Trang trong tổng số 23 trang (229 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối
Bàn luận : Có phải : “ Vênh váo như bố vợ phải đấm ”
Nhiều người muốn cho rằng thành ngữ này phải đọc là “ Vênh váo như bố vợ cậu ấm ” thậm chí là “ Vênh váo như khố rợ phải lấm ”. Phải tìm hiểu bắt đầu từ “ vênh váo”mới vỡ lẽ được . Khác với vênh vang hay vênh vênh mô tả trạng thái của người tự hào , tự đắc , ra vẻ ta đây . Vênh váo là trạng thái của người vừa chịu một thất bại nhưng vẫn tỏ cho đối phương thấy mình chưa thua , còn ra đòn trả đũa ( Mày sẽ biết tay ) . Vậy nên bố vợ cậu ấm phải vênh vang ; khố rợ phải lấm khi khô sẽ vênh ( không phẳng nữa ) chứ. Chỉ có ông bố vợ đã cho nó con gái ( thậm chí cả của cải ) nó lại đấm (dĩ nhiên là hình tượng ) thì tức thật . Vênh váo là phải lắm !
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Tản mạn : Hàng rong đường phố
Để hài hòa với những hình ảnh xô bồ rất xưa cũ này , nên dùng tên xưa của thành phố : Sài gòn . Vâng , hiện nay cũng chỉ có Sài gòn mới còn cái cảnh xe bán hàng rong trên đường như thế này . Thôi thì đủ loại xe . Từ xe hai bánh , ba bánh đến bốn bánh . Đẩy tay cũng có . Đạp chân cũng nhiều . Và cả xe gắn động cơ nữa . Mặt hàng thì vô cùng đa dạng . Từ con cá , con ốc , mớ rau cho đến đĩa nhạc , sách báo . Nhiều nhất vẫn là hàng ăn . Người ta rán khoai , rán chuối , nướng thịt , nướng bánh ngay trên xe . Vừa đẩy , vừa đạp , vừa nướng . Có những thùng luộc , thùng hầm đỏ lửa , bốc khói suốt dọc hành trình của xe . Có xe chỉ lầm lũi đi khách quen nhìn là biết . Có xe ghi tiếng rao sẵn vào đĩa với giọng đủ vùng miền rất ấn tượng . Có xe liên tục phát những đoản khúc vui tai hoặc ngộ nghĩnh . lại có xe chỉ gõ cành cạch vào một miếng sắt thế mà người ta vẫn hiểu là bán gì . Đội quân này đông nhất vào buổi sáng , buổi chiều và tối . Có lúc hai ba xe bán cùng mặt hàng gặp nhau cùng một nơi . Hoặc xe nọ vừa đi qua xe kia đã đi lại . Ấy là chưa kể những xe xuất hiện cố định ở một điểm trên vỉa hè từng lúc hoặc suốt ngày . Ở trung tâm thành phố loại hình bán hàng này có thưa hơn .
Do thói quen cũ hay do người ngoại tỉnh tràn về thành phố kiếm sống quá đông ? Có lẽ tại cả hai . Kể ra nghĩ nhân văn một chút thì đây cũng là một công việc . Con người cần sống mà ! Vả lại , đôi khi mắt nhìn , tai nghe cảnh tượng này cũng thấy như được sống lại không khí của một thời xa xôi , nhung nhớ .
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Truyện : Hoa núi
-1-
Mưa như trút nước . Con đường nối khu tự trị và tỉnh chìm trong mưa . Không nhìn thấy rừng , tất cả chỉ một mầu trắng đục . Những người ngồi trong chiếc xe tải ướt sướt mướt vì tấm ni lông hình chữ nhật đã dùng để gói ba lô , hành trang duy nhất Của mỗi người khi lên đường . Mười hai chàng trai tuổi đời đôi mươi ngồi chia đểu trên hai dẫy ghế gỗ đối diện nhau bên thành xe . Họ vừa nhận tấm bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà nội . Và cũng vừa nộp đơn tình nguyện Tam bất kỳ (1) lên đoàn trường . Họ đã tập trung ở Khu giáo dục một tuần lễ để học chính trị . Và rồi lại xung phong lên tỉnh miền núi biên giới xa nhất . Tiếng mưa rầm rầm dội xuống nóc xe không át nổi tiếng hát của họ đồng thanh vang lên , bài nọ tiếp bài kia không ngớt . Trẻ trung , yêu đời , hừng hực khí thế . Trong đoàn trai ấy có Nam , người con của Xứ Đông .
Hoàn cảnh của Nam hơi đặc biệt so với anh em trong đoàn . Anh là con út trong một gia đình địa chủ kiêm tư sản . Tuy ở nông thôn nhưng cha mẹ anh vừa nhiều ruộng đất lại vừa buôn bán khá lớn . Có một cửa hiệu tạp hóa và thuốc bắc to nhất vùng . Nam được vào đại học nhờ một cơ may đặc biệt . Trong lý lịch sáng lên một ông anh ruột tham gia hội thanh niên bí mật rồi cùng đoàn thể cướp chính quyền ngày tổng khởi nghĩa . Sau đó làm chủ tịch lâm thời dịa phương . Nam thi đỗ Bách khoa và học ngành điện mạng . Được ba tháng , khi lục lại lý lịch không đủ tiêu chuẩn trụ ở cái ngành cơ yếu của chủ nghĩa xã hội này nên bị chuyển sang Sư phạm , khoa Vật lý . Trước khi ra trường hai tháng Nam mới được kết nạp Đoàn . Cha mẹ đã qua đời , các anh đã trưởng thành , bản thân không vướng víu gì nên chẳng có cơ sở nào để anh xin đi đâu . Biết vậy , anh thả nổi tương lai trong dòng chẩy chung . Từ trường đại học đến khu rồi từ khu về tỉnh , sau khi học chính trị anh đều chỉ một câu duy nhất ghi vào đơn là “ Tam bất kỳ ” .
Mưa ngớt dần , trời cũng chuyển sang chiều muộn . Khi ngọn bóng điện trước cổng Ty giáo dục bật lên cũng là lúc chiếc xe tải dừng bánh để mọi người lôi ba lô khoác lên vai về phòng nghỉ tập thể . Để từ mai tiếp tục học chính trị một tuần . Để nhận sự phân công tiếp về trường . Ở thủ phủ Khu tự trị , Nam đã đánh vật với sắn . Cơm sắn , xôi sắn , sắn luộc , bánh rán
sắn rồi cả bánh chưng sắn ... Sáu ngày chỉnh huấn ở Ty Giáo dục anh lại phải làm quen với ngô . Được cái ngô dễ ăn hơn nên cũng nhanh quen . Ông
trưởng phòng tổ chức có cái đầu to , trán hói cao nhưng dáng hơi thấp bé phát cho mỗi người một lá đơn ghi nguyện vọng . Nam nghĩ , đã lên đến đây , trường nào chẳng như nhau . Thế rồi anh lại “Tam bất kỳ” . Thế rồi anh nhận quyết định về trường cấp ba Thung Mây sát biên giới cùng phân nửa số anh em trong đoàn . Đây là trường chung cho sáu huyện Miền đông của tỉnh . Được giải thích rằng họ là đoàn giáo viên tăng cường về khu vực này nhằm nâng chất lượng giáo dục lên ngang tầm cả nước.
Lại lên đường . Lần này ngồi trên xe ca đỡ xóc hơn . Đèo Hoa Gió như một sợi chỉ trắng ngoằn ngoèo vắt trên nền xanh mướt của ngàn cây , phơi dưới nắng chiều vàng nhạt . Những núi đá gan gà mở lòng đón các thày giáo Miền xuôi . Những cây cổ thụ nguyên sinh vươn cành mời vẫy . Bến xe huyện cách trường không xa . Sáu chàng trai như một luồng gió ùa vào cổng trường . Ở đấy các đồng nghiệp và một số học sinh chờ sẵn . Tay bắt mặt mừng mời vào văn phòng . Sau tiếp đón đơn giản , cứ hai người một phòng về nhận chỗ ở và nghỉ ngơi . Nam chọn ở chung phòng với Bảo .
Trăng chưa lên . Ngọn đèn bão trên bàn đặt giữa hơn chục chiếc ghế đẩu trong khu vườn để chuẩn bị cuộc họp hội đồng tối nay không đủ sáng đến chỗ Nam ngồi . Anh cảm thấy lọt thỏm giữa bốn bề núi cao bịt bùng . Đầu anh như bị thít chặt bởi một bàn tay vô hình , nhức nhối muốn vỡ tung . Cảm giác ấy chỉ giảm dần khi cuộc họp bắt đầu . Một phần do hồi hộp với vai trò được làm thày giáo chính thức từ đây . Điều quan trọng hơn có lẽ do tập trung theo dõi làm anh quên đi . Sau khi nhận công việc của năm học , Nam về văng mình xuống giường , thiếp đi cho đến lúc tiếng kẻng báo thức sáng mới choàng dậy . Anh định thần một lúc để xác định mình đang ở đâu .
( Còn tiếp )
( 1 )Tam bất kỳ là :
Bất kỳ đi đâu
Bất kỳ làm việc gi
Bất kỳ đãi ngộ như thế nào
Sau này đổi thành Ba sẵn sàng
*
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Truyện : Hoa Núi ( Tiếp theo )
-2-
Là trường cấp ba của khu vực nhưng còn rất đơn sơ , tuyềnh toàng . Hai dẫy lớp học với sáu phòng cùng một dẫy nhà giáo viên và văn phòng xếp theo hình chữ U . Tất cả đều do thày trò tự dựng . Vách trát đất , mái ngói âm dương , cửa sổ bằng lá ghép . Được cái ở đây không có bão nên sống vẫn yên . Trường nằm kề cơ quan huyện và sân vận động . Chung sân với trường cấp một thị trấn . Cách phố và chợ vài trăm mét . Đối diện với bệnh viện huyện qua bãi bóng .
Nguồn nước Chung của cả thị trấn là Pác bó (2) . Miệng nguồn của con suối trong vắt và mát đến lạnh người kể cả lúc trưa hè . Dẫy phố chính bám theo tỉnh lộ . Phố xương cá không nhiều và không dài tạo cho thị trấn có hình như một con lợn nằm nghiêng ôm lấy khu chợ bám sát chân núi . Nhà cửa đều bằng gỗ , lợp ngói âm dương , mặt trước bưng gỗ , cửa ra vào và cửa sổ đều bằng gỗ , ba mặt còn lại là vách đất . Chợ họp năm ngày một phiên . Người ngựa từ khắp nẻo thung sâu , núi cao trong vùng đổ về . Áo váy đủ mầu sắc . Hàng hóa là những con vật nuôi được hay săn bắn được . Những cây quả trồng trong vườn hay hái lượm từ rừng . Trai gái sli lượn từ mờ sáng . Ngựa người ngất ngưởng đến tận chiều tối .
(2):Có nghĩa là miệng mỏ , đầu nguồn nước
( Còn tiếp )
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Truyện :Hoa Núi
-3-
Sáu tiếng kẻng vừa dứt . Nam bước vào lớp . Học sinh đồng loạt đứng dậy . Anh ngỡ ngàng một lát với những con người đang đứng trước mặt anh . Con trai ăn mặc gần giống miền xuôi nhưng con gái xúng xính trong trang phục đủ mầu sắc của dân tộc mình . Những em ở phố chợ mặc theo kiểu người Hoa . Chắc học sinh cũng có tâm trạng ấy . Trước mắt họ là một thày giáo trẻ vận cánh trắng , cho áo trong quần , đầu chải dầu bóng với đường ngôi rõ ràng . Cả lớp đứng lên . Thày thân mật giơ tay chào lại . Thày trò cùng ngồi xuống . Thói quen ăn mặc gọn gàng và mầu trắng tinh khiết của Nam có từ nhỏ trong gia đình . Dù những lúc khó khăn nhất , chỉ với loại vải rất xoàng xĩnh anh cũng chọn mặc đồng phục trắng . Bạn bè gán cho biệt danh “ Bạch thư sinh ” là thế . Qua vài lời tự sự và hỏi han làm quen , thầy bắt đầu giảng . Trò mở vở nhìn lên bảng nghe và ghi . Vài nữ sinh huých tay , ghé tai nhau thì thầm . Một cậu ném cho bạn phía sau một mẩu giấy vo tròn . Thày hỏi . Trò giơ tay trả lời . Hai bên tung hứng nhịp nhàng . Mọi người bị lôi vào không khí sôi động một cách tự nhiên như đã quen nhau từ lâu . Thày trò say sưa tới mức ba tiếng kẻng hết giờ vang lên phần kết của bài còn bỏ dở phải hẹn sang tiết sau tiếp tục .
Lớp mà Nam dậy tiết đầu tiên của buổi học đầu tiên này cũng là lớp anh chủ nhiệm . Nam dậy tiếp hai tiết ở lớp khác rồi về nghỉ . Anh đứng lên ngồi xuống , đi ra đi vào nhiều lần mà tiết trống của anh vẫn chưa hết . Nam đến trước cửa lớp học chờ thêm một lúc mới nghe tiếng kẻng tan học phủ kín khu trường . Vội vàng vào lớp khi thầy giáo bộ môn chưa kịp ra . Anh giữ lớp ở lại căn dặn và phân công công việc cho đến lúc kẻng báo học buổi chiều vang lên mới kịp nhớ ra cho học sinh nghỉ .
( Còn tiếp )
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Truyện : Hoa Núi
-4-
Mới quen nhau từ buổi tập trung của đoàn sinh viên lên miền núi nhưng ngay từ đầu Nam và Bảo đã thân nhau . Bảo con một họa sĩ có tiếng từ thời Pháp thuộc . Sau này ông làm viện trưởng Viện Mỹ thuật . Là cán bộ từ kháng chiến về , ông muốn con trai mình phải được thử thách rèn luyện trong gian khó nên ông xin Bộ Giáo dục cho con được đi miền núi . Nam và Bảo thân nhau một phần do hai cây đàn . Bảo gần như không lúc nào xa cây vi ô lông còn Nam quấn quýt với cây ghi ta gỗ như mối tình đầu vậy . Bây giờ mỗi chiều , mỗi tối âm hưởng của chúng ôm quyện lấy nhau trong những bản nhạc không lời xao xuyến mà mưa ngàn gió núi hòa tấu làm bè trầm nâng âm thanh lên thêm phần réo rắt . Hai người chung ngủ , chung ăn . Chung bàn làm việc . Chung ngọn đèn dầu thắp sáng khi soạn bài . Buổi sáng họ thường ăn phở vịt , một đặc sản địa phương . Đôi khi cũng rủ nhau ăn bánh áp chao để đổi khẩu vị nhưng chính là để được nhìn cô bé bán hàng xinh xắn có cái tên đẹp như hoa rừng : Thạch Lan ! Mỗi ngày chợ phiên , thế nào họ cũng thu xếp để cùng đi . Để xem . Để khám phá . Đối với họ cái gì cũng lạ , cũng muốn đưa vào trang viết của mình . Bảo viết truyện ngắn còn Nam làm thơ . Cả hai đều tham lam muốn biết thật nhiều xung quanh cái chợ vùng cao mà trước đây họ chỉ có trong mơ , trong tưởng tượng . Ngoài những thứ nhận được ghi trong trí nhớ . Ra khỏi chợ bao giờ họ cũng xách về một túi đầy hoa trái để dùng gối đến phiên chợ sau . Chuối , mác cọt , mác lì là những thứ cả hai cùng thích .
Nam và Bảo được giao thành lập đội văn nghệ trường . Bảo phụ trách mảng kịch nói còn Nam đảm đương phần ca hát . Cả hai kiêm nhạc công . Trường cấp ba chỉ có bốn lớp . Hai lớp tám , một lớp chín và một lớp mười . Sĩ só xấp xỉ hai trăm . Là con em dân tộc ít người nên phần lớn rụt rè ngại xuất hiện trước đám đông . Để tìm học sinh có năng khiếu văn nghệ phải kết hợp với trường cấp hai phía cuối thung thành lập chung một đội . Điều đó không khó vì hai trường mới tách ra từ một trường chung cấp hai - ba đầu năm học này . Một sự tình cờ hiếm hoi . Em Lan bán áp chao phố chợ lại có giọng hát mượt mà trong sáng đến ngạc nhiên . Và em trở thành giọng ca sáng giá nhất đội .
Trong số hai chục giáo viên , có hai cặp bạn được gọi là “Đôi tình nhân”. Cặp Nam Bảo và cặp Toản Kế . Gần như người ta ít gặp họ đi đâu một mình . Nhìn bề ngoài hai cặp bạn này có vẻ giống nhau . Đó là mở cửa quan hệ ra ngoài cổng trường . Sự thực rất khác biệt . Kế và Toản hướng về các làng bản để săn bắn , dự đám cưới các giáo viên cấp một , cấp hai hay học sinh . Họ chịu khó học tiếng dân tộc để hòa vào các cuộc hát Giá hai , hát Sli , lài cỏ và uống rượu thâu đêm . Chỉ sau hai năm lên miền núi , Kế đã tham gia chấp hành và năm sau làm luôn thư ký công đoàn huyện . Còn Nam và Bảo , sau mỗi lần đến thăm một bản vắng , một con suối róc rách dưới nắng sớm hay một ngọn đèo khuất nẻo trong sương mù là một đêm đầy chuyện kể nhau nghe hoặc một bài thơ ra đời . Sang năm học thứ hai , Nam được chỉ định làm tổ trưởng tổ khoa học tự nhiên . Hoạt động của đội văn nghệ trường cũng sôi nổi hơn lên . Việc dã ngoại của đôi Nam Bảo chủ yếu chọn ngày chủ nhật .
Ngoài Bảo , Nam còn thân với Nguyên . Nguyên hơn Nam mấy tuổi , cũng về trường trước mấy năm . Anh có vóc người nhỏ , dáng rất trí thức . Hai người cùng quê , cách nhau vài chục cây số . Nguyên được đề bạt hiệu phó năm học trước . Anh đang có ý định xin về xuôi vì sức khỏe không phù hợp với miền núi và cũng vì cộng tác với hiệu trưởng không xuôn xẻo .
Trong trường mờ mờ hình thành hai mảng không ưng nhau . Một mảng đứng sau hiệu trưởng Bắc là người địa phương . Còn mảng kia đồng tình với Nguyên trong nhiều công việc .
( Còn tiếp )
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Truyện : Hoa núi
-5-
Chủ nhật . Toàn trường vào rừng kiếm củi gây quỹ . Thày trò mỗi người đeo một con dao quắm sau lưng . Mỗi tổ học sinh mang một rìu bổ củi . Tất cả leo trên đường mòn như một đoàn quân vào trận . Đến đỉnh dốc , đoàn người tỏa theo mọi hướng để tìm cây . Học sinh với đôi chân trần cứ thoăn thoắt trên đá như đi trên cầu thang nhà sàn . Các thày bước từng bước rụt rè trên đôi dép lốp . Nam nhờ có đôi dầy ba ta cũ của một phụ huynh cho mượn nên đi lại cũng đỡ khó khăn hơn .
Loại gỗ dùng làm củi phải chắc và đượm lửa . Hai thứ cây đạt được yêu cầu này thường là nghiến và mạy pun . Với những dụng cụ nhỏ mang theo , thày trò không thể đụng vào những cây lớn . Rìu chỉ hợp với cây nghiến bằng vế đùi . Còn dao quắm dùng hạ mạy pun là vừa . Nhóm của Nam gồm ba người , trong đó có một nữ sinh Hoa là Trần Túng Dì . Dì có khuôn mặt đẹp với đôi mắt biết nói . Hai bím tóc vừa đủ gác lên đôi vai mảnh . Cổ áo hoa đứng tôn gương mặt thanh tú trông không khác bức chân dung con gái Tầu vẽ trên giấy lụa .Vừa chặt cây em vừa kể một câu chuyện của chính mình làm cả nhóm cười ngặt nghẽo . Năm trước , khi còn học cấp hai . Một thày giáo dưới xuôi mới lên , trong một buổi lao động thày ghi tên
những người có mặt . Đến lượt em , thày hỏi :
- Tên em là gì ?
- Tên em là Dì ! Em trả lời rất rõ ràng . Thày nhíu mày hỏi lại :
- Tên em là gì ? Em lại thưa :
- Tên em là Dì ạ ! Thày cao giọng tỏ ra khó chịu :
- Tôi hỏi em hay em hỏi tôi ? Lúc đó em mới vỡ lẽ và nói rành rọt :
- Dạ thưa thày tên em là Trần Túng Dì ạ ! thày trò cùng cười xí xóa .
Vừa làm vừa trò chuyện , quên hết mệt mỏi . Khi những bó củi được tỉa tót gọn gàng đẹp mắt chuẩn bị lên vai thì ngửa trông mặt trời vừa đứng bóng . Đoàn người lại chẩy xuống núi như một dòng nước . Dưới ánh nắng mùa đông mà ai nấy mồ hôi cứ từng giọt lăn trên má và vai áo ướt dầm như phải nước mưa .
( còn tiếp )
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Truyện : Hoa núi
- 6 -
Trường dự định tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ để gây quỹ . Bảo chọn vở “Con gái Viên đại úy” dựng cho đội kịch . Phần ca hát , Nam dựng màn hợp xướng hai bài . “Ca ngợi tổ quốc” và “Tiếng hát Biên thùy” cùng một số ca khúc chống Mỹ xen với ca khúc anh tự viết . Mảng múa Nam phải nhờ một cô giáo cấp hai người dân tộc Dao giúp cho . Trong đó Dì là lá trầu mặt của nhóm múa .
Ngày công diễn càng đến gần . Việc tập tành càng khẩn trương .Nhiều khi phải tập cả buổi tối . Hôm ấy , sau buổi tổng duyệt Lan và Dì nán lại về phòng Nam chơi . Hai em mang sẵn ít trái cây . Nam cũng lôi ra chút bánh kẹo . Thế là thành một cuộc liên hoan nhỏ . Đội kịch hôm nay có nhờ một đạo diễn chuyên nghiệp của ty văn hóa góp ý . Ông này quê ở bản gần thị trấn , lại có con đang học tại trường nên rất nhiệt tình . Ông hứa đêm công diễn thế nào cũng về dự . Nam xoay bàn đặt giữa giường và chiếc ghế đẩu làm việc của anh . Hai nữ sinh ngồi mép giường đối diện với Nam . Cũng những loại quả anh thường ăn chung với Bảo nhưng sao tối nay Nam thấy ngon hơn , đậm đà hơn nhiều . Thày kể chuyện đồng bằng . trò nói về quê núi . Xen trong câu chuyện có cả những nỗi riêng tư , những băn khoăn và ước vọng . Lời nói , tiếng cười chỉ vừa đủ làm ấm một căn phòng nhỏ . Chủ yếu nói cười bằng ánh mắt và những cử chỉ tế nhị nhưng sự thông hiểu lớn
hơn nhiều lần mọi điều đã nói . Nếu Bảo không về , cuộc trò chuyện kéo dài chưa biết đến bao giờ . Trên bàn , các thứ gần như còn nguyên . Nhìn đồng hồ , mới biết đã mười một giờ . Ở cái phố huyện miền núi nhỏ bé , giờ này coi là muộn . Nam nhờ Bảo cùng đưa hai nữ sinh về tận nhà và giải thích cho gia đình yên tâm . Đôi bạn tri kỷ thong thả về trường . Họ dạo gót giữa phố núi hẹp trong đêm khuya dưới ánh trăng se lạnh . Tiếng dép mềm xiết trên sỏi lạo xạo . Nam cảm thấy bước chân mình hình như nhẹ hơn mọi ngày . Đến phòng , Bảo vừa mở cửa vừa buông một câu gọn lỏn :
- Hay thật , tớ phục cậu !
Một trường cấp ba miền núi dám biểu diễn văn nghệ lấy tiền kể cũng bạo gan . Chẳng là mấy tháng trước , theo yêu cầu của huyện , trường tham gia cổ vũ cho đợt tuyển quân mới với một vở kịch ngắn và vài màn múa hát được dư luận khen ngợi . Từ sân khấu , hóa trang , âm thanh đến ánh sáng đều rất đơn sơ , nghèo nàn . Ngay cả váy áo cho nhóm múa cũng phải mượn vải khâu tạm để sau biểu diễn lại tháo ra trả . Má , môi dùng thuốc đỏ trang điểm ...Thế mà vẫn được khen vì người ta thấy con em mình , những thày cô giáo hàng ngày gặp trên đường , ngoài suối lại đang hiển hiện trên sân khấu hóa thân thành người khác . Ăn mặc , nói năng khác , đã khơi gợi tính hiếu kỳ trong họ . Vả lại , cũng dựa vào hoàn cảnh thiếu thốn phương tiện giải trí ở địa phương mà trường đưa ra quyết định này . Gọi là thị trấn nhưng mỗi tháng chỉ được xem phim ngoài trời một hai lần . Hệ thống phát thanh công cộng để nghe tin tức là chính , thứ bẩy và chủ nhật mới phát văn nghệ truyền thanh . Cơ quan huyện cũng chỉ có vài máy thu thanh O- ri- ông- tông , Xi-ông-mao . Trường cấp ba khu vực được cấp chiếc máy thu bán dẫn vỏ gỗ của Xí nghiệp lắp ráp điện tử Hà nội . Chiếc máy này do Nam sử dụng để cả dẫy nhà tập thể nghe . Bởi anh dậy vật lý lại ở phòng chính giữa .
Để chắc chắn có được số tiền gây quỹ như dự tính , trường cử thày trò đi vận động mua vé trước . Đối tượng chính là khu vực huyện . sau đó đến cán bộ thị trấn và những gia đình phụ huynh khá giả . Kết quả thật không ngờ , chỉ sau hai ngày đã thu về nhiều hơn con số dự tính . Thày trò vui vẻ dồn tổng lực chuẩn bị thật chu đáo để không phụ lòng người xem .
Sân khấu dựng ở một góc bãi bóng . Bốn ngọn đèn măng sông sáng rực . Hàng rào chỉ đóng cọc căng dây sơ sài . Nam sinh của lớp mười được
phân công bảo vệ và bán vé .
Khi sân khấu mở màn cũng là lúc tháo khoán cho người xem vào tự do . Dì vừa sắm vai vũ công vừa là người giới thiệu chương trình . Đêm nay em xinh xắn lạ thường . Vì thế mọi người đều bỏ qua những động tác ra vào , cử chỉ chào hỏi còn ngượng ngùng , những câu nói đã ghi trong giấy nhưng vẫn chưa lưu loát . Mỗi lần em xuất hiện tiếng vỗ tay rộ lên khiến một lát mới nói được . Lĩnh xướng trong các hợp xướng là Nguyên , với giọng nam trung ấm áp và Lan , giọng nữ cao trong sáng . Nam trực tiếp chỉ huy cả hai bài hợp xướng . Trong bộ cánh trắng quen thuộc , không có áo đuôi tôm nhưng trông cũng ra dáng nhạc trưởng lắm . Các tốp ca nam nữ tuy ra vào chưa đồng bộ nhưng do tập luyện kỹ nên hát đều và rất khớp nhạc . Vở kịch được tán thưởng rõ rệt nhất . Cứ sau mỗi lớp , tiếng vỗ tay lại kéo dài hàng phút mới ngớt . Thày Toản nhập vai Đại úy rất có hồn . Tuy trang phục sĩ quan quân đội Sài gòn không có , phải mượn quân phục Miền Bắc rồi dán giấy tạo dáng nhưng mọi người đều tấm tắc khen . Ông đạo diễn của ty văn hóa cũng phải công nhận diễn xuất gần bằng quân chuyên nghiệp của ông .
Buổi diễn kết thúc . Việc thu dọn đã giao cho từng lớp . Những người tham gia biểu diễn được về trước . Họ về văn phòng nước non , trò chuyện đến gần nửa đêm mới chịu giải tán . Nam và Bảo đặt mình lên giường , đồng hồ đã chỉ một giờ sáng . Hôm nay là chủ nhật nên hai người con rì rầm lúc lâu sau mới ngủ .
Hai chàng trai thức dậy vào lúc mọi người rủ nhau ăn cơm trưa . Nam xuống bếp nhận hai suất cơm về phòng vì chưa muốn ăn . Trong đầu anh vẫn như văng vẳng tiếng đàn , lời ca . Dư âm của những buổi tập luyện và biểu diễn tối qua . Vừa lúc Lan và Dì đến hỏi mấy việc còn lại liên quan tới buổi diễn hôm trước. Bốn thày trò lại quây tròn quanh chiếc bàn gỗ mộc nói cười vui vẻ xung quanh chuyện múa hát , kịch cọt . Nam lâng lâng trong một cảm giác mơ thực lẫn lộn . Anh thấy trước mặt mình Lan và Dì không chỉ là học sinh mà còn có gì gần gũi hơn , gắn bó hơn . Một trạng thái tâm lý mà từ trước hình như chưa có .
( Còn tiếp )
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Truyện : Hoa núi
-7-
Trường tiếp nhận một đoàn sinh viên thực tập của Đại học Sư phạm khu tự trị do ty giáo dục gửi xuống . Tổ tự nhiên nhận mười giáo sinh .Nhóm vật lý có ba người do Nam trực tiếp hướng dẫn . Sau buổi ra mắt và tiếp xúc với toàn hội đồng , họ kiến tập một tuần rồi trực tiếp thực tập giảng dậy ba tuần lễ nữa . Theo lịch trình làm việc, người đầu tiên mà cả đoàn dự giờ giảng mẫu là Nam . Đối với anh việc này không hề gây chút xáo trộn tâm lý nào . Từ khi còn học ở đại học , trong các đợt tham gia kiến tập hay thực tập , anh vẫn được thày chỉ định giảng mẫu cho các bạn dự rút kinh nghiệm .
Nam chọn một lớp không xuất sắc , lớp tám , và chọn một bài theo đúng trình tự chương trình , bài Động cơ phản lực , để thao giảng . Với cơ sở vật chất nghèo nàn như trường miền núi này, để có giáo cụ trực quan cho bài giảng sinh động vô cùng khó khăn . Nam dùng Clo - rát Ka - li của phòng thí nghiệm , ra phố chợ mua diêm sinh , còn than xoan tự đốt trộn lại với nhau làm thuốc đẩy . Bài giảng của Nam thực hiện mọi bước đều hợp lý . Thày trò cùng làm việc sinh động . Ghi bảng gọn gàng , để lại mô hình cấu trúc của kiến thức một cách khoa học . Khi tiếng kẻng hết giờ vang lên là lúc quả tên lửa minh họa vút qua cửa bay sang mái nhà dẫy bên kia .
Trong bữa cơm chiều hôm ấy , Dung , một thực tập sinh môn văn , ngồi cùng bàn , cười nói với Nam :
- Anh giảng vật lý mà cứ như giảng văn ấy !
- Liệu có quá lời không ?
- Em nói thật đấy . Dắt dẫn mạch lạc đã đành rồi . Ngôn từ khoa học mà anh gửi hình ảnh vào rất khéo . Chẳng hạn “Khi tên lửa vút khỏi tầng mây xanh cuối cùng , không còn người láng giềng là không khí nữa , tự nó cứ lao đi , lao đi trong mênh mông ...” . Nam không ngờ một cô giáo văn chương tương lai lại chú ý đến bài giảng vật lý của anh đến nhường ấy .
Tuy hướng dẫn nhóm vật lý nhưng Nam có vẻ thân nhóm văn hơn . Trong nhóm này có những người như Dung , Ngân , Hạnh hát hay , múa giỏi lại biết nói chuyện vui . Cả ngày họ ríu rít cùng nhau như bầy chim non đang tập bay chuyền . Điều quan trọng là họ cũng có vẻ gần gũi Nam hơn mức bình thường .
Hôm nay chủ nhật , Nam cùng hai nhóm lý và văn rủ nhau đi săn . Họ mượn hai khẩu súng thể thao TZ8 của trường . Mượn dầy ba ta và chuẩn bị nước uống , bánh trái cho một ngày đi rừng . Một buổi sáng thật đẹp trời . Gió thổi nhẹ qua những đồi sim đang bung hoa tím ngắt cả một vùng . Lác đác có những cây kết trái sớm đeo chùm quả xanh lung lay theo gió . Thỉnh thoảng cũng gặp những quả đã chín , tím mọng hơi sương . Nhóm lữ khách vấn vương với cảnh sắc ban mai của thiên nhiên kỳ thú cùng những trái cây đung đưa mời mọc chưa nỡ dời chân bước tiếp . Đàn bướm đủ mầu sắc luyến quanh đài hoa cùng vài con chim sâu , chào mào kiếm ăn buổi sớm trộn vào tốp người cùng ríu ran trong đồi sim tắm nắng . Chừng đến giữa buổi tốp thợ săn danh dự mới tiến vào rừng . Dung bắn trượt một con sóc nhỏ cứ xuýt xoa mãi . Ngân bị một con vắt bám vào tay hét ầm lên . Nam cũng bắn chệch mục tiêu mấy lần . anh chữa ngượng :
- Hôm nay ra ngõ gặp ... ai mà tay chân lóng ngóng quá !
- Không phải đâu , chắc là anh ...cử động quá đó thôi !
- Tại cái Dung đấy !
Mọi người cùng cười với câu nói của Hạnh . Dung không nói gì , mặt cô hơi đỏ lên chạy đến đấm thùm thụp vào lưng Hạnh . Họ dừng chân bên dòng suối trong vắt chảy ngang trước mặt . Hình như có hai nhóm người gặp nhau nơi mép nước . Nhóm trên bờ cười nói ríu ran . Nhóm dưới nước cứ lặng yên lung linh , lung linh . Ai đó cất tiếng hát nhẹ hòa vào tiếng suối róc rách .
- Suối Mơ bên rừng thu vắng .
- Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
- Ngày chưa đi ...
Cứ thế , lời tiếp lời , hát cho đến hết bài rồi lại quay về từ đầu như thể nhờ giai điệu và ca từ nói giùm tâm trạng của cả nhóm .
Những quả trứng vàng rơi từ mặt trời qua kẽ lá xuống thềm cỏ đã có phương đứng thẳng . Mọi người trải ni lông ăn trưa và nghỉ . Tấm vải nhựa bập bềnh trên thảm cỏ xanh bên bờ suối vắng nhanh chóng đưa họ vào giấc ngủ thần tiên .
Tiếng gà rừng gáy cất lên từ đâu đó làm mọi người bừng tỉnh . Họ xuống suối rửa mặt , té nước vào nhau , cười đùa thỏa thích rồi mới tiếp tục vượt suối tiến sâu vào rừng . Theo hướng chỉ của anh chàng nghe thấy tiếng gà gáy trước tiên . Cả đoàn quyết tìm bằng được chú gà đã đánh thức họ làm bia xạ kích . Loanh quanh đi mãi chẳng thấy gì , trước mặt hiện ra con đường lớn trở về thị trấn . Họ nhìn nhau cười vang rồi ngược đường trở về vì chiều cũng đã xuống . Ra đi lỉnh kỉnh , trở về tay không nhưng nét mặt mọi người đều phấn chấn vì thứ mà họ mang về không gì sánh bằng . Niềm vui .
( Còn tiếp )
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Truyện : Hoa Núi
-8-
Nhà trường quản lý học sinh ngoài giờ bằng cách lập các nhóm học tập . Mỗi nhóm cử nhóm trưởng và đăng ký địa điểm học cụ thể . Những học sinh ở ký túc xá buổi tối lên lớp ngồi học theo nhóm . Gọi là ký túc xá cho đúng tên thế thôi , thực ra chẳng có trang bị gì . Ngôi nhà năm gian ngăn đôi
bằng liếp lá . Nữ hai gian , nam ba gian . Mỗi bên một dẫy giường chung . Khoảng trống để hòm xiểng , bát đũa , củi đóm và xe đạp . Một căn bếp nhỏ nằm vuông góc với nhà ở , cứ mỗi trưa mỗi chiều lại nghi ngút , mù mịt khói cay xè cả mắt . Thế mà tiếng cười cứ khúc khích , tiếng hát cứ ngân nga .
Tối thứ bẩy và ngày chủ nhật những em không về nhà lấy gạo hay vào rừng kiếm củi rủ nhau Sli , Lượn ,Giá hai hoặc chơi Lài cỏ . Khu tập thể nho nhỏ nằm ở góc núi sôi động chẳng kém bất kỳ nơi ở đông người nào .
Buổi tối Nam và Bảo thường cùng nhau đi thăm các nhóm học sinh . Vừa để quản lý , vừa giúp các em giải đáp thắc mắc , cũng là để làm giầu thêm vốn hiểu biết phong tục tập quán , con người ở vùng mới quen biết này . Thông thường các anh vòng qua thị trấn , qua lớp học thăm các nhóm nội trú rồi mới về soạn bài , chấm bài , hòa vài bản nhạc trước khi đi ngủ .
Nhóm học sinh mà Nam ưu ái giành nhiều chăm sóc hơn là nhóm nữ của Nhung , Nịt và Ôi . Không hẳn vì các em hồn nhiên , xinh xẻo mà do trong nhóm có nhiều hoàn cảnh đáng quan tâm . Nịt nhiều năm sống ở bên kia biên giới , học hành không liên tục , nói tiếng Việt chưa thật chuẩn , kiến thức hổng nhiều ở tất cả các môn . Nhung là con lớn của một đại tá người dưới xuôi lên chiến khu từ thời chống Pháp , hiện đang chiến đấu trên chiến trường B . Mẹ là người Nùng , một mình xoay xỏa nuôi bốn chị em Nhung với số công điểm hợp tác thất thường do hay đau yếu . Nhung phải giúp mẹ chăm sóc các em , đôi khi cả việc đồng áng . Tuy được địa phương giúp đỡ , bố em cũng để lại phần lương của mình nhưng khó khăn vẫn chưa hết đeo bám gia đình . Thiếu vắng tình cảm của người cha nên trong đôi mắt đen tròn thông minh trên gương mặt bầu bĩnh thơ ngây của em phảng phất nét buồn xa xăm . Nhung không có đủ thời gian tự học nên kết quả bị hạn chế .
Mỗi lần thăm học sinh về , Nam và Bảo thường ghé vào quán đêm của chú Thín Và ăn bánh trôi bánh chay . Buổi tối mùa đông , ngồi trong quán ấm áp , hai tay ôm bát bánh nóng hổi , nghi ngút khói , tỏa mùi thơm cay của gừng . Nam nhâm nhi hết từng chút khoái cảm , ăn ngon lành từng viên , từng viên . Vào những ngày hè , hai chàng trai lại có cái thú nhờ Bá Mằn chuẩn bị cho một bữa riêu cua rau sống . Bá làm cấp dưỡng trong trường . Là người Nùng Háng gốc Hoa nên có tài nấu nướng . Con dao bầu to tướng này dùng mổ cá vụn thật phí . Cái bếp tập thể giáo viên với hai chục người ăn còn biết xoay xỏa thế nào để sử dụng hết mười vân hoa trên tay Bá . Những buổi tối gió núi nhẹ nhàng lướt qua mát dịu . Ngồi trước chiếc mâm nhôm đầy ắp xà lách , rau mùi , rau ngổ ...cùng đĩa chanh ớt và hai tô riêu đặc sệt gạch cua vàng rộm . Mùi thơm của bỗng rượu theo khói xông lên mũi , Nam như sống lại thời còn mẹ ở quê nhà .
Tối chủ nhật , nhiều khi học sinh từ nhà đến ký túc xá mang theo bánh trái , đặc sản địa phương . Các em thường mời Nam và Bảo xuống cùng dự vui . Mỗi lần như vậy , ngôi nhà nhỏ lại như có một cuộc liên hoan nhẹ , đơn giản ấm áp tình thày trò , xuôi ngược .
( Còn tiếp )
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook Trang trong tổng số 23 trang (229 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối