Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] [45] [46] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sai lầm lớn nếu không dừng thủy điện Đồng Nai 6, 6A



TT - “Chúng ta phải có một động tác nào đó để thúc đẩy việc dừng hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Nếu không thì sẽ mắc sai lầm lớn: đa dạng sinh học của khu vực sẽ nằm trong cấp nguy hiểm.”

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/344/603344.jpg
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí  - Ảnh: H.Giang



GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, tổng thư ký Ủy ban quốc gia chương trình Con người và sinh quyển (thuộc UNESCO), lý giải như vậy với Tuổi Trẻ về lý do ủy ban này đề xuất tỉnh Đồng Nai dừng triển khai hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông cũng chia sẻ nhiều trăn trở về công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhìn từ câu chuyện thủy điện:

- Khi nghe anh em địa phương và báo chí đưa tin về dự án xây dựng hai nhà máy thủy điện này nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển, cá nhân tôi và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đều rất quan tâm. Hai nhà máy này ở vùng lõi vì khu dự trữ sinh quyển có một phần thuộc đất vườn quốc gia Cát Tiên, mà vườn quốc gia này nằm vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển.

Đây là địa bàn khá nhạy cảm vì khi làm hồ sơ đề cử khu di sản thiên nhiên thế giới cho nó đã xảy ra một sự kiện được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên phát hiện là con tê giác Java cuối cùng đã chết. Đó là tín hiệu không tốt về bảo tồn cho Cát Tiên, một thất bại trong bảo tồn và cũng là một bài học sâu sắc. Ta có thể nói nhiều, nói hay nhưng vẫn phải nhìn vào kết quả cuối cùng chính là các loài được bảo vệ, bảo tồn ra sao.

Lấy bêtông thay cho màu xanh

* Ủy ban quốc gia chương trình Con người và sinh quyển đề nghị dừng triển khai hai nhà máy thủy điện ở đây. Nhưng rõ ràng để phát triển kinh tế, chúng ta buộc phải đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng cao?


- Trong các khuyến cáo của UNESCO về thủy điện nói chung đều nhắc tới mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển và nhu cầu bảo tồn. Chúng ta thấy việc dừng bảo tồn để nhường chỗ cho phát triển kinh tế đã phải trả giá ở thế giới và nước ta rồi.

Hầu hết các nhà máy thủy điện khi đánh giá tác động môi trường chỉ tính tới diện tích hồ - đập xây dựng, vận hành chứ ít nói đến việc bao nhiêu xe tải vào ra, nổ mìn, phá đá ảnh hưởng ra sao tới động vật, sinh vật xung quanh. Điều quan trọng nhất trong khuyến cáo của UNESCO là các loài động thực vật đang sống yên ổn, khi bị chia cắt nơi ở, nơi sống sẽ làm kết nối sinh thái bị phá vỡ.

Từ loài sâu bọ nhỏ nhất đến thú lớn nhất không di chuyển được thì chúng sẽ không thể kiếm thức ăn và thực hiện giao phối, sinh sản dễ dàng như trước. Bởi vậy những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng sẽ dẫn đến chỗ tuyệt chủng. Chia cắt nơi ở và nơi sinh sản là cách gây tuyệt chủng nhanh nhất chứ không phải là săn bắn.

Hơn nữa, việc chia cắt như thế sẽ làm giảm sự đa dạng di truyền vì động vật buộc phải giao phối cận huyết nên các thế hệ sau này không còn sức sống như cũ và nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Đây chính là xói mòn di truyền.

Ai cũng công nhận chúng ta cần đáp ứng nhu cầu điện năng, nhưng vì nó nằm trong tác động đa dạng sinh học mà chúng ta đã cam kết bảo vệ, bảo tồn thì tại sao còn vi phạm? Đó là điều tôi băn khoăn. Nếu phải đánh đổi thì phải chọn lấy cái lợi hơn. Nếu được điện mà mất đa dạng sinh học thì cái nào thiệt hại hơn? Thủy điện không làm ở đó còn có thể chuyển đi nơi khác, còn khu bảo tồn thì không thể chuyển chỗ được. Nhiều lý luận cho rằng “tôi chỉ lấy mảnh rừng nhỏ thôi, tại sao ông cứ làm toáng lên?”.

Chúng ta hãy nhìn rộng ra xem 200ha đó nằm ở đâu? Cả một vùng lõi là một thể thống nhất và giống như cơ thể con người, một tế bào bị ung thư sẽ khiến cơ thể đau quặn thế nào. Đây là một vùng lõi, lấy đi trái tim của nó, tại sao không đau? Chúng ta đều nghe nói tới triết lý “phát triển cho bảo tồn, bảo tồn cho phát triển”, tức là phải hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nếu chỉ lấy bêtông thay màu xanh thì không thể là phát triển bền vững.

Không cẩn thận, ba giây sẽ mất

* Ông nhận thấy công tác bảo tồn di sản nói chung ở VN đang như thế nào?


- Với các khu sinh quyển khu di sản mà được UNESCO công nhận danh hiệu thì mỗi quốc gia đều rất hăm hở lúc đầu. Sau đó có hai xu hướng: sử dụng sự công nhận đó làm kinh tế, thúc đẩy cộng đồng, dân tộc đi lên. Ta tạm gọi đó là bài học thành công và thường thấy ở các nước đã phát triển như Đức, Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha. Xu hướng thứ hai là ngồi chờ người khác mang tiền đến vì hình dung khu di sản là dự án đầu tư.

Tôi gọi đây là bài học thất bại. Trong nhóm đó có một số nước ở châu Phi và châu Á. Tại sao có tâm lý đó? Là vì các nơi đó cho rằng “tôi nghèo nên tôi bảo tồn thì anh phải mang tiền đến cho tôi”. Đó là hiểu sai vấn đề. Cứ ngồi chờ thì di sản sẽ “teo” dần.

Tất nhiên, khi chưa được UNESCO công nhận thì chỉ có một số nhà khoa học trên thế giới biết đến, được công nhận thì người dân thường ở các nước cũng quan tâm và muốn tới tham quan, du lịch... Nhưng có hai mặt của vấn đề: nổi tiếng đi kèm trách nhiệm. Nếu xây nhà máy thủy điện thì đa dạng sinh học giảm sút.

Tôi chưa cần nói đến rút danh hiệu, chỉ cần các nhà khoa học trên thế giới trích dẫn trường hợp xấu của chúng ta trong báo cáo, nghiên cứu của họ là đã đủ thiệt hại rồi. Xây dựng danh hiệu mất ba năm nhưng không cẩn thận thì chỉ cần ba giây sẽ mất ngay danh hiệu đó.

HƯƠNG GIANG thực hiện phỏng vấn


Biết mà lờ đi

“Câu chuyện giữa đập thủy điện và khu dự trữ sinh quyển chỉ là một hoạt động thể hiện bối cảnh chung của đất nước. Bao nhiêu cánh rừng ở Bình Phước thành rừng cao su, hồ tiêu; rừng ngập mặn thành đồng nuôi tôm/cá; rừng khộp thành rừng cà phê. Tất cả giống nhau ở tư duy. Nếu không tôn trọng thiên nhiên thì anh sẵn sàng xâm hại thiên nhiên để lấy giá trị trước mắt. Đó là cách ăn xổi ở thì.

Theo tôi, xu hướng không biết tác động, hậu quả ngày càng ít đi. Xu thế thứ hai là biết mà làm như không biết mới là đáng lo ngại. Điều nguy hiểm là điều đó khiến nhiều người dân bị lẫn lộn đúng sai. Với những người làm khoa học có lương tri, chúng ta không chỉ tranh đấu cho thế hệ chúng ta mà cả thế hệ mai sau”.

GS.TS NGUYỄN HOÀNG TRÍ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Toàn chưa bóc đã cắn. Lấy đâu mà lo cho mai sau !
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Rừng thẳm trong bàn tay



TT - Ka Cường là một trong 40 người Châu Mạ ở Đạ Tẻh, Bảo Lâm (Lâm Đồng) được đào tạo thành những người giám sát rừng chuyên nghiệp biết xài GPS (định vị toàn cầu)

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/957/600957.jpg
Nhóm giám sát rừng người Châu Mạ đo sinh khối cây - Ảnh: MAI VINH



PGS.TS Bảo Huy - phó trưởng mạng lưới nông lâm kết hợp Đông Nam Á, mở GPS ấn định một điểm ngẫu nhiên trong khu rừng tái sinh Lộc Bắc và đưa máy GPS cho Ka Cường: “Chúng ta đến đây đo đạc, anh dẫn đường nhé, chúng tôi có lạc đường hay không là nhờ anh”.

Người Châu Mạ với GPS
Ka Cường định bụng sẽ đi đường vòng nhưng thầy Huy ngăn lại, yêu cầu phải cắt rừng: “Một người giám sát rừng phải lặn lội trong những con đường được lựa chọn ngẫu nhiên để có thể ghi nhận nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến rừng”. Ka Cường và những người bạn Châu Mạ tỏ ra bối rối khi cầm chiếc máy GPS, nhưng sau một hồi được hướng dẫn thì anh đưa ra kết quả: “Cắt rừng đi khoảng 2km”. Thầy Huy gật đầu công nhận.

Ở các điểm nghỉ chân, chiếc máy GPS phải làm việc liên tục vì thấy Ka Cường sử dụng thành thạo, Ka Chinh và Ka Riêu cũng muốn được thực hành tại chỗ. Ngồi nghe những người Châu Mạ hướng dẫn cho nhau bằng tiếng nói riêng của mình mà thầy Huy khấp khởi mừng.

Ông bảo: “Không có cách nào để bà con hiểu nhanh bằng cách để họ tự hướng dẫn cho nhau bằng chính vốn văn hóa của họ”. Và khi đến được đích thì tất cả những học viên đã biết dùng thành thạo GPS.

Bằng cọc nhọn, dây thừng, các học viên thực hiện việc chia rừng thành từng ô nhỏ 1.000m² để tính và đo bán kính các cây, đây là công việc quan trọng đòi hỏi sự chính xác cao cũng như lúc bấm tọa độ. Ô đầu tiên những học viên mất một giờ để tính, ô thứ hai mất 45 phút và ô thứ ba chỉ còn 30 phút. Mỗi thân cây to có giá trị đều được lấy tọa độ và ghi chép lại.

“Tọa độ được ghi nhận, điểm 100 có cây máu chó”, Ka Riêu la to và Ka Bắc ghi chép vào sổ. Thầy Huy cầm rựa cứa vào thân cây, một dòng nhựa đỏ chảy ra và ông xác nhận kết quả. Các báo cáo nhanh tại hiện trường do người Châu Mạ tự tay thực hiện đều được thầy Huy công nhận độ chính xác: “Chuẩn quốc tế cho phép sai số 5% nhưng sai số trong báo cáo này chỉ 2% - ông tỏ vẻ hài lòng - Tôi đã đi đo rừng nhiều lần, rất nhiều người đo rừng dốc rất qua loa nên sai số rất lớn, thường là 30%. Khác hẳn với nhóm học viên này”.

Sau vài ngày đi rừng, sự chuyên nghiệp và tận tâm của những người Châu Mạ bộc lộ rõ. Khác hẳn với ngày đầu tiên của khóa học, nhiều người còn không biết sự xuất hiện của mình ở đây có giá trị như thế nào. Trước buổi học, Ka Cường còn thắc mắc: “Tính hết cây rừng ở Bảo Lâm thì đến khi nào mới xong, cuối đời sao?”. Nhưng rồi sự hiểu biết về GPS và các công cụ đo tính rừng đã thay đổi suy nghĩ của họ. Ka Ba nở một nụ cười sau khi được hướng dẫn cách dùng: “Tôi biết đếm rồi thì tôi sẽ đếm rừng của tôi trước, nó là gia tài, ai ăn cắp cây gì, ở đâu cũng có chứng cứ mà bắt tội”.

Với Ka Riêu thì GPS trở thành trợ lý cho tiếng nói của mình: “Từ nay rừng bị phá chỗ nào, muốn báo cho ai tôi chỉ cần chỉ lên bản đồ là rõ”.


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/958/600958.jpg
Ka Cường dùng GPS bấm tọa độ ghi nhận khu vực rừng vừa được kiểm đếm - Ảnh: MAI VINH




“Người bảo vệ rừng số 1”
Và từ đây mọi hoạt động liên quan đến 56.000ha rừng thuộc địa phận các xã của huyện Bảo Lâm như Lộc Bắc, Lộc Bảo và Lộc Lâm đều được họ ghi nhận thành những báo cáo. Anh Lại Tùng Quân, nhân viên dự án, khẳng định: “Một cây rừng nằm xuống, một con thú rừng mất đi cũng không qua mắt được người Châu Mạ vì sau đợt đo đếm này, họ sẽ có cơ sở để đối chiếu với những lần tiếp theo và bằng máy GPS họ sẽ báo cho nhân viên quản lý dự án biết tọa độ chính xác”.

Những ngày ở rừng, Ka Hiền là người hăng hái đo đếm nhất. Trong suy nghĩ của anh thấy màu xanh nghĩa là rừng còn, nhưng chỉ sau một ngày thực tập kiểm đếm cây trong rừng thì cách nghĩ của anh đã thay đổi: “Rừng không còn nhiều và chúng tôi bị mang tiếng là phá rừng nhiều nhất. Nhiều người bảo chúng tôi sống chung với rừng và ăn mòn sự sống của rừng nhưng thật sự không phải vậy, trong mỗi cây rừng có tổ tiên ở đó”.

Ka Hiền vỗ tay vào bên hông, nơi đeo lủng lẳng chiếc máy GPS rồi nói: “Tôi sẽ chứng minh, chúng tôi yêu rừng xanh như thế nào”.

Trong đêm, giữa tiểu khu 398, Ka Ba chỉ tay vào vết dao khứa trên một thân cây to hiếm hoi: “Người ta chuẩn bị hạ cây này, tội nghiệp nó chỉ to vừa ôm một người, vết khứa đó là dấu hiệu cây đã có chủ, những ông chủ giấu mặt”.

Ông ngồi thừ bên đống lửa thú thật Nhà nước giao cho ông quản lý 24ha rừng ở tiểu khu 377 nhưng mỗi ngày rừng hao hụt một cách lặng lẽ. Tính theo diện tích thì rừng còn nguyên, nhưng tính về số cây và chủng loại thì đã sứt mẻ đi nhiều. Rừng rậm đã thành rừng thưa. Nửa đêm, nhìn từ lều, Ka Ba lại lôi đám dây nhợ và máy GPS ra tự thực hành trong lúc sương rừng bắt đầu đổ. Ông bảo không ngủ được, vì nghĩ đến rừng ông lại xót.

Lại Tùng Quân bảo thật ra mấy hôm nay tất cả mọi người đi đếm cây để tính lượng cacbon lưu trữ trong rừng. Một thị trường cacbon sẽ được hình thành. Các nước công nghiệp thải nhiều cacbon sẽ phải trả tiền cho những người giữ, chăm sóc rừng. Rừng càng phát triển giữ được nhiều cacbon thì những người giám sát sẽ nhận được nhiều tiền. Và hẳn nhiên những người Châu Mạ ở đây là người hưởng lợi đầu tiên, rừng sẽ nuôi sống họ.

PGS.TS Bảo Huy phân tích: “Đây là cơ chế của tương lai, Nhà nước có kiểm lâm quản lý rừng nhưng ai là người giám sát kiểm lâm giữ rừng như thế nào? Người dân bản địa sẽ làm việc đó với một số công cụ do các tổ chức quốc tế trang bị. Hai nhóm này sẽ giám sát nhau và giám sát rừng”.

MAI VINH


Thay đổi thân phận

Ngày những chuyên gia Hà Lan mang máy móc và thiết bị đo rừng đến huyện Bảo Lâm, Ka Biện tỏ vẻ sợ sệt. Sau này, khi những khó khăn của chuyến thực địa giữa rừng sâu kéo gần tất cả mọi người lại với nhau thì anh thú nhận mình từng là lâm tặc. Bên đống lửa giữa rừng, anh góp chuyện: “Mỗi khi không làm vườn tôi đi chở gỗ lậu thuê, nói đúng ra tôi là lâm tặc!”.

Anh nhắc đến những chiếc xe máy gắn bánh xích đang lăn lóc tại sân Công ty lâm nghiệp Lộc Bắc, bảo đấy là xe của những người cùng xã đi chở gỗ bị bắt. “Nhiều khi đám chở gỗ chúng tôi tự cảm thấy nhục vì thấy người khác đốn cây trong rừng của mình mà lại tiếp tay, nhưng... làm vậy mới có tiền”.

Cầm que củi cơi đống lửa, Ka Biện bối rối thú nhận lỗi lầm của mình: “Các chuyên gia nói với tôi cánh rừng này là hiện thân của cả triệu năm, tiếng nói của tôi và người Châu Mạ cũng từ rừng này mà có”. Ka Biện bảo rằng cuộc sống của anh lạ quá, từ một lâm tặc bây giờ trở thành người giám sát rừng để cứu rừng.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dân Myanmar phản đối mỏ đồng của Trung Quốc



TT - Sau khi cho ngưng một dự án thủy điện ở Myitsone do TQ đầu tư năm 2011, lần này Myanmar dường như không muốn mất thêm lợi ích từ dự án mỏ khai thác đồng ở Sagaing cùng các dự án đầu tư khác của TQ/

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/689/603689.jpg
Người biểu tình ở Yangon giơ biểu ngữ phản đối dự án mỏ khai thác đồng Monywa - Ảnh: Reuters



Dự án mở rộng mỏ đồng Monywa liên doanh với Trung Quốc ở tây bắc vùng Sagaing, do dẫn đến việc cưỡng chế đất quy mô lớn, đã gây ra các cuộc biểu tình dữ dội hồi tuần trước ngay tại nơi triển khai dự án và trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon. Những cuộc biểu tình phản đối này một lần nữa gợi lại tâm lý phản đối Trung Quốc ở Myanmar và khiến Tổng thống Thein Sein phải phản ứng tức thời.

Văn phòng Tổng thống Myanmar ngày 1-12 cho biết lãnh đạo đối lập - bà Aung San Suu Kyi - sẽ được cử đứng đầu một ủy ban điều tra về dự án. Ủy ban này gồm 30 người và có nhiệm vụ xem xét các vấn đề xã hội cũng như môi trường. Dự kiến ủy ban sẽ báo cáo kết quả vào cuối tháng này.

Không đủ tiền bồi thường
Mỏ đồng Monywa là dự án liên doanh giữa Công ty Wan Bao của Trung Quốc và một công ty do quân đội Myanmar quản lý. Reuters cho biết dự án mở rộng mỏ đồng trị giá 1 tỉ USD này sẽ dẫn đến việc phải thu hồi hơn 3.160ha đất, bốn trong số 26 ngôi làng ở khu vực dự án sẽ phải di dời, bao gồm cả các ngôi chùa và trường học.

Báo Irrawaddy cho biết chánh văn phòng tổng thống Aung Min khi nói chuyện với dân địa phương đã thừa nhận chính phủ đang do dự khi đụng đến những lợi ích kinh tế của Trung Quốc, do “những hậu quả về tài chính” sẽ phải gánh chịu về phía Myanmar.

“Nếu như phía Trung Quốc đòi bồi thường thì ngay cả dự án đập Myitsone cũng tốn tới cả 3 tỉ USD” - Irrawaddy dẫn lời ông Aung Min nói. Ông cũng khuyên người biểu tình nên suy nghĩ thật kỹ về những thiệt hại kinh tế cho Myanmar nếu như ngưng dự án khai thác mỏ đồng này. Báo Irrawaddy cho biết Trung Quốc khi ký “các hợp đồng bí mật” với phía Myanmar đều đã thận trọng “gài” thêm điều khoản Myanmar sẽ phải bồi thường lớn nếu hủy bỏ một dự án. Dù vậy, Tổng thống Thein Sein vẫn đã ra lệnh ngừng dự án xây đập Myitsone, nhưng xem ra lần này “ông buộc phải thỏa hiệp với Trung Quốc”, như nhận định của báo Asie-Info (Pháp).

Myanmar: trạm trung chuyển
Thế nhưng Myanmar không chỉ có những khoản phải bồi thường mà còn nhiều món lợi khác nữa với Trung Quốc, khi tầm quan trọng chiến lược của Myanmar đối với Bắc Kinh đang ngày càng tăng và khi Bắc Kinh ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp dầu từ Trung Đông.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tính toán nguồn nhập khẩu dầu từ Iraq của Trung Quốc sẽ tăng từ 275.000 thùng/ngày năm 2011 (chiếm khoảng 5% lượng dầu nhập của Trung Quốc) lên hơn 8 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Tập đoàn Dầu khí hải ngoại quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đầu tư hàng tỉ USD trong những giếng dầu của Iraq. Nếu như không có những bất ổn, Iraq có thể sẽ trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới trước cả Saudi Arabia với khách hàng lớn nhất là Trung Quốc.

Do vậy, Bắc Kinh đã xây dựng một đường ống dẫn dầu qua Myanmar để nối Ấn Độ Dương với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đường ống này sẽ bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2013. Với việc xây dựng thêm trạm trung chuyển ngoài biên giới trong cảng Kyaukphyu (bang Rakhine) của Myanmar, CNPC ước tính chi phí cho toàn bộ đường ống này sẽ lên đến 4,7 tỉ USD. Khả năng vận chuyển của đường ống này là 23 triệu tấn/năm, nhưng điều này là chưa đủ và nó lại đi qua vùng phía bắc của Myanmar, những vùng sinh sống của những bộ tộc có vũ trang. Dù sao, nếu đường ống này hoạt động ổn thỏa, “nhiều khả năng các công ty dầu khí Trung Quốc sẽ còn xây dựng thêm các đường ống dẫn dầu khác đi qua nước này” - như đánh giá của Colin Reynolds, chuyên gia phân tích độc lập, khi trao đổi với báo Irrawaddy. Đối với đường ống dẫn dầu, Myanmar có thể nhận được tối đa 36,8 triệu USD/năm về tiền trung chuyển.

Vẫn theo IEA, vấn đề đối với Trung Quốc không phải là giảm chi phí vận chuyển. Trong mục tiêu tăng cường nguồn nhập khẩu dầu khổng lồ từ Trung Đông, điều quan trọng với Bắc Kinh là tránh đi qua eo biển Malacca vừa hẹp vừa nhiêu khê và có thể bị đóng lại một khi xảy ra khủng hoảng chính trị với một trong số những nước ven bờ là Indonesia, Malaysia và Singapore.

Sản lượng dầu do Trung Quốc sản xuất sẽ lên đến 220 triệu tấn/năm vào năm 2020. Và nếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục bằng hay vượt hơn 7%/năm, nhu cầu về dầu của Trung Quốc sẽ tăng lên đến 650 triệu tấn/năm. Bởi vậy, Trung Quốc hiểu rõ họ sẽ có nguy cơ ngày càng bị lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu từ Trung Đông và từ việc chuyển dầu qua Myanmar, một nước mà ở đó hình ảnh của họ không mấy thân thiện.

VIỆT PHƯƠNG - T.N.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Con đường bô-xít



Quốc lộ 20- tuyến đường độc đạo nối vùng Đông Nam Bộ với Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, dự kiến sẽ được nâng cấp để vận chuyển bô-xít đang trong tình trạng vô cùng thê thảm.

Do nhu cầu vận chuyển bôxít từ nhà máy bôxít Tân Rai, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng nên dự án cải tạo quốc lộ 20 đã được Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải thực hiện.

Theo đó, tuyến Quốc lộ 20 dài 227 km, có điểm đầu tại ngã ba Dầu Giây (Thống Nhất, Đồng Nai), điểm cuối giao quốc lộ 27 thuộc thị trấn Đran (Đơn Dương, Lâm Đồng).

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/09/04/14/20120904143358_hinh%201.jpg
Tình trạng sạt lở trên Quốc lộ 20 tại địa bàn huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.



Toàn tuyến sẽ xây dựng mới 16 cầu, gồm 2 cầu lớn, 4 cầu trung và 10 cầu nhỏ.

Tổng đầu tư dự án khoảng 7.600 tỷ đồng được tách thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 có tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng thực hiện trước theo hình thức BT, dự án còn lại có tổng đầu tư 3.000 tỷ sẽ được đầu tư sau.

Theo dự kiến ban đầu, việc nâng cấp bắt đầu vào năm 2012 và hoàn thành năm 2014.

(VietnamNet)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trung Quốc bòn rút tài nguyên Philippines



TT - Tài nguyên thiên nhiên của Philippines đang bị khai thác cạn kiệt. Đối tượng hưởng lợi không phải người dân nước này mà lại là các công ty đến từ Trung Quốc.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/268/605268.jpg
Trong một khu mỏ do công ty Trung Quốc khai thác ở Philippines - Ảnh: Daily Inquirer



Sở Tài nguyên và môi trường Philippines (DENR) mới đây đã lên tiếng báo động về nạn “chảy máu” tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là kim loại quý, của nước này sang Trung Quốc. Uớc tính hiện có khoảng 500.000 công ty khai thác mỏ có quy mô nhỏ đang hoạt động tại hơn 30 tỉnh ở Philippines mà phần lớn các công ty này đều “làm thuê” cho Trung Quốc.

Năm 1991, Philippines ban hành đạo luật cho phép người dân khai thác mỏ quy mô nhỏ. Các cá nhân, công ty có thể mua giấy phép hoạt động từ chính quyền các địa phương với mức giá cực bèo: 10.000 peso (241 USD). Số tiền mua giấy phép môi trường cũng chỉ vỏn vẹn 350 USD. Quy định lỏng lẻo này đã bị các công ty Trung Quốc lợi dụng để cướp phá tài nguyên của Philippines với tổng giá trị ước tính lên tới 1.000 tỉ USD.

Vận chuyển lậu
Một công ty nước ngoài muốn xin giấy phép khai thác mỏ ở Philippines phải làm thủ tục mất 5-10 năm và với chi phí lớn. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã qua mặt nhà chức trách Philippines bằng cách hợp tác, liên doanh với các công ty khai thác mỏ quy mô nhỏ ở Philippines. Sau khi đối tác Philippines mua được giấy phép khai thác, các công ty Trung Quốc lập tức đổ bộ thiết bị, máy móc và nhân lực hùng hậu của mình vào các khu mỏ.

DENR thừa nhận trong thực tế các công ty Trung Quốc đã khai thác mỏ quy mô lớn được che giấu dưới tấm giấy phép “khai thác mỏ quy mô nhỏ” của đối tác Philippines. Số liệu của chính phủ cho thấy một số “công ty quy mô nhỏ” đã khai thác tới 50.000 tấn quặng kim loại mỗi tháng. Trên giấy trắng mực đen, có khoảng 40 tập đoàn Trung Quốc đang đầu tư vào ngành khai khoáng ở Philippines. Tuy nhiên, như các quan chức ngành mỏ Philippines thừa nhận, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều do các công ty Trung Quốc núp bóng đối tác Philippines.

Theo quy định, trong các hợp đồng khai thác chung, phía công ty Philippines được hưởng 60% lợi nhuận, đối tác nước ngoài 40%. Thế nhưng, các công ty nhỏ Philippines luôn phải chịu thiệt thòi. Bởi các công ty Trung Quốc chỉ khai báo một phần nhỏ lượng khoáng sản khai thác được, còn vận chuyển lậu toàn bộ phần còn lại về Trung Quốc qua đường Hong Kong. Năm 2008, DENR ước tính các công ty Trung Quốc chuyển về nước khoảng 3 triệu tấn quặng khoáng sản mà không khai báo với chính quyền Philippines. Bằng cách này, phía công ty Trung Quốc đã trốn được hàng tỉ peso tiền thuế. Ước tính 90% sản lượng vàng khai thác tại Philippines được vận chuyển lậu về Trung Quốc. Chẳng hạn, trong quý 1-2012 Ngân hàng trung ương Philippines chỉ mua được 618kg vàng từ các công ty địa phương (32,3 triệu USD), giảm rất mạnh so với mức 7.943kg so với cùng kỳ năm 2011. Con số 618kg chỉ chiếm 3% tổng lượng vàng khai thác được, 97% còn lại đã bị tuồn sang Trung Quốc khiến Philippines vừa mất tài nguyên vừa mất tiền thuế.

Phá hoại môi trường
Cục Khoa học địa lý và khai thác mỏ Philippines (MGB) thừa nhận có biết về tình trạng chảy máu tài nguyên sang Trung Quốc. Cách vận chuyển phổ biến là chất hàng lên tàu ở các hải cảng rồi rời Philippines. Tại các cảng này, quan chức và nhân viên hải quan dễ dàng nhắm mắt làm ngơ khi được đút lót.

Thời gian qua, dư luận và báo chí đã nhiều lần lên án các công ty Trung Quốc là đã khai thác quá mức dẫn đến suy thoái môi trường nghiêm trọng và gây nên nạn phá rừng, lở đất, nhiễm độc nguồn nước... Nguồn tin từ ngành mỏ Philippines khẳng định các công ty Trung Quốc đã thoải mái sử dụng thủy ngân, cyanide và nhiều loại chất nổ có sức công phá lớn để khai thác mỏ. Những hành vi này hoàn toàn đi ngược lại các quy định khai thác mỏ của Philippines.

Các công ty Trung Quốc còn “lại quả” rất đậm cho quan chức các địa phương để họ ngó lơ các hành vi xâm hại môi trường. Ở tỉnh Zambales, nơi các công ty Trung Quốc như Wei-Wei, Jianxi, Tungsten, Nihao... đang tung hoành, đã xuất hiện tình trạng nước sông “đỏ như máu” tràn vào những cánh đồng lúa và hủy hoại mùa màng.

Khảo sát của một số tổ chức khoa học ở Philippines cho thấy nồng độ thủy ngân trong các con sông ở tỉnh Diwalwal và Mindanao là cao nhất trong những khu vực khai thác vàng trên thế giới. Mới đây, các nhà khoa học Philippines khẳng định chính tình trạng khai thác mỏ bừa bãi và nạn phá rừng ở Philippines, đặc biệt là đảo Mindanao, đã khiến tác động của bão Bopha ở Philippines càng thêm nghiêm trọng.

CẢNH TOÀN (Theo Asia Sentinel, Reuters, Asia Times)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lời cảnh báo từ những tấm ảnh



TT - Không hẹn mà gặp, hai cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam - Vietnam Heritage Photo Awards và Phụ nữ với môi trường và vấn đề dân số cùng giới thiệu với công chúng điểm nhấn chung là những tấm ảnh mang giá trị cảnh báo cao độ về tình trạng phá hoại môi trường.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/998/600998.jpg
Ảnh trong bộ ảnh "Tàn sát loài khỉ" của Lê Hoài Phương



Từ 2.890 tấm ảnh, ban tổ chức cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam (Hội Di sản Việt Nam, tạp chí Vietnam Heritage, Hội Di sản văn hóa TP.HCM) đã chọn ra 100 tấm ảnh và tổ chức triển lãm tại các tỉnh thành Hà Nội, Hội An, Quảng Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa, TP.HCM.

Hai bộ ảnh nổi bật, được đông đảo công chúng quan tâm là bộ ảnh Tây nguyên màu xám của tác giả Nguyễn Na Sơn và bộ ảnh Tàn sát loài khỉ của tác giả Lê Hoài Phương. Lời cảnh báo từ hai bộ ảnh này nhằm vào thực trạng nhức nhối nhất hiện nay: nạn phá rừng và săn bắt động vật hoang dã.


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/999/600999.jpg
Tác phẩm "Khi con người bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu" của Huỳnh Lâm



Tác giả Lê Hoài Phương cho biết: “Tôi mất hơn ba năm để thực hiện bộ ảnh này tại nhiều nơi ở Bình Thuận và có đến hơn 10 năm “sống” với rừng. Tàn sát loài khỉ chỉ là một trong rất nhiều vấn đề về rừng hiện nay. Người xem ảnh thấy rõ sự độc ác của con người đã đành nhưng tôi vẫn muốn nói thêm lời cảnh báo của mình: sự thật phía sau những cánh rừng còn bi đát hơn những tấm ảnh ấy, rừng đã và sẽ cạn kiệt thật sự nếu toàn dân không chung sức bảo vệ rừng. Đừng để sau những tán lá xanh không còn loài vật nào sống trong đó”.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/0/601000.jpg
Ảnh trong bộ ảnh Tây nguyên màu xám của Nguyễn Na Sơn



Tổng kết trước cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ vừa tổ chức công bố trao giải thưởng cuộc thi ảnh chủ đề Phụ nữ với môi trường và vấn đề dân số. 97 tác giả đã gửi 1.343 tấm ảnh dự thi.

Trong số này có những tấm ảnh chủ đề môi trường mang giá trị thời sự: tác phẩm Con đường giờ lao công đoạt giải đặc biệt của Nguyễn Đức Trí thể hiện hình ảnh những người lao công “bơi” cùng xe rác trên con đường ngập nước; tác phẩm Kiên trì vì màu xanh kênh rạch của tác giả Nguyễn Bá Hội chụp cảnh người dân vớt rác trên dòng kênh đen sì. Đặc biệt nhất là tác phẩm Khi con người bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu của tác giả Huỳnh Lâm chụp cảnh vợ chồng anh Nguyễn Văn Đen và chị Lê Thị Hạnh ở ấp Kha Long, xã Đất Mũi phải bỏ nhà đi vì sự tàn phá của sông biển và thủy triều dâng.

Sau khi trao giải, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM sẽ tổ chức triển lãm ảnh tại nhiều nơi nhằm giúp người xem nâng cao ý thức về môi trường và dân số.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/12/601012.jpg
Ảnh trong bộ ảnh Tây nguyên màu xám của Nguyễn Na Sơn




http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/13/601013.jpg
Ảnh trong bộ ảnh Tây nguyên màu xám của Nguyễn Na Sơn




http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/14/601014.jpg
Khỉ bị thương do trước đó dính các loại bẫy khác - Ảnh: Lê Hoài Phương




http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/16/601016.jpg
Bẻ răng khỉ - Ảnh: Lê Hoài Phương




http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/17/601017.jpg
Bỏ khỉ vào bao - Ảnh: Lê Hoài Phương




http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/18/601018.jpg
Đôi mắt khỉ đầu đàn - Ảnh: Lê Hoài Phương



HỒNG HẠNH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cho xây thủy điện 6, 6A là không bình thường



TT - Tại hội thảo chuyên đề “Lưu vực sông Đồng Nai - tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A” tổ chức tại TP.HCM ngày 16-12, thay mặt Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên và xã hội, gây hậu quả khó lường và không có khả năng khắc phục”.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/178/606178.jpg
Khu ramsar Bàu Sấu có tính đa dạng sinh học cao với hàng trăm loài chim và cá sinh sống sẽ bị ảnh hưởng nếu thủy điện Đồng Nai 6, 6A được xây dựng - Ảnh: Đức Tuyên



Chiều cùng ngày, VRN cũng đã ra thông cáo kiến nghị dừng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A (ĐN 6, 6A).

Phản đối mạnh mẽ
Là thành viên và đại diện VRN, TS Tuấn (Viện biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ) cho rằng bản báo cáo đánh giá tác động môi trường không nhắc gì đến việc hai dự án này vi phạm Luật đa dạng sinh học và nghị quyết số 49 của Quốc hội khóa XII đã đưa ra năm 2010. Dự án thủy điện ĐN 6, 6A lấy mất 137ha rừng, đất rừng của vườn quốc gia Cát Tiên nên phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Ngoài ra, vườn quốc gia Cát Tiên nằm trong hệ thống quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, do đó việc Bộ NN&PTNT điều chỉnh đất của vườn để cho dự án thủy điện ĐN 6, 6A xây dựng là vi phạm điều 11 của Luật đa dạng sinh học.

Cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ, PGS.TS Lê Trình, chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN, cho rằng việc xây dựng thủy điện ĐN 6, 6A nằm trong vườn quốc gia Cát Tiên sẽ gây tác động đến môi trường, diện tích rừng mất đi sẽ tăng gấp nhiều lần. TS Trình lấy ví dụ: khi thủy điện Trị An được khởi công xây dựng thì nơi đây cả cây rừng và động vật hoang dã đều còn bạt ngàn. Khi đó thủy điện Trị An chỉ làm ngập khoảng 200km2 rừng, nhưng đến nay trên thực tế đã có thêm hàng ngàn kilômet vuông rừng bị mất đi vì nhiều nguyên nhân. “Tôi cho rằng dự án thủy điện ĐN 6, 6A không chỉ lấy mất 137ha rừng của vườn quốc gia Cát Tiên mà diện tích rừng mất đi sẽ cực kỳ lớn trong tương lai. Tôi cảm thấy đau khổ khi những cánh rừng như thế này mất đi vì thủy điện. Cá nhân tôi cực lực phản đối dự án thủy điện ĐN 6, 6A” - TS Trình bộc bạch.

“Tôi cũng phản đối dự án thủy điện ĐN 6, 6A” - giám đốc Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai, ThS Lê Trí Dũng nói ngay khi vừa bước lên báo cáo tham luận tại hội thảo. Ông Dũng cho rằng làm thủy điện lấy mất rừng còn có thể nói trồng lại được, chứ các di sản văn hóa, đặc biệt các giá trị khảo cổ học, nếu bị nhấn chìm dưới nước thì sẽ mất hoàn toàn. “Khu vực Cát Lộc - nơi dự kiến xây dựng hai dự án thủy điện ĐN 6, 6A - được cho là khu kinh đô của nền văn hóa Óc Eo. Do đó nếu thủy điện ĐN 6, 6A xây dựng sẽ nhấn chìm các di chỉ khảo cổ học dày đặc trên sông Đồng Nai”.

“Quan” phá rừng gấp trăm lần dân
Ông Trần Văn Mùi (giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) cho rằng diện tích rừng “hi sinh” cho dự án thủy điện ĐN 6, 6A là rất lớn, rất xót xa bởi đây là một trong những nơi có hệ sinh thái đa dạng sinh học cao nhất nước. Với trên 20 năm sống, làm việc và bảo vệ rừng khu vực vườn quốc gia Cát Tiên cũng như Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, ông Trần Văn Mùi cho rằng không nên tin tưởng vào lời hứa sẽ trồng lại rừng của những chủ đầu tư dự án thủy điện. “Bởi chẳng còn đất ở đâu để trồng. Trồng lại rừng sau khi xây dựng thủy điện là điều không tưởng”.

Tại hội thảo, TS Đào Trọng Tứ, cố vấn VRN, kêu gọi: “Nhà nước nên nhìn nhận lại việc có nên tiếp tục cho phép xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai hay không”. Còn TS Lê Phát Quới (trưởng Phòng tài nguyên môi trường - trực thuộc Viện Tài nguyên và môi trường) nói rằng ông cảm thấy xấu hổ cho một số nhận xét, đánh giá trong báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện ĐN 6, 6A. “Báo cáo đánh giá tác động môi trường này có nhiều điều “xạo”. Tôi đã góp ý nhiều nhưng một số anh em không nghe” - TS Quới nói và cho biết ngay từ đầu ông đã từ chối tham gia làm báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hai dự án này.

Ông Hoàng Việt, đại diện WWF Việt Nam dự hội nghị, cũng thống nhất: “Không nên cho phép xây dựng hai dự án thủy điện ĐN 6, 6A” và nêu thêm Mỹ cũng như các nước châu Âu đang phải phá đi một số thủy điện đã được xây dựng. Vì vậy không cớ gì chúng ta lại đi ủng hộ việc xây dựng những thủy điện có tác động xấu như dự án thủy điện ĐN 6, 6A. TS Lê Trình cũng cho rằng việc cho phép xây dựng dự án thủy điện ĐN 6, 6A sẽ tạo tiền lệ rất xấu cho các vườn quốc gia trong tương lai. “Bộ Tài nguyên - môi trường mà đồng ý cho hai dự án thủy điện ĐN 6, 6A được triển khai xây dựng là không bình thường” - TS Trình bày tỏ.

ĐỨC TUYÊN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

“Gỗ máu” đổ về Trung Quốc



TT - Các tổ chức môi trường cho rằng Trung Quốc là đầu nậu thu gom các nguồn gỗ lậu khắp nơi trên thế giới để đưa vào các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ đại gia trong nước.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/858/603858.jpg
Gỗ quý bị khai thác trộm khi chưa đủ tuổi ở tỉnh Koh Kong, Campuchia - Ảnh: Phnom Penh Post



Theo Tổ chức Điều tra môi trường (EIA), từ các quốc gia châu Phi đến quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương và các nước láng giềng với Trung Quốc như Myanmar, Lào đều đang ồ ạt đốn hạ gỗ quý để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc.

Ở một số nước, EIA phát hiện lái buôn Trung Quốc phá vỡ những thỏa thuận chống đốn và xuất khẩu các loài cây hiếm khi dùng mọi cách từ hối lộ đến tiếp tay cho bọn buôn lậu.

EIA nhấn mạnh rằng Trung Quốc với vai trò là nước buôn bán gỗ lớn nhất thế giới đang nắm giữ số phận của nhiều mảnh rừng tự nhiên và nỗ lực chống phá rừng phụ thuộc vào các biện pháp của nước này. Nhiều nước châu Âu, Mỹ, Úc hay Nhật đã thông qua hoặc đang cân nhắc các luật chống gỗ lậu.

“Tuy nhiên trong lúc các thị trường tiêu thụ lớn khác đã hành động thì Trung Quốc vẫn cương quyết đứng bên lề” - báo cáo viết.

“Xuất khẩu phá rừng”
Nhu cầu nhập gỗ của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong hơn một thập kỷ qua, đạt 180 triệu m3 - tức gấp 60 lần sức chứa của sân vận động Tổ Chim khổng lồ ở Bắc Kinh. Theo các phân tích số liệu thương mại, 1/10 số đó là gỗ lậu. Con số thật có thể còn cao hơn.

EIA cho biết nguồn gỗ hồng/cẩm lai đưa vào Trung Quốc chủ yếu đến từ khu vực sông Mekong. Thái Lan đã chặn hơn 3.000 chuyến xuất khẩu loại gỗ quý này trị giá 3 tỉ USD.

Tại Việt Nam, các thương nhân Trung Quốc cấu kết với một số người để đảm bảo nguồn cung gỗ lậu. Báo Phnom Penh Post cho biết hơn 32.000m3 gỗ quý của Campuchia được bán cho Trung Quốc từ năm 2007-2011 với giá hàng chục triệu USD.

Cơn sốt gỗ quý của Trung Quốc được các nhà hoạt động môi trường mô tả như một sự điên rồ gớm ghiếc. “Một sự điên cuồng, như cơn sốt sừng tê giác và ngà voi. Nó là một sự dị hợm khó giải thích nổi, kiểu như càng độc thì giá càng cao - Marcus Hardtke, một chuyên gia rừng người Đức, giải thích - gỗ quý không có nhiều ở những hồ chứa đập thủy điện nên họ đổ xô lên rừng, những cây gỗ quý giá bị đốn trước tiên”.

Nhu cầu của những đại gia giàu có khiến giá gỗ hồng tăng lên vào khoảng 720 USD/kg và một bộ ghế, sofa có thể lên đến 320.000 USD. “Đồ gỗ được làm từ những loại gỗ hiếm nhất và có độ hoàn thiện tinh xảo có thể đạt đến hàng triệu USD” - báo cáo của EIA viết. EIA ví hành động của Trung Quốc như “xuất khẩu phá rừng” khi thả lỏng hoạt động ở nước ngoài của các doanh nghiệp gỗ dù siết chặt nạn phá rừng trong nước.

Dễ thấy nhất ở dãy núi biên giới với Myanmar khi sườn núi phía Trung Quốc không bị sứt mẻ gì thì ở sườn phía bên kia rừng rậm bị trọc lủi.

Tiếp tay cho tội phạm và tham nhũng
Cơn sốt gỗ quý của Trung Quốc cũng làm bùng nổ những cuộc xung đột của những băng đảng vũ trang để tranh giành khai thác đến cạn kiệt nguồn gỗ hồng ở các nước vùng Mekong.

Những cuộc xung đột xảy ra giữa lực lượng chính phủ và những kẻ khai thác gỗ lậu hoặc những vụ thanh toán giữa các băng đảng. EIA ước tính gần 50 tay buôn lậu Campuchia bị giết và nhiều tên bị bắt ở Thái Lan.

Những khoản hối lộ cũng làm chùn bước mọi nỗ lực chống phá rừng tại đây bên cạnh những yếu kém trong việc kiểm soát. Thái Lan năm ngoái đã thành lập lực lượng đặc nhiệm Rambo Army hoạt động ở biên giới Campuchia nhưng lực lượng này bị giải tán sau đó ba tháng.

Hình phạt đối với nạn đốn rừng ở Thái Lan cũng nhẹ và hầu hết những tay buôn lậu được hưởng án treo nếu nhận tội. Hồi tháng 4-2012, nhà hoạt động chống đốn gỗ lậu Chut Wutty của Campuchia bị bắn chết khi điều tra hoạt động khai thác trái phép của Công ty Timbergreen.

Vụ việc bị nghi ngờ có sự bắt tay giữa quan chức và các băng đảng. “Đây không chỉ gồm vấn đề môi trường mà nó còn tiếp tay cho tham nhũng và các mạng lưới tội phạm. Rất nhiều máu đã đổ trước khi những cây gỗ hồng đến được phòng khách của một ai đó. Gỗ hồng là một trong những loại gỗ đắt giá nhất thế giới nên đó là lý do nổ ra cuộc chiến”- nhà hoạt động Faith Doherty của EIA nói.

EIA đang nỗ lực thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc soạn thảo luật kiểm soát gỗ nhập lậu vào thị trường trong nước. Trong khi đó, các nhà hoạt động cũng hối thúc các nước trong khu vực đưa gỗ hồng vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo tồn.

TRẦN PHƯƠNG
(Theo Phnom Penh Post, Huffington Post, AFP)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đi tìm giống lúa “3 chống”



TT - Một giống lúa có khả năng thích ứng với mọi điều kiện khí hậu khắc nghiệt như hạn hán, ngập lụt, nhiễm mặn... là thách thức đang được các nhà nghiên cứu ở Viện Lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines tập trung nghiên cứu.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/440/608440.jpg
Trong tương lai sẽ có nhiều giống lúa mới có thể sống được trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt - Ảnh: Le Monde



Dưới mái nhà kính có độ ẩm được kiểm soát chặt chẽ, Glenn Gregorio - chuyên gia nghiên cứu của IRRI - đang cúi gập người trên một giá đỡ có nhiều ô như tổ ong. Ở mỗi ô trong số 86 ô tổ ong ngập trong nước mặn này là hai hạt lúa đã nảy mầm. Ngọn những thân non mạnh khỏe thì có màu xanh, còn ngọn những thân non khác lại có màu vàng úa.

Lúc này nhóm nghiên cứu của ông đang thử nghiệm nhiều giống lúa chống mặn, như giống lúa FL 478 đang cho ngọn màu xanh, chịu mặn, có thể được chọn để gieo trồng đại trà ở Philippines. “Ở đây, thời tiết và độ ẩm là lý tưởng cho cây lúa. Không hề có bệnh hay sâu rầy” - nhà nghiên cứu này cho biết. Ông đã làm việc tại IRRI từ 1/4 thế kỷ qua để tìm kiếm những giống lúa chống mặn. “Nếu cây lúa chết thì đó chính là do bị nhiễm mặn”.

Nhiễm mặn, khô hạn, ngập úng, thời tiết khắc nghiệt... Đúng là đang có nhiều vấn đề mà các nhà nghiên cứu ở IRRI phải đối phó do sự thay đổi khí hậu gây ra cho cây lúa. Việc tìm ra những giống lúa có khả năng thích nghi với môi trường thời tiết đang biến đổi đã trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu của IRRI kể từ khi được thành lập vào năm 1960 tại Los Banos, cách Manila khoảng 63km về phía đông nam.

Viện nghiên cứu lúa này, nơi có đến cả trăm nhà nghiên cứu thuộc đủ mọi quốc tịch khác nhau đang làm việc, là một trong số 15 trung tâm nghiên cứu dưới sự phối hợp của nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế.

61 triệu ha gieo trồng bị đe dọa ở châu Á
Lúa gạo là thực phẩm cơ bản cho hơn 3 tỉ người ở châu Á. “Vậy mà chỉ riêng ở Nam Á và Đông Á đã có đến 23 triệu ha đất trồng lúa bị hạn hán, 22 triệu ha bị ngập lụt và 16 triệu ha đất bị nhiễm mặn đe dọa” - ông Abdelbagi Ismail, người phụ trách chương trình nghiên cứu của IRRI về giống lúa có khả năng chịu ngập do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ, cảnh báo. “Cần phải nhanh chóng có câu trả lời trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay” - nhà nghiên cứu người Sudan này bức xúc.

Khi bị ngập hoàn toàn dưới nước, cây lúa sẽ tự tăng tốc tăng trưởng bằng cách kéo dài thân và lá để tìm cách tiếp xúc với khí trời, bởi nếu không thể thì lúa sẽ chết sau khoảng 15 ngày. Trừ phi nó được cấy loại gen Sub1, một loại gen được phát hiện vào năm 1996 ở một số giống lúa cũ. “Trong trường hợp bị ngập úng, gene Sub1 sẽ giúp cây lúa ngưng tăng trưởng để có thể cầm cự đến 19 ngày - ông Abdelbagi giải thích và chỉ vào những hình ảnh một mảnh đất trồng lúa bị ngập lụt tàn phá nặng nề ở Ấn Độ bên cạnh một mảnh đất khác xanh tốt được trồng giống lúa chống ngập - Ngay khi nước lũ rút, tác động của gene này cũng kết thúc và cây lúa tăng trưởng trở lại”.

Nhờ những kỹ thuật phân tích lai tạo và chọn gene bằng phương pháp sinh học, chỉ trong vài năm qua IRRI đã có thể đưa ra nhiều giống lúa chống ngập được cấy gene Sub 1. Giống lúa Swarma Sub 1 được phân phối khắp Ấn Độ từ năm 2009 và đã có hơn 3 triệu nông dân nước này chọn gieo trồng, hơn 1 triệu ở Bangladesh. Giống lúa này dù là trong môi trường bị ngập úng vẫn cho năng suất thu hoạch 1-3 tấn/ha.

Phát triển giống lúa “3 trong 1”
Dù không là hiện tượng dễ nhìn thấy như ngập lụt, song ngập mặn do việc khai thác quá mức các tầng nước ngầm hay do mực nước biển dâng cao cũng đang gây ra những thiệt hại khủng khiếp không kém đối với lúa. Lần này, các nhà nghiên cứu ở IRRI đang tìm cách cấy một loại gen chống mặn, có tên là Saltol, vào giống lúa địa phương của Ấn Độ.

Các loại giống chống mặn được phát triển ở IRRI hiện còn trong giai đoạn thử nghiệm, và gene Saltol mới chỉ có khả năng bảo vệ cây trồng ở thời kỳ đầu tăng trưởng, nhưng ông Glenn Gregorio rất hi vọng khi “những thử nghiệm được thực hiện ở Hàn Quốc đang cho thấy việc trồng các giống lúa này thậm chí còn cho phép khử mặn, ít ra là một phần, đất trồng”.

Các nhóm nghiên cứu của IRRI cũng đưa ra nhiều giống lúa chống hạn. “Thế nhưng, các giống lúa này hiện còn cho năng suất khá thấp - nhà nghiên cứu Ấn Độ B.P. Mallikarjuna Swarny nhìn nhận - Mục tiêu của chúng tôi là tìm cách kích hoạt loại gene chống hạn này trong các giống lúa hiện đã được cấy gen để cải thiện hơn về mặt năng suất”. Các nhà nghiên cứu đang tạo ra những điều kiện khô hạn khắc nghiệt trên một số mảnh đất trong số 252ha của IRRI.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Glenn Gregorio đang lập nên những “phòng tra tấn” như cách ông mô tả là nhận chìm cây lúa 10 ngày trong nước mặn. “Đây là giống lúa được gọi là lúa sóng thần” - nhà nghiên cứu Philippines này hóm hỉnh. Ông cũng là cha đẻ khái niệm “lúa tạp chủng” có khả năng chống hạn và mặn. Các nhà nghiên cứu như ông đang mong muốn phát triển các giống lúa có khả năng chống lại cùng lúc nhiều điều kiện khắc nghiệt về thời tiết. “Ở Bangladesh chẳng hạn, nông dân có thể phải đối mặt với nạn hạn hán, ngập lụt và nhiễm mặn xảy ra trong cùng một vụ mùa - nhà nghiên cứu Glenn Gregorio nói - Họ đòi chúng tôi phải có câu trả lời thích hợp”.

Các giống lúa có khả năng kép - vừa chịu mặn vừa chịu ngập hoặc vừa chịu hạn vừa chịu ngập tốt - đã ra đời trong năm 2012 trong phòng thí nghiệm của IRRI. “Với những công cụ mà chúng tôi hiện có, chúng ta vẫn có thể mơ về một giống lúa “3 trong 1”, dù rằng một số người còn hoài nghi và nghĩ rằng giống lúa lý tưởng ấy không thể tồn tại” - ông Glenn Gregorio khẳng định.

HÀ AN - T.N. (Theo Le Monde)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] [45] [46] ... ›Trang sau »Trang cuối