Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ chị Thu: Tình yêu thương, lòng bao dung nhân hậu của Rhayader đã giữ chim trốn tuyết ở lại và tình yêu sâu thẳm của anh hẳn sẽ khiến Frith vượt qua được nỗi sợ hãi, mặc cảm để đến với anh, đúng không chị?
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Đúng vậy em ạ. Ngoài ra, còn phải kể đến tài năng và sự quả cảm của chàng họa sĩ cô đơn nữa, em ạ. Em theo dõi tiếp sẽ thấy cái ngày mà một Rhayader dị dạng, xấu xí như đột nhiên thoát lốt, hóa thân thành một người đàn ông đẹp ngời ngợi trong mắt Frith. :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Con chim trốn tuyết

Paul Gallico



(Tiếp theo)


                Sau đó có đến ba tuần Frith mới trở lại hải đăng. Tháng Năm đã gần hết, và ngày hôm đó, ngày cũng dần tàn, vào lúc hoàng hôn đang nhường dần chỗ cho màu trắng bạc của vầng trăng đã treo lơ lửng trên vòm trời phía đông.

                  Cô gái tự nhủ, trong lúc tiến bước, rằng cô cần phải tới xem con chim trốn tuyết có còn ở lại đúng như lời Rhayader đã nói hay không. Rất có thể là rốt cuộc nó đã bay đi. Những bước đi vững chắc của cô trên mặt đê thật là hăng hái và đôi lúc bất giác cô chợt nhận ra mình đang rảo bước đi mau.

                   Frith nhìn thấy ánh lửa vàng của chiếc đèn lồng ở dưới bến riêng của Rhayader và cô xuống gặp chàng dưới đó. Chiếc thuyền buồm của chàng nhè nhẹ đung đưa trên ngọn nước triều dâng và chàng đang chất lương thực lên thuyền - nước ngọt, thức ăn khô, mấy chai rượu mạnh, đồ dùng trên thuyền và một cánh buồm phòng hờ. Khi chàng quay lại vì nghe tiếng chân cô đến gần, cô thấy vẻ mặt chàng tái nhợt, nhưng đôi mắt đen lúc bình thường vốn rất ư dịu dàng, đang sáng ngời lên vì cảm kích, và chàng thở hào hển vì mệt nhọc.

                   Frith bỗng nhiên cảm thấy lo sợ. Con chim trốn tuyết bị lãng quên rồi.
           "Philip! Bộ anh dọn đi nơi khác à?”

                   Rhayader ngừng tay để chào đón cô gái, và trên gương mặt chàng thoáng hiện một vẻ gì khác thường - một sắc diện hớn hở mà trước đó cô chưa từng thấy bao giờ.

             “Frith! Tôi mừng vì em đến đúng lúc. Vâng, tôi phải đi. Một chuyến đi ngắn ngủi. Rồi tôi sẽ trở về”. Giọng nói của chàng thường nhật dịu dàng, bữa nay trở nên khàn khàn vì chàng đã cố gắng rõ rệt để chế ngự cơn xúc động trong nội tâm.

                     Frith hỏi : “Anh phải đi dâu chứ?”
                     Rhayader vồn vã kể . Chàng phải đi Dunkerque.

                     Cách chừng một trăm dặm bên kia bờ biển phía Bắc, một đạo binh Anh mắc bẫy ở đó, trên bãi cát, đang chờ bị tiêu diệt bởi bàn tay quân Đức đang tiến tới. Hải cảng ngùn ngụt bốc cháy, tình cảnh thật tuyệt vọng. Chàng nghe được tin ấy khi chàng xuống dưới làng mua lương thực. Nhiều người đã đáp lại lời kêu gọi của chính phủ rời bến Chelmbury với đủ thứ tàu : tàu kéo hàng, tàu đánh cá hay xuồng máy, miễn là máy còn chạy nổi đều được kéo ra khỏi cảng, vượt eo biển để lôi binh sĩ ra khỏi bãi biển, chở họ đến những tàu vận tải hay những chiến hạm lớn không vào được chỗ đó. Dân chúng cố gắng cứu sống càng nhiều càng hay số binh sĩ Anh thoát khỏi làn mưa đạn của quân Đức.

                    Frith lắng nghe và cảm thấy lòng mình buồn như muốn chết. Chàng cho biết là chàng sẽ vượt qua eo biển trên chiếc thuyền buồm nhỏ của chàng. Nó có thể chở được sáu người mỗi chuyến, nếu cần thì bảy người. Chàng có thể chở nhiều chuyến từ bãi biển ra tàu vận tải đậu ngoài khơi.

                    Cô gái còn trẻ, chất phác, vụng dại. Em chưa hiểu gì về chiến tranh, hoặc về những gì đang xảy ra trên đất Pháp, hoặc về ý nghĩa sự mắc bẫy của đoàn quân Anh, nhưng do linh tính cô gái cũng biết ở nơi xa xôi đó thật nguy hiểm.

               “Philip! Anh đi thật sao? Anh sẽ không về được đâu. Mà sao anh lại phải đi?”

                     Cơn hăng say đang bồng bột trong tâm hồn chàng tưởng chừng tan biến trước đợt đầu tiên của những câu nói và chàng cố giải thích bằng những lời lẽ mà cô gái có thể hiểu được.
                     Chàng nói :

                 “Binh sĩ bị lùa ra bãi biển giống như những con chim bị săn đuổi, Frith ạ, như những con chim bị săn và bị thương mà chúng mình vẫn thường bắt gặp và đưa về nơi trú ẩn. Bay lượn trên họ là một bầy chim bằng thép, những con diều hâu, chim ưng, kên kên, và họ chẳng biết nấp vào đâu để tránh những con chim sắt săn mồi ấy. Họ bị thua, bị bão táp dồn đuổi, bị đe doạ như nàng công chúa đi lạc mà em đã bắt gặp trong đầm lầy và mang đến cho tôi nhiều năm trước, và chúng ta đã cùng lo chạy chữa. Cũng như bầy hoang điểu của chúng ta, những người lính đó cần được giúp đỡ, em ạ. Và vì thế mà tôi phải đi, đó là điều mà tôi có thể làm được. Đúng, tôi làm được mà. Ít ra là một lần - phải, ít ra là một lần tôi có dịp chứng tỏ mình là đàn ông và có thể đảm nhận trách nhiệm của mình”.

                      Frith nhìn Rhayader trừng trừng. Chàng như đã hoá thân. Lần đầu tiên cô gái thấy chàng không còn xấu xí, tật nguyền nữa, trái lại chàng rất đẹp. Trong tâm hồn cô cũng sôi sục bao nhiêu điều muốn được nói nên lời, nhưng cô không biết nói thế nào.

               “Philip! Em sẽ đi cùng với anh!”
               
Rhayader lắc đầu :

               “Em đi thì con thuyền sẽ mất bớt một chỗ, do đó một người lính sẽ bị bỏ lại, rồi một người nữa, và một người nữa. Anh phải đi một mình, em ạ”.

                      Chàng mặc áo mưa, đi giày ống cao su và dong thuyền chạy. Chàng giơ tay vẫy gọi với lại:
          
                “Tạm biệt nhé! Nhờ em săn sóc giùm lũ chim đến lúc anh về nghe Frith!”

                   Frith đưa tay lên, nhưng chỉ tới lưng chừng thôi, vẫy lại :

                 “Cầu xin Chúa che chở cho anh”, rồi cô vội giải thích ngay bằng thổ ngữ Saxon. “Em sẽ săn sóc đàn chim. Cầu trời che chở cho anh, Philip.”

                    Lúc đó đã vào đêm, trời sáng dưới ánh sao, vừng trăng lưỡi liềm cùng ánh lửa cháy hồng từ phương bắc. Frith đứng trên bờ đê, ngó theo cánh buồm trắng trên con lạch ngập nước triều dâng. Bỗng nhiên từ vùng bóng tối phía sau cô gái, có tiếng cánh bay rào rào và có một vật gì đó bay ngang qua sát bên cô. Trong ánh sao đêm cô thoáng thấy đôi cánh trắng loé sáng, đầu cánh có đốm đen, và cái đầu chúi về phía trước của con chim trốn tuyết.

                        Nó bay lên và lượn một vòng quanh ngọn tháp để rồi bay xuôi theo hướng con lạch quanh co trên hồ và cánh buồm của Rhayader đang lướt nhanh dưới làn gió lộng. Con chim bay chầm chậm phía trên con thuyền theo hình vòng tròn rộng.

                       Còn nhìn thấy cánh buồm trắng và cánh chim trắng trong một hồi lâu.

              “Hãy trông chừng chàng, hãy che chở cho chàng”, Frith thì thào. Lúc cả hai cùng khuất bóng, cô gái quay lưng và uể oải cất bước, đầu cúi thấp, đi về hải đăng trống vắng.


(Còn tiếp)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Con chim trốn tuyết

Paul Gallico



(Tiếp theo)


                      Đến đây câu chuyện được chắp nhặt đây đó, và một trong những mẩu chuyện vụn vặt đó được thuật lại do lời nhũng người lính đi phép trong quán Crown and Arrow, một quán rượu gần thánh đường East Chapel.
“Một con ngỗng, một con ngỗng tuyệt đẹp đã cứu tôi”, anh binh nhì Potton thuộc Ngự Đoàn bộ binh thành Luân Đôn nói.

                  “Xì”, người lính pháo thủ có đầu gối cong, tỏ vẻ không tin.

                  “Đúng là một con ngỗng, tôi chắc mà. Này Jock, cậu cũng trông thấy nó như tôi, đúng không? Nó bay xuống từ đám khói mịt mù, nồng khét của chiến trường Dunkirk (Dunkerque), lơ lửng trên đầu bọn này. Lông nó trắng, đầu cánh có đốm đen, và nó lượn xung quanh bọn này như một phi cơ phóng pháo mắc dịch nọ. Jock thấy thế mới nói : “Tiêu rồi, Thần chết đến tìm bọn mình đó.”

                  “Bậy nào”, tôi cãi, “đây là con ngỗng lông hồng, từ quê hương mình bay sang mang theo thông điệp của ông Churchill, ông ta muốn biết tụi mình đang thưởng thức cái thú tắm mát này ra làm sao. Đây là một điềm báo, đúng mà, dù là điềm báo đầy máu. Rồi thế nào bọn mình cũng thoát mà, bạn ơi.”

                  “Tụi mình đang bị nướng chín trên bãi biển nằm giữa Dunkirk và Lapanny, giống như một xâu chim câu óng chuốt bên bờ hồ Victoria, đang chờ lão đồ tể Jerry đến vặt lông làm thịt. Chắc chắn hắn sẽ ăn sống nuốt tươi bọn mình. Hắn theo bén gót mình, thúc cạnh sườn mình và ngay trên đầu mình. Hắn sẽ cho mình một phát đạn ghém và tặng mình tước vị , và từ trên vòm trời trong sáng lũ quỷ Jittersmiths sẽ rắc tiêu lên đầu mình”.
Và ngoài khơi có chiếc Kentish Maid, chiếc tàu chở du khách mà tôi đã đáp nhiều chuyến đi Margate trong dịp hè, giá vé hai đồng sáu hào, đang chờ đón tụi tôi, nó đậu chỉ cách chỗ bãi biển đang lâm chiến chừng nửa dặm đường.

                    Trong lúc tụi tôi nằm trên bãi biển thì chỉ còn biết chửi thề thôi vì không có cách nào ra được chỗ tàu đậu, một chiếc Stuka nhào xuống con tàu, một chuỗi bom rơi dọc bên hông tàu, khiếnnước tung lên trông như những vòi nước vọt trong vườn hoa các dinh thự, có điều là ở vườn hoa thì các vòi nước phun lên đều đều.
Rồi một chiếc khu trục hạm ló ra bảo chiếc Stuka : “Đừng có làm thế”, bằng những tiếng nổ lạch tạch, đùng đùng, nhưng một chiếc Jerry khác lại nhào xuống chiếc khu trục hạm và ném bom trúng. Khiếp! Nó nhảy tưng lên! Nó bốc cháy trước khi chìm, rồi khói, mùi khét lẹt tạt vào tận bãi biển, khói vàng, khói đen, và trong đám khói ấy xuất hiện con ngỗng sáng rực, nó lượn quanh chúng tôi đang nằm mắc kẹt trên bờ biển.

                      Thế rồi, từ một khúc biển uốn quanh xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ vấy máu, chạy thật thanh thản tựa như một chiếc du thuyền rực rỡ nhàn nhã rong chơi vào một buổi chiều chủ nhật trên hồ Henlye.

                  “Ai đó?” một người thường dân hỏi.

                  “Tôi đây! Tôi đến để cứu các anh đây”.

                      Con thuyền đã vô sự vượt qua làn mưa đạn súng liên thanh từ một chiếc máy bay trong phi đội phóng pháo Đức dội xuống - trước đó nửa giờ một chiếc thuyền gắn máy ở Ramsgate đã cố vào chuyển chúng tôi đi và đã bị bắn chìm - mặt nước ngầu lên vì vết đạn cày, nhưng gã lái thuyền như không lưu ý tới, chắc chắn là gã không thèm lưu ý tới. Làm gì có xăng nhớt mà sợ bị máy bay phát nổ, và cứ thế nó len lỏi qua những mũi đạn chúc xuống rào rào.

                        Từ trong làn khói đen của chiếc tàu bốc cháy rẽ vào chỗ cạn, có một anh chàng nhỏ thó, đen đúa, có râu, một bên cánh tay có tật giống như chiếc móng chim, và một cục bướu trên lưng.

                        Gã gù cắn chặt sợi dây giữa hai hàm răng, sợi dây trắng bóng giữa bộ râu đen rậm, ngồi đằng đuôi lái gã vẫy chúng tôi lại. Và ngay trên đầu là cánh chim lực lưỡng lượn qua lượn lại.

                        Thấy thế Jock nói : “Coi kìa, điên thật rồi. Đúng là loài quỷ dữ đến rước mình đi. Chẳng thà trúng đạn chết mất ngáp còn hơn là trông thấy nó”.

                 “Bậy nào”, tôi cãi, “tôi thấy hắn ta giống ông Thiện chứ không phải loài quỷ dữ”.
Mà thật thế trông hắn ta giống những bức hình in trong những cuốn sách giáo lý với khuôn mặt trắng, và ngay cả con thuyền quái quỉ của hắn nữa.

                   “Tôi có đủ chỗ cho bảy người mỗi chuyến”, hắn hô lên khi chiếc thuyền ghé lại gần.

                           Vị sĩ quan chỉ huy chúng tôi đáp:
                   “Anh can đảm lắm! … Bảy cậu gần thuyền nhất, lên đi!”

                    Chúng tôi lội ùa ra tới bên thuyền hắn. Tôi mệt đến nỗi không leo lên được cạnh thuyền, nhưng hắn nắm lấy gáy áo tôi mà lôi lên, miệng nói :

                   “Ráng lên nào, anh bạn”, rồi người kế tiếp leo lên.

                         Thế là tôi lên được. Chà, hắn mới khoẻ làm sao chứ. Rồi hắn kéo buồm lên, một cánh buồm lỗ chỗ đạn súng máy giống như chiếc sàng sảy lúa, và hắn hô to:

                   “Ngồi cả xuống lòng thuyền, mấy chú, phòng trường hợp dọc đường có gặp thêm đồng đội của mấy chú chăng”, và rồi chúng tôi rời khỏi bờ, hắn ngồi đằng sau lái, răng cắn chặt sợi dây thừng, chiếc tay khoèo hình móng chim nắm giữ một sợi khác, tay phải bẻ lái và rồi con thuyền lướt sóng ra khơi, chạy len lỏi giữa những viên đạn làm tung toé nước, từ một ổ súng đặt ở một nơi nào đó trong bờ biển bắn ra. Và cánh ngỗng lực lưỡng lượn đi lượn lại, kêu quàng quạc át cả tiếng gió và tiếng huyên náo mà quân Đức đang tạo nên, giống như ngày đại hội khiêu vũ hoá trang trên đường phố thành Winchester.

                        Tôi đã bảo anh rằng con ngỗng kia là điềm lành mà”, tôi nói với thằng Jock.

                        “Nhìn hắn mà xem, hắn là ông Thiện tới cứu mình mà”.

                        Hắn ngồi ở chỗ tay lái, ngước nhìn lên cánh ngỗng, răng cắn chặt sợi dây thừng, và mỉm cười với con ngỗng như đã từng quen biết nó từ lâu.

                      Hắn đem chúng tôi ra tới tàu Kentish Maid rồi lại quay thuyền đi chở chuyến khác. Suốt buổi chiều và luôn cả đêm hôm đó nữa hắn chở được rất nhiều chuyến, vì cả vùng trời Dukirk cháy sáng rực nên có thể nhìn thấy rõ như ban ngày. Tôi không rõ hắn đi được bao nhiêu chuyến, nhưng hắn và chiếc du thuyền có gắn máy hảo hạng của hội bơi thuyền Thames Yacht Club và một chiếc tàu cấp cứu khác từ bến Poole tới đã hè vào chở hết bọn tôi, không sót một tên nào, ra khỏi cái dải đất đặc biệt của vùng hoả ngục ấy.

                       Tàu nhổ neo khi người cuối cùng trong bọn tôi đã lên, có tới trên bảy trăm mạng nhét trên con tàu được đóng để chở chừng hai trăm người.

                      Hắn hãy còn ở lại đó khi chúng tôi khởi hành, hắn vẫy tay từ giã chúng tôi và lại quay mũi theo hướng Dunkerque, con ngỗng vẫn bám sát theo hắn. Trông thật ngộ nghĩnh, cánh chim lực lưỡng bay quanh chiếc du thuyền của hắn, cánh chim loé ngời lửa đạn, tựa như một vị thiên thần trong trắng bay lượn giữa đám khói lửa mịt mờ.

                      Một chiếc Stuka dọc đường lại tấn công chúng tôi thêm một lần nữa, nhưng anh chàng phi công ý hẳn đã thiếu ngủ từ nhiều đêm trước nên oanh kích hụt đích. Tảng sáng chúng tôi về đến nước nhà bình an vô sự.

                      Sau đó tôi không biết số phận hắn ra sao, hoặc hắn là ai – cái anh chàng gù lưng với chiếc thuyền buồm bé nhỏ của hắn. Anh chàng đó thật là can đảm và tốt bụng lạ thường”.

                    “Chà”, người lính pháo thủ nói, “một cánh chim lực lưỡng và hung hung đỏ, có ai biết không nào?”
                     Một vị sĩ quan hải quân trừ bị, trong bốn ngày cuối cùng của cuộc triệt thoái, đã bị thiệt hại mất hai chiếc tàu kéo lưới Brixham và một chiếc tàu rà mìn Yarmouth được đặt dưới quyền chỉ huy của ông, lên tiếng hỏi :

                    “Bác có nghe nói gì tới huyền thoại khó mà tin được về một con ngỗng hoang không nhỉ? Nó hết bay lên rồi lại bay xuống dọc theo bãi biển. Mà bác cũng thừa biết loại chuyện đó thường xảy ra như thế nào rồi. Có một số binh sĩ tôi chở từ Dunkerque về bàn tán mãi chuyện đó. Con ngỗng xuất hiện trong những ngày cuối cùng từng chập một giữa khoảng Dunkerque và Lapanne. Ai mà may mắn được nhìn thấy con ngỗng là kể như sau đó thế nào cũng được cứu thoát. Bác thừa biết, cái lối nửa hư nửa thực ấy mà…”

                     “Hè…ừ…ừm”, trung tá Brill Oudener nói, “một con ngỗng hoang à. Theo tôi thấy thì nó đã được dạy cho thuần thục rồi. Một thứ chi tiết vô cùng kỳ lạ. Bi đát nữa, hiểu theo một cách khác. Và thật may cho chúng tôi. Để tôi kể cho bác nghe. Đó là chuyến thứ ba trên đường về. Vào khoảng sáu giờ chiều chúng tôi nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ trôi giạt, trên thuyền dường như có một người hay một cái xác người nào đó, và một con chim đậu trên mạn thuyền.

                     Khi tới gần, chúng tôi bèn đổi hướng tàu để lại xem có chuyện gì. Trời đất ơi, đúng là một người. Hay đúng ra, trước đó đã là một người. Tội nghiệp hắn! Bị trúng một phát đạn liên thanh, nói thế là bác cũng đủ hiểu rồi. Bị nặng lắm! Đầu gục xuống nước. Con chim, một con ngỗng, loài ngỗng đã được huấn luyện thành thục.

                      Chúng tôi ghé lại gần, nhưng khi một người trong bọn chúng tôi định leo lên thuyền thì con chim kêu rít lên và dang cánh ra đập hắn. Không lấy được xác gã kia ra. Bất thần, Kettering, một chú lính trẻ theo hộ vệ tôi, thét lên, giơ tay chỉ xuống mạn tàu bên phải. Một trái thủy lôi bập bềnh sát bên. Trái thủy lôi khủng khiếp của bọn Đức. Nếu chúng tôi đi thẳng thì thế nào cũng đụng nhằm trái thủy lôi đó rồi. Chúng tôi lái tránh cho trái thủy lôi dạt ra xa. Khi nó đã giạt ra xa, cách chiếc xà lan cuối đoàn chừng một trăm thước, thì mấy anh lính lấy súng nhắm bắn cho nó nổ tung lên.

                      Khi chúng tôi quay lại tìm kiếm chiếc thuyền trôi giạt thì nó đã biến đâu mất. Chìm rồi. Thủy lôi nổ, rung động, làm thuyền lật, bác biết đấy. Kéo theo cả cái gã kẹt trong thuyền. Tựa như gã cột người gã vào với chiếc thuyền. Con chim bay lên và lượn vòng quanh. Nó lượn ba vòng tựa như một chiếc máy bay lượn chào làm chúng tôi sững sờ hồi lâu. Rồi nó bay về hướng tây. Cũng may cho chúng tôi đã lên boong xem, nếu không thì sao nhỉ? Mà cũng ngộ là bác đã đề cập tới chuyện con ngỗng đó”.



(Còn nữa)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Con chim trốn tuyết

Paul Gallico



(Tiếp theo và hết)


                           Fritha ở lại một mình trong hải đăng nhỏ bé trên vùng đồng lầy rộng lớn, săn sóc những con chịm bị xén lông cánh còn ở lại. Cô chờ đợi mà chẳng biết mình chờ đợi gì. Những ngày đầu tiên cô hay lên bờ biển ngóng chờ, dù cô đã biết là uổng công vô ích. Sau đó cô thơ thẩn đi khắp các căn buồng để đồ trong hải đăng, nơi chất đầy những bức hoạ trên đó Rhayader đã mô tả lại tất cả những cảnh trí cùng những tác động của ánh sáng trên vùng đất hoang vu và vẻ đẹp huy hoàng của các loài dị điểu sống nơi đó.

                            Trong số tranh ấy cô gái tìm thấy bức chân dung Rhayader vẽ mình theo ký ức, đã nhiều năm về trước, hồi cô còn là một cô bé nhỏ xíu, nhút nhát, đầu tóc rối bù đứng bên ngưỡng cửa, ghì chặt trong lòng con chim trốn tuyết bị thương.


                            Bức họa và những gì cô gái nhận thức được đã khiến cô xúc động như chưa từng xúc động, vì Rhayader đã gửi gắm rất nhiều tâm hồn chàng vào đấy. Lạ thay, đó là lần duy nhất chàng vẽ con chim trốn tuyết, con vật lạc loài, bị bão táp xô giạt đến từ miền đất lạ, con vật đã mang tình bạn đến cho cả hai người, và chính con vật ấy, cuối cùng đã trở lại báo cho cô biết là cô sẽ không bao giờ còn gặp lại chàng nữa.


                            Khá lâu trước khi con chim trốn tuyết từ vùng trời phía đông ửng hồng sà xuống lượn vòng quanh hải đăng như ngỏ lời chào vĩnh biệt, Fritha nhờ sự linh cảm mẫn tiệp sẵn có trong cô đã biết trước là Rhayader sẽ không bao giờ về nữa.

                            Cũng chính vì thế, vào lúc trời chiều, nghe tiếng chim kêu lảnh lót quen thuộc từ trời cao vọng xuống, lòng cô không trải qua một giây phút hy vọng hão huyền. Giây phút ấy, dường như cô đã từng sống qua rất nhiều lần, nên không còn ảo vọng.

                            Cô gái hối hả chạy ra bức trường thành, đôi mắt không hướng ra phía eo biển xa vời mà từ đó một cánh buồm có thể xuất hiện, nhưng lại ngước lên vòm trời đỏ rực mà, từ đó, con chim trốn tuyết rơi thẳng xuống như một hòn đá. Cánh chim từ trời cao rớt xuống, tiếng kêu não nùng của nó, và sự cô quạnh vây bọc quanh cô, đã phá vỡ con đập ngăn giữ mọi xúc cảm trong cô, thả tung mối tình không ngăn giữ được, không chối cãi nổi, tuôn trào thành suối lệ.

                             Một linh hồn hoang dã kêu gọi một linh hồn hoang dã khác, cô có cảm tưởng như mình đang bay theo cánh chim to lớn bay vút lên vòm trời chiều và lắng nghe lời Rhayader nhắn nhủ.

                             Trời đất như vang vang lời nhắn gửi và cô rung rung theo hoà âm đó với một cường độ vượt quá sức cô: "Frith, Fritha! Frith, em yêu. Vĩnh biệt nhé, người em yêu dấu”. Đôi cánh trắng, có đốm đen, như quạt vào lòng cô những lời âu yếm ấy, và lòng cô đáp lại: “Philip, em yêu anh”.

                           Có một lúc Frith đã tưởng là con chim trốn tuyết sắp hạ cánh trong khuôn vườn, khi những con ngỗng bị xén cánh kêu vang lời chào đón. Nhưng nó chỉ sà xuống thấp rồi lại bay vút lên, luợn một vòng tròn rất đẹp mắt, quanh ngọn hải đăng cổ xưa một lần nữa rồi bay lẩn trong đám mây cao vút.

                            Nhìn cánh chim bay vút lên cao, Frith không còn thấy hình ảnh con chim trốn tuyết nữa, mà chỉ thấy linh hồn của Rhayader đến giã biệt cô gái trước khi chắp cánh bay vào cõi hư vô.

                            Cô gái không còn bay theo cánh chim nữa mà trở lại buộc ràng trên mặt đất. Cô dang hai cánh tay giơ lên trời, những ngón chân nhón cao, với theo, miệng kêu lên : “Xin trời đưa dẫn anh, ra đi êm đẹp nhé, hỡi anh Philip của em!”

                            Nước mắt Frith như khô cạn. Khi bóng chim mịt mù, cô còn đứng đó, âm thầm ngó lên trời cao trong một hồi lâu. Rồi cô trở lại ngọn hải đăng tìm lấy bức chân dung Rhayader đã vẽ mình. Ghì chặt bức hoạ vào ngực, cô trở về nhà, đi dọc theo con đê ven bờ biển cả.


                            Đêm đêm, trong nhiều tuần kế tiếp sau đó, Frith còn trở lại hải đăng cho lũ chim bị xén lông cánh ăn. Rồi vào một buổi sớm mai, một phi công Đức trong một phi vụ lúc trời chưa sáng tỏ đã lầm tưởng ngọn hải đăng cũ hoang phế là một mục tiêu quân sự đang hoạt động nên nhào xuống như một cánh chim ưng bằng thép và bắn phá ngọn hải đăng cùng tất cả những gì còn lại trong đó tan thành cát bụi.


                             Tối hôm đó, khi Fritha trở lại, sóng biển đã ùa qua những bức tường sụp đổ và bao phủ lên tất cả. Không còn gì sót lại khả dĩ làm cho giảm bớt quanh cảnh ảm đạm thê lương. Không một cánh chim nào trong vùng đồng lầy dám trở lại. Chỉ có những con hải âu dạn dĩ chập chờn bay lượn, nức nở kêu thương quanh nơi chốn cũ – nơi mà khi vầng thái dương mới ló còn là ngọn hải đăng xưa.



(The end)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi


   Đã đọc truyện ngắn này một lần hồi trước 1975, nay đọc lại vẫn thấy hay. Bối cảnh khởi đầu Thế chiến 2 được lồng vào không khí lãng mạng thật nhẹ nhàng. Nhìn chung, tất cả các nhân vật trong truyện đều là những con chim trốn tuyết.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

NT cũng đọc khá lâu rồi, tình cờ nghe bài hát "Như loài chim trốn tuyết" của bạn Vô Danh nên nhớ lại, đi tìm và post lên để mọi người thích thì vào đọc. Mô-tip lãng mạn nhẹ nhàng, có phong vị cổ điển như nhiều truyện dài và ngắn của Anh mà NT thích đọc và từng đọc. :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ chị Thu: Lòng nhân hậu, tình yêu thương của con người có sức mạnh cảm hoá loài chim hoang và nó trở nên tình nghĩa. Vậy mà con người lại cũng có thể huỷ diệt tất cả vì sự mâu thuẫn giữa các quốc gia...Nhưng tình yêu là bất tử dẫu chứng tích xưa cũng chẳng còn, chị nhỉ!?
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@hoa cỏ: Từ con người mà có tất cả: tình yêu-hận thù, hòa bình-chiến tranh, sự xây dựng và hủy diệt. Biết làm sao được khi Thượng đế đã cho con người cả trái tim và khối óc đồng thời?! :)
Về sự bất tử của tình yêu thì chị cũng còn phân vân lắm. Tóm lại: nếu nói về tình yêu theo nghĩa rộng của loài người thì TY là bất tử, bởi còn tồn tại xã hội loài người, con người thì còn có sự hiện diện của TY; nhưng với từng TY cụ thể thì... em biết rồi đó!:D
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

TRUYỆN NGẮN        Guy de maupassant
      
          NGƯỜI CHẾT NÓI THẬT

Một đôi vợ chồng thương yêu nhau thắm thiết .Nhưng không ngờ một đêm trời mưa,người vợ từ bên ngoài chạy vào nhà bị ho dồn dập,phát sốt cao ,từ đó sinh ốm liệt gường,nhiều thày thuốc đã được mời đến chạy chữa và cho uống khá nhiều thuốc mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm, rồi đến một ngày đau thương khôn cùng, nàng đã từ biệt cõi đời để lại người chồng thương yêu.
Sau khivợ chết, người chồng rơi vào cảnh đau đớn cùng cực vì đã từng hết lòng thương yêu nàng và nàng cũng đã từng đem lại cho chàng tình yêu nồng thắm với sắc đẹp dịu dàng của nàng.
Sau đám tang vợ,người chồng đau đớn không ở lại nổi căn nhà mà chàng và nàng đã từng ân ái sống chung nữa,chàng đã chào từ biệt bạn bè thân thiết để đi du ngoạn.
Sau ba tháng ,chàng trở về thành phố cũ mà mình đã từng sinh sống .Chàng phải nén đau thương để làm lại cuộc đời mới.Thế nhưng cứ mỗi khi nàng nằm xuống giường,nhất là khi nằn ngiêng nhìn vào tấm gương kê trước giường để soi khi mặc quần áo thì chàng lại thấy hiện lên hình ảnh vợ chồng chàng ân ái với nhau.Nếu khi đó chàng có một chiếc máy ảnh thì nhất định ghi lại được rất nhiều pha,hết pô này đến pô khác về cuộc sống ái ân của vợ chồng chàng.
Chàng tự nhiên rơi vào cảnh nhớ thương ngừoi vợ đã qua đời.Ở nhà chàng không chịu nổi.Thế là chàng lững thững đi ra ngoài phố,như người không hồn,chàng đi thẳng đến nghĩa địa công cộng ở ngoại ô.Người vợ thương yêu của chàng đang yên nghỉ tại nghĩa địa này.Chàng muốn tới trước mộ nàng nói với nàng những lời thương nhớ khôn cùng của chàng.
Chàng đi tới nơi người vợ an nghỉ,trên mộ có dựng một tấm bia hình chữ thập (+) làm bằng đá màu trắng.Trên bia có khắc hàng chữ:"Nàng yêu chồng,nay đã quy tiên cũng vì yêu chồng".Cứ nhớ đến người vợ dáng vẻ dịu dàng,khôun mặt trắng trẻo xinh tươi rung động lòng người như thế mà nay bị chôn chặt dưới những đất đá vô tri vô giác,chàng không kìm nổi đau thương rộ lên tự đáy lòng mình.
Trước mộ vợ,chàng gào khóc tay quờ quạng trên tấm bia đá lớn và cứ như thế chưa rời khỏi được nơi đây.Thế rồi bỗng nhiên một ý nghĩ điên cuồng rộn lên trong lòng chàng:Tối nay ta ở lại khu mộ này qua đêm nếu nàng linh thiêng nhất định sẽ cảm động trước mối chung tình của ta và sẽ hiện ra gặp ta.Chẳng phải thế gian đã từng có nhiều chuyện người và ma quỷ gặp nhau đó sao?
Thế rồi...
 "còn tiếp"
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối