Trang trong tổng số 65 trang (649 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
À mà đây là bộ phim dựng theo truyện vừa cùng tên của nhà văn Boris Vasilieev - một sĩ quan nổ mìn của quân đội Liên xô, học hết lớp 9... Sau này ông được cử đi học nâng cao chuyên ngành sĩ quan thử nghiệm - chuyên thử nghiệm xe tăng mới xuất xưởng. Một người rất bình dị, học không cao, sinh ra trong gia đình sĩ quan... vậy mà lại trở thành nhà văn.. Hay thật đấy, chị nhỉ? Chị có còn giữ cuốn truyện ngày xưa chị đọc không ạ?
Năm nay ông ấy 83 tuổi và hình như vẫn tiếp tục viết...
Cuốn truyên đó vẫn đang còn trong tủ sách nhà mình, HXT à! Thỉnh thoảng vẫn lấy ra đọc lại...Đọc truyện đã xúc động mà xem phim lại càng xúc động hơn, bởi kịch bản phim chi tiết hơn, sống động hơn. Phim vẫn đang được chiếu trên VTV3, sáng nay đã có một cô gái hy sinh rồi: Xô-nhi-a, cô gái yêu thơ ca của tiểu đội nữ pháo cao xạ, người vẫn hay ngâm nga các vần thơ mà cô yêu thích cho bạn bè trong những khoảnh khắc thanh bình của cuộc chiến tranh...Cô nằm đó, vết thù đâm trên ngực, đôi mắt vẫn mở rộng, nhìn đăm đăm lên bầu trời, đôi mắt như muốn hỏi: sao chiến tranh lại tàn nhẫn đến thế này?
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phong Lưu

Bạn có bao giờ thấy thất vọng vì một sự thật không như mình nghĩ? Tôi thì có đấy! Vốn là người yêu thơ - dù không hay làm thơ, cũng chẳng có bài thơ nào ra hồn- nhưng tôi vẫn rất trân trọng những người làm thơ viết được nhiều bài thơ hay, tứ thơ lạ. Vườn thơ của Thi viện này tuy chưa  hội tụ được thật nhiều các anh tài nhưng ở đây ,trang lưu trữ của Thi viện lại cho tôi và nhiều người khác một nguồn thi liệu vô cùng dày dặn, phong phú. Trong diễn đàn của Thi viện, lặng lẽ hay công khai, tôi đã đọc dược khá nhiều bài thơ thật giàu cảm xúc của các thành viên- dù đã có tên tuổi đâu đó, hay chỉ là những cái nick mà người ta mới biết đến nhờ vào đây. Tôi vẫn thường cảm thấy : mọi người thật tâm huyết. Đọc nhiều câu thơ trong các bài thơ của các bạn, nhiều lúc tôi thật ngạc nhiên: sao các bạn ấy lại viết được những câu thơ như vậy, những bài thơ lạ mà hay đến thế! Quả là mình còn phải học hỏi thêm rất nhiều...Ngay cả cái vườn thơ nho nhỏ của cô giáo Quỳnh dành cho tuổi thần tiên, trẻ mầm non, lại là cả một vườn thơ trong trẻo, tươi sáng, dịu dàng, thuần khiết.
Vậy mà hôm nay tôi thấy thất vọng, vì rằng không phải tất cả đều vô tư...Tôi hiểu ý của Nguyệt Thu khi bạn ấy nói rằng đây là Thi viện- dù diễn đàn - cũng phải cẩn trọng đôi chút lời lẽ để không làm xấu đi hình ảnh của một diễn đàn Thơ.
Có lẽ vì thế , chỉ nên vào đây tản mạn đôi điều cho riêng mình thôi vậy!
Lang thang quen nết mất rồi
Hỏi người: người có giữ tôi không nào?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Tình yêu không khuyết tật!

( post vào đây nhân ngày Quốc tế thiếu nhi)


Chưa khi nào tôi lại bị một cuốn film cuốn hút đến vậy, dù ngay khi xem tôi vẫn không biết chính xác tên của bộ phim đó là gì…

Nhớ buổi trưa hôm đó, tình cờ bật TV lên để xem một cái gì đó trước khi đi làm, bỗng thấy trên màn hình là một khuôn mặt xinh đẹp của một cô bé có mái tóc vàng óng ả…Một bộ film nước ngoài. Cô bé đang nhìn vào gương mặt của một người đàn ông trung niên, người này đang cúi xuống một trang sách và đang cố gắng đọc, hết sức cố gắng , nhưng hình như vẫn không thể đọc được từ đó là gì…” khác nhau!” , cô bé nhắc, và trầy trật lắm, ông ta nhắc lại ” khác nhau”. Gương mặt và vẻ khó nhọc của động tác mấp máy môi, đôi mắt với cái vẻ ngây ngây, lạc thần, giúp tôi hiểu ra đây là một người đàn ông thiểu năng, đúng hơn , là vai mà diễn viên này thủ diễn!

Hai mái đầu tựa bên nhau, một người trung niên, một đứa trẻ ; một xinh đẹp như thiên thần, một ngây ngô, khiếm khuyết…Nhưng cái cách mà cô bé tựa đầu vào vai cha, mới tin cậy, mới dịu dàng, âu yếm làm sao! Bộ film cuốn hút tôi có lẽ là từ hình ảnh đó…

Đồng hồ đã chỉ quá buổi làm nửa giờ vậy mà tôi vẫn tiếc nuối không muốn rời đi. Tay đã đặt lên cái nút contact của TV, đã nhấn xuống rồi , vậy mà cứ không nỡ thả ra và cứ đứng vậy trước màn hình để xem nốt phần diễn biến…Cũng nôn nóng vì ngoài kia đang có một cuộc hẹn, mọi người đang chờ, vậy mà thời gian cứ trôi, tôi vẫn đứng xem và vẫn chực sẽ tắt máy thực sự. Trớ trêu thật, cuốn film càng lúc càng hấp dẫn với những tình tiết dẫn dắt trong film…Một cuộc đối kháng không có gì là ” nóng” , là “giật gân” nhưng lại có sức hút hồn người một cách kinh khủng! Người cha thiểu năng, bằng tình yêu với đứa con ruột thịt, một tình yêu thương mãnh liệt, đã đấu tranh bằng mọi sức lực, bằng tất cả tâm hồn để giành lấy quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng con mình. Phía bên kia là các tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của trẻ em ( trong xã hội tư bản), bằng lý lẽ, bằng niềm tin đang làm điều tốt nhất cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt , giúp chúng được sống và lớn lên trong một môi trường có lợi nhất- hậu thuẫn cho họ là luật pháp , và hình như, tất cả lợi thế đều đang ở về phía họ… Người cha tội nghiệp kia , trong hoàn cảnh tưởng như vô vọng, vậy mà vẫn kiên trì tìm mọi cách để khẳng định trước cả cái thế giới ” chân chính” kia, rằng ông yêu con mình, con gái ông cần chính ông chứ không phải ai khác để được che chở, yêu thương! Một người đàn ông thiểu năng, một nhóm bạn thiểu năng của ông ấy nữa…lại là những con người hết sức nhân hậu - dù vẻ ngoài hết sức vụng về, ngô nghê- trong họ, sao mà tình yêu thương lại dồi dào và trong sáng, thánh thiện đến vậy!

Cái cảnh film đầy ấn tượng với tôi, là hình ảnh cô bé đang đêm trèo qua ô cửa sổ của nhà đôi vợ chồng đang muốn nhận nuôi cô bé, chạy băng qua đường, trong chiếc áo ngủ mỏng manh, để sang ngôi nhà của bố cô- vừa mới dọn đến gần đó- để tiện cho việc đến thăm cô theo định kỳ quy định của Tòa án. Hành động đó được tiếp diễn cho đến một ngày người mẹ nuôi tương lai phát hiện và ngăn cản bằng cách khóa kín cả cửa sổ lẫn cửa ra vào…Để rồi sau đó, chính đôi vợ chồng này cũng nhận ra là không thể nào ngăn trở một tình yêu thương lớn lao đến thế!

Tôi đành buông ngón tay ra khỏi nút contact khi đồng hồ chỉ đứng 14h30, bởi không thể nán hơn được nữa…Đó là khi đạo diễn cho chạy nhanh, liên tục cái hình ảnh của cô bé đêm đêm trốn sang nhà bố mình, và đêm nào, người bố đó cũng khi thì dắt tay con, khi thì ủ con gái trong chăn ấm , bồng đưa con trả về ngôi nhà của đôi vợ chồng kia…Và đôi mắt đầy vẻ ái ngại, trắc ẩn, cả vẻ đau khổ, cam chịu của người mẹ nuôi tương lai kia nữa, nó nói lên được quá nhiều điều!


Tôi tuy tiếc rẻ vì mình không được xem trọn vẹn cuốn film, nhưng lòng vẫn tin chắc rằng, cuối cùng, chính ông, chính sức nóng của tình yêu đã giải tỏa được tất cả những sợi giây chằng chịt của luật pháp nước Mỹ, để mang con gái của ông về với bến bờ yêu thương của cả hai cha con…
Và hình như, film đúng là kết thúc như thế thật…

” I am Sam”, sau này tôi được biết, tên film chính xác là như thế! Ước sao có dịp mình sẽ được xem lại, thật trọn vẹn cuốn film này!

Nguyệt Thu
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

bongbongbangbang

Bộ phim chị nói có ở các cửa hàng băng đĩa đấy chị ạ.
Anh đừng tiếc anh là người đến chậm
Trong tình yêu nhanh chậm nghĩa gì đâu?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Chào Bongbongbangbang! :)Cám ơn em đã mách bảo nhé! Mình sẽ để ý thử tìm xem.
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

"Chúng tôi là chiến sĩ"...
   

   Một trong những show truyền hình mà mình thấy thích xem và để lại được nhiều ấn tượng trong lòng là " Chúng tôi là chiến sĩ".

   Mới đầu, mình cũng có cảm giác hơi khó chịu khi thấy hình tượng người chiến sĩ được đưa ra " tung hứng" trong một trò chơi giải trí truyền hình. Sau đó, chương trình ngày càng được cải tiến, đảm bảo được tính văn hóa và hài hòa được cả hai yếu tố cần thiết: giải trí và làm sáng rõ hơn, đẹp thêm hình tượng người chiến sĩ trong mắt người xem đài, trong mắt người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Mỗi sáng chủ nhật, cả nhà mình vẫn có hứng thú theo dõi chương trình này, cùng vui cười qua những tiết mục tham gia của những người lính trẻ. Mình thích nhất là cái đội ngũ cổ động viên của chương trình: một rừng xanh áo lính và những cách tay đưa cao quá đầu, vỗ tay đều tăm tắp, những gương mặt rạng rỡ và hào hứng vì niềm vui. Trông họ thật trẻ trung, giàu nhiệt huyết và đầy tính kỷ luật. Cả cái bài hát nền của chương trình cũng thật dễ thương: " Ước mơ chiến sĩ" một nhạc phẩm của Lưu Hà An.

   Ấn tượng nhất đối với mình là mục trang thư tâm sự của những người lính. Những lá thư, những tâm sự, những hoàn cảnh khá đặc biệt được chọn ra, giới thiệu và xác định chủ nhân là ai trong số các chiến sĩ đang có mặt trong khán phòng, sự gặp gỡ giữa người lính và người thân trong gia đình ngay tại trường quay với nỗi mừng mừng tủi tủi luôn thật xúc động và rất thực!
   Sáng nay, lá thư được chọn là của một người lính không còn quá trẻ. Chàng trai chừng 34, 35 tuổi- gương mặt khá sáng, vóc dáng có vẻ nho nhã- ánh mắt long lanh. Cái sự long lanh của đôi mắt đang xúc động, một ngấn lệ cố nén để không trào...Mà lạ thay, mình lại không hề thấy ở đó cái vẻ yếu đuối, ủy mị không nên có ở người chiến sĩ!
   Người mẹ trong lá thư không phải là người mẹ sinh ra người chiến sĩ ấy. Bà là mẹ nuôi, chỉ là mẹ nuôi thôi! Người chiến sĩ kể lại câu chuyện đời mình: 10 tuổi lang thang theo người làng ra Hà Nội ăn xin vì ở quê hồi đó quá nghèo đói, bố mẹ không nuôi nổi. Một hôm bị lạc mất người quen, cậu bé gốc người Quảng Xương, Thanh Hóa không biết tìm đâu đường về, dạt lên tận miền ngược Lạng Sơn. Được một bà mẹ miền núi nhận về nuôi dưỡng, cho ăn học nên người rồi đến ngày vào quân ngũ và trở thành một người lính. Người mẹ đó, bằng tấm lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương đã bảo bọc , chở che , dưỡng dục cho cậu bé đói nghèo trôi sông lạc chợ . Bằng tấm lòng của mình , người mẹ nuôi đã khiến người con nuôi ấy hằng yêu mến, kính trọng, ngay cả khi người ấy tìm lại được quê quán và bố mẹ đẻ của mình. Khi MC Lại Văn Sâm hỏi: sau khi tìm được bố mẹ đẻ, tình cảm của người mẹ nuôi và anh có gì thay đổi không? Người chiến sĩ ấy đã trả lời bằng chính câu nói của mẹ nuôi mình: " Con tìm được bố mẹ rồi, mẹ mừng lắm, con cứ yên tâm mà lo cho bố mẹ đẻ thật chu toàn. Còn mẹ, mẹ không phải cưu mang con để mong một ngày được con nâng giấc, báo đáp". Nước mắt người chiến sĩ ấy đến giờ phút này không còn kiềm giữ được nữa, những dòng nước mắt tuôn rơi, lả chã ... Và khi người mẹ ấy xuất hiện trên sân khấu, kể lại một ngày của năm 1982, đón nhận cậu bé ăn xin lạc lõng đó về nhà, nhận cậu làm con, cho mang họ của bà, nuôi con ăn học, thương cậu như con đẻ , mẹ con gắn bó, không quản chi vất vả khó khăn...Người mẹ dân tộc Tày ở mãi tận Lạng Sơn, mộc mạc, chân chất , bằng tấm lòng của mình, đã khiến bao chiến sĩ ngồi tham dự chương trình kéo tay áo lên lau nước mắt. Và tôi cũng khóc cùng họ: người lính trên sân khấu, những người lính bên dưới khán phòng.


   Cuộc đời vẫn có những tình cảm thật đẹp, bất chấp những khó khăn, những cạm bẫy, những lọc lừa...Người chiến sĩ ấy thật may mắn! Nếu không có người mẹ nuôi nhân hậu ấy, chắc gì cậu bé ăn xin năm nào có được cuộc đời hôm nay? Câu chuyện đẹp còn bởi vì người con nuôi ấy đã nhận thức được điều này tận đáy lòng anh! Cảm ơn người phụ nữ Tày chân chất ấy, cảm ơn VTV 3 đã đem đến cho mọi người những bài học thật giản dị mà vô cùng sâu sắc!

Nguyệt Thu
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hôm qua mình cùng cả nhà về biển. Có lẽ cũng ít ai đi biển kiểu nhà mình! :DDậy từ 4 h sáng, chuẩn bị ( thực ra thì cũng chẳng có gì phải chuẩn bị nhiều, vậy mà cứ thế đấy! :P). Đúng 5h, đón một người bạn của gia đình và rồi xuất phát.
Trước, Huế chỉ có hai bãi tắm biển chính cho mọi cư dân của mình là Thuận An và Lăng Cô. Những năm sau này người ta khai thác thêm nhiều bãi tắm để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tắm biển mùa hè đang ngày càng nhiều lên của người dân...Vì thế, mà các bãi tắm cũ được phục hồi, các bãi tắm mới được khai thác đưa vào phục vụ. Mấy năm trước mình hay đi Cảnh Dương, vùng biển lặng bên cạnh cảng Chân Mây đang khá nổi đình đám về cảng biển nước sâu của TT Huế! Năm nay, biển Vinh Thanh, lại thu hút khá đông đảo cư dân của vùng mình đang sinh sống .

Con đường từ nhà mình về biển chỉ đi chừng 25' xe máy. Một tỉnh lộ đã được rải nhựa, hai bên đường là đồng lúa xanh tươi, những hàng dương xanh mát. Buổi sáng sớm, không khí thật trong lành. Gió mát rười rượi. Không gian yên bình của đồng quê khiến lòng người cứ nhẹ nhõm. Con đường này, hơn 20 năm trước, là con đường quen thuộc với mình...Con đường dẫn đên một ngôi trường làng buổi cuộc sống còn nhiều gian khó, ở đó, có một cô giáo trẻ yêu đời, yêu nghề, yêu học trò, sôi nổi với những giờ giảng văn...Mỗi lần ngang qua con đường cũ, mình lại nhớ cái lối nhỏ chỗ gập ghềnh sỏi đá, chỗ toàn cát trắng chói mắt, mệt nhoài vì đâỷ xe qua mỗi ban trưa...Những ngày mưa lũ, nước ngập đồng, ngập đường, mò mẫm tìm lối , sợ nhỡ may bước hụt nhào xuống lòng con hói kề bên! Có lẽ vì những hoài niệm này mà mình thích chọn bãi biển này để đến vào những sáng tinh mơ cuối tuần?

***
Biển buổi sáng thật trong lành. Trời xanh, nước xanh ngắt. Bãi vắng. Những con tàu nhỏ đã đưa cá về bãi từ khuya, giờ đang neo đậu, dập dềnh, yên lành bên bờ cát. Người thưa thớt, chủ yếu là các chú bé con nhà vạn chài chạy loăng quăng dọc bờ biển đùa bắt những chú còng nhỏ xíu đang chui ra khỏi hang, ngắm biển lúc rạng đông. Hít sâu làn hơi biển mằn mặn, tự nhiên lòng rộn ràng, vui vui...Chạy ào xuống cùng những con sóng đang tỏa bọt trắng xóa vỗ bờ, thấy mình như lại hồn nhiên cùng trời, mây, nước...Nước biển âm ấm, man mát. Sóng biển hiền hòa, mặt khơi xa bình lặng. Một hôm, mình đã nhìn thấy một cánh hải âu đơn lẻ bay vụt lên, lấp lánh trong nước, trong nắng...Đôi cánh chim nhẹ nhõm, dập dờn bay về phía biển khơi xa. Cái cảm giác phía trước là tự do, là bầu trời rộng mở của cánh chim hải âu làm mình thấy nao nao...Cúi xuống, vẽ lên nền cát mịn một dòng chữ chỉ cho riêng mình đọc, chỉ một tích tắt sau, sóng tràn lên, kéo dòng chữ vào lòng, gửi về đại dương mênh mông...Thấy vui vui vì mình đã viết được điều muốn viết mà không phải đã không được sẻ chia...

Vậy đó, những cảm nhận của mình năm nay, về biển: một bầu trời bình yên, sáng trong, thanh thản...Một bến bờ để cùng vui với những người thân yêu và...để nhìn ngắm, để lặng thầm gửi gắm một chút cảm xúc của riêng mình...:)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Mùa thu Huế, mùa Vu Lan...

Trời Huế suốt tuần nay đã bớt đi cái nắng nóng nung người. Trên bầu trời, xen kẽ giữa nền trời xanh ngắt là những đám mây xám lững lờ, nét đặc trưng của mùa thu Huế...Thỉnh thoảng đã có những trận mưa rào nhẹ vào nửa đêm về sáng, chỉ vừa đủ cho những ai khó ngủ thưởng thức được cái âm vang nhẹ nhàng của mùa thu Huế lại đang về...

Cũng chỉ hai hôm nữa là đến ngày lễ Vu lan, mùa báo hiếu! Trên miền đất nhiều chùa chiền, nhiều tín đồ, đạo hữu Phật giáo này, mùa Vu Lan bao giờ cũng được người Huế hướng về với tất cả lòng thành kính. Huế đang là mùa sen, ngày rằm Vu Lan, khói trầm hương hòa quyện hương hoa sen tinh khiết trên bàn thờ tổ tiên, cha mẹ, như một nét Huế khó phai, làm Huế thêm dịu dàng, đầm ấm. Giữa đời thường đang có xu hướng ngày một xô bồ, tình nghĩa con người như có vơi đi bớt, người ta bận rộn với áo cơm, danh vọng, mùa Vu Lan ở Huế bao giờ cũng như một "khoảng lặng" cần thiết để nhiều người Huế lại có dịp "tĩnh tâm" nhớ về những giá trị tinh thần sâu lắng- cái vốn góp phần làm nên nét Huế được trường tồn vĩnh cửu với thời gian...

Có một ca khúc Phật giáo, tình cờ một lần được nghe rồi mãi nhớ, mãi xúc động, cứ mỗi độ Vu Lan về, lòng cứ day dứt, bâng khuâng:

" Con hỏi mẹ sao cài hoa màu trắng
Vào những ngày báo hiếu lễ Vu Lan
Sao không cài hoa hồng màu tươi thắm
Mẹ khẽ nói: mẹ không còn có mẹ!"

Cái mất mát đôi khi lại được bù đắp, xoa dịu bởi chính những việc làm mang lại cho người khác điều mình đã không có được. Mùa Vu lan này lại làm tôi nhớ đến mẹ mình nhiều hơn có lẽ bởi tôi thấy mình đã không làm được trọn vẹn điều mà mình rất muốn.

Huế vào thu, những sợi tơ trời lại sắp trở về lãng đãng trên bầu trời Huế... Trong mùa Vu Lan này, tôi muốn gửi đến bạn bè tôi, những người đang còn có mẹ trên đời hãy biết làm cho mẹ vui khi còn có thể...Và những ai không còn có mẹ kề bên hãy dành ra những giờ phút thật lặng yên, để ít nhất có một lần dành riêng cho mẹ tất cả cõi lòng tưởng nhớ...
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cammy

Hì... Tỉ tỉ Nguyệt Thu cho phép em vào đây gửi gắm vài lời cảm xúc nhé! Thực ra là cho em gửi thôi, vì em đã viết cái này ở chỗ khác, mà giờ không muốn lui vào đó nữa, nên "rời" nó sang đây. Rời nó từ một ngôi nhà sang trọng sang mái nhà tranh ấm cúng. Thế nhé! Tỉ tỉ nhé! Hồi trước em hay viết linh tinh, bây giờ em lại muốn mang cái linh tinh đó về nhà mình (là Thi viện đó ạ! :D) Lần này là cả một lô dấy tỉ tỉ ạ!
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cammy

Niềm thương và lòng trắc ẩn

Tôi lang thang trên đường Hà Nội!

Ngẩn ngơ buồn, ngẩn ngơ vui, những nỗi buồn không tên, những niềm vui chẳng thể gọi... Chẳng phải vu vơ, nhưng lại và vu vơ, những nỗi niềm...

Ngu ngơ nhìn ngắm những dòng người lạc trong phố, những dáng gầy khắc khổ bao dung của những cụ già, những bước chân lạc lõng nhỏ nhoi của những em bé. Có một điểm chung giữa họ: Ăn xin...

Một bước chân đi là xa tít tắp, một cái nhìn khinh khi, những phỉ nhổ, tôi lặng im không nói được gì, không phải vì tôi không thể nói mà tôi không dám nói. NHững bước chân lặng lẽ khắc khổ đi qua, những dáng người đầy ắp đau thuơng. Chữ đầy, sao mà yêu đến thế, sao lại phải dùng cho chữ đau thuơng.

Bà ơi, gia đình bà ở đâu? Con cái bà thế nào? Rồi cháu  bà nữa. Bà phải có những đứa cháu lớn rồi, vậy mà lang thang ở đây, bà làm một vệt còng những khắc khổ, trên những con đường ghi dấu thời gian, bà đã khắc vào cuộc sống, những vệt yêu thuơng, những vệt hy sinh, và những vệt đau đớn...

Ông ơi, làm sao đây khi giọt nước mắt rơi trên đôi mắt già nua đang dần khép. Làm sao khi những con đường tưởng như đã kết thúc lại mở ra cho những nỗi đau. Ôi bao nhiêu là niềm thuơng, niềm khắc khoải, lòng trắc ẩn hư không.

Em bé ơi, những bước chân nhỏ bé về đâu, khi những tiếng hát vô hồn, giống những vết dao cứa vào da thịt. Cha mẹ em hay kẻ xấu nào đã dạy em bài hát ăn xin, chị biết. Cha mẹ đâu nỡ để em bước chân ra đường, dấn thân vào một vòng luẩn quẩn của những kiếp lầm than. Cha mẹ đâu nỡ để em hát những bài hát ai oán đau thuơng kể về cuộc đời ngắn ngủi đầy sóng gió của em - hỡi em bé tha hương.

Tôi ơi, những ngày dài khó khăn vất vả. Học hành với những tình thuơng không tên, lòng trắc ẩn chả nói nên lời, và cũng chả đến đâu. Kiến thức vỡ oà dần theo những thứ không tên, tan vào cuộc sống. Tôi ơi, sao tôi sợ những lo toan, những tính toán... Niềm tin ơi, sao lai bị vứt bỏ giữa cuộc đời.

Tôi ơi...

Tôi chưa đủ lớn. Tôi còn bé nhỏ. Một hạt cát giữa biển trời mênh mông, tít tắp...

Tôi phải lớn dần lên, thành viên sỏi, thành viên đá, để không bị cuốn theo gió, mà lại rơi vào hư không, rơi vào những vơi đầy của cuộc sống...

Tôi cố, để vươn lên...
 
03.05.07
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 65 trang (649 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối