Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vẫn dùng vô tư giấy vệ sinh Trung Quốc gây ung thư



(LĐO) – Vừa qua, Tổng cục kiểm định chất lượng Trung Quốc công bố 50 loại giấy vệ sinh có thể gây ung thư. Thế nhưng, hiện nay trên thị trường Việt Nam rất nhiều đại lý bán mặt hàng giấy vệ sinh có nhãn mác Trung Quốc và không có thông tin về sản phẩm.

Không có thông tin về sản phầm
Đại lý Linh Giang, số 26A, hàng Đường có 3 loại giấy vệ sinh mang nhãn hiệu Trung Quốc và đều là loại giấy không lõi. Các loại giấy này đều không có bất cứ chữ tiếng Việt nào trên bao bì. Chỉ duy nhất loại giấy được nhân viên ở đây gọi là giấy em bé thì ngoài bao bì là có 1 dòng chữ tiếng Việt, có bịch thì ghi “hãng giấy hằng nghiệp”, một bịch khác lại ghi “hãy xác nhận thương hiệu hãng giấy hằng nghiệp”. Các chữ đều được viết nhòe nhoẹt, thậm chí sai chính tả và tên doanh nghiệp cũng không viết hoa. Theo quan sát của chúng tôi, các loại giấy vệ sinh có xuất xứ từ Trung Quốc đều có màu trắng tinh, mịn, dai và thơm hơn các loại giấy trong nước.

Ngay đối diện đại lý Linh Giang là đại lý tạp hóa Oanh Đồng (số 26B hàng Đường, Hoàn Kiếm) cũng có rất nhiều mặt hàng giấy cuộn mang nhãn hiệu Trung Quốc. Khi chúng tôi thắc mắc, tại sao giấy này không có phần tiếng Việt giới thiệu về đơn vị nhập khẩu thì chủ đại lý này càu nhàu: “Chính vì thế thì nó mới có giá rẻ thế, giấy đẹp thế này mà cũng chỉ tương đương với giá giấy nội địa”.

Vào vai 1 người có ý định mở đại lý kinh doanh tạp hóa chúng tôi liên hệ với anh Quang, phố An Xá, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Anh cho biết, việc kinh doanh giấy vệ sinh của anh chỉ là để kiếm thêm. Tranh thủ mỗi lần chị gái đi lấy hàng hoa quả Trung Quốc thì anh lấy thêm hàng giấy ăn, giấy vệ sinh về bán. Mỗi chuyến hàng anh lấy khoảng 2 triệu kiện giấy, mỗi kiện có 6 bịch giấy. Khi chúng tôi hỏi về giá cả bán giao thì anh Quang thông báo thường anh bán với giá 44 nghìn đồng/bịch, lấy nhiều được giảm thêm.

Vẫn vô tư sử dụng
Shop Tom, số 74 Lò Đúc, đại lý cấp 1 của hãng giấy Hằng Nghiệp là một trong những đầu mối lớn của mặt hàng giấy vệ sinh mang nhãn hiệu Trung Quốc. Ngoài loại giấy siêu thấm Hằng Nghiệp có hình em bé phía ngoài bao bì, ở đây còn có thêm các loại giấy có thương hiệu Nengye, Jiebao… và 1 số loại khác nhưng hầu hết là tiếng Trung Quốc nên không biết rõ nguồn gốc cũng như thông tin về sản phẩm.

Theo lời giới thiệu, giấy vệ sinh Trung Quốc tại shop được chia làm  hai loại, có lõi và không có lõi. Mỗi loại có rất nhiều mẫu mã như: giấy em bé siêu thấm không lõi, giấy em bé siêu thấm vuông nhỏ; giấy em bé siêu thấm loại II; giấy em bé siêu thấm loại I; giấy em bé siêu thấm vuông to; giấy em bé siêu thấm bàn tay cao cấp… Trong đó, đắt hàng nhất là loại “giấy em bé siêu thấm vuông to” được bán với giá 52 nghìn đồng/bịch 20 cuộn.

Ngoài giấy vệ sinh, tại các đại lý cũng có rất nhiều các mặt hàng giấy ăn Trung Quốc như giấy ăn chè xanh hộp; giấy ăn chè xanh có hương thơm; giấy ăn chè xanh túi, giấy tempo… được bán với giá khoảng 15 đến 20 nghìn đồng/hộp.

Mặc dù thông tin về sản phẩm không rõ ràng, chất lượng cũng như tác hại của giấy ăn, giấy vệ sinh Trung Quốc bày bán tại Việt Nam chưa được cơ quan chuyên môn của VN thẩm định nhưng nhiều người vẫn vô tư sử dụng. Trong khoảng 30 phút có mặt tại cửa hàng, nhân viên giao hàng rất bận rộn với đi giao mặt hàng này, đồng thời cũng có rất nhiều khách đến mua mặt hàng giấy vệ sinh Trung Quốc với số lượng lớn.  

“Giấy này được cái rất mỏng, nhưng dai, cuộn lại chắc, không bị hao, giá cả tính ra cũng không phải là đắt, nhìn giấy lại sạch sẽ hơn giấy trong nước nên nhà tôi chuộng dùng loại này hơn”, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhà ở  phố hàng Đào cho biết.

Trước đó, anh Quang, Phúc Xá cũng cho biết, rất nhiều chủ hàng ăn cũng “lùng” đến tận chỗ cơ sở của anh để lấy hàng vì “Giấy này cũng có thể kết hợp dùng làm giấy ăn vì rất dai, không bị bở như nhiều mặt hàng giấy sản xuất trong nước, giá cả lại rẻ hơn giấy ăn rất nhiều”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, giấy vệ sinh là mặt hàng rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây dị ứng, viêm nhiễm phần phụ, vì thế cần lựa chọn giấy vệ sinh đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Thông tin giấy vệ sinh Trung Quốc có thể gây ung thư rất cần lưu tâm, có thể là do nhà sản xuất đã sử dụng các loại hóa chất tẩy trắng, hóa chất làm dai…là những hóa chất độc có hại cho sức khỏe.

NGUYỄN HÀ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mục lục

(tiếp theo từ trang 1)



58. Vẫn dùng vô tư giấy vệ sinh Trung Quốc gây ung thư   (Nguyễn Hà) . . . . .  trang 8

59. Hào Dương vi phạm nối tiếp vi phạm   (Nguyễn Triều)

60. Triển lãm trưng bày rượu ngâm động vật hoang dã!  (Hương Giang)

61. Vùng ven biển Bãi Ngang đã hồi sinh   (Ngọc Tùng)

62. Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã   (Thái Lộc)

63. Thao thức cùng Bạch Mã

64. Thảm họa bô-xít: Lũ bùn đỏ cuốn trôi hơn 270 căn nhà

65. Ngày hội hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu 10-10-2010

66. PGS. TS Nguyễn Đình Hòe: "Không thể chủ quan với bùn đỏ!"

67. Cỏ Hoang: "Hãy cùng ký tên kiến nghị đình chỉ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên." . . . trang 9

68. Kon Tum: Ngang nhiên hút cát dưới chân cầu treo Kon Klo  (Trần Thảo Nhi)

69. Bạn trẻ khắp nơi hành động chống biến đổi khí hậu

70. Phá rừng ở đỉnh dãy Trường Sơn chẳng khác nào nhà dột từ nóc!  (Hải Luận)

71. Từ trận Điện Biên Phủ đến Bauxite Tây Nguyên   . . . .     trang 10

72. Đổi trăm triệu năm lấy một nhát... búa   (Đỗ Lăng Quân)

73. “Nên hoãn xây đập trên sông Mekong trong 10 năm” (Uỷ ban sông Mekong)

74. Từ tai hoạ bùn đỏ ở Hungary, nghĩ tới bôxít Tây Nguyên  (Nguyễn Quang A)

75. "Đình chỉ dự án nếu chủ đầu tư làm sai cam kết."

76. Phản hồi của bạn đọc

77. Nguyên Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình cùng nhiều trí thức, nhân sĩ đồng loạt ký tên kiến nghị đình chỉ khai thác bôxít tại Việt Nam.

78. Lời cảnh báo cho công nghiệp bôxit  (Danh Đức) . . . . . . . trang 11


(Mời xem tiếp Mục lục tại trang 11)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hào Dương vi phạm nối tiếp vi phạm



TT - Tại cuộc họp chiều 27-9, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương với mức phạt tối đa dự kiến là 170 triệu đồng.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM vào tháng 7-2010, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân khẳng định: “Nếu Hào Dương vi phạm lần thứ ba, thứ tư thì phải xử lý kiên quyết, vi phạm nghiêm trọng phải khởi tố hình sự”. Lần giở những biên bản mà cơ quan chức năng đã lập đối với Hào Dương sẽ thấy số lần vi phạm của công ty này đã vượt xa cột mốc mà lãnh đạo TP cảnh báo.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=450687
Chất thải thuộc da được Công ty Hào Dương đổ thành đống nhiều tháng liền bên bờ sông Đồng Điền.



Đối phó đủ kiểu
Công ty Hào Dương đi vào hoạt động tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) từ năm 2003. Ngày 15-12-2007, Nhà máy điện Hiệp Phước có báo cáo phản ảnh nhiều thiết bị của nhà máy bị ảnh hưởng xấu từ nước thải của nhà máy thuộc da Hào Dương.

Cùng ngày, Ban quản lý KCN Hiệp Phước kiểm tra và phát hiện Hào Dương bơm nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Một tháng sau, ngày 16-1-2008, Ban quản lý KCN kiểm tra lần nữa thì phát hiện thêm Hào Dương xả bùn của hệ thống xử lý nước thải ra sông Đồng Điền (còn gọi là sông Kinh). Một ngày sau đó, Hào Dương tái diễn xả nước thải ra sông nên Ban quản lý KCN ra văn bản tạm ngưng cấp nước cho công ty này từ ngày 25-1-2008.

Thay vì chấm dứt vi phạm, Hào Dương đối phó bằng cách thuê sà lan vận chuyển nước từ nơi khác về để tiếp tục sản xuất và tiếp tục xả thải. Suốt hai tháng sau đó, có thêm 10 văn bản ghi nhận hành vi xả nước thải chưa qua xử lý của Hào Dương ra sông Đồng Điền. Đến tháng 7-2008, khi cơ quan chức năng dùng đến biện pháp ngưng cung cấp điện thì Hào Dương đối phó bằng cách tự trang bị máy phát điện.

“Lập biên bản riết... chán!”
Vi phạm về xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty Hào Dương diễn ra với tần suất dày đặc từ tháng 2 đến tháng 9-2008, tới mức một cán bộ kiểm tra nói nửa đùa nửa thật rằng lập biên bản riết... chán.

Cũng trong thời gian này, theo Ban quản lý KCN, công ty đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với một công ty có chức năng nhưng không trưng ra được chứng từ về việc giao nhận chất thải.

Đỉnh điểm trong chuỗi vi phạm của Hào Dương là cuộc đột kích của cảnh sát môi trường bắt quả tang công ty này bơm xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra sông Đồng Điền vào đêm 10-10-2008. Vụ việc sau đó đã được chuyển sang Cơ quan điều tra Công an TP nhưng khoảng nửa năm sau cơ quan điều tra chính thức kết luận không đủ yếu tố để khởi tố hình sự về tội gây ô nhiễm nguồn nước.

Hành vi vi phạm của Hào Dương vẫn chưa dừng lại khi tháng 9-2009, thanh tra Hepza tiếp tục phát hiện Hào Dương xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Tháng 11-2009, thanh tra Tổng cục Môi trường phát hiện hàng loạt vi phạm tại công ty này và chuyển hồ sơ lại cho TP.HCM xử lý. Song chẳng biết vì lý do gì, mãi đến ngày 29-6-2010 Sở TN-MT TP mới có văn bản đề xuất UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xem xét rút giấy chứng nhận đầu tư của công ty này.

Tại cuộc họp ngày 19-7-2010, đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư TP, Sở Tư pháp TP cho rằng chưa đủ cơ sở để rút giấy phép đầu tư của Hào Dương như đề xuất của Sở TN-MT TP nên Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài giao Sở TN-MT rà soát các quy định hiện hành, đối chiếu với vi phạm của Hào Dương để đề xuất hướng xử lý phù hợp.

Để có căn cứ xử phạt, Sở TN-MT đã tái kiểm tra vào ngày 11-8-2010 và kết quả phân tích chất lượng nước thải của Hào Dương lần này cho thấy các chỉ tiêu cơ bản đều vượt ngưỡng cho phép. Do đó, Sở TN-MT TP kiến nghị UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Hào Dương theo tình tiết tăng nặng với mức tối đa 170 triệu đồng.

Liệu lần xử phạt hành chính tới đây của UBND TP có đủ “épphê” để buộc Hào Dương thôi vi phạm?

* Bài và ảnh: NGUYỄN TRIỀU


Các lần xử phạt Công ty Hào Dương

- Lần 1: Ngày 4-6-2008, Sở TN-MT TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 14 triệu đồng và yêu cầu Hào Dương ngưng hành vi vi phạm, cải tạo hệ thống xử lý nước thải.

- Lần 2: Ngày 27-7-2009, UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 58 triệu đồng và buộc Hào Dương chấm dứt xả thải trái phép, cải tạo hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định.

- Lần 3: Tháng 9-2009, thanh tra Hepza tiếp tục phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính Hào Dương 29 triệu đồng do xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Triển lãm trưng bày rượu ngâm động vật hoang dã!



TTO - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa gửi thông cáo báo chí về các hoạt động gây hại cho các loài rùa của Việt Nam cũng như động vật hoang dã nói chung tại “Triển lãm 1000 con rùa quý hiếm nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long” đang diễn ra tại Vườn sinh thái Đầm Bông (Hà Nội).

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=451263
1000 bình rượu được trưng bày tại triển lãm, trong đó có gần 300 bình có chứa các sản phẩm từ động vật hoang dã - (Ảnh: ENV)



ENV đã cử các cán bộ Chương trình Bảo vệ động vật hoang dã tới khu vực triển lãm để tiến hành điều tra các loài rùa được trưng bày tại đây.

Kết quả điều tra cho thấy, có khoảng 16 loài rùa bản địa được trưng bày tại triển lãm với số lượng khoảng 340 cá thể. Trong số đó, rùa hộp ba vạch là loài động vật hoang dã quý hiếm được bảo vệ trong Nghị định 32 của Chính phủ, thuộc nhóm IB (Nhóm các loài động vật rừng nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại).

Ngoài ra, rùa đầu to, rùa đất lớn, rùa răng, rùa núi vàng, rùa núi viền và rùa Trung bộ là những loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IIB (Nhóm các loài động vật rừng hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại).

ENV cho biết Triển lãm còn có gian trưng bày gần 300 bình rượu ngâm các sản phẩm động, thực vật hoang dã. Một phần nhỏ trong số đó là các bình rượu ngâm rắn, kỳ đà, tê tê (nhóm IIB) và một bình rượu ngâm tay gấu (nhóm IB).

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=451264
Bể rượu có chứa nhiều loại rắn, một cá thể tê tê và nhiều loại rùa khác nhau - (Ảnh: ENV)



Thông báo của ENV viết: “Kết quả điều tra từ cơ quan chức năng không cho thấy bất cứ dấu hiệu vi phạm nào từ Tập đoàn KAT và theo biên bản ENV được cung cấp hồi tháng 2-2010, Tập đoàn KAT đăng ký gây nuôi 3 loài rùa với số lượng cụ thể như sau: 40 cá thể rùa núi vàng, 650 cá thể rùa đất lớn và 750 cá thể rùa tai đỏ.”

Theo ông Douglas Hendrie, chuyên gia quốc tế về rùa và cố vấn cao cấp của ENV, nhiều trang trại gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam luôn luôn tìm cách bổ sung các cá thể từ tự nhiên vào trang trại của mình nhưng nhìn chung các trang trại này chưa được quản lý chặt chẽ với việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập nên các chủ trang trại thường có các hoạt động gây nuôi “trá hình”, gây tác động xấu đến các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.

HƯƠNG GIANG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vùng ven biển Bãi Ngang đã hồi sinh



SGTT.VN - Bãi Ngang thuộc ấp Hai Thủ, xã Long Hoà, (huyện Châu Thành, Trà Vinh) hiện nay đã rợp màu xanh của 170ha rừng phòng hộ; một dãy rừng bần, rừng mắm… đã nối liền, chạy suốt gần một ngàn mét dọc theo bờ biển.

Ông Lê Văn Gọng, trưởng ấp Hai Thủ nói: “Đời sống của người dân Bãi Ngang bây giờ đã bớt nghèo, đỡ khó kể từ khi màu xanh trở lại với vùng ven biển này”.

TS Nguyễn Hữu Chiếm, khoa môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên (đại học Cần Thơ) ghi nhận: bên dưới tán rừng, cua biển, thòi lòi, bống sao, cá ngát… là những loài thuỷ hải sản mà vài năm trước đây đã gần như tuyệt chủng nay đã dần hồi phục. Theo đánh giá của các chuyên gia quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới – WWF, đã có trên dưới 36 loài thuỷ sản dần tái sinh tại khu vực Bãi Ngang. Phía bên trong dãy rừng phòng hộ là khu đê bao rộng 210ha là diện tích canh tác hai vụ tôm, một vụ lúa mỗi năm.

Mười năm trước đây, người dân vùng này chỉ trồng một vụ lúa (lúa mùa) mỗi năm. Bãi biển trống hoang không còn bóng cây, người dân chỉ kiếm sống bằng nghề đánh bắt ven bờ. Dần dần cua biển trở thành đặc sản quý hiếm. Theo ông Lê Văn Gọng, từ sau năm 2005, rừng phòng hộ phát triển dày hơn, cua biển có dấu hiệu phục hồi. Vào mùa sinh sản, cua cái mang trứng nổi lều bều trên mặt nước mặc cho sóng vỗ, đẩy đưa. Nhưng khi trôi dạt vào lớp lá bần, dưới tán rừng phòng hộ, cua cái bám lấy và đẻ trứng. Những người theo nghiệp sản xuất cua giống nói rằng, khi nước xuống, chỉ cần chặn lá bần lại trong một vùng nước, sục khí trong vòng 24 giờ là có được một mẻ cua con. Thực tế cho thấy, dưới chân rừng phòng hộ bây giờ đã có rất nhiều cua con. Ông Huỳnh Quốc Vũ, hội đồng quản trị hợp tác xã thuỷ sản Tiến Thành cho biết, người nuôi cua chỉ cần chờ nước lớn, mở cống để đón cua con vào ruộng nuôi. Chỉ với cách làm này cũng tìm được 2/3 giống cua cho nhu cầu nuôi vùng này. Mùa hè, trẻ em cũng kiếm được tiền nhờ đi đẩy xiệp bắt cua bán cho người nuôi, mỗi ngày cũng kiếm được 50.000 đồng.

Theo đó, hộ nghèo được địa phương giới thiệu sẽ được vay 3 triệu đồng để mua cổ phần của hợp tác xã. Đến nay, hợp tác xã Tiến Thành đã có 400 xã viên, đời sống khá ổn định.

NGỌC TÙNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã



TT - Từ vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) trở về, nhiều người hoạt động trong ngành lâm nghiệp và các nhà bảo tồn thiên nhiên đã bày tỏ sự lo ngại khi rừng đặc biệt quý giá ở vùng này đang bị biến thành một đại công trường...

Vườn quốc gia Bạch Mã đóng cửa không đón du khách gần hai năm nay để xây dựng, mọi việc diễn ra trong khu rừng này hầu như rất ít người được biết đến. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới lọt qua được chốt chặn ở cổng vào và chứng kiến những hình ảnh khiến các nhà chuyên môn lo lắng.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=450511
Ngôi nhà bát giác Hải Vọng Đài - vốn được dùng làm tháp canh rừng và đài vọng cảnh - đã bị biến thành chùa - (Ảnh: Thái Lộc)



Nổ mìn, chặt cây
Từ km8 tính từ cổng vườn, một công trường mở rộng đường lên Bạch Mã bắt đầu diễn ra ầm ầm như một mỏ đá lớn đang khai thác. Tại thác Ly Ly (ở km12), một trong những điểm dừng của du khách trên đường lên Bạch Mã, hàng chục công nhân khoan, chẻ đá và chuyển đá lên những chiếc xe tải nhỏ.

Cách thác Ly Ly khoảng 500m là thác Bà Đầm, cũng là một điểm du lịch tuyệt đẹp, có đặt một tấm bảng “đang nổ mìn, nguy hiểm, cấm vào”.

Một công nhân làm đường cho biết khu vực chân của hai ngọn thác tuyệt đẹp này trở thành mỏ đá để làm đường.

Từ km17 (đoạn biệt thự Đỗ Quyên) lên đến đỉnh Bạch Mã, con đường được mở rộng bằng cách bạt núi, chặt cây. Hàng trăm cây rừng nằm nghiêng ngả, giăng ngang đường. Hàng chục cây có đường kính lớn hơn 30-40cm (theo đánh giá của các chuyên gia, ở độ cao hơn 1.000m, những cây có đường kính như thế này đã là cổ thụ) cũng bị đốn hạ.

Gỗ rừng được chất thành từng đống, xếp hàng dài ven lề đường. Ít nhất chín cây thông cổ thụ được trồng từ những năm 1930, có cây đường kính chừng 60cm đã bị chặt trơ gốc.

Khách sạn Bonny, kiến trúc lớn thứ hai trong số 139 kiến trúc biệt thự cổ của người Pháp để lại, bị phá bỏ một phần để mở đường...

Ông Huỳnh Văn Kéo, giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã, cho biết dự án mở rộng đường lên đỉnh Bạch Mã bắt đầu từ tháng 8-2009, tổng vốn 80 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2012. Theo ông, không thể tránh khỏi việc nổ mìn phá đá để làm đường.

Ông Kéo nói: “Nếu không dùng mìn thì không thể làm được, vì đá granit đen cứng lắm. Rõ ràng làm cái gì cũng phải trả giá. Do đó, nói không ảnh hưởng là không đúng nhưng chúng tôi cố gắng hạn chế tối đa sự ảnh hưởng”.

Về việc này, PGS.TS Lê Văn Thăng - viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và công nghệ sinh học (Đại học Huế), đơn vị được mời đánh giá tác động môi trường dự án làm đường, cho rằng: “Nổ mìn thì ảnh hưởng đến sự phân bố các loài ở trong vườn. Bài toán đặt ra khi nổ mìn là các loài vật ảnh hưởng như thế nào, các loài di chuyển đi đâu thì phải tiếp tục nghiên cứu. Nhưng nếu không dùng mìn thì không có cách gì làm đường được cả”.

Riêng việc chặt cây, ông Kéo thừa nhận chỉ chặt một số ít cây nằm trên taluy, không chặt thì không thể thi công được. Đối với những cây thông cổ thụ, ông Kéo nói đây là những cây ngoại lai, được trồng khi Bạch Mã chưa là vườn quốc gia, lại nằm trên taluy dương nên phải chặt.

Biến Hải Vọng Đài thành chùa
Bạch Mã nổi tiếng không chỉ là điểm du lịch lý tưởng của vùng khí hậu lạnh giữa xứ sở nhiệt đới mà còn có Hải Vọng Đài là điểm cao lý tưởng để ngắm cảnh, nơi có thể phóng tầm mắt bao quát cả bạt ngàn rừng núi, đồng bằng, đầm phá và biển Đông.


http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=450556
Rất nhiều cây rừng tự nhiên bị đốn hạ để mở đường đi lên đỉnh Bạch Mã - (Ảnh: Thái Lộc)




Vườn quốc gia đã cho xây một ngôi nhà bát giác để vừa làm tháp canh rừng vừa là đài vọng cảnh của du khách. Thế nhưng giờ đây Hải Vọng Đài đã biến thành một ngôi chùa.

Ngay trước cửa ngôi nhà xuất hiện đôi ngựa đá lớn cùng tượng hộ pháp đứng chầu hai bên. Bên trong, cầu thang dẫn lên tầng hai đã bị đập bỏ và trở thành điện thờ.

Trên các bức tường treo rất nhiều bức ảnh với nhiều nội dung liên quan đến việc cho rằng Phật từng xuất hiện ở vườn quốc gia này. Trong đó có những bức ảnh chụp đám mây trắng, dưới ghi hàng chữ: “Mây hiện Quan Âm tại đỉnh thiêng Bạch Mã vào lúc 11g31 ngày lễ vía Đức Quan Âm 19-6-2007 âm lịch (1-8-2007)”. Một bức ảnh khác chụp một quầng ánh sáng trên một đám mây đen, dưới ghi hàng chữ “Quan Âm hóa rồng tại đỉnh thiêng Bạch Mã vào lúc 9g29 ngày Tết Đoan ngọ 5-5-2008 âm lịch”...

Thầy An (còn gọi là thầy Chơn Tâm), người đang giữ chùa, cho biết ngôi chùa này do sư thầy Hải Hòa - chủ một ngôi chùa ở ngoài Bắc - vào đầu tư. Việc đặt tượng Phật bắt đầu từ năm 2008, đến năm 2009 thì làm lễ và đúc chuông ngay tại chỗ.

Thầy An nói quy mô lớn lắm, đây mới chỉ giai đoạn đầu, không biết lúc nào mới xây xong. Thầy An cũng nói sắp tới sẽ sửa lại một số kiến trúc biệt thự cũ của người Pháp để làm nơi tu tập, tránh sự ồn ào vì vài năm sau khách khứa sẽ kéo lên ồ ạt.

Trả lời về việc biến Bạch Mã thành “non thiêng” và biến Hải Vọng Đài thành chùa, ông Huỳnh Văn Kéo nói: “Sự việc bắt đầu từ khi một đoàn trong giới khoa học lên Bạch Mã thì bỗng dưng xuất hiện hình ảnh Phật Bà Quan Âm hiển linh. Về mặt tâm linh, tôi không dám bình luận bởi vì bây giờ người ta có những ngưỡng vọng như thế. Thời gian ghi trên các tấm ảnh là lúc các nhà ngoại cảm có thêm các sư thầy đi lên Bạch Mã, đúng ngày vía Quan Âm”.

* Thưa ông, những hiện tượng tự nhiên như đám mây tạo hình, cầu vồng... mà nói là Phật xuất hiện, Phật phóng linh quang trên Bạch Mã liệu có quá gượng ép hay không?

- Cái đó tôi không bình luận được, vì tôi nói ở góc độ là nhà khoa học. Tôi có thể chụp ảnh, ghép hình được. Nếu người nào tạo dựng chuyện đó thì người đó mang tội... Từ xưa, chùa Linh Mụ đã được dựng lên câu chuyện huyền thoại như thế, mình không biết thật hay giả nhưng vấn đề quan trọng là nó đi vào lòng người.

* Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan chủ quản của các vườn quốc gia) có cho phép xây chùa trong vườn quốc gia Bạch Mã không?

- Việc này là nhạy cảm, cũng không ai có quyết định. Bộ chưa cho phép, vì những cái đó hình thành một cách tự phát và ở trên một phạm vi nhỏ. Thật ra khi đúc chuông hoặc hô thần nhập tượng thì đều có ý kiến cả, nhưng là ý kiến không bằng văn bản. Các anh lãnh đạo cũng có lên (thăm chùa ở trên núi Bạch Mã - PV), nên có những cái không cho cũng giống như cho.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=450558



THÁI LỘC

TS Phạm Khắc Liệu (trưởng khoa môi trường - Trường ĐH Khoa học Huế): Không nên ồ ạt đưa khách lên Bạch Mã

Việc nổ mìn phá đá trong vườn quốc gia chắc chắn sẽ làm xáo động không gian sống của các loài động vật hoang dã vốn rất nhạy với những tiếng ồn. Việc mở rộng không gian du lịch ở vườn quốc gia Bạch Mã cũng không nên.

Trước đây, khi nghe nói đến dự án mở rộng đường lên Bạch Mã, tôi có cảm giác làm hơi quá. Theo tôi, chỉ nên sửa chữa những đoạn đường hư hỏng, đoạn nào nguy hiểm thì mở rộng cho an toàn hơn. Nếu mở rộng đường, xe cộ và du khách sẽ lên nhiều, tiếng ồn nhiều hơn và chất thải nhiều hơn, điều đó làm xáo động không gian sống của các loài sinh vật.

Vườn quốc gia Bạch Mã có giá trị sinh thái và bảo tồn cao hơn rất nhiều so với một số khu bảo tồn thiên nhiên khác. Cho nên đối với một số khu bảo tồn khác, người ta có thể gia tăng khai thác du lịch, còn ở Bạch Mã chỉ nên nâng cao giá trị và khai thác du lịch theo chiều sâu hơn là mở rộng ồ ạt lượng khách.

Như thế vừa bảo đảm được chức năng bảo tồn của vườn quốc gia vừa khai thác được giá trị du lịch một cách hợp lý.



Vài nét về vườn quốc gia Bạch Mã
Năm 1932, Bạch Mã được kỹ sư M.Girard (Pháp) phát hiện và người Pháp đã biến nơi đây thành khu vực nghỉ dưỡng với hệ thống 139 biệt thự, khách sạn, bể bơi, đường giao thông... Từ năm 1954, Bạch Mã bị quên lãng cho đến năm 1960, chính quyền chế độ cũ thành lập Lâm viên quốc gia Bạch Mã - Hải Vân. Năm 1986, rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được xây dựng và đến năm 1991 vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập. Ban đầu vườn có diện tích 22.031ha, đến đầu năm 2008 được mở rộng lên 37.487ha thuộc địa phận hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Bạch Mã nằm cuối dãy Trường Sơn Bắc và là trung tâm của dãy rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của VN kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào, được công nhận là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương. Đến nay, Bạch Mã được ghi nhận có 1.493 loài động vật và 2.147 loài thực vật, trong đó có 68 loài động vật và 86 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng được ghi vào Sách đỏ VN.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thao thức cùng Bạch Mã



TT - Tôi có duyên nợ với Bạch Mã lần đầu năm 1957, để rồi từ năm 1981, chí ít mỗi năm một lần tôi đều lên thăm “ngọn núi ảo ảnh” này. Trong hai lần thăm mới đây nhất (3-7 và 3-9-2010), tôi thấy Bạch Mã thật sự tan hoang.

Lòng quặn thắt chẳng biết ngỏ cùng ai, nay đọc bài “Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã” trên báo Tuổi Trẻ ngày 27-9, thật cảm thấy được đồng cảm. Tôi cũng xin chia sẻ đôi điều.

Bạch Mã có là Bà Nà không?
Mười năm qua, nhiều biệt thự cũ được trùng tu và xây mới. Bạch Mã trở thành vừa là vườn quốc gia, vừa phục vụ khách du lịch, vừa là khu nghỉ dưỡng; hai năm trở lại đây còn thêm “Non thiêng Bạch Mã” với chùa chiền, bia, chuông, tượng đang xây và sắp xây.

Không biết rồi đây con ngựa trắng Bạch Mã còn phải cõng thêm trên lưng gánh nặng nào nữa?

Thiết nghĩ, vấn đề hàng đầu của Bạch Mã là phải xác định cho được Bạch Mã là cái gì? Có như Bà Nà không? Là vườn quốc gia? Là vườn quốc gia và trung tâm du lịch nghỉ dưỡng? Là non thiêng “mây hiện Quan Âm”?... Dứt khoát không thể tùy tiện biến Bạch Mã thành thứ tạp pí lù, vì đấy là cách tàn phá Bạch Mã nhanh nhất.

Theo tôi, tốt nhất Bạch Mã chỉ nên là: vườn quốc gia + khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

10 năm làm đường
Người Pháp mất mười năm để hoàn thành con đường lên Bạch Mã. Đó là con đường nhỏ nhắn uốn lượn, ẩn khuất giữa rừng đại ngàn. Hiểu rõ đặc điểm địa hình và khí hậu Bạch Mã nên khi làm đường, người Pháp rất coi trọng hệ thống thoát nước gồm rãnh, cống ngầm và cầu. Ngày mưa, nước từ trên các triền núi dựng đứng đổ xuống tuôn theo đường rãnh, dọc theo đường rãnh từ 100-200m có một ống cống ngầm dẫn nước từ rãnh sang bên kia đường. Ở các đường phân thủy, bắc qua con suối là những chiếc cầu bêtông kiên cố.

Với hệ thống thoát nước ấy, mùa mưa, kể cả khi mưa lớn, nước không thể tràn ra đường, mặt đường được bảo vệ và lề đường phía bên kia cũng được an toàn.

Những năm 1985-1987, sau khi ngốn hết sắt của các công trình trên Bạch Mã, nhiều người dân quay lại đập phá không thương tiếc các cầu và cống trên suốt cung đường (cũng để lấy sắt).

Hè năm 1988, trong nỗ lực xây dựng Bạch Mã thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, đường lên Bạch Mã được khai thông chỉ trong sáu ngày, theo cách cho bóc lớp cỏ cây lau lách trên mặt đường và cào bằng, san lấp những hang hốc do cống cầu bị đập phá.

Đến mùa mưa lũ, nước từ vách núi dựng đứng ào ạt đổ xuống. Do hệ thống thoát nước đã bị cào lấp, nước tràn ra mặt đường biến đường thành suối (có nhiều đoạn suối đường rộng đến 3m, sâu lút đầu người). Gặp khúc quanh (đường lên Bạch Mã rất nhiều khúc quanh), nước tống thẳng làm sụt lở cả khúc đường.

Đầu năm nay, một kế hoạch đại trùng tu khác lại bắt đầu, lần này xem ra hoành tráng và tốn kém nhất từ trước đến nay. Rất ngạc nhiên là người ta vẫn thi công con đường theo cách cũ, không cần biết đặc điểm thời tiết và địa hình Bạch Mã. Duy có hai điểm này thì khác trước.

Một là, người ta coi trọng khâu làm kè, hẳn là để chống sụt lở. Liệu có loại kè nào chống nổi nước nguồn Bạch Mã không? Tại sao không tham khảo cách làm của người Pháp: xây hệ thống thoát nước tốt, nước không tuôn ra đường, như vậy mặt đường sẽ được bảo vệ và lề đường phía bên kia cũng được an toàn? Với cách làm hiện nay, có chắc sau khi công trình hoàn tất vài năm lại phải bắt đầu kế hoạch đại trùng tu khác?...

Hai là, lần này người ta tích cực nổ mìn, chặt cây, phá đá, bạt núi, mở rộng con đường. Trước đây, từ đỉnh Bạch Mã nhìn về đầm Cầu Hai xanh ngắt ngàn cây, nay toang hoác con đường như một vết chém đỏ lòm. Không biết người ta có biết con đường lên Bạch Mã phải khác với con đường lên Bà Nà hay một nơi phồn hoa đô hội nào khác?

Liệu có ai tính được cái giá phải trả cho cảnh quan và môi trường sinh thái?

Mong trân trọng và giữ gìn báu vật
Từ năm 2008, không biết bằng cách gì, lầu bát giác thô tháp ấy biến thành chùa. Thầy An giữ chùa cho biết tiếp theo sẽ có một chuỗi chùa, tháp, tượng Phật to lớn được xây dọc theo đỉnh Bạch Mã.

Nhiều khách du lịch nước ngoài nghe trên Hải Vọng Đài có chùa và tượng Phật, họ phản đối và không lên nữa. Là vì với họ, cái gì ra cái nấy - viếng chùa ra viếng chùa, còn lên núi cao ngắm cảnh quan tuyệt mỹ lại bắt họ phải viếng chùa thì họ không chịu.

Ai là người chịu trách nhiệm về Bạch Mã?

Giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã cho biết: “Việc này là nhạy cảm, cũng không ai có quyết định. Bộ chưa cho phép vì những cái đó hình thành một cách tự phát và trên một phạm vi nhỏ”.

Không ai có quyết định sao lại thi công? Bộ chưa cho phép sao lại làm? Nổ mìn, bạt núi, tàn sát cây cối để làm đường với quy mô lên đến hàng trăm tỉ đồng, sao gọi là nhỏ? Biến trạm kiểm lâm thành chùa, biến Bạch Mã thành “non thiêng” với quần thể chùa, tháp, tượng, nhà bia, lầu chuông ngay trên đỉnh Bạch Mã sao gọi là nhỏ?...

Bạch Mã không là tài sản của riêng ai, mà là “vườn quốc gia”, bởi thế người dân cần được biết ai là người ra quyết định xây dựng các công trình trên; ai là người chịu trách nhiệm đánh giá tình hình và chấn chỉnh các sai phạm.

Có may mắn được đi qua nhiều vùng linh địa, thánh địa, vườn quốc gia trên thế giới, tôi nghiệm ra Bạch Mã là báu vật mà thượng đế ưu ái dành cho chúng ta. Mong sao chúng ta phải biết trân trọng và giữ gìn.

NGUYỄN VĂN DŨNG (võ đường Nghĩa Dũng, Huế)

THÁI LỘC ghi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thảm họa bô-xít: Lũ bùn đỏ cuốn trôi hơn 270 căn nhà



TT - Hôm 6-10, nhà chức trách Hungary đã mô tả vụ tràn bùn đỏ tại thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest 160km về phía tây nam, là một “thảm họa sinh thái”, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, có nguy cơ làm ô nhiễm cả dòng Danube xanh của châu Âu!

Quốc vụ khanh phụ trách môi trường Zoltan Illes cho biết tính đến ngày 6-10, tổng cộng 1,1 triệu m3 bùn đỏ từ bể chứa chất thải của Nhà máy sản xuất nhôm Ajka Timfoldgyar ở thị trấn Ajka đã tràn ra một khu vực rộng tới 40km2.

Dòng bùn đỏ cuốn trôi hơn 270 căn nhà, xe cộ, phá hủy một số cây cầu. Ít nhất bốn người đã thiệt mạng, sáu người mất tích và 123 người bị thương, phần lớn bị bỏng do hóa chất trong bùn đỏ thấm qua quần áo. Trong số 123 người bị thương, 62 người đã được nhập viện, tám người đang trong tình trạng nguy kịch.

Các vết thương ngoài da do bỏng hóa chất có thể gây chết người, bởi hóa chất thấm từ từ vào xương thịt trong vòng vài ngày.

Tồi tệ nhất
Theo chính quyền Hungary, đây là tai nạn hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử nước này. Bùn đỏ là chất thải của quá trình tinh luyện bôxit thành nhôm, chứa nhiều kim loại nặng, nếu nuốt phải sẽ gây chết người. Cứ sản xuất được 1 tấn nhôm thì tạo ra gần 3 tấn bùn đỏ. Theo Ban quản lý thảm họa quốc gia Hungary, bùn đỏ là loại chất thải cực kỳ nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người.

Mới đây, chính quyền Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại ba huyện bị bùn đỏ tấn công. Toàn bộ thị trấn Kolontar, khu vực rất gần Nhà máy Ajka Timfoldgyar, đã biến thành một màu đỏ chết người.

“Tôi đang ở trong bếp thì nhìn thấy con sóng màu đỏ cao gần 4m ập tới - bà Erzsebet Veingartner, một người dân Kolotar, kinh hoàng kể lại - Nó đã cuốn đi tất cả gà vịt, vườn khoai tây của tôi, cả kho đồ nghề của người chồng quá cố trong hầm nhà”. Đến hôm qua, nhiều căn nhà ở Kolontar vẫn ngập trong bùn đỏ cao tới 1,8m. Ở làng Devecser gần đó, các đội cứu hộ phải đập vỡ tường nhiều ngôi nhà để bùn đỏ tràn ra ngoài.

Ông Robert Kis, dân làng Devecser, cho biết chú của ông đã được đưa lên trực thăng đến bệnh viện ở Budapest bởi hóa chất “đã ngấm vào tận xương”. Với sự hỗ trợ của máy ủi, hàng ngàn lính cứu hỏa và binh sĩ Hungary đeo mặt nạ phòng độc, mặc quần áo và đi giày bảo hộ đã dùng vòi rồng tẩy bùn đỏ khắp các khu vực bị ảnh hưởng.

Đại diện Công ty sản xuất và buôn bán nhôm Hungary (MAL), công ty sở hữu Nhà máy Ajka Timfoldgyar, tuyên bố bùn đỏ “không phải là hóa chất nguy hiểm”. Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter đã lập tức lên tiếng bác bỏ: “Họ cứ thử bơi trong con sông bùn đỏ đó cho biết”.

Chuyên gia môi trường Hungary Gergely Simon cũng cho biết bể chất thải của Nhà máy Ajka Timfoldgyar đã chứa bùn đỏ trong nhiều thập niên, và loại bùn này đầy chất kiềm với độ pH lên đến 13, tương đương dung dịch kiềm. Đó là lý do dẫn đến các vết bỏng. Theo Đơn vị thảm họa quốc gia Hungary, bùn đỏ chứa nhiều kim loại nặng nguy hiểm như chì và có tính phóng xạ nhẹ. Người hít phải bụi bùn đỏ có thể bị ung thư phổi.

Cứu dòng sông châu Âu
Các đội cứu hộ Hungary đang đổ khoảng 1.000 tấn vữa, thạch cao xuống sông Marcal để làm một con đê chặn dòng bùn đỏ chảy vào sông Danube cách đó 72km và sông Raab, một nhánh của sông Danube.

Các chuyên gia môi trường cho biết nhà chức trách sẽ phải đào và bỏ đi một lớp đất dày 2cm trên toàn bộ khu vực 40km2  bị bùn đỏ tràn qua để ngăn chặn sự nhiễm độc. Theo chuyên gia Tổ chức Hòa bình xanh Katerina Ventusova, thảm họa này lớn gấp bảy lần vụ rò rỉ chất cyanide ở Baia Mare, Romania khiến sông Tisza và sông Danube bị ô nhiễm 10 năm trước đây.

Cuộc điều tra chính thức đã được bắt đầu để tìm nguyên nhân thảm họa. Còn trước mắt, chính quyền Hunary đã ra lệnh tạm thời đóng cửa Nhà máy Ajka Timfoldgyar, thu giữ nhiều tài liệu ở nhà máy và xây một con đập quanh bể chứa chất thải bị vỡ.

Theo đại diện Nhà máy Ajka Timfoldgyar, mưa lớn trong nhiều tuần lễ có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến việc bể chứa chất thải nhà máy bị vỡ. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng tai nạn này có thể do con người. Hai tuần trước vụ thảm họa, một phái đoàn chính phủ đã đến thanh tra nhà máy và bể chứa chất thải nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường nào.

Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình xanh đã lên tiếng kêu gọi trừng phạt các quan chức Công ty MAL và tiết lộ các bức ảnh chụp từ vệ tinh một ngày trước thảm họa cho thấy có nhiều vết nứt ở các bức tường bể chứa chất thải tại Nhà máy Ajka Timfoldgyar.

HIẾU TRUNG (Theo AFP, Reuters, BBC)

Khởi nguồn từ rừng Đen ở Đức, sông Danube dài 2.856km chảy qua mười nước châu Âu, là một trong những con sông lớn và quan trọng nhất châu lục. Quốc vụ khanh Illes mô tả các đội cứu hộ đang “nỗ lực một cách tuyệt vọng” để ngăn chặn dòng bùn đỏ lan rộng. Ông Illes nhận định Hungary sẽ phải mất ít nhất một năm, hàng chục triệu USD và sự hỗ trợ tài chính - kỹ thuật của Liên minh châu Âu mới có thể dọn sạch được bùn đỏ.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngày hội hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu 10-10-2010:

Nhiều hoạt động cho bạn lựa chọn



TTO - Có rất nhiều hoạt động bạn có thể lựa chọn tham gia để hưởng ứng Ngày hội hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu 10-10-2010 tại Việt Nam. Các hoạt động dưới đây do Mạng lưới Thế hệ Xanh thực hiện.


Chiến dịch "Tôi đồng ý"
Đây là chiến dịch trực tuyến khuyến khích các cá nhân và nhóm cùng nói "Tôi đồng ý" và cam kết hành động tích cực vì môi trường: ăn chay, 26oC, giảm thiểu túi nilông, các hoạt động xanh... Những cam kết sẽ được chia sẻ với cộng đồng toàn cầu tại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu diễn ra ở Cancun, Mexico.

Ăn chay
Các bạn trẻ ở Huế đang lên kế hoạch ăn chay vào ngày 10-10-2010 và khuyến khích mọi người cùng thực hiện. Hoạt động này giúp nâng cao nhận thức về lợi ích của việc ăn chay với con người và môi trường. Bạn có thể tổ chức một sự kiện tương tự tại địa phương của bạn hay tự nấu một bữa cơm chay cho gia đình, bạn bè, hàng xóm.

Chiến dịch giảm thiểu túi nilông
Bạn hãy giảm sử dụng túi nilông (không lấy túi nilông khi đi chợ, mua sắm; làm túi tái chế từ vải cũ, đựng đồ bằng giỏ, túi vải, giấy) và trao đổi với mọi người về những ảnh hưởng của túi nilông đến môi trường.

26oC
26oC là nhiệt độ an toàn cho cơ thể bạn và cho cơ thể Trái đất. Bạn trẻ cả nước đang xây dựng chiến dịch nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính từ điều hòa nhiệt độ. Bạn hãy tham gia chiến dịch này bằng cách khuyến khích hộ gia đình và các văn phòng cơ quan, tổ chức đặt nhiệt độ điều hòa không khí ở 26oC hoặc cao hơn.

TP.HCM: bức tranh tương lai
Ngày 10-10, tại công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM), CLB Con người và môi trường sẽ tổ chức nhảy tập thể, giao lưu với các chuyên gia về môi trường, vẽ ba bức tranh lớn với các nội dung: suy nghĩ của bạn về tương lai, số 350 làm bằng các sản phẩm tái chế và dán lên gỗ, số 1.000 năm do các học sinh, sinh viên vẽ trên giấy A4 và ghép thành số 1.000.

Bình Dương: hưởng ứng phong trào 350
Một bức tranh lớn về chủ đề biến đổi khí hậu đã được các học sinh, sinh viên và tình nguyện viên cùng vẽ tại công viên Thanh Lễ, Bình Dương vào ngày 3-10.

Bức tranh này sẽ được dùng làm banner cho sự kiện 10-10 với các hoạt động: tìm hiểu về 350, vẽ và dán logo 350 lên áo và xe, chia nhóm đi tìm hiểu về thực trạng môi trường tại một số khu vực.

Đà Lạt: hưởng ứng phong trào 350
Ngày 10-10, tại công viên Yersin (Đà Lạt), các nhóm tình nguyện sẽ đạp xe truyền thông vì môi trường, hưởng ứng chiến dịch "Tôi đồng ý" và vẽ tranh số 350 bằng lá thông tại thung lũng Tình yêu.

An Giang: nâng cao năng lực thanh niên cho Ngày hội sống xanh
Vào lúc 14g ngày 10-10, chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho thanh niên, tình nguyện viên về môi trường, hướng đến Ngày hội sống xanh sẽ diễn ra tại An Giang.

Các hoạt động tại Hà Nội

Đỡ đầu mầm xanh
1.000 cây xanh được trồng từ dự án Đỡ đầu mầm xanh là món quà ý nghĩa mà 350Vietnam chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đi thăm các mô hình sinh thái và thúc đẩy sử dụng túi giấy
Các thành viên của 350 Vietnam Youth Project (350VYP - Dự án tuổi trẻ Việt Nam) có kế hoạch đi thăm các mô hình sinh thái, hướng dẫn gấp túi giấy dùng thay túi nilông. Thông tin có tại http://350vyp.vicongdong.vn/.

Hãy chia sẻ ý tưởng của bạn
Hãy chia sẻ ý tưởng của bạn hưởng ứng ngày 10-10, các tiêu chí quan trọng là đơn giản, thiết thực. Một số gợi ý như: tổ làm sạch môi trường tại nơi bạn sống; vẽ tranh, diễn kịch về các giải pháp cho khí hậu; làm túi tái chế từ vải cũ tặng mọi người, tổ chức tuần hành bằng xe đạp quanh thành phố và khuyến khích mọi người đi làm bằng xe đạp, chiếu phim về môi trường...

Các bạn có thể tham khảo các ý tưởng, cách thực hiện tại website http://www.350.org/en/workparty-ideas. Đăng ký sự kiện trên website www.350.org hoặc gửi email đến thehexanh@livelearn.org. Tổ chức Live&Learn Việt Nam có thể hỗ trợ bạn về mặt thông tin và truyền thông.

Chia sẻ sau ngày 10-10-2010
Hãy chia sẻ những câu chuyện, hoạt động của bạn, các hình ảnh đẹp về sự kiện ngày 10-10-2010 về email photos@350.org hoặc thehexanh@livelearn.org.

Mọi chi tiết về các hoạt động hưởng ứng Ngày hội hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu 10-10-2010 có thể liên hệ điện thoại (04)37185930, email: thehexanh@livelearn.org hoặc greengeneration.viet@gmail.com.

TRUNG UYÊN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Không thể chủ quan với bùn đỏ



TT - Sau thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, nhiều ý kiến cho rằng đó là lời cảnh báo nghiêm túc đối với các dự án khai thác bôxit tại VN. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - nói:

- Tôi rất chú ý đến sự kiện này. Rõ ràng đó là một lời cảnh báo cho VN khi chúng ta đang tiến hành khai thác bôxit ở Tây nguyên. Hungary là một nước có cả lịch sử hàng trăm năm khai thác bôxit và Công ty Sản xuất và kinh doanh bôxit - nhôm Hungary là công ty rất lớn, có kinh nghiệm hơn chúng ta nhiều. Sự cố của họ nói với chúng ta rằng tuyệt đối không thể chủ quan với bùn đỏ.

Doanh nghiệp khai thác khẳng định bùn đỏ sẽ được chôn rất cẩn thận. Nhưng điều đó không có nghĩa là 20-30 năm sau nó vẫn được làm cẩn thận và an toàn tuyệt đối. Cần lưu ý độ pH trong bùn đỏ khoảng 13, nghĩa là gấp khoảng 1 triệu lần độ pH an toàn. Nếu sự cố xảy ra ở Tây nguyên, bùn đỏ trôi xuống sông Đồng Nai thì tính mạng, sức khỏe hàng chục triệu người bị đe dọa.


http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=454365
Thi công xây dựng dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ quý 1-2011 (ảnh chụp sáng 21-9-2010) - (Ảnh: N.C.T.)



* Như vậy, việc khai thác bôxit ở Tây nguyên với quy mô lớn sẽ tạo ra các hồ bùn đỏ khổng lồ?

- Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bôxit thành alumin, gồm các thành phần không thể hòa tan, trơ, khá bền vững trong điều kiện phong hóa như hematit, natrisilico-aluminate, canxi-titanat, mono-hydrate nhôm và đặc biệt chứa xút - hóa chất độc hại dùng để chế biến alumin từ bôxit... Tất cả các chất trên dù tồn tại dưới dạng ướt hay bụi đều ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người nếu tiếp xúc với nó.

Theo quy trình hiện nay, muốn sản xuất 1 tấn alumin phải thải ra khoảng 1,5 tấn bùn đỏ. Theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bôxit Nhân Cơ, nước thải và bùn đỏ có khối lượng tới hơn 11 triệu m3/năm. Tính toán ban đầu cho thấy dự án Nhân Cơ sau 15 năm khai thác dung tích hồ chứa bùn đỏ lên đến gần 9 triệu m3, và nếu khai thác ở Tân Rai thì cả đời dự án thải ra 80-90 triệu m3 bùn đỏ. Như vậy chúng ta cần những hồ chứa có dung tích rất lớn.


* Sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, ông mong muốn gì cho việc xử lý bùn đỏ ở Tây nguyên?

- Trước hết, cơ quan chức trách phải giám sát thật chặt quá trình khai thác, hồ bùn đỏ phải quan trắc thường xuyên, liên tục. Nhưng tốt nhất là cần phải tính xa cho tương lai, bây giờ và trong quá trình khai thác người ta nói là chôn vĩnh viễn, quan trắc thường xuyên, nhưng khi khai thác xong thế hệ sau có trông coi vĩnh viễn cái hồ bùn đỏ đó không?

Theo tôi, tốt nhất, như kiến nghị của nhiều nhà khoa học, khai thác bôxit ở Tây nguyên xong chuyển xuống Bình Thuận để chế biến, trong trường hợp xấu nhất nếu hồ bùn đỏ vỡ hoặc rò rỉ xuống biển thì đỡ gây tác hại hơn vì biển có nhiều nước dễ trung hòa độc tính. Treo hồ bùn đỏ trên cao nguyên vĩnh viễn có nghĩa là nguy cơ gây ra thảm họa môi trường cũng là vĩnh viễn.

* Doanh nghiệp khai thác bôxit cam đoan đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ bùn đỏ, ông nghĩ sao?

- Tôi được biết theo thiết kế, đáy hồ chứa sẽ được lót một lớp đất sét và một lớp vải kỹ thuật, hồ được chia thành một số khoang và có xây dựng hệ thống hào ngăn nước mưa. Phần bùn khô lắng dần sẽ được phủ một lớp vải địa kỹ thuật chống thấm, rồi phủ một lớp đất dày 1m. Có thể hi vọng hồ sẽ được bảo vệ và tu bổ tốt, đảm bảo an toàn trong giai đoạn sản xuất.

Nhưng sau đó thì sao? Các hồ bùn đỏ vì được chôn vĩnh viễn trên cao nguyên nên sau khi dự án kết thúc không thể lường trước được do khi đó chủ dự án đã hết trách nhiệm, còn lại là các hồ bùn đỏ khổng lồ được treo trên “mái nhà”, một vùng có nguy cơ xói lở rất cao. Vấn đề xói lở các hồ chôn bùn đỏ trên cao nguyên luôn đe dọa môi trường tại chỗ và vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai.

LÊ KIÊN
 thực hiện phỏng vấn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] ... ›Trang sau »Trang cuối