Bởi còn có những con đò...
(Tạp san Áo Trắng) - Thầy chúng tôi áo chưa bao giờ trắng tinh vì thầy cũng hái dâu, tay cuốc tay cày. Ngày ấy tôi còn ở tuổi thơ cứ nhẩn nha lang thang trên dải đê xanh mướt, tinh nghịch chơi đủ trò bỏ mặc đàn trâu gặm ngô làng bên, làng bắt mất trâu. Thầy cởi áo bơi qua sông xin dắt trâu về, tối qua nhà nói giùm với mẹ cha tôi kẻo học trò của mình tối nay phải đứng úp mặt vào tường muỗi đốt, sáng hôm sau lại ngủ gục trên bàn.
Minh họa: Mặc Tuân
Ngày ấy, con đường còn nhuộm màu đất đỏ, mưa xuân về có đứa đến trường mà quần áo như vớt ở dưới ruộng lên. Thầy chờ mấy đứa gần nhà cùng đi rồi dắt qua chỗ lội, có đứa được thầy cõng trên lưng, tới trường thì áo thầy nhuốm màu đất núi.
Chiếc áo thầy nâng niu nhất mà năm nào khai giảng thầy cũng mặc là chiếc áo bộ đội đã bạc màu. Thầy bảo nhờ có nó mà thầy trò mình bây giờ mới được ngồi đây, bàn tay thầy đã một thời cầm súng. Đôi tay chai sần thế mà đứa nào đứa nấy tranh nhau nắm tay thầy và coi như ân huệ.
Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Chúng tôi đứng ở cổng nhà thầy đùn đẩy nhau vào chúc tết. Thầy dắt vào nhà mời kẹo lạc, lũ chúng tôi lập tức quên mất mình đến chúc tết thầy.
Nếu mẹ cha coi những đứa con là cả tương lai của mình thì thầy coi chúng tôi như công trình của cả đời thầy. Thầy nghe ngóng, hỏi thăm tình hình học tập của hai mươi mấy đứa học trò ngày ấy học cấp II, cấp III như thế nào, đứa nào học chuyên văn, chuyên toán. Đứa nào vào đại học hay đã sang ngang để thầy phải lắc đầu. Mỗi năm lại thêm hai mươi mấy đứa. Không biết sức ở đâu mà những cái tên chỉ nhắc lại, thầy khẽ nhíu mày là nhớ ra ngay.
Lớp tôi có Cường, con chú Miên, học giỏi mà nhút nhát. Bất cứ lúc nào, ở đâu cũng chỉ thấy nó cúi đầu. Nó xấu hổ vì bố nó bị động kinh, thỉnh thoảng không mặc quần áo rồi chạy khắp làng. Lên cấp II nhà trường xếp nó vào đội tuyển học sinh giỏi, nó nhất định không chịu, không đi ôn luyện cũng nhất quyết chẳng đi thi.
Thầy dắt tôi cùng đến nhà nó, thầy an ủi động viên, nó một mực lặng im. Thầy ra vườn rút cây dâu dài, đánh nó mà thầy khóc.
Thầy nói trong nước mắt:
- Mình nghèo, bố mình đau bệnh mình càng phải ngẩng mặt lên để nhìn đời. Nếu còn cúi mặt xuống thì đừng bao giờ gọi thầy là thầy nữa. Trời bắt ta nghèo nhưng không ai bắt được ta hèn, con trai ạ.
Nó ôm thầy nức nở:
- Thầy ơi!...
Hôm nó đi thi, thầy cọc cạch đạp xe chở nó lên phố huyện, dúi vào tay nó cái bánh chưng. Nó tần ngần nhìn thầy: "Con không có máy tính Casio". Thầy gán luôn chiếc xe đạp cho một quán gần đấy rồi bước vào hiệu sách... Thằng Cường đạt điểm tối đa. Tết năm rồi về thăm thầy, nó thỏ thẻ:
- Thầy ơi! Trời cũng không bắt được ta nghèo.
Lớp tôi ngày ấy sáu đứa đậu đại học, ra khỏi cổng làng, thầy tiễn ở bến sông. Thầy xoa đầu từng đứa mặc dù chúng tôi đã phổng phao. Thầy ân cần:
- Phố xá nhiều cạm bẫy, nhớ thương cha, thương mẹ nghe không.
Chúng tôi đi như thế, mỗi năm về làng lại ghé thầy nghe thầy đọc thơ - những vần thơ không giàu nghệ thuật, chỉ là những đứa học trò mái tóc vàng hoe, đôi chân lấm đất nhưng "mắt đen tròn thầy thương lắm em ơi".
Làng chúng tôi giờ cũng không còn những con đường đất đỏ, cây cầu rồi sẽ bắc ngang dòng sông Kinh Thầy đẹp như một giấc mơ, nhưng chúng tôi - những đứa trẻ quê nghèo vẫn nhớ: Qua sông - bởi có những con đò, Thầy đã cõng chúng tôi qua cổng làng, qua cả con sông mùa lũ và gửi vào lòng mỗi đứa một đôi cánh ước mơ...
HOÀNG THỊ HIỀN (ĐH Sư phạm TP.HCM}
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)