Gần hai mươi năm tự mình đốt lửa
SGTT.VN - Dường như trong lòng người phó chủ tịch hiệp hội Làng nghề Việt Nam này, lúc nào cũng có một nỗi đau khi nhìn thấy vẻ đẹp văn hoá, lịch sử, con người… của biết bao vùng đất cứ ngày một phai đi, ngày một lấp vùi. Số phận đã chọn chị, hay là vùng đất nghèo khó này đã chọn chị, để 18 năm nay lặng lẽ vun bồi 22ha đầm lầy chi chít hố bom thành không gian mướt xanh của cỏ cây và hồn người. Mấy hôm nay, người ta thấy chị – “người đàn bà tóc trắng” tả xung hữu đột giữa đám thanh niên làm hội thảo về biến đổi khí hậu. Vì sao chị lại chọn thanh niên là một “cổng thông tin” cho Một thoáng Việt Nam?Để gìn giữ và phát huy văn hoá dân tộc, tôi nghĩ nếu chỉ riêng Một thoáng Việt Nam thì không làm được, cần tập hợp sức mạnh cực lớn của mọi nguồn. Những chương trình hành động sắp tới của làng nghề liên kết với hội Liên hiệp thanh niên chính là để khôi phục giá trị của lực lượng tiên phong này. Không có thanh niên, thì cũng không có cuộc chống Pháp, chống Mỹ. Đã có một thời họ sống đẹp, sống thật, sẵn sàng chết vì bạn bè, vì đất nước… tại sao bây giờ tinh thần ấy không còn? Tại sao lớp trẻ bây giờ sống không thấy lý tưởng, không thấy niềm vui, không biết san sẻ… phải chăng vì văn hoá đã mất? Tôi rất mừng là suốt năm ngày, hơn 300 thanh niên tham gia tới ngày cuối cùng, không ai bỏ cuộc.
Chị vừa nói đến sự mất mát trong đời sống văn hoá, đó phải chăng là nỗi đau thường trực trong chị?Một đất nước mà văn hoá mất thì xã hội sẽ lụi tàn. Chúng ta có thật nhiều tiền để làm gì? Tiền có thể mang lại sự sung sướng, nhưng tiền không mang lại hạnh phúc. Hạnh phúc là sự thăng hoa về tinh thần, về đạo đức. Qua đại lễ 1.000 năm Thăng Long, điều lo lắng bấy lâu của tôi không còn mông lung nữa, mà hiện lên hết sức cụ thể, đau lòng. Nếu chúng ta phát triển Hà Nội bằng mọi giá, bất chấp sự thiếu hụt về văn hoá, nếu chúng ta chạy theo sự hãnh tiến bên ngoài, Hà Nội sẽ không còn là trái tim của cả nước nữa… Sự thiếu văn hoá trong truyền thông, trong giáo dục cũng góp phần không nhỏ làm văn hoá xuống cấp. Ngày hôm qua, tôi vừa chứng kiến một chuyện đau lòng: ngay trước cổng trường kỹ thuật Cao Thắng, chiếc xe đạp của người sửa xe bốc cháy, mà cả đám thanh niên tan trường chỉ đứng ngó, chẳng ai phụ dập lửa… Lên máy bay mà cũng chen lấn xô đẩy nhau, chẳng ai nhường ai. Ở một đất nước mà sự vô cảm đang diễn ra hàng ngày như thế quả thật là có vấn đề. Khi người lớn biết làm gương, quần chúng biết làm gương, thì đám trẻ đâu có dễ dẫn tới cướp bóc, chém giết nhau một cách vô cớ, kinh hoàng như thế. Tôi cảm giác bây giờ người ta sống chỉ biết có tiền… Nếu những người lãnh đạo quan tâm đến phát triển kinh tế hơn là văn hoá, ắt sẽ dẫn đến tai hoạ.
Chị vừa dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tâm trạng của chị thế nào?Những ngày ở Hà Nội, tôi thấy lo, sợ. Với tôi, tổ chức đại lễ trước hết là để làm sao người ta yêu thương đất nước mình hơn, sống tốt hơn, đẹp hơn, hạnh phúc hơn, là dịp để truyền lửa tới mọi người, giáo dục cho lớp trẻ lòng tự hào, ý thức trách nhiệm với thành phố ngàn tuổi của mình. Nhưng chúng ta đã không làm được chuyện đó. Nhiều hoạt động chạy theo bề nổi. Tôi chỉ mong mười năm nữa, thế hệ tương lai rồi sẽ trả lại Hà Nội như xưa, trả lại vẻ đẹp phố cổ như trong tranh Bùi Xuân Phái.
Chị nghĩ gì về Sài Gòn – một thành phố sống tốt?Mới đây tôi ghé đền thờ Trần Hưng Đạo, thấy mỗi bàn thờ một hòm công đức chìa ra. Người ta đến đây không phải học tấm gương của cha ông, mà để bỏ một đồng, xin một tỉ. Những nơi tôn nghiêm đã mất dần vẻ tôn nghiêm bởi mạnh ai nấy kinh doanh thần Phật. Ngay những trò chơi trên truyền hình cũng vô bổ, chỉ là quảng cáo để bán hàng. Cái no bây giờ không phải là “ấm no”, mà đang làm người ta phát bệnh… Mọi thứ đều không an toàn, từ giao thông, thức ăn, đến không khí để thở… Một thành phố sống tốt theo tôi hiểu là thương mại đồng đẳng, cuộc sống phát triển bền vững. Khái niệm hạnh phúc bây giờ khác hẳn so với cách đây một thế kỷ, đó là sự an toàn, bền vững trong văn hoá, giáo dục, an sinh xã hội… để mỗi cá nhân thấy được tương lai của mình, của thành phố mình, và có thể chia sẻ những trăn trở với người xung quanh. Kinh tế phát triển phải chứa đựng nội hàm tri thức, trí tuệ, đạo đức và môi trường, nếu không chỉ là khoe mẽ. Nếu sự phát triển của đất nước chỉ là cuộc chạy đua giữa các thế lực tài chính thì không biết đất nước sẽ đi về đâu.
Phải chăng vì thế mà chị đã kiên trì đeo đuổi Một thoáng Việt Nam suốt 18 năm qua? Vì sao một người quá nhiều ý tưởng, sáng tạo như chị lại chưa thành công với làng nghề này?Một đất nước tồn tại mấy ngàn năm bởi lòng yêu nước và tình đoàn kết, chất thiêng dân tộc ấy càng phát tiết, càng sáng rỡ, làm thế nào để gìn giữ là trách nhiệm của chúng ta. Gọi là “một thoáng”, vì bằng sức lực nhỏ bé của mình, với một quy mô nhỏ, tiền bạc có hạn nhưng sự nghiêm túc tối đa, trung thực tối đa, tôi cố gắng không phản bội lại lịch sử, không phản bội lại tiền nhân. Với lịch sử quá đẹp như thế, chỉ cần trình bày nghiêm túc trong một không gian xanh, sạch, đẹp, chất thiêng ấy sẽ lan toả, bàng bạc trong không gian, trong mỗi bước đi thanh thản, nhẹ nhàng của du khách… để nghĩ tới đất nước, làm được gì cho đất nước. Khi đàn Xã tắc tại Hà Nội được khai quật nhưng không được gìn giữ, chúng tôi đã mang đất đào được tại vùng đất thiêng đó về, hợp cùng đất và nước của nhiều vùng miền trong cả nước, từ địa đầu Lũng Cú đến mũi Cà Mau, với tro lấy từ lư hương ở nghĩa trang Trường Sơn và chùa Hoa Yên, Yên Tử làm thành một khối thống nhất, tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Lịch sử và văn hoá Việt Nam được tái hiện đơn sơ nhưng trọn vẹn ở đây, như ba chiếc cọc Bạch Đằng cùng bài học giữ nước thiêng liêng của tổ tiên…
Thực sự đến bây giờ, Một thoáng Việt Nam vẫn rất căng về nguồn thu, bởi các trường không đưa học trò tới, các công ty du lịch chưa đưa khách tới… Cũng có người nói tôi phải thêm vào những trò vui chơi giải trí mới thu hút du khách, nhưng tôi không thể chạy theo thị trường. Phải giữ được sự yên tĩnh, trong lành nơi đây. Thầy trò tôi vẫn cố gắng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thực phẩm sạch ăn liền để nuôi nhau. Tôi cũng đang tìm cách mở cửa hàng ở nội thành để bán thực phẩm sạch và các loại tinh dầu cho spa, các loại mắm, rượu từ trái cây… Tôi rất mong được nhiều người chung sức.
Chị đến vùng đầm lầy từ hồi tóc còn xanh, giờ đã bạc trắng… Đài Truyền hình TP.HCM từng trả chị 300 tỉ để mua lại Một thoáng Việt Nam kết hợp làm phim trường, bây giờ lại có người trả gấp đôi, sao chị không bán đi cho đỡ cực?Cũng có một số đại gia đặt vấn đề, nhưng tôi không tin là họ giữ được Một thoáng Việt Nam. Đã có ngân hàng nói thẳng vào mặt tôi là “chuyện này để Nhà nước làm, chị làm làm chi cho mệt!” Tại sao ngành ngân hàng không có cơ chế dành cho những nhà đầu tư lưu giữ văn hoá dân tộc? Càng ngày, sức ép càng lớn, đụng tới trình độ, nội dung, bởi những người bạn từng giúp tôi đã mất. Nhiều người thương tôi cũng khuyên thôi dẹp đi, dù họ biết tôi làm đúng, nhưng không còn sức để phụ giúp tôi. Quả thật có lúc cô đơn, cảm giác bị lạnh lưng. Thôi thì cứ đi, đứng lại là cay đắng, hoang mang, chùn tay…Mười tám năm tự mình đốt lửa, bởi không ai đốt lửa thay mình, chỉ có hy vọng cháy lên.
Chị có thấy mình gắn bó với làng nghề này như một định mệnh?Tôi nghĩ đó là cái duyên, duyên tới thì làm thôi. Tôi là người đã sống, chiến đấu ở Củ Chi, ban đầu chỉ muốn xây một ngôi trường coi như trả ơn cho vùng đất từng chở che mình. Nhưng khi đến, mới thấy để làm được việc đó người dân phải có tiền để sống, phải đưa văn hoá về. Nếu không, Củ Chi mãi mãi là góc khuất. Phải nói người Củ Chi rất tốt, biết thương cây, nhớ cỏ, trọng người. Phải làm tới, làm tới hoài, vì không thế thì không tròn trách nhiệm. Tôi muốn Một thoáng Việt Nam phải đầy đặn và nên thơ hơn, bình dị hơn… Tôi gắn bó với nơi đây còn vì mẹ tôi, vì những người dân quanh mình. Mẹ tôi cả đời sống, chết cho cách mạng (bà từng là hội trưởng hội Phụ nữ giải phóng miền Nam). Sẵn sàng gạt bỏ cái tôi, cắn răng chịu, nín thở chịu, 18 năm qua tôi học được nhiều, trưởng thành nhiều, bị lừa cũng nhiều, nhưng tôi vẫn còn cái ngây thơ của một người yêu nước rằng mình làm như thế thì thể nào mọi người cũng giúp mình. Thực sự càng sống, tôi càng thấy xung quanh mình còn quá nhiều người sống đẹp. Tôi tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ sự giúp sức của nhiều người. Một sinh viên Việt Nam học ở Anh đã làm thêm suốt bốn năm nay để gửi cho tôi 100.000 USD. Có người gửi cho tôi thùng dầu ăn, mấy tấm bạt che mưa, bao gạo… Bà Sáu Nở năm nay đã 90 tuổi cho tôi 100 triệu đồng để làm Một thoáng Việt Nam… Thử hỏi mình có sống khác được không? Chính điều đó giúp tôi… chịu nhục, sẵn sàng năn nỉ ngân hàng: “Tôi lạy em…” Nhiều người hỏi tôi tại sao khổ thế mà cứ theo hoài, tôi nói cứ coi như tôi đi tu đi. Tu là làm người một cách đúng nghĩa, biết sống có ích vì xung quanh, chứ không chỉ cho mình. Có lẽ do vậy mà mình không thấy khổ. Khi tự tay mình rửa chiếc cọc Bạch Đằng, tự tay đem đất, nước từng vùng miền về, tôi thấy mình chết được rồi.
Khi chị bán căn nhà duy nhất của mình ở nội thành để làm Một thoáng Việt Nam, gia đình chị có lo lắng nhiều không? Giáo dục gia đình đã giúp chị niềm tin như thế nào khi đối diện với những bất trắc?Gia đình lo không phải vì sợ tôi làm sai, mà sợ tôi quá phiêu lưu. Tôi thấu hiểu tình yêu nước, thương nòi từ gia đình, bạn bè, từ mẹ tôi. Mẹ tôi dạy con kỹ lắm. Sáu tuổi tôi đã theo hướng đạo, biết lo cho trẻ mồ côi, leo núi, xông vào nơi gai góc nhất… Rồi khi vào học trường Tây, lại được học rất kỹ về văn chương, lịch sử Việt Nam. Tất cả như một nền tảng để tôi chỉ có một con đường để đi, không có quyền thối lui. Mỗi đêm, tôi chỉ ngủ ba tiếng, tỉnh dậy là toan tính, là đọc, là học. Nếu không, mình sẽ lỗi thời ngay.
Làm thế nào để mỗi sáng thức dậy, chị lại tràn ngập năng lượng mới?Tôi không thế lực, không tiền bạc, tôi cống hiến theo kiểu của tôi. Tôi có người bạn là anh Trương Thìn, anh ấy đang bệnh nặng, phải chạy thận ngày ba lần, nhưng vẫn trị bệnh cho mọi người, vẫn sáng tác thơ, ca hát cho bạn bè nghe. Anh sống cuộc sống như thần thánh, suy nghĩ rất đẹp về đường tu. Những bài thuốc trị bệnh anh đặt tên nghe rất thiền như bài thuốc ung thư tên Đường sống, bài thuốc cho người đau thần kinh tên Yên bình… Anh đã tặng Một thoáng Việt Nam câu thơ: “Nơi đây đất lành, chim về chim đậu trên cành bình yên”… Những người bạn như thế khiến mình lúc nào cũng được tiếp thêm năng lượng, vui lắm, yêu đời lắm!
thực hiện:
KIM YẾNchân dung hội hoạ:
HOÀNG TƯỜNGNguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt:
“Tôi thực sự tâm phục khẩu phục chị, người có một tình yêu tuyệt đối với văn hoá dân tộc. Không ai đủ đam mê như chị với cỏ cây và hoa trái quê nhà, để 18 năm qua đã tạo ra một “vương quốc” thân quen mà lạ lẫm, tĩnh lặng và nên thơ. Hãy đến Một thoáng Việt Nam để học một “gánh” càn khôn, để thưởng thức những món ngon vật lạ ba miền, và để cảm nhận sự linh thiêng của văn hoá dân tộc”.
Nhà thơ Nguyễn Duy:
“Chị là người có một tinh thần lãng mạn rất cao cả và nghị lực để thể hiện tinh thần ấy một cách quyết liệt, đã nghĩ là làm, đã làm là làm tới cùng. Bao năm nay chị một mình thực hiện ý tưởng cao cả của mình, chỉ tiếc rằng khó khăn đến với chị quá nhiều, sức vóc nam nhi cũng không thể vượt qua được. Tôi chỉ mong sao Một thoáng Việt Nam rồi sẽ thành công, bởi đây là một công trình đầy tinh thần nhân văn, đầy tinh thần ái quốc”.Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)