Chủ đề 14: "Vượt khổ" và "vượt sướng" việc nào dễ hơn?Lại cũng là người Trung Quốc có câu:
“Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” ý nói là người đàn ông mà không có con nối dõi (con trai) là mang tội nặng nhất trong 3 tội bất hiếu. Hoặc cũng là một câu trọng nam khinh nữ khác
"Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (Một con trai thì viết là có, đến 10 con gái vẫn viết là không). Cái quan điểm trọng nam khinh nữ đó cũng lây sang bên Việt Nam và có vẻ còn ảnh hưởng khá nặng nề đối với người Việt cho đến tận hôm nay.
Tuy nhiên, thời buổi này dân chúng ở các thành phố không còn quá quan trọng việc "phải sanh bằng được con trai" nữa. Mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con. Dù là ngày xưa, hay bây giờ, dù là nhiều con, hay ít con, dù là con gái hay con trai, thì con cái bao giờ cũng là một cái gì đó vô cùng quí giá đối với các bậc cha mẹ. Các cụ ngày xưa có câu
"hổ dữ cũng không ăn thịt con". Đúng là như vậy, người đàn ông, hay người đàn bà nào dù có ích kỷ đến mấy, không bao giờ thương xót hay ban phát cho ai cái gì, thì cũng không ai muốn con do chính mình đẻ ra phải chịu khổ ải. Một tu sĩ Phật giáo giảng rằng
"người nào không yêu thương chính con mình sanh ra thì còn chẳng bằng loài cầm thú, nên sau khi chết bị quả báo sẽ đi vào ác đạo bị đọa vào kiếp thú vật thậm chí nặng hơn là bị đọa địa ngục". Trong một cái tâm lý chung như vậy, "ai cũng muốn con của mình phải được sướng, phải thành công hơn mình, phải có đời sống khá hơn mình", nên các bậc cha mẹ thường sẽ dành tất cả những gì được cho là tốt nhất cho con của mình. Tuy nhiên, đúng hay sai ở từng việc cụ thể thì còn phải xem xét kỹ.
Một đứa trẻ lớn lên, trở thành một "người tử tế ở mức độ tối thiểu" thì cha mẹ của đứa trẻ đó đã được coi là những người thành công. Như thế nào là "tử tế ở mức độ tối thiểu"? Thử liệt kê ra một số gạch đầu dòng:
- Không ngiện ngập vào bất cứ thứ gì như ma túy, cờ bạc, rượu trà, trai gái và "game" điện tử.
- Không tiêu xài phung phí, biết thương xót từng đồng xu, cắc bạc mà cha mẹ phải
"đổ mồ hôi, xôi nước mắt, thức khuya dậy sớm, tần tảo ngược xuôi, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nơi đồng cạn, nơi đầm sâu, hoặc bạc tóc, mặt dày nơi thương trường nghiệt ngã...
- Không cướp giật, trộm cắp, không lừa gạt người khác để trục lợi, không lợi dụng sự cả tin của phái nữ để lừa gạt trinh tiết làm thú vui tiêu khiển rồi
"quất ngựa truy phong"- Không a dua đua đòi, chạy theo "mode", hưởng thụ những thú vui nhất thời mà "bầy đàn" cho là phải như thế mới là "sành điệu".
- Có một việc làm ổn định và chí thú trong công việc của mình.
Năm gạch đầu dòng trên là quan điểm cá nhân của người viết về cái khái niệm "tử tế ở mức độ tối thiểu". Có thể đối với người khác, năm gạch đầu dòng đó là quá nhiều, người khác nữa lại cho là chưa đủ. Với mỗi một gia đình, các bậc cha mẹ lại có thể có những đòi hỏi khác nhau. Cho dù là thế nào đi chăng nữa, thì việc sanh ra một đứa trẻ, bảo vệ nó trước cuộc đời nghiệt ngã, dạy cho nó nên người, tưởng là đơn giản nhưng thực sự với mỗi một kẻ làm cha mẹ chắc hẳn phải là một "kỳ tích".
Viết đến chỗ này, vẫn chưa thấy nói gì đến "vượt khổ" và "vượt sướng". Vâng thì bây giờ sẽ là điều mà bài viết này muốn thảo luận. Xã hội ngày nay đang đặt đám trẻ trước một trong hai thách thức:
"1. Vượt khổ để thành người" và "2. Vượt sướng cũng để thành người". Nghe thấy hơi lạ tai nhưng quả thật là như vậy! Trong xã hội trước đây, không xa lắm, chỉ khoảng 25 năm trở về trước, ở Việt Nam hiếm có trẻ nào sống trong "hoàn cảnh sướng". Toàn xã hội ở trong tình trạnh thiếu thốn mọi mặt, thiếu thức ăn chứ đừng nói đến là chọn ăn món gì, thiếu đồ dùng, thiếu quần áo chứ đừng nói đến thời trang, thiếu trò chơi giải trí chứ đừng nói đến là tiêu khiển như thế nào. Đám trẻ như chúng tôi thời đó gần như không có sự phân biệt theo cái kiểu như bây giờ nào là "công tử", nào là "thiếu gia", nào là "kiều nữ", nào là "ái nữ" hay "thiên kim tiểu thư"... Chính bởi vậy, lúc đó tất cả đám trẻ chỉ cố gắng "vượt khổ" và hoàn toàn xa lạ với cái gọi là "vượt sướng". Thế nhưng ngày nay thì khác, xã hội đã có sự phân biệt quá sâu sắc giữa "lắm tiền" và "thiếu tiền". Càng ngày càng có những "kẻ ăn không hết", những "kẻ ăn không hết" càng nhiều thêm thì đương nhiên sẽ tạo ra nhiều thêm những "người lần không ra". Xã hội Việt Nam chưa đạt được mức "công bằng tối thiểu" để có thể tạo ra mức sống "tạm ổn tối thiểu" cho những người "kém may mắm" nhất xã hội. Sự phân hóa giữa "thừa thãi" và "đói kém" quá sâu sắc đó đặt bọn trẻ vào một thách thức rất lớn đó là phải "vượt khổ" và mặt đối lập đằng kia là "vượt sướng" để rồi cùng tiến đến con đường tạm gọi là "tử tế ở mức độ tối thiểu".
Nói đến những trở ngại của đám trẻ "vượt khổ" thì dễ hiểu. Nào là hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu tiền đóng học phí, cơm còn chẳng đủ ăn, nói gì đến học. Nào là thiếu thốn sách vở bút mực, dụng cụ đồ dùng học tập. Nào là cha mẹ mải lo kiếm sống không có thời gian quan tâm đến việc học của con cái. Rồi phải phụ giúp cha mẹ kiếm sống nên ảnh hưởng đến việc học. Hoặc là có trẻ thì mồ côi cha, đứa lại mồ côi mẹ, đứa lại mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nào là bạn bè xấu rủ rê vào con đường trộm cắp, cướp giật, phạm tội. Đấy là chưa kể đến những trẻ phải bơi qua suối đến trường, hoặc đu dây qua sông để đến lớp... Cái khổ của đám trẻ "xấu số" thì trùng trùng điệp điệp, vượt qua được cái khổ này, cái khổ khác lại ập đến, bởi vậy đứa trẻ nào "vượt khổ" để "thành người" thường là những đứa có nghị lực "phi thường". Tuy nhiên, bởi vì cuộc đời của chúng vốn từ lúc nhỏ đã nhiều nước mắt, nên khi trưởng thành ít khi thấy họ cười. Có một câu chuyện thật trong vô vàn câu chuyện thật, như thế này:
Một gia đình có sáu chị em sống quây quần bên cha mẹ, cuộc sống tuy nghèo đói nhưng họ rất yêu thương nhau. Bỗng năm đó "trời giáng tai họa", cha mẹ của đám trẻ đột ngột qua đời, sáu đứa trẻ đột ngột rơi vào tình cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. Một nhà sáu miệng ăn, làm sao để sống? Người chị cả trong gia đình đang tuổi đôi tám, "mười sáu trăng tròn" bỗng nhiên phải trở thành "mẹ" của năm đứa em ruột. Bỏ trường, bỏ lớp, bỏ bạn bè, bỏ lại tương lai, người chị lao vào đời kiếm sống, kiếm từng hạt gạo để bỏ vào nồi nuôi chính mình và năm đứa em nhỏ dại. Cuộc đời quá nghiệt ngã trên đôi vai gầy mảnh khảnh của cô gái mười sáu. Một ngày, cô không kiếm được bất cứ cái gì để cứu đói cho đàn em, một suy nghĩ đen tối đã xuất hiện trong đầu. Cô trở về nhà với gói thuốc sâu trong tay với ý định cả sáu chị em cùng chết. Thế nhưng khi về đến nhà, đàn em nhỏ ríu rít vây quanh với những ánh mắt hồn nhiên sáng bừng trên những khuôn mặt thơ ngây giữa mịt mùng đêm tối. Lòng cô quặn đau và ý chí muốn sống, muốn "vượt khổ" mạnh hơn bao giờ hết, cô đem trôn gói thuốc sâu ra sau vườn và tự thề với lòng mình "sẽ vượt qua tất cả khổ đau để quyết tâm nuôi dạy các em thành người". Thế rồi, sau bao nhiêu năm "vượt khổ", năm người em nhỏ lần lượt trưởng thành, đứa là kỹ sư, đứa bác sĩ, đứa là cô giáo, đứa làm luật sư, đứa sĩ quan quân đội. Cả năm người em đều có những thành công nhất định và đều đã lập gia đình riêng, sanh con đẻ cái. Nhưng cô gái mười sáu năm xưa nay đã là một người phụ nữ già cô đơn lẻ bóng. Hằng đêm, trong bóng tối nơi một ngôi nhà ngoại ô, có hình một người phụ nữ cô đơn vẫn mỉm cười.Những tấm gương "vượt khổ" thường để lại nhiều xúc động và khiến cho người đời cảm phục. Thế còn "vượt sướng" thì sao? Đa số mọi người đều cho rằng "những đứa trẻ sanh ra đã sướng thì cứ thế mà tiến thẳng trên "con đường trải thảm đỏ", làm gì mà có trở ngại cơ chứ?" Vậy thực tế trẻ sống trong hoàn cảnh sướng thì có trở ngại gì phải vượt qua để "thành người".
Người viết bài này có một gia đình nhỏ nhỏ, cô bồ của người viết cũng sanh ra hai đứa con rất đáng yêu một gái và một trai. Người em gái của người viết cũng có một gia đình nhỏ nhỏ và cũng có hai đứa con một gái và một trai. Đám trẻ bốn đứa đó tuy chưa phải là con nhà đại gia thừa tiền, nhưng cũng có thể tạm gọi là "sống trong hoàn cảnh sướng". Một lần đi chơi ở vườn hoa hay công viên gì đó, cu Đức đòi mua cái chong chóng, và được đáp ứng ngay (không rõ lúc đó là bà nội hay chú út chưa vợ hay là mẹ mua cho, nhưng lại quên không mua cho cu Mig). Cu Mig thấy anh cầm chong chóng chơi, quay tít, thế là cu cậu cũng muốn có một cái để chơi. Cu cậu liền nói "Ơ... của Mig đâu rồi". Câu nói này khiến cả nhà ngỡ ngàng, bởi mọi người đều cho là Mig cũng được mua cho một cái rồi nhưng đã làm rơi đâu đó. Nhưng thực tế là chưa. Lúc đó cả nhà cùng bật cười sảng khoái vì cái cách đặt câu rất ngô ngê ấy. Thêm một câu chuyện khác về cu Đức. Đức khác hẳn chị, Đức thích chơi hơn học, nhất là mấy trò chơi "game" điện tử. Thời nay mọi người đều xài điện thoại "smart", điển hình là "iphone". Cu Đức chắc là đã mượn được điện thoại "quả táo" của nhiều người để chơi, thành ra là nghiện. Trong khi đó ba mẹ của Đức lại lạc hậu, chỉ xài mấy cái điện thoại gọi được và nghe được. Rất nhiều lần Đức gạ mẹ "mẹ mua điện thoại quả táo đi". Ba gọi điện về nhà nói chuyện, Đức chẳng đòi hỏi gì, chỉ nói "con muốn điện thoại quả táo". Có thể nhiều người cho rằng, chuyện cái chong chóng của Mig và chuyện cái điện thoại "quả táo" của Đức chỉ là ba cái chuyện tẹp nhẹp, có gì mà phải nghĩ cho mệt, đáng bao nhiêu đâu, sắm vô tư cho con cái nó "bằng bạn bằng bè".
Vâng, có thể là vấn đề kinh tế không đáng phải suy nghĩ nhiều lắm. Với cu Mig, cái chong chóng có nhiều cũng chỉ là vài chục ngàn, với gia đình như gia đình Mig thì dễ như "thò tay vào túi lấy đồ". Với cái điện thoại "quả táo", đối với gia đình Đức không dễ như vậy, nhưng không phải là không mua nổi. Có điều cái đáng phải suy nghĩ là cái cách đặt câu dùng từ của hai đứa trẻ. Câu nói
"Ơ... của Mig đâu" và câu "con muốn điện thoại quả táo" đều là hai câu yêu cầu thuộc vào thể dạng MỆNH LỆNH. Và đây là "mệnh lệnh" cho các bậc phụ huynh của chúng. Có thể nhiều người cho rằng, chúng quá nhỏ, biết gì đâu, nên câu chữ chưa thể đúng, đừng bắt bẻ làm gì. Người viết bài này không cho rằng là như thế. Rõ ràng hoàn cảnh sống đã đưa chúng đến với cách nghĩ và cách nói theo hình thức mệnh lệnh khi mà chúng muốn được chơi cái gì đó. Cho dù là không nói theo cách mệnh lệnh, khi mà chúng đã có đủ khôn hơn, chúng cũng đòi hỏi nhiều hơn so với các trẻ khác. Rõ ràng nhu cầu hưởng thụ và ý thích muốn được thỏa mãn những ham muốn tầm thường trước mắt của đám trẻ "sống trong hoàn cảnh sướng" là cao hơn những trẻ khác rất nhiều. Chính vì vậy cái "chướng ngại" đối với đám trẻ "vượt sướng" ở đây chính là những "cám dỗ của cuộc sống đủ đầy trong xã hội hiện đại".
Từ đó người ta sẽ đặt câu hỏi "vượt khổ" dễ hơn hay "vượt sướng" dễ hơn? Có lẽ không nên so sánh, bởi mọi so sánh đều là khập khiễng.
Ta chợt nhận ra ta chưa kịp trưởng thành thì tuổi già đã ập đến