Tục kiêng “huý” và hiện tượng biến đổi từ trong ngôn ngữ địa phương(LĐCT) - Theo “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, “huý” được giảng nghĩa: kiêng không được nói đến. Nhiều triều đại phong kiến, tục kiêng huý như là quy tắc bắt buộc trong các văn tự.
Ở nước ta, tục lệ này không biết xuất hiện từ đời nào, chỉ biết rằng sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, quyển V có chép “...năm Nhâm Thìn, Kiến Trung năm thứ 8 (1232), vào mùa hạ, tháng 6, (Trần Thái Tông, tức Trần Cảnh - P.T.M chú giải) ban bố chữ quốc huý và miếu huý. Vì nguyên tổ tên huý là Lý mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng” (sđd, t.2, bản dịch của NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983).
Không biết nguyên tổ nhà Trần có phải tên huý là Lý hay không, nhưng lệnh vua đã ban thì thần dân phải thi hành; và đương nhiên con cháu nhà Lý phải từ bỏ gốc gác họ hàng của mình để được tồn tại(!). Và từ đó đến mãi thời nhà Nguyễn, lệnh kiêng huý tiếp tục duy trì, nhiều thời được áp dụng một cách khắt khe.
Ngoài tên riêng là nguyên tổ và vua, nhiều khi tên của những người thân thuộc với vua cũng được kiêng như: cha, mẹ, vợ, con, anh, em,... và có khi đến hàng ông nội, bà nội, tên giả, chữ đệm của vua cũng được kiêng.
Sau khi lên ngôi, Vua Gia Long cấm thần dân nói và đọc tên riêng của mình là Ánh (Nguyễn Phúc Ánh) và cả tên con trai của mình đã chết trước đó là hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh) nên các trường hợp trùng âm phải đọc chệch thành yến, kiểng (ví dụ: ánh sáng - yến sáng, cây cảnh - cây kiểng...).
Vua Tự Đức vốn là nhà thơ, uyên thâm chữ nghĩa nhưng tính tình hẹp hòi và lắm cố tật, dễ giật mình nên bắt thần dân kiêng nhiều chữ đến mức vô lý trong đời sống ngôn ngữ và xã hội.
Tương truyền, ông vốn mê “Kim Vân Kiều truyện” đến nỗi quên ăn mất ngủ, nhưng Truyện Kiều có khá nhiều chữ “thì”, nào là “Ra tuồng trên Bộc trong dâu/ Thì con người ấy, ai cầu mà chi”, nào là “Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra thì cũng con người nhỏ nhen”...; từ đấy vua bỏ công “hiệu đính” - cho nên bản in Kiều cũ nhất hiện nay còn là dưới thời Tự Đức - 1871(?). Thì ra là thế, vì lẽ Nguyễn Phúc Thì là tên cúng cơm của Nguyễn Hồng Nhậm, tức Vua Tự Đức. Và cũng vì lẽ đó, tên danh sĩ Ngô Thì Nhậm sống ở triều đại trước cũng đổi thành Ngô Thời Nhiệm.
Ngày xưa sĩ tử thi cử, trước hết phải thuộc các chữ cần phải kiêng để mà làm bài khỏi phạm huý (đồng nghĩa với phạm quy). Theo PGS.TS Lê Trung Hoa trong “Họ và tên người Việt Nam” (NXB Khoa học xã hội, 2005), Phan Văn San phải đổi thành Phan Bội Châu để được đi thi, vì lẽ chữ San trùng với tên huý “Vua Duy Tân là Vĩnh San. Tuy nhiên theo chúng tôi, Vua Duy Tân sinh năm 1900, đúng năm Phan Bội Châu thi hương và đỗ đầu, mãi đến năm 1907 (khoa Canh Tý) Vĩnh San mới lên ngôi, vì vậy việc đổi tên của cụ Phan là vấn đề cần nói lại cho rõ.
Từ quy định của vua ra lệnh, nhiều thời đã thành lệ “bất thành văn” được phổ biến đến dòng tộc riêng và cả thái độ ứng xử với người lớn tuổi. Việc đặt tên cho trẻ sơ sinh cũng phải tra cứu gia phả của cả dòng tộc hai bên nội-ngoại để mà tránh trùng tên với bậc bề trên; nếu mắc phải được xem như là hỗn láo. Thời chưa trưởng thành, người viết bài này (sinh cuối năm 50 thế kỷ trước) vẫn không biết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của mình tên thật là gì, vì thời ấy mọi người thường gọi những người lớn tuổi theo tên con cả (ở miền Nam thường gọi là con thứ hai).
Lý giải các hiện tượng tộc Huỳnh hiện diện từ Quảng Nam trở vào Nam, nhiều nhà nghiên cứu gia phả của tộc này đều cho rằng: xuất xứ của nó là tộc Hoàng có gốc gác vùng Thanh Hoá - Nghệ An, do kiêng tên huý của Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) mà nói trại thành (tương tự: Võ - Vũ, Châu - Chu, Phúc - Phước...). Dấu tích các hiện tượng này dễ thấy rõ ở miền Nam, ở miền Bắc hầu như không kiêng mấy (?). Tuy nhiên, ngay tại Huế (kinh đô dưới triều Nguyễn) và các vùng lân cận thì hiện tượng này không rõ lắm. Vì ngay ở Huế vẫn tồn tại tộc Hoàng(?).
Ngoài hiện tượng nói trại do kiêng huý, nhiều danh từ khác cũng được nói trại so với ngôn ngữ phổ thông như: đàn (nhạc cụ) thành đờn, hoa thành huê, sinh (đẻ) thành sanh, chính (chính trị, hành chính, chính sách, chính nghĩa,...) thành chánh, nàng thành nường, hồng (hoa hồng) thành hường, phụng (loài chim) thành phượng, long thành luông v.v... Những trường hợp này chưa thấy một ai giải thích cặn kẽ dưới gốc độ ngôn ngữ học. Mong rằng sẽ có lời giải đáp khoa học.
Ngày nay, những quy định về kiêng huý không còn tác dụng nữa. Bởi lẽ nó là hình thức quá vô lý với đời sống ngôn ngữ và xã hội một thời; mặt khác nó không phải là phong tục tốt đẹp mà chúng ta cần phải giữ gìn.
Do vậy, người viết bài này mong những người có trách nhiệm hãy trả lại tên thật cho những danh nhân đất Việt đã một thời do kiêng huý hoặc lý do nào đó mà biến thành tên khác như Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm), Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh), Châu Thượng Văn (Chu Thượng Văn)...
Phan Thanh Minh (Quảng Nam)
Lao Động Cuối tuần số 10 Ngày 21/03/2010
(Natasha st từ LĐCT)
"Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".
Mời anh uống cạn chén này
Nỗi sầu vạn cổ thả bay cuối trời.
(Thơ Đường)