Trung Quốc: Những thiên tai nhân tạo
* TRẦN NGỌC ĐĂNG tổng hợp
SGTT.VN - Những lá cờ rủ trên khắp lãnh thổ Trung Quốc ngày 15.8 tưởng nhớ 1.700 người chết và mất tích trong vụ lở đất kinh hoàng trước đó một tuần ở Châu Khúc, thuộc khu vực tự trị dân tộc Tạng Cam Nam, tỉnh Cam Túc, sẽ không là dấu hiệu kết thúc thảm hoạ mà chỉ là tiếp nối những gì đã và sẽ xảy ra.Tưởng niệm nạn nhân Châu Khúc hôm 15.8. Nhưng thuỷ điện – nghi can số một của trận thảm sát này – vẫn tiếp tục là chọn lựa số một của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)Thuỷ điện và thiên taiTrong sáu tháng đầu năm 2010, Trung Quốc đã phải chống trả với 19.552 vụ lở đất và những phản ứng thịnh nộ tương tự của thiên nhiên, gần gấp 10 lần so với cùng thời kỳ này năm trước. Trong số 36 vụ lở đất lớn năm 2009, 31 vụ đều xảy ra ở các khu vực miền nam và miền tây Trung Quốc như Hồ Nam, Tứ Xuyên và khu vực tự trị dân tộc Tạng, tỉnh Cam Túc
Núi đất lở dài 5km, rộng 0,5 km cuốn phăng nhà cửa, con người, gia súc ở Châu Khúc vừa qua không phải là lần đầu tiên. Trong lịch sử, Châu Khúc đã từng bị ít nhất 11 lần lở đất lớn tương tự nhưng không rõ mức thiệt hại người và của. Thế nhưng trước thảm kịch mới nhất, chính quyền không hề có kế hoạch khẩn cấp nào phòng ngừa thiên tai này.
Ngoài nguyên nhân phá rừng trên các sườn núi lấy đất canh tác suốt 50 năm qua gây mất cân bằng sinh thái, và những công trình đường sắt và đường bộ đại quy mô gần Châu Khúc khiến đất bị xói mòn và bất ổn địa tầng, một nguyên nhân khác đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước và bây giờ hiển hiện như nghi phạm chính của hơn nghìn cái chết thương tâm vừa qua – thủy điện.
Trên dòng Bạch Long Giang dài 576km chảy qua Châu Khúc, hiện có hơn 1.000 đập thủy điện – hãng tin AFP dẫn lời ông Zhang Qirong, quan chức của cơ quan quản lý môi trường địa phương. Như vậy trung bình cứ 500m là có một đập! Ở đoạn sông thuộc địa phận Châu Khúc, đã có 156 đập thủy điện và tốc độ xây đập ngày càng tăng nhanh. Từ 2003 đến 2007, các chính quyền sở tại đã xây dựng 41 đập. Thêm 12 đập khác đang lên kế hoạch. Tiếc thay, hầu hết các nhà thầu xây đập đều không quan tâm đến môi trường và tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn nước và đất.
Từ nhiều năm qua, các chuyên gia địa chất và nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc đã lên tiếng về nguy cơ của việc xây dựng thủy điện quá mức này nhưng không ai lắng nghe. Giáo sư Fan Xiao, nhà địa chất ở Tứ Xuyên, trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post: “Các chính quyền sở tại đã phớt lờ những cảnh báo can gián về những hậu quả nghiêm trọng của việc xây đập. Họ vẫn xem thuỷ điện là nguồn thu thuế chính yếu”. Thực tế, số lượng đập thủy điện hiện nay ở khu tự trị Cam Nam – nơi vừa xảy ra vụ lở đất ở Châu Khúc – đã đóng góp 50% nguồn thu ngân sách ở đây.
Tháng 1.2009, một thư ngỏ cảnh báo “việc phát triển vô độ dọc theo Bạch Long Giang đang phá hoại môi trường và tăng nguy cơ lở đất” đã được gửi tới chính quyền khu tự trị Cam Nam. Các chuyên gia ã lưu ý rằng việc xây dựng đập thường làm suy yếu cấu tạo đất của các khu vực chung quanh và các hồ tích nước cho thuỷ điện tạo áp lực rất lớn cho địa hình, ẩn chứa đầy nguy cơ phát sinh những tai hoạ liên quan đến nước.
Một báo cáo từ tháng 4.2009 đã xác định rõ nguy cơ đất lở:
“Lượng nước đã sụt giảm nghiêm trọng trong khi tốc độ xói mòn đất tăng nhanh, khả năng sạt lở bùn đất thường xuyên cùng các rủi ro địa chất đã không còn khống chế được nữa.” Một báo cáo gần đây cho biết huyện Điệt Bộ phía trên Châu Khúc do tính chất môi trường, nạn phá rừng và phát triển thuỷ điện đã tạo ra 228 điểm nguy cơ tiềm tàng và khẳng định: “Khu vực Cam Nam của Bạch Long Giang đã trở thành một trong những vùng thường xuyên xảy ra đất lở nhất nước.”
Giá phải trả cho tốc độ tăng trưởngTrung Quốc hiện có 86.000 đập thủy điện đã xây dựng, phần lớn cũng tập trung ở miền nam và miền tây nước này. Tốc độ xây đập của Trung Quốc qua mặt mọi quốc gia có kế hoạch phát triển thủy điện. Trong mười năm qua, hơn 60% số đập thủy điện đã hoàn tất trên thế giới tập trung ở Trung Quốc. Tỉnh Cam Túc xếp thứ 9 về tiềm năng thuỷ điện của nước này và hiện nay các nhà máy thuỷ điện Cam Túc cung cấp 17,24 gigawatt mỗi năm.
Trong tuyên bố chính thức với giới truyền thông sau thảm hoạ Châu Khúc, ông Từ Thiệu Sử, bộ trưởng Đất đai & tài nguyên Trung Quốc, vẫn khẳng định nguyên nhân của thiên tai tuần trước là do mưa lớn, hệ quả chấn động trong địa tầng đất của trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 và đợt hạn hán trước mùa mưa lũ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng
chính 320 triệu tấn nước trong hồ chứa của đập thủy điện Tử Bình Phô hoàn tất cuối năm 2006 cũng ở tỉnh Tứ Xuyên có thể là tác nhân gây ra thảm hoạ động đất kinh hoàng tháng 5.2008 làm hơn 70.000 người chết.Để tăng trưởng kinh tế nhanh bằng mọi giá, nhân danh giảm thiểu nguy cơ hiệu ứng nhà kính do thải khí CO2 và phát triển bền vững nguồn năng lượng sạch, thuỷ điện vẫn là quốc sách của nước này.
Khi đập Tam Hiệp còn chưa hoàn thành, dòng sông Kim Sa bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua Trung Quốc hơn 2.000km trước khi trở thành sông Dương Tử đã nằm trên đồ án xây 18 đập thuỷ điện và đã bắt đầu khởi công từ cuối 2006. Dự án tổ hợp thuỷ điện Kim Sa khi hoàn tất sẽ sản xuất 33 gigawatt, tương đương với 730 nhà máy điện chạy than. Nhưng những con đập đầu tiên trong dự án này ở đầu nguồn sông Dương Tử lại được xây dựng chỉ để giúp sức cho đập Tam Hiệp. Phù sa sẽ nhanh chóng tích tụ ở con đập khổng lồ này làm giảm hiệu quả nếu như không có những con đập khác trên thượng lưu chắn bớt. Nói cách khác, xây dựng một đập thuỷ điện có nghĩa là phải xây thêm nhiều đập khác và vắt kiệt những dòng sông!
Để “giảm bớt 200 triệu tấn CO2 mỗi năm cho thế giới”, một dự án thuỷ điện 38 gigawatt – lớn hơn cả Tam Hiệp – đã được tập đoàn Hydro China định vị trên dòng sông Yarlung Zangbo chảy từ cao nguyên Tây Tạng xuống Ấn Độ. Và con đập khổng lồ ấy chỉ là 1 trong 28 đập thuỷ điện đang được Hydro China lên kế hoạch vận động.
Lai Hun Sen, giáo sư môn phát triển bền vững ở Đại học Trùng Khánh kiêm quan chức chính quyền Tứ Xuyên, là người từng nghiên cứu dự án đập Tam Hiệp. Ông nói: “Trong vòng 30 đến 50 năm tới, thủy điện sẽ là nguồn năng lượng chính mà Trung Quốc phải lệ thuộc. Đó là lựa chọn của chúng tôi khi không còn lựa chọn nào khác.”
Và điều nghịch lý là những mục tiêu xung đột trong các dự án phát triển quốc gia, khu vực và địa phương ở Trung Quốc đã chứng tỏ là số lượng đập thuỷ điện được xây dựng đã nhiều quá mức số lượng hữu ích cần thiết. Và càng xây thêm đập thì các dự án thuỷ điện chỉ cưỡng đoạt nguồn nước của nhau và tăng thêm hiểm hoạ tiềm ẩn của những thiên tai nhân tạo.Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)