Gia đình hòa thuận luôn là một chiếc nôi lý tưởng cho con trẻ lớn lên, hình thành nhân cách. Trong gia đình đó mỗi thành viên luôn quan tâm chăm sóc và tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt. Tất nhiên không thể khẳng định là tất cả những đứa trẻ lớn lên trong gia đình đó đều trở thành con ngoan, trò giỏi và công dân tốt nhưng phần lớn là ít rơi vào hiện tượng hư hỏng.
Bên cạnh đó, nếu môi trường học tập có nề nếp, giáo viên dạy dỗ có trách nhiệm và lương tâm, gương mẫu trong hành xử, giỏi về nghiệp vụ sư phạm; cộng đồng dân cư nơi sinh sống ổn định, ít hiện tượng tiêu cực thì lại càng tuyệt vời hơn!
Nghe thì thấy có vẻ rất lý tưởng nhưng thực ra, đó chính là môi trường thông thường mà nhiều người trong chúng ta từng trải qua và vẫn còn tồn tại trong thực tế hiện nay, trong một chừng mực nào đó. Chỉ tiếc là các "giá trị kinh tế" lại đang chi phối quá nhiều cho cả 3 môi trường đó. Và nó trở thành một tác nhân quan trọng để làm cho con trẻ không còn được lớn lên trong sự "an toàn", cả trong gia đình, học đường và ngoài xã hội. Nói nghe có vẻ bi quan? Nhưng để ý chút, chúng ta sẽ thấy hình như đó là sự thật! Đó cũng là cái "nhân" để cho gia đình, nhà trường, rồi xã hội gặt lấy nhiều "quả đắng": con cái hư hỏng, học sinh ngỗ ngược, xã hội có thêm nhiều tội phạm.
Nhân ý kiến của Vịt Anh, NT tản mạn thêm tí, hoàn toàn là quan điểm cá nhân NT: Ý kiến của Vịt Anh, như các bạn nói, không hề sai. Đó là hệ quả tất yếu của một thế hệ trẻ được lớn lên trong sự chăm lo của bố mẹ, đủ đầy điều kiện kinh tế, được học hành, trưởng thành trong một xã hội mà hệ tư tưởng đã thoáng hơn nhiều về các mối quan hệ trên-dưới trong gia đình, trường học. Tư tưởng "bình đẵng" trong xu thế mới đã lan tỏa khá rộng, đều, đến mọi gia đình, cộng đồng. Và điều cơ bản là Vịt anh-người phát biểu quan điểm cũng đang là tuổi thanh niên-tuổi trẻ. Đặc thù của lứa tuổi này là thích tự do, đặc biệt không thích sự gò bó, ràng buộc và nhiều lời dạy, lời khuyên của bố mẹ dễ được liệt vào loại "giáo điều", "khô cứng", "áp đặt"-kể cả những lời thủ thỉ dịu dàng của mẹ, chứ không phải chỉ có lời thô ráp và đầy mệnh lệnh của ông bố!
NT nhớ ngay cả mình ngày xưa cũng thế, cũng rất khó chịu trước sự quản lý chặt chẽ, quá chặt chẽ đến độ thành khắt khe của lề lối gia đình NT trong việc quản lý và giáo dục con cháu. Thế nhưng khi trưởng thành, chín chắn và đến ngày mình làm chủ của gia đình chính mình, mới nhận ra: tất cả những nề nếp, những dạy dỗ đó của gia đình cần cho mình biết bao nhiêu!
Ông bà mình vẫn có câu: "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ". Khi trở thành người làm cha, làm mẹ, tình yêu và trách nhiệm đối với việc nuôi dạy con cái mới đủ cho ta ngộ ra: ta đang đặt lại bước chân mình vào lối đi xưa của cha mẹ ta! Có tiến bộ hơn chút về sự tôn trọng nhân cách của con trẻ, có gần gũi và dễ chia sẻ hơn chút vì ta học được nhiều hơn về tâm lý thế hệ trẻ từ sách vở, báo chí, các kênh truyền thanh, truyền hình... nhưng nỗi lo cho con cái thì vẫn y chang các cụ bố, mẹ ta xưa! Chính từ cái nỗi lo xuất phát từ tình yêu thương kiểu "cá chuối đắm đuối vì con" mà đến phiên ta lại gieo vào lòng các con ta nỗi khó chịu vì chúng cảm thấy bị ràng buộc vào cái lưới yêu thương "quá sức chịu đựng" của chúng. Thương thay! Đó là cái vòng lẩn quẩn mà mai đây, những chàng trai trẻ như Vịt Anh và các cô bạn gái cùng lứa tuổi hoặc nhỏ hơn lại sẽ bước vào!
Và đúng như hoada96 vừa cảm nhận: không có sự biện hộ nào tốt bằng vị luật-sư-thời-gian. Cùng với thời gian, ta sẽ vỡ lẽ ra nhiều điều...
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"