Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

:Tiếp"
Thế rồi chàng tìm đến một nơi kín đáo ẩn nấp lại.
Màn đêm buông xuống,người trông coi nghĩa trang đã đi cài cái chốt cổng nghĩa trang lại.Ông già không hề phát hiện được có một người cònm ở lại trong nghĩa trang.
Khi màn đêm tối đen như mực bao phủ cả khu mộ,không gian yên ắng,chàng liền lò dò ra khỏi nơi ẩn nấp,từng bước từng bước,không một tiếng động,đi qua các ngôi mộ,chàng muốn tìm đến nơi mộ của vợ mình .Nhưng lạ thay tìm không thấy.Chàng sờ soạng cẩn thận qua từng tấm bia.Thế nhưng các tấm bia ấy đều giống nhau ,chỉ khác nhau chút ít .Vậy là không tìm ra được bia của vợ mình.Trời không trăng,cũng không có sao,cả khu mộ tối đen như mực,như một đia ngục,chàng bất giác toàn thân sởn gai ốc,có phần hoảng sợ.
"Tại sao lại đến đây".Từ trong tâm tưởng chàng tự nghĩ:"Tại sao một người sống lại đến cái thế giới của người chết này?".Chàng nghe thấy tim mình đập mạnh .Tiếp đó chàng nghe thấy một vài tiếng động khác lạ.Tiếng động gì vậy?.Dường như tiếng động phát ra từ hòn đá lấp mộ mà chân chàng đang giẫm lên.
Đúng vậy,dưới chân hòn đá lấp mộ đang chuyển động lên dần .Tim chàng rộn lên chèn cứng cổ họng.Chàng đẩy hòn đá lấp mộ và nhẩy sang một bên.Trong màn đêm chàng thấy một bộ hài cốt toả ra ánh sáng lân tinh,từ dưới huyệt bước lên ,đứng trước bia với giọng cuống họng,đọc lên bài văn bia ghi trên bia đá của mình:
"Nơi đây an táng tiên sinh Nha Các,thọ 51 tuổi.Ông hết lòng thương yêu người nhà,tính tình nhân từ,tư cách đáng kính.Ông quy tiên trong tình thương yêu của thượng đé".
Bỗng nhiên từ bộ hài cốt ấy phát ra một tiếng kêu đau khổ và tức khắc nhặt từ dưới đất lên một hòn đá sắc nhọn rồi cạo mạnh lên tấm bia .Chỉ một lát sau ,câu văn bia mà người ấy vừa mới đọc đã bị cạo mái sạch,tiếp đó bằng một ngón tay trỏ ,bộ hài cốt viết lên mặt bia một dòng văn tự khác có ánh sáng hiện lên dòng chữ đó:
"Đặt nằm nơi đây là tiên sinh Nha Các .Chết năm 51 tưổi.Ông đã từng ngược đãi cha ông,khiến cha ông mất sớm để lấy được tài sản của cha ông.Ông lạnh nhạt với ,không có tình thương với vợ con.Ông lừa gạt hàng xóm láng giềng,cướp doạt của cải của mọi người mà ông có thể cướp đoạt được,cuối cùng đã kết liễu một cách bi thảm cả cuộc đời tham lam vô liêm sỉ".
Sau khi viết xong đoạn văn bia mới ấy,bộ hài cốt đứng thẳng lên ngắm nhìn dường như cuối cùng nó cũng đã làm được một việc thành thật và cảm thấy mãn nguyện vô cùng.
Cũng lúc đó người chồng lại nghe thấy tiếng di động của các phiến đá trên nhiều ngôi mộ khác:nghe thấy bộ hài cốt ở phía trước,phía sau,bên phải,bên trái đang vội vội vàng vàng dùng đá cạo mãi mặt bia rồi dùng xương ngón tay trỏ khắc văn bia.Số là những người chết vào ban ngày thì ngoan ngoãn nằm dưới mộ,đến đêm thi tranh nhau sửa lại văn bia trên mộ mình để biệu thị lòng chân thật của mnình.
Dựa vào ánh sáng lân tinh nhấp nháy,người chồng đọc được rất nhiruf đoạn văn ở các bia.Anh phát hiện rằng,trong những người chết ấy có rất nhiều kẻ khi sống là những tên côn đồ hung ác,lừa lọc và những tiểu nhân đa nghi,đố kị hèn hạ.Bọn chúng đã thành thật viết rõ lại trên bia mộ mình rằng sinh thời họ đã từng độc ác,cướp của,xảo trá,lừa gạt người đời ra sao,chứ không phải như trên bia cũ là một người cha nhân từ,người vợ yêu thương,người con hiếu thảo ...
Cảnh tượng ấy đã khiến cho chàng vui vui.Chàng đoán rằng trong giờ phút này người vợ thân thương đã khuất của mình cũng nhất định đang vội vã.Chàng quyết định phải tìm bằng được nàng để xem nàng viết thế nào.
Người chồng không sợ hãi trước những ngôi mộ đang mở tung,đi xuyên qua những quan tài,những thi thể,hài cốt,cuối cùng chàng đã tìm được nàng với dung nhan kiều diễm.Khi chàng đến chỗ nàng thì thấy nàng đang mải xoá đi hàng chữ trên bia "Nàng yêu chồng,nay đã quy tiên cũng vì yêu chồng".Sau đó nàng lấy xương ngón tay trỏ viết lại rằng:
"Để lừa dối người yêu,nàng đã trốn đi gặp người tình trong hai đêm,bị cảm nặng,không qua khỏi,ô hô một đời".
Sáng sớm hôm sau,ông già canh cổng nghĩa địa thấy người chồng nằm trên ngôi mộ,đã không còn cảm giác gì nữa.
      
         Dịch từ "tuyển tập truyện ngắn" Pháp
                  tháng 7/1995
                  Lưu Vĩnh An
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

phuongmi2985

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG ĐÀN CHIM DI CƯ

 Đây thật ra là một câu chuyện cũ, tôi chỉ kể lại theo trí nhớ của mình.Chuyện kể rằng, mỗi năm các đàn chim di cư phải di chuyển từ phương Bắc về phương Nam để tránh rét, và rồi chúng lại quay trở về khi mà mùa đông ở phương Bắc qua đi. Các bạn có để ý chúng thường bay theo hình gì không? Đó là hình chữ V.    Các bạn có để ý, mũi thuyền có hình chữ V, và nhờ thế, nó di chuyển nhẹ nhàng và nhanh hơn trên mặt nước. Đàn chim di cư cũng vậy. Khi di chuyển theo hình chữ V, con đầu đàn sẽ phải hứng chịu những con gió ngược cản cho cả đàn, vì vậy nó phải là con khoẻ và dai sức nhất. Những con ngay sau nó sẽ chịu áp lực giảm dần, và những con ở cuối đàn thường là những con yếu nhất, chúng sẽ hầu như không phải chịu những áp lực do những con phía trước đã cản hộ rồi. Như vậy, đàn chim di cư rất biết cách tổ chức và thương yêu nhau. Mong là chúng ta cũng giống như đàn chim di cư vậy.     Nhưng trong chuyến đi dài hàng ngàn dặm, con chim đầu đàn không thể luôn đi đầu và nó sẽ bị mệt. Khi đó sẽ có một con khác sẵn sàng đứng lên để thay thế vị trí đầu đàn đó, hứng chịu cho cả đàn. Hãy giúp đỡ nhau trong khả năng của mình, chia sẻ cho đồng đội là mong muốn của mọi người trong nhóm.      Thế rồi, cũng có những con bị ốm, không thể theo đoàn, nó sẽ dừng lại để nghỉ ngơi và không làm ảnh hưởng tới đoàn. Tuy nhiên, nó sẽ không phải ở lại một mình, sẽ có hai con liền kề cùng ở lại chăm sóc nó cho tới khi bạn chúng khoẻ mạnh và tiếp tục gia nhập vào một đoàn khác, hoặc cho tới khi con bị ốm chết.....     Trong quá trình di chuyển, con đầu đàn còn có những tiếng kêu để cổ vũ đồng đội mình ở phía sau, và những con phía sau cũng kêu to để động viên con đầu đàn.    Trong một nhóm cần có sự chia sẻ, động viên, thậm chí hi sinh cho mọi người. (sưu tầm)
Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy .
Cho em thêm ngày mới để yêu thương !  
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nỗi mất & quên

 

* Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

 


 

  Mười năm trước, bạn không bao giờ gặp một nỗi mất mát mang tên “hư ổ cứng”.

Những năm đó, thỉnh thoảng bạn cũng buồn, mớ ảnh gia đình bị ố vàng đã làm lem luốc vài gương mặt người thân mà bạn không bao giờ còn gặp lại họ nữa, cuộn phim chụp ảnh đám cưới bạn bị cái nóng ẩm nhiệt đới làm cho mốc meo, quyển nhật ký bị chuột gặm nham nhở, hay những bài hát, bộ phim bạn yêu thích chảy nhão, trầy xước theo mớ băng dĩa cũ.

Hồi đó bạn biết trước sau gì chúng cũng mất, dù chậm hay nhanh, bằng cách này hay cách khác. Giống như bạn biết rồi mình sẽ già đi, nên thêm một tuổi bạn có buồn một tí hay nhiều tí nhưng cũng chấp nhận nó. Còn “thằng ổ cứng” (bạn xấu tính lắm, nghĩ cái gì liên quan tới cứng thì thuộc về… thằng), bạn tin rằng nó sẽ cất giữ kỷ niệm của bạn, hồi ức của bạn, phần đời của bạn, vài thứ bạn yêu thích… bền vững, lâu dài. Máy tính nhiều lần không thể khởi động, hệ điều hành nhiều lần bị lỗi phải cài đặt lại, nhưng ổ cứng có hề gì đâu.

Bỗng một ngày nó chết ngắc, cái chết như nụ cười mỉa vào những lời xưng tụng muôn năm muôn năm. Muôn năm là bao lâu, mãi mãi là bao lâu? Cái chết của nó mang theo bao nhiêu là hình ảnh, bài hát, ghi chép… Những tuồng cải lương hương xưa. Những bài thơ với giọng ngâm ngọt ngào, nức nở của Hoàng Oanh, Hồ Điệp… Bạn te tái xách ổ cứng đi tìm những anh chàng được mệnh danh là phù thuỷ phục hồi, khắc khoải giống như người yêu ôm người yêu đi tìm thầy thuốc. Và khi mấy phù thuỷ trong thành phố thở hắt lắc đầu, bạn mới tràn ngập cảm giác mất mát.

Những chuyến đi không còn dấu vết, khi không còn gương mặt người đã từng gặp, cảnh vật đã từng qua. Bạn nhận ra lâu nay, bạn nhờ máy ảnh nhìn, nhờ máy tính nhớ. Đi đến đâu lăng xăng chụp ảnh đến đó, về tuôn vào máy tính, lâu lâu giở ra coi lại, ờ bạn đã tới chỗ này chỗ này. Nó đẹp như vầy như vầy. Người ta lem luốc hồn nhiên vậy đó vậy đó. Chúng tồn tại để sẵn sàng khơi gợi lại cho bạn một ký ức. Bạn tưởng thời gian đã ngưng đọng trong những tấm ảnh đó, và bạn muốn quay lại những khoảnh khắc đã qua lúc nào cũng được. Không vội vàng, thiết tha chi cho lắm. Nhưng giờ bạn không còn manh mối, chỉ còn nhớ mơ hồ, ví dụ cỏ trên những ngọn đồi, nhưng bạn không biết chúng mượt và xanh như thế nào; những đứa trẻ chơi trên cát, bạn không nhớ nụ cười chúng ra sao, có bao nhiêu cái răng bị sún…

Hôm đó, bạn gọi mấy đứa nhỏ đó chỉ để chúng cười cho bạn chụp ảnh. Bạn không trực tiếp nhận nụ cười của chúng. Nếu bạn đừng bận bịu, chỉ chạy chơi với bầy trẻ thôi bạn được sống lại buổi chiều thiên đường ấy, bất cứ khi nào gió cũng lại thổi trên những triền cát nóng.

Giống như cách bạn nhớ chuyến đi Đà Lạt năm bạn mười hai tuổi. Hồi ấy bạn nghĩ, quá xa xôi để tới đây, và sau này không biết có thêm lần nữa. Bạn tận hưởng Đà Lạt bằng tất cả giác quan trẻ nít của mình, hít thở và ôm ngấu cảnh vật trong lòng. Hai mươi năm sau, bạn vẫn còn nhớ mùi nước đái ngựa trên cỏ, khói sóng vương vất dưới chân thác nước, tiếng những trái thông khô rơi, cái lạnh buốt của bàn tay người đàn ông lạ mà bạn nắm lấy giữa chợ vì tưởng tay ba bạn.

Không có tấm ảnh nào còn lại sau chuyến đi đó, bạn toàn tự nhớ thôi. Cả bài hát trên xe. Giọng nói của người tài xế. Chúng rồi cũng phai trước khi mất đi, lúc bạn đã già, nhưng nó kịp làm bạn rung cảm và xao xuyến cả một thời gian dài nên không gây hụt hẫng và tiếc nuối.

Nó không đột ngột biến mất như “thằng ổ cứng” vừa mang theo một vùng ký ức ra đi. Những bài hát bạn sẽ tìm lại ở tiệm bán băng dĩa, hay trên mạng, nhưng sẽ mất một thời gian để bạn nhớ ra, mình đã từng thích bài hát nào, giọng hát nào, tại sao. Đôi lúc bài hát cũng gợi nhớ một người nào đó, một đoạn đời nào đó. Chúng ít nhiều miêu tả cuộc đời bạn. Tại sao những bài ca ngô nghê, ngớ ngẩn đó năm mười lăm tuổi bạn lại thích mê mẩn? Tại sao có những bản nhạc hồi hai mươi bạn không thể nghe nổi, thì năm năm sau, bạn không dứt ra được những Một ngày như mọi ngày/em trả lại tình tôi/một ngày như mọi ngày/ta nhận lời tình cuối/một ngày như mọi ngày/đời nhẹ như mây khói…? Tại sao một bài sến chảy nước Đừng nói xa nhau, cho tâm hồn đau khổ… bạn lại giữ gìn cẩn thận, không phải vì một người dưng nào đó rưng rưng hát hôm hội tan bạn ra về? Giờ người đã xa, chuyến đi quá vãng, bài hát bị mất. Giờ ngang qua quán cà phê, hay xe kẹo kéo, bạn chắt chiu nhặt lại từng chút một, cho cái hồi ức đã bị rơi đi để trả giá cho sự làm biếng.

Làm biếng cảm thụ cuộc sống, làm biếng thương, thậm chí làm biếng nhớ. Nên cứ bắt máy móc nhắc nhớ dùm. Nên máy móc một hôm trăn trối, sẽ không giữ được gì nếu bạn không tha thiết.

Tình yêu cũng vậy. Cuộc sống cũng vậy. Bạn sực nhớ tới những thứ lớn lao này…
 


Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Cảm giác thật dễ chịu khi đọc "Nỗi mất và quên". Cảm ơn anh Vodanhthi!  
Nghĩ lại thì thấy mình đã không làm biếng thương,làm biếng nhớ, làm biếng cảm thụ cuộc sống nhưng vẫn cảm thấy được sự mất và vẫn chắt chiu nhặt nhạnh những gì cho hồi ức. Mặc dù cái "thằng ổ cứng" của lòng mình nhiều khi nhớ dai làm mình còn giận nó nữa kìa!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Nguyễn Ngọc Tư viết mẩu truyện ngắn này thật ý nhị. Đôi khi mình cũng có nghĩ tới những điều tưởng chừng vụn vặt nhưng là một phần của cuộc sống, ghi lại những dấu ấn đã từng có được trong cuộc đời rồi lại để rơi vãi ở đâu đó...Một ngày, sực nhớ, đi tìm lại, bỗng thấy chỉ còn một sự rỗng không, tay trắng. Tiếc, nhưng chậm mất rồi! :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những ngày ở Việt Nam

Tác giả: Phan Việt


Rồi thì nắng cũng hửng lên sau đợt rét dài. Mẹ tôi đã dậy từ sáu giờ sáng mở các cửa nhà cho không khí mới ùa vào rồi nấu ăn sáng và chuẩn bị cặp xách cho đứa cháu trai bốn tuổi đến trường. Bảy giờ sáng, cháu tôi dậy, hét lên từ trong chăn:

- Baaaaaaaaaaaà! Bà đâu rồiiiiiiii? Bàaaaaaaaaa…

Không có tiếng trả lời. Mẹ tôi có lẽ đang ở đầu ngõ mua thêm mớ hành, hoặc đang dở tay ngoài hiên trước. Anh trai và chị dâu tôi đi làm từ trước bảy giờ còn em trai tôi đang ngủ nướng sau khi thức đến hai giờ sáng để chat trên mạng.

- Baaaaaaaaaaaà! Bà đâu rồiiiiiiiiiii? Bàaaaaaaaaa…

Tiếng “bà” cuối cùng đã có hơi hướng nước mắt. Rồi có tiếng chân đập xuống giường và tiếng hấm hích. Tôi tung chăn ngồi dậy. Nhưng đã có tiếng kẹt cửa ở tầng dưới và tiếng bố tôi:
- Đây đây, ông đây…

Tiếng đập chân to hơn trong khi những tiếng hấm hích biến thành tiếng khóc.
- Bà cơ… Bà đâu rồi? Bà ơi! hu hu…
- Bố mày! Bà đang ở dưới nhà. Ra đây ông xem nào. Đi tè nhá. Dậy đi tè rồi còn đi học.
- Bà cơ… Bà ơiiiiiiiiiiii…

Lần này tiếng “bà ơi” biến thành một tiếng gào. Và sau đó là náo loạn. Mẹ tôi chạy tất tả trên cầu thang; bố tôi vừa dỗ cháu vừa cười; em trai tôi gào lên từ cạnh phòng tôi: “Thằng Tu Ti im ngay không chú xuống cho mày một trận bây giờ”.
- Bà đâu rồi hu hu - tiếng gào to hơn.

Mẹ tôi vừa vào phòng.
- Đây đây bà đây. Ui giời chết chết… bà vừa phải sang nhà ông Hùng xem thằng Bim không chịu dậy đi học nên ông Hùng phải gọi mấy chú công an vào khoá tay nó lôi đi. Gớm, ầm ĩ cả xóm kia kìa con kìa…

Tiếng khóc lập tức im bặt.
- Dậy đi tè nào. Con giỏi chứ lị… ai lại giống thằng Bim nhà ông Hùng. Con tự đi tè rồi xuống ăn sáng. Xong rồi ông chở hai bà con mình đi mẫu giáo… à, mẫu giáo gì nhỉ? Mẫu giáo Chim Non à?
- Mẫu giáo Hoa Sen chứ - giọng cháu tôi ráo hoảnh.
- Ừ đúng rồi, mẫu giáo Hoa Sen, bà quên mất… Ông lấy cho cháu cái áo mới đi. Đêm qua lại đổ mồ hôi ướt hết áo rồi. Chết thôi, bố mẹ thì cứ ngủ tì tì, con ướt hết cả áo cũng không thay. Có ngày nó cảm ngược cho…
- Thế thằng Bim làm sao rồi bà? Công an bắt đi xong rồi làm sao?
- À, ui giời… hai chú công an to cầm khoá tay đi vào. Một chú bảo “đâu rồi, nghe nói ở đây có thằng bé nào không chịu dậy đi học hả?”. Thế là ông Hùng phải quỳ xuống ôm lấy một chân chú công an “thôi, các anh tha cho cháu lần này, cháu nó biết lỗi rồi, bây giờ cháu sẽ đi học”. Con giơ tay lên để bà cởi áo nào…
- Xong rồi sao? Ông Hùng ôm chân xong rồi sao bà?
- Ừ, giơ tay lên con, giơ tay lên đã, cả hai tay… Xong rồi cả bà Hùng cũng xúm vào ôm lấy chân chú công an. Thế là các chú công an mới bảo “đâu rồi, thế thằng Bim đâu rồi, sao không ra đây xem mặt mũi đã rửa sạch chưa để còn đi học”. Nào, con đi dép vào rồi bà rửa mặt cho…
- Xong rồi sao nữa bà? Bà kể tiếp đi… Xong rồi chú công an bảo thế nào?
- Xong rồi chú công an bảo…

***

Tôi đã dậy từ hai giờ sáng, rồi nằm đến bốn rưỡi sáng thì mở máy tính đọc Beyond Good And Evil của Nietzsche. Ở Boston lúc này đang là bốn rưỡi chiều – tôi sẽ đang thu dọn sách vở chuẩn bị về nhà. Ngay lúc này, dù biết bên ngoài bình minh đang lên, trong tôi vẫn là cảm giác một ngày sắp hết, tôi sẽ bắt xe buýt về nhà. Những giờ khắc cuối ngày vào mùa đông ở Boston luôn mang lại cảm giác lặng lẽ chờ đợi: ngày qua đi trong lúc bóng tối lấn dần những bậc thềm tôi ngồi chờ xe buýt bên ngoài toà nhà khoa triết và qua đi nhanh hơn trên những khuôn mặt sinh viên còn trẻ nhưng không ngăn được sự trầm cảm của mùa đông ở vùng đông bắc nước Mỹ.

Tôi về Hà Nội đã hai tuần mà vẫn không quen được với việc lệch múi giờ. Không quen với nhiều thứ. Trong bữa tối hôm qua, anh trai tôi nói:
- Mày cứ mơ mộng hão huyền thế rồi thì khổ thôi em ạ. Học gì mà học lắm thế? Về nhà mà kiếm việc, kiếm tiền đi.
- Về làm gì vội – em tôi nói – Chị cứ ở đấy thêm hai năm nữa đi, sang năm viết thư mời em sang Mỹ chơi phát. Em tự lo vé.
- Về đi con ạ – mẹ tôi nói – về đi rồi còn lấy chồng đẻ con. Bên đấy một mình đau ốm làm gì có ai hả con? Thôi, có ra đến nước ngoài thế là biết đủ rồi, về đi con ạ, có bằng cũng được mà không cũng được, mẹ cũng chẳng cần nữa.

Tôi nói… à, nhưng những lời tôi nói đều bị anh trai tôi cắt ngang:
- Mày vẫn thế nhỉ, chỉ nghĩ đến mình, chả biết nghe ai bao giờ. Đã học tài chính thì không học cho xong đi, đùng đùng đổi sang học triết. Mày học triết rồi về nhà làm cái gì? Con gái học triết làm gì? Sao mày không sống bình thường như những đứa con gái khác cho bố mẹ nhờ?
- Anh nghĩ thế nào là sống bình thường? – tôi nói.
- Tao không lý luận những câu hỏi dở hơi như thế. Mày giờ giống hệt bọn trí thức chỉ biết lý thuyết suông. Xã hội này chả ai trọng cái bọn đấy đâu. Xem chị dâu mày đấy. Học thạc sĩ Hán Nôm bao năm trời, rồi phải bỏ; giờ đi dạy tiếng Anh.

Chị dâu tôi không nói gì, quay sang mẹ tôi:
- Bà để Tu Ti tự xúc cho quen, không đi nhà trẻ lại không biết tự xúc, hôm nào về cũng đói.
- Để nó tự xúc thì nó có ăn được miếng nào đâu. Con cứ ăn đi; mẹ cho nó ăn xong rồi mẹ ăn.
Bên dưới nhà, những tiếng ồn ào lắng dần. Cháu tôi vừa ăn sáng xong… vừa súc miệng… súc hai lần… vừa đi giày… vừa quàng khăn che mặt… vừa đội mũ bảo hiểm… Bố tôi mở cửa sắt lớn… dắt xe máy ra… mẹ tôi bế cháu… kéo cửa sắt lại… khoá. Dưới nhà không còn tiếng động nữa.

Tối hôm qua, tôi đã im lặng cho đến hết bữa ăn. Im lặng nghe tất cả mọi người – trừ bố – nói rằng họ lo lắng cho tôi. Bố không nói gì vì tai bố không còn nghe rõ từ lâu nay; trong nhà, bố chỉ còn nghe được tiếng của Tu Ti. Tối hôm qua, bố ngồi ăn cơm bình thường trong lúc anh tôi, em trai tôi, mẹ tôi, chị dâu tôi lần lượt thay nhau khuyên nhủ tôi. Cho đến lúc Tu Ti hét lên:
- Không nói nữaaaaaa… điếc tai quáaaaa...

Tôi bỏ đũa, đứng lên khỏi bàn ăn. Anh tôi cũng bỏ đũa xuống bàn.
- Mày khinh mọi người vừa thôi.

Tôi quay phắt lại nhìn anh tôi. Tôi muốn nói “Anh im đi”; nhưng tôi nhìn anh tôi xong thì không biết phải nói gì. Thực sự không biết phải nói gì. Tôi bước chậm lên từng bậc cầu thang; anh tôi và em tôi vẫn đang tiếp tục nói với theo nhưng những âm thanh của họ ở xa tít tắp; tôi không hề giận, không buồn, không trách ai. Tôi chỉ lên từng bậc cầu thang. Một bậc… hai bậc…

Nhưng hai giờ sáng, tôi tỉnh dậy. Mắt tôi có nước. Tôi không hề mơ, tôi cũng không hề khóc lúc đi ngủ – chắc chắn là thế; nhưng khi tôi tỉnh dậy, mắt tôi có nước. Sau đó, tôi nằm chập chờn từ hai giờ đến bốn giờ sáng. Trong đầu tôi chỉ có một hình ảnh duy nhất: cái bàn gỗ sồi lớn nằm gần cửa kính trong thư viện trường ở Boston. Cái bàn ở góc trong cùng, ngay bên dưới bức tượng bằng đồng tạc những hình người trần trụi vươn tay lên cao.

Tôi nằm từ hai giờ đến bốn giờ sáng, vừa hình dung từng vân gỗ trên cái bàn đó vừa nghe con mèo hàng xóm động đực thảm thiết trên mái nhà. Từ xa vọng lại tiếng kèn đám ma một người già nào đó vừa chết vì đợt rét kéo dài nhất trong mấy chục năm qua. Hà Nội những ngày này quá nhiều người chết.

Bên phòng em trai tôi vừa có tiếng kẹt cửa… cửa nhà tắm vừa mở ra và đóng lại… rồi cửa nhà tắm lại vừa mở ra… Em tôi đang thò đầu vào phòng tôi. Nó mặc áo da đen có những dây xích to màu vàng, tóc nhuộm những vệt tím nhỏ, để dài quá tai, quần bò bó sát đôi chân khẳng khiu.
- Hôm nay chị có đi đâu không, em để xe ở nhà cho.

Tôi có đi đâu không? Tôi đã hẹn đi gặp một số bạn bè. Nhưng không, hôm nay tôi sẽ không đi gặp ai cả. Nếu hôm nay mà tôi gặp một ai đó, rất có thể tôi sẽ phát điên lên. Tôi sẽ nói những lời độc ác và bạc bẽo. Tôi sẽ nói những lời không ai hiểu và rồi tôi sẽ ân hận.
- Không, chị không đi đâu cả.
- Chị còn cái gì hay không, em cho bạn gái em. Sắp sinh nhật nó.
- Thích cái gì thì cứ lấy.
Em tôi mở vali của tôi, lục sục một lúc rồi ra khỏi phòng. 

***
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

TRUYỆN NGẮN DƯỚI 100 CHỮ-TÁC GIẢ :ĐẶNG KHAI THIÊN.

                        VŨ CÔNG HOAN DỊCH.


  *DẾ-GÀ

   Ở thành phố tôi người ta đổ xô chơi đấu dế. Biên tập nhà xuất bản đặt tôi viết một vạn chữ. Cặm cụi suốt ba tháng viết xong cuốn "Thú vui đấu dế",tôi nộp bản thảo. Biên tập viên chau mày:"Người ta lại đua nhau chơi đấu gà mất rồi,chọn một truyện khác được không?".Tôi bỗng choáng váng điên tiết lên. Về đến nhà liền nảy ra một kế :sửa béng chữ "dế" thành chữ "gà". Nhà xuất bản hài lòng. Hai tháng sau cuốn "Thú vui đấu gà" ra đời.

  *GẶP GIỮA ĐƯỜNG
 
   Một hôm, anh đạp xe đi làm. Dọc đường gặp một tiểu thư chặn lại bảo:Ô tô tắc đường, xin anh cho đi nhờ đến trường dự thi. Anh đèo cô cùng đi. Một người háu chuyện nhìn thấy liền gọi điện mách vợ anh. Vợ nổi máu ghen,điệu chồng về tra hỏi . Hỏi mãi, giải thích mãi vẫn không tin. Vợ chồng cãi cọ suốt 3 tháng, rút cục phải ly dị .Nghe đâu cuối cùng anh và cô gái đã gặp giũa đường nên duyên loan phượng.

   *TRƯ BÁT GIỚI MỞ QUÁN

   Từ tây thiên trở về,Bát Giới suy nghĩ lung lắm. Ngán chốn thần tiên buồn tẻ, Bát Giới tìm đến cao lão trang để hưởng thú vui cõi trần. Bụng to,miệng ăn núi lở,Bát Giới muốn mở quán nhỏ kiếm ăn ,kinh doanh hạt giống đào mật ở núi Hoa Quả. Dân chúng biết tin ,đổ xô đến mua. Đào mật một năm ra quả, làm gì mà không phát tài?Thấy vậy Bát Giới lại nảy ra một kế : Sát hạch. Ai mà trả lời được mới bán hạt giống. Đề thi quái gở, toàn những câu đại loại như : Trên núi Hoa Quả có bao nhiêu lá đào? Dân chúng ngớ người, Bát Giới lại dán thông cáo :"có bán lời giải đáp, ai cần đến mau".Cứ như vậy, chẳng bao lâu, Bát Giới thành triệu phú!
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

@Vodanhthi: Mong sớm được đọc tiếp truyện ngắn "Những ngày ở Việt nam" của Phan Việt mà bạn vừa post.ĐN rất cảm ơn bạn.

@Phượng Hoàng Lửa: Rất cảm ơn PHL đã chịu khó post lên Thi Viện những truyện cực ngắn thế này. Hay thật và nhiều điều đáng suy ngẫm...Mong sẽ thường xuyên được đọc những truyện cực ngắn thế này, dễ nhớ, dễ kể lại và nhiều điều để luận bàn, suy ngẫm.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

   Chào bác Đồ vui tính,
   Nhờ loạt ảnh đăng lên sau lần off đầu năm mà tôi mới được biết dung nhan thật của bác: thật là phong độ! Tuy nhiên trước nay đã quen với cái avatar của bác, nên vô thức đã ghi lại hình ảnh thân mật ấy, chưa thay thế avatar bằng hình ảnh phong độ ngoài đời của bác.
   Tôi là khán giả thường xuyên tại diễn đàn ảnh hài của bác. Khoa học từng nói "có thể tất cả những người thông minh đều không hẳn có máu hài, nhưng tất cả những người hài hước đều thông minh."
   Sáng hôm qua, đường truyền của Thi viện có hỏng hóc. Truyện "Những ngày ở Việt Nam" khá dài, tôi đã chuẩn bị sẵn để đăng thành nhiều khung. Chuẩn bị khung thứ nhất xong xuôi, vừa bấm nút gửi đi thì màn hình báo lỗi mất liên kết MySQL server. Nghĩ là đi đoong rồi nên tắt máy. Không ngờ hôm nay nó xuất hiện lù lù, làm mình áy náy quá, vì không kịp có lời giải thích nào cả.
   Thăm bác chút chút, mong gặp lại bác ở diễn đàn ảnh hài.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những ngày ở Việt Nam

Tác giả: Phan Việt
================================
(tiếp theo)

Bây giờ, tôi đang cố ngủ. Tôi đang cố ngủ bằng cách tập trung vào tiếng kèn đám ma và tiếng loa truyền thanh phường từ đầu ngõ vọng vào. Hai dải âm thanh đang dãn dài thành những vệt cảm giác đan xoắn vào nhau như những bậc thang xoáy trôn ốc. Tôi đang lên cao dần cao dần…

Vừa có một tiếng nổ lớn dưới nhà. Đúng là một tiếng nổ. “Bùm”. Tiếng nổ chập điện.

- Mẹ ơi?

Không có tiếng trả lời. Tôi chồm dậy, lao ra cầu thang. Tôi gọi với từ tầng ba xuống:

- Mẹ ơiiiiiiii…

Vẫn không có tiếng trả lời. Lồng ngực tôi co rút; choáng váng túm lấy toàn thân tôi. Tôi nhảy ba bậc cầu thang một xuống dưới nhà. Phòng khách tối om. Tôi lao vào bếp.

- Mẹ ơi. Mẹ đâu rồi?

Mẹ tôi đang đứng cạnh bếp điện, một tay mở vung nồi, một tay đưa thìa lên miệng nếm gì đó. Từ trong nồi, hơi nước bốc lên nghi ngút giữa những tiếng lục bục lớn.

- Ôi giời ơi… – tôi túm tay vào ngực áo, dựa vào tường nhà. Lồng ngực tôi vẫn đang co thắt, đau nhói.

Mẹ tôi quay ra nhưng không nhìn rõ tôi trong bóng tối:

- Hương hả? Mẹ đang định lên gọi con xuống ăn sáng.

- Ôi giời ơiiii…

- Mẹ rán bánh chưng rồi. Con muốn ăn gì nữa để mẹ đi mua? Chán quá, đang ninh nồi măng thì mất điện.

Tôi lảo đảo ra bàn ăn, rót đầy một cốc nước lớn, uống sạch. Bố tôi từ trên nhà đi xuống, tay cầm một cái chậu nhựa. Chắc bố vừa mang quần áo trong máy giặt lên phơi trên sân thượng.

- Sao lại tối om thế này? Mất điện rồi à?

Mẹ tôi đi lại gần, ghé vào tai bố tôi nói lớn:

- Cháy cầu chì rồi, anh xem lại xem thế nào.

- Hả?

- Cháy cầu chì rồi… anh xem lại xem. Vừa nổ bụp một cái.

- Hả, cứ để đấy, khi nào đói thì ăn.

Mẹ tôi đi lại bàn ăn, lấy tập giấy trắng vẫn để sẵn ở đó. Mẹ tôi viết lên giấy rồi mang lại cho bố. Bố tôi cầm, mang ra ngoài hiên đọc, rồi quay vào:

- Cháy cầu chì á? Cháy ở đâu? Làm sao cháy?

Mẹ tôi chỉ vào cái hộp điện ở gần bếp; rồi lại chỉ vào cái bếp điện bằng lò xo đang nằm trên nền nhà cạnh một viên than tổ ong chưa đốt.

- Biết ngay mà – bố ngao ngán – đã bảo bao nhiêu lần là không dùng cái đồ này mà vẫn cứ dùng. Chắc là lại để hai dây xoắn vào nhau… quá tải thì nổ cầu chì chứ gì.

Bố tôi đi lại tủ dụng cụ gần bếp, lấy đèn pin và hộp dụng cụ. Tôi đi lại gần, cầm lấy cái đèn pin từ tay bố. Tôi soi. Bố mở hộp điện nhìn vào trong:

- Cầu chì ở đây có nhảy đâu. Vẫn nguyên. Cầu chì này nhà mình xoắn đến 10 dây đồng, dòng lớn quá nó không đứt được ở đây thì nó nhảy cái áp-tô-mát ngoài cột điện rồi.

Giọng bố căng căng. Bố sập hộp điện lại.

- Đã bảo bao nhiêu lần là không dùng cái bếp điện đấy mà vẫn cứ dùng. Con Hương mang cái bếp ra đây.

Tôi mang cái bếp điện lại.

- Bà đâu rồi, đây… bà ra đây, phải nói lại thật kỹ cho bà không lần sau bà cứ tưởng đùa rồi giật điện lăn ra đấy…

Mẹ tôi nhìn tôi rồi tủm tỉm đi lại gần bố. Bố tôi lật ngửa cái bếp điện lên và chỉ vào hai sợi dây nhỏ phía dưới:

- Chắc là lại quấn quấn thế nào hai sợi này mới chập mẹ nó vào nhau chứ gì? Chập hai sợi này, coi như điện trở bằng không, dòng lên vô cùng nhưng cái dây may-so này nó không đứt được thì nó phải đứt ở cái cầu chì kia kìa. Nhưng cầu chì nhà mình quấn đến 10 dây, chắc quá nên nó phải nhảy cái áp-tô mát bên ngoài cột điện. Tôi nói cho bà biết, có ngày rồi nó cháy rụi đường dây đi ngầm trong tường này này rồi nó cháy cả nhà. Cháy nhà vì chập điện toàn là như thế đấy, bà nghe rõ chưa?

- Rồi rồi – mẹ tôi cười cười – biết rồi.

Bố ném cái bếp điện vào sọt rác.

- Vứt đi. Nhảy áp-tô-mát thì chịu rồi, ai mà trèo cột được. Đi mà gọi bọn thợ điện vào sửa.

Bố cầm hộp dụng cụ quẳng bừa vào trong tủ đựng đồ rồi ra ngoài hiên trước. Tôi nghe tiếng cái chậu nhựa bị lăng xuống nền xi măng trượt lạo xạo. Mẹ tôi vẫn cười cười:

- Đấy, bố bây giờ khó tính lắm. Từ hồi hỏng tai, hơi có việc gì là cáu lên ngay. Không dễ tính như hồi xưa đâu.

- Nhưng mà bố nói đúng đấy chứ – tôi nói – Mẹ cứ tiếc tiền, dùng mấy cái thứ bếp điện kiểu này rồi có ngày chết.

- Ừ ừ… mẹ biết rồi… mẹ cẩn thận chứ có phải không biết đâu. Mẹ dùng bao nhiêu lâu, còn lạ gì?

Còn lạ gì? Biết rồi, còn lạ gì? Tại sao ai cũng nói câu này với tôi? Tại sao ai cũng đủng đỉnh, ai cũng bảo họ biết mọi thứ, họ đang sống bình thường hơn tôi. Vậy mà cứ động vào đâu cũng thấy rơi, thấy vỡ, thấy nổ, thấy sập, thấy chen lấn xô đẩy, thấy thấp thỏm cuống cuồng. thấy khó hiểu mất lòng. Và chết. Và chết. Ahhhhhhhhhhhhhhh… Tôi sắp phát điên lên rồi. Tôi đang phát điên…

- Mẹ lúc nào cũng thế… mẹ tiết kiệm thế này đáng bao nhiêu, rồi nhỡ có việc gì… Khiếp quá cơ, ở nhà động vào cái gì cũng ghê hết cả người. Thế này mà cứ bảo con về. Về sống thế này chả mấy rồi vỡ tim mà chết.

- Được rồi, được rồi, mẹ vứt hết đi cho con yên tâm, được chưa? Thôi, để mẹ đi gọi thợ điện.

Vòi nước ở ngoài hiên tiếp tục chảy xối xả. Mẹ tôi liếc ra ngoài hiên rồi đi ra phòng ngoài, lục tủ lấy hoá đơn điện hàng tháng. Tôi gắp bánh chưng từ trong chảo ra bát rồi ngồi xuống bàn ăn. Tôi đang ăn bánh chưng.

- Alô, sở điện lực Ba Đình phải không? Anh ơi, nhà tôi bị mất điện, anh làm ơn cho ai đến xem hộ tôi được không… Anh làm ơn giúp giùm cho…

Giọng của mẹ! Giọng của mẹ! Những hạt đỗ trong miệng tôi dính bết vào răng và cuống họng. Chúng đang dính bết vào răng và mẹ đang nói trên điện thoại:

- Có, nhà tôi xem rồi, cầu chì trong nhà không sao… chắc là cháy ngoài cột điện rồi. Anh… anh làm ơn cho ai vào xem hộ tôi cái… xin anh giúp tôi… tôi phải nấu cơm cho các cháu ăn trưa… anh làm ơn…

Tôi vừa đứng lên.

- Mẹ ơi…

Mẹ quay ra nhìn tôi.

- Bánh nguội rồi hả con? Để mẹ mang sang cô Thanh hâm lại cho.

Tôi không biết phải nói gì. Thực sự không biết tôi có thể nói gì với mẹ. Mẹ lại đang nói trên điện thoại:

- Không… anh nhà tôi già rồi, không trèo lên cột điện được, các cháu nhà tôi đều còn bé. Anh nhá, anh giúp giùm tôi đi… Vâng… vâng, cảm ơn anh… Anh cho người vào ngay được không? Vào ngay anh nhá… Vâng, tôi biết là không phải lỗi tại sở điện… Anh nhá, anh vào giúp tôi ngay nhá…

Tôi đang mở cửa chính và cửa sổ cho phòng khách sáng lên. Tay tôi đang kéo chốt… kéo… kéo nữa… kéo mạnh… rồi đẩy tung ra… Ánh sáng ùa vào từng lớp, từng lớp… tràn qua người tôi. Bố vừa từ ngoài hiên đi vào, nhìn mẹ đang bỏ điện thoại xuống:

- Gọi bọn thợ điện hả? Gớm, còn khướt chúng nó mới đến. Mới tết ra…

- Đến ngay, đến ngay mà – mẹ cười, khoát tay – Họ bảo cho người đến ngay.

Bố không nói gì, đi thẳng lên gác. Mẹ bảo tôi:

- Con ở nhà trông xem họ có gọi điện thoại không. Mẹ ra đầu phố nhờ chú xe ôm trèo lên cột điện. Phải có điện để còn ninh nồi măng. Hết hôm nay nữa là hết bánh chưng.

Hết tết rồi. Hết thật rồi. Lại một năm nữa. Tôi đi đã sáu năm. Sáu năm là bao nhiêu thời gian? Tôi chỉ nhớ cái mốc bắt đầu của nó. Sáu năm trước, tôi rời Hà Nội. Khi tôi đi, mọi thứ ở đây đều rõ ràng và chắc chắn. Anh trai tôi mới cưới vợ, lúc nào cũng cười. Em trai tôi mới vào đại học, vẫn còn là một thằng nhóc 17 tuổi đáng yêu vừa rời chuyên toán cùng một lũ bạn lúc nào cũng xộc xệch quần áo vì đá bóng; bệnh xoang của bố tôi còn chưa ảnh hưởng đến tai nghe, mẹ tôi còn đi làm, ngày nào cũng trang điểm rất kỹ. Tu Ti khi đó chưa có mặt trên đời, chưa có mặt trên đời. Lúc tiễn tôi ra sân bay, ai cũng mừng cho tôi, ai cũng tự hào vì tôi. Còn tối hôm qua, ai cũng nói rằng họ lo lắng vì tôi.

***

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối