Trang trong tổng số 6 trang (58 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Nhjm Cô Đơn, Ái Vy: những vấn đề các em nêu lên trên kia đều là những suy nghĩ chân thành khi chứng kiến sự nhiễu nhương của cái ác cũng như những điều được và chưa được, chưa tới của mỗi xã hội mà các em đang sống. Không thể có sự tuyệt đối ở bất kỳ đâu. Nếu kể ra, chúng ta cũng sẽ không bao giờ kể hết, phân tích cũng chỉ chừng mực trong nhận thức và hiểu biết có giới hạn của mỗi một chúng ta mà thôi. Vậy nên, hãy dừng lại ở đây đã nhé? Các em hãy xem như chúng ta nêu ra vấn đề, chúng ta suy nghĩ, chúng ta cảm nhận... Và sẽ cảm nhận tiếp, sẽ tìm ra cái mà chúng ta cần nghĩ, cần làm tiếp theo ở "ngoài kia"-nơi mỗi chúng ta đang sống- cũng như trong bước đường tương lai của mỗi một cá nhân... :)

Bạn letam nhắc nhở cũng có phần đúng. Có lẽ ý của bạn ấy là chúng ta nên tạm dừng để sự tranh luận đừng đi vào chỗ quá gay gắt trong một chủ đề thiên về những vấn đề nuôi dạy con cái, bảo vệ trẻ em... :)

Cảm ơn các em!:x

NT
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Trước hết cho phép ĐN xin lỗi vì không phải làm mẹ mà lại vào có ý kiến ở chủ đề này, "dưng mà" thế này thì có vẻ hơi bị...mất bình đẳng, có chủ đề "Làm mẹ, chúng ta nghĩ như thế nào?", mà lại không có  chủ đề "Làm cha, ta nghĩ gì?" để vào bàn luận, thành ra đọc các bài của các bậc làm mẹ mà không có dám vào bàn luận thêm...vì đây là "Góc dành cho chị em" mà. hay là thêm chữ "Làm cha mẹ, chúng ta nghĩ như thế nào?" cho rộng đường anh em có cớ góp chút ý kiến? Thực ra phái nam cũng đã có chủ đề..."Cấm đàn bà" với mong muốn của chủ topic chắc là để anh em thoải mái...tán gẫu, song vừa trương biển cấm lên thì...toàn các mẹ vào thăm và lên tiếng.
Cảm ơn Nguyệt Thu đã có ý đề nghị tạm dừng tranh luận thêm về các ý kiến đang có nhiều sự không đồng thuận. Bản thân ĐN và một số bạn hữu là cựu chiến binh và đang tại ngũ khi đọc các dòng của Vịt anh và Nguyệt Thu về bên địch bên ta cũng có những bức xúc và trăn trở thực sự, nhưng cũng đã không tranh luận gì thêm để tránh đi xa mục đích của "những vấn đề nuôi dạy con cái,bảo vệ trẻ em..." mà chủ đề hướng tới (tuy suy cho cùng bồi dưỡng ý thức công dân cho lớp trẻ cũng không thể bỏ qua các bài học lịch sử cũng như các vấn đề mang màu sắc chính trị v.v...),có nhiều vấn đề các bạn nêu ra rất đáng để tranh luận, nhưng lại nên đưa vào các diễn đàn thiên về chính trị thì hợp hơn và có đất rộng hơn để các bạn gieo trồng, chăm sóc...Thôi thì cũng mạo muội góp vài dòng suy tư cá nhân. Rất mong các bà mẹ bỏ quá cho nếu có điều gì chưa được vừa lòng.

vịt anh đã viết:
Ở đâu cũng vậy,không có gì có thể trọn vẹn hết được.Ranh giới giữa cái thiện và cái ác ở đời cũng rất mong manh.Các cuộc đánh bom ở Iraq,Afghanistan,...khiến nhiều người vô tội phải chết nhưng cũng khiến chính quyền bù nhìn bất ổn,khiến cho kinh phí để đóng quân của Mỹ ngày càng nặng nề.Rồi có lúc Mỹ cũng sẽ phải rút hết quân.Rất nhiều người dân vô tội phải chết,đổi lại đất nước đòi lại được tự chủ.

Nó cũng có khác mấy đâu so với nước Việt mình ngày xưa.Đều là người Việt mình cả,một bên bị gọi đi lính Nguỵ, một bên tham gia bộ đội,một bên gọi là quân địch,một bên gọi là quân ta.Những người lính bị cho là địch đó liệu có tội không? Họ vô tội,cấp trên của họ mới có tội,và họ cũng phải chết như những thường dân bị đánh bom vậy

Hình như Vịt hơi lạc đề thì phải :P
Nguyệt Thu đã viết:
Chị cũng rất sợ chiến tranh!!!:(

Sợ tiếng boom đạn, sợ cả ánh hỏa châu, sợ những chiếc máy bay thả chất độc màu da cam ở miệt rừng núi mà mùi của nó bay về tận thành phố-lúc bé xíu, tụi chị cứ chun mũi hít hà: mùi ổi chín đâu mà thơm thế.:P May sao được người lớn giải thích: mùi "thuốc khai quang" đấy, đừng có dại mà hít! :(

Sợ cả sự bạo tàn mà con người bắt buộc phải quen đi...

Sợ những chuyến máy bay mang về thành phố những chiếc hòm kẽm bên trên phủ cờ... người thân gào khóc, tang chế não nùng.

Sợ phải chứng kiến cảnh những gương mặt thanh niên non trẻ, mắt nhắm nghiền, tắt nhịp thở, còn giữ nguyên những nét màu vẽ ngụy trang, của những người lính đặc công "phía bên kia"  bị trúng mìn gài khi họ bò qua các lớp tường thành, xâm nhập vào Thành Nội, bị "quân ta" đem phơi bên vệ đường để "thị chúng". Dù họa hoằn lắm nhưng mãi là dấu ấn hãi hùng trong trí óc bé thơ! :(

Sợ đến rùng mình trước những hình ảnh tang thương của các xác người bị bắn nằm sắp lớp hoặc chồng chất lên nhau; những tấm ảnh chụp các em bé bị boom napal đốt cháy trần trụi, bỏng loang lổ cả người!

Chị sợ tất những thứ ấy!!!:(

Và như em, như rất, rất nhiều người khác, chị muốn được thanh bình, an lành cho mình, cho người thân, quen, tất cả... :)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Cây roi và kỷ cương quốc gia

Dân chủ là cơ hội lớn nhất cho mỗi thành viên trong xã hội đó được tự do phát huy những năng lực cá nhân mình cho sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng chứ không phải là nơi cho mỗi cá nhân thoả mãn thói tuỳ tiện.
Cậu bé Mỹ và 6 roi phạt của Singpore
Đến lúc này, quá nhiều các thầy cô đang lo ngại trong việc không được dùng một số hình thức phạt đối với các học sinh có những hành động vi phạm các quy định của nhà trường hoặc những học sinh hư hỏng trong nhà trường. Nhiều thầy cô đang nói đến quy định "tám không" mà họ phải thực hiện với một sự lo lắng thực sự. Với một vài điều trong quy định này, tôi thấy, chúng ta đang có nguy cơ rơi vào một phía khác của tính cực đoan.
Cách đây nhiều năm, báo chí Việt Nam đưa tin một cậu bé người Mỹ 14 tuổi đã xịt sơn lên kính một chiếc xe hơi ở Singapore. Chính quyền Singapore đã quyết định phạt cậu bé người Mỹ kia 6 roi. Đấy là luật của Singapore. Chính quyền Mỹ đã trực tiếp can thiệp để cậu bé người Mỹ không phải bị phạt roi. Nhưng chính quyền Singapore đã không chấp nhận lời đề nghị đó.
Việc không chấp nhận tha cho cậu bé người Mỹ kia 6 roi phạt không phải vì bất cứ lý do trục trặc gì về chính trị hay ngoại giao giữa hai nước. Mà bởi, nếu Chính quyền Singapore tha cho cậu bé người Mỹ kia thì nghĩa là kỷ cương của quốc gia Singapore bắt đầu vết nứt đầu tiên. Khi Chính quyền Singaporre không phạt roi cậu bé người Mỹ mắc lỗi thì sẽ không thể phạt tất cả những cậu bé Singapore mắc lỗi.
Đừng nghĩ việc tha phạt cho một cậu bé là chuyện nhỏ. Mầm loạn sẽ bắt đầu từ đây.
Người đàn ông Việt và cây roi của mẹ
Tôi lại nhớ đến một câu chuyện về chiếc roi trên một tờ báo Việt Nam đã lâu. Câu chuyện kể về một người đàn ông sinh sống và làm ăn ở nước ngoài nhiều năm. Khi mẹ ông ốm nặng, ông bay về nước với mẹ. Ông thấy dưới mái hiên nhà mình ở quê vẫn cài một chiếc roi tre.
Trước kia, ở nông thôn nhà nào cũng có một chiếc roi cài ở đó. Khi một đứa trẻ mắc lỗi, người mẹ hoặc người cha rút roi bắt đứa trẻ nằm sấp và nói: "Tội của con bị phạt 3 roi. Giờ mẹ chỉ đánh một roi. Còn 2 roi mẹ cho nợ để con nhớ mà sửa chữa. Nếu con còn mắc lỗi mẹ sẽ đánh đủ số roi".
Người đàn ông kia cũng đã từng mắc lỗi và được mẹ ông cho nợ 2 roi. Ông về đến quê được mấy ngày thì mẹ ông mất. Khi đặt thi thể mẹ ông vào áo quan, ông lấy chiếc roi cài dưới mái hiên đặt vào áo quan, khóc và nói: "Mẹ ơi, con còn nợ mẹ 2 roi. Con để chiếc roi này theo mẹ, để khi con về với mẹ mà con vẫn hư thì mẹ đánh phạt con đủ số roi mẹ ạ".
Câu chuyện trên thật xúc động và thật sâu sắc. Nó cho thấy kỷ cương của một gia đình hay một quốc gia không được phép xem nhẹ. Nó cũng cho thấy cách giáo dục vừa nghiêm minh vừa đầy tình thương của người lớn hay của xã hội đối với những đứa trẻ mắc lỗi.
Hạnh kiểm của học sinh bây giờ đang được báo động ở cấp cao nhất. Những vụ học sinh đánh thầy cô vừa qua đôi khi được lý giải là vì thầy cô thế này thế nọ với học sinh nên học sinh mới hành xử như thế. Chúng ta phải giã từ ngay cách lý giải này. Tất nhiên, hành động đánh học sinh là hành động không được phép.
Kỷ cương với trẻ tới kỉ cương quốc gia
Trong bài Giáo viên " Tám không" trên Vietnamnet có những cái KHÔNG vô lý mà các thầy cô phải thực hiện. Tôi chỉ đưa ra một trong "Tám không" đối với thầy cô là: Không được đuổi học sinh ra ngoài. Điều này không ổn.
Chúng ta tưởng rằng làm như vậy là biểu hiện tình thương yêu và lòng tôn trọng với học sinh ư? Việc yêu cầu một học sinh phải ra khỏi lớp học khi học sinh đó có những hành động và lời nói vô kỷ luật và vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng đến lớp học vẫn được áp dụng ở cả các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới.
Thực tế cho thấy, hầu hết những đứa trẻ hư hỏng hoặc phạm tội là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình thiếu kỷ cương. Điều này thì ai cũng hiểu. Những gia đình hoặc bỏ rơi con cái hoặc chiều chuộng con cái quá mức đều là những gia đình không có kỷ cương.
Nhiều giải pháp trong giáo dục đạo đức đối với học sinh của chúng ta hiện nay cho thấy chúng ta vô cùng lúng túng. Học sinh kêu quá thì chúng ta nghiêng về phía học sinh. Phụ huynh kêu quá thì lại nghiêng về phía phụ huynh. Tình trạnh này phát sinh từ nguyên nhân chúng ta không có một nền tảng giáo dục đạo đức cơ bản và khoa học.
Khi chúng ta có những nguyên tắc được xây dựng trên một nền tảng giáo dục đạo đức cơ bản thì nó trở thành luật pháp và mọi người phải làm theo.
Tôi muốn nói lại một số hình thức phạt học sinh trong nhà trưởng ở nước ta trước kia để chúng ta có thể so sánh và suy ngẫm chứ không phải là thói cổ hủ Trước kia, chúng tôi đi học đã từng bị thầy cô phạt cho ra khỏi lớp hoặc đứng ở góc lớp. Nhưng cho đến bây giờ, những thầy cô trực tiếp phạt chúng tôi như thế vẫn đọng lại hình ảnh đẹp và xúc động trong lòng chúng tôi cùng với sự biết ơn của chúng tôi đối với các thầy cô đó.
Ông cha chúng ta đã nói: "Yêu cho vọt, ghét cho chơi" hay "thuốc đắng giã tật..." Những hình phạt như thế là một trong những cách cho những người có lỗi ghi nhớ lỗi của mình và tìm cách sửa chữa để sống tốt hơn và có trách nhiệm hơn với cộng đồng của mình.
Ngay cả đối với người lớn thì kỷ cương của chúng ta cũng không được nghiêm minh cho lắm. Có những cán bộ vi phạm đạo đức hay luật pháp bị kỷ luật bằng hình thức chuyển đến một vị trí quản lý khác tương đương và thậm chí cao hơn. Hình phạt ấy không những không răn đe được những người có lỗi, có tội kia mà ngược lại gián tiếp "khuyến khích" lối sống và cách làm việc vô trách nhiệm và vô kỷ luật của những cán bộ đó và những cán bộ chưa vi phạm.
Trong gốc rễ của những hình phạt là tình thương yêu con người và trách nhiệm với sự phát triển nhân cách của con người. Một trong những mục đích mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng là một xã hội dân chủ. Và dân chủ là cơ hội lớn nhất cho mỗi thành viên trong xã hội đó được tự do phát huy những năng lực cá nhân mình cho sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng chứ không phải là nơi cho mỗi cá nhân thoả mãn thói tuỳ tiện.

TuanVietNam.net
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

vịt anh

@Huynh Đồ Nghệ:Vịt xin lỗi,lúc đó định bụng sẽ xoá sau nghĩ sao lại không xoá nữa.Những vấn đề như vậy quả là không nên đề cập ở đây,lần sau Vịt sẽ chú ý hơn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nam thanh trường

Mẹ sẽ là nhành hoa
Cho con cài lên ngực...
Ta không điên được như người
Một hôm hoá đá giữa đời. Dầm mưa...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

NT không hiểu bạn ĐN trích dẫn lại ý kiến của NT để làm gì? Bạn có gì định chỉnh huấn NT chăng? Bạn có chắc là bạn hiểu đúng ý của mình không mà nhắc đến tên mình trong bài post của bạn vậy?
Ở đây, ai cũng chỉ nói lên ý kiến mình với tư cách cá nhân thôi, NT nghĩ vậy. Chả lẽ chỗ này mà cũng có hội này hội kia để góp ý, phê bình ư? Lạ thật đấy!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

@Về bài "Cây roi và kỷ cương Quốc gia"

Em xin phép chị Nguyệt Thu và chị letam, mạn bàn về việc này. Tự cho là người quan tâm đến giáo dục, em theo dõi khá kỹ các bài viết và tranh luận trên VNN xung quanh cái roi. Dù bàn ra tán vào thế nào đi chăng nữa, em vẫn cho rằng, việc đánh con, đánh trò, rồi hình thức đuổi trò ra khỏi lớp, cho nghỉ học... là thể hiện sự bất lực của người lớn. Đương nhiên, em rất nhớ ngày bé cũng từng bị ăn roi, và đó từng là 1 phương pháp giáo dục của ông cha ta, nhưng thời đại bây giờ đã là thế kỷ 21 rồi, mà vẫn khăng khăng một phương pháp ấy, thì thật là đáng phải đặt câu hỏi.

Chuyện giáo dục nó là cả một câu chuyện dài, có lịch sử của nó với quá khứ, hiện tại, tương lai. Đôi khi không biết nên bắt đầu từ đâu cho phải. Học sinh hỗn láo, thày cô giáo không thể không áp dụng biện pháp mạnh - đâu là hệ quả? Giống như kiểu con gà có trước hay quả trứng có trước ấy! Cách dạy chưa đúng dẫn đến ta có được một kết quả là những trẻ bướng, trẻ ngỗ nghịch, trẻ bị liệt vào đạng cá biệt. Sự hỗn hào của chúng lại dẫn đến việc Thày cô giáo ko thể áp dụng bất kỳ phương pháp nào "khoa học" hơn, vì chúng "đổ đốn" ra rồi còn đâu... Huhu... Thế thì có bàn cãi đến Tết cũng không giải quyết được vấn đề.

Em xin phép đưa vào đây một bài viết về cái roi - của em-  đã đăng báo Mẹ và Bé. Viết theo kiểu đặc trưng dành cho phụ huynh Mẹ và Bé nên nó hơi cứng, không phải bài báo đơn thuần...
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Yêu cho roi cho vọt…?

Gần đây, rộ lên câu chuyện «Thày đánh trò» ở khắp các mặt báo. Có báo còn đăng hẳn diễn đàn «Có nên dạy trẻ bằng roi vọt ?». Lạ thay, có đến 67% người giơ tay ủng hộ việc yêu bằng roi thương bằng vọt này. Nhân ngày 20-11 sắp đến, tôi cũng muốn mạn phép bàn đôi chút về chuyện này với bạn đọc Mẹ và Bé, hy vọng tìm được người đồng cảm.

Có ba câu chuyện tôi được chứng kiến như thế này, đều là câu chuyện những cái roi...

Câu chuyện thứ nhất:

- Nam, con nằm xuống đây... Con có biết hôm nay con có lỗi gì chưa ?
- Rồi ạ. Con hiểu rồi bố ạ. Con để em trong nhà mà bỏ đi chơi, như thế là rất nguy hiểm, không có trách nhiệm khi bố mẹ giao cho trông em…
- Con đã hiểu. Vậy bố đánh con ba roi để con nhớ. Việc này, bố mong con không lặp lại nữa. Cứ nghĩ đến lúc có thể có chuyện xảy ra với em, là bố mẹ đã run cả lên rồi!

Ba roi. Một chút nước mắt. Và gương mặt hối lỗi của cậu con trai.

Câu chuyện thứ hai:

Lãm, 6 tuổi, gào lên, khóc váng cả khu nhà. Mẹ Lãm dùng thước thợ may, quật túi bụi vào Lãm. Cậu bé nhảy như choi choi để tránh đòn, gào: “Con sợ rồi… Con xin lỗi mẹ!”. Mẹ cậu vừa đánh vừa thở hổn hển: “Lần sau còn như thế nữa, tao đánh chết, hiểu chưa?”. Hỏi ra mới biết, cậu bé lấy cọc tiền của mẹ để trên bàn chưa kịp cất, mang xuống nhà… cho các bạn! Sau trận đòn, Lãm ngơ ngác, như chưa hiểu chuyện gì xảy ra.

Câu chuyện thứ ba:

Theo Tuổi trẻ online, ngày 22-10, tại phiên họp hội đồng giáo viên, ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Hiền (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) công bố quyết định kỷ luật giáo viên Võ Hồng Tân với mức độ "cảnh cáo toàn trường" thời gian một năm vì đánh học sinh, trong đó có một học sinh bị thủng màng nhĩ. Ông này đã dùng nhánh cây và tay đánh gần 20 học sinh của trường, trong đó em Nguyễn Cảnh Phúc (học sinh lớp 7/1) đã bị thủng nhĩ tai trái.

Một phương pháp giáo dục hay sự bất lực của người lớn?

Với câu chuyện đầu tiên, đương nhiên, đó là một phương pháp dạy con của người cha – một trong hàng trăm kiểu phương pháp giáo dục con người khác nhau. Lấy roi vọt và sự trừng phạt trực tiếp vào cơ thể con để tạo ấn tượng mạnh, khiến con phải nhớ để không còn tái phạm, nhưng đồng thời, không quên một điều quan trọng, đó là quyền “được tham gia” của trẻ. Trẻ được biết lý do bị đánh, được phát biểu ý kiến trước khi nhận hình phạt. Ngọn roi có thể đau, có thể vừa phải, nhưng không nặng về số lượng, và không phải là cách bố mẹ hay thày cô dùng để “đánh cho hả giận”.  

Với câu chuyện thứ hai, đó hoàn toàn không phải là một phương pháp giáo dục. Tiếc thay, những trường hợp như thế này quá nhiều trong cuộc sống hôm nay, giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là giữa thày cô giáo và học trò. Cha mẹ nói, con không nghe, thế là nổi điên lên, cầm thước vụt cho thật lực, vụt đến nỗi gãy cả thước vẫn chưa dừng. Cô hỏi, trò không trả lời, hay tỏ ra bướng bỉnh, thế là cứ nhè tai mà véo, thước quật vào chân vào tay, cho thỏa cơn bực mình. Với câu chuyện này, người lớn nhận được hai cái lợi. Thứ nhất là xả được stress: những cơn giận không cần phải kìm nén, cứ trút ra, và nhanh chóng hạ hỏa, lại vui vẻ như thường! Thứ hai là, thằng con hay đứa học trò sợ mất mật, sau này nói gì cũng cum cúp mà nghe – ít nhất thì người lớn cũng nghĩ vậy.

Với trò, có thể có hai cảm giác. Hoặc là phát hoảng lên vì “cơn điên” của người lớn, rút được kinh nghiệm đau đớn về thể xác, sau này tránh không còn tái phạm. Hoặc là ban đầu thì hoảng, nhưng rồi quên cũng nhanh, vẫn tái phạm, cho dù cũng sợ đòn. Lúc bị đánh thì van xin tha lỗi “con chừa rồi, từ nay con sẽ không thế nữa…” ầm ĩ, nhưng sau, đâu lại vào đấy. Người ta gọi dạng trẻ này là dạng “lì đòn”, và xếp vào loại trẻ hư!

Bất luận thế nào, trẻ cũng vẫn nhận được những bài học,, nhưng là bài học dựa trên tâm lý tiêu cực. Chúng có thể sẽ rất sợ thày cô, song xa lánh người thày và không tìm thấy ở thày cô mình một người bạn lớn. Hoặc ngược lại, tiêu cực hơn, chúng sẽ thầm coi thường thày cô, người không có cách nào khác tốt hơn để tiếp cận với chúng mà phải dùng đến roi vọt, người đã không biết kiềm chế cảm xúc và chế ngự cơn giận của mình trước học trò. Kết quả thế nào ở kiểu giáo dục ấy, hẳn mỗi người đều hiểu.

Người ta, khi bất lực, thì thường nổi điên. Thày cô, người lớn, khi không biết giải quyết việc trò lười, trò bướng thế nào, thì nhờ đến đòn roi. Đó phải chăng là cách giáo dục tốt? Một cái véo tay, cái dúi đầu khi trò viết chưa đẹp. Một cái tát khi em bé tuổi mẫu giáo ăn chưa nhanh, đánh đổ canh ra nhà. Một cái véo nhẹ vào mạng sườn, một cái đá vào mông… Thậm chí, có trường hợp, cô giáo còn cho phép Tổ trưởng, lớp trưởng hay học sinh lớn hơn đánh bạn bằng thước kẻ, phạt bạn bằng một hình thức nào đó để “dằn mặt”! Tất cả những điều đó đều được liệt vào hình thức bạo lực học đường, ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ.

Câu chuyện thứ ba – đó là một tội ác! Riêng việc thày cô giáo “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mạnh đến mức trẻ mang thương tật, không thể dùng chiêu bài “giáo dục” để che giấu cho một tội danh “xâm phạm thân thể người khác”, và không thể dùng mức độ “cảnh cáo” thay cho việc chịu trách nhiệm trước pháp luật.


Thời của roi vọt đã qu

Nếu bạn chọn cách dạy con dạy trò bằng roi, bạn lấy uy trước mắt trẻ bằng hình ảnh một ông bố, bà mẹ hoặc một ông thày dữ đòn – đó là lựa chọn của bạn. Nhưng có những nguyên tắc cần nhớ:
- Vị trí “ra đòn” không gây nguy hiểm cho trẻ, hãy chọn phần mềm – mông.
- Hãy tránh tát má trẻ! Đối với một người bình thường, tát má là xúc phạm danh dự, mang lại tổn thương về mặt tinh thần rất lớn
- Trước khi đánh trẻ, phải nói chuyện một cách bình tĩnh về sai phạm của trẻ, để trẻ thấy rằng, hình phạt này có lý.


Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, thời đại mới của thế kỷ 21 không còn là thời của roi vọt, bất kể bạn là người Á Đông hay Âu, Mỹ… Thế hệ trẻ ngày nay, với những cập nhật đầy đủ về tri thức, thông tin… ngày càng ý thức rõ hơn về sự bình đẳng, sự công bằng và đòi hỏi được tôn trọng. Phương pháp giáo dục tốt nhất vẫn là, tìm con đường tiếp cận trẻ bằng trái tim, bằng sự chia sẻ và chấp nhận một đứa trẻ như một cá thể độc lập và đặc biệt trong vũ trụ.

Đặt câu hỏi ngược lại, vậy khi trẻ (bị coi là) hư, hỗn, láo… thì giải quyết thế nào đây nếu không chọn cái roi?

Đương nhiên, không thể trả lời câu hỏi này ngay lập tức, bằng vài ba đề xuất. Đáp án của câu hỏi cũng là điều mà cả một hệ thống giáo dục và khoa học về con người hướng tới. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, trong tâm hồn mỗi một đứa trẻ đều có một con đường tiếp cận riêng, và tìm ra con đường ấy là việc mỗi nhà sư phạm cần đặt ra khi đã quyết tâm chọn nghề này.

Để kết luận, tôi xin kể câu chuyện của riêng tôi.

Ngày tôi còn nhỏ, bố tôi, một quân nhân, cũng rất hay phải dùng đến roi vọt. Đặc biệt, những lần nào tôi cho là ông đánh oan tôi, thì tôi nhớ rất kỹ, nhớ đến tận khi lớn lên, đến tận bây giờ. Tôi còn nhớ, mình đã gắng chịu đau để nở một nụ cười bướng bỉnh ra sao, khiến ông càng nổi nóng. Và chỉ sau khi xong việc, tôi mới trốn vào nhà tắm ngồi khóc một mình.

Từ khi tôi lên 10 tuổi, bố tôi quyết định không dùng đến cái roi nữa. Ông đã dùng một phương cách khác để uốn nắn tôi – đó là cái bút. Mỗi lần tôi có lỗi, ông viết vào một tờ giấy, trong đó ghi rõ, vì sao bố mẹ giận, và theo bố, con phải làm gì. Đi học về, tôi nhặt được tờ giấy trong ngăn bàn. Có thể tôi sẽ tự ái, sẽ bực mình. Nhưng những điều đó nhanh chóng qua đi. Một vài tiếng sau, tôi đã có thời gian để hiểu, bố có lý ở đâu, mình sai chỗ nào. Nếu không phục, tôi … cầm bút, và viết lại một tờ “tường trình” để trên mặt bàn cho bố.

Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, nhưng đó quả là một con đường tuyệt vời mà bố tôi đã tìm ra, để tiếp cận với suy nghĩ, tâm hồn của đứa trẻ bướng bỉnh của người.

Đương nhiên, tôi không cho rằng đó là phương kế hay cho cả những người khác. Đó chỉ là một ví dụ trong vô vàn phương cách để tác động vào tâm tư của một đứa bé – là con của bạn, hay là học trò của bạn cũng vậy.

Riêng với các thày cô giáo, tôi tin rằng, nếu đứng ở vị trí một người cha, người mẹ đối với đứa học trò nhỏ, sẽ không nỡ gây cho trò sự đau đớn về thể xác như những trường hợp chúng ta đã biết gần đây.
Thụy Anh
Tạp chí MẸ&Bé
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Nhjm Cô Đơn đã viết:
Ở nước ngoài, chỉ cần đánh đứa con một lần là đã có khả năng bị ra toà, thậm chí tước quyền nuôi dưỡng.
Ở Việt Nam, đánh đập, hành hạ, đối xử với con mình hơn cả thú vật.. mà chỉ phạt tiền có 1 triệu 500 nghìn VNĐ.

Ở nước ngoài, chỉ cần vài lời nói, hay tin nhắn đe doạ đến tính mạng người khác, là đã bị ra toà, lãnh bản án cấm lại gần người bị hại trong phạm vi 200m trong vòng 1,2 năm. Người lãnh án sau đó không thể tìm được việc làm đàng hoàng ở bất kỳ đâu. Vì sẽ chẳng ai muốn nhận một người có lý lịch như thế...
Ở Việt Nam, cả đám 4,5 người xúm lại đánh đập một người, thậm chí quay cả clip, nhân chứng, vật chứng đầy đủ, thế mà chỉ bị cảnh cáo hay là đuổi học!....

Vì đâu mà mạng người lại bị coi rẻ đến thế....
Trường hợp của Hào Anh và trường hợp nhím cô đơn nói vẫn còn là may. Còn được dư luận và pháp luật sờ đến. Nặng nhẹ gì thì vẫn còn sử. Tôi biết có bà mẹ bị hành hạ suốt cả đời, bị đánh đập liên miên, gẫy cả tay chân. Bà đau đớn, uất hận quá đến mức sắp chết chỉ xin con không chôn cạnh bố chúng-người cả đời hành hạ bà. Mình biết mà chỉ có thể làm một bài thơ để tự giải buồn cho mình thôi:

Di chúc thiêng liêng

Mẹ chết đừng chôn cạnh bố mày
Chịu sao nổi nữa dẫu vài giây
Bạc thua suốt tháng lôi con chửi
Rượu hết cả đêm dựng vợ rầy
Ăn đấm quanh năm xưng mặt mũi
Xơi hèo một thoáng gẫy chân tay
Con ơi hiếu đễ thì ghi nhớ
Mẹ chết đừng chôn cạnh bố mày!!!

Xin hãy lắng nghe lời cầu xin của bà mẹ với các con lúc gần đất, xa giời.TTT
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanui74

Ba đã đi xa 5 năm rồi, HN cũng làm mẹ 14 năm rồi, không còn cái thuở sợ đòn roi như ngày nào.
Nhưng HN chưa bao giờ bị ba, mẹ phạt đòn roi, chỉ cần nhìn vào mắt ba, mẹ là HN biết mình đã sai. Và ánh mắt ấy theo HN suốt cuộc đời.
Để giáo dục một tâm hồn đâu cần đòn roi. Đây là suy nghĩ của riêng HN thôi.
"Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 6 trang (58 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối