn. Thoang thoảng mùi hương trầm quyến rũ như dắt chị vào cõi xa ăm. Phải rồi, con đường giải thoát cho chị đây rồi. Chị đã đem khổ đau cho mọi người, giờ chị phải tự tìm lấy đường giải thoát. Ba đứa con của chị đã lớn, chúng đã tự lo được cuộc sống. Việt, Dụ thì như thế, chị ở lại chỉ thêm khổ cho họ. Thôi, phải đi thôi! Xin vĩnh biệt tất cả!

Loan đứng dậy lê bước chân ra sát mom sông. Dưới kia dòng nước đen ngòm như đang đợi chị. Chỉ giây phút nữa thôi tất cả sẽ dừng lại, tất cả sẽ trôi đi, chẳng còn phải bận lòng chi nữa. Dòng sông ơi, hãy đón đợi một kiếp người tội lỗi này.

- Loan! Sao em lại làm thế?

Có bước chân người và tiếng gọi gấp. Chưa kịp định thần, Loan đã nằm trọn trong vòng tay của Việt.

- Loan! Đừng làm thế! Đừng hèn nhát thế em!

Tiếng Việt thì thầm bên tai như cầu xin, như chia sẻ. Loan bừng tỉnh ôm chặt lấy Việt oà khóc.

- Anh Việt ơi! Em khổ quá!

- Biết rồi! Can đảm lên em!

Mãi một lúc sau, khi bình tâm lại, Loan hỏi Việt:

- Sao anh lại biết em ở đây?

- Biết chứ. Chỗ này là chỗ của chúng mình mà.

Loan càng khóc to hơn. Việt vỗ về:

- Thôi nào em. Thực ra, không đêm rằm nào là anh không ra bến sông này. Mùa hạ cũng như mùa đông, chỉ trừ đêm nào mưa to quá không đi được thì anh mới không ra thôi. Em biết vì sao không? Đó là cái đêm trước ngày anh nhập ngũ, và mãi gần đây anh mới biết thêm rằng đó là chính cái đêm chúng mình có được thằng Quân. Anh thường ra đây ngồi một mình để nhớ về một thời quá vãng, gặm nhấm kỷ niệm. để nhâm nhi niềm hạnh phúc hiếm hoi nhưng vô cùng to lớn của mình. Còn hôm nay, khi nghe tin dữ, anh đến nhà em hỏi thăm tình hình của Dụ thì được Quân nó bảo em lấy rau ngoài soi, anh theo ra đây liền. May mà anh đến kịp, không thì... Đừng tuyệt vọng, em nhé. Anh luôn ở bên em.

Việt vuốt nhẹ mái tóc Loan thì thầm.

- Khổ đau nào rồi cũng qua đi - Giọng Việt thủ thỉ -  Ta phải sống. Sống cho nhau, cho các con và cho cả mọi người nữa. Dụ nó bị thế anh cũng đau lòng lắm. Lỗi này một phần cũng do anh. Chúng mình phải can đản lên, đàng hoàng lên để chứng tỏ cho Dụ, cho mọi người biết rằng tình cảm giữa em và anh là hoàn toàn trong sáng, vô tư. Bây giờ mà em bỏ đi tức là em hèn nhát, em trốn tránh sự thật, trốn tránh trách nhiệm. Thằng Quân, rồi con Thảo, con Trang nữa nó sẽ hận em đấy. “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận với những năm tháng đã sống hoài sống phí, với những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của đời mình”. Pa ven đã chẳng từng nói như thế là gì. Cái thuở xưa hào hùng, sôi nổi của em đâu rồi? Dũng cảm lên Loan. Dụ có thể bị đi tù. Tội ấy nặng lắm. Dứt khoát là như thế. Cho nên, em phải sống lo cho các con. Em là chỗ dựa tinh thần và thể xác cho chúng nó. Sau này vợ chồng đoàn tụ, Dụ sẽ hiểu em hơn, tôn trọng em hơn. Đừng nghĩ quẩn mà làm rắc rối thêm mọi việc.

Việt cứ rủ rì rù rì nói với Loan như thế. Chưa có lần nào kể từ ngày mất nhau đến giờ anh lại tâm sự thẳng thắn và sâu sắc như lần này. Nghe những lời Việt nói, trong vòng tay của Việt, trước mắt anh, Loan cảm thấy nhỏ bé biết chừng nào. Loan tin cậy gục đầu vào khuôn ngực vạm vỡ của Việt. Lâu lắm rồi chị mới tìm lại được cảm giác yêu đương thuở nào. Mãi sau, Việt chủ động:

- Thôi, mình về đi em. Về cho các con khỏi mong. Chúng nó đang lo sợ ở nhà đấy. Anh cũng lên nghĩa địa đây. Cấm không được nghĩ quẩn làm liều nghe chưa. Anh luôn ở bên em.

Họ chia tay nhau dưới ánh trăng rằm vằng vặc. Trong lòng Loan đã vợi bớt đi được phần nào nỗi cô đơn và sự buồn chán. Phải sống! Đúng rồi, phải sống! Vì các con, vì Dụ, vì tất cả mọi người. Sống là tranh đấu, là hạnh phúc lớn nhất của con người. Sông có khúc, người có lúc. Lúc này đây, cái lúc cam go, phức tạp nhất là lúc cần mình nhất, tại sao mình hèn đớn vội bỏ đi? Nghĩ vậy, Loan gạt nước mắt, đôi chân rắn rỏi bước vội về nhà
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNH HÔN XANH

(tiểu thuyết - chương 11)


http://xuanthu.vnweblogs.com/gallery/2268/previews-med/Ben_bo_song_Lo.jpg

Mấy ngày nay, ông Dẫn đau đầu trước sự việc Dụ, em trai ông bị công an huyện bắt về tội buôn bán hàng giả, hàng lậu. Hàng trăm chai rượu, hàng ngàn gói mì chính, mấy kiện thuốc lá... toàn là đồ giả. Toàn những thứ à Dụ chuẩn bị đầu tư cho Tết. Suýt nữa thì dân xã Tân Phong được dùng những của rởm này. Tệ hại hơn lại có cả chục cân thuốc nổ ở trong phòng làm việc của Dụ. Dụ khai nhận số thuốc nổ đó là của một chủ cơ sở sản xuất pháo họ gửi. Bất biết của ai, cứ ở trong phòng anh thì anh phải chịu trách nhiệm. Đó là lẽ đương nhiên. Thanh minh gì mời anh ra toà mà thanh minh. Toàn bộ số hàng đó đều bị tịch thu chuyển về công an huyện chờ giải quyết. Kiểm tra sổ sách, họ còn phát hiện ra Dụ còn mấy hợp đồng mua hàng nữa rất nhập nhằng. Tiền, hàng để ngoài sổ sách quá nhiều. Phán đứng ngoài cuộc, vuỗi tay. Hỏi đến nhân viên nào thì nhân viên đó đều bảo rằng đó là “hàng của chủ nhiệm khai thác”. Trăm tội đổ lên đầu Dụ. Anh bị công an huyện bắt tạm giam để điều tra.

         Đúng như dự đoán của ông Dẫn, đi đêm lắm sẽ có ngày gặp ma. Điều mà ông không ngờ tới rằng sao thằng em của ông, làm cán bộ xã bảy tám năm trời rồi mà lại đâm đầu vào con đường ấy cơ chứ. Đã bao lần ông khuyên nhủ, nói gần nói xa, thậm chí anh em ông còn to tiếng với nhau về cung cách làm ăn của Dụ thế mà Dụ vẫn bất chấp. Đã bảo dư luận dị nghị Dụ biến cửa hàng xã thành quầy hàng tư nhân của mình mà nó đâu có nghe. Bây giờ thì trắng mắt ra chứ? Loá mắt vì đồng tiền, sa ngã vì gái để hậu quả nó nhãn tiền ra đấy. Ông còn mặt mũi nào mà ăn nói với dân làng nữa. Đến hay mồm hay miệng, ruột để ngoài da như vợ ông mà bà ấy cũng lầm lầm lì lì cả ngày chẳng mở miệng lấy một câu. Nhục! Nhục quá! Đau quá! Nó làm mất thanh danh của dòng họ này rồi.


           Hôm khám xét cửa hàng, con Huê cũng có mặt ở đó. Mặt nó nhơn nhơn ra trông đến ghét. Ngó nghiêng một lát rồi nó ôm eo thằng cai xây trụ sở xã phóng xe máy vù đi coi như không có việc gì xảy ra. Ông Dẫn nhìn thấy hết. Đồ bạc tình, bạc nghĩa. Kẻ vô ơn. Thấy người ta hoạn nạn lại nhảy lên bờ. Thế mà trước đây thằng em trai ông chẳng cứ đâm đầu mãi vào. Cũng may khám nhà Dụ, họ không phát hiện được gì. Thì nó có để gì ở nhà cho vợ con đâu? Từ lâu nó có coi cái nhà đó là nhà của nó nữa đâu. Và cũng may, thằng Quân lại không dính vào vụ này chứ cứ như dạo trước bố con nhà nó chạy hàng ngược xuôi thì không khéo thằng bé cũng chui đầu vào rọ với bố nó rồi. Chỉ khổ cho Loan và hai đứa cháu. Cái Thảo, cái Trang đi học về thấy bố thế thì gần như ngất xỉu. Thằng Quân đứng như trời trồng, ngơ ngác nhìn mọi người làm việc. Loan rũ rượi bấu lấy áo ông mà gào khóc. Tội chúng nó quá. Thế là nát nhà, thế là mất Tết.

       Trước sự kiện này vợ chồng Quang Hiền cũng buồn lắm. Đã cảnh báo ông ấy rồi mà ông ấy đâu có nghe. Hiền nói với chồng:

      - Em ghét bác ấy lắm. Biết thế cứ để cho bác ấy chết ngay từ cái vụ bè mảng thì đâu đến nỗi. Đận này thì trời cứu, thân tàn danh liệt là cái chắc. Mà cái nhà anh Việt nữa, vụ bè mảng ấy, cứ nói thẳng ra rằng đã phải chạy vạy như thế, cứu giúp như thế để bác ấy biết đường mà tránh đằng này lại không nói, cứ im ỉm im ỉm giúp để bác ấy được thể càng lên nước. Giúp nhau như thế chẳng khác nào đưa nhau vào chỗ chết. Đúng là áo gấm đi đêm.

      Quang nhẹ nhàng:

      - Em làm gì mà nặng lời với bác Việt thế? Đến hiến máu cứu thằng Quân bị dư luận người ta rêu rao là bán máu mà bác ấy còn lờ đi nữa là. Âu cũng là bài học cho lão Dụ.

      - Nhưng mà đắt giá quá - Hiền nhấm nhẳn.

       Ngóc đầu lên khỏi chiếc xe lăn, Quang bực dọc nói:

      - Tham thì cho chết, bây giờ trách ai?

        Hiền chống tay vào cằm tư lự:

       - Bảo ông ấy tham thì tiền ông ấy để đâu? Em thấy nhà đó làm gì có tiền? Mẹ con nhà bá Loan vẫn khổ đấy thôi? Nhà cửa nào có sắm sửa được cái gì? Hay là ông ấy đem tiền cho gái?.

- Cho gái - Quang nhắc lại - Rồi thì vào tiền hàng đánh quả tiếp chứ còn đi đâu nữa! Được một lại muốn có hai cơ, lo chả chết.

Nói vậy nhưng lòng Quang thắt lại vì hận anh rể, vì thương chị gái, thương các cháu.

Đã bảo cung cách làm ăn của Dụ sẽ diễn theo chiều hướng xấu song họ cũng không thể ngờ rằng nó lại đi vào ngõ cụt nhanh như thế. Bao nhiêu câu hỏi, bấy nhiêu điều thắc mắc hiện lên trong đầu họ khiến cho những ngày này tuy sức khoẻ của Quang có khá hơn song không khí gia đình thì vẫn nặng nề một cách rất khó tả.

Dân xã Tân Phong, đặc biệt làng La Hương thì rộ lên một làn sóng những câu chuyện xung quanh việc Dụ bị công an phát hiện bắt giữ về tội buôn bán hàng giả, hàng lậu. Đi đâu, chỗ nào người ta cũng túm tụm nhau lại mà bàn tán xì xèo. Chẳng còn thì thầm nhỏ to rỉ tai nhau nữa, những câu chuyện thật hư về Dụ được dịp người ta bô bô nói với nhau. “Phen này lão Dụ chết, chẳng kể hàng rởm, hàng giả, nguyên yến thuốc nổ cũng đủ để lão đi toi rồi”. “Tôi đã nói ngay mà, cái ngữ ấy làm ăn kiểu ấy có ngày đi đời nhà ma, có sai đâu! May mà công an phát hiện sớm không thì Tết này dân xã Tân Phong mình tha hồ mà uống rượu giả”. “Cả mì chính, thuốc lá giả nữa chứ”. “Thì chủ nhiệm đã giả rồi thì còn cái gì là thật nữa”. “Giả là giả thế nào? Ông ấy được xã giới thiệu, được cử ra thay bà Chắt hẳn hoi, lại cũng được bầu bán đàng hoàng đấy, sao lại gọi là giả?”. “Ừ, thì chủ nhiệm thật nhưng cung cách quản lý thì rất dở. Thấy nông nghiệp khoán quản cũng đua đòi khoán quản, mỗi anh mỗi túi, hàng thật hàng lậu nhập nhèm, công tư lẫn lộn lo chả chết”. “Thì cơ chế nó thế, ông ấy tránh sao được?”. “Cơ chế với chả cơ chế. Giờ chẳng bảo cơ chế nó châm chước cho. Bảo các ông, các bà nhân viên cửa hàng họ nhận đỡ cho. Muốn ăn dày, ăn tất cơ. Chết là phải”.

Mọi ý kiến trái ngược nhau, kẻ nổi giận, người cảm thông, kẻ cay cú đắc thắng, người thương xót sẻ chia... tất cả đan xen nhau. Tựu trung lại, họ coi đây là sự kiện động trời cuối năm của xã Tân Phong. Lãnh đạo xã cũng đau đầu về vụ này. Ông Khanh bí thư, ông Nhân chủ tịch luôn mồm nhắc đi nhắc lại: “Sao lại thế được cơ chứ? Sao lại thế được cơ chứ?”. Riêng ông Hải, thường trực đảng uỷ xã, chủ nhiệm cũ của HTX Nông nghiệp thì trầm tư hơn. Sau cái hôm Dụ bị bắt, đích thân ông Hải xuống nhà Loan hỏi thăm. Ông vỗ về Loan: “Việc này cũng có lỗi của chúng tôi. Giá như chúng tôi sâu sát hơn tí nữa, thường xuyên kiểm tra cửa hàng hơn nữa, thường xuyên nghe chú ấy báo cáo thì đâu đến nỗi. Anh em làm việc với nhau bao nhiêu năm, tôi lạ gì tính khí chú ấy, thế mà không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến vậy. Chúng tôi quan liêu quá. Tôi cũng có lỗi trong việc này cô ạ. Thôi, hãy bình tĩnh để tháo gỡ dần”.

Cửa hàng mấy ngày này vắng teo, đóng cửa im ỉm. Lệnh niêm phong của công an được thi hành để phục vụ cho công tác điều tra. Mọi công việc bây giờ đều đến tay Phán cả. Mặt mũi anh ta bơ phờ. Cũng may, trong các phi vụ làm ăn của Dụ, Phán tỉnh đòn hơn. Biết Dụ làm sai nguyên tắc anh ta không ngăn cản hoặc có ngăn thì chỉ nhắc lấy lệ. Phần vì ấm ức không được lên chức chủ nhiệm khi bà Chắt nghỉ hưu, phần vì Phán thấy Dụ liều quá đâm ra sợ. Các phi vụ làm ăn Dụ quyết hết, chẳng cần bàn bạc, ghi chép sổ sách. Ngay như chuẩn bị cho Tết tới, Dụ quyết chi phong bì đi cửa này cửa nọ, lo lót chỗ nọ chỗ kia, kế toán và thủ quỹ cũng không được bàn. Dụ quyết xuất quỹ cả chục triệu đồng để làm “phí ngoại giao”, Phán phản đối cũng không được. Thậm chí, đi Tết, Dụ cũng chẳng cho ai đi cùng, mà có đi cùng nhiều khi lại phát ngượng vì ông ấy. Ai lại mang quà Tết đến nhà người ta, Dụ còn rút ví lấy tiền “mừng tuổi” gia chủ làm cho Phán mất mặt. Nửa tháng nữa mới Tết sao gọi là mừng tuổi? Chẳng qua là nịnh nọt, lấy lòng để nhờ cậy sau này, anh đi guốc trong bụng lão ấy. Lão ấy có tiền mừng chẳng lẽ mình lại không? Có đem theo tiền đâu để mà xử lý? Mà kể có đem theo đi chăng nữa thì lấy đâu cho đủ? Tiền túi của lão ấy chắc? Còn lâu nhá, quyết toán tất vào quỹ cả đấy. Tiền tập thể mà cứ như tiền của mình không bằng. Thế nên, đi được vài “cửa”, Phán chán chẳng buồn đi nữa. Không đi càng dễ cho Dụ. Gia chủ liệu có biết quà của tập thể hay quà của ông ấy? Đúng là “của người phúc ta”, “mượn hoa dâng Phật”. Biết chi quà nhiều, quà ít, hay là đúc túi? Mấy cô nhân viên thấy sếp thậm thụt “đi chúc Tết”, rỉ tai nhau: “Mình còng lưng làm cả năm để sếp mang tiền đi đút lót, hối lộ, lấy lộc cá nhân. Một cái phong bì bằng cả nửa năm lương của mình. Bất công quá. Đem tiền chùa để lo việc tư thế có gì là giỏi”. Bây giờ khi sờ đến sổ sách kế toán, Phán vuỗi tất, coi như không biết gì. Cánh nhân viên xem ra lại vui mừng trước sự kiện sếp của mình gặp nạn.

Có điều lạ là dịp này bà Toe lại không có ý kiến gì, không tham gia một cuộc “tụ tập” nào. Thậm chí bà còn mắng những kẻ dỗi hơi bàn tán rằng: “Tôi không hiểu sao các vị lại quan tâm đến sự kiện này như thế trong khi đó mình còn bao nhiêu việc phải làm. Để cho các nhà chức trách họ giải quyết, đừng làm rối thêm nữa. Hay ho gì cái chuyện đó”. Một số người nghe bà nói vậy vừa ngạc nhiên vừa tìm cách lảng đi. Chớ có dây vào bà này, bà ấy mà nổi đoá lên thì liệu chừng. Bà hay đến nhà Loan hơn. Vừa bỏm bẻm nhai trầu bà vừa tỉ tê an ủi: “Thôi, mẹ nó ạ. Chẳng qua đó là cái hạn tránh cũng chẳng được. Sông có khúc, người có lúc, qua đận này biết đâu chú ấy tỉnh ngộ lại hay. Mẹ mày phải cứng rắn lên cho con cái nó có chỗ dựa chứ ủ rũ thế giải quyết được cái gì?’. Bà Dẫn cũng góp lời: “Bà Toe nói phải đấy. Thím phải giữ gìn sức khoẻ, cố mà ăn uống vào. Thím mà ốm nằm xuống đấy thì khổ cả nút”.

Sáng nay, sau mấy đêm thức trắng, Loan cố ngóc đầu dậy giục cái Thảo, cái Trang đi học. Quân đang cho lợn ăn ngoài chuồng. Chị vấn lại mái tóc rồi ra giếng rửa mặt. Ông Hải đèo Việt phóng xe vào giữa sân:

- Chào cô Loan!

Loan thoáng chút ngỡ ngàng:

- Vâng, em chào hai bác. Mời hai bác vào xơi nước.

- Các cháu đi học cả rồi hả Loan? Cháu Quân đâu? Ông Hải tiếp tục hỏi.

- Vâng. Hai cháu vừa mới đi học, còn cháu Quân đang cho lợn ăn. Có việc gì vậy bác?

Loan tỏ vẻ lo lắng. Chị sợ lại có việc gì mới liên quan đến Dụ. Dạo này, chị luôn sống trong tâm trạng phấp phỏng lo âu. Ông Hải cười:

- Chẳng có việc gì đâu. Tôi lên trụ sở dọc đường gặp chú Việt rủ chú ấy vào chơi thăm cô một lát ấy mà.

- Thế mà bác làm em hết cả hồn.

- Cái nhà cô này, chỉ thần hồn nát thần tính.

Ông Hải cười xoà xua đi nỗi âu lo của Loan. Việt thay Loan pha nước mời khách. Anh xót xa khi nhìn thấy khuôn mặt hốc hác của Loan.

- Dạo này không ngủ được hay sao mà trông em phờ phạc thế? Việt hỏi.

- Anh tính, nhà em vậy em làm sao mà ngủ được.

Nhấp ngụm trà nóng rồi xoay xoay cái chén trên tay, ông Hải nói:

- Mọi việc rồi sẽ qua thôi cô ạ. Suy nghĩ làm gì nhiều cho ốm ra.

Loan thở dài từ tốn:

- Vâng. Em cũng biết thế... nhưng không nghĩ không được bác ạ.

- Đã đành vậy. Cô mà gục xuống lúc này bọn trẻ trông cậy vào ai? À, mà cô Loan này, hôm nọ cháu Quân lên uỷ ban xin đi bộ đội. Hồ sơ xong hết rồi. Huyện đã duyệt, ngày kia phát lệnh. Tôi muốn đến hỏi cô có thể cho cháu nó ở nhà được không?

Loan tròn mắt nhìn ông Hải. Việt cũng ngỡ ngàng hết nhìn ông Hải lại nhìn Loan. Lúc nãy trên đường vào đây ông Hải không nói gì cho anh biết chuyện này. Lát sau, Loan lên tiếng:

- Hôm đi làm hồ sơ cháu nó cũng có xin phép em. Em đồng ý. Nhưng mà... sao... sao lại phải hoãn hả bác? Hay là bố cháu thế nên...

         Ông Hải xua tay:

         - Không. Cô đừng hiểu lầm. Việc nào đi việc đó. Có điều tôi muốn cho cháu nó ở nhà với cô kẻo lúc này mình cô xoay xoả sợ vất cho cô thôi.

         - Không. Cháu không ở nhà đâu. Cho cháu đi bộ đội.

         Tiếng Quân vang lên ở góc nhà. Cho lợn ăn xong, Quân vào đứng ở góc nhà nghe lỏm câu chuyện của ba người tự khi nào. Họ cùng quay về phía Quân. Loan nói với con:

         - Không chào các bác đi hả con?

         Quân lí nhí:

         - Cháu chào... chào các bác ạ!

         - Đấy - Loan quay lại nói tiếp với ông Hải - Ý cháu nó quyết vậy, nếu không vi phạm tiêu chuẩn gì thì các bác cứ cho cháu đi. Công việc ở nhà em lo được mà. Cho cháu đi cho nó nên người. Chắc bác hiểu hoàn cảnh của em lúc này chứ?

         - Thì thế tôi mới phải hỏi cô - Ông Hải cười cười.

         - Cháu không ở nhà đâu. Cháu cứ đi bộ đội đấy.

         Quân nhắc lại. Việt lên tiếng:

         - Cháu nó nghĩ như vậy là đúng đấy bác Hải ạ. Tôi tưởng việc gì chứ việc này bác cho cháu nó nhập ngũ là đúng. Công việc ở nhà còn có họ hàng, anh em, còn có dân làng hàng xóm chúng tôi cơ mà. Với lại thời chiến còn chẳng lo nữa là bây giờ.

         - Hỏi là hỏi vậy thôi chứ tôi cũng nhất trí cho cháu đi đấy chứ - Ông Hải nói và quay sang Quân - Ngày kia nhận lệnh, ăn Tết xong lên đường. Rõ chưa?

         - Hoan hô bác Hải! Cháu xin chấp hành!

         Quân reo lên và tót ngay ra ngõ. Còn lại ba người, họ nói chuyện với nhau một lúc thì chào Loan ra về. Việt nửa muốn ở lại với Loan, nửa muốn đi theo ông Hải. Ánh mắt anh thăm thẳm nhìn Loan. Không được. Không nên ở lại. Lúc này mà gần gũi Loan quá có khi lại khổ cho Loan. Thương lắm Loan ơi, hãy gắng chịu cho qua những ngày này em nhé. Anh luôn ở bên em. Việt nói với ông Hải:

         - Mời bác lên nghĩa địa!

         - Cái cậu này, chẳng mời tôi đi đâu lại mời lên nghĩa địa.

         - Thì nghĩa địa là nhà của em mà bác. Mời bác lên thăm trang trại của em có khi bác lại chẳng muốn về ấy chứ.

         - Ừ, thì đi!

         Hai người trèo lên chiếc xe đạp đạp đi. Loan đứng trông theo họ. Chờ cho bóng hai người khuất dần nơi cuối xóm chị mới quay trở vào nhà. Lòng chị thoáng chút chênh chao. Thế là thằng Quân con chị sắp trở thành người chiến sỹ rồi. Bất chợt kỷ niệm về cái ngày nhập ngũ của Việt bỗng ùa về khiến cho chị nao nao.



*

*        *
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Tiếp theo chương 11


Hiên về. Lâu lắm rồi Hiên mới về quê. Không phải Hiên biết tin Dụ bị bắt mà Hiên về. Việc Hiên về đã thành lệ hàng năm của chị. Cứ những ngày cứ giáp Tết là chị lại về quê ngoại. Gọi là đi Tết anh chị nhưng thực ra là chị thăm viếng mộ ông bà, cha mẹ. Mọi năm, vợ chồng cái con nhà chị về đủ cả nhưng năm nay chồng chị bận việc cơ quan, các con vẫn đi học nên chỉ có mỗi chị về.

Về đến nơi, Hiên mới biết tin anh rể mình bị bắt. Bao cảm hứng gặp gỡ chị em trước không khí chuẩn bị đón Tết trong chị tan biến. Thay vào đó là nỗi buồn chán, niềm cảm thông và cả sự bực dọc nữa. Chuyện gia đình chị gái mình, Hiên cũng sơ bộ nắm được nhưng không ngờ nó lại diễn biến và kết cục bi đát như vậy. Nhiều lần, Hiên nhắn nhủ chị gái mình hãy giữ lấy chồng, nếu anh ấy quá thể thì tốt nhất là hai người hãy giải thoát cho nhau. Còn Dụ, Hiên cũng đã tìm cách nói gần nói xa, có lúc chị gay gắt với Dụ: “Anh mà không đối xử tốt với chị em là không xong với em đâu”. Dụ cũng không vừa: “Dì thì biết gì mà nói. Dì tưởng tôi sướng lắm à?”. Bây giờ mọi việc đã đến mức độ ấy, có nói gì cũng đã muộn.

Chị em họ mấy đêm gần như thức trắng. Bao điều cần nói họ đã nói với nhau. Cả cái việc Quân là con riêng của Loan, rồi Dụ có con với cái “Ngân ngơ” Loan cũng không giấu. Thoạt đầu nghe chuyện này, Hiên giật bắn mình. Riêng chuyện thằng Quân là con Việt thì Hiên không ngỡ ngàng lắm. Hiên ôm chị gái mình vào lòng và hỏi:

- Em đã nghi nghi từ dạo đó rồi. Thằng bé càng lớn càng giống anh Việt. Có điều không hiểu tại sao khi anh Việt về mà hai người vẫn bình thường được với nhau?

- Dì bảo chả bình thường với nhau thì còn làm gì được nữa. Mà chuyện này anh ấy cũng có biết đâu. Mãi gần đây, khi thằng Quân bị tai nạn, cần tiếp máu, anh ấy cùng nhóm máu với nó chị mới cho anh ấy biết đấy chứ.

- Thế anh Dụ đã biết chưa?

- Cũng biết rồi.

- Biết rồi?

- Ừ. Anh ấy cũng gớm lắm. Thấy anh Việt và thằng Quân cùng nhóm máu, anh ấy liền bí mật nhờ tay bác sỹ ở bệnh viện xét nghiệm gen đấy. Ghê gớm là ở chỗ lão ấy biết mà không nói gì lại ngấm ngầm trả thù chị.

- Trả thù chị? Mà trả thù bằng cách nào?

- Trai gái. Thậm thụt mãi với con Huê, rồi cả với đứa bằng tuổi con tuổi cháu mình nữa là cái “Ngân ngơ” đấy.

Hiên bực dọc:

- Sao chị không vạch mặt lão ấy ra, không ngăn lão ấy lại?

- Nói mãi rồi, anh ấy có nghe đâu. Chuyện này đâu có dễ.

- Thế chuyện lão ấy với cái “Ngân ngơ” có đúng không? Chị nghe ai hay là bắt quả tang?

-  Con Ngân nó nói chứ ai?

- Con Ngân nói? Thế mà chị cũng tin?

Hiên dài giọng. Loan kể lại chuyện Ngân ngơ đã nói với chị, chuyện cái áo, chuyện Dụ mua quà gửi bà Toe thăm con Ngân khi nó đẻ. Nghe xong, Hiên góp ý:

- Ngần ấy việc chưa đủ kết luận lão ấy quan hệ với con Ngân được. Chị phải bình tĩnh tỉnh táo kẻo oan cho lão ấy. Cần thiết thì tiếp tục theo dõi, tỉ tê nhiều lần với con bé xem sao. Việc này đã ai biết chưa?

- Chưa. Chỉ có chị với con Ngân thôi. Mà cũng lạ, con bé ấy chẳng nói với ai lại đi nói với chị. Thế chị mới tin chứ. Chị cũng đã căn vặn anh ấy nhưng anh ấy chối bay chối biến.

Dừng một lát, Loan trở mình quay mặt lại với Hiên:

- Việc ấy thực ra chị cũng không quan tâm lắm, kể cả việc bê bối ngoài cửa hàng. Điều chị quan tâm hơn cả là anh ấy trả thù chị bằng cách chiều chuộng thằng Quân thái quá, cho nó tiền nong, dẫn nó ăn chơi đua đòi, buôn bán hàng lậu và nhiều chuyện khác nữa. Cái vụ bố con anh ấy buôn bè không có mợ Hiền, anh Việt lo cho thì sạt nghiệp. Hai người giấu tôi, mãi sau tôi mới biết.

- Có bằng cớ gì không?

- Thì mồm anh ấy nói ra như thế mà lị. Anh ấy bảo sẽ cho thằng Quân vào con đường tội lỗi. Rằng anh ấy căm thù chị. Mấy tháng trước đây dì về mà xem, thằng Quân của dì thế nào. Tôi cũng khổ vì nó đấy.

- Thế thì không được. Tàn nhẫn quá. Thâm hiểm quá - Hiên thở dài ca cẩm, rồi chị hỏi - Việc thằng Quân là con của Việt nhiều người biết chưa chị?

- Chưa. Chỉ có thằng Quân thôi. Chẳng biết anh ấy đã nói với ai chưa nhưng theo chị thì chưa. Cả chị và anh ấy đều tuyệt đối bí mật chuyện này. Chẳng gì đây cũng là nỗi nhục của anh ấy, nói ra hay gì?

- Thằng Quân cũng biết rồi à? Nó phản ứng ra sao?

- Ban đầu nó không tin, sau rồi những ngày gần đây nó đã hiểu khi chị nói hết với nó. Cái hôm anh chị cãi nhau, nó vô tình nghe được nên thái độ nó khác hẳn. Chị khuyên nó đối xử tốt với cả hai.

Loan kể lại chuyện hai vợ chồng chị to tiếng với nhau và mọi chuyện vỡ lở từ hôm đó cho Hiên nghe. Hiên nói:

- Thế là nó đã biết sự thật. Cũng tốt. Chị khuyên nó như thế là đúng. Còn cái Thảo, cái Trang? Chúng nó có biết không?

- Không. Chắc chắn là không. Chúng nó còn trẻ con để cho chúng tập trung học hành, biết việc người lớn chúng phân tán tư tưởng, mặc cảm thì gay. À, mà dì này, thằng Quân nó xin nhập ngũ đấy dì ạ .

- Thế cũng được. Cho nó vào bộ đội cho nó hiểu đời hơn. Với lại trong lúc này nên như thế để nó có thời gian thích nghi dần.

Hai chị em cứ thủ thỉ tỉ tê như thế suốt đêm. Mãi gần sáng, đột nhiên Hiên quay mặt lại ôm chặt chị gái vào lòng và hỏi:

- Bây giờ anh Dụ vậy, chị tính sao?

Loan thở dài:

- Biết làm sao được. Thôi thì mặc kệ nó đến đâu thì đến.

- Sao lại buông xuôi thế được?

- Không thế thì dì bảo tôi phải làm sao bây giờ?

- Hay là...

- Hay là thế nào?

- Hay là... nhân chuyện này chị ... chị... xin ly hôn với anh ấy?

Suýt nữa thì Loan ngồi hẳn dậy. Chị đẩy em gái của mình ra và nói:

- Dì nói thế mà nghe được à?

Biết chị gái cáu, Hiên thì thầm:

- Thì em nghĩ cho chị, em thử đưa ra ý kiến đó, chị không nghe thì thôi. Cuộc sống của anh chị bấy nay có ra gì mà chị cố níu giữ? Anh ấy đối xử với chị như vậy mà chị vẫn chịu được ư? Theo em, chị nên dứt khoát với anh ấy, quay lại với anh Việt đi, chưa muộn đâu. Em biết chị còn sâu nặng với anh Việt lắm. Cả anh ấy nữa. Thì đấy, anh ấy có lấy ai đâu?

Hiên nói một mạch như sợ chị gái mình chặn ngang. Đợi cho Hiên nói xong Loan mới lên tiếng:

- Dì nói thì dễ nhưng thực tế đâu đơn giản như vậy. Dì thử tính xem, tại sao anh Dụ lại thế chứ? Trước kia anh ấy có như vậy không? Hay là từ ngày có chức có quyền, có tiền anh ấy mới đổ đốn ra? Với lại, nói đi phải nói lại, chị gái của dì, tôi đây này có tốt đẹp gì không? Có con riêng mà chồng không biết để người ta nuôi con tu hú cả đời, cay lắm chứ. Dì thử đặt địa vị của mình vào vị trí anh ấy xem, dì không rồ lên tôi cứ bé. Anh ấy chịu đựng khá đấy. Hơn nữa, trong lúc này mà bỏ anh ấy thì còn mặt mũi nào nữa với dân làng? Lúc khó khăn, hoạn nạn lại bỏ nhau hỏi dì còn đáng mặt làm người không? Mặt khác còn lũ trẻ? Thôi, dì đừng nói gì thêm nữa.

Loan nói một thôi liền, Hiên cứ nằm yên lặng nghe. Chị hiểu tính chị gái, cam chịu, nhân hậu, vị tha, sẵn sàng nhận về phần mình những khó khăn nhất, không kêu ca, trách cứ ai điều gì. Chị là chỗ dựa cho Hiên và Quang, vừa là người chị hiền từ, vừa là người mẹ kính yêu. Trước kia, một tay chị thu vén vun đắp cho cả nhà, lo cho Hiên và Quang. Chị hy sinh tình yêu của mình vì mẹ, vì các em lẽ nào giờ đây chị lại bỏ cuộc. Mình thật dại khi khuyên chị những lời đó.

- Là em thương chị em mới nói thế.

Hiên vớt vát. Loan thủ thỉ:

- Thương thế cũng không được. Hơn lúc nào hết, giờ đây chị phải trụ vững trong cái nhà này. Trước hết là lo cho thằng Quân, con Thảo, cái Trang, sau nữa nếu anh có mệnh hệ nào phải lo cho anh ấy. Thời gian sẽ khoả lấp san kín những khác biệt, sẽ tìm được cách hoá giải những khúc mắc. Sống ở đời phải biết yêu thương nhau, tha thứ cho nhau dì ạ.

- Chị đã nói vậy thì em chịu. Thôi, cầu mong cho chị sức khỏe chóng qua được đận này.

- Nhất định qua chứ. Thôi, ngủ đi, sáng mai còn đi tảo mộ.

Hai chị em ôm chặt lấy nhau. Ngoài trời, gió mùa đông bắc hun hút thổi. Nói là ngủ song cả hai đều cố im lặng thao thức về bao chuyện ở đời. Loan trở mình xoay ra ngoài cố nén tiếng thở dài. Chị đang nghĩ về Dụ và Việt. Gió rét này họ có sao không?

Sáng hôm sau, dân làng La Hương thấy chị em họ, cả vợ chồng Quang xe lăn nữa cùng kéo nhau lên nghĩa địa. Dân làng La Hương lên cả đây khá đông. Người nào người nấy tay thẻ hương, tay xách xô vôi tiến về những ngôi mộ của nhà mình. Người nhổ cỏ, quét vôi, kẻ thắp hương lầm rầm khấn vái. Việt lăng xăng chạy chỗ nọ chỗ kia giúp mọi người sửa sang mộ phần và sắp lễ. Cái “nghề” trông coi nghĩa địa cuae anh có lẽ những ngày này là vui nhất đối với Việt. Thường ngày, anh chỉ “tâm sự” được với những người chết, nhưng những ngày này anh gặp và nói chuyện được với khá đầy đủ các gương mặt trong làng. Từ những người quanh năm cày cuốc ngoài đồng đến những kẻ xa quê cả năm, có khi hàng mấy chục năm phiêu dạt đâu đó, từ các vị quan chức xúng xính cân đai mũ mão đến những cửu vạn, ô sin áo ngắn làm thuê đất khách xứ người... không có điều kịên ngó ngàng tới mộ ông bà tổ tiên thì dịp Xuân sang Tết đến họ mới kéo nhau về cùng gặp nhau ở nghĩa địa, ở cái nơi mà trẻ con nghe thấy đã sợ, cái nơi mà hàng ngày chỉ có một mình anh vò võ. Tất cả họ, với lòng thành kính thiêng liêng với quê cha đất tổ cùng thắp nén nhang thơm thành tâm tưởng nhớ ông bà tiên tổ. Người sống, người chết tìm đến nhau. Vì thế, Việt mới gặp được tất cả bọn họ. Nghĩa trang làng những ngày giáp Tết nhộn nhịp hẳn lên, sạch sẽ thơm tho hẳn lên. Việt cảm thấy những ngày này anh mới tồn tại thực sự.

Thấy đoàn nhà Loan tới, Việt vui vẻ chào họ và chạy vào túp lều của mình cầm một thẻ hương ra. Anh đến bên họ, giúp họ sang sửa lại mộ phần người thân gia đình Loan. Vừa làm, mọi người vừa chuyện trò ôn lại những kỷ niệm với các cụ ngày xưa.

- Cháu chào các bác, các cô, các chú!

Mọi người ngoảnh lại về phía tiếng chào. Dung đang nhảy chân sáo đi trước, theo sau là thằng Quân. Hiên trố mắt nhìn và lên tiếng:

- Ơ! Con Dung! Mới ra đây hả cháu?

Dung hớn hở:

- Cô vẫn nhận ra cháu à?

- Sao lại không. Lớn tướng rồi, xinh ghê! Hiên vừa nói vừa ngắm cô gái.

- Cháu về bao giờ thế? Loan hỏi.

- Dạ, cháu về tối qua. Chú Quang vẫn khoẻ chứ? Cả các cô, các chú nữa?

- Khoẻ. Không khoẻ sao lên được đây.

Quang đáp và rọ roạy trên chiếc xe lăn nhìn Dung. Dung hồn nhiên:

- Gớm, cháu nhớ nhà, nhớ các cô, các chú quá. Mong mãi Tết để về. Cháu lên thăm chú Việt, may quá gặp các cô các chú ở đây. Vui ghê!

Việt đốt bó hương thật to và chia cho mọi người. Họ cắm hương lên những ngôi mộ rồi tất cả chắp tay thành kính lầm nhầm khấn vái. Khói nhang nghi ngút bay toả hương thơm ngào ngạt. Loan như lạc vào một thế giới khác, một thế giới không còn tai ương, thù hận, chẳng còn toan tính nhỏ nhen. Chị nhắm mắt mơ màng. Kìa, ai như bóng mẹ chị hiện về giữa làn khói hương mờ mờ ảo ảo. Tết đến rồi, mẹ ơi! Xin mẹ hãy về ăn Tết và phù hộ độ trì cho chúng con, mẹ nhé!
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH


(Tiểu thuyết - chương 12)


http://xuanthu.vnweblogs.com/gallery/2268/lehoichoidu8wh.jpg


Tết này, nhà ông Hùng Hoa vui hơn tất cả các Tết trước. Thứ nhất là dòng họ nhà ông đã có người nối dõi tông đường, đó chính là Quân, con của Việt, người em trai gàn dở của ông. Điều này, dẫu không nói ra và chỉ có ông với Việt biết song niềm vui cứ hiện lên rờ rỡ trên khuôn mặt của hai người. Vừa sửa soạn ban thờ, lau lại tấm hình của bố mẹ, ông vừa khe khẽ hát. Điều này chưa từng thấy bao giờ ở ông. Cả nhà thấy ông như trẻ lại, không khí Tết vì thế mà được nhân lên gấp bội. Thứ hai, đó là việc con gái út của ông, cái Dung, sau hơn bảy tháng vào Nam ăn học nay về quê ăn Tết nó vừa phổng phao xinh gái lại vừa chững chạc ra dáng rất người lớn. Điều quan trọng hơn cả, đúng ý ông mong đợi, đó là hình như nó đã “bình thường hoá quan hệ” với thằng Quân như những đứa bạn khác. Thêm vào đó, các con, các cháu về Tết ông bà ngoại đông đàn dài lũ ríu rít chuyện trò càng làm cho không khí gia đình thêm đầm ấm vui tươi. Bà Hoa bận bịu hơn ngày thường với bao nhiêu bánh trái, thịt thà, món này món nọ nhưng trước cảnh ấy, cái mệt trong bà bỗng tiêu tan. Mà hình như bà cũng chẳng cảm thấy điều đó thì phải.

      Dung về, Quân thường đến chơi nhà ông Hùng hơn. Không tối nào là anh không có mặt ở nhà ông. Bà Hoa thích lắm. Bà quý Quân hơn những đứa bạn khác của Dung. Quân ăn nói lễ phép từ tốn, một điều bác bá, hai điều bác bá. Có hôm, anh còn sà cả xuống bếp giúp bà Hoa khi thì bổ củi, xách nước, khi thì ngồi chầu rìa học gói bánh. Một lần, vui miệng, bà Hoa nói gần nói xa:

      - Anh Quân chịu khó thế này đứa nào lấy được thì chỉ có nhất.

        Ông Hùng nghe thấy vậy sa sầm nét mặt:

- Bà chỉ ăn nói linh tinh. Tí tuổi đầu vợ con gì phải không cháu?

Chẳng kịp để cho Quân phản ứng, bà Hoa tiếp lời:

- Còn ít tuổi gì nữa? Ngày trước ông lấy tôi dễ đã bằng tuổi nó bây giờ? Bá nói thật đấy, hay là làm con rể bá đi?

     Ông Hùng trợn mắt nhìn bà Hoa. Quân, Dung ngơ ngác nhìn nhau. Bà Hoa không hề để ý đến điều đó vẫn tiếp tục:

      - Bá nói thật đấy. Thích em Dung thì bá để cho!

       Đến nước ấy, ông Hùng không thể chịu được nữa. Cứ đà này thì phí cả cái công ông với Việt sắp đặt bấy nay. Đang băm thịt, ông liền quăng con dao đánh “queng” một cái vào xó bếp, vằn mắt đứng dậy. Hai tay chống nạnh ông nói:

      - Tôi cấm bà gán ghép nhố nhăng kiểu ấy. Chúng nó còn trẻ con, bà đừng làm hư chúng nó.

Bà Hoa ngạc nhiên:

- Ơ hay! Sao lại nhố nhăng? Ông nói lạ nhỉ? Tôi thấy hai đứa nó xứng đôi vừa lứa thì nói vậy, đã sao? Dễ dính ngay vào với nhau chắc?

- Kiểu gì thì kiểu tôi cấm bà.

      Ông Hùng vẫn gầm gừ rít qua kẽ răng. Lúc này, Quân mới lên tiếng:

      - Bác Hùng nói phải đấy. Chúng cháu còn trẻ, chưa nghĩ đến chuyện đó đâu. Bá đừng nói thế người ngoài nghe tiếng họ cười cho. Cháu với Dung chỉ là bạn bè thôi. Phải không Dung?

      Quân nháy mắt với Dung, Dung hiểu ý nói:

      - Quân nói đúng đấy. Con thèm vào mà lấy...

     Bà Hoa thủng thẳng:

     - Thèm vào hay là thèm ra.

     Ông Hùng lại gầm lên:

       - Cái bà này... Chúng nó đã nói thế rồi mà còn cứ... Bà mà nói thêm câu nữa là tôi hất tung nia bánh lên đấy.

      - Kìa mẹ!

      Dung hoảng sợ nhìn ông Hùng và lấy tay giật giật gấu áo bà Hoa. Quân  thấy vậy liền lí nhí:

      - Cháu xin bác bá. Bác bá đừng làm thế.

Bà Hoa không ngờ chồng mình hôm nay lại nóng tính vậy. Bà xuống giọng dàn hoà:

     - Thì tôi đùa tí cho vui không được à?

     - Không đùa thế được. Tôi không cho phép bà đùa với chúng nó như thế. Cấm tiệt bà đấy.

      Bà Hoa lẳng lặng gói bánh. Thằng Quân thì có gì mà ông ấy không ưa cơ chứ? Đẹp trai, khoẻ khoắn, nhanh nhẹn, tháo vát, lại học cao, hiểu biết rộng nữa. Thanh niên làng này hỏi đứa nào hơn nó? Mà hình như chúng nó cũng có cảm tình với nhau thì phải? Hay là ông ấy chê bố nó bị công an bắt? Bị công an bắt thì đã sao? Bố làm bố chịu, ảnh hưởng gì đến nó mà ngăn với cấm? Người ta đang vơ vào chả được lại cứ cào ra. Càng nghĩ bà Hoa càng ấm ức.

- Thôi, cháu xin phép bác bá cháu về đây ạ!

      Thấy không khí có vẻ nặng nề, Quân chủ động lên tiếng. Ông Hùng lì lì không nói gì. Bà Hoa đon đả:

   - Ấy chết. Ở chơi đã cháu. Đừng chấp gì bác ấy.

       - Dạ, thôi ạ. Để mai cháu sang. Cháu cũng phải về để giúp mẹ cháu bánh trái chứ?

      Nói đoạn, Quân xoa tay đứng lên:

- Chào chào bác bá, cháu về - Quay sang Dung, Quân nói - Chào Dung nhé!

Chờ cho Quân ra đến ngõ, bà Hoa mới ấm ức lên tiếng:

      - Đang vui vẻ, ông làm cho nó mất hứng. Kiểu này, mai vía bố nó chẳng dám sang.

       Dung vội vã lên tiếng:

      - Mẹ yên trí, mai nó lại sang ngay ấy mà.

      - Được cả mày nữa! Ông thì cho nhừ đòn!

      Bà Hoa quá ngạc nhiên trước thái độ của ông Hùng. Riêng Dung thì lại phá ra cười rũ rượi.

      Ông Hùng bỏ dở mấy khoanh thịt chưa pha hằm hằm lên nhà khoanh chân ngồi trên chiếc phản giữa. Với chiếc ấm tích trong ủ ấm, ông dơ cao rót nước ra chén. Tiếng nước chảy ồ ồ, tong tỏng tràn cả ra ngoài. Tức khí, ông dốc cả chén trà vào miệng. Nóng quá, ông vội nhổ toẹt nó xuống nền nhà. Đoạn, ông với tay tìm chiếc điếu cày nạp thuốc rít sòng sọc. Phả khói thuốc nghi ngút lên trần nhà, ông nhìn theo từng sợi khói bay nghĩ ngợi mông lung. Hay là nói toẹt cho bà ấy biết việc của thằng Quân? Cứ thế này không khéo chúng nó lại dính vào với nhau mất. Ban nãy, mình làm thế tội cho thằng Quân quá. Cả cái Dung nữa. Con trẻ chúng biết gì? Ơ, mà sao con Dung lại cười sằng sặc ra thế nhỉ? Ăn phải nùa mê thuốc lú rồi hay sao không biết? Thôi chết, hay là chúng nó vẫn thích nhau? Mình thật vô tâm quá. Đúng rồi! Từ hôm con bé về, có ngày nào chúng lại không đi với nhau? Hỏng. Hỏng thật rồi! Phải tìm cách ngăn ngay chúng nó lại. Cả bà ấy nữa. Phải nói cho bà ấy biết để mà canh chừng. Dưng mà... còn Việt, còn... còn cả Loan nữa? Không giữ lời với họ à? Biết làm sao bây giờ?

Ông Hùng bo đầu thở dài gần như kêu lên thành tiếng. Chợt ông nhìn lên ban thờ. Trong di ảnh, bố ông như đang mỉm cười với ông. Ông Hùng bỗng thấy vui vui trở lại. Đúng rồi! Gì thì gì dòng họ nhà ông đã có người nối dõi. Đó là điều căn bản. Mọi rắc rối chỉ là tạm thời, hãy vui lên. Tết đến rồi, càng phải vui nữa. Ông Hùng thấy mình tỉnh táo trở lại. Có lẽ chỉ nên nói cho con Dung nó biết thôi. Nó lớn rồi, nó sẽ hiểu. Chứ nói với bà Hoa thì... hôm sau cả làng này biết ngay. Tính bà ấy thế mà. Kém gì bà Toe đâu? Nên nói hay không nhỉ? Nếu không nói, càng để lâu càng khó gỡ. Nếu nói, chắc con bé sẽ bị sốc một thời gian. Kệ nó, rồi sẽ ổn. Thế thì nói. Nói dứt khoát sẽ hơn. Mình sẽ có cách với con bé này.

- Bố!

Đang mải suy nghĩ tính toán, ông Hùng giật mình trước tiếng gọi của Dung. Ông quay lại đã thấy Dung đứng ngay ở mép phản. Ông hỏi:

- Mày bảo cái gì? Sao không ở dưới bếp gói bánh với mẹ mày?

- Gói xong rồi bố ạ! Dung khẽ đáp.

- Gói xong rồi lên đây làm gì? Ông Hùng bực mình hỏi lại.

- Con... con có chuyện muốn... muốn nói với bố!

Dung vê gấu áo nhìn bố ấp úng. Ông Hùng sẵng giọng:

- Thế mẹ mày đâu?

- Mẹ con đi mượn nồi nấu bánh rồi ạ.

- Mượn ở đâu?

- Con chẳng rõ. Thấy mẹ con dặn là ở nhà trông bánh chuẩn bị củi đuốc với bố để mẹ mang nồi về thì đặt đun ngay cho kịp.

- Thế hả? Chắc lại đến nhà bà Toe cuối làng đấy. Nào, thế có chuyện gì cần nói thì mày nói nhanh nhanh cho tao xem nào?

Ông Hùng giục. Dung ngước nhìn bố ấp úng:

- Ban nãy bố... bố nóng tính quá. Quân nó... nó tự ái đấy.

- Mặc xác nó - Ông Hùng cáu - Hay là mày cũng thích nó? Tao cấm!

- Bố!

- Còn không à? Liệu cái thần hồn! Cứ tí tởn với nhau tao thì đánh cho tuốt xác chứ chẳng bảo Tết với nhất đâu nhá!

- Bố! Ý con là...

- Là thế nào?

- Là... biết hết cả rồi ạ. Bố không phải lo cho chúng con!

Ông Hùng thoáng ngỡ ngàng.

- Biết là biết cái gì?

Dung nhìn thẳng vào mặt ông Hùng nói rành rọt:

- Thằng Quân là con chú Việt. Con với nó là chị em với nhau?

- Hả? Ai bảo mày thế?

Ông Hùng há hốc mồm, trợn tròn mắt kinh ngạc nhìn đứa con gái. Ông không thể tin vào đôi tai của mình:

- Sao? Mày bảo cái gì? Nói lại tao xem nào?

- Thằng...  Quân... là... con... của... chú... Việt.

Dung ghé sát tai bố nói chậm rãi, rành rọt từng tiếng. Ông Hùng quay ngoắt đầu lại, lấy tay bịt vào miệng đứa con gái:

- Khẽ mồm! Ai bảo mày thế?

Dung lại ghé sát tai bố thì thào:

- Bố.

Ông Hùng giật bắn người:

- Tao?

Dung mỉm cười khẽ gật đầu:

- Cả chú Việt nữa?

- Bao giờ?

Ông Hùng tiếp tục căn vặn Dung. Dung kể lại toàn bộ câu chuyện mà nó nghe được hôm đi hái chè về. Cả cái lý do vì sao nó lại đồng ý đi Nam học nhanh đến thế. Nghe xong, ông Hùng thừ người:

- Thì ra con đã biết! Thế... thế... con đã... đã nói với ai chưa?

- Chưa.

- Cả mẹ con nữa chứ?

- Vâng.

- Thế thì tốt. Mẹ con là hay bép xép lắm. Lộ ra khổ chú Việt với thím Loan. À, thế còn thằng Quân? Nó biết gì chưa?

Dung gật đầu. Ông Hùng giật mình ngả người ra nhìn con. Dung nói tiếp:

- Bố khỏi lo. Con đã viết thư kể lại toàn bộ câu chuyện cho nó. Hôm về, nó cũng kể lại cho con biết việc nó là con của chú Việt như thế nào. Nó còn biết trước cả con cơ.

- Nó kể thế nào? Ông Hùng sốt ruột hỏi lại.

Dung hồn nhiên kể lại cái vụ Quân vác côn lên nghĩa địa tìm mẹ, vụt chú Việt như thế nào, rồi mẹ Quân nói với nó ra sao. Nghe xong, ông Hùng thở dài:

- Lại thế cơ nữa! Sao không thấy chú Việt mày nói gì nhỉ?

- Thì bí mật mà bố!

Đăm chiêu một lát, ông Hùng nói nhỏ với Dung:

- Bây giờ thế này, con với thằng Quân đều tỏ rõ chuyện này, bố yêu cầu hai đứa giữ mồm giữ miệng, kể cả với mẹ con, làm sao quan hệ thật bình thường, giữ tiếng cho thím Loan với dân làng. Nghe chưa?

- Vâng! Con hiểu! Bố yên trí!

Dung gật gật đầu. Ông Hùng thở phào:

- Thôi, xuống bếp chuẩn bị củi đuốc đi để mẹ mang nồi về bắc nước là vừa.

Dung hớn hở chạy xuống bếp. Thoáng cái đã nghe tiếng nó hát í ởn rồi. Ông Hùng không ngờ sự việc lại giải quyết đơn giản và chóng vánh đến vậy. Đúng là tuổi trẻ, rõ ràng ghê. Chúng nó lớn thật rồi! Thế mà mình cứ lo hoắng mãi lên. Bụng ông như mở cờ. Một cái Tết trọn vẹn đã đến với gia đình ông.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối