Cần một COC cho sông Mekong
SGTT.VN - Theo nhận định của chuyên gia Đông Nam Á tại học viện Lowy (Úc) Milton Osborne, việc Trung Quốc đi vào hoạt động đập Noạ Trác Độ (Nuozhadu) hồi đầu tháng 9.2012 ở Vân Nam – khu thượng nguồn sông Mekong – sẽ gây tác động một cách gián tiếp đến việc nuôi sống 60 triệu người dân vùng hạ nguồn. Nhưng câu chuyện sẽ còn “xa hơn” khi xét ở góc độ lợi ích, ngay cả các quốc gia không sở hữu dòng sông Mekong cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.Việc thuỷ điện hoá sông Mekong đã và đang là “câu hỏi khó” trong quan hệ giữa các nước nằm trong lưu vực sông. Nguyên nhân chính xuất phát từ những khác biệt về lợi ích mà dòng sông này mang lại cho các nước thượng nguồn và hạ nguồn. Đã có sáng kiến về vai trò của một “trọng tài”, mà tiêu biểu là Nhật Bản trong việc điều phối, duy trì ổn định cho “mạch máu chung” của sáu quốc gia: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung – Nhật căng thẳng về vấn đề tranh chấp biển đảo và Trung Quốc ngày càng trở nên tham vọng cao về vấn đề năng lượng, thì việc tìm một “trọng tài” đủ uy tín và sức mạnh nhằm điều hoà, chia sẻ lợi ích cho sáu quốc gia dường như còn quá khó. Sự kiện Trung Quốc “âm thầm” kích hoạt việc xây dựng đập Noạ Trác Độ vừa qua đã “đánh động” vào “lợi ích chung”, khiến vấn đề giải quyết Mekong càng trở nên cấp thiết.
Hàng trăm ngàn hecta đất nhiễm mặnHầu như chưa có những đánh giá định lượng chính xác nào về thiệt hại kinh tế của vùng và của cả Việt Nam, nếu các con đập Trung Quốc “nối đuôi” nhau đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ông Marc Goichot, cố vấn cao cấp về phát triển hạ tầng bền vững của quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), cho biết việc xây dựng các đập thuỷ điện tại thượng nguồn của Trung Quốc đã góp phần làm tình trạng nhiễm mặn ở lưu vực hạ nguồn càng trầm trọng. Là người kêu gọi tạm ngưng các dự án xây dựng đập thuỷ điện, ông Marc Goichot giải thích rằng các con đập sẽ giữ lại các chất trầm tích, làm giảm lượng trầm tích ở những nơi thuộc khu vực hạ lưu có dòng chảy gần bờ và sóng mạnh nhất, điều đó có nghĩa là nước mặn dễ dàng xâm lấn hơn. Và theo báo cáo của viện Quy hoạch đô thị và nông thôn miền Nam, cứ 1m nước biển dâng cao sẽ làm tăng thêm 334.000ha đất bị nhiễm mặn.
Tình trạng này nếu xảy ra vào giai đoạn mùa khô sẽ gây ra thiệt hại lớn đến các vụ mùa, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế của cả vùng. Trong khi đó chính quyền Bắc Kinh, trước phản ứng của dư luận, khẳng định rằng các đập thuỷ điện Trung Quốc cho xây không ảnh hưởng đến sông Mekong do lưu lượng nước chảy qua Trung Quốc chỉ chiếm 13,5%!? Tuy nhiên, chuyên gia khảo sát về chính sách quốc tế Osborne bày tỏ nghi ngờ và cho rằng vào mùa khô lượng nước các thuỷ điện Trung Quốc có thể chiếm tới 40% lưu lượng toàn bộ sông Mekong. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến cho rằng chỉ các quốc gia khu vực hạ lưu Mekong (trong đó có Việt Nam) mới chịu ảnh hưởng trước vấn đề “an ninh nguồn nước”. Nhưng nếu nhìn xa hơn, trong bối cảnh ASEAN đang cố gắng xây dựng “cộng đồng chung” thì lợi ích của các nước hạ nguồn có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nước khác.
Đơn cử là vấn đề “an ninh lương thực”. Sông Mekong là “nguồn sống” của phần lớn lương thực tại các nước hạ nguồn, đặc biệt là Việt Nam. Nằm ở hạ lưu sông Mekong, Việt Nam là quốc gia được các chuyên gia dự báo là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì các con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn. Nghiên cứu của trung tâm Stimson đã cho thấy, hoạt động của các đập thuỷ điện do Trung Quốc xây dựng đã làm thay đổi thuỷ lưu của dòng sông và cản trở sự lưu thông của phù sa màu mỡ – yếu tố rất cần thiết cho việc duy trì năng suất đất, nuôi dưỡng thuỷ sản và ngăn biển xâm lấn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ước tính nếu nước biển dâng lên 1m, hai vựa lúa lớn nhất nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập lần lượt là 5.000km2 và 20.000km2. Điều đó có nghĩa cả nước phải đối mặt với nguy cơ mất trắng 5 triệu tấn lúa và không còn đủ sản lượng gạo để xuất khẩu.
An ninh lương thực cho cộng đồng ASEANĐược xem là “vựa lúa gạo” của Việt Nam, trong tám tháng đầu năm 2012, khu vực này đã xuất khẩu được 5,101 triệu tấn gạo, chiếm trên 90% cả nước. Theo dự báo của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), với sản lượng xuất khẩu gạo đạt 7 triệu tấn trong năm 2012, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí “cường quốc gạo” số hai thế giới sau Ấn Độ. Mới đây, tổng cục Thống kê cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam trong chín tháng năm 2012 đạt xấp xỉ 6,4 triệu tấn. Riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nguồn cung gạo rất lớn hàng năm, đặc biệt là các thị trường Philippines, Malaysia, Singapore, Đông Timor, Brunei với sản lượng 1,93 triệu tấn chỉ trong tám tháng đầu năm. Đó là chưa tính đến các đối tác tiềm năng ở châu Phi. Chỉ tính riêng sáu nước: Bờ Biển Ngà, Senegal, Ghana, Angola, Algeria, Nam Phi thì Việt Nam đã xuất khẩu trên 940.000 tấn, chiếm gần 17% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Thế nên, hãy tưởng tượng giả thuyết gạo Việt Nam “lâm nguy” dưới “sức đè tổng hợp” của những con đập thuỷ điện Trung Quốc lẫn ảnh hưởng biến đổi khí hậu, an ninh lương thực trong nước sẽ còn thiếu đảm bảo khi dân số Việt Nam sẽ đạt mức 102,7 triệu người vào năm 2029 (dự báo của tổng cục Thống kê), chứ chưa cần bàn đến việc xuất khẩu. Chưa dừng ở đó, tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), quỹ Phát triển nông thôn quốc tế (IFAD) và chương trình Lương thực thế giới (WFP), ngày 4.9 vừa qua cũng cảnh báo khả năng tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực như hồi 2007 – 2008. Thế nên nếu tạm gác lại chuyện khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt thì rõ ràng, “an ninh lương thực” sẽ còn là “bài toán chung” cho các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines…
Đứng trước nguy cơ “mất an ninh” nguồn nước cùng những tiêu cực phát sinh từ những con đập đầu nguồn của Trung Quốc, không chỉ năm quốc gia ASEAN – những quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng từ sông Mekong, mà điều quan trọng là các nước còn lại trong khối ASEAN cần ý thức được “lợi ích” của mình thông qua dòng sông này. Từ đó có hướng tiếp cận, hợp tác và bảo vệ lợi ích chung thông qua cơ chế ASEAN. Quy định Helsinki năm 1967 về việc sử dụng nước trên các dòng sông quốc tế được sử dụng trong bản tuyên bố năm 1975 của uỷ ban Sông Mekong. Tuy nhiên, nếu Việt Nam cũng như các nước ASEAN “lơ là” trong việc quản lý và khai thác sông Mekong, hoặc giả chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo mà chưa có tính pháp lý tương lai của các nước đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc xây dựng và thực thi quyết liệt một “COC Mekong” hiện nay không chỉ “cần” mà là “cấp bách”.
Đại Thắng – Thế QuangMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)