Trang trong tổng số 41 trang (405 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [32] [33] [34] [35] [36] [37] [38] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

NanLan

Mình đang phân vân không biết có nên chui tiếp vào một cái hang hay không vì trong hang thật đông, cộng thêm nóng bức và ngột ngạt (chẳng là hôm đó mình đi chùa Bái Đính cùng gia đình).
Thấy một người đàn ông chui ngược từ trong hang ra mình liền hỏi: "Anh ơi trong hang còn sâu nữa không?"
Người đàn ông trả lời: "Không, cạn, cạn..."
Nghĩ là anh đó nói là tàm tạm có nghĩa là cũng hơi sâu thôi. Hỏi lại lần nữa anh cũng trả lời y chang. Mình quay ra hỏi người chị đi cùng thì mới hiểu hoá ra anh ấy lấy từ cạn để nói ngược với từ sâu.
Hic mình đang chờ câu trả lời là sâu hay nông". Hai chị em nhìn nhau cười. Có lẽ anh ấy cũng đúng?
Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa bim bim

@Nam Lan: Từ "cạn" là trái nghĩa với "sâu" đó bạn, có nghĩa là nó đồng nghĩa với "nông". Các tỉnh phía Nam ít ai dùng từ "nông", mà hầu hết dùng từ "cạn", vì vậy rất nhiều người không biết nghĩa từ "nông" giống như bạn chưa quen với từ "cạn" vậy. Có câu ca dao:
                 Lên non mới biết non cao
             Lội sông mới biết lạch nào cạn sâu.
Hoặc thành ngữ: "Cạn tàu ráo máng", "Cạn tình cạn nghĩa"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Lên non mới biết non cao
Lội sông mới biết lạch nào cạn sâu.
-----------------------------------
Còn một vế nữa về câu trên là:

-Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ già.
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

vịt anh

Ngày nay,giới trẻ thích xài ngôn ngữ bị cắt xén(người ta hay gọi là ngôn ngữ mạng),ví dụ như:buồn-bùn,yêu-iu,luôn-lun...thực ra là noi gương ông cha ta thời xưa đấy ạ

Vịt Anh nói có sách,mách có chứng luôn nha.Ngày xưa ông cha ta cũng thử cắt xén để tiếng Việt gọn nhẹ hơn và chọn Nghệ An nói riêng và miền Trung nói chung làm nơi thí điểm.Một số từ được cắt xén vẫn còn lưu lại tới bây giờ.Bằng chứng đây nè:

-Nguyên âm "âu" khi dùng được bỏ đi chữ "â".Ví dụ:Sâu-su, lá trầu-lá trù,con trâu-con tru,...
-Nguyên âm "uôt" khi dùng bỏ đi chữ "u" và chuyển chữ "ô" thành chữ "o".Ví dụ:Nuốt-nót,vuốt-vót,...
Còn nhiều ví dụ nữa tạm thời...chưa nghĩ ra

Thế nên đừng có trách giới trẻ làm méo mó tiếng Việt,ông cha ta cũng có khác gì đâu ;))

Mong là lão HPL khi đọc bài này xong hông cho Vịt lên thớt
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cát trắng

Vịt anh sáng tạo quá! Nhưng chuẩn bị tư thế chờ trụng nhé!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Dũng

Sự khác nhau giữa 2 từ phủ định "chẳng" và "không"

Hiện nay, đối với người sử dụng tiếng Việt, hai từ “không” và “chẳng” gần như hoàn toàn thay thế cho nhau trong vai trò từ phủ định. Trong khi đó, “không” là từ gốc Hán còn “chẳng” là từ thuần Việt. Vậy, sự thay thế đó có thể áp dụng trong mọi ngữ cảnh hay không? Hai từ phủ định “không” và “chẳng” khác nhau như thế nào?

---- “Không” và “chẳng” là hai từ phủ định nhưng chúng không hoàn toàn thay thế cho nhau. Để phân biệt sự khác nhau giữa “không” và “chẳng”, chúng tôi đặt hai từ phủ định này trong sự đối sánh giữa hai loại phủ định: phủ định hiện hữu và phủ định sự thật. Phủ định hiện hữu tương ứng với những câu có vị ngữ là động từ, còn phủ định sự thật áp dụng cho câu có vị ngữ là danh từ.

---- 1. Từ phủ định “không”
---- Đặt từ “không” trong sự đối lập giữa hai loại phủ định trên, ta so sánh hai ví dụ (1) và (2):
(1) Anh ấy không phải là bạn tôi.
(2) Anh ấy không làm việc.
Ví dụ (1) là câu có vị ngữ là danh từ với từ “là” đứng trước và trung tâm vị ngữ là một cụm từ (bạn tôi). Phủ định vị ngữ trong ví dụ (1) phải qua trung gian là từ “phải”. Từ này có nghĩa là “đúng sự thật”.
Còn trong ví dụ (2), vì là động từ nên vị ngữ của câu (2) được phủ định trực tiếp bằng từ “không”. Trên diện phủ định, sự đối lập vị ngữ động và vị ngữ danh là “không/ không phải”. Trên mặt ngữ nghĩa, “không” trong ví dụ (2) được hiểu là “không có” với nghĩa là “không hiện hữu” (phủ định hiện hữu). Đối với “không phải” trong ví dụ (1) có nghĩa là “không đúng” (phủ định sự thật).
---- Sự khác biệt về nghĩa phủ định giữa (1) và (2) được xác định qua hai câu hỏi (H) và đáp (Đ) tương ứng sau:
H1: Nó có phải là bạn của anh hay không?
Có hai cách trả lời: Đ, khẳng định: phải; Đ, phủ định: không(có) phải.
H2: Nó (có) làm việc hay không?
Có hai cách trả lời: Đ, khẳng định: có; Đ, phủ định: không (có).
---- Dựa vào sự đối lập khẳng định/ phủ định ở các câu đáp trên, chúng ta thấy ở H1, khi đáp khẳng định thì dùng “phải”; khi đáp phủ định thì dùng “không”, phải ghép với “phải”. Còn ở H2, khi đáp khẳng định thì dùng “có” và khi đáp phủ định thì dùng “không”, phải ghép với “có”. Trong thực tế sử dụng, khi đáp phủ định, dù là H1 hay H2, người đáp có thể chỉ dùng một từ “không”. Nhưng “không” ở đây, nếu trả lời cho H1 thì phải hiểu là “không phải” còn nếu trả lời cho H2 thì phải hiểu là “không có”. “Phải” hay “có” dù vắng mặt thì vẫn có thể khôi phục được dễ dàng mà không bị nhầm lẫn nhờ vào ngữ cảnh của cặp câu hỏi- đáp.
---- Như thế, trong cả hai trường hợp trên, từ phủ định cũng chỉ là một, tức là “không”. Nhưng cũng tùy theo loại vị ngữ, “không” phải kết hợp với từ đơn “có” (vị ngữ động từ) hay từ ghép “có phải” (vị ngữ danh từ).
---- 2. Từ phủ định “chẳng”----
---- Thực tế sử dụng cho ta thấy, từ “không” và “chẳng” không phải bao giờ cũng thay thế được cho nhau. Chẳng hạn, ta không thế thay thế “không” bằng “chẳng” trong hai ví dụ sau:
(3) “kẻ không nhà” --> không thể nói “Kẻ chẳng nhà”
(4) “không bạo động” --> không thể nói “ chẳng bạo động”.
---- Như thế, ta có thể khẳng định “chẳng” không vận hành như một phủ định ngoài hệ thống, “chẳng” không phải là một phủ định hiện hữu.
---- Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy rằng, số zêrô trong tiếng Việt có từ tương đương là (số) “không” chứ không thể có (số) “chẳng”. “Không” với nghĩa zêrô trở thành định ngữ chỉ số lượng trong cụm danh từ (ví dụ (3)); khác với từ “chẳng” không dùng ở vị trí này.
Một trường hợp khác để khẳng định thêm “chẳng” không thể thay thế cho “không” trong mọi trường hợp. Chẳng hạn, nếu là một tính từ, thì “không” phải đặt sau danh từ (ví dụ (5) hay sau động từ (6):
(5) nhà không
(6) làm không
Từ ví dụ (5), ta có thể thêm vào sau “không” một bổ tố (người) để biến “không” thành định tố cho danh từ (người):
(5) nhà không --> (5’) nhà không người
Trong ví dụ (5’), ta có thể thay “không” bằng số từ “2”:
(5’’) nhà hai người
Trong các ví dụ trên, ta không thể thay từ “không” bằng từ “chẳng” (nhà chẳng; làm chẳng).
Hoặc trong một cấu trúc cầu khiến, “không” không thể thay bằng “chẳng”. Chẳng hạn, “không” được dùng như một tiểu từ phủ định cầu khiến:
(7) Không chạy!
Ta có thể thay “không” bằng “chẳng” (chẳng chạy) nhưng sẽ không còn là câu cầu khiến.
---- Từ sự phân tích trên, chúng tôi có thể đưa ra một kết luận: “Chẳng” và “không” không thể thay thế hoàn toàn cho nhau. “Không” là tác tử duy nhất thích ứng với các kiểu phủ định. “Chẳng” không tham gia vào phủ định từ vựng. “Chẳng” chuyên về phủ định sự thật, nó chỉ có mặt trong các câu chối từ, bác bỏ.

(Sưu tầm)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Votinhkhach

TẢN MẠN MỘT NGÀY THÁNG TƯ


Hôm qua là ngày nhiều cảm xúc đối với riêng tôi . Dự định tạm ngưng vào blog ít lâu cho những việc riêng tư . Thế nhưng có gì đó cứ ngọ ngoạy từ bên trong rồi lan rất nhanh khắp cơ thể vụt tới điểm dừng cuối cùng là những ...ngón tay ! Vì vậy âm thanh lạch cạch lại vang đều trên bàn phím. Tôi lại phải gõ (viết) gì đó thôi.

7 giờ sáng điện thoại reo vang . Ngái ngủ mở máy tiếp xúc một giọng nữ cỡ trên dưới 40 . Đầu bên kia cô ấy muốn được phục vụ cho một chuyến đi về khoảng chừng 200 cây số . Tôi đã quen lâu rồi với những yêu cầu phục vụ của một phụ nữ nên chẳng muốn hỏi tới mục đích của chuyến đi làm gì. Coi như hợp đồng có hiệu lực. 9 giờ sáng tôi đã có mặt tại Q.11 TP HCM . Điểm dừng là một thẩm mỹ viện do một BS tai tiếng (ý lộn tăm tiếng chứ) đảm nhiệm . Thì ra cô ấy đi tút nhan sắc ! Đó là một câu chuyện quá đỗi bình thường trong cái thời đại con người có thể lên tới cung trăng thăm chị Hằng. Vấn đề nằm ở chỗ tôi có một khoảng thời gian khá dài để  "lêu lổng" đâu đó trong khi chờ đợi cô ấy làm xong công việc của mình (Tôi cũng chẳng cần thiết phải hỏi rằng cô ấy sẽ tút cái món nào trong cơ thể)

Như mọi khi, tôi chọn giải pháp đốt thời gian "lành mạnh" nhất là kiếm nơi đỗ chiếc xe thật an toàn (Dĩ nhiên, chấp hành tốt luật lệ GT không thể để CSGT tặng cho tờ biên bản)Tiếp theo sau là đón mấy cô bán báo xinh xinh, tre trẻ mua một lô một lốc kính thưa các loại báo ôi thôi đủ cả!:D

http://i48.photobucket.com/albums/f226/phongtran452000/baoCATP1.jpg
Bài báo liên quan


Tuổi trẻ, Thanh niên, Bóng đá, Báo CATP ... Đầu tiên tôi đọc lướt kết quả của những trận đấu bóng đá trong nước. HAGL của bầu Đức lóng rầy mần ăn có cơm cháo chi không ? Becamex Bình Dương có gì mới mẻ trong cách chơi? Thậm chí còn dư dả thời gian đọc thật kỹ tìm xem HLV đội tuyển QG là ông Calisto lúc này đang ở đâu loay hoay ra răng cho việc tìm kiếm những nhân tài bóng đá như lá rụng mùa thu của VN mến yêu nữa đấy.Tôi sang mục Bóng Đá QT để truy cập kết quả Seri A, Premier League, Bundes Liga, Qua tít mù TBN để xem Barcelona, Real Madrid thế nào? Thỏa mãn những thông tin về thể thao. Tôi lật trang nhất của Tuổi trẻ mong tìm những thông tin về gạo, đường, mắm muối, bột ngọt, xăng dầu xem mấy nay có tăng giá thêm xu nào nữa không? Lòng cũng vái van cầu giời cho thời giá đừng có "buồn buồn" bèn tăng giá như ngựa phi nước đại thì sắp nhỏ và ...mẹ gấu vĩ đại đều nhăn răng vì đói. Xem xem cái vụ đào đường lại "lòi" thêm chỗ mô? Để tránh dính chùm xe cộ như mớ bùi nhùi trong cái vòng lẩn quẩn ấy .Vàng bạc, Dollar lên xuống ra mần răng? (mặc dầu chẳng có phân vàng hay đồng teng Mỹ kim nào)

Cũng chẳng có thêm ầm ĩ, ì đùng nào về vụ Triều Tiên la làng, la xóm rằng thì là: Tụi tui bắn vệ tinh lên quỹ đạo vì mục đích hòa bình. Nhưng các ngài Gờ Mỹ Nhật Hàn lại cho rằng Triều Tiên tui giả vờ núp bóng hòa bình mà quăng bom "hột nhơn" Cuối cùng mới giở đến báo CATP để xem tin đó đây, vụ án ly kỳ, cướp bóc dã man. Giống mọi lần, bao giờ tôi cũng lật trang giữa xem trước. Thật là đã, trang báo vào ngày 07/04/2009 có đăng vụ án ly kỳ rùng rợn về những tên cướp đường sông ở miền Tây. Chuyện kể xuyên suốt những chuyến truy lùng thật gay go. Những trinh sát hình sự anh hùng gan dạ, quên mình (quên béng cả vợ con, bồ bịch)với tên tướng cướp táo tợn, mưu mô xảo quyệt (viết về bọn ác phải thế !)chuyên cướp của, giết người nhằm vào các ghe thương hồ lênh đênh trên sông nước(tên này là sư phụ của hải tặc Somali đây nha) nếu gặp phụ nữ hắn cũng chẳng bao giờ buông tha từ mươi mười năm trước. Câu chuyện có thật do 2 tác giả lược kể êm ru bà rù . Tôi đọc say sưa như đang mê mẩn cùng tô cơm vừa chín tới. Bốc khói thơm lừng được xơi với cá khô Sặc dầm tương ớt trong những chiều mưa dầm tháng 7 âm lịch sụt sùi.

Đột nhiên một tiếng rốp khô khốc vang trong đầu tựa như ta cắn phải hột sạn cực kỳ to lẫn trong bát cơm thơm. Tác giả bài viết đã diễn tả trơn tru, văn vẻ đọc thật phê. Khi gần đoạn cuối, tôi bất ngờ nhậnthấy có hai từ không ổn

http://i48.photobucket.com/albums/f226/phongtran452000/baoCATP.jpg
Chỉ hai từ "hành hiệp"

chút nào. Thằng tôi ngộ ra rằng chỉ cần đặt không đúng chỗ hai từ thôi thì có khi phá hỏng toàn bài. Thay đổi ý nghĩa, tư cách của một hay nhiều nhân vật. Xin được trích một đoạn như sau :" Bên cạnh vai trò "huynh đệ" trong băng trộm cướp thì Dong còn là anh rể của Hiếu. Năm 1990 Dong cưới một người chị của Hiếu. Khi hành hiệp giang hồ, Hiếu là đại ca còn khi về nhà......" Ngay lúc này tôi thật "bức rức"khi tác giả "ghép cho" hành động của những tên cướp được "sát vai" hai từ "hành hiệp". Nghe nó ngờ ngợ và ấu trĩ làm sao.
Thật là :

Đạo tặc hiên ngang khoe nghĩa hiệp
Anh hùng bạt vía dấu hành tung

Tôi từng đọc những bộ tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình do Kim Dung viết từ rất lâu trước đây. Thường thấy ông sử dụng cụm từ: Thiếu hiệp dành cho những thanh niên ưu tú giỏi võ nghệ, tư cách đường hoàng. Lớn tuổi hơn mà tư cách tài nghệ giống thế ông sử dụng từ Đại hiệp . Ngay trong giao tiếp các nhân vật chính nhân quân tử trong truyện cũng trao đổi với nhau bằng những đại danh từ này. Chỉ những nhân vật như thế mới được ghép chung cùng từ hành hiệp.Còn như phe tà đạo, gian ác nhiều lắm là sử dụng từ " hành tung" hoặc "bôn tẩu" Tôi nghĩ rằng trường hợp những tên cướp kể trên dùng cụm từ :"Bôn tẩu giang hồ" là hợp lý nhất. Thật đúng là chữ với nghĩa phải không ?

Nói đi rồi xét lại . cũng có khi tác giả không hề viết thế mà do sai sót của bộ phận xếp chữ, biên tập chăng ? Hy vọng là thế . Kết thúc một ngày với đủ loại hỷ nộ ái ố rất đời của một con người. Bật TV xem bóng đá cúp C1 thôi . Có ai thức đêm giống như tôi không nhỉ ?
Đả cẩu by thiên bổng
Thi hoạ made Việt Nam
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt


ND - Ðây là một vấn đề không mới, đã được bàn nhiều từ rất lâu. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm việc phải làm như thế nào để tiếng Việt của chúng ta ngày thêm đẹp hơn, phong phú hơn, hiện đại hơn. Và cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng cũng là một tấm gương sáng về việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc.

Báo chí đã nhắc nhiều đến việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong khi sử dụng ngôn ngữ nói hoặc viết. Chẳng hạn, với thuật ngữ công nghệ thông tin, các danh từ như mail, forum, website,... thường được sử dụng, thay vì dùng từ tương ứng trong tiếng Việt là thư, diễn đàn, trang điện tử; những động từ như search, post, join, register,... được dùng mà không phải là tìm kiếm, gửi, gia nhập, ghi tên... Giải trí và thể thao là hai lĩnh vực mà ở đó, mật độ xuất hiện các từ ngữ như thế khá phổ biến. Như sử dụng scandal thay cho bê bối, fair play thay cho chơi đẹp, knock out thay vì đánh gục, v.v. Người đọc là thanh niên thì còn đỡ, với người cao tuổi, người không biết ngoại ngữ, nhiều khi lật trang báo mà không biết nên đọc như thế nào, không hiểu ý nghĩa ra sao. Khi nghe đài, xem truyền hình, cũng một từ mà có phát thanh viên đọc thế này, có phát thanh viên lại đọc thế khác. Trong cuộc sống, không phải ai cũng giỏi ngoại ngữ đủ để nhận biết phát âm đúng hay sai. Dần dần, nghe và đọc mãi thành quen, một thói quen mà dường như ít quan tâm đến tính chuẩn xác.

Tiếng lóng cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Có tiếng lóng chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp, giữa những người cùng chung một ngành nghề, một lĩnh vực nào đó, lại có tiếng lóng đã thông dụng. Nhưng lối nói lóng kiểu "phan đình giót" (rót rượu), "cao bằng" (rượu trong mỗi chén đều nhau), "bắc cạn" (uống hết rượu trong chén) thì cần xem xét, vì đó có thể là sự xúc phạm. Cách đây vài năm, ở các thành phố, lại thấy xuất hiện tiếng lóng của thanh thiếu niên. Hiện tượng này đã gặp không ít ý kiến phản đối, nhất là khi trên mấy diễn đàn, một số bạn trẻ 8X cho rằng, phải dùng tiếng lóng mới gọi là "sành điệu". Thế hệ 8X và 9X (cách gọi thông thường hiện nay đối với những người sinh từ năm 1980 đến 1989 và từ năm 1990 đến 1999) đã tạo nên những khác biệt không chỉ trong ngôn ngữ nói mà cả trong ngôn ngữ viết. Họ rút gọn câu, sử dụng những chữ cái, con số thay thế cho chữ cái khác trong câu. Dù dư luận đã lên tiếng phê phán nhưng tình hình ít biến chuyển. Bởi người sử dụng đã có các cách thức khác nhau để duy trì sự tồn tại, đẩy mạnh tốc độ phổ biến của lối viết này như qua chat (trò chuyện qua mạng), comment (bình luận) ở các forum (diễn đàn), blog (nhật ký trên mạng), các trang liên kết xã hội, sms (tin nhắn qua điện thoại di động)... Tình trạng kể trên đã phổ biến đến mức, chỉ cần đọc là biết tác giả ở trong độ tuổi nào. Thậm chí, một số người lớn tuổi hơn cũng sử dụng loại ngôn ngữ này để được coi là "sành điệu"! Rồi là tình trạng sai chính tả, mắc lỗi trong diễn đạt cũng có nguy cơ lan rộng, và dường như có một số tờ báo ít quan tâm vấn đề này. Khi mà có thể sử dụng từ điển tiếng Việt để bảo đảm sự chính xác thì vẫn cứ gặp lỗi đánh máy văn bản, lỗi do "nói ngọng" nên đã chuyển từ ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết, hoặc lỗi do ảnh hưởng từ cách diễn đạt của ngôn ngữ nước ngoài, v.v.

Ngôn ngữ là tài sản văn hóa quý giá và gắn liền với lịch sử phát triển của mỗi dân tộc. Ngôn ngữ là một biểu thị của một nền văn hóa có bản sắc riêng, là yếu tố để chúng ta ý thức được mình là người Việt Nam, không phải là người nước ngoài. Giữ gìn sự trong sáng và làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú, sinh động hơn luôn là việc làm cần thiết. Ðó vừa là hành vi văn hóa của mỗi người, vừa là thái độ trân trọng một tinh hoa văn hóa mà cha ông đã trao lại.



(ST từ báo nhân dân)
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa bim bim

Mẩu chuyện vui về Tiếng Việt:

                Anh chàng láu lỉnh (hay Chuyện về dấu phẩy)
                --------------------------------------------
     Ngày trước, bò nuôi chỉ để cày ruộng, con nào không cày được mới đem làm thịt. Một hôm, có anh hàng thịt viết đơn xin xã cho thịt một con bò. Thấy con bò còn khoẻ, lại đang giữa vụ cày nên cán bộ xã phê vào đơn: "Bò cày không được thịt."
     
     Anh kia về cứ đem bò ra mổ. Xã gọi lên phạt, anh chàng liền chìa đơn ra cãi:
     -Bò cày không được, xã đã cho phép tôi thịt rồi.
     
     Thì ra anh chàng láu lỉnh đã thêm vào lời phê của cán bộ xã một dấu phẩy...
     Chắc các bạn đã biết anh chàng kia đặt thêm dấu phẩy vào chỗ nào trong câu đó rồi phải không?
                                      (HBB sưu tầm)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa bim bim

Thêm một mẩu chuyện vui về Tiếng Việt:

               Chỉ vì quên một dấu câu

     Có ông khách nọ đến cửa hàng đặt vòng hoa viếng bạn. Ông dặn người bán hàng ghi lên băng tang: "Kính viếng bác X". Nhưng về đến nhà, nghĩ lại, thấy lời phúng còn đơn giản quá, ông bèn sai con chuyển cho người bán hàng một tin nhắn, lời lẽ như sau: "Xin ông làm ơn ghi thêm nếu còn chỗ linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng."

     Lúc vòng hoa được đem tới đám tang, ông khách mới giật mình. Trên vòng hoa cài một dãi băng đen với dòng chữ thật là nắn nót: "Kính viếng bác X. Nếu còn chỗ, linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng."

     !!!                                    (HBB sưu tầm)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 41 trang (405 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [32] [33] [34] [35] [36] [37] [38] ... ›Trang sau »Trang cuối